Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập49,208,954

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Ngõ Con Mắt: Cung đường có những người khác thường và dính nhau như số kiếp

Cù Mai Công

  • Thứ năm, 20:13 Ngày 12/11/2020
  • Tôi không viết tiểu sử họ, không thể nhận xét họ vì họ vượt quá tầm kiến thức và suy nghĩ của tôi. Họ quá khác so với sự bình thường của tôi, của bạn, của chúng ta… Tôi chỉ ghi nhận những gì mình biết về những con người trong con hẻm tôi đã qua lại, chơi đùa hàng ngàn lần; nhiều người thân thuộc với tôi.

    … Ngõ Con Mắt là một con hẻm nhỏ dài gần 300m của vùng Ông Tạ, nhưng không bác tài nào, từ chú xà ích xe ngựa thập niên 1960, bác tài xích lô đến tài xế xe lam từ Bà Quẹo cho tới ngã sáu Phù Đổng thập niên 1970 không biết.

    Trong cái "ngõ nhỏ, phố nhỏ" ấy, có nhà những con người bình thường ở đó. Họ đã có những ngày sống lãng mạn, đầy ước mơ trong khung trời bình yên của ngõ. Nhưng bỗng một ngày, từ khung trời đó, họ thoắt trở nên "khác thường". Cả nước biết tên, hải ngoại nghe tiếng...

    PHÁC HỌA KHUNG TRỜI CỦA NHỮNG “KHÁC THƯỜNG”

    Trước khi ông chủ đất Nguyễn Văn Thêm vừa bán giá rẻ vừa hiến cho cộng đoàn giáo xứ An Lạc khu đất này, nơi đây đã có lác đác 4, 5 gia đình ở. Lúc đó là đầu năm 1955. Cộng đoàn trại Hà Nội, sau này là giáo xứ An Lạc của linh mục Trần Ngũ Nhạc chưa đến. Vắng vẻ nên trộm cắp cũng nhiều. Ông thượng sĩ Thược, nhà ở đây đã rình, bắn gục một kẻ trộm.

    Ngõ có tên này vì trước 1975, đầu ngõ có một bảng quảng cáo khá lớn vẽ chỉ một con mắt, của một ông lang bên trong, gần đầu ngõ, chuyên chữa các bệnh về mắt. Ngõ Con Mắt ấy nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, Tân Bình. Nếu đi từ Hòa Hưng xuống, qua hẻm này khoảng hơn 150m thì tới ngã ba Ông Tạ.

    Con hẻm này dài khoảng 300m, song song với đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai, Tân Bình). Cuối hẻm là đường Lưu Nhân Chú (tên cũ là đường Dân Chủ). Nếu theo đường chim bay, nó cách khoảng 150m; còn nếu con chim ấy đi bộ thì có thể dài hơn xíu.

    Nói là hẻm nhưng nó rộng như một con đường nhỏ, chiều ngang 7-8m; rộng và dài hơn con đường Lưu Nhân Chú cuối hẻm. Vậy nên trước 1975, nó có tên hẳn hoi: đường Thăng Long. Hiện nay vẫn còn công ty ở đây mang tên Thăng Long - như một dấu vết xưa của con đường bị hạ xuống thành hẻm này.

    Ngõ hẻm này xưa là cung đường chính của trại Hà Nội, tiền thân giáo xứ An Lạc hiện nay. Hồi cuối thập niên 1950, ở ngõ hẻm này có lúc từng có một ngôi chợ mang tên Hà Nội. Cà phê Thăng Long nổi tiếng trước và sau 1975 trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân, Tân Bình) thuở ban đầu cũng ở đây. Thậm chí, nó nằm ngay ngôi nhà, quán cà phê Thanh Hoài của gia đình anh Đỗ Trung Quân sau này.

    Ngôi nhà này vốn là nhà đất của gia đình ông Năm “xe ngựa”, người Nam cố cựu, có mấy cô con gái; bao trùm cả cái tháp canh lửa (nay là trạm dân phòng).

    Bên trái ngõ Con Mắt, ngoài đường Lưu Nhân Chú hiện nay, cung đường này còn hai con hẻm nhỏ thông ra đường Thoại Ngọc Hầu, liên thông với khu vực chợ Ông Tạ sầm uất. Bên phải, có 3 con hẻm nhỏ khác thông ra khu nhà thờ An Lạc - trái tim của giáo xứ An Lạc.

    Đầu ngõ xưa, ít nhất từ 1960 có xe phở Lưu Phương, trước cả xe phở Mầm (sau mở tiệm trên đường Phạm Hồng Thái, gần ngã ba Ông Tạ, lấy tên phở Hải Phòng) không chỉ ngon mà còn rẻ: 5 đồng/tô lớn, 3 đồng tô nhỏ, tô không thịt 2 đồng. Nguyễn Duy Linh, một người cháu bên ngoại, gọi ông Địch là bác quả quyết đó là "tiền thân" của phở Ông Địch, do ông Địch khi ấy lấy tên quê cũ (Lưu Phương, Ninh Bình) đặt tên.

    Sau này, có thêm gánh canh bún của bà Tí. Gánh bún mà theo một nữ thực khách 30 năm của gánh bún này, và cũng là hàng xóm: "Gánh canh bún nổi tiếng của bà Tí cho đến bây giờ vẫn rất đắt hàng. Hai bác Tí đã mất nhưng cô con gái vẫn tiếp tục bán. Tôi luôn nghĩ rằng: món bún riêu thì ở hải ngoại nấu được nhưng canh bún thì chỉ về quê hương, về ngõ Con Mắt mới thưởng thức đúng vị!".

    Từ ngoài ngõ, nhìn thẳng vào chừng vài chục mét hiện nay là một trạm dân phòng, dấu vết của cái chòi gác lửa, hay gọi là tháp canh cháy khu vực này hồi đầu thập niên 1960 - lúc ấy toàn nhà lá, mùa khô dễ cháy và thực tế cũng có cháy vài lần, may bà con dập kịp. Cái tháp canh này cao đến gần 20m; thanh ngang thấp nhất của nó quá tầm vươn tay của một người lớn, vậy mà đám trẻ con khu này không ít đứa lại coi như một thách thức; cứ vắng người lớn là leo trèo...

    Trước khi đến chòi gác lửa có gần chục nhà, bình thường như nhiều nhà khu Ông Tạ, kể cả ông lang chữa mắt với tên tiệm Ích Mẫu (cái bảng nổi tiếng hơn ông lang nên người ta chỉ nhớ cái bảng): tiệm chụp hình Liên Nga, nhà may Chiến, gạch bông Đại Lợi…

    Ngay tháp là một ngã tư không thẳng thớm, vuông góc mà xeo xéo nhau: đi sang phải một chút mới thẳng tắp đến cuối ngõ. Sang trái đi hơi cong nhưng cũng đi một mạch ra đường Thoại Ngọc Hầu, gặp nhà thuốc tây Bình Dân của trung tá Biệt động quân Đào Bá Phước. Bên kia hẻm này là hẻm Gà, đầu hẻm có nhà của cha mẹ ca sĩ Giang Tử.

    Đi hẻm bên phải là ra xóm ông chủ đất Nguyễn Văn Thêm, người bán lẫn hiến cho cộng đoàn An Lạc 113.000m2 lập xứ, mở chợ Hà Nội, xây nhà thờ An Lạc; rồi xóm cầu tiêu công cộng. Qua 3 con hẻm nữa, hẻm thứ tư quẹo trái là ra nhà thờ An Lạc. Trong đây có xe phở Mầm, xe phở ông Địch nổi danh một thời...

    Vừa qua ngã tư chòi canh lửa, đi thẳng ngõ Con Mắt có nhà anh Hợi, chuyên thọc tiết heo; nhà cụ Bùi Trọng Thúc, ông nội của MC Đại Nghĩa; rồi tới nhà anh Tập “lùn”. Anh này tuy nhỏ con nhưng ý chí lớn, từng tham gia đóng một loạt phim “bất đắc dĩ” “Triệu phú bất đắc dĩ”, “Người chồng bất đắc dĩ”, “Anh hùng bất đắc dĩ”… trước 1975. Đóng phim vậy nhưng chắc anh không “bất đắc dĩ” đi đóng phim đâu. Ảnh mê cái này thật và có năng khiếu rõ ràng; nếu không sao người ta lại mời anh đóng tới mấy phim. Trước khi đóng phim, nhà anh đã có tiệm làm và bán giò chả.

    Đối diện nhà anh Tập “lùn” là nhà ông Năm Châu, con rể cụ chủ đất Nguyễn Văn Thêm. Trước 1975, đây là ngôi nhà rộng nhất hẻm này; tường xây, cổng sắt, sân rộng.

    Trong cái ngõ ấy có nhà ông Ngật. Trưa trưa, chiều chiều, bà Ngật cất một câu "hò" quen thuộc; giọng "hò" dài như "tiếng hò sông Hậu", chứa chan yêu thương, chỉ một câu: "Yên Anh Ánh Sáng Minh Thịnh Vượng Tuyết Vân Hòa" (?!).

    Ai ở trong xóm mới hiểu ý nghĩa lời bài hò ấy: đó là tên 10 đứa con trai lẫn gái của bà. Bà Ngật gọi các con về ăn cơm hay họp "hội đồng thành viên"... gia đình. Trong nhà có treo bảng, ghi rõ "...giờ họp gia đình". Cứ như hồi sau 1975, người ta réo nhau ầm ầm đi họp tổ dân phố. Một thời gian sau, bỗng giọng hò của bà Ngật dài thêm một từ: "Yên Anh Ánh Sáng Minh Thịnh Vượng Tuyết Vân Hòa... Uyên". Uyên nào đây? Hóa ra chị Yên, trưởng nữ của ông bà yên bề gia thất; nhà thêm bé gái tên Uyên. Bà Ngật "úp đát" (update - cập nhật) cháu ngoại thôi mà. Tam đại đồng đường vậy là hạnh phúc, vui vẻ nhưng quy củ. Quả cũng là một cách sống hay.

    Gần nhà bà Ngật, ông trời khéo run rủi có ông bà Nghị. Nghị - Ngật quả là hai cái tên hợp nhau. Có nhà bà Múi (hay Muối gì đó). Bà Múi vốn là nghệ sĩ cải lương, mẹ anh Voi "xù" và chị Hiền. Ôi, hai anh chị nhà này nhảy nhót một cây, vang danh một thuở cùng với anh Tiềm "khàn", em trai trùm du đãng Sơn Đảo ở hẻm 158.

    Anh Voi tên thật là Linh, có lẽ bị gọi là Voi vì bố anh từng là diễn viên Cảnh Tượng của đoàn cải lương Chuông Vàng Thủ Đô Kim Chung trước 1954. Anh Voi nhảy cùng thời với vũ sư nổi tiếng Nguyễn Hưng trước 1975.

    Lê Trung, một học trò nhảy của vũ sư Voi “xù” kể: “Tới năn nỉ một thời gian, anh mới nhận dạy nhảy. Nhìn anh Voi nhảy chachacha hay bebop thì không rời mắt được. Anh ghét nhất đứa nào nhảy chachacha mà lắc mông hoặc đá đá cái chân, quẹt quẹt (mode thời đó). Anh nói: Nhảy thì vai giữ thẳng, thăng bằng. Tay trái không được để bàn tay chạm lên người nữ, mà dùng phần phía trên ngón tay cái để nhẹ vào thôi. Anh lắc chachacha bằng phần hông, nhìn đẹp mà không bị "chuối". Rồi anh còn nói phải ăn hột vịt lộn rữa thì khi quay bebop sẽ không bị chóng mặt. Báo hại tôi bỏ hết tiền ra khổ luyện món hột vịt rữa mấy tháng, chóng mặt thì vẫn chóng mặt…”.

    Rõ nhà anh Voi là một gia đình có gien văn nghệ sĩ. Vậy nên anh Voi mới là bạn nhảy thân thiết với anh Hưng “điên”, cũng con một gia đình nghệ sĩ từ trong máu.

    Anh Hưng tên thật là Bùi Đại Hưng. Ai đó đặt cái hỗn danh “điên” cho anh, tôi nghĩ một là “ghen ăn tức ở” với tài nghệ nhảy nhót của anh, hai là không hiểu hết cái chất nghệ sĩ từ trong máu của anh. Ba anh Hưng là cụ Bùi Trọng Thúc, thời xưa từng là sĩ quan Liên bang Đông Dương, thuộc Quân đoàn Liên hiệp Pháp chiếm đóng Thượng Hải, Thiên Tân bên Trung Hoa. Sau 1954, cụ có lúc còn mở một nhà in ở Tân Định.

    Nhưng có lẽ cụ không thich lắm mấy cái trò đánh đấm, chiến tranh lẫn in ấn bằng ca nhạc. Cụ giỏi nhiều món nhạc khí Việt, dạy cho con cái nên con cái, anh chị nào trong nhà cũng giỏi mấy món này, kể cả anh Hưng. Thỉnh thoảng cụ Thúc rủ thêm bạn bè tới nhà, hòa nhạc, kìm, cò, tranh… đủ hết. Cả xóm Hà Nội hôm ấy réo rắt tiếng đàn như thuở thái bình.

    Vậy mà bỗng một hôm, anh Hưng bỗng chán ngán sự đời lẫn tiếng đàn ca. Anh quy y Phật pháp, chí thú tu hành; lên bậc đại đức. Nếu không có “sự cố”, hẳn đại đức Bùi Đại Hưng thành thượng tọa, hòa thượng cũng không lạ. Sự cố thế này: một hôm, đại đức Hưng thấy có một cô nào đó vô chùa, càm ràm vị trụ trì ngôi chùa mình đang tu là “chàng” gửi tiền bạc ít quá, không đủ xài gì đó. Thế này thì buồn quá đi mất, thế là anh bỏ tu, về lại cõi bụi trần, say mê học… đấm bốc thay cho gõ mõ, thỉnh chuông, có lúc từng là võ sĩ hạng lông. Rồi anh nhảy nhót tưng bừng, bay bướm không thua kém ai. Sự đời đố ai biết trước.

    Anh lấy vợ, lập gia đình. Con anh hiện nay là MC Đại Nghĩa. Cái gien ông bà, cha mẹ như gia đình bà Múi là có thật đấy nhá.

    * Đi gần cuối ngõ, bên tay phải ruộng rau muống nhà ông Nghi, nhà ông bà Lý Sóc. Ông Nghi vợ mất sớm, ông lập gia đình lần nữa. Chẳng may, không biết giận dữ gì con riêng của chồng, bà vợ sau ra tay sát hại con trai ông Nghi, dìm xuống ao rau muống.

    Đi tiếp là nhà ông Quản Toét mở tiệm tạp hóa đầu tiên hẻm này. Mắt ông nhỏ xíu, có người bảo là do ông bị mắt toét. Thế sao ông không ra đầu ngõ, gặp ông lang trị mắt nhỉ? Hay trị rồi mà không hết? ”Bụt chùa nhà không thiêng” chăng?

    Đối diện nhà ông bà cụ Lý là mảnh đất trống, sau này và hiện nay là đền thánh Giuse. Cách vài căn nhà cụ Lý là nhà họa sĩ Mạc Chánh Hòa, mở phòng vẽ gần hồ tắm Cộng Hòa, sau 1975 thì dời về nhà. Người họa sĩ này chuyên vẽ tranh phong cảnh đồng quê, chân dung…; màu sắc bàng bạc như sương khói rất lãng mạn, mơ hồ…

    Đối diện dãy nhà ông bà cụ Lý là một lò rèn, có mấy con gái trắng trẻo, xinh xắn, học “trường Tây” trên Sài Gòn, hình như Trưng Vương, Gia Long gì đó. Trưng Vương vốn là trường ở Hà Nội, 1954, thầy trò kéo nhau vào Nam lập nên trường này. Không rõ ông cụ lò rèn có phải dân gốc Hà Nội…

    Khu vực cuối ngõ này mà không nhắc tới ông Tổng Vi là thiếu sót lắm lắm vì nhà ông nuôi heo nhiều nhất khu Ông Tạ. Vậy chứ ông ngoan đạo số một. Xưa, cứ mùa Chay, rước Thánh Hài (tượng thi hài Chúa sau tử nạn) thì giáo xứ An Lạc tổ chức đoàn rước mặc đồ tang. Đi trước Thánh Hài, cụ Tổng Vi cầm hai thanh gỗ lệnh điều khiển đội đô tùy khiêng hòm và đội trắc . Trước ngày Chúa tử nạn, trong lễ Rửa chân bên Công giáo, cụ luôn là 1 trong 12 vị tông đồ được cha chánh xứ An Lạc Trần Ngũ Nhạc rửa chân. Rồi ông y tá Quản Đình Phú chích dạo đã vào “thơ ca” Ông Tạ: “Đồng bào Ông Tạ xôn xao – Quản Trọng Phú chích nốc ao bà già” (chả là số ông không may, có lần chích thuốc thế nào mà chết một bà cụ)…

    HAI “TRẠM GÁC” MƠ MỘNG HAI BÊN NGÕ CON MẮT

    Hai “trạm gác” này không nằm ngay cửa ngõ mà lùi sâu vào trong vài chục mét. Một trạm trụ đầu hẻm vào xóm chùa Vạn Quang, một trạm trấn đầu hẻm vô xóm Ông Chủ Đất. Nếu xét toàn cảnh, hai trạm “trấn giữ” đoạn đường thẳng tắp của Thăng Long. Hai trạm ấy là hai quán cà phê.

    Quán cà phê đầu tiên của trạm bên trái là Thăng Long, rồi tới cà phê Thanh Hoài của gia đình anh Đỗ Trung Quân. Khi đó, nó là một ngôi nhà trệt, mái ngói kiểu Nam bộ nằm trong một cái sân rộng. Trong sân có một cây vú sữa, một cây ổi và một giếng nước cũ gần đấy. Đêm trước cổng chùa Vạn Quang thuở thiếu thời của anh khi ấy luôn có con ma nhỏ ngồi xõa tóc im lặng ở chiếc xích đu cũ khoảng vườn phía sau nhà.

    Khoảng 1971, ngôi nhà ấy bán cho chủ mới. Chủ mới phá bỏ toàn bộ nhà cũ, xây nhà mới. Nhà mới, chủ mới nhưng nghề vẫn cũ: cà phê Mây Chiều.

    Chủ mới tên Huy, anh bà con của các anh Ngạn, Dũng, Sang, Trọng… Trong đó, hai anh Trọng, Ngạn sau này là ca sĩ Ngọc Trọng, MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Các cô con gái nhà này đều tên Hằng, chỉ khác tên đệm. Sau 1975, ông Huy đi cải tạo, con gái bán một thời gian nghỉ bán. Gia đình xuất cảnh, nhà sang chủ mới, không bán cà phê nữa.

    Mối quan hệ của nhà Mây Chiều cũng khá lạ: Em trai ca sĩ Giang Tử là anh Thế Sơn học với Sang. Ngoài Ông Tạ cũng là hàng xóm, nhà vào trong An Lạc cũng là hàng xóm; tro cốt của các cụ thân sinh của ca sĩ Giang Tử và MC Nguyễn Ngọc Ngạn gửi ở Nhà chờ Phục sinh giáo xứ cũng hàng xóm của nhau.

    Càng lạ hơn là mối quan hệ giữa con cái hai nhà cà phê Thanh Hoài và cà phê Ngự Uyển – “trạm” bên phải.

    Ba anh Quân vốn là ký giả, chủ nhiệm một tờ báo có tiếng ở Sài Gòn. Còn ông bố các anh chị nhà Ngự Uyển vốn là chủ hãng xì gà Pháp Facideo ở Hà Nội, tiêu thụ khắp Đông Dương. Cả ông và bà cả giỏi tiếng Pháp, có lúc dạy Pháp văn cho nhiều học trò trong khu vực. Khi ông bà mở trường dạy may cạnh nhà tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu thập niên 1960, dù nhỏ, tôi vẫn thấy bố mẹ, các anh chị hàng xóm sang trọng và Tây lắm. Con cái tên Việt nhưng tên gọi ở nhà, tôi nghe toàn tiếng Tây: chị Mô, chị Ni, chị Bê, anh Môka… Hình như nhà anh không ăn thịt chó nên sau này anh Tiến bảo: “Miếng thịt chó đầu tiên anh ăn là chị Huynh (chị tôi) em cho đó. Chị Huynh cũng thương anh lắm”.

    Gia đình bên Ngự Uyển có mấy nhà khu Ông Tạ. Có lúc mở cả hãng sản xuất bột nhi đồng hiệu Em Bé… Khi mở trường dạy may cạnh nhà tôi, ông bà đã mua nhà góc Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám) – Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân), mua cả nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa, rồi chuyển về Ngự Uyển. Thật “kỳ diệu” khi sau hơn nửa thế kỷ, quán cà phê này đến nay vẫn còn, vẫn với dáng vẻ lãng mạn như khi ra đời với khoảng sân, căn gác mát rượi và cây nhãn xưa… Quán cà phê lâu đời nhất Ông Tạ vẫn còn đó.

    Ông bà Ngự Uyển có 12 người con: 9 gái, 3 trai. Tất cả các cô gái đều tên Lan, chỉ khác tên đệm: Hoàng Lan, Mộng Lan, Phương Lan, Mộc Lan… Một cô Lan vẫn còn ở đây, còn lại đều đã định cư nước ngoài.

    Thằng bé Đỗ Trung Quân nhà Thanh Hoài lúc ấy mới 12, 13 tuổi lại được các anh Trịnh Quang Tiến, Trịnh Quang Trung… bên Ngự Uyển cưng. Anh Quang Tiến nhớ lại: “Thằng bé Quân rất ngoan, rất lễ phép. Gặp người lớn đều cúi gập người chào và cười rất dễ thương. Bà mẹ Quân rất đẹp, vui vẻ và hào phóng. Bà rành văn thơ và nói chuyện tiếu lâm vui lắm”.

    “Bà mẹ Quân thương và coi mình như con cháu” - anh Tiến khoe. Anh nói thật lòng. Làm sao không thương được khi con bà, thằng bé Quân cứ ôm chân các anh chị bên Ngự Uyển cả ngày. Vừa nhờ anh Tiến dạy kèm toán vừa tập tành đàn hát ở cái gác trên tầng 1 phía sau nhà Ngự Uyển. Mà hình như mấy anh em đàn hát nhiều hơn học.

    Có lẽ đây là những ngày thơ ấu đẹp của nhà thơ Đỗ Trung Quân sau này. Ở đó, có người mẹ đi chợ về, “nón lá nghiêng che”, có cánh đồng rau muống sau nhà ông bà cụ Lý cho tuổi thơ nó thả diều, có những chùm khế, chùm nhãn… vườn ông chủ đất xum xuê trái cho nó lén trèo hái mỗi ngày…

    Thế nhưng cái thằng bé ngoan ngoãn, lễ phép, giúp lễ cho cha Nhạc của giáo xứ An Lạc ấy lại ẩn giấu một sự khác thường trong lòng. Nó đổ giấm vào chén rượu thánh của cha. Dù nhỏ con nhưng nó sẵn sàng vặc nhau ra trò với đám trẻ con các xóm khi giành nhau khí đá vụn bên xe phở ông Địch, trong đó có cả con trung tá Nguyễn Văn Nhã, Trưởng phòng 4 hành quân Bộ Tổng tham mưu VNCH… Liệu có con ma trẻ con nào ở căn nhà cũ bên khu An Lạc, con ma bên giếng sân nhà cà phê Thanh Hoài xúi bẩy nó nổi loạn như vậy?

    16 tuổi, buồn thay, nó nhà đi bụi với lời hứa hẹn ngấm ngầm với mẹ: “Sẽ cố để lo cho mẹ” khi người mẹ văn chương của nó cắn răng chịu đựng những nỗi đau thời khánh kiệt: bán nhà, rời xóm Hà Nội này ra rạch Nhiêu Lộc tít bên quận 3 sống.

    Điều khác người của nó là đi bụi, làm đủ nghề để sống, kể cả vẽ, cọ rửa panô phim rạp Thanh Vân, bán báo… nhưng nó vẫn đi học trường Thánh Tô Ma (Saint Thomas – nay là trường Phú Nhuận). Trong đêm gác trọ rạch Nhiêu Lộc trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ) nó nghĩ gì? Tôi không tin nó quên những ngày tháng êm đềm cũ của Thanh Hoài, của gác Ngự Uyển và mùa Noel xóm đạo thuần thành An Lạc.

    Những mùa Noel ấy có một thằng bé giúp lễ nhen lên bao ước mơ bình yên, trong trẻo đến vô cùng trong đêm Ông Tạ có gió may cuối năm phơn phớt đường Thăng Long… Để sau này, ẩn trong những bức tranh hỗn độn màu sắc của nó luôn lóe lên những mảng màu nguyên vẹn, không pha trộn, trong trẻo kỳ lạ đến mức tôi tưởng tượng có thể nhìn xuyên qua những vệt màu trong vắt ấy… Và những bức tranh đêm Giáng sinh xóm đạo xưa luôn có vệt màu trắng tinh tuyền, có bầu trời đêm Noel trong vắt, có ánh nến lung linh và có cả những trái châu xanh đỏ lóng lánh treo trên cây thông bán đầy ngã ba Ông Tạ…

    Thơ văn của anh, khi “nó” đã thành nhà thơ, nhà viết tản văn đọc nhẹ nhàng nhưng rợn người với những hình ảnh xưa về chiều cuối năm có mùi khói đốt lá rụng, có nồi bánh chưng bập bùng ngõ Con Mắt và có người mẹ tột cùng yêu thương của anh. Để có người đọc, cho là những vần thơ về mẹ hay nhất, đọc nhói tim những người con nhất:

    “ngày xưa chào mẹ ta đi

    mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

    mười năm rồi lại thêm mười

    ta về thì khóc, mẹ cười lạ không

    ông ai thế? Tôi chào ông

    mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi

    ông có gặp thằng con tôi

    hao hao tôi nhớ nó người như ông.

    mẹ ta trả nhớ về không

    trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi...

    (Đỗ Trung Quân – 9/2016)

    Anh ngơ ngác, trẻ con ngay trong thơ, trong tản văn lẫn trong tranh của mình. Anh ngơ ngác, khác người cả trong cuộc sống, khi làm báo cùng với tôi ở Khăn Quàng Đỏ, sau này về Tuổi Trẻ cũng làm với nhau. Rồi một ngày anh xuống đường chống Trung Quốc hồi năm 2012, bị an ninh kè kè theo về tận nhà, “ngồi chơi” liên tục tận ngõ nhà anh, lúc này đã ở Phú Nhuận. Anh khác thường, phủi bỏ việc làm hồ sơ làm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2015.

    Căn nhà nhỏ sau này và hiện nay ngày xưa khi tôi đến nhiều lần êm đềm và mát mẻ. Ttrong sân có một cây khế, tiếc là nó không ngọt như cây khế vườn nhà ông chủ đất khu An Lạc. Nó chua dù quê hương trong anh luôn là chùm khế ngọt.

    Anh, một “dân Ông Tạ đó”: khác người. Nên thơ anh, văn anh, tranh anh khác người: đọc, coi mà không hiểu là có cảm giác nhẹ nhàng hay rợn cả người. Có lẽ cả hai, trộn lẫn vào nhau, như con người anh, như ẩn ức tâm tư anh…

    Như chiến tranh và hòa bình, cả hai thứ anh đều từng trải qua. Như ngõ Con Mắt của ấp Hàng Dầu (tên một con phố Hà Nội xưa) mà mẹ con anh từng ở 15, 16 năm hồi 1973 đổi tên thành ấp Hòa Bình. Như một mơ ước của nhạc sĩ Văn Giảng, cũng một cư dân Ông Tạ, mua lại nhà của hai bác Ngự Uyển cạnh nhà tôi: “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc – Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình…”.

    Tiếng vọng ấy giờ vẫn chưa thôi trong lòng anh, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ lẫn nhà… “bất đồng chính kiến” Đỗ Trung Quân. Bỏ qua chuyên chính trị vốn phức tạp, lấn át văn chương, trong mắt tôi, hai nhà thơ Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh là hai nhà thơ lớn nhất trong văn học miền Nam sau 1975 cho tới nay. Cả hai đều dân Ông Tạ, đậm tính cách Ông Tạ: tài hoa, kiêu mạn, bướng bỉnh, không khuất phục… Rất khác người.

    MỘT GIA TỘC “KHÁC THƯỜNG”

    Tiếng vọng ấy tôi nghĩ cũng chưa thôi trong lòng một gia tộc “khác người” trong ngõ Con Mắt, cách nhà cũ anh Quân khoảng hơn 100m: nhà cụ Lý Sóc.

    Ông cụ nhà này tên Trần Phương Sóc, gốc xứ Sa Châu, Nam Định chuyên nghề nước mắm. Bà cụ quê Hành Thiện, nhà đối diện nhà cố Tổng bí thư Trường Chinh. Khi còn ở quê, hai ông bà đã có xe khách chạy tuyến Nam Định – Hành Thiện.

    Vào Nam, hai ông bà và 7 người con (đều sinh ngoài Bắc) đến ngõ Con Mắt trước cả kế hoạch dựng chợ Hà Nội đâu vào khoảng năm 1956, 1957. Nên ông bà đã đóng sẵn mấy tủ kính, tủ gỗ bán hàng.

    Chợ Hà Nội sống được vài tuần trăng, vắng hơn chùa Bà Đanh. Cũng chả sao, ông bà xoay sang bán nước mắm, mắm tôm, có lúc không hiểu lấy ở đâu về cả cao hổ cốt để bán. Nước mắm nhà ông bà cụ làm ra ở xưởng nhà tại làm ở Phước Tỉnh (gần Vũng Tàu; cũng một khu định cư Bắc 54); đựng trong tĩn 3-4 lít, khui khằn ra mùi hơi gắt nhưng khi ăn có vị ngọt hậu. Bà cụ Lý bỏ mối nước mắm ở chợ Ông Tạ, Bàn Cờ, Trương Minh Giảng… ra tận khu nhà tôi ở xóm Đại Lợi.

    Rảnh rỗi chút, bà Lý sang nhà hàng xóm đánh chắn, tổ tôm… Chơi vui chứ tiền bạc không nhiều nhặn bao nhiêu. Khi bài ù, bà vui vẻ, cho ngay con bé chia bài mấy đồng…

    Ông cụ Sóc hiền lành, bà giỏi giang buôn bán và nghiêm tính với con cái. Cả nhà chí thú làm ăn và “siêng năng việc Đức Chúa Trời” như ông Tổng Vi gần đó. Ấy vậy nên mấy người con trai, ai cũng nên danh nên phận: người con trai đầu là bác sĩ Tòng, kế là bác sĩ Bách. Ông Bách lấy vợ, con một chủ tiệm vàng lớn ở chợ Bến Thành, mua nhà cuối đường Pasteur, sang Mỹ nổi danh “mát tay”.

    Con trai thứ ba là giáo sư Trần Đình Thọ, thành viên đồng sáng lập và điều hành tập san Sử Địa của giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng Nguyễn Nhã. Giáo sư Thọ thành gia thất với con gái một chủ tiệm vàng khá lớn, gần hẻm Kim Yến, bên trái tiệm ảnh Á Đông nếu nhìn từ đường Thoại Ngọc Hầu lên ngã ba. Gia đình bên vợ sau 1975 vượt biên, chết thảm gần hết. (Ngôi nhà này sau 1975 có lúc là trụ sở của Nông trường Duyên Hải, rồi báo Pháp Luật VN; hiện là căn nhà đầu tiên khu Ông Tạ, cùng với tiệm bánh Quang Minh bị phá xây Metro – do đã thuộc nhà nước).

    Hai con trai tiếp là dược sĩ Hùng , bác sĩ Cường. Hai cô con gái, chị cả nên duyên với đại tá VNCH Trần Khắc Kính, út nữ gá nghĩa với trung tá VNCH Trần Khắc Nghiêm. Hai ông Kính, Nghiêm là hai anh em ruột.

    Ông Kính sinh năm 1929, người xứ Ngọc Cục, Nam Định. Người xứ này vốn đến Ông Tạ sớm nhất, trước cả cộng đoàn Nghĩa Hòa chính thức định cư tháng 10-1954. Khi lấy con gái ông bà cụ Lý Sóc, ông Kính ở nhà khu A cư xá Sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) – cũng khu Ông Tạ, gần ngõ Con Mắt cho tiện đường thăm viếng cha mẹ.

    Dân trong ngõ chỉ biết ông Kính là đại tá, còn binh chủng cụ thể thì ai chú ý lắm mới biết ông làm Sở Liên lạc, sau này đổi tên là Sở Khai thác Địa hình, đều là hai cái tên nghe rất bình thường. Ông Nghiêm còn có vẻ nổi trội hơn anh với chức vụ thiết đoàn trưởng 18 thuộc sư đoàn 18 của thiếu tướng VNCH Lê Minh Đảo, ông tướng chỉ huy trận Xuân Lộc chống cự và ít nhiều ngăn chặn đà tiến của Quân Giải phóng hồi 30-4-1975.

    Cả ông Kính, Nghiêm lẫn tướng Đảo đều là dân Ông Tạ, nhà trong khu cư xá Sĩ quan Chí Hòa. Gần nhà hai ông là tướng Phạm Văn Phú, cũng có lúc ở khu G (sau này về đường Gia Long). Đầu thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Kính là thiếu tá, còn ông Phú chỉ mới là đại úy – cùng đơn vị “nhảy Bắc” (lực lượng biệt kích xâm nhập miền Bắc).

    Ông Phú người Hà Đông, di cư vào Nam, thoạt đầu ở khu Ông Tạ; là một trong năm tướng lĩnh VNCH tự sát ngày 30-4-1975.

    Sở Liên lạc thành lập cuối năm 1956, sau đổi thành Sở Khai thác Địa hình (tháng 4-1960), thật ra để che dấu một lực lượng bí mật thuộc một chương trình chống Cộng sản cả khu vực Đông Nam Á. Ở miền Nam, nó mang tên Liên đoàn Quan sát số 1 thuộc Sở Liên lạc, thành lập năm 1960, khi ông Kính là thiếu tá.

    Bên cạnh các hoạt động nhảy dù xuống miền Bắc làm công việc tình báo, Sở Khai thác Địa hình còn hoạt động biệt kích chống Mặt trận Giải phóng; tổ chức các toán biệt kích giả thường dân xâm nhập vào phía nam Lào, tìm kiếm và tấn công các tuyến đường giao liên của Quân Giải phóng. Ban Nghiên cứu Hỗn hợp (Combined Studies Division – CSD) được thành lập, đặc trách chương trình Phòng vệ Dân sự (Civil Defense), hoạt động dưới quyền chỉ đạo của phân bộ CIA tại Sài Gòn, đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Gilbert Layton (Mỹ) và thiếu tá Trần Khắc Kính (VNCH).

    15.3.1963, Sở Khai thác Địa hình đổi tên thành Lực lượng Đặc biệt, do đại tá Lê Quang Tung làm chỉ huy trưởng. Ông Kính làm phó. Lực lượng này phụ trách Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống, thậm chí đại tá Lê Quang Tung, một người ủng hộ ông Diệm tuyệt đối từng lên kế hoạch ám sát đại sứ Mỹ Cabot Lodge khi nắm được thông tin ông này có ý muốn loại bỏ ông Diệm.

    Ngày 1-11-1963, do phản đối kế hoạch đảo chính, đại tá Lê Quang Tung và em trai là thiếu tá Lê Quang Triệu bị lực lượng đảo chính sát hại, vùi xác gần công viên Hoàng Văn Thụ hiện nay, ngoại ô Ông Tạ. Một trong những đơn vị trực thuộc lực lượng này là Tiểu đoàn 81 Biệt cách dù, lực lượng cuối cùng của Quân lực VNCH chống trả Quân Giải phóng tấn công Bộ Tổng tham mưu hôm 30-4-1975.

    Ông Kính là người nắm nhiều bí mật lịch sử của VNCH, từ các phi vụ tung biệt kích ra Bắc, vụ hai anh em Lê Quang Tung, Lê Quang Triệu bị sát hại đến hậu trường tướng lĩnh VNCH. Và bất ngờ ông cũng là một cây bút sắc sảo. Vậy nên, sau khi rời trại cải tạo năm 1985, sang Mỹ, ông có một số bài viết trên Saigon Nhỏ và nhật báo Người Việt, ký tên Tiên Châu, Kim Thạch: “Lật một trang sử cũ”, “Những trận đánh trước khi rời miền Bắc”, “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Nhân đọc cuốn Những huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm của Vĩnh Phúc”, “Hoa dù nở rợp trời xanh”, “Hành quân Lam Sơn 1 vào mật khu Đỗ Xá”…

    Cuộc Hành quân Lam Sơn 1 vào mật khu Đỗ Xá (Quảng Ngãi) của Quân Giải phóng do ông chỉ huy. Theo hồi ký của ông Kính, đây là một mật khu được phòng thủ kiên cố với hỏa lực rất mạnh, rất khó xâm nhập. Ông đã cho làm một đại đội nhảy dù bằng hình nộm đưa lên máy bay. Sau khi cho pháo binh pháo vào và không quân oanh tạc ở phía bắc mật khu, đại đội hình nộm này được thả xuống để nghi binh. Khi lực lượng Quân Giải phóng tập trung quân và hỏa lực vào đó, ông cho các toán quân tiến vào các hướng khác…

    Sau cuộc hành quân này, ba tướng VNCH Nguyễn Khánh, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính ca ngợi ông hết lời với Tổng thống Diệm. Đại tướng Lê Văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng VNCH ra tận Quảng Ngãi gắn 50 huy chương bạc và đồng cho các đơn vị tác chiến. Huy chương vàng duy nhất dành cho thiếu tá Kính.

    Công việc như vậy nên ông Kính rất kín tiếng. Khi về chơi với ông bà cụ Lý, cha mẹ vợ, ông ít nói, tác phong nhà binh.

    Ông có 1 con trai tên Cung và 4 con gái tên Lan, Liên, Mai, Dung. Cô Lan, 1 trong 4 cô sau này thành thân với anh Nguyễn Tiến Dũng, một người con trai của trung tá Nguyễn Văn Nhã, trưởng phòng 4 hành quân Bộ Tổng tham mưu VNCH. Gia đình ông Nhã cũng dân ngõ Con Mắt, cùng bên dãy nhà cụ Lý Sóc, cách chừng 50m. Một người con trai khác của ông Nhã là Nguyễn Tiến Thành cũng lấy con gái đầu bác sĩ Bách, con ông bà Lý Sóc.

    Khi sang Mỹ, ông bà Kính và người con trai tên Cung đã mở hệ thống Phở 79 ở Cali, lừng lẫy trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

    Trước đó, sau 1975, ai vô nhà cụ Lý chơi đều thấy để sẵn một cỗ quan tài, phòng hậu sự cho bà cố mẹ bà cụ Lý. Lúc ấy bà cố đã hơn 90 tuổi, ở với cháu ngoại là cô Hồng, vợ trung tá Khiêm đang đi cải tạo (cùng với anh ruột là đại tá Kính) và hai con nhỏ của cô.

    Khi ông Kính và Nghiêm đi cải tạo (1985 về), gia đình cụ Lý đi vượt biên nhiều chuyến trong năm 1978. Điều kỳ lạ là bà cố, mẹ bà cụ Lý khi đã 92 tuổi, dù đã để sẵn quan tài trong nhà, cũng lên một chiếc tàu gỗ ra khơi. Có lẽ bà là người Việt cao tuổi nhất lên tàu vượt biên những năm sau 1975. 24 năm trước, khi gần 70 tuổi bà cũng cùng con cháu lên tàu vào Nam. Quả khác thường.

    May mắn là bà cố đã đến Mỹ và đến 103 tuổi mới mất. Còn cháu gái của bà là cô Hồng lại có một kết cuộc bi thảm. Hai chị em, bà Kính và cô Hồng đi chuyến cuối. Nghe nói chuyến tàu cạn lương thực, cô Hồng mất trên tàu và (nghe nói) đã bị những người trên chuyến tàu đó, để sống, để tồn tại đã… ăn thịt cô. Cô Hồng vốn dáng người cao lớn, vẻ phúc hậu, tính tình vui vẻ, xởi lởi và đảm đang. Bà Kính chứng kiến, bị tâm thần mấy năm, may các em trai đều là bác sĩ, dược sĩ mới trở lại bình thường.

    Vậy nên có lúc bà con ngõ Con Mắt bảo những đêm tối trời hay mưa gió, ít ai dám qua nhà cũ của cụ Lý Sóc. Có người chắc nịch rằng những đêm lạnh lẽo, trên bậc thềm nhà cũ ấy có một cô gái cao lớn, xõa tóc ngồi khóc thảm thiết đòi vào nhà cả đêm. Còn người ở đó, toàn nghe nồi niêu soong chảo khua vang, rớt loảng xoảng từ sân thượng xuống cầu thang. Ngay buổi trưa, có khi còn nghe tiếng cười con gái khanh khách rất lạ trong nhà …

    MỘT CHUYỆN BUỒN TRONG NGÕ CON MẮT

    … Lúc 12g30 trưa 30-4, cánh cổng sắt trước ngõ Con Mắt vẫn bị các nhóm Nhân dân tự vệ ấp Hòa Bình (tên sau này của một phần ấp Hàng Dầu) đóng kín, khóa chặt. Đêm 30-4, khu Ông Tạ cúp điện. Đám con nít khu Ông Tạ, trong đó có tôi, tò mò chạy sang một căn nhà ở ngõ Con Mắt (cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân chừng 100m) coi 9 thi thể của cả gia đình thiếu tá VNCH Đặng Sĩ Vĩnh tự sát lúc 2 giờ chiều 30-4 trước đó.

    Cả nhà nằm chết ngay ngắn trên giường (riêng xác thiếu tá Vĩnh xô lệch); thái dương từng người đều có vết đạn. Con trai đầu của gia đình là trung úy Đặng Trần Vinh năm đó 27 tuổi cũng nằm chết trên giường cùng mẹ và hai em gái út sinh đôi năm đó 15 tuổi, hơn tôi 2 tuổi. Hai cô này da trắng, tóc dài, đen nhánh, buộc nơ đỏ, xanh thường đùa nghịch cười rúc rích.

    Căn nhà khá chật với một gia đình 9 người, không có chỗ để xe, phải gửi xe ở nhà ông Năm Châu, con rể ông chủ đất Nguyễn Văn Thêm vốn rộng nhất xóm. Ông Vĩnh vốn là Trưởng ban Binh địa Phòng Nhì Bộ Tổng tham mưu VNCH, sau biệt phái qua Tổng nha Cảnh sát. Bà con hàng xóm nói ông sống hiền lành.

    Vợ ông là Trần Ánh Nguyệt, chị vợ của nhà thơ trung tá Hà Thượng Nhân với bài thơ nổi tiếng năm 1960 được dạy ở đại học: "Chiêu niệm quái thơ". Hà Thượng Nhân vốn là giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia, chủ bút rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến ban đầu thuộc Cục Tâm lý chiến VNCH; từng làm giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc, bộ môn Thơ. Vợ chồng ông Vĩnh từng làm chủ một nhà in.

    Theo Nguyễn Hà Tường Anh, một đứa con nhà hàng xóm có cha vốn làm ở Tổng cục Chiến tranh Chính trị nhà cách đó chục căn, gần nhà bà Ngật, ông Vĩnh để lại một lá thư cho người anh trai là ông Đặng Sĩ Toản. Trong một lá thư ngắn khác, ông có lời xin lỗi hàng xóm vì quyết định của gia đình ông có thể làm phiền họ. Ông còn xin họ giúp báo tin cho thân nhân của ông để lo chôn cất và còn một ít tiền để trong ngăn kéo.

    Ông Toản báo với em gái là bà Hà Thượng Nhân. Bà Hà Thượng Nhân cùng chị là bà Chấn, chị dâu là bà Tâm, em gái là bà Viên khi khói súng chiến tranh chưa tan, làm tang lễ vội vàng rồi lặng lẽ đưa 9 quan tài gia đình ông Vĩnh ra nghĩa địa Đô thành Chí Hòa cách đó vài trăm mét (nay là công viên Lê Thị Riêng) chôn cất; nơi lúc sinh thời, ông qua lại hàng ngày.

    … Kể thêm có lẽ không cùng, xin nói hai trùng hợp ngẫu nhiên khá “khác thường” của ngõ này:

    1. Nhà Ngự Uyển xưa cạnh nhà tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu. Về ngõ Con Mắt, một cạnh nhà nhìn thấu đến cuối ngõ. Ở cuối ngõ, có một căn nhà sau này chị ruột tôi mua (đã bán mấy năm rồi), cũng nhìn thấu đến cà phê Ngự Uyển.

    2. Đầu ngõ, khi chưa nổi danh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mở một tiệm làm tóc ở đây, thỉnh thoảng xuống tới quán hủ tíu mướn nhà tôi ở xóm Đại Lợi để ăn – hình như anh thích món hủ tíu nên sau này, khi đã thành danh, anh có lúc mở một hệ thống hủ tíu, tiếc là không thành công như ca hát. Cuối ngõ, cũng khi chưa nổi tiếng dù có đi ca rồi, có nhà của cha mẹ ca sĩ Tóc Tiên. Cả hai ca sĩ này điều từng là ca viên của ca đoàn Công giáo và giờ thì ai chả biết họ khác thường.

    Có khi vì vậy mà họ nổi tiếng chăng?!…

    P/s: Stt tới: ĐƯÒNG THÁNH MẪU, KHU NGHĨA HÒA, SAO MAI, TRƯỜNG MAI KHÔI, NHÀ THỜ CHÍ HÒA, RỪNG CAO SU PHÚ THỌ...Nơi ấy, có một thời tuổi thơ tôi học ở đó, chơi ở đó và níu trái tim mình ở đó.

    - Ảnh gia đình Ngự Uyển: Ông nhà Ngự Uyển (chủ hãng xì gà Pháp Facideo ở Hà Nội, tiêu thụ khắp Đông Dương trước 1954) với 6 cô Lan đầu tiên trên đường Catinat (Tự Do, nay là Đồng Khởi) năm 1953. Bé trai là anh Trịnh Quang Tiến Quang Tien Trinh. Bà vú (phải) mặc quần rộng thùng thình như váy lĩnh Hưng Yên này theo gia đình bác Ngự Uyển từ Hà Nội vào - Ảnh: Gia đình cung cấp.

    CMC.

    Facebook Cù Mai Công ngày 31-10-2020

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập49,208,954

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!