Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập52,991,869

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Chuyện nhà

Vũ Thư Hiên

  • Thứ hai, 16:55 Ngày 23/08/2021
  • Nhà văn Vũ Thư Hiên & con, cháu...

     

    Chuyện nhà 1: Ngôi nhà đầu tiên

    Ngôi nhà đầu tiên của gia đình tôi nằm bên hông trái Nhà Thờ Lớn.

    Trước khi lập gia đình, cha tôi ở với ông anh cả là bác Phán Linh. Cả họ gọi ông là ông Phán Linh, với giọng kính trọng, chả gì ông cũng là thông phán tòa sứ. Thời ấy các ông thông, ông phán danh giá lắm. Lương cao, bổng hậu, ông nào ông ấy đều có nhà riêng, có xe nhà đưa rước. Ông nào làm sang thì xe còn có rèm thùa kim tuyến.

    Mẹ tôi ở với bà ngoại và ông anh duy nhất làm ông phán Sở Dây Thép (Nhà Bưu Điện). Tôi không nhớ tên cái phố hay cái ngõ gia đình tôi ở. Hình như nó có tên Ngõ Trạm. Mọi ười trong họ mỗi khi nhắc tới thời gian ấy đều nói: “Hồi nhà cháu ở phố Nhà Chung”. Phố nàylớn, có cái ngõ ấy.

    Gọi ngôi nhà là nói phóng lên, chứ nó là một căn nhà rất nhỏ, rất thấp, rất hẹp và rất tối. Những căn khác cũng y hệt, xếp thành một dãy đều tăm tắp. Bên trong nhà ban ngày tối thui, bước ra đường là chói mắt. Trước nhà có một cây bàng nhỏ lưa thưa lá. Chỉ có thể nhìn thấy đồ vật trong nhà khi cả cửa ra vào lẫn cửa sổ được mở toang và mọi ngọn đèn điện lom đom đều được bật.

    Nhà vắng, chỉ có cha mẹ tôi và chị người ở là “cái Nhài Hiên”. Tôi không biết tên thật của chị là gì, cả lúc nhỏ, cả sau này. Bố mẹ tôi thuê chị. để trông nom tôi. Chị đến với một cái thúng trên đầu và ra đi cũng với cái thúng ấy. Với tôi, “cái Nhài Hiên”là người mẹ thứ hai.

    “Cái Nhài Hiên” xốc nách cho tôi tập đi những bước đầu tiên. Cái Nhài Hiên hiền lắm, không bao giờ chị trừng phạt tôi, cho dù một cái phát nhẹ vào mông. Chị bày đủ trò cho tôi chơi - cho kiến đen kéo đàn lũ tha xác ruồi y như đám ma kiểu Tây với cặp ngựa mão đen ngù đen thỉnh thoảng đi qua phố, có đội kèn tây đồng phục đen theo sau. Với con dao bài và mấy que tăm chị biến cái lá bàng thành con trâu có hai sừng cho tôi dắt đi, hoặc gấp giấy báo thành cái thuyền xinh xắn để tôi thả nó trôi theo dòng nước không ngừng chảy suốt ngày đêm bên hè.

    Chị hay cười, phô hàm răng đen nhưng nhức. Mẹ tôi để răng trắng, hoặc trước kia cũng nhuộm đen, sau mới đánh trắng, tôi không rõ. Vào thời ấy đàn bà nước ta đều để răng đen, thiên hạ gọi người để răng trắng là những cô “tân thời”, bằng giọng không thiện cảm.

    Học giả Nguyễn Văn Ngọc có bài viết rất hay về “tính hay bắt chước của người mình”. Như một nghịch lý, nó lại đi kèm với cái đối lập với nó là tính dị ứng với bất cứ cái gì khác cái đã quen.

    “Cái Nhài Hiên” yêu tôi . Trẻ con nhận ra ngay tình cảm của người lớn đối với mình. Tôi cũng quấn quýt chị. Chị ở nhà tôi suốt thời gian ấy, trong ngôi nhà đầu tiên. Chị rời nhà tôi ra đi khi nào tôi không nhớ. Hình như khi gia đình tôi chuyển đi tới ngôi nhà thứ hai hay thứ ba ở phố Nhà Rượu.

    Rất nhiều năm sau tôi mới gặp lại chị.

    Không hiểu chị tìm ra nhà mới của gia đình tôi bằng cách nào.

    Một người đàn bà nhà quê về già, thấp bé, gương mặt thuần phác hằn những nếp nhăn khắc khổ, đặt tay lên vai tôi, nhìn kỹ vào mặt tôi như cố hình dung ra đứa bé ngày xưa bà từng ẵm trên tay, rồi lẩm bẩm như tự nhắc mình: “Ra là cậu Hiên đây”.

    Hồi ở Nhà Chung mẹ tôi chẳng mấy khi ở nhà. Bà làm việc ở Nam Đồng Thư Xã của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phần đông bạn cha mẹ tôi là từ cái thư xã này. Họ mãi mãi là bạn bố mẹ tôi kể cả khi Đảng Cộng sản coi đảng viên Quốc dân đảng là kẻ thù. Trong những năm 1945-1946 đầy biến động của lòng thù hận có căn cứ lẫn không căn cứ, khi những đảng viên hoặc người bị nghi là đảng viên Quốc Dân Đảng bị truy lùng, bị sát hại, gia đình tôi vẫn là địa chỉ họ có thể tìm đến.

    Cha tôi rất bận. Mỗi khi về nhà, ông bế bổng tôi lên, thơm vội vàng vào má tôi một cái rồi chúi vào công việc. Về sau này tôi mới biết hồi ấy ông làm báo. Nhà báo khốn khổ ra tờ nào tờ ấy bị đóng cửa. Tờ l’Avenir số 1 ra ngày 1/3/1936 chỉ sống được đến 15/8 cùng năm. Không nản, ông cho ra tờ Tân Xã Hội. Nó ra mắt ngày 29/9/1936 rồi bị đóng cửa chỉ sau hai số.

    Trong nhà tôi còn lại  con dấu của tờ Tân Xã Hội để lăn lóc trong ngăn kéo gầm tủ. Tôi lấy nó ra, bôi mực rồi đóng lung tung vào mọi chỗ có thể đóng.

    Mỗi khi được chị Nhài Hiên hay mẹ tôi dắt ra phố, ấy là khi tôi đã chập chững biết đi, thì cái hông Nhà Thờ Lớn nọ che hết tầm mắt. Trên cái mảng xám xịt to lớn của nó ở đôi chỗ vẫn loáng thoáng màu xanh - vài dây leo với những lá bé tí xíu màu hồng pha xám.

    Ra khỏi hông nhà thờ, tôi phải ngước lên mới thấy được hai gác chuông cao và cây Thánh Giá thấp ở giữa. Trên sân dẫn vào nhà thờ được lát đá sạch bong, chim sẻ ríu rít từng đàn bay lên bay xuống.

    Sát nhà tôi có mấy căn sáng nào người ta cũng thắp hương ngoài cửa. Mùi hương thoang thoảng bay trong phố, bay vào tận nhà tôi. Tuy con phố sát nhà thờ, nhưng dân ở đây đi lương đông hơn đi giáo.

    Căn hàng xóm bên phải là nhà một ông phú lít (cảnh sát, từ tiếng Pháp police được Việt hoá). Sáng sáng ông phú lít mặc đồ đen, dắt xe đạp đen, lững thững ra khỏi nhà. Đứa con gái bằng tuổi tôi lũn cũn theo sau. Ông ta xoa đầu nó vài cái rồi leo lên xe, không vội vã đạp đi. Ông phú-lít làm xa, suốt ngày không thấy ông về nhà. Ở khu Nhà Chung không thấy bóng phú-lít nào. Dân công giáo không có ai đái đường để mà phạt.

    Phố im ắng lắm. Cửa mọi nhà trong ngõ thường đóng im ỉm. Chỉ có hai căn có cửa ra vào để mở là hai hiệu tạp hoá. Hai hiệu không có biển tên, hiệu nào cũng bán cùng một thứ - dầu hỏa, tương, nước mắm, bánh kẹo và rất nhiều miếng ô mai vuông bọc giấy bóng kính xanh đỏ.

    Trong dãy này có một căn đặc biệt. Một con ngựa gỗ sơn xanh đỏ, cao bằng một con chó rõ to đặt ở xế cửa. Mẹ tôi đã có lần dẫn tôi vào đấy. Một ông lang tóc bạc, búi tó củ hành, đứng trước cái bàn hẹp và nứt nẻ, bên trên có dao cầu, thuyền tán, sau lưng là cái tủ cao tới trần với vô số ngăn kéo to nhỏ. Căn nhà sực nức mùi thuốc bắc. Không nhìn khách hàng, ông lang lẳng lặng nhón từng chút vị thuốc, khi bỏ vào, khi bớt ra, khỏi cái đĩa cân, trút vào một tờ giấy bản, đoạn gói lại thật vuông vắn và buộc nó lại bằng một sợi cói.

    Trong nhà có một gương lớn bên trên cái bàn chân quỳ. Để soi gương tôi phải kiễng chân mới thấy được mặt mình. Đứng bên mẹ tôi chỉ nhìn thấy mẹ trong gương. Bà chăm chú chải mái tóc dài, rồi vấn khăn. Bà vấn chậm, ngó nghiêng hồi lâu, cho tới khi hài lòng. Những người bạn mẹ tôi cũng vấn khăn y như mẹ tôi, dù tóc nhiều hay ít. Cái độn tóc để vấn khăn làm bằng vải, thả ra nó nằm đuồn đuỗn như con rắn.

     Rắn ở thành phố thời bấy giờ nhiều. Chúng thường bò vào nhà, bị người ta đánh chết, vứt ra đường. Xác rắn, xác chuột bị xe cán bẹp dí. Nắng làm cho chúng khô cong như bánh đa.

    Rồi tôi có em gái đầu tiên.

    Tôi lẫm chẫm đến bên cái nôi từng là của tôi. Em tôi ăn xong là ngủ. Ngoan lắm. Tôi thích nhìn nó ngủ. Tôi đút ngón trỏ vào miệng nó. Nó vẫn ngủ, nhưng nún ngón tay tôi như bú.

    Rồi đờ ra, ngủ tiếp.

     

    Chuyện nhà 2: Phố nhà Rượu

    Hà Nội có một phố không giống phố nào khác. Phàm là phố thì phải có hai dẫy nhà với con đường ở giữa – một bên số lẻ, bên kia số  chẵn. Đàng này Phố Nhà Rượu chỉ một bên có nhà cửa, tất cả đều số lẻ, bên kia là một bức tường cao bằng đá bao quanh nhà máy rượu độc quyền của hãng La Fontaine.

    Rượu nhà máy này có nhiều loại, gọi là rượu ty. Rượu dân tự nấu gọi là rượu lậu, nhà nước bắt được thì người nấu bị phạt tù rất nặng.

    Tên Tây của phố Nhà Rượu là Sergent Larrivée. Sergent là chức đội trong quân Pháp. Tôi đã nhiều phen lục tìm xem viên đội này là ai, nhưng không thấy. Chắc hẳn anh ta là một hùng binh không đủ nổi tiếng để được đặt tên đường nơi anh ta tử trận như đại tá hải quân Henri Rivière bị quân Cờ Đen giết ở Cầu Giấy.

    Tên đầu tiên của phố Nhà Rượu là Rue de la Cimetière (Phố Nghĩa Trang), vì đầu phố có một nghĩa trang lớn dành cho người Pháp, dân gọi nôm na là Nghĩa địa Tây.

    Người quản nghĩa trang là một ông Tây già, to béo, có vợ Việt. Vợ ông là em ruột bà ngoại tôi. Tôi không biết tên bà, người trong họ gọi bà theo tên con gái của bà là bà Nê. Cô Renée và cậu Jean không biết tiếng Việt. Thỉnh thoảng hai cô cậu đến chơi nhà tôi, xoa đầu tôi một cái, hôn tôi một cái, rồi trò chuyện với bố mẹ tôi bằng tiếng Pháp. Sau những biến cố lịch sử, tôi không gặp lại hai cô cậu nữa. Nghe đồn cậu Jean bị chết trong một cuộc đụng độ giữa quân Nhật và quân Pháp ở Lạng Sơn. Nghe đồn cô Nê sau lấy một ông chồng giàu làm chủ ngân hàng gì đó, mua cho mẹ một thửa đất rộng ở Ấn Độ, dựng chùa để bà tôi tu. Bà Nê mất tích từ đó.

    Khi lớn lên, tôi nghe người lớn nói với nhau rằng bà Nê khi còn con gái có tình ý với một chàng trai trong làng. Gia đình chàng trai ngăn cấm mối tình ấy vì cụ ngoại tôi bị tình nghi dính líu với phong trào Văn Thân chống Pháp, từng bị nhà nước bắt. Bà Nê giận đời bỏ ra Hà Nội, làm nghề khâu đầm (coututière), một nghề khá thịnh hành thời ấy. Những cửa hàng khâu đầm san sát làm thành một phố có tên là Rue des Brodeurs (phố Thợ Thêu). Sau, không biết mối lái ra sao bà gá nghĩa với ông Tây gác nghĩa trang.

    Lâu lâu bà ngoại tôi lại dẫn tôi tới thăm bà Nê.

    Trong thâm tâm bà ngoại tôi không ưa bà Nê lấy Tây. Chẳng cứ bà, người Việt thời ấy coi việc lấy Tây là sỉ nhục, người lấy Tây là bị gọi là “me Tây”, với ý dè bỉu không che đậy. Người Pháp lấy vợ Việt cũng bị coi là loại Tây hèn kém, Tây hạng bét, Tây mắm tôm, thứ Tây không lấy được người cùng xứ, cùng lắm mới phải lấy vợ Việt.

    Tôi thấy được thái độ không nồng ấm của bà ngoại tôi với bà em. Nhưng tình chị em còn đấy, bà không thể không thỉnh thoảng ngó em mình một cái. Trong khi hai bà trò chuyện, tôi bỏ ra ngoài, lang thang giữa các hàng mộ chí bằng đá xanh trong cái nghĩa trang vắng lặng. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai là tôi ngắt vài cánh hoa cườm bỏ túi. Những cánh hoa kết bằng hạt cườm nhỏ xíu đủ mọi màu được luồn bằng dây thép mảnh nhưng dai, rất khó ngắt được chúng khỏi vòng hoa.

    Ông rể Tây hiền lành của tôi chẳng thèm để ý chuyện mất cắp hạt cườm. Những vòng hoa như thế trong nghĩa trang nhiều vô số, không mộ nào không có. Có vẻ ông cũng chẳng buồn coi sóc những nấm mồ lạnh lẽo. Người Pháp chết ở đây, chôn ở đây, con cháu hết việc ở Đông Dương về nước hiếm khi trở lại. Công việc của ông là trông nom phu người Việt quét dọn lối đi, cắt tỉa dây leo quanh hàng rào… Cấp trên của ông là tòa thị chính không phiền trách ông có nghĩa là mọi việc ổn thỏa, ông cứ việc ăn no ngủ kỹ. Thỉnh thoảng lắm ông mới lững thững dạo vài vòng, quát nạt phu phen đôi câu lấy lệ. Những người phu ngừng tay, chăm chú nghe ông quát bằng thứ tiếng họ không hiểu, qua thái độ của ông họ hiểu ông muốn gì để làm theo.

    Trên bức tường cao đối diện với nhà tôi cách một quãng lại có một lỗ thải bã rượu ra cho những xe bò có phên nứa quây kín bốn cạnh xe chực sẵn. Những con bò buồn ngủ đứng đờ đẫn giữa hai cái càng, uể oải quất đuôi xua ruồi. Từ những kẽ phên nứa ri rỉ chảy ra nước bã rượu màu nâu. Lúc nào không khí cả phố cũng sực mùi bã rượu chua nồng.

    Nhà Máy Rượu có đủ thứ còi – còi vào ca, còi giữa trưa, còi tan tầm. Mỗi lần nó rúc lên là điếc cả tai. Khi tan tầm, cổng nhà máy mở toang, ùn ùn nhả ra những người phu mệt mỏi, phờ phạc.

    Đêm đến, nghe rõ tiếng tru thảm thiết từ phía Nhà Thương Chó. Nhà thương này nằm ở cuối phố. Tôi hay đi qua đấy, nhưng chẳng nhìn thấy con chó nào. Chó được chữa chạy trong nhà thương này đều là chó Tây. húng bị nhốt trong những ngôi nhà nhỏ bên trong một khu đất rộng giữa những hàng cây sum suê.

    Tôi không nhớ cuộc chuyển nhà diễn ra vào năm nào. Cái sự chuyển nhà của dân ở thuê phụ thuộc tình trạng kinh tế gia đình. Khi nào khấm khá hơn thì người ta dọn đến nơi tốt hơn, trong một phố sang hơn. Khi rời khỏi căn nhà hẹp ở cái ngõ thuộc phố Nhà Chung để dọn đến đây, gia đình tôi ắt khá hơn trước.

    Mẹ tôi làm công cho một cửa hàng tơ lụa của người Ấn Độ nằm giữa phố Paulbert (phố Tràng Tiền), lớn nhất thành phố. Tôi đã vài lần được mẹ cho đi theo đến cửa hàng Palais de Soie (Cung Tơ Lụa), nơi mẹ làm. Ông chủ tên Chevarah, người Ấn Độ, mặt không khác người Pháp là mấy, da cũng không đen lắm, thấy mẹ tôi dẫn tôi đến bao giờ cũng tươi cười xoa đầu tôi, cho tôi ăn kẹo nu-ga. Tôi rất thích được theo mẹ đến đây vì tôi thích kẹo sữa nu-ga, mềm và ngon khôn tả . Ông chủ cũng nghiện nu-ga, lần nào gặp tôi ông cũng thò tay vào túi lấy ra đúngthứ kẹo ấy.

    Cùng làm với mẹ tôi còn có cô Tỳ và cô Mỳ mà mẹ tôi coi như hai cô em. Cô Tỳ cao hơn cô Mỳ, mặt trái xoan, dáng thanh mảnh, nghiêm trang. Cô Mỳ thấp, mặt bầu bĩnh, nhưng tươi cười, yêu tôi hơn cô Tỳ. Cha tôi đùa bảo hai cô là hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Người khuân vác những kiện hàng nặng, người quét dọn cửa hàng đều là người ta hoặc người Ấn, người Pháp không làm việc ấy, kể cả người Pháp nghèo. Cô Tỳ và cô Mỳ đứng bán hàng, mẹ tôi làm kế toán, cả ba đủ tiếng Pháp để có thể giao thiệp với khách hàng tây đầm. Mẹ tôi nói ông Chevarah là người tốt, dân Pondicherry, một tỉnh thuộc Pháp ở Ấn Độ. Nhiều người từ tỉnh này Ấn Độ sang ta buôn bán, hoặc nuôi bò.

    Năm 1954, khi về Hà Nội, mẹ tôi mới biết hai cô Tỳ, Mỳ đã di cư vào Nam. Bà buồn, nhớ hai cô em.

    Hà Nội khác trước, vắng vẻ hẳn. Rất nhiều người quen cũ của bà đã ra đi. Cửa hàng Palais de Soie đóng im ỉm. Ông Chevarah không còn ở đấy. Ông đi Nam hay trở về Ấn Độ,không ai biết.

    Mẹ tôi kể: ông Chevarah rất tốt. Ông biết cha tôi bị chính quyền thuộc địa bắt,đưa đi an trí ở Sơn La. Gọi là “an trí”, nhưng nội dung là một thứ tù không có  án. Mỗi khi mẹ tôi xin nghỉ vài ngày, ông chỉ nói: “Công việc không gấp, bà làm sau cũng được”. Mẹ tôi đồ rằng ông chủ Ấn Độ đoán được bà cần đi thăm chồng, hoặc có việc liên quan tới hoạt động cách mạng của người bản xứ. Ông cũng là dân thuộc địa, ông thông cảm và ngầm ủng hộ.

    Thời gian ở phố Nhà Rượu là thời gian sung sướng nhất trong tuổi thơ của tôi.

    Cha tôi đi làm về bao giờ cũng mang theo các thứ hoa quả: nho, táo, lê… và cả bơ, phô mai – những thứ tôi chưa bao giờ được ăn. Về sau mới biết hồi ấy ông làm công cho hãng Michaud, một hãng chuyên nhập cảng hàng Pháp vào Đông Dương. Khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, cửa hàng này ở phố Tông Đản trở thành cửa hàng cung cấp đặc biệt cho các quan chức cấp cao (mới có câu: “Tông Đản là chợ vua quan, Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần”). Cả khi ấy, cả sau này tôi cũng không biết cha tôi hồi ấy làm công việc gì trong hãng Michaud, kế toán hay người bán hàng. Cha tôi là người kiệm lời, tính ông thế.

    Trong tuổi thơ của tôi, ngôi nhà số 27Bis Phố Nhà Rượu được ghi lại đậm nét trong trí nhớ. Nó lớn hơn, sáng sủa hơn hẳn căn nhà hẹp ở phố Nhà Chung, với một khoảnh vườn tí xíu được trồng hoa mào gà trước cửa, có phòng khách kiêm phòng ăn, và hai phòng ngủ. Tôi nhớ cái phòng ngủ của tôi và hai em. Tôi và em Phương sát tôi có hai giường nhỏ kê sát nhau, cô Khanh sau cô Phương nằm nôi.

    Đàng sau nhà là bãi đất hoang mênh mông đầy cỏ may và những bụi cây um tùm. Đi qua đấy hoa cỏ may bám đầy quần. Có rất nhiều bụi cà dại ở hai bên lối đi. Khi chín, những quả cà dại có màu đỏ hoặc màu vàng rất đẹp. Chúng đẹp thế, nhưng không ai hái, người lớn nói chúng không ăn được. Đi hết khoảng đất rất rộng ấy sẽ tới một con đường hai bên toàn cỏ may dẫn tới đền Hai Bà, nơi có hai con rùa đá ở đàng trước. Tôi hay lang thang ra đấy để leo lên cổ con rùa nằm dưới gốc đa cổ thụ. Xa hơn một chút trước đền có một cái ao nước rất trong, có thể nhìn thấy những con cá đuôi cờ quanh quẩn bên những bụi súng. Hoa súng trắng chỉ thoang thoảng hương khi mới hái, hái xong là chúng chẳng còn mùi gì nữa.

    Mẹ tôi bao giờ cũng dậy sớm nhất nhà. Tôi nằm ườn trên giường, nghe tiếng mẹ lục cục xoong nồi trong bếp, tiếng người Ấn Độ giao sữa bấm chuông. Đó là một ông già da đen nhẻm, gày đét và cao nhỏng, đầu chít khăn quấn thừng màu lục, sáng sáng đưa sữa đựng trongmột cái ấm sắt tây to bằng cái bình tưới cây, từ tốn và thận trọng rót dòng sữa trắng phau vào xoong cho mẹ tôi hứng.

    Ông già Ấn Độ có một đàn bò, bò của ông hay ông là người làm thuê, tôi không rõ.

    Đàn bò của ông thường đi qua phố Nhà Rượu. Cùng đi với ông còn có một người nữa, trẻ hơn, thấp hơn, cũng quấn khăn lục, cũng quần cháo lòng ống thấp ống cao. Hai người đi sau đàn bò vung roi quật veo véo vào mông những con bò chậm chân.

    Đàn bò đông, có dễ tới bốn chục con. Chúng to nhỏ đủ màu: đen, vàng, vá. Bò đi rầm rập trên phố, mùi hôi phả vào mọi nhà, xe ô tô phải dừng lại nhường đường cho chúng. Chỗ ở của đàn bò là một bãi rộng ở đầu làng Thọ Lão cuối phố Lò Đúc. Tôi đã đi qua những chuồng bò ở đấy. Lũ bò sữa chen chúc nhau trong những cái chuồng chật hẹp có mái che sơ sài, nhìn thông thống qua những thân cây nhỏ gá vào bốn cột. Không hiểu người ta vắt sữa thế nào từ những con bò bẩn thỉu ấy.

    Phố Nhà Rượu gồm những ngôi nhà nhỏ với bậc tam cấp thấp tè dẫn xuống hè. Nó là phố của người nghèo, người trung lưu bậc thấp, hoặc tư chức hạng xoàng. Các phố Hà Nội thời bấy giờ dễ phân biệt. Ở các phố nhà giàu những ngôi nhà thường nằm bên trong một mảnh vườn nhỏ xíu có hàng rào sắt, có cửa sắt mở ra đường. Hàng rào nào cũng có các dây leo, hoa phong lữ, hoa ti-gôn nở tưng bừng.

    Hàng xóm nhà tôi là một nhà Pháp đặc, cả vợ cả chồng. Gia đình Pháp này là duy nhất trong cả phố. Sáng sáng họ đi bộ tới sở, hoạ hoằn mới gọi xe tay. Xem ra họ cũng không giàu, gia cảnh chẳng hơn người bản xứ cùng phố. Ra cửa mà gặp cha tôi hay mẹ tôi là hai vợ chồng túm lấy trò chuyện ríu rít. Hẳn họ vui lắm khi có hàng xóm biết tiếng Pháp.

     Người Pháp nghèo thường là người đảo Coorse, ta gọi là Tây Cọoc. Tây Cọoc làm công việc chân tay trong các xưởng máy, cửa hàng của người Pháp gốc, hoặc làm lao công trong các công sở, may mắn lắm thì được làm cảnh sát hoặc cai tù. Nghèo thì nghèo, Tây Cọoc không bao giờ làm thuê cho người Việt.

    Hai vợ chồng hàng xóm người vùng Bretagne, không biết làm nghề gì, mà nghèo. Không nghèo thì họ đã chả thuê nhà ở Phố Nhà Rượu.Jeanette - đứa con gái nhà này xinh lắm. Nó có mái tóc vàng ươm, mắt như hai hòn bi ve, hiếu động, nhưng nghịch như quỷ sứ.

    Vợ chồng người Pháp không cấm con gái chơi với tôi. Vào thời gian ấy tôi chẳng có đứa nào cùng tuổi ở gần nhà để làm bạn. Jeannette là bạn duy nhất của tôi. Tuy nó Tây, tôi ta, nhưng hai đứa rất hiểu nhau nói gì. Tôi có chút tiếng Tây mẹ dạy, Jeannette có chút tiếng ta tôi dạy, thế là đủ cho sự giao tiếp không cần nhiều lời. Hai đứa hết rải gianh thì ô ăn quan, chán nhảy lò cò thì oẳn tù tì ra cái gì ra cái này. Mấy trò này chẳng cần ai dạy, đứa trẻ nào cũng biết.

    Jeanette có một con ngựa gỗ sặc sỡ, khi nào yêu tôi lắm nó mới cho tôi cưỡi một lúc. Tôi nắm chặt hai cái tai gỗ của con ngựa bắt nó đung đưa thật lực, cho đến khi bổ nhào. Nó đứng bên xem tôi phi, vỗ tay đôm đốp, thấy tôi ngã thì ré lên cười ngặt nghẽo.

    Tình bạn của tôi và Jannette kéo dài không lâu.

    Hai năm sau, gia đình Pháp bất ngờ dọn đi.

    Khi đồ đạc đã chất lên hai cái xe bò kéo và vợ chồng hàng xóm đã yên vị trên hai xe tay thì Jeannette đã ngồi bên mẹ bỗng nhảy bổ xuống, chạy lại ôm lấy tôi, nước mắt đầm đìa.

    Rồi nó khóc to, nó gào. Tiếng khóc Tây của nó không khác gì tiếng khóc ta. Tôi cũng chảy nước mắt, nhưng không dám khóc thành tiếng vì sợ mẹ. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, bà cấm tôi không được khóc bất kể vì cái gì.

    Nghe bố mẹ ồi ồi giục lên xe, Jeannette hôn tôi tới tấp lên mặt tôi, hôn môi tôi. Môi Jeannette mềm và thơm, pha vị mặn của nước mắt.

    Đó là cái hôn đầu đời mà tình bạn cho tôi.

    Không bao giờ tôi còn gặp lại Jeannette nữa.

    Cũng không bao giờ tôi quên cô bạn gái bé nhỏ của mình.

    2000

    Facebook Vũ Thư Hiên ngày 21-08-2021

     

    Chuyện nhà 2: Cái tên bất tiện

    Tên Vũ Thư Hiên mang lại cho tôi khá nhiều phiền toái. Không hiểu sao thiên hạ cứ đinh ninh nó là tên con gái, mới khổ.

    Một lần tôi đi ngang huyện Hải Hậu thấy có yết bảng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bèn rẽ vào, hỏi: tôi là bộ đội đi ngang đây có được phép dự thi không. Thời kháng chiến, mọi sự dễ dãi, người ta bảo được. Một ông giáo viết mấy chữ vào mảnh giấy, chỉ cho tôi phòng thi ở đâu.

    Phòng thi là một cái đình làng. Đeo ba lô bước vào, tôi đứng sững – trong phòng toàn con gái.

    Cái tên Thư Hiên lại hại mình rồi, tránh không nổi. Thôi thì đã đến thì cứ  vào,.

    Bài thi không khó,  hai bên tôi là hai cô gái mặt nghệt, ngồi cắn bút. Thấy tôi làm bài nhoay nhoáy, cô bên phải rồi cô bên trái liên tục thúc vào sườn tôi.

    Nhân lúc viên giám thị không để ý, tôi đẩy bài mình sang hai cô. Hai cô chép lấy chép để, không cần biết bài của tôi đúng hay sai.  Ra khỏi phòng thi hai cô gọi tôi là “đằng ấy”, thết tôi ô mai me.

    Lần khác, tôi gửi cho tờ Nhân Dân một bài báo. Nhân Dân là tờ báo lớn nhất, nếu không nói là duy nhất, trong cả nước. Được đăng một bài trên tờ báo này không chỉ là một vinh dự mà còn có nghĩa mình đã có chứng chỉ vào làng báo. Tôi gửi đi, không hi vọng bài của mình sẽ được đăng.

    Khi ấy tôi là một mác-xít thuần thành. Như mọi mác-xít thuần thành khác,  tôi chưa hề đọc chút gì của Marx và Engels. Tôi chỉ mới làm quen với hai ông qua những cuốn sách mỏng. Dù là sách tóm lược, đọc chúng cũng nhức đầu  lắm.

    Bài báo hợp thời - nó phê phán cuốn La Vingt-cinquième Heure của Virgil Gheorghiu mà tôi nhặt được trong một trận công đồn. 

    Tôi toát mồ hôi vì xúc khi nhận được hồi âm của toà soạn: “Kính gửi đồng chí Vũ Thư Hiên, xin chị  mang theo thư này tới toà soạn nhận nhuận bút”.

    Ở văn phòng, cô kế toán trao cho tôi nhuận bút với cái nhìn ngờ vực. Tôi phải trình giấy chứng minh tôi chính là tôi.

    Nhân tiện, tôi kể thêm một chuyện cũ.

    Khi ấy tôi đang theo học trường phổ thông Nguyễn Thượng Hiền ở làng Ngò tức làng Ngô Xá thuộc huyện Thiệu Hoá tỉnh Thanh Hoá. Một hôm nhà trường mời một nhà viết kịch nổi tiếng ở Liên Khu IV đến nói chuyện. Tàn cuộc, các cô nữ sinh tíu tít bâu lấy diễn giả, cười tươi hết cỡ, chuyện nổ như pháo ran. Tôi cố len vào, ấp úng hỏi thần tượng của các cô: “Viết kịch, viết văn có khó lắm không anh”? Diễn giả nhìn tôi bằng cái nhìn khoan dung của người lớn nhìn trẻ con, rồi mới thủng thẳng đáp: “Để làm được việc đó không khó lắm. Chỉ cần ăn vài tạ muối là làm được”.

    Mọi người cười ồ. Tôi đỏ bừng mặt, lủi ra.

    Những ngày sau đó tôi trốn mọi người, âm thầm viết. Không phải một cái gì khác, mà là một vở kịch. Vào thời gian ấy ở chỗ chúng tôi không có tờ báo nào, hoặc có mà tôi không biết. Hơn nữa, không có báo thì có các đoàn tuyên truyền xung phong đến ca hát, thỉnh thoảng cũng có diễn kịch.

    Tôi muốn viết một cái gì đó để cho anh chàng cao ngạo kia biết chẳng cần phải ăn vài tạ muối tôi mới viết được. Đặt dấu chấm hết cho công trình sáng tạo của mình trong gian bếp, dưới ánh đèn dầu chẩu nổ lép bép, tôi bóp trán nghĩ cho nó hết tên này đến tên khác, cái này kêu hơn cái kia, rồi dừng lại ở Lối Thoát. Tên này xem ra không đến nỗi nào, nghe cũng đường được. Tên tác giả tôi tự chọn cho mình là Tân Thuỷ. Nó có nghĩa Dòng Nước Mới. Mới chứ không cũ.

    Nhai, anh bạn thân của tôi, người tin cẩn được tôi tiết lộ bí mật của mình, hì hục trình bày bìa cho nó.

    Nhân vật bi kịch này rồi tôi có nhắc đến với nỗi bùi ngùi trong “Chuyện Ở Tỉnh Lỵ”.

    Từ làng Ngô Xá (tên nôm là làng Ngò) tôi cuốc bộ hơn chục cây số lên phố Rừng Thông của thành phố Thanh Hoá đổ nát. Ở đó có nhà xuất bản Kim Đức mà tôi thấy tên trên bìa mấy cuốn sách.

    Tôi rụt rè bước lên mấy bậc tam cấp bằng đất được cạp nứa để bước vào một mái tranh không biển hiệu, nơi có một người đàn ông béo tốt, mặt rỗ hoa, nằm võng, quạt phành phạch.

    Không buồn đặt chân xuống, người này hờ hững hất hàm:

    - Hỏi cái gì?

    Thái độ nhạt nhẽo của chủ nhà làm tôi mất hết nhuệ khí.

    Tôi chìa tập giấy viết tay nắn nót, niềm hi vọng của tôi, về phía cái võng, ấp úng:

    - Anh em bảo em đưa anh xem cái này.

    - Muốn xuất bản à?

    - Vâng.

    - Để nó lên nóc trạn kia. Hai tuần sau quay lại lấy kết quả.

    Tôi trở về, tràn trề thất vọng.

    Cơ mầu này người ta từ chối là cái chắc. Mà tôi đã hi vọng biết bao nhiêu.

    Nhai an ủi tôi:

    - Tớ bảo đảm với cậu: nó còn hay hơn nhiều so với cái vở kịch của tay nọ. Nếu nó không hay tớ đã không bỏ công trình bày cho cậu cái bìa đẹp như thế. Họ có ý kiến gì về cái bìa của tớ không?

    - Nào họ có ngó ngàng gì! Bảo bỏ lên trạn thì tớ bỏ lên trạn, bên dưới mấy con cá khô treo lủng lẳng.

    Hai tuần ấy vừa dài vừa ngắn.

    Nó ngắn khi cả hai chúng tôi chán ngán, coi như mọi cố gắng đã đi tong. Nó dài khi mãi không đến hạn gặp lại tay giám đốc nọ.

    Nhưng điều không ngờ đã xảy ra. Tay giám đốc lần này vội vã tụt khỏi võng, vồn vã đón tôi:

    - Tôi đang mong cậu.

    Anh ta lập cập pha trà. Rồi bảo:

    - Tôi đọc rồi. Được đấy.

    Trà nóng bỏng miệng, tôi thổi phù phù. Mặt nóng bừng. mồ hôi túa ra, tôi nhìn chằm chằm vào miệng anh ta. Từ cái miệng ấy cuối cùng đã phát ra lời tuyên án cho số phận vở kịch của tôi: 

    - Tôi in.

    Người tôi nóng ran. Tôi đã hi vọng biết bao nhiêu. Và cũng đã thất vọng biết bao nhiêu.

    Anh ta bảo:

    - Bảo anh cậu đến đây gặp tôi.

    Tôi ấp úng:

    - Anh ấy đang ở quân y viện Cẩm Thuỷ.

    - Liệt à? – anh ta xoa xoa cái cằm lún phún râu – Không sao. Cậu là người mang bản thảo tới thì cậu có thể đại diện ký hợp đồng. Nhưng phải có giấy uỷ nhiệm của anh cậu.

    Chuyện này tôi không nghĩ tới. Tôi uỷ nhiệm cho tôi bằng cách nào đây?

    - Anh cậu tên gì?

    - Dạ, Vũ Thư Hiên.

    Ông ta cười to:

    - Vũ Thư Hiên? Tôi chưa nghe tên tác giả này bao giờ.

    Tôi lúng túng, không biết phải nói gì.

    - Hừm, tên ấy không phải ông anh, mà bà chị.

    - Thật mà, là ông anh.

    - Thôi được. Ông anh hay bà chị bất thành vấn đề. Không có giấy uỷ nhiệm thì, hừm, cũng được. Cậu đã thay mặt anh hay chị cậu mang bản thảo tới thì cậu ký. Tôi tin cậu.

    Tôi ra về, không thấy chân mình trên đường.

    Nhai ôm chầm lấy tôi:

    - Bao giờ họ in?

    - Nào họ có nói.

    Những ngày sau thỉnh thoảng chúng tôi lại đảo ra phố Hậu Hiền, có một hiệu sách ở đó.

    Chờ mãi rồi cũng tới ngày tôi thấy trên cái quầy bụi bặm cuốn sách của mình. Tên tác giả Tân Thuỷ nằm rành rành trên bìa cuốn sách mỏng với hai chữ to in đậm: LỐI THOÁT.

    Thêm một lần tôi bị rôm cắn khắp người.

    Rất nhiều năm sau tôi tình cờ gặp lại anh Ngô Văn Quỹ, ông chủ nhà xuất bản năm xưa. Nhà xuất bản Kim Đức của anh đã bị đóng cửa cùng lúc với mọi nhà xuất bản, mọi tờ báo tư nhân, sau khi chính quyền mới đã ổn định tại thủ đô. 

    Anh nhận ra tôi, cười hà hà:

    - Giờ mới biết là ông. Không phải bà chị nào hết.

    Gương mặt rỗ hoa của bà mụ đón tay cho đứa con văn chương đầu lòng của tôi đầy  xúc động. Anh không chờ đợi cuộc đến thăm của người còn nhớ tới cái nhà xuất bản nhỏ bé của anh ở phố Rừng Thông nay đã xa lơ xa lắc.

    Tác phẩm đầu tay của tôi ra đời không phải do một mục đích cao cả.

    Nó hình thành bởi một động cơ thấp hèn - lòng tự ái.

    Paris, 2015

    VTH.

    Facebook Vũ Thư Hiên ngày 23-08-2021.

    *

    Chuyện nhà 5: Bác Lang Thanh

    Một hôm, tôi ngần ngừ nói với mẹ:

    - Mẹ ơi! Cho con hỏi mẹ chuyện này.

    Mẹ tôi đang đọc sách.

    - Gì, con?

    Tôi không biết nên bắt đầu câu hỏi thế nào. Nó sẽ giống sự trách móc:

    - Tên con là bố hay mẹ đặt hở mẹ?

    Mẹ tôi mở to mắt:

    - Sao tự nhiên con lại hỏi thế?

    Tôi ngập ngừng:

    - Là con hỏi cho biết thôi

    - Con không thích nó à?

    - Không phải con không thích. Cơ mà nó giống tên con gái, mẹ ạ.

    Mẹ tôi bật cười:

    - Người ta không hiểu đấy thôi, chứ nó là một cái tên hay, có ý nghĩa lắm đấy.

    - Nhưng là mẹ hay bố đặt?

    - Không phải mẹ, cũng không phải bố - mẹ tôi thần mặt, không trả lời ngay - Là bác Lang Thanh.

    Mẹ tôi thở dài. Bà buồn khi nhắc tới bác Lang Thanh.

    Bác mới bị bắt, đang ở trong tù, mẹ nói tôi mới biết.

    Bác Lang Thanh không phải khách thường xuyên trong nhà tôi. Ông thoáng đến, thoáng đi, nhưng là người bố mẹ tôi chờ đón.

    Người dong dỏng cao, đi cà nhắc, gương mặt dài với đường nét phân minh, nhưng khắc khổ, đôi mắt sáng mà cái nhìn lại hiền.

    Trong số bè bạn của cha mẹ tôi, ông là người đặc biệt. Ông là người bạn duy nhất mà cha mẹ tôi xưng “em” . Cha mẹ tôi coi ông như ruột thịt.

    Nghe mẹ tôi kể thì bác Lang Thanh bị tù nhiều hơn bất cứ ai trong những nhà cách mạng - trên ba chục năm cả thảy. Chính quyền thuộc địa ngán ông lắm. Có lần ông bị nhọt ở chân, giám thị nhà tù đã nhờ bác sĩ Pháp cắt luôn gân chân ông. Một lần khác, ông đau bụng, bác sĩ cắt béng một khúc ruột dài.

    Ra tù trong tình trạng ốm yếu ông nhờ các đồng chí cáng ông đi hoạt động. Cũng như mẹ tôi, những đồng chí của ông là đảng viên Quốc Dân Đảng. Sau, ông vào Đảng Cộng sản, nhưng với các đồng chí Quốc Dân Đảng ông mãi mãi giữ tình bạn chung thuỷ. Vì tình bạn ấy, sau này nhiều người nghĩ ông không phải đảng viên cộng sản, có người còn viết ông thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách). Ông cười:

    - Thuộc đảng nào không quan trọng, cháu ạ. Quan trọng là mình có phải người cách mạng hay không?

    Tôi không ghi về bác Lang Thanh như một người nghiên cứu tiểu sử, cho nên những gì tôi nghe kể chắc chắn không đầy đủ.

    Sau Tháng Tám 1945 tôi mới biết tên thật của bác là Đinh Chương Dương.

    Chẳng riêng cha mẹ tôi, đến chủ tịch nước Hồ Chí Minh cũng xưng “em” với bác. Tôi có ghi chuyện ấy trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày: “ Chỉ một lần tôi nghe thấy ông Hồ xưng em với người khác - đó là với nhà cách mạng lão thành Đinh Chương Dương. Trước Bắc bộ phủ là cả một rừng cờ và hoa bên trên biển người xao động, trong tiếng nhạc binh trầm hùng, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Tôi đi cùng bác Đinh. Bác Đinh lúc bấy giờ đã yếu lắm, phải tựa vào vai tôi mà bước.

    Vì đến muộn, chúng tôi chật vật mãi mới len được qua đám đông để vào Bắc bộ phủ. Nhìn thấy bác Đinh từ xa, bác Hồ lật đật từ trên thềm cao chạy xuống, đỡ tay ông: "Bác tới thăm em làm chi, khổ quá, bác chưa được khỏe mà". Trả lời câu hỏi thăm của bác Đinh, bác Hồ ưỡn ngực ra, cười lớn tiếng: "Hồi nầy em khá nhiều rồi, bác ạ".

    Tính về tuổi tác, về quá trình hoạt động cách mạng, bác Hồ có coi bác Đinh Chương Dương như đàn anh cũng là phải phép.

    Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là nhà nước cho bác Đinh hưởng một khoản phụ cấp hằng tháng vừa bằng lương tôi, cán sự 3, một  nhà báo quèn.

    Nghe cha tôi kể thì chính bác Lang Thanh đã đưa cha tôi vào đường cách mạng, khi ông còn là học sinh được ông anh cả là bác Phán Linh làm việc ở toà sứ Tuyên Quang mang theo. Cái tỉnh lỵ nọ chẳng có gì lôi cuốn cậu học trò ra đi từ cái làng quê bùn lầy nước đọng. Cậu buồn, cậu nhớ nhà, vì thế cứ tan học là cậu lang thang khắp chốn trong mấy phố xá đìu hiu.

    Gần toà sứ có một ngọn đồi thấp không hiểu sao lại được gọi là núi - Núi Cố. Những người tù khổ sai thường được giải ra khỏi trại giam ra đấy làm “cỏ vê”. Tù là loại người đặc biệt, bao giờ cũng gợi tò mò ở những người sống ngoài nhà tù. Họ trước kia có thể là những kẻ giết người máu lạnh, những tên cướp hung hãn, và thứ người gì nữa không biết, nhưng nay họ đều giống nhau ở gương mặt lầm lì. Họ lẳng lặng làm công việc mà những người lính khố đỏ áp giải bắt họ làm.

    Cậu học sinh lân la đến với những người tù khổ sai. Ở Núi Cố cậu đã gặp người thay đổi cuộc đời cậu.

    Người tù cách mạng với những câu chuyện tâm tình về lịch sử đất nước, về thân phận nô lệ của nhân dân và cuộc đấu tranh giành độc lập cuốn hút cậu học sinh.

    Cậu bừng tỉnh.  Khi ấy cậu chẳng biết làm gì hơn là nhịn tiền quà sáng chị dâu cho để mua báo cho những người tù đọc, mua cho họ các thứ cần thiết chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục .

    Năm 1997, ở Paris, tôi tìm được một người bạn thân của cha tôi từ những năm xa xưa là ông Ngô Thế Tân. Ông  cũng là người giúp đỡ nhiều cho hoạt động cách mạng của cha tôi, mẹ tôi kể. Vợ ông, bà Lê Thị Lựu là bạn học của mẹ tôi.

    Cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe chuyện đời mình. Những gì tôi biết là qua lời kể của mẹ tôi và bạn bè ông bà.

    Ông Ngô Thế Tân là người có thể cho tôi biết thêm về cha tôi thuở thiếu thời. Nhưng thật tiếc, tôi không gặp được ông. Khi ấy ông Tân ở Nice, một tỉnh miền Nam nước Pháp, còn tôi thì vừa chân ướt chân ráo đến Paris, cuộc sống chưa ổn định, tôi rất muốn gặp mà không đi được vì không có tiền để mua vé tàu. Đến lúc có thể đi gặp ông thì ông không còn nữa.

    Trên điện thoại, ông Tân ôn lại kỷ niệm với cha tôi thời hai người ở Tuyên Quang:

    - Chẳng hiểu bằng cách nào mà bố cháu dám một mình tổ chức một cuộc gặp mặt ban đêm với những người có cảm tình với cách mạng ở khu rừng bên kia bến đò Ghềnh Quýt.. Bác có mặt, không phải do bố cháu rủ mà do một bạn khác. Hồi ấy hai đứa có quen nhau, nhưng chưa thân. Nghe giọng, bác nhận ra là bố cháu. Giọng Nam Định của bố cháu không lẫn vào đâu được.

    Cái cách hoạt động cách mạng như thế thật ngây thơ. Nhưng nó là sự sôi nổi chân thành của một thiếu niên khi bước vào đường cách mạng.

    Nhiều năm trước, một lần tôi tình cờ đọc được bức thư cha tôi viết dở cho ông Tân. Trong thư có đoạn viết:

    - Mình hiểu cậu muốn về giúp nước. Đã sống ổn định ở bên ấy rồi, cậu cứ ở yên đấy, về bây giờ chẳng ích lợi cho ai. Cái lý tưởng trước kia của chúng ta không giống những gì đang diễn ra trong thực tế. Chưa biết rồi ra sẽ thế nào…

    Bức thư không gửi bằng đường bưu điện mà nhờ người ở Pháp về thăm nhà chuyển tận tay. Trong một xã hội mà mọi mối quan hệ với người ở ngoài nước ngày ấy đều bị bí mật giám sát, cha tôi phải thận trọng. Cách mạng không đồng nghĩa với tự do. Cha tôi đã nhìn thấy mặt trái của nó.

    Ông Tân nghe cha tôi, không về.

    Ông gửi cho người bạn cách mạng năm xưa một chiếc Mobilette màu xanh lam. Không hiểu vì lẽ gì người Hà Nội gọi loại xe gắn máy hai thì này là “cá xanh”. Cha tôi rất quý con “cá xanh” bạn cho. Có nó, ông có phương tiện đi lại, mà không phải nhận ô tô theo tiêu chuẩn vụ trưởng Vụ Lễ tân thường phải tiếp khách nước ngoài.

    Ông bảo:

    - Nước ta nghèo, dân ốm nặng còn không có xe tải thương. Có mấy phố Hà Nội đi xe đạp cũng được, hà tất phải ô tô.

    Nhưng không dùng ô tô cũng có cái bất tiện. Một lần ông cưỡi “cá xanh” tới dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Liên Xô, lính gác ở cửa sứ quán đã không cho ông vào, vì các quan chức được mời dự đều đi ô tô, không ai đi xe đạp hoặc xe máy.

    Sau khi mất liên lạc với ông Đinh Chương Dương và những người tù chính trị bất ngờ bị chuyển đi, cha tôi nghĩ chỉ có thể bắt liên lạc được với những người cách mạng bằng cách chính mình phải vào tù, ở đó thể nào ông cũng gặp được họ.

    Trở về quê, ông sang tỉnh lỵ Thái Bình, tự mình viết truyền đơn hô hào đánh Pháp giành độc lập. Chẳng cần tài giỏi gì mật thám cũng tìm ngay ra thủ phạm. Cha tôi bị tống giam.

    Báo hại mấy bà chị thương em phải đội thức ăn đánh đường sang Thái Bình nuôi em. Ông anh cả làm thông phán Toà Sứ ở Hà Nội phải chạy vạy, gõ mọi cửa có thể gõ, để xin cho ông em vị thành niên thoát án tù hoặc nhà trừng giới.

    Nhưng kế sách ngớ ngẩn của cha tôi thế mà thành. Trong trại giam Thái Bình ông đã gặp những người ông mong gặp.

    Ông bước hẳn vào đường cách mạng từ đó.

    Bác Lang Thanh còn có vị trí đặc biệt đối với cha mẹ tôi còn ở chỗ ông là người tác thành cho cuộc hôn nhân nhiều trở ngại của hai người.

    Vào khoảng đầu những năm 20 thế kỷ trước, tinh thần đấu tranh chống Pháp dâng cao trong mọi tầng lớp dân chúng. Đó là thời kỳ mà sau này được ghi vào sử sách là “những tổ chức cách mạng mọc lên như nấm”. Những người cách mạng Việt Nam khi ấy rất quan tâm tới việc sáp nhập các tổ chức manh mún tự mọc lên thành một lực lượng nếu chưa thể thống nhất thì cũng thành một tổ chức lớn.

    Cha tôi bắt đầu hoạt động cách mạng theo chân bác Đinh Chương Dương từ năm  1923, gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1925.  Từ đấy ông trở thành người cộng sản.

    Mẹ tôi và các bạn học sinh trong trường nữ học Brieux, đặc biệt là với bà Trịnh Thị Điền cũng thành lập tổ chức yêu nước của mình. Bà là vợ ông Đỗ Đình Thiện, một nhà cách mạng, mà người ta thường gọi  là nhà tư sản dân tộc nổi tiếng trong Tuần lễ Vàng những năm 1945-1946. .

    Theo sự chỉ đạo của ông Đinh Chương Dương, cha tôi thay mặt Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tìm gặp tổ chức nữ học sinh do mẹ tôi làm đại diện. Mối tình giữa hai người yêu nước nảy nở từ đấy.

    Bà ngoại tôi không ưng mối tình ấy. Cho dù là con của người tham gia phong trào chống Pháp, bà ngoại tôi không muốn con gái mình lấy một chàng trai nghề nghiệp bấp bênh, nay việc này mai việc khác, trong khi mẹ tôi được nhiều ông thông ông phán ngấp nghé.

    Đùng một cái, mẹ tôi ngã bệnh thương hàn. Bệnh trở nặng, hết ông lang này đến ông lang kia bó tay. Trong khi đó thì bà ngày một lả dần. Cha tôi đánh bạo đến xin bà ngoại tôi để cho ông lang là bạn mình chữa. Trong tình thế ngặt nghèo bà ngoại tôi đành ưng thuận.

    - Mẹ các cháu lúc ấy đã bắt chuồn chuồn rồi – bà ngoại tôi kể - Không thì bà đã đuổi bố các cháu ra khỏi nhà. Biết bà không bằng lòng mà vẫn lăn xả vào van xin, liều thế đấy. Âu cũng là cái duyên cái số, bà mới có lũ chúng mày.

    Ông lang đến bắt mạch, bốc thuốc, túc trực ngày đêm bên giường bênh. Mẹ tôi hồi tỉnh dần. Rồi khỏi. Ông lang không lấy tiền công, tiền thuốc, chỉ vật nài xin bà ngoại tôi rủ lòng thương cho cha tôi được làm rể. Mang ơn cứu tử, bà ngoại tôi đành thuận.

    - Ông ấy tốt lắm, người nhà trời đấy, các cháu ạ.

    Nói về bác Đinh Chương Dương, bà ngoại tôi kết luận.

    Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với bác Lang Thanh lần chót rất buồn.

    Sau khi bố tôi bị đảng của ông bắt giam vì tội "xét lại chống đảng", tháng 10 năm 1967, mẹ tôi đưa các con vào HàĐông thăm bác.

    Bác  Đinh khi ấy nằm liệt trên giường, ra hiệu cho chúng tôi lại gần, gắng lết tới thành giường để ôm lấy từng đứa, áp vào má mình.

    Tôi có ghi lại vắn tắt cuộc gặp mặt lần ấy như sau:

    “Huỳnh ơi! Huỳnh ơi! Huỳnh ơi!” Nghe tin dữ, bác Đinh đang nằm liệt đập tay xuống giường kêu lên ba lần, khóc nức nở.

    Nhìn người già lăn lộn khóc lóc, lòng tôi đau quặn.

    Mẹ tôi nói với bác Đinh:

    - Em cũng có thể bị chúng nó bắt, bởi vì em cũng biết nhiều điều bí mật chồng em biết. Nếu em bị bắt thì cháu Hiên sẽ thay mặt vợ chồng em vào thăm bác, cháu Hiên bị bắt thì còn cháu Phương, còn lại đứa nào trong mười đứa con em thì sẽ còn có đứa vào đây thăm bác”.

    Rồi mẹ tôi nghẹn ngào, nụ cười méo xệch:

    - Đẻ nhiều đâm ra những lúc như thế này lại có lợi, bác ạ!.

    Bác Đinh hỏi tôi:

    - Cháu có nhớ chuyện “giật giải mũ”  không?

    Tôi thưa có. Bác nói:

    - Người xưa còn thế được, người nay mà thế a?!”

    Nhắc chuyện giật giải mũ, bác Đinh có ý trách ông Hồ Chí Minh. Không bước ra khỏi giường bệnh, ông đâu có biết lúc ấy ông Hồ chẳng còn bao nhiêu quyền lự, ông không phải là thủ phạm chính của vụ bắt bớ bất nhân. Ông im lặng vì ông không thể can thiệp, hoặc ông không dám can thiệp. Sự im lặng đặt ông vào vị trí đồng phạm.

    Hôm ấy mẹ tôi và chúng tôi ở lại với bác Đinh cả buổi chiều. Tôi kể cho bác nghe về những người bạn cách mạng, đúng hơn là những đàn em của bác, bị bắt trong đợt trấn áp vừa xảy ra. Bác nhớ hết, không quên một ai. Nói đến ai bác lại đập tay xuống giường, lại nấc lên, nước mắt ròng ròng.

    Khi tôi nhắc tới Kỳ Vân thì bác Đinh ngắt lời:

    - Là Phạm Kỳ Vân chứ. Chính bác gửi anh này sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện của Hội Thanh Niên mà. Người trẻ mà tinh thần yêu nước thật lớn. Người cách mạng như Phạm Kỳ Vân mà còn bắt bỏ tù thì khốn nạn quá”.

    Nhà cách mạng Đinh Chương Dương là người như thế.

    Nhưng ông hoàn toàn vắng bóng trong sử ký cách mạng.

    Người ta đã quên ông.

    Người ta cố tình quên ông.

    Cuộc cách mạng mà vì nó ông hiến dâng cả đời mình đã rẽ sang ngả khác mất rồi.

    Facebook Vũ Thư Hiên ngày 21-08-2021

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập52,991,869

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!