Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập49,295,148

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

“Làng Ông Tạ”: Những ngày mái lá lều tranh, đèn dầu, nước giếng, đường đất chân trần...

Cù Mai Công

  • Thứ sáu, 08:26 Ngày 13/11/2020
  •  “Anh đi anh nhớ quê nhà

    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” (Bút quan hoài - Á Nam Trần Tuấn Khải)

    Những ngày đầu tiên Bắc 54 Ông Tạ trên vùng đất đầm lầy, kinh rạch, nghĩa địa...  của đại đồn Chí Hòa 1861 xưa không phải thịt chó, giò chả, tiệm vàng... mà là những cánh đồng, ao rau muống mọc khắp nơi. Những cọng rau bình dị nhưng vĩ đại thật sự của đoàn người di cư Ông Tạ mọc lên ở vườn rau Lộc Hưng, ở cánh đồng rau muống An Lạc mênh mông, trải dài  tới sát rạch Nhiêu Lộc. Ruộng rau ấy chỉ cách nhà anh Đỗ Trung Quân Đỗ Trung Quân trăm mét, sau tiệm tạp hóa của ông Quản Toét cuối đường Thăng Long (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám), tiệm bán nước mắm tĩn và cả cao hổ cốt “chánh hiệu bà Lý Sóc”...

    Ông Nguyễn Văn Thêm, chủ đất người Nam cố cựu nơi đây đã sang nhượng với giá rất rẻ lẫn cho tặng hơn 11 ha cho cộng đồng trại Hà Nội (sau này là giáo xứ An Lạc). Cụ thể là 113.000m2 đất, trải dài từ ngõ Con Mắt vô tới ruộng rau muống cuối đường Thăng Long, tới cầu Sắt, cầu Sạn, nghĩa địa An Lạc, vòng theo  vách tường Trại tiểu đoàn dù Nguyễn Trung Hiếu (nay là siêu thị điện máy Chợ Lớn). 1/3 đất này thành ao rau muống.

    Vườn rau Lộc Hưng bên kia đường Thoại Ngọc Hầu cũng là  ruộng rau muống 48.000m2. Rau muống cũng mọc đầy hai bên bờ rạch Nhiêu Lộc khu Ông Tạ, trong các vườn rau giáo xứ Nghĩa Hòa, trước cửa nhà tôi trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai)... Tính ra vài chục hecta đất, kinh rạch Ông Tạ những ngày đầu tiên này đã được dành cho các ao, ruộng rau muống...

    Rau muống tràn ra cả những ao hồ tự nhiên khu này, mọc tươi tốt theo con kinh Vòng Thành (Pháp đào năm 1875 – nay là đường Bắc Hải, Thành Thái...); cả khu Giây thép gió (đài/trạm Phát tín) thường xuyên ngập trong nước. Hồi cuối thập niên 1960, thằng bé tôi hay mò ra đây bắt dế, bắt cá. Lớn lên, thập niên 1980,  tôi qua lại đoạn này hàng ngàn lần để đến trường Đại học Sư phạm trên đường An Dương Vương. Đến lúc đó, con kinh còn rộng lắm, chiều ngang 6-8m, vẫn thả rau muống nước; có mấy tấm đan bêtông bắc ngang để qua lại...

    Đã có những em nhỏ chết vì té xuống những khu ao hồ, kinh rạch tự nhiên ở đây. Có bé chết ở khu kinh Vòng Thành, trên rạch Nhiêu Lộc khi vớt rau muống, vớt cá... Theo cha mẹ vào Nam, các sinh linh Bắc bé nhỏ ấy đã không đi trọn đời ngây thơ của mình với cha mẹ, anh em...

    Tôi dân xứ Tân Chí Linh, làm lễ Thêm sức ở xứ này. Đến tận năm 1973-1974,  sau nhà thờ Tân Chí Linh vẫn còn ao rau muống của cha xứ trồng. Gần đó là chuồng heo cũng của cha nuôi, giao cho Sô, con nuôi cha tắm heo.

    Học trường Chúa Cứu Thế ở đây năm 1970, tôi và đám bạn mình bao nhiêu lần ăn bún riêu trước cổng trường. Bà bán bún riêu là bà Hán, môi lúc nào cũng đỏ trầu. Đứa nào gắp nhiều rau  muống luộc là bà trừng mắt, sợ vãi cả linh hồn. Bọn tôi cứ đứa này gọi bún cho đứa kia lén gắp rau, dìm xuống dưới  bún để bà không phát hiện (!). Nói cho ngay, ăn một tô bún có đứa ăn kèm cả tô rau muống luộc thì quán khéo lại sạt nghiệp vì chúng nó chứ chẳng chơi.

    Thỉnh thoảng, đám chúng tôi lẻn vô cổng nhà xứ phía sau nhà thờ, sát rạch Nhiêu Lộc để  ra ao rau muống của nhà xứ. Cả đám vơ vội một ôm rau muống ra đổi bún. Ao rau muống này xanh tốt lắm, chắc hẳn do nước tắm heo, phân heo bồi bổ hàng ngày. Có lần vừa qua cổng nhà xứ, thấy cha Định ra, cả đám trốn sau mấy cây dừa trồng bên phải cổng. Ở đó có mấy ổ kiến, cắn răng lại một lúc không chịu nổi, thế là làm mặt tỉnh, đứa này đứa kia tà tà ra “chiêu hồi”. Cha Định nhìn chỉ nhíu mày, chắc nghĩ bụng cái đám này lăm le hái trộm dừa nhà xứ.

    May, chứ gặp ông quản Vụ, ông quảnThành là ăn roi ngay. Ông quản Vụ thì có đứa nào trong xứ Tân Chí Linh của tôi chả ăn roi của ông. Ông quản Thành nhà ở khu 3, cụt một tay mà sao “thích” rượt đám trẻ con phá phách nhà xứ thế; vụt roi nào nên thân roi đó. Đi lễ mà ông đứng phía sau, đố đứa nào dám quay ngang quay ngửa.  Chỉ cần ông quản Thành đứng cạnh là tôi chia trí hết nghe cha giảng. Lạy Chúa lòng lành tha tội, hồi đó đi lễ,  tôi cứ lẩm nhẩm cầu Chúa cho ổng... cụt luôn tay kia. Mà Chúa không nhậm lời...

    Dân Nam ở đây gọi những đồng bào mới của mình là “Bắc kỳ (ăn) rau muống”.

    Đến 1958, chợ tự phát Ông Tạ là những sạp hàng hai bên đường Thoại Ngọc Hầu, từ ngõ Cổng Bom đến ngã ba Ông Tạ. Những gánh rau muống nặng đôi vai bà, vai mẹ Bắc tóc vấn răng đen, chân trần đường đất... kĩu kịt ra chợ. Cả những chị, những em gái Sơn Tây, Bùi Chu, Thái Bình, Nam Định... mồ hôi nhễ nhại trên gò má Bắc còn đỏ hây hây cũng gánh gồng ra đó...

    Con đường làng Tân Sơn Hòa này lúc ấy là đường đất, mưa xuống bùn nhão nhẹt, văng vãi manh áo nâu, lên cả khăn trùm đầu. Chỉ có thể đi chân đất. Ban đêm, hàng quán trống trơn, con đường ấy trở lại vẻ “nguyên thủy” của nó. Nói như anh Thế Sơn, em ca sĩ Giang Tử, gia đình ở đây từ những ngày đầu tiên chưa có chợ này nhớ lại: “Khi gia đình tôi về cắm dùi ở ngay đầu hẻm vào làng Nam cố cựu và xóm Xe ngựa, cứ chiều tối là được nghe các bản hợp xướng trường ca Tạo vật. Hôm nào trời mưa lại có thêm giọng lĩnh xướng của gia đình ễnh ương nghe mà não cả ruột gan”.

    Câu vè của đám con nít chúng tôi thời đó: "Tân Chí Linh - Có nhiều sình - Mất vệ sinh", "Chúa Cứu Thế - Có nhiều dế - Rất chịu chơi". Giáo xứ của tôi là Tân Chí Linh, nhưng nhà thờ và sau này thêm trường tên Chúa Cứu Thế . Quanh nhà thờ Tân Chí Linh lúc ấy đầy bãi cỏ, sình lầy, nhiều dế, tối tối trẻ con hay mò ra đó bắt...

    Mà Tân Chí Linh sát rạch Nhiêu Lộc có nhiều sình thì dễ hiểu, ngay vùng đất khá cao ở  giáo xứ Sao Mai bên kia ngã ba Ông Tạ còn có khu gọi là xóm Sình cơ mà. Vậy mà từ cái xóm sình lầy ấy, có một thằng bé sau này trở thành giám mục;  năm 2018, từng là giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn: Đức giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng. Hiện nay ngài là giám mục chánh toà Giáo phận Phan Thiết. Anh trai của ngài cũng là một linh mục chánh xứ trên đường Bành Văn Trân hiện nay, gần cái xóm Sình ngày xưa của hai anh em thằng bé Bắc kỳ sinh ra ở Ông Tạ ngay ở những ngày đầu tiên trập trùng gian khó...

    Những ngày đầu tiên ấy, nhà nào khá lắm thì mái lá lều tranh, còn toàn những căn lều dựng ở mặt tiền dọc đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) ra Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng Tám, Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân)...  Mưa to gió lớn, các lều xiêu ngả, cả gia đình bố mẹ, con cái cùng trụ chống mỏi mê.

    Không điện đóm, đêm đêm cả ngôi làng Ông Tạ lúc ấy mới chỉ có tám giáo xứ chính le lói ánh đèn dầu, tối mù mù những đêm không trăng. Ai cũng ngại ra đường. Nói dại miệng, chẳng may lại gặp trộm cướp, có kêu cũng chẳng ai dám ra cứu. Cũng chẳng cứ gì đêm hôm, ngay buổi trưa, mẹ tôi đứng ở bancông gỗ nhà mặt tiền đường Thoại Ngọc Hầu, thấy cướp chặn người đi đường ở cái vũng trâu bò đằm vài năm sau là rạp hát Đại Lợi chỉ dám ú ớ, không thốt nên lời...

    Nước nôi có khu nhà lấy từ nước giếng ở ngay cạnh mồ mả khu nghĩa địa Ông Tạ, sau khu chợ Ông Tạ (mấy năm sau mới có). Nhà tôi cách khu nghĩa địa Thánh Minh mênh mông mấy ngàn mộ chỉ 50m, nước giếng đục ngầu, không dám ăn. Mẹ tôi ngày ngày gánh nước giếng của ông bà Sáu Giếng trong khu nhà thờ Tân Chí Linh cách nhà hơn 100m về nấu ăn. Khu Ông Tạ vốn là vùng đầm lầy, kinh rạch, một số giếng nước rất trong và ngọt, phun trào lên mặt suốt ngày đêm, nhất là mùa mưa. Cây cỏ trong vùng cứ xanh mơn mởn...

    * Người trong vùng cũng vậy. Dù gian khó chồng chất: nơi ăn chốn ở tạm bợ, sống chật chội trong các trại, ra vô mái lá lều tranh, lều bạt..., nhưng họ vẫn cứ ngoi lên để sống.

    Đến như chú Bảo “mù” cũng không cam chịu số phận. Không rõ chú con cái nhà ai, vào Nam thế nào, nhưng dân Ông Tạ thuở ban đầu ấy không ai không biết chú bán vé số với giọng ca nhái tiếng Nam nổi tiếng của mình. Chú này mê tít giọng ca Nam bộ của quái kiệt Trần Văn Trạch. Thế là thay vì ca”: “Xổ xố kiến thiết quốc gia...” đúng giọng Bắc của mình thì chú Bảo ca: “Xổ số kiếng thiếc guấc dza...”, nghe cũng ngồ ngộ...

    Quanh năm chỉ vài chiếc áo kaki, dáng đậm thấp; một tay cầm tập vé số, tay kia cầm gậy dò đường. Cứ lần mò vậy mà chú đi không thiếu một ngõ ngách Ông Tạ nào, lên tận ngã tư Bảy Hiền; vừa đi vừa rao: “Vé số kiến thiết quốc gia đây, xin mời bà con mua”, giọng rành rọt, sang cả.

    Một thời gian sau, chú không đơn độc trên đường đời lổn nhổn bùn đất nữa, "nên mối duyên trầu cau" với một mảnh đời có lẽ cũng bơ vơ như chú. Cô vợ trẻ kém chồng vài tuổi, có vẻ quê mùa và hơi kém nhan sắc. Nhưng cô được cái không “thường hay ước mơ - Mơ người yêu lý tưởng - Với vẻ hào hoa lắm nét kiêu hùng - Điểm chút phong sương - Đây là chàng chiến binh - Hay là chàng phi công - Hay là chàng thủy thủ...” như trong bài hát “Người yêu lý tưởng”của nhạc sĩ Y Vân.  Người yêu lý tưởng của cô là chú Bảo “mù”. Vậy là đủ và cô thương chồng biết bao nhiêu. Khi chồng sắp xếp vé trên chiếc bàn nhỏ cho cô bán trên vỉa hè xong, lụi cụi quơ gậy đi, cô nhìn theo trìu mến.

    Nhanh chóng hai vợ chồng có một đứa con, rồi đứa thứ hai. Chồng bán dạo, vợ bế con ngồi bán, vạch vú cho con bú ngay tại chỗ. Bán hết vé, chú quay về chỗ vợ ngồi. Buồn miệng bố hát cho con nghe, mẹ trẻ nhìn cười chất phác. Vợ chồng, con cái nựng nịu, quấn quýt nhau; hạnh phúc đâu có  xa xôi gì, cả với những kiếp nghèo Ông Tạ thuở ban sơ.

    Sau 1975, một thời gian không phát hành vé số, chú Bảo đẩy xe bán đồ lặt vặt xài trong nhà. Thói quen ca hát vẫn còn y nguyên, nhất là khi có ai yêu cầu hát bài này bài nọ. Thế là lại: “Tôi ở ngoại ô, một gian nhà xinh có hoa thơm trái hiền...”, “Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sím tím chiều hoang biền biệt...”... Công an phường nghe cảm thấy không lọt lỗ tai, mời lên làm việc: “Chế độ mới đỏ, không tím gì nữa nha cha nội...”. “Thế à?!” – chú ừ hử ra vẻ hiểu. Vậy là từ đó bà con xóm giềng không còn nghe chú Bảo cất giọng nữa. Kể cũng tiếc cho một giọng ca “mùi” có khi còn hơn ca sĩ Giang Tử ở xóm Gà trên đường Thoại Ngọc Hầu, sát chợ Ông Tạ...

    SỨC SỐNG LÊN MẦM: XÔI NAM THÁI, PHỞ TÁI AN LẠC...

    Ngay những ngày đầu tiên còn làm lễ trong căn nhà viên sĩ quan Pháp để lại (vị trí nhà thờ hiện nay nhìn ra đường Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài), các thánh lễ mỗi ngày của giáo xứ Nam Thái đều bắt đầu từ 4-5 giờ sáng. Chuông nhà thờ vang lên cũng là lúc những nồi xôi, chõ xôi nhiều nhà xung quanh nổi lửa. "Nam Thái xứ em thơm nếp sôi" trong đêm thật khó tả, nó hiền lành, thanh bình làm sao.

    Do cha xứ đền thánh Vinh Sơn của tôi lớn tuổi, làm lễ từ tốn, chậm rãi, đám trẻ nhiều đứa sốt ruột, rủ nhau đi lễ 4 giờ sáng chủ nhật ở nhà thờ Nam Thái. Tôi đi lễ ở đây 5-6 năm. Lần nào cũng vậy, khi các cha cho rước lễ, mùi xôi đã thơm lừng xung quanh, ướp thơm cả nhà thờ. Tan lễ, nếp đã thành xôi. Thế là có bà, có chị dự lễ xong, sà vào mua gói xôi cho con cháu ăn sáng. Chả thiếu xôi gì: xôi lạc (xôi đậu phộng), xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen, xôi gấc, xôi bắp (lạ là không ai gọi xôi ngô kiểu Bắc hết)... Và vui là mới vào Nam mà có cả xôi khoai mì kiểu miền Nam...

    Các bà, các mẹ lót lá chuối vào thúng, lấy đũa cả đơm xôi vào. Em gái, chị gái đội thúng đi xa, ra chợ, có khi đến tận ngã tư Bảy Hiền, hoặc ngồi ngay mép đường Thoại Ngọc Hầu, Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài bán, ngước mắt trông đợi khách mua... Ngay ngã ba Ông Tạ cũng có bà cụ Ngoạn, bán xôi cành xe bánh mì của bà cụ Liêm. Hai bà ngồi bên nhau mấy chục năm trời, nương nhau mà sống trước tiệm bánh Quang Minh (sau này là tiệm áo cưới Hoa Hồng).

    Các cổng trường trong vùng thì lẽ chừng không cổng nào vắng những thúng xôi Nam Thái. Tôi học trường Mai Khôi, cách Nam Thái hơn nửa cây số cũng có một bà cụ Nam Thái với thúng xôi ngồi nép bên cổng trường, nụ cười hiền như mẹ, như bà tôi; như bao nhiêu người mẹ, người bà Bắc thuở ấy...

    Xôi sáng, chiều lại có nồi xôi mới. Chắc bán xong đận sáng, các bà, các mẹ lại bắt tay vào ngay nồi xôi bán chiều. Có bà, có mẹ ngồi ngay quanh nhà thờ xứ mình bán. Nụ cười đen nhánh lành biết bao nhiêu. Tay bà nhăn nheo, tay mẹ đỏ nắng, tay chị trắng nõn... cứ bốc ra bốc vào, nhúm này nhúm nọ thoăn thoắt.

    Có bà, có mẹ bế, dắt theo con, cháu một, hai tuổi, có đứa chỉ mặc áo nhưng vẫn cởi truồng. Bà, mẹ ngồi bán; con, cháu tha thẩn chơi trên nền đất, tồng ngồng chắp tay sau lưng nhìn khách. Đôi mắt những bé em sinh ra ở Ông Tạ ấy trong veo, đôi má vẫn ửng hồng... Có đứa sau này lớn lên, đi lính Lôi hổ như con bà Côi, trong hẻm gần nhà thờ, thỉnh thoảng về phép vẫn đội xôi cho mẹ ra chỗ bán.  

    ... Những thúng xôi ấy đến giờ vẫn còn, thành những xe xôi ở cổng nhà thờ, ở ngã ba Ông Tạ. Và vẫn đông khách. Tối tối tôi đi qua, tài xế Grab xếp hàng dài cả chục mét chờ mua xôi Cô Hồng ở ngã ba, xôi 383 ngay cổng nhà thờ Nam Thái, đúng nơi ngày xưa có bà Tiến bán xôi lạc, có cả chè đỗ đen...

    Ai đã từng ở khu Ông Tạ chưa từng ăn xôi Nam Thái?!

    * Phở? Cái này thì mấy xe phở An Lạc vô địch. Xe phở Phú Vinh thoạt đầu cũng đẩy xe bán dạo trong vùng, ra cả ngã ba Ông Tạ. Ở đó đã có xe ông phở Mầm thường trực chiều tối. Rồi xe phở Ông Địch trong hẻm Ông Chủ Đất... Thoạt đầu chưa ai mở quán, cứ đẩy xe bán dạo. Vậy mà dân trong vùng không ai không biết. Xe nào cũng lừng lẫy một thời, múc phở không ngơi tay.

    Xe phở Phú Vinh không cần đi xa nữa; chỉ tổ mỏi chân, bẩn quần, nhất là mấy hôm trời mưa, đường đất bùn văng tứ tung. Ông đặt xe phở ngay cuối nhà thờ An Lạc. Vậy mà khách tới nườm nượp. Có lễ cưới trong nhà thờ xong, chú rể là đại úy Biệt động quân VNCH bao cả nhà thờ, ai muốn ăn phở thì cứ chễm chệ vào xe phở Ông Địch ngồi. Chú rể nói chắc nịch: "Ăn đâu, ăn nhà hàng nào cũng không bằng phở Phú Vinh". Cha Nhạc nghiêm tính vậy mà cũng ra ngồi ăn vui vẻ.

    Không hiểu phở Phú Vinh nấu có bí quyết thế nào mà khách mê tít; có kẻ độc miệng còn bảo ông bỏ thuốc phiện vào nước phở cho khách nghiện (!). Chả ai ăn phở của ông ngộ độc phải vào cho ông y tá Thành cạnh đó chạy chữa cả. (Lạy Chúa, ông Thành ngoan đạo, đọc sách lễ trong nhà thờ này có một mắt giả, đám trẻ con lén gọi ông là Thanh “mắt heo”). Có cụ chánh, cụ lý ăn xong, ngậm tăm xỉa răng gật gù: “Này, nếu Phú Vinh mở quán bán phở ở Sài Gòn, có khi nổi tiếng chả kém phở Dậu, phở Tầy Bay... ấy nhỉ”. Ông Phú Vinh nghe cười tít mắt: “Dạ, nhà cháu xin nghe cụ...”.

    Thật tiếc khi sau này, ông rời cõi thế gian, cô con gái tên Thoa chắc học nghề bố không tới nơi tới chốn và với sự cạnh tranh trong kinh doanh thời đại 4.0 nên khách mất dần, hay do hoàn cảnh riêng tư gì nữa thì không rõ, cô nghỉ bán luôn. Nghe nói con cháu có mở tiệm phở trên đường Bành Văn Trân, Phạm Văn Hai gần đó, nhưng không nổi tiếng bằng phở Phú Vinh. Giang hồ ghiền phở Phú Vinh chỉ còn biết nuốt nước miếng, ôm hận khôn nguôi...

    Xe phở Ông Mầm thì tính toán xa, chỉ một thời gian bán dạo, cắm chốt ngã ba Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) - Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài, ăn nên làm ra là mua hẳn một căn nhà mặt tiền, đối diện xe phở xưa. Cũng bán không ngơi tay, ngay bên cạnh là quán phở của bố mẹ ca sĩ Vũ Khanh.

    Riêng ông Địch thì xe phở đỗ ngay ngã ba gần nhà. Bà con gọi đó là “ngã ba Ông Địch”. Chỉ tiếc là ngã ba này trong hẻm hóc xóm Ông Chủ Đất đi ra nhà thờ An Lạc chứ nếu ngoài mặt tiền, khéo ngã ba Ông Địch lại lừng danh không thua ngã ba Ông Tạ (!). Xe phở này bán từ rạng sáng. Cạnh xe phở lúc nào cũng có một đống khí đá bên cạnh, trẻ con các xóm bên hay mò đến bới tìm những viên nho nhỏ mang về chôn xuống đất đốt chơi.

    Trong khu này còn có ngã ba Ông Hiếu, ngã tư Ông Trùm Đức – xóm Ông Trùm Đức ... nữa cơ đấy. Ông trùm Đức  mở tiệm hớt tóc đầu một con hẻm, chuyên “gọt đầu” trẻ con. Không biết thằng bé Đỗ Trung Quân ngày xưa ở đầu đường vào xóm Ông Chủ Đất từng được ông trùm Đức gọt đầu lần nào chưa.  Ông thợ hớt tóc này ngoan đạo, hễ vắng khách lúc nào là lấy tràng hạt ra, lim dim mắt lần chuỗi đọc kinh...

    Thế nhưng xe phở lâu đời nhất nơi đây lại là xe phở của ông cụ Khang ngay ở mặt tiền đường Thoại Ngọc Hầu ở khu chợ Ông Tạ. Xe phở cụ Khang ra muộn hơn các xe kia nhưng thọ lắm, trụ tới giờ dễ trên dưới 60 năm. Vẫn xe phở vỉa hè, không lên quán. Cụ Khang đi, con cháu đứng bán, hương vị vẫn như khi bố còn. Không ai đi chợ Ông Tạ không biết xe phở này.

    Thuở ấy, đường phố, hẻm hóc khu Ông Tạ mọc nhanh như rau muống, theo tốc độ tìm đến đây của đồng bào Bắc di cư khắp nơi. Không có tên thì đố ai có thể tìm ra nhà, tìm ra đường trong mê hồn trận tự quy hoạch của các trại định cư khu Ông Tạ này. Thậm chí dân trong  xóm tự quy hoạch tự đặt tên đường, tên hẻm tên ngõ luôn. Ngõ Cổng Bom, ngõ Con Mắt, hẻm Cây Điệp, hẻm Tứ Hải, hẻm Chó, hẻm Gà... đầy ra đấy thây. Cây cầu bắc qua rạch Nhiêu Lộc không có tên thì dân Ông Tạ có kẻ  gọi cầu Đúc, có người gọi cầu Ông Tạ... Ai thích gọi gì thì gọi nấy, chả chết ai.

    “BẮC KỲ ĐẾN ĐÂU, CHỢ BÂU ĐẾN ĐẤY” VÀ CUỘC LẬT ĐỔ CHỢ ÔNG TẠ BẤT THÀNH CỦA CHỢ HÀ NỘI

    Anh Thế Sơn, em ca sĩ Giang Tử, cư dân Ông Tạ từ 1955 bảo: “Quả thật đúng là vậy. Trại Sơn Tây và Lộc Hưng có chợ Nam Hòa, trại Nghĩa Hòa và Sao Mai có chợ Nghĩa Hòa. Thái Hòa, Nam Thái, An Lạc có chợ Ông Tạ...”.

    Nếu kể thêm thì còn nhiều lắm, hầu như xứ nào cũng có chợ cho mình: Mẫu Tâm - Tân Sa Châu có chợ Lăng (Cha Cả). Tân Hòa có chợ Kiến Thiết... Rồi vô số chợ nhỏ không tên khác.

    Thế nhưng chợ Ông Tạ khác với các khu chợ khác trong vùng, nói cho ngay nó không thuộc xứ nào, không do xứ nào lập. Nó là chợ tự phát, kiểu như vô số chợ tự phát hiện nay, nhất là ở các khu công nghiệp nhiều công nhân, khu làng đại học... Chợ Ông Tạ tự phát vì xuất phát từ nhu cầu thực tế có thật của bà con nơi đó chứ không phải quy hoạch – đôi khi duy ý chí, không từ thực tế nên nhiều chợ xây xong cho ma nó họp. Có chợ xây hoành tráng xong, không ai vô chợ, phải bỏ xây cái khác, như chợ Văn Thánh mấy tầng gần ngã tư Hàng Xanh đó.

    Ngay trong vùng, năm 1955, xuất hiện một ngôi chợ rất lớn, do cộng đồng giáo dân trại Hà Nội (tên gọi đầu tiên của xứ An Lạc) lập ra trên đường tự đặt là Thăng Long (ngõ Con Mắt - nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám). Ngôi chợ này khá bề thế, vuông vức; rộng khoảng 4.000m2. Vị trí hiện nay của nó: từ ngõ Con Mắt vào khoảng 100m, gặp ngã tư vào nhà thờ An Lạc là một góc. Chạy dọc hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám (đường Thăng Long xưa) xuống khu đền thánh Giuse ở góc Lưu Nhân Chú – cuối hẻm 766 là góc thứ 2. Đến đây cạnh chợ quẹo trái ra đường Phạm Văn Hai hiện nay, cách đường khoảng chừng 50-70m gì đó, ở vị trí nhà ông Sáu “lông gà” (góc 3) thì quặt lên song song với hẻm 766, tới ngang hẻm vào nhà thờ An Lạc (góc 4) thì quẹo trái, song song với đường Lưu Nhân Chú hiện nay. Mỗi cạnh khoảng 200m.

    Chợ Hà Nội này song song và cách chợ vỉa hè Ông Tạ chỉ khoảng 50m; khí thế coi bộ tưng bừng như chợ Bến Thành.  

    Trại Hà Nội, chợ Hà Nội, đường Thăng Long, ấp Hàng Dầu (tên một con phố cổ ở Hà Nội, nay vẫn còn) thì quy hoạch tầm cỡ thủ đô rồi còn gì. Chợ Hà Nội dựng hàng trăm sạp hàng bề thế.

    Để thu hút bà con đi chợ, tiểu thương buôn bán vô chợ theo quy hoạch, ở góc là  khoảng nhà ông giáo Tạo, nhà Sáu “lông gà” (hiện con cháu ông Sáu vẫn còn ở đây), các nhà quy hoạch chợ đặt hẳn máy phát điện, tối tối mở đèn sáng tưng bừng giữa một vùng đầm lầy chưa điện đóm gì sất. Rồi mở cả đường thông ra hẻm Tứ Hải hiên nay. Rồi hàng chục quý bà, quý cô trong trại Hà Nội thuộc hàng tuyệt sắc, nhanh miệng như mấy cô nương bán hàng trên mạng hiện nay ra ngõ Con Mắt, hẻm ấp Hàng Dầu... tươi cười mời khách "ghé chợ chúng em". Chợ Hà Nội hẳn hoi chứ không đùa đâu.

    Nên khâm phục ý tưởng lớn của các nhà quy hoạch chợ Hà Nội của trại Hà Nội. Làm ăn lớn là phải như vậy. Và ngôi chợ ấy mở cuộc "mai phục thập diện" chợ Ông Tạ. Thế như chẻ tre...

    Tiếc thay, địa không lợi, nhân không hòa và thiên thì hễ trời mưa, nước rạch Nhiêu Lộc tràn vào chợ lênh láng, tràn vào ruộng rau muống đối diện chợ nên qua một tháng, khách lẫn người bán đều vắng. Trong khi đó, cách đó 50m, bên đường Thoại Ngọc Hầu, hàng ngàn người vẫn tấp nập với chợ vỉa hè.

    Ôi, người đã sanh chợ Hà Nội – đường Thăng Long sao trời còn đẻ ra chi chợ Ông Tạ - đường Thoại Ngọc Hầu?! Thế là chợ thu gọn buôn bán dần dần, chẳng thà như bây giờ, phân lô bán nền cho khỏe thân...

    Ngôi chợ vỉa Ông Tạ ngày ấy nằm ngay hai trục lộ huyết mạch của khu Ông Tạ: đường Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài và Thoại Ngọc Hầu. Từ Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài, người ta đi thẳng lên Sài Gòn, chợ Bến Thành; đi ngược lại lên Bà Quẹo, Hóc Môn, Củ Chi, sang tuốt Campuchia. Đây là con đường thiên lý xưa từ hồi Gia Định kinh, Gia Định thành trước khi Pháp vô. Đường Thoại Ngọc Hầu đi thẳng ra Bộ Tổng tham mưu VNCH, tới phi trường Tân Sơn Nhứt lớn nhất Việt Nam lúc đó. Vị trí quá đẹp và thuận lợi, không chợ nào trong vùng Ông Tạ có thể so sánh được.

    Vậy nhưng mấy năm đầu tiên, 1954-1957, nó vẫn chỉ là chợ tự phát, chợ không có nhà lồng chợ. Bà con buôn bán dọc hai bên đường, đủ thứ trên đời, nhiều món vốn là rau nhà trồng, heo gà nhà nuôi, bột sắn -  cau khô – giò chả... nhà làm.

    Thế nhưng, khu chợ này không thiếu thứ gì, kể cả “thuốc Lào Vĩnh Bảo, chồng hút vợ say - Trẻ con ngồi ngóng lăn quay xuống sàn”. Thật ra đó là thuốc lào vùng Bắc di cư Cái Sắn (miền Tây) đưa lên chứ chia đôi hai miền rồi, thuốc lào Vĩnh Bảo (ngoài Bắc) nào vô đây. Thuốc lào Cái Sắn vẫn gói trong lá chuối khô như ngoài Bắc; sợi thuốc trồng trên đất màu mỡ miền Tây dẻo và hút êm. Có cụ khẳng định “hệt thuốc lào Hà Nội xưa”. Thế là thôi gọi “thuốc Lào Vĩnh Bảo”, gọi thẳng là “thuốc lào Cái Sắn” cho nó "buôn ngay bán thật".

    Dần dà, màu mè hơn thì thuốc lá Tây có 3 số 5, thuốc lào Ta có 3 số 8, với câu quảng cáo danh bất hư truyền: “Ông đây đã bỏ thuốc lào – Thấy 3 số 8 vội đào điếu lên”. Tiệm nào cũng bán 3 số 8, từ Giang Ký bên kia cầu Ông Tạ, Vĩnh Phúc ở ngã ba, Vĩnh Chính gần ngõ Con Mắt đến tiệm thuốc lào của gia đình anh em nhà họ Khổng Trung Lưu, Khổng Trung Huyến đối diện chợ Ông Tạ.

    Có lẽ thấy 3 số 8 nhiều, một tiệm ở ngã ba lên “levờ” (level) 4 số 8, nội đọc quảng cáo “êm say như á phiện” là đủ say té lăn quay rồi.

    Các bà cũng có phần cho mình: trầu cau đi đường Bảy Hiền, lên miệt Hóc Môn, 18 thôn Vườn Trầu có mà ê hề. Đi xa mươi, mười lăm cây số, có bà thuê xe chở hẳn một xe cau tươi về sấy khô bán dần. Mùi diêm sinh (lưu huỳnh) sấy cau cho khô, chống mốc có lúc thơm nồng cả xóm. Các bà bán còn học người Nam, bán cả vỏ ăn với trầu cau, vị là lạ, cũng ngon ra phết. Nhai quá lố cũng say đờ ra.

    Gạo thì vùng Bà Quẹo đến tận 1975 vẫn mênh mông đồng lúa. Còn năm 1954-1955, mùa lúa chín, đất trống, nhà tranh, hương lúa miền Nam có lúc thơm tới khu Bảy Hiền, Ông Tạ...

    1958 - CHỢ ÔNG TẠ CHÍNH THỨC RA ĐỜI

    Chợ vỉa hè thì rõ ràng không hay, phải gom vô một mối. Cũng để rộng đường huyết mạch Thoại Ngọc Hầu. Thuận đường từ cư xá Sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) toàn ông đeo mai bạc (cấp tá) trở lên, Trại tiểu đoàn dù Nguyễn Trung Hiếu (đối diện nghĩa địa Đô thành Chí Hòa, nay là công viên Lê Thị Riêng), Trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân (ngã tư Bảy Hiền), Trại sư đoàn dù Hoàng Hoa Thám (nay là đường và chợ Hoàng Hoa Thám), thậm chí cả lính, sĩ quan bên Trại Lê Văn Duyệt – Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh TP.HCM) ra phi trường quốc tế, quân sự Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH.

    Tới đây thì không gì hơn là xin ghi lại, lược trích trích hồi ức của một cư dân xóm Gà - Ông Tạ, sống cạnh chợ Ông Tạ: ông Nguyễn Thế Sơn The Son Nguyen, em ca sĩ Giang Tử:

     “Chợ Ông Tạ được hình thành và xây dựng trên thửa đất vuông vức rộng khoảng ba mẫu tây từ vùng đất sình lầy mà dân địa phương có canh tác một ít hoa mầu,trồng dây lang, đậu phộng, nhài, layơn...

    Sau khi được phép thành lập chợ, công việc san lấp mặt bằng được thi công khẩn trương.

    Phía đông chợ quay ra đường Thoại Ngọc Hầu.Bắt đầu từ hẻm xe ngựa, sát bờ tường ranh của đất Ông Tạ. Bốn nhà án ngữ mặt tiền đường Thoại Ngọc Hầu. Tới cổng chính vào chợ dài khoảng 15m. Rồi tới một dẫy nhà tám căn kéo dài tới hẻm Đông kinh.

    Phía nam giáp bờ tường đất Ông Tạ kéo dài tới xóm Nam.

    Phía Tây giáp làng Nam và phía Bắc giáp hẻm Đông Kinh.

    Cổng chính vào chợ được xây các bệ ximăng rộng 4m dài 20m được ngăn đôi ở giữa. Có bốn bệ như vậy với các cột chống đỡ và lợp tôn. Các bệ này dành riêng bán vải vóc, quần áo.

    Dọc hai bên các sạp vải này được xây hai dãy nhà trệt,mỗi dãy 20 căn.Diện tích 4X20m.Tường xây gạch bBlock (3lỗ). Mái lợp filbro ciment.

    Hết dãy vải vóc quần áo là tới hàng cá và hàng thịt. Các sạp gỗ phủ tôn trải dài trên mặt nền ximăng bằng phẳng được che mái tôn và hàng cọc thép vững chắc.

    Chợ Ông Tạ có một lợi thế là gần đấy có lò mổ (côngxi heo Tân Sơn Hòa) nên lượng thịt được cung cấp rất dồi dào và tươi ngon.( Đây cũng là lý do khu Ông Tạ có nhiều cơ sở làm giò chả).

    Ngoài thịt bò và thịt heo. Đặc biệt có vài sạp chuyện bán đặc sản Bắc kỳ là món thịt chó. Nguyên con cầy đã được cạo sạch lông, mổ lòng moi ruột, thui sơ qua màu vàng ươm, béo núc, treo lủng lẳng trên giá.

    Bao bọc chung quanh các sạp thịt là hàng cá và rau quả. Cá được rộng trong các thùng tôn. Cá mẫu được bầy trên các khay nhôm còn đang bơi và quẫy nước cho khách chọn tùy thích.

    Khu vực bán thịt không khóa cửa. Khu vực vải vóc và quần áo thì đóng các hộc để cất hàng. Đa phần các loại vải hoặc quần áo đắt tiền chủ mang về nhà, còn lại cất trong hộc, khóa lại.

    Bên An Lạc có chủ đất Nguyễn Văn Thêm thì bên chợ Ông Tạ cũng có chủ đất là gia đình ông Sáu và các người con là ông Thọ và cô Hồng. Nghe nói gia đình này đã xin phép xây chợ, bỏ tiền đầu tư và cho mướn lại. Tôi biết có thu thuế chợ (hoa chi) nhưng rất rẻ.

    Hồi đó chưa có nước máy nên tất cả sinh hoạt đều nhờ vào mấy cái giếng đào, có chỗ lắp trụ bơm tay cho bạn hàng sử dụng. Còn quản lý chợ dùng máy bơm để làm vệ sinh chợ.

    Đất lành chim đậu nên càng ngày khu vực Chí Hòa, Ông Tạ dân cư phát triển đông đúc,chợ búa sinh hoạt sầm uất...”.

    CMC.

    Facebook Cù Mai Công ngày 03—10-2020

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập49,295,148

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!