Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập49,295,140

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Thời Hoàng kim náo nhiệt của đô thị Ông Tạ

Cù Mai Công

  • Thứ năm, 20:16 Ngày 12/11/2020
  • Hàng ngàn cửa tiệm, hàng quán, gia đình... mặt tiền khu Ông Tạ. Riêng đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai đã hơn 300 số nhà khó mà kể hết. Xin được chọn lọc.

    Anh Báu Lại Thanh, một người không phải dân Ông Tạ, nhận xét: "Đạo diễn Trần Chí Kông từng nói: “Ông Tạ của Sài Gòn giống như Little Saigon của Cali”. Có thể anh muốn nói Little Saigon giống Ông Tạ. Tôi thấy có lý nếu có ai ở Little Saigon viết về nơi đó chắc cũng giống Ông Tạ nhà mình, hơn nữa dân Ông Tạ ở Little Saigon cũng vô số".

    Một nhận xét hay và chính xác. Ngay Little Saigon có đủ các món Bắc – Trung – Nam lẫn Tây Tàu như ở Ông Tạ, thậm chí có cả tiệm ghi rõ “Bánh cuốn Ông Tạ”. Hệ thống Phở 79 của một đại tá Kính, sĩ quan cao cấp của VNCH cư dân Ông Tạ sang Mỹ năm 1979, hầu như Việt kiều ở Mỹ nào cũng biết tiếng. Cuối năm 2019, hệ thống này đã được vinh danh ẩm thực Mỹ…

    TỪ “VĂN MINH” NƯỚC GIẾNG SANG “VĂN MINH” NƯỚC PHÔNGTÊN

    Từ năm 1958, con đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai) đã được trải nhựa tạm, ngay sau khi có nhà lồng chợ Ông Tạ, thông thoáng lối đi từ các khu dân cư, các đơn vị của Quân lực VNCH đóng quân dày đặc nơi đây, đặc biệt là khu cư xá Sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) ra phi trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng Tham mưu VNCH.

    Ngày 12-12-1966, Chính quyền Sài Gòn khánh thành Nhà máy lọc nước Thủ Đức. Ngay lập tức, suốt năm 1967, đường sá khu vực Ông Tạ được đào lên lắp đặt đường ống nước. Đường Thoại Ngọc Hầu “ngổn ngang gò đống kéo lên”. Mưa xuống, đường ngập, đã có em bé té rãnh chết.

    Đường nước kéo về tận từng nhà, rất mạnh. Hồ trữ nước nhà tôi trên sân thượng, cao hơn 10m, trưa và tối nước vẫn tự lên ào ào. Nhiều nhà khác cũng vậy. Không nhà nào phải xài máy bơm…

    Cũng ngay lập tức, đầu hẻm Tám Thơm, cách ngã ba Ông Tạ về phía Bảy Hiền vài chục mét, gần bún chả Ngọc Hà mọc lên một cửa tiệm làm răng ống nước (lúc đó ống nước bằng hợp kim, gọi là ống gang chứ không bằng nhựa như hiện nay, dày đến mấy mm, khá nặng), lắp đặt ống nước. Đây là tiệm làm răng ống nước gang đầu tiên khu Ông Tạ. Chủ là ông Phạm Ngọc Tư. Thoạt đầu ông Tư làm răng bằng tay, sau khách đông, bà vợ sắm một chiếc máy làm răng.

    Bà chủ tiệm này khẳng định: “Cả Sài Gòn lúc đó chỉ có hai cái: một ở Chợ Lớn và một ở Ông Tạ” (?!). Chiếc máy này cố định ống nước; ba ngàm thép phía trên kẹp vào và xoay tròn tạo răng, làm mát bằng nước. Phần “ba vớ” sau khi tiện răng thải ra sắc như dao cạo, sờ vào đứt tay như chơi.

    Không rõ thực hư ra sao, chỉ biết là dân Ông Tạ lao vào nhịp sống đô thị rất nhanh. Sau này, nhiều tiệm ở khu Ông Tạ cũng có, như tiệm làm ống nước xéo cửa nhà tôi, xóm Đại Lợi.

    Cũng dễ hiểu thôi khi các cửa ngõ ra vô Ông Tạ, từ đường Phạm Hồng Thái/Lê Văn Duyệt nối dài (nay là Cách Mạng Tháng Tám); trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ), đương Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) đều là các cửa ô ra vô Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn (tới giờ TP.HCM vẫn lớn nhất Việt Nam).

    Ngay sau đó, con đường chính qua chợ Ông Tạ, Thoại Ngọc Hầu được nâng cấp, đại tu sau đợt đào đường lắp đắt ống nước. Việc đại tu này do bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy tổ chức thực hiện sau khi được dân Ông Tạ bầu làm dân biểu Hạ nghị viện VNCH năm 1966, 1967 gì đó. Ông dân biểu Bảy làm con đường để thực hiện đúng lới hứa của mình khi ra tranh cử: làm lại đường Thoại Ngọc Hầu.

    Công việc làm đường rất nhanh. Máy móc, xe rải nhựa đường đưa đến ồ ạt; làm nửa đường bên này xong làm nửa đường bên kia để không ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con. Chỉ khổ các ông bố bà mẹ khi giặt áo cho mấy đứa con: áo chúng dính li ti bụi nhựa đường do tò mò đứng coi. Của đáng tội, không coi cũng tiếc khi làm đường toàn bằng máy móc hiện đại, đề chữ Mỹ trên hông xe; làm như phim. Xe cào lớp nhựa cũ xong là xe hốt xà bần có mặt liền. Rồi xe rải nhựa đường phun dạng như phun sương, phủ rất đều. Vậy nên sau này, dù có bị ngập nước vô số lần khi mưa xuống, đường Thoại Ngọc Hầu vẫn rất ít bị bong tróc, ổ gà. Chỉ ít ngày là xong.

    Mấy đứa học trò như tôi thế là từ nay đi học mang dép, có đứa mang cả giày hẳn hoi, ngó công tử ra phết. Mẹ tôi thì không cho con trai mặc “tà loỏn – dây thun giãn”. Bà bảo: “Mặc cái quần ấy đi học không lịch sự con người; lại bị bạn bè chúng nó… tụt”.  Sao mà bà tâm lý quá. Chả phải bao nhiêu đứa bạn chúng tôi đang tán hươu tán vượn với mấy đứa con gái trong xóm, trong lớp bị thằng bạn thổ tả chơi ác… tụt quần. Thế là mất cả bạn gái lẫn bạn bè vì chắc chắn sau đó có trận pặcco tay đôi “không khoan nhượng”. Bạn bè thì bạn bè chứ, dù chín mười tuổi thì cũng xấu hổ chết mất. Tôi biết có đứa bị tụt trước mặt nhỏ  bạn 9 tuổi mà trốn biệt trong nhà cả tháng. Một kỷ niệm chả thằng bé nào muốn nhớ. Tội nghiệp…

    Mẹ tôi thường dắt anh em chúng tôi sang tiệm may Đức Trọng trước cửa nhà, đo đạc hẳn hoi để may  quần soọt (short). Không chỉ tôi, học lớp 4, lớp 5 trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân, Tân Bình), bạn bè tôi đứa nào cũng áo trắng quần short xanh, nhìn ra vẻ lắm chứ không giống như đám con nít các khu xóm Nam, toàn chơi tà loỏn.

    Chia tay nền “văn minh” nước giếng năm dù sao cũng một thời nuôi dưỡng mình. Ông Tạ sang trang.

    TRỤC DỌC PHẠM HỒNG THÁI KHU ÔNG TẠ TRƯỚC 1975, GÌ CŨNG CÓ, KỂ CẢ HỒ TẮM, QUÁN BAR

    * Các cửa hàng mọc lên tràn ngập khắp nơi, khắp vùng, nhất khu ngã ba Ông Tạ - “trái tim” Ông Tạ, như quận 1 của Sài Gòn; như Phước Lộc Thọ ở quận Cam (Orange county, Cali).

    Nếu lấy “tòa nhà định hướng” là tiệm ảnh Á Đông (nay là Tơ Hồng) ngay ngã ba Ông Tạ, trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách mạng Tháng Tám) sang phải về hướng Bảy Hiền là tiệm vàng Trường Xuân (nay có tiệm vàng Bảo Tín lớn nhất vùng). Á Đông có người con trai cao lớn, bạn bè gọi là Hoàng “khỉ” có hai cánh tay dài như… tay khỉ. Còn Trường Xuân có hai con trai Dũng, Hùng. Hai nhà là bà con với nhau. Cuối dãy này là tiệm bán và sửa radio Đức Thành, có cô con gái học giỏi, thi tú tài 1 và 2 đều hạng ưu, được học bổng du học Mỹ

    Cách một con hẻm nhỏ là trường Thánh Tâm (nay là trường Tân Bình) của bao nhiêu thế hệ học trò Ộng Tạ, trong đó có thầy giáo – nhà văn tuổi hoa đỏ Hoàng Đăng Cấp nổi tiếng trước 1975; có cậu học trò sau này là nhà thơ Đỗ Trung Quân… Một thầy giáo khác là thầy Trương Quang Gia dạy Việt văn, rất nghiêm; sau làm ở Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá trong công tác nghiên cứu và dịch thuật Truyện Kiều. Hiệu trưởng là sư huynh Nguyễn Văn Ngươn, anh ruột ông Nguyễn Văn Huyền - chủ tịch Thượng viện đầu tiên của VNCH (1967-1973); cựu phó tổng thống đặc trách hòa đàm dưới thời Tổng thống Dương Văn Minh (giữ chức vụ này trong 3 ngày). Cô giáo dạy lâu nhất ở đây, 35 năm là cô Báu, nhà trong hẻm tiệm điện Nhật Quang.

    Cạnh trường Thánh Tâm cũng có một con hẻm nhỏ, con nít Ông Tạ hàng ngàn đứa, trong đó có tôi từng vô đây mua cá xiêm đá, nên chúng gọi là hẻm cá xiêm. Bà bán cá người Nam, để cá trống và cá mái riêng, nhưng có đứa không biết, do cũng tập tành chơi đá cá nên lộn hoài: không phân biệt con nào cá trống, cá mái. Có lần tôi mua, lựa toàn mấy con mập mạp, về mới biết đó là cá mái có bầu. Thỉnh thoảng đi vớt lăng quăng ở cầu Sạn để ra đổi cá ở đây. Lội xuống chân cầu toàn bùn đen, hớt cả buổi sáng chủ nhật, đầy một bịch nylông, đi bộ ra Thánh Tâm gần cây số chỉ đổi được một, hai  con; hỉ hửng chạy về lẹ kẻo cá ngộp hơi chết. Có lần lội nước, dầm mưa hớt, về sốt mấy ngày...

     Trẻ con Ông Tạ cũng biết tiện tặn lắm. Hồi năm 1971, 1972, đi học chỉ được tiền sáng 20 đồng. mua gói xôi của bà cụ Ngoạn ngồi trước tiệm bánh Quang Minh có con trai tên tên Minh Dũng Hoàng đầu ngã ba hết 10 đồng rồi, ra chơi uống nước cũng hết. Trong khi một con cá xiêm đến 30-40 đồng. Mua là nhịn ăn sáng 2 ngày. May mà trong trường giờ ra chơi có ép ăn bánh mì, uống sữa tươi miễn phí.

    Tôi mua khi đi học về thẳng qua chợ Ông Tạ trên đường Thoại Ngọc Hầu nên không qua hẻm Cây Điệp xéo bên kia đường Phạm Hồng Thái, hướng lên hồ tắm Cộng Hòa. Hẻm này thuộc khu nghĩa địa Chí Hòa, hay còn gọi là nghĩa địa Ông Tạ. Trong hẻm có mấy đứa xóm Nam, đứa nào mua cá xiêm đi qua hẻm là chúng chặn đường, lấy sạch cá. Đám trẻ con xóm khác khi đi mua cá xiêm phải đi thành nhóm.

    Bên kia con hẻm là phở Bình. Tiệm phở lát gạch bông sạch sẽ, sang lắm nên tôi chưa bao giờ dám vô ngồi. Tiền sáng 20 đồng, tô phở 50 đồng mà; đi qua chỉ có cách đi vội cho khỏi “nhỏ dãi”. Qua phở Bình ít căn lại gặp môt con hẻm nhỏ, chỉ rộng hơn một mét. Hai bên nhà lại cao nên con hẻm đi lúc nào cũng mát rượi. Trời mưa tôi đi học ở Mai Khôi cũng chọn đi hẻm này đề bớt ướt quần áo. Dân gọi là hẻm Bác sĩ Bảy – tên ông dân biểu đại tu đường Thoại Ngọc Hầu. Con ông là MC Việt Dũng nổi tiếng và được đặt tên đường ở Cali.

    Hồi nhỏ tôi bị ‘suyễn sữa”, chạy chữa nhiều nơi không hết. Ai chỉ chữa mẹo gì cũng làm theo; có lần phải ăn cả cá trê luộc không tuốt nhớt. Tôi ăn một lần và sợ cá trê cả đời. Mẹ tôi chỉ chưa cho dám cho con ăn thằn lằn bấm đuôi cho chạy thẳng vô họng như người ta chỉ. Bà cõng tôi bế xuống nhà thờ Fatima cầu khấn Đức Mẹ, về ghé phòng mạch bác sĩ Bảy. Ông khám kỹ, cho một toa thuốc chỉ có 1 chai sirô (tới giờ tôi còn nhớ tên chai thuốc này: Iodophedrine) mua ngay bên tiệm thuốc Tây Định Thủy bên cạnh. Tất cả chỉ hết 200 đồng. Vậy mà hết tới giờ.

    Qua hẻm Bác sĩ Bảy tới hẻm Sao Mai. Đi hẻm này cũng vô trường Mai Khôi được. Vô hẻm một chốc, bên tay trái có một căn nhà của con bé học cùng lớp 4, 5 trường với tôi, tên Đào Thị Nga. Chắc cô giáo lớp 4 của tôi Bùi Thị Mai Phương nhớ cô học trò này. Nhỏ gầy như que tăm nhưng gương mặt xinh, học giỏi. Gần 50 năm sau tôi mới thú thật là thích con nhỏ này, kiểu thích của trẻ con thôi chứ không phải mê gái đến mức như nhà thơ Đỗ Trung Quân, mùa hạ leo hàng rào gỗ nhà nhỏ “khắc nỗi nhớ lên cây” trong vườn nhà nhỏ; kẻo nhỏ mách cô Phương thì chết.

    Đầu hẻm có tiệm kem Thái Sơn, làm đủ loại kem cây. Các ống kem quay vòng vòng, bên dưới nước lênh láng. Tôi chỉ chú ý kem đá vì nó rẻ, chỉ 2-3 đồng/cây. Khi nào qua đây tôi cũng đứng coi một chốc cho bớt thèm rồi mới đi được.

    Qua đó là hẻm An Tôn do trong hẻm có đền thánh An Tôn (nay là giáo xứ An Tôn) và nhà cô giáo dạy lớp 4 của tôi, Bùi Thị Mai Phương. Cô giáo tôi trắng trẻo, má hồng, xinh đẹp và hiền lành, thương học trò lắm, chả đánh học trò bao giờ nên đứa nào cũng thương cô. Nhà cô bên tay phải nếu đi từ Phạm Hồng Thái vào, bên hông nhà có một con hẻm nhỏ. Đó là một ngôi nhà nhiều cây cối rất mát mẻ. Trong đó có một cây khế ngọt. Khi tôi học năm 1971 nó đã lớn lắm, đến mùa trái ra trĩu cành. rất nhiều trái. Trẻ con gần nhà hay xin vào "trèo hái mỗi ngày". Kỳ lạ là mà tới giờ, năm 2020, 49 năm rồi, cô đã định cư bên Mỹ lâu rồi mà nó vẫn còn, cây khế đã thành cổ thụ xưa vẫn ra trái trĩu cành như chờ đợi… Cô là cháu vị giám mục kiệt xuất Bùi Tuần (hiện là giám mục Giáo phận Long Xuyên) mà Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời nhiều lần đàm đạo, hỏi ý kiến.

    Đầu hẻm bên kia là tới sát cổng trường tôi học, Mai Khôi. Hẻm này láng xi măng sạch sẽ chứ không hẻm đất như bên hẻm kem Thái Sơn.

    Khu vực này nổi danh có Tư Ký mì gia, cùng phía với trường Thánh Tâm về phía hồ tắm Cộng Hòa. Bên kia là tiệm cơm Đại Chúng. Cả hai tiệm đều có chủ là người Tàu. Hai tiệm có mặt từ những ngày Ông Tạ đầu tiên, cùng chia ngọt sẻ bùi với Ông Tạ. Tư Ký bán hủ tíu mì và cà phê vợt. Đại Chúng thì rõ ràng là bán cơm, mà cơm Tàu là số 1. Mở cửa bán rất sớm, từ 4-5 giờ sáng đến khuya. Tối tối, nhiều gia đình kéo đi ăn cơm, hủ tíu cả nhà.

    Người Hoa vốn nhạy bén làm ăn số một thế giới, chỗ nào làm ăn được là “Hủ tíu đây, lước sôi, lước sôi”. Không rõ họ có phải là hậu duệ, bà con, đồng hương của những người Hoa có mặt ở xóm Mả Tàu trong khu Nam Thái từ ít nhất đầu thế kỷ 20 hay không hay không vì khu Mả Tàu xưa có bia mộ ghi một người chết năm 1927.

    Ở khu khác có lẽ họ làm mưa làm gió chứ chẳng chơi, nhưng khi dân Bắc 54 “tràn ngập lãnh thổ” khu Ông Tạ, hình như mấy gia đình người Tàu ấy cũng bị Việt hóa ít nhiều. Dân Ông Ta đều gọi họ là ông/bà Tàu, không có ý gì, họ chỉ thấy thân thuộc. Mấy đứa con nhà Tư Ký học trường Thánh Tâm, tên tiếng Việt rành rành: Tất Huê, Tất Vinh, Quyên… Tất Vinh còn có lúc làm lớp trưởng lớp 7/1 trường Thánh Tâm. Sau 75, anh họ của Huê còn mở quán cơm tấm bì ở hẻm có tiệm kem, cạnh phở Quỳnh Hương. Thậm chí, một gia đình người Tàu học ngay cách nấu phở, cách bán phở của Bắc Ông Tạ để cho ra xe phở Đức, tên Việt hẳn hoi chứ không có "mì gia". "Đức ký" như người Hoa hay dùng gì hết.

    Một tiệm bán cà phê rang xay, đi ngang thơm phức, cũng của người Tàu nhưng lấy tên tiệm là Việt Nam; con cái trong nhà cũng đặt tên khá Việt: Thái Thông, Thái Tân...; nói rành cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Trước đây, Việt Nam bên kia nhà Á Đông, sau 1975 dời về bên này, cũng vẫn trung thành với tên Việt Nam. Người Tàu quả khéo “nịnh” (!).

    Tới nữa là con đường nay là Bành Văn Trân, vô thẳng nhà thờ Chí Hòa; đi  cuối đường quẹo trái cũng ra trường Mai Khôi, quẹo phải ra rừng cao su 1, 2, 3 Phú Thọ (nay là chợ Tân Bình). Đầu đường có phở Hồng Châu.

    Nhìn xéo trở lại, bên kia đường là hồ tắm Cộng Hòa. Thật sự tôi rất ngạc nhiên tại sao năm 1960, dân Ông Tạ còn mái lá lều tranh mà người ta xây cái hồ tắm lớn quá, theo tiêu chuẩn Olympic hẳn hoi. Hồ có tới ba cầu nhảy mà cầu cao nhất đến hàng chục mét, nhìn muốn vẹo cổ. Cũng là một tầm nhìn. Tuy nhiên trước mắt, đám thanh thiếu niên ở khu vực xung quanh đầy kinh rạch, ao hồ; mưa ngập tới bụng tới ngực coi bộ hưởng ứng cũng không nhiệt liệt lắm. 

    Rạp hát Đại Lợi xéo nhà tôi giữa thập niên 1960 chưa có. Thanh niên thiếu nữ anh chị nào mê điện ảnh thì cứ việc lên mấy rạp ở Sài Gòn coi. Con nít thỉnh thoảng được coi phim trong sân nhà xứ, nhưng cũng chỉ vài phim Chúa tử nạn, “Chúng tôi muốn sống”… Tôi coi phim “Chúng tôi muốn sống” 2, 3 lần ở sân nhà thờ Vinh Sơn 3; còn lại coi ở mấy xe chiếu phim thùng. Đưa vài đồng cho chủ xe, một ống coi phim mở ra, toàn phim Sạclô, mỗi phim vài phút là ống coi đóng lại cái cụp. Hết tiền. Muốn coi nữa thì móc túi ra, 5 đồng.

    Thế là tối tối, hồ tắm Cộng Hòa mở  thêm dịch vụ chiếu phim, Hầu hết phim Ấn Độ, ca múa nhạc, cô gái rắn… coi cũng lạ, cũng có khán giả. Nhưng hình như thu không bù chi. Thế là năm 1965-1973, chủ cho Mỹ thuê luôn cho khỏe, khách tới chỉ có lính và nhân viên dân sự Mỹ.

    Thanh thiếu niên Ông Tạ mới quen hơi bơi lội trong hồ, muốn bơi lội thì sang hồ Chi Lăng gần chợ Bà Chiểu hiện nay; sau này có thêm hồ bơi Nguyễn Văn Thoại trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt).

    Hồ nào cũng khai rình mùi nước tiểu; có lúc còn gặp c… trôi lều bều trên mặt hồ của đứa xấu bụng xấu nết nào đó. Cả đám bơi tháo chạy. Hồ tạm đóng cửa, súc rửa.

    Chủ cuối cùng của hồ tắm Cộng Hòa là cha của ông Trịnh Dzũng (hiện đang định cư tại Sydney, tên Michael  Trịnh), một cư dân ngã ba Ông Tạ. Ông Dzũng cho biết: “Sau 30-4, gia đình hiến hồ tắm cho nhà nước để khỏi bị đi vùng kinh tế mới!". Từ đó, hồ tắm Cộng Hòa tiêu chuẩn quốc tế thành Câu lạc bộ Bơi lội (hiện vẫn còn, vừa sửa sang lại, khá đẹp).

    Cạnh hồ tắm Cộng Hòa, cách bởi một bức tường cao 2-3m là con hẻm lổn nhổn đá, thông ra ngõ Cổng Bom trên đường Thoại Ngọc Hầu, ra tận hông nhà thờ Vinh Sơn 3 hiện nay. Thỉnh thoảng đi học ở Mai Khôi, rồi sau này là Tân Bình (nay là trường Nguyễn Thượng Hiền), tôi vẫn đi bộ qua đường này.

    Vô hẻm chừng 150m có một võ đường bên tay trái, dạy võ dân tộc gì đó tôi không nhớ lắm, Trung Sơn hay Thiếu Lâm Bắc phái gì đó, trên đất khu Chăn Nuôi. Đi qua, tôi hay đứng lại coi các anh chị môn sinh tập trong đó, kính nể. Anh Nguyễn Thế Sơn The Son Nguyen, em ca sĩ Giang Tử khẳng định "võ đường nho nhỏ thuộc môn phái võ cổ truyền Thiếu lâm Bắc phái.Tổ đình bên Tân Định ngay đền Nam Chơn trên đường Trần Quang Khải. Q1. Trưởng tràng là võ sư Minh Sơn".

    Một môn đồ từng học võ đường này, bạn Trần Nghĩa kể:  "Mình học ở võ đường Thiếu lâm Bắc phái khi dòì về một ngôi nhà trong hẻm đối diện hồ bơi Cộng Hòa. Võ đường có một sư huynh cao to đẹp trai như diễn viên Hàn quốc (dù đã cạo đầu). Sư huynh này mê võ quá nên lén học thêm Taekwando, Judo... Sự phụ biết được, cảnh cáo nghiêm khắc bằng cách... chặt một lóng ngón tay. Vị sư huynh này sau 1975, huấn luyện vỏ thuật cho Công An thành phố. Vị sư phụ võ đường là cao thủ,  từng bị bốn̉ võ sư Nhu đạo, Taekwando, Karate... thách đấu khi dời võ đường lên khu Bảy Hiền, gần Đệ Nhất khách sạn. Vậy mà lâu lâu gặp sư tỉ là...một cô gánh chè ghé võ đường thăm, vị sư phụ này xếp re, cung kính sư tỉ một phép". Nghe vậy, biết vậy thôi chứ chuyện các võ đường xưa có bao giờ thiếu huyền thoại.

    Vô sâu nữa, cũng bên tay phải có một bụi tre rất già, khéo cả trăm năm. Gió thổi, các thân tre cọ vào nhau kêu kèn kẹt, kèn kẹt. Đi học sớm, về học trưa, hẻm vắng, đi học qua, tôi đều ôm cặp chạy vội. Biết đâu đấy, ma quỷ thường nhát trẻ con, chẳng may có ông bà nào chui từ bụi tre ra, lồm cồm ôm chân tôi thì khổ đời – sau bụi tre là nghĩa địa Ông Tạ, chạy dài tới sau chợ, phòng khám Ông Tạ mà…

    Bên kia con hẻm là sang Khu Chăn nuôi, ăn tới ngã tư Bảy Hiền, chỉ cây và cây, nhiều nhất là điệp cổ thụ.

    Vòng lại ngã ba, gần hồ tắm là tiệm vẽ Mạc Chánh Hòa. Tôi đi qua, thích ngắm mấy bức tranh đồng quê, chân dung, bàng bạc màu như có sương khói, rất cổ điển và lãng mạn. Ông họa sĩ chủ tiệm là dân An Lạc, trong ngõ Con Mắt nên sau đó, ông dời phòng vẽ về đây. Một loạt các cửa tiệm linh tinh rồi tới hẻm Tám Thơm – tên một người Nam cố cựu nhà đầu hẻm; sau 1975, bà Tám bán cháo vịt. Bên kia là phòng răng Đào Gia Mưu, tiệm làm răng ống nước. Vài căn nữa là bún chả Ngọc Hà… 

    * Bên trái tiệm ảnh Á Đông ra đến ngã ba đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) là một loạt cửa tiệm hình như không ăn nhập gì với nhau. Chẳng hạn tiệm thịt chó Cây Còn của ông bà giáo Dưỡng cạnh tiệm uốn tóc Hong Kong. Khi Hồng Kong trả lại nhà cho chủ nhà là bác Ninh thì lên gần nhà thờ Thái Hoà, mở lại tiệm uốn tóc khác. Tiệm cũ bên Cây Còn thành tiệm uốn tóc Ngọc Anh, do hai chị con gái lớn bác Ninh làm.

    Một tiệm khác gần đó tên Hoa Lệ Ước. Tiệm này của chủ Lọt thuê nhà của thầy giáo Đinh Canh Phê, còn gọi là thầy Thành, dạy tiểu học Nghĩa Hoà. Năm 1969, chủ nhà lấy lại mở nhà sách Trung Thành.

    Trước 1975, mấy tiệm uốn tóc thường có cái ống trụ tròn thủy tinh màu trắng đỏ xoay xoay, thời đó là tân kỳ lắm lắm.

    Tiệm uốn tóc bên cánh tiệm Cây con là tiệm Hồng Kong,Rồi tiệm đồng hồ Nam Thái có mấy anh con trai rất lanh lợi tên Hòa, Minh; thuốc lào 888 Vĩnh Chính…

    Một cụm ba nhà gần nhau thật khéo: tiệm vàng Kim Hoa, tiệm cầm đồ Bình Dân và ngân hàng Đông Phương.  Những gia đình người Nam cố cựu, thậm chí chủ một khoảnh đất khu này cũng sống vui sống khỏe ở đây. Họ mở cà phê Mây Chiều (trùng tên với Mây Chiều ngõ Con Mắt; không biết mây nào có trước), nhà nước đá Huỳnh Bằng gần tiệm bánh trà Phượng Hoàng, tiệm thuốc bắc Linh Tiên... Bắc Nam hòa hợp càng vui, càng dễ làm ăn.

    Có năm nhà sách trên đoạn này: Ngọc Lan, Trường Sơn,  Trung Thành, Xây Dựng và Fatima. Ngọc Lan nằm gần góc đường Thánh Mẫu; có cho thuê cả truyện đủ loại,  nhất là tiểu thuyết lâm li bi đát – thời đó là thuộc loại sách bị các thầy bu khu Ông Tạ cấm tiệt con cái tuổi mới lớn đọc. Mà có cấm được đâu, chúng cứ lẻn nhịn ăn sáng ra thuê, nhét trong bụng mang về, tối tối mở đèn coi, bố mẹ không biết tưởng con chí thú học hành. Anh tôi mỗi lần ra đây thuê cả chồng truyện chưởng Kim Dung về coi. Không biết mê chưởng hay thích cô gái con chủ nhà sách khá xinh ở đây.

    Qua khỏi đường Thánh Mẫu là vào khu vực Nhà Dây thép gió (Trạm/Đài Phát tín), chả có gì ngoài mấy trụ thép nhìn chán như cơm nếp nát; ngay cả dế ở đây to béo nhưng đá không hăng.

    Bên kia đường, đối diện đường Bắc Hải hiện nay có trường Hưng Đạo, dạy đánh máy chữ; rồi tiệm vẽ truyền thần của cụ Lê Công Bá – từng là xã trưởng Tân Sơn Hòa. Vậy mà khi tôi học vẽ ở đây, cụ chả có vẻ gì một thời “hét ra lửa” cả, tóc bạc trắng, da đỏ hồng, hiền ơi là hiền. Bức vẽ nào của học trò, cụ cũng phê động viên. Trường Hưng Đạo thì tôi có chứng chỉ loại giỏi ở đây hẳn hoi.

    Từ đây cho đến ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám) thuộc giáo xứ An Lạc, với linh mục chánh xứ Trần Ngũ Nhạc nghiêm tính khét tiếng, vậy mà ít ai ngờ lại mọc lên một quán bar Thùy Hương. Giời ạ, trước 1975, cô nào làm gái bán bar là “ghê” lắm, dân chơi thứ thiệt. Có lẽ vì vậy, thanh niên Ông Tạ cũng ít vào đây. Chắc quán nhắm vào mấy anh lính nhảy dù của Trại tiểu đoàn dù Nguyễn Trung Hiếu (nay là siêu thị điện máy Chợ Lớn) gần đó; hay sĩ quan khu cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải) cuối đường Bắc Hải. 

    Chủ quán Thùy Hương người Tàu, đảo Hải Nam, trong xóm hay gọi là bà Tàu, tên Hàn Quế Anh. Bà cụ sống cho tới khi mất hơn 90 tuổi vẫn không nói chuẩn tiếng Việt. Thoạt đầu, bà mở quán ăn, bán cà phê, hủ tiếu. Sau xây nhà, chuyển thành quán bar Thùy Hương; lấy tên cô con gái con đầu của cụ Hàn Quế Anh với người chồng là  lính nhảy dù của trại Nguyễn Trung Hiếu ngay bên quán bar.

    Theo anh Nguyễn Đức Phú, hàng xóm Thùy Hương, ba mẹ là chủ cây xăng Đức Hiền (30 Phạm Hồng Thái, nay là Cách Mạng Tháng Tám) bên cạnh, có hai chị em kia ở Đà Lạt xuống Sài Gòn làm ở Thùy Hương. Cô chị trắng trẻo, xinh xắn, sau này gá nghĩa vợ chồng với người con trai thứ hai của nhà chủ quán, còn cô em lấy Mỹ.

    Chủ cây xăng Đức Hiền là em trai út ông phở Bình bên trường Thánh Tâm. Có cây xăng, dân An Lạc khỏi đi tuốt xuống Bảy Hiền đổ xăng, mua dầu hôi về thắp đèn dầu, nấu bếp dầu… Từ thập niên 1970, nhiều nhà khu Ông Tạ đã chuyển sang nấu bếp dầu, thay cho bếp củi, khói mù mịt, mồ hóng bám tường vôi nhà đúc hiện đại. Như nhà tôi, trước hay mua gỗ vụn ở tiệm làm guốc gỗ trong con hẻm gần building Đại Lợi, mang về phơi mấy nắng mới đun được. Nồi niêu soong chảo đen kịt mồ hóng… Nhà đúc mấy tầng ai lại thế, vậy là chuyển sang bếp dầu.

    Sau đó, cụ Lê Công Bá, cựu xã trưởng Tân Sơn Hòa, chủ tiệm vẽ Mỹ Thuật tôi học mở thêm một cây xăng nữa - cụ vốn có hai căn nhà liền nhau, một căn làm tiệm vẽ, căn kế bên bán xăng...

    Kế bên là tiệm may Đức Thành, ông chủ bị tật do bại liệt nhưng cắt may rất giỏi.

    Qua khỏi ngõ Con Mắt thì đủ cửa tiệm lẫn quán ăn: phở ông Mầm, xe đạp nhà ca sĩ Vũ Khanh, tiệm giò chả Tuyết Hương cạnh nhà in Minh Tâm (bên kia là nhà sách Ngọc Lan)... Kể sao cho xuể.

    Sát ngã ba là một loạt tiệm tạp hóa, sau này hầu hết đổi thành tiệm bánh kẹo. Khách khứa ra vào tấp nập như Tiến Thành, Lan Hương… Nhưng có một tiệm bánh cuốn nhỏ thôi, bên cạnh cổng nhà thờ Nam Thái, nhiều người Ông Tạ biết tiếng cô chủ chứ không phải vì bánh cuốn xuất sắc. Cô này tên Ròn, buôn bán bình thường. Nhưng thỉnh thoảng nổi máu, cô Ròn mặc áo dài vào, ra giữa đường “Đả đảo Ngô Đình Diệm” – dù cụ Ngô mất từ lúc nào. Xe cộ kẹt cứng một khoảng. Cô Ròn chỉ mới vừa mất vài năm nay.

    TRỤC NGANG: ĐƯỜNG THOẠI NGỌC HẦU, TỪ NGÃ BA ÔNG TẠ TỚI CẦU ÔNG TẠ

    Từ ngã ba Ông Tạ, xuống đường Thoại Ngọc Hầu, ngay ngã ba là tiệm bánh tổng đại lý bỏ mối sỉ lẻ Quang Minh không ai không biết. Chủ tiệm trước 1964 vốn nhà đầu hẻm 158 Thoại Ngọc Hầu; làm cho Công ty dược lớn Pharma. Sau khi mua lại tiệm bán gạo Quang Vinh năm 1964 , ông mở tiệm tổng đại lý bán sỉ bánh kẹo, thuốc lá Quang Minh. Ông bà Quang Minh có 5 con: 2 trai, 3  gái. Năm 1971, ông ngăn đôi phía bên đường Phạm Hồng Thái mở tiệm thuốc tây Kim Sơn cho con trai thứ tên Minh đứng bán.

    Cạnh tiệm Quang Minh là tiệm thuốc bắc Phước Hoà Đường, rồi một loạt cửa tiệm may, tiệm vàng, tiệm giày… san sát nhau cho tới nhà thuốc Tây Bình Dân, cạnh con hẻm đi thông sang ngõ Con Mắt. Tiệm may Thành của cụ lý Bằng may đẹp, vải nhập ngoại; nhà có người con trai là sĩ quan VNCH chết trận. (Mấy cụ lý xưa ngoài Bắc cũng hội nhập nhanh lắm. Khu này còn có cụ lý Phác có nhiều nhà cho mướn).

    Cạnh đó là tiệm giày Phú Hậu của cụ trùm Chính, chánh trương Nam Thái. Rồi tới tiệm vàng Tân Lộc, có cô con gái tên Hiện, nổi tiếng hoa khôi Ông Tạ. Tiếp sau vài căn có nhà của ông quản Văn, bố họa sĩ Phạm Thông, người vẽ kiểu nhà thờ Tân Chí Linh năm 1971 với những mảng phù điêu hoành tráng trước và hai bên nhà thờ. Họa sĩ Thông ngồi trên dàn giáo điêu khắc trên ximăng tại chỗ nhiều tháng liền. Đi lễ ở đây, tôi hay tò mò đứng coi…

    Ông chủ tiệm thuốc tây Bình Dân là đại tá VNCH Đào Bá Phước. Ông đại tá Biệt động quân này bị máy bay Mỹ ‘bắn nhầm” tử nạn ở Chợ Lớn hồi đợt 2 Mậu Thân 1968 cùng hàng chục sĩ quan khác; trước 1975 được đặt tên cho Trại Biệt động quân trên đường Tô Hiến Thành (nay là doanh trại quân đội). 

    Tiệm thuốc tây Bình Dân nhìn sang bên kia đường là hẻm Gà có tiệm tạp hóa cùa gia đình ca sĩ Giang Tử, sát bên chợ Ông Tạ cũ. Đi tiếp là tiệm đồng hồ Việt Cường, phòng khám Ông Tạ… Còn ít căn tới ngã ba là nhà anh ca sĩ Ngọc Trọng, MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Rồi tới tiệm sắt Đức Hiệp, tiệm bánh Thanh Hương; đến tận thập niên 1990 còn bán trà và cà phê cực ngon cho khách mang đi nước ngoài. Tôi hay mua trà sen ở đây, pha trà rót ra, hương sen phảng phất mê lắm dù không phải dân nghiện uống trà... 

    Vài căn nữa là tới một tiệm vàng ngay góc ngã ba, nghe nói cũng cùng chủ với tiệm vàng Tân Lộc bên kia; nay là tiệm vàng Bảo Tín.

    MỘT THỜI SAY MÊ, MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ!

    Nói cho ngay, không phải ai ở Ông Tạ cũng xe hơi, nhà lầu.

    Bà chủ bánh gai Ba Khoan nhà trong khu Nghĩa Hòa bên trong đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) cũng theo con hẻm nhỏ trong khu Nghĩa Hòa đi ra ngã ba ngồi bán gần đó. Bà bán bánh gai, ông thổi kèn lâm khốc đám ma; khi xong việc nhà lẫn việc tang ma, ông cưỡi xe Honda dame lúc ấy như xe SH bây giờ, miệng phì phèo thuốc Caravel và sang nhà hàng xóm, bạn bè uống trà mạn (trà miền ngược ở miền Bắc), đánh tổ tôm. Lúc bài ù, ông cười tủm tỉm, hào phóng thưởng ngay mấy đồng cho thằng bé chia bài...

    "Làm trai biết đánh tổ tôm

    Uống trà mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều" (ca dao)

    Đời vậy là tiên rồi chứ còn gì hơn nữa. Ông tiên ấy tên Nguyễn Phớ, con hàng đàn, hai con trai lớn là Hùng và Dũng (hay còn gọi là Tiến) cũng theo nghề cha. Vậy mà không hiểu sao lại đặt tên hàng bánh gai, bánh mật nhà mình là Ba Khoan. Đó chẳng phải là “Ba khoan: khoan yêu, yêu khoan cưới, cưới khoan đẻ” sao? Hay do bác Phớ vốn khoan thai, từ tốn, hiền lành, hay ý đồ thâm thúy gì thì tôi không biết vì nhiệm vụ lớn lao của thằng bé tôi lúc đó là cố có chiếc bánh gai, bánh mật ngọt ngào khi mới ra lò lúc chiều tối, vì lúc đó bánh rất dẻo và thơm mật.

    Khi chạy xe từ nhà ra hẻm, ông Phớ phải đi như dắt bộ vì con hẻm này chỉ ngang hơn 1m, trước 1975 có chặn 1 thanh sắt chữ I cao khoảng 60cm giữa hẻm. Lối đi mỗi bên chỉ còn hơn 60cm. Thanh sắt này không rõ ai dựng và cũng không rõ ý đồ; hình như để ngăn xe lớn, xích lô, xe ba gác... vô hẻm. Hồi đầu thập niên 1970, tôi học trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân), hoặc đi mua “cù đặt” trong chợ Nghĩa Hòa hay đi qua đây. Bà con trong vùng gọi là hẻm Kim Yến vì có nhà may Kim Yến trong đó.

    Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, đầu hẻm có một ông ăn mày bị phong cùi, mặt nổi sần, tay cụt hết các ngón, ngồi bên phải hẻm và chiếm nửa hẻm. Ai đi qua, ông ấy chìa tay sát chân người ấy. Đám trẻ con đi qua rất sợ, có đứa bé mẹ bế mà vẫn khóc thét. Nhiều nhà khu này dặn con cháu: “Đi không được sờ tay vào tường, kẻo lây bệnh”.

    Nhà nào cạnh nhà nào ở dãy bên trái Á Đông, hướng về Bắc Hải mà bảo tôi nhớ thì bảo dốt tôi chịu. Nhưng có tiệm thì đố “tẩy não” tôi lẫn bao nhiêu dân Ông Tạ được, đó là tiệm bánh trà Phượng Hoàng cạnh một con hẻm. Cứ dịp Trung thu thì không ngày nào đi học về tôi không ghé đây một hồi.

    Chủ tiệm tên Viễn, xưa vốn đi bỏ bánh, dần dà mở hẳn cửa tiệm, làm đủ các loại bánh quê hương xứ Bắc, mùa nào thức nấy: cốm, xu xê, đậu xanh... Riêng mùa Trung Thu, tiệm bày một dãy bàn dài ra trước tiệm, quây vải lên trên cho thợ làm bánh dẻo, bánh nướng công khai cho bà con thiên hạ lác mắt chơi và tin tưởng chất lượng hàng hóa hơn.

    Quanh đó bao giờ cũng có một đám trẻ há hốc mồm đứng chắp tay sau đít coi, thèm nhỏ dãi, nuốt nước miếng ừng ực. Trong đó lẽ nào vắng mặt mũi cái thằng tôi. Cả đám trẻ con túm lại, chen nhau có lúc muốn vặc nhau để giành chỗ, như giành chỗ xem phim ở sân nhà thờ thỉnh thoảng chiếu vài suất.

    Thợ nhồi bột nếp đã chín vào khuôn gỗ có tay cầm, thêm nhân này nọ rồi ấn chặt bột bao lấy. Xong, thợ gõ rất gọn khuôn gỗ: cạnh trái khuôn một cái, cạnh phải một cái, dộng tay cầm cái nữa. Bánh bung khuôn là úp ngược, gõ đánh cộp một cái, nguyên cái bánh dẻo văng lên bàn tay thợ chờ sẵn, nóng hổi, thơm ngọt ngào mùi hoa bưởi. Thằng bé tôi ôm cặp thầm giận cha dỗi mẹ: “Sao cứ bắt học hành làm gì cho mệt, thà làm thợ bánh Trung thu có mà sung sướng, ăn ngon cả đời...”.

    Bên kia đường, ngay ngã ba ông Tạ, tiệm Tiến Thành, Lan Hương, rồi trên đường Thoại Ngọc Hầu, đoạn gần ngã ba... , mấy tiệm bánh nữa cũng quây kệ ra vỉa hè làm bánh dẻo. Trên đầu thợ, có tiệm còn treo bán thêm đủ loại đèn Trung thu: “Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bướm bướm...”. Nhiều tiệm tạp hóa cũng treo đầy đèn Trung thu, tối họ thắp nến sáng rực. Trung thu thời đó, không rõ nơi khác ra sao, còn dân Ông Tạ không chỉ ăn bánh Trung thu mà còn có có cả hạt dưa, kẹo lạc, bánh cốm, mứt này nọ...

    Mùi thơm bánh mứt và những  tiếng gõ cồm cộp cho rớt bánh dẻo ra liên tục - những âm thanh vang động không quên suốt một thời trẻ thơ Ông Tạ của chúng tôi.

    Còn tết Nguyên đán tức tết Ta thì khỏi nói, một trời kỷ niệm ùa về. Từ 23 tháng Chạp, đưa Ông Táo về trời là dân Ông Tạ thay thảy xuống đất: đoạn đường từ ngã ba Ông Tạ đến cầu Ông Tạ hạn chế xe cộ qua lại, tất cả dành cho các gian hàng, sạp hàng tết bày la liệt giữa lòng đường. Người đi bộ đi hai bên. Khu bán lá dong, lạt buộc để gói bánh thì bên ngoài ngã ba, trước trường Thánh Tâm (nay vẫn còn). Thịt heo lên ngôi, thịt chó “ra dìa”. Tết ai mà ăn thịt chó.

    Hàng hóa các nơi tràn về. Hàng hóa tại chỗ như giò chả, kẹo lạc (kẹo đậu phộng), “thèo lèo cứt chuột”… chỉ làm dịp tết bên Nghĩa Hòa, Nam Thái… đổ ra.

    Có người thích kẹo lạc Quế hương ăn giòn thanh. Kẹo Quế Hương làm ngay tại nhà, trong hẻm bánh mì Nam Thành Phong, gần nhà thờ Nam Thái.  Có người lại thích kẹo lạc trong hẻm ông Xót trên đường Đại Nghĩa, khu Nghĩa Hòa ăn thơm phức. Gần tết, cả khu xóm này ngào ngạt mùi kẹo lạc Hòa Thành và Thăng Long. Hai chủ hiệu là anh em, tên Hòa và Thủ, không rõ có phải dân Hà Nội không.

    Trẻ con hay đổ đến mấy lò kẹo này vừa xem thợ làm đông vui vừa… chực ăn: khi cắt kẹo, bác Hòa gái lò kẹo Hòa Thành luôn vui vẻ “chia phần” cho đám trẻ con rìa kẹo. Đường Đại Nghĩa còn có lò kẹo lạc của ông bà chánh Chuyên, lò chú Thi ở xóm bà Rao, lò chú Xuyên…

    Giò chả thì khỏi nói. Các nhà làm giò chả chia nhau làm; người này làm người kia nghỉ. Đèn thắp sáng đêm. Thợ giã giò hai tay hai chày, cứ gọi là giã liên tu bất tận; quăng chày xuống là lăn ra ngủ, thợ khác vào thay. Anh nào cơ bắp cũng cuồn cuộn, chả cần gym ghiếc như bây giờ. Chuồng heo các nhà trong vùng nuôi đều không còn con nào; kể cả trại heo của ông ông tổng Vi, nhà cuối đường Thăng Long chỉ 28, 29 tết là đã dọn rửa chuồng. Vẫn không đủ cho dân Ông Tạ ăn và làm giò chả; bỏ mối khắp Sài Gòn – Gia Định cơ mà. Thế là heo Hố Nai, Gia Kiệm, Gò Vấp… cũng lần lượt lên xe về côngxi heo Tân Sơn Hòa trong ngõ Cổng Bom; hoạt động hầu như suốt ngày đêm.

    … Các gian hàng, sạp tết bán cả ngày lẫn đêm, suốt đêm. Những ngày giáp tết Ông Tạ ấy náo nhiệt vô cùng. Nhà nhà mua sắm. Không ai ở nhà nổi. Đám trẻ con chúng tôi dù chẳng có tiền thì đứa nào cũng lò mò ra chợ Tết chơi, nhất là về đêm để ngắm kẹo bánh, coi hoa, nghe trả giá… và lượm mấy thân lá dong người ta bỏ về kết làm súng, làm gươm chọc phá nhau, vui như tết.

    Ai từng sống những ngày ấy, trải qua những buổi chợ tết Ông Tạ sôi động, ầm ĩ ngày nào làm sao quên được nhỉ?!

    Và làm sao quên được những ngày cuối tháng 12 gió may về lành lạnh, đèn Ông Sao, hang đá Giáng sinh, cây thông làm bằng tre tuốt nhỏ bày bán tràn ngập khu ngã ba Ông Tạ, trước cửa trường Thánh Tâm và các chợ xóm đạo trong vùng. Tiếng chuông Noel trong đêm các xứ đạo Ông Tạ bình yên và thánh thiện nhường nào…

    Một trời Ông Tạ thương nhớ…

    * Nhà lồng chợ Ông Tạ cũ, nay là trường Phạm Văn Hai, lên phía ngã ba Ông Tạ - Ảnh: C.M.C

    CMC.

    Facebook Cù Mai Công ngày 24-10-2020

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập49,295,140

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!