Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập45,692,190
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Truyện ngắn
Người nhà trời
Tư Bạch là nhân vật có thực. Trong giới anh chị giang hồ một thời ngang dọc ở miền Nam này, Tư Bạch được xem như một con người huyền thoại. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khổ, mẹ mất sớm, được cha nuôi dưỡng cho học đến bậc tiểu học thì bị đuổi ra khỏi trường vì không có đủ hai xu nộp phạt do lỡ miệng nói tiếng Việt. (Nhà trường, thời thực dân Pháp cai trị xứ này, có những qui định bắt buộc học sinh bản xứ phải nói tiếng Pháp khi ngồi trong lớp cũng như trong giờ ra chơi).
Năm mười một tuổi, bị mồ côi cha, Tư Bạch phải đi làm thuê, tìm thầy học võ. Anh đã theo học hầu hết các bậc thầy võ nổi tiếng bấy giờ ở khắp miền Tây Nam Bộ, kể cả võ sư Trung Hoa và võ sư Miên, suốt mười hai năm. Trong thời khoảng này Tư Bạch đã từng mạnh tay diệt ác trừ gian, cứu giúp những người nghèo khổ, những kẻ oan khiên. Đến năm 23 tuổi, do một tình huống đặc biệt, Tư Bạch trở thành người cầm đầu giới anh chị Sài Gòn-Chợ Lớn, và với tấm lòng trong sáng không chút mảy may vụ lợi, anh đã thay đổi lề lối sinh hoạt của đám giang hồ ở dưới tay mình. Từ nén hương khấn nguyện trước bàn thờ tiên tổ, anh đã hết lòng giúp đỡ những người hoạn nạn khốn cùng, gặp gỡ trên bước đường đời trong hai mươi năm, rồi sẽ tìm chốn ẩn thân…
Sau đây là một chuyện nhỏ của anh Tư Bạch, khi anh đang còn lang thang khắp vùng sông nước tầm sư học đạo.
Hồi ấy, giữa chợ Cần Thơ có một tên trùm chuyên nghề cho vay nặng lãi, tên gọi Ba Béo hay Ba Thù Lù. Gọi y là trùm, vì dưới tay y có bầy thủ hạ, thuộc loại đá cá lăn dưa để mà hành hung con nợ và uy hiếp họ bằng đủ các trò đe dọa nếu không trả được tiền lời đúng hẹn.
Ba Béo người ở miền nào, không ai biết rõ xuất xứ. Có người nói y vốn tên Ba Bé làm nghề đón đường cướp giật thường ẩn hiện vùng biên giới Việt - Miên. Hẳn y thấy sự cướp giật như thế vốn quá thất thường, lại dễ rước lấy hiểm nguy khi gặp những tay có súng hoặc có võ nghệ cao cường, đồng thời rừng rậm không thể là nơi có được tiện nghi, nên sau thời gian trấn lột xe đò qua lại miền này y đã lộn về thành phố làm nghề cho vay nặng lãi. Ban đầu, y nói toàn chuyện nhân nghĩa và chỉ lấy lời chút đỉnh - gọi là cho đỡ thiệt thòi - rồi sau khi đã tạo đủ vây cánh, thế lực, y mới dàn quân bố trận để mà thực sự hành nghề trấn lột kể như là hợp pháp này. Đối với xã trưởng, cò bót, ngoài ngày lễ, Tết, cũng như sinh nhật mà y ghi nhớ nằm lòng là luôn có đủ quà cáp trọng hậu, lại cứ hàng tháng y đều đem đến các thứ tặng vật làm bằng vàng ròng. Y nói: “Tao đủ bùa phép để làm cho bọn cầm quyền trở thành tàn phế”. Dần dần các quà tặng ấy đã biến những nhà cầm quyền thành điếc, rồi mù, và câm một cách tự nguyện. Chừng nào bọn cầm quyền tự nguyện tàn phế ấy còn ngự trị trên đầu dân chúng thì tên cướp giật công khai này còn tác yêu tác quái tha hồ. Nghe đâu, khi mới xuất hiện ở chợ Cần Thơ thì Ba Bé còn gầy nhom, gầy nhách, nhưng chỉ sau một năm trời y đã mập tròn - như một chữ o - và chữ o ấy được thêm vào cái tên gã, trở thành Ba Béo mà nhiều người thấy cần diễn dịch cho hợp với ngôn ngữ địa phương, là BaThù Lù.
Khi đã có tiền, mà là đồng tiền bất chính thì con đường nó dễ dàng dẫn đến là sự trụy lạc, suy đồi. Đó là qui luật kể như ngàn đời, dễ thấy trong các thời đại hỗn độn của kiếp nhân sinh. Bởi vậy, Ba Béo đã tìm đến rượu một cách nồng nhiệt, rồi tìm đến gái một cách vồ vập, để cuối cùng tìm đến thuốc phiện một cách mê ly.
Nhưng một con người hèn hạ tự chuốc lấy sự sa-đọa là chuyện của bản thân y, và ở cái thời buổi ấy những ai muốn tự đầu độc hay tự hủy hoại là điều chỉ đáng bận tâm ở trong phạm vi của một gia đình. Song với Ba Bé, y đã vượt mọi lằn ranh cho phép của một xã hội, dầu đó là cái xã hội tha hóa của thời thực dân thống trị.
Nhiều lần say rượu, Ba Béo đã lấy chai đập bể đầu, sứt trán nhiều người song không ai dám phản kháng vì pháp luật đứng hẳn về phía y. Còn về đồng tiền cho vay đã tạo điều kiện cho y cưỡng hiếp khá nhiều phụ nữ, những người không kịp đến hẹn trả món tiền lời phải đem thân xác phục vụ cho y để được khất nợ, dầu sự cống hiến như thế vẫn không trừ được bằng tiền. Và nếu người phụ nữ ấy không được vừa mắt Ba Béo thì phải đem con gái mình, hay là em gái để mà thay thế. Không ít những người phụ nữ cảm thấy nhục nhã trong sự chấp nhận cái điều kiện ấy, song họ không thể chống đối, bởi vì dưới tay Ba Béo có cả một lũ mặt ngựa, đầu trâu. Khác với đội quân đòi nợ thường gặp ngày xưa trong nhiều gia đình địa chủ ở tại miền Bắc, miền Trung, quen kéo đến nhà con nợ chửi bới ì xèo hoặc lấy tép sống giã nhỏ rịt vào ống chân và băng bó lại - như bị ghẻ lở hay bị thương tích - rồi đến nằm vạ ở nhà con nợ nhiều ngày, để mùi hôi thối từ chất tép bị rã mục xông lên nồng nặc. Nếu không làm vậy thì bọn đòi nợ ăn trái bã đậu để bị tiêu chảy và cứ như vậy vãi ra cả nhà con nợ, thậm chí nhầy nhụa ở trước bàn thờ. Bấy giờ, ở miền Nam này, các tay đòi nợ mau lẹ và cương quyết hơn. Con dao sáu lưỡi đưa lên, trả hay không trả phải được nói lời dứt khoát. Mọi sự hẹn nợ phải được trả giá một cách sòng phẳng, thường bằng thân xác của người đàn bà ở trong gia đình vướng phải nợ nần.
Nhiều năm như thế, Ba Béo đã sống như một hung thần mà không một ai dám chống đối gã. Trong một ngày nọ, Tư Bạch về nhà thăm cha sau nửa năm trời xa cách đã nghe trên đường nhiều người kể chuyện Ba Béo trong nỗi sợ hãi và cả bất bình. Kẻ chuyên cướp của những người giàu có, vốn quen ẩn nấp ở nơi hoang vắng, nay lại biến thành kẻ cướp những người nghèo nàn, lại được ngang nhiên giữa chốn đông người. Mới biết, cướp của người nghèo vẫn dễ dàng hơn là cướp bọn giàu.
Anh Tư, sau khi thăm cha, vội tìm lên chợ Cần Thơ và mấy ngày liền anh đi lê la từ quán cóc này đến tiệm ăn nọ để tìm mọi cách gạ chuyện đặng biết rõ hơn về tên chủ nợ hung thần. Một hôm, lân la ở trước nhà lão, anh thấy một người phụ nữ trung niên tất tả bước ra, nước mắt đẫm đầy trên má.
- Này, chị Hai, cho tôi hỏi thăm, đây phải nhà ông Ba Béo hông?
Người đàn bà dừng lại, nhìn anh và đáp:
- Đúng đó.
- Tôi muốn đến hỏi vay một món tiền.
Người đàn bà buồn rầu hỏi:
- Có gì cầm thế đó không?
- Có một miếng vườn nho nhỏ. Nhưng nghe ông ấy khó khăn quá lắm…
Tự nhiên người đàn bà khóc òa lên.
- Này, chị Hai, có chi mà làm chị buồn phiền vậy?
Người đàn bà nói trong nước mắt:
- Tôi vay có mấy đồng bạc để mà buôn bán nhưng bị thua lỗ, tiền lời tính ra đã lên gấp đôi tiền vốn, không có cách nào trả nổi. Ông Ba bảo tôi đem con gái lên để cho khất nợ. Con bé mới mười lăm tuổi, chơn chất, nhu mì đã vì món nợ gia đình mà chịu cho ổng hành hạ đến nỗi về nhà nằm liệt suốt cả tháng nay. Giờ lại đến kỳ phải trả tiền lời, phải lên van lạy, nhưng ổng một hai đòi bắt con nhỏ đi lên… Tôi thật khốn khổ, nhục nhã quá chừng. Làm mẹ mà không cứu được con mình…
Anh Tư an ủi người đàn bà, rồi nói:
- Chị đừng bận tâm về món nợ nữa. Tôi sẽ giúp chị.
- Nhưng chú cũng đang túng bấn đó mà.
- Chắc tôi phải bán miếng vườn, để khỏi đi vay.
Anh theo chị về đến nhà, thấy tận mắt nỗi cơ cực của gia đình chị. Chồng chết sớm, chị đã ở vậy muôi con khôn lớn để mong nó có cuộc đời sung túc, yên vui. Cô con gái mười lăm tuổi hiền lành, chăm chỉ, đã bị Ba Béo đòi lên khất nợ bằng cách bắt vào trong buồng tắm rửa rồi không cho mặc quần áo nằm bên bàn đèn với gã suốt đêm, để sau mỗi lần nạp thuốc phiện xong con quỉ dữ này lại bắt cô bé chiều theo thú tính của mình. Đau đớn, hoảng sợ, cô bé ốm liệt cả tháng trời nay…
Anh Tư hiểu rằng đến loài ác thú cũng không bao giờ cưỡng hiếp đồng loại của chúng. Bọn vô loại này đã được đồng tiền tiếp sức đi đôi với lũ cầm quyền đốn mạt bao che, nên mới tự tung tự tác thế này. Hóa ra xã hội con người ghê tởm hơn là xã hội của loài dã thú. Không loại trừ hết được những quỉ lộng kiểu này, ít nhất cũng phải diệt bỏ cái tên Ba Béo khốn khiếp. Trước khi bước ra khỏi nhà của hai mẹ con, anh Tư an ủi thêm một vài lời:
- Chị và cháu cứ yên tâm, đừng lo gì về món nợ. Tôi đã hứa rồi, tôi sẽ giữ lời. Cứ lo tĩnh dưỡng, làm ăn để thoát khỏi cảnh khổ nghèo. Cuộc đời đang bị chính bọn quyền thế và bọn có tiền cấu kết để mà nhiễu loạn, nhưng chúng ta không đành chịu bó tay.
Anh Tư đi thẳng về hướng chợ, trong đầu suy nghĩ lan man tìm một phương kế loại trừ kẻ ác. Sau khi ghé lại một quán cơm nghèo ăn vội mấy chén với món cá kho cho được no lòng, anh đến gõ cửa nhà tên Ba Béo. Một gã người nhà vạm vỡ bước ra mở cửa, hất hàm:
- Muốn gì?
- Nhờ anh vào thưa ông Ba là có đệ tử của thầy Đại Giác ở trên Thất-Sơn xin được diện kiến.
- Vậy thì mời vào, ngồi đợi, rồi tôi lên trình ông chủ.
Gã chỉ chiếc ghế ở nơi hàng hiên, rồi quay vào trong. Anh Tư chăm chú quan sát chung quanh, để ý đến cái tường thành bao bọc ngôi nhà và ghé mắt vào quan sát mọi sự bày biện bên trong. Hãy xét cỗi nguồn cái ác, anh nhớ lời thầy Trí Độ, nhưng giờ anh thấy cần phải xét kỹ cỗi nguồn của từng gia cảnh sang giàu để biết mọi sự xa xỉ, phô trương đã được rút tỉa từ đâu. Rõ ràng cơ ngơi đồ sộ của tên Ba Béo là sự chất chồng nhiều năm của máu cùng với nước mắt dân nghèo, qua các ngón nghề trấn lột…
Lát sau, anh được gọi lên lầu hai rồi rẽ qua trái, vào một căn phòng tách biệt bày biện hết sức sang trọng. Ba Béo mập tròn đang ngồi trên một trường kỷ chạm trỗ, ra vẻ đường bệ như một ông vua.
Anh Tư Bạch nghĩ: “Dưới con mắt tao, mày thua một con chó dại. Đừng có nhơn nhơn tự đắc về sự giàu sang tội lỗi của mày”. Ba Béo hất hàm:
- Anh là đệ tử sư thầy Đại Giác?
- Dạ.
- Ở chùa nào cà? Ta quên mất rồi…
- Dạ, Hoà Tâm thiền viện.
- À, à… nhớ rồi. Có việc gì vậy?
- Dạ, chắc ông chủ đã nghe biết từ lâu, sư thầy khi vào trong núi có tìm gặp được rùa thần ở trong hang đá sâu trên vài trượng và rùa có nhả một viên ngọc quí là dạ-minh-châu, hễ trong đêm tối sẽ sáng long lanh, chiếu ra đủ tia ngũ sắc, giữ ở trong người sẽ được vô bệnh, tạo thêm khí lực, bền thêm tuổi thọ. Nay đã cao niên, trước khi đi về cõi Phật thầy muốn bán viên ngọc quí để mà tu sửa ngôi chùa và giúp một số gia đình đệ tử đang cơn hoạn nạn. Thầy cho tôi xuống thưa chuyện với ông, vì biết chỉ ông mới có tài lực để mua vật quí…
Đôi mắt lờ đờ của gã Ba Béo như sáng rỡ lên. Anh Tư biết cá đã cắn câu rồi. Thằng giàu nào cũng tham lam - tham tiền, tham sắc, tham được sống lâu để mà tận hưởng lạc thú trần gian. Câu chuyện viên ngọc mà anh vừa nói chỉ là nghe lời đồn đãi đó đây ở vùng Thất Sơn, khi anh tìm đến học võ vùng này. Có thể đó là chuyện thật mà cũng có thể là câu chuyện bịa, bởi không ai dám trực tiếp đến gặp được sư Đại Giác, một vị cao tăng như sống ẩn mình và sư cùng đám đệ tử là những tay võ cao cường nên bọn lục lâm thảo khấu chẳng dám tìm đến mà ăn trộm ngọc…
Ba Béo liền hỏi:
- Có đem viên ngọc theo không?
Anh Tư lễ phép đáp lại:
- Thưa, vật quý như thế đâu dám mang theo tùy tiện trên người. Hiện nay, ngọc được sư thầy giao cho sư đệ Pháp Quang cất giữ ở ngôi chùa ngoài thành phố Cần Thơ, để đợi khi ngã giá xong sẽ cho mang đến cấp kỳ.
- Vậy Sư định giá bao nhiêu?
- Dạ, năm trăm đồng.
Ba Béo trợn mắt:
- Năm trăm đồng sao? Một cái gia tài to bự cũng chưa tới con số đó.
- Dạ, quả là như vậy. Nhưng gia sản lớn bao nhiêu cũng không quí báu bằng viên ngọc đó. Người ta có thể làm ra tiền bạc dồi dào, nhưng không thể làm ra được ngọc thần.
Ba Béo gật gật cái đầu:
- Vậy không giảm bớt được sao?
- Xin ông cho biết ý kiến, tôi sẽ trở về thưa lại với sư Pháp Quang, đại diện sư thầy…
- Ba trăm được không?
Anh Tư đứng dậy:
- Dạ chắc là không được rồi.
Ba Béo lại chỉ chiếc ghế:
- Hãy ngồi xuống đã! Bốn trăm được không?
Trong lúc Tư Bạch đang còn im lặng, Ba Béo đưa tay lên phía đầu tủ ở sau lưng mình, chỉ vào một chiếc tráp lớn có cẩn xa cừ:
- Riêng các giấy tờ thiên hạ vay nợ của ta đựng trong tráp này có đủ số tiền để mua được mười viên ngọc như thế, chớ kể gì là một viên! Nhưng nghề mua bán thì phải trả giá. Mà giá như vậy là cao lắm rồi.
Tư Bạch lễ phép thưa lời:
- Thầy tôi là vị chân tu, phải đem ngọc quí bán đi là vì công ích, đâu có nhằm tư lợi nào mà lại thách giá người mua, do đó chắc không thể làm vừa lòng ông chủ.
Cặp mắt Ba Béo như sáng hẳn lên trong một ý nghĩ ma quái:
- Thôi được, vì Sư, vì chùa, ta đồng ý với giá đó. Nhưng bao giờ thì có ngọc?
- Sau bữa cơm tối, ngọc sẽ đem đến cho ông. Phải vào đêm tối, ông chủ mới thấy rõ dạ-minh-châu tỏa sáng thế nào. Sẽ có mấy người đệ tử võ nghệ cao cường giúp tôi đưa ngọc đến đây.
Ba Béo lộ vẻ hân hoan:
- Thế thì tốt lắm. Ta sẽ lo đủ tiền mặt để khi trao ngọc thì anh nhận tiền. À, này… bạn bè của anh cùng đi đến đây thì đợi ngoài cổng, chỉ mỗi mình anh vào nhà bởi ta không muốn nhiều người lạ mặt đột nhập trong lúc đêm hôm.
- Dạ, xin tuân theo ý ông chủ.
Anh cúi chào, rồi bước ra ngoài. Anh đi chậm lại, liếc nhanh kiểm tra lần nữa địa thế chung quanh. Khoảng chín giờ tối hôm ấy, anh Tư mang theo cái khăn gói nhỏ, gõ cửa ngôi nhà Ba Béo. Tên người nhà vừa ló mặt, anh đã nói ngay:
- Vào thưa ông chủ, có đệ tử của sư thầy Đại Giác.
- Ông chủ dặn tôi đón chờ ông đây. Nhưng ông chỉ nên đi vào một mình.
- Bạn hữu của tôi ngồi chờ ở quán đầu chợ. Tôi chỉ có một mình thôi.
- Mời vào.
Anh lại theo gã người nhà lên căn phòng tới ban sáng. Ba Béo đã ngồi yên vị trên chiếc trường kỷ.
- Chào ông chủ, tôi giữ lời hứa với ông và mong ông chủ đã chuẩn bị sẵn…
Ba Béo lẳng lặng quay lại chiếc tủ phía sau lôi ra một gói, mở cho anh thấy từng chồng giấy bạc, rồi nói:
- Sư thầy ở xa nên ta giao toàn bạc lớn cho các đệ tử dễ dàng mang đi. Bây giờ hãy cho ta xem viên ngọc.
Anh Tư lấy cái khăn gói, đặt lên mặt bàn một cách trân trọng và vừa mở cái gút ngoài, anh bỗng dừng lại ra vẻ lắng nghe rồi vừa nhìn vào phía trong anh bảo Ba Béo:
- Vật quí này chỉ ông chủ và tôi trao đổi, không thể để cho bất kỳ ai khác biết được. Tôi nghe như ở bên trong còn có người nhà…
Ba Béo có vẻ bối rối:
- Đúng… đúng rồi, có mấy người nhà đang lo dọn dẹp…
- Phiền ông chủ nên cho họ ra ngoài.
Ba Béo quay vào, ra lệnh:
- Mấy đứa bay thu dọn gì trong đó, hãy ra ngoài đi!
Một tên, rồi một tên nữa, kế đến là tên thứ ba xuất hiện, thảy đều vạm vỡ lấm lét nhìn anh Tư Bạch rồi bước ra ngoài.
Ba Béo dặn theo:
- Bọn bay muốn dọn dẹp gì thì hãy xuống dưới thang lầu, đợi tao giải quyết xong việc rồi sẽ tiếp tục.
Lắng nghe tiếng chân bên ngoài im dần, anh Tư chậm rãi lại nơi cửa chính gài chốt rồi quay lại bàn, vừa tháo khăn gói và nói:
- Ông cho tắt ngọn đèn đi. Để xem viên ngọc chói sáng ngập căn phòng này.
Ba Béo vặn tắt ngọn đèn măng-sông, và khi bóng tối ngập đầy căn phòng thì anh Tư bảo:
- Đây, ông hãy nhìn xem.
Anh tiếp tục mở khăn gói. Trong tối lờ mờ, anh thấy cái đầu Ba Béo chồm về phía mình, có lẽ lão đang nôn nóng nhìn viên ngọc quí.
- Đâu nào? Ngọc đâu?
- Ngọc đây!
Anh đã rút ngay con dao sắc nhọn từ trong khăn gói đâm thẳng vào cổ Ba Béo. Gã ự lên một tiếng ngắn, gục ngay trên bàn. Anh Tư chồm lên, đè gã xuống chiếc trường kỷ, nói như rít lên:
- Cho mày từ bỏ cuộc sống mau lẹ như vầy là phúc mươi đời của dòng họ mày. Thử hỏi biết bao nhiêu là con người bị mày siết cổ, mổ họng lâu nay phải sống đói khổ, tủi nhục vì mày mà mày nào có để ý tới đâu. Những bọn lợi dụng đồng bào nghèo đói để mà vơ vét, như lũ cho vay nặng lãi kiểu này, chỉ đáng bằm nát rồi quăng cho chó ăn thôi.
Khi biết Ba Béo đã tắt thở rồi, anh mò mẫm lại phía sau bê cái tráp trên đầu tủ và dùng mũi dao còn dính đầy máu kẻ ác nạy cho chiếc nắp bật tung. Anh rút bật lửa xòe lên, để xem có đúng là các giấy nợ như tên Ba Béo đã khoe ban sáng. Quả là có đến hàng đống văn tự đồng nghĩa với các dây, xích trói chặt cuộc đời của biết bao người vào tấm lòng tham không đáy của tên cướp giật ác-ôn. Anh rút sợi dây đã chuẩn bị sẵn cột chặt đống giấy nợ ấy và đeo lên mình, rồi lại cửa sổ bên mặt nhìn xuống một khu vườn rộng - mà anh đã từng quan sát sáng nay - dùng chiếc kềm luôn nhét sẵn trong người bẻ cong mấy chấn song sắt cho vừa một chỗ thoát ra, đoạn lấy sợi dây thừng trong khăn gói ra cột một đầu vào các thanh sắt để anh trườn người ra ngoài níu sợi dây ấy xuống ngôi vườn sau. Vừa níu lên mấy song sắt bị bẻ cong để nâng người lên, anh bỗng dừng lại. Gói tiền mà tên Ba Béo vừa rồi đem ra trưng bày ở trước mặt anh còn y nguyên đấy bên xác chết gã. Anh không màng tưởng một sự chiếm đoạt và từ khi bước vào đời anh vẫn luôn nhắc nhở mình, theo lời cha dạy là không được tham của người và không sử dụng đồng tiền dơ bẩn… Nhưng số tiền lớn lao kia, thật sự không biết con số cụ thể là mấy trăm đồng, vốn là mồ hôi và máu của biết bao người khốn khổ. Để đấy, nhất định là đám thủ hạ ác ôn, hoặc những thầy chú trong lớp cầm quyền vô lương sẽ chiếm dụng lấy để mà tiêu xài. Anh bèn quay lại, sờ soạng trên bàn, lấy gói bạc bỏ vào trong khăn gói và tròng lên vai.
Tất cả sự đào thoát này được anh suy tính chu đáo từ trưa, lúc ra ngồi dưới bóng rợp bên một góc cây ở sát bờ sông, sau khi rời khỏi ngôi nhà Ba Béo sáng nay. Anh cũng thừa biết tên cướp giật ấy sẽ lại cướp giật viên ngọc mà anh đem đến - nếu quả có viên ngọc thật - và sẽ giết anh không chút xót thương. Nhưng các thủ hạ của hắn bây giờ hẳn đang tụ tập dưới chân cầu thang đợi chờ con mồi, trong khi anh đang luồn lõi tìm lối ra khỏi khu vườn sau nhà.
Anh Tư xuống ngay bờ sông, nơi thật vắng vẻ, nhìn quanh để xem có ai đang còn lảng vảng vào lúc giữa đêm khuya này. Khi biết chỉ còn có mỗi mình anh trơ trọi nơi đây, anh tháo các đống giấy tờ vay nợ đeo nặng trên mình thả xuống dưới nước. Nơi đây nhiều bùn, anh biết rõ lắm, và đống giấy nặng sẽ được vùi sâu. Chỉ sau một đêm, nó đã hoen ố và tả tơi rồi. Dòng nước Hậu Giang mở lòng nhân hậu nhận chìm những cái chứng từ oan nghiệt giày vò nhiều kiếp khổ nghèo.
Rời khỏi bờ sông, anh Tư vội vã luồn qua các xóm tìm về ngôi nhà của người đàn bà khốn khổ vừa qua. Ngôi nhà im ắng giữa đêm khuya khoắt. Có lẽ mẹ con chị đã ngủ say. Anh gõ cửa.
- Ai đó?
Giọng nói của người phụ nữ không có vẻ gì vừa mới tỉnh giấc.
- Em đây, chị Hai. Em đến để giúp cho chị giải quyết món nợ.
Thoáng chốc, người phụ nữ đã ra khỏi ngôi nhà ọp ẹp, chị vừa vấn tóc vừa soi mói nhìn trong vùng tối mờ người trai đứng trước mặt mình.
Anh Tư hỏi nhỏ:
- Chị không ngủ sao?
Chị đáp:
- Ngủ làm sao đặng? Cứ nghĩ đến cái món nợ với khoản tiền lời là giật thót mình, con mắt tỉnh rụi. Chứ chú đi đâu mà khuya khoắt vậy?
- Em đi về quê, vì có việc gấp. Hồi sáng, em có hứa sẽ lo giùm món nợ cho chị nên vội ghé đây tin cho chị rõ là món nợ ấy em đã thanh toán giúp rồi, giấy vay em đã xé bỏ. Kể như từ đây chị không còn phải trả cho Ba Béo đồng nào.
Anh dừng lời, vì nhìn thấy được dưới ánh sao xa đôi mắt của người đàn bà nhìn anh chăm chắm với vẻ sửng sốt như là nghi hoặc.
Rồi anh nói tiếp, vừa lôi gói bạc ra khỏi cái bọc:
- Em cũng giúp đỡ cho chị và cháu món tiền là năm chục đồng.
- Năm chục đồng!
Người đàn bà kêu lên trong sự nghẹn ngào. Đời chị chưa từng dám mơ tưởng đến một số tiền lớn như thế. Chị bỗng khuỵu xuống, rồi chị quỳ lạy con người đứng trước mặt mình.
Anh Tư kéo chị đứng lên:
- Chị đừng làm vậy, em chỉ là vai em út của chị. Nhưng em cần phải đi gấp, dặn chị đôi điều: số tiền mà em giao chị bây giờ, ngoài năm chục đồng tặng chị và cháu còn lại bao nhiêu không phải là chị cất đó, mà cũng không phải để chị cho vay kiếm lời, nhưng chị thấy ai khốn khổ thì giúp đỡ họ chút vốn làm ăn. Nhớ đừng giữ lại trong nhà, như bọn nhà giàu quen thói cất giấu của cải làm thần hộ mạng. Chị nhớ, số tiền mà em tặng chị thì chị tính cách sinh sống và lo cho cháu được học - học chữ, học nghề - sao cho tương lai của nó không lâm vào cảnh khổ nghèo. Còn số tiền kia, chị Hai hãy nghĩ tới việc em tin cậy chị để lo giúp đỡ bà con mà đừng vụ lợi. Sau này, xong việc, em sẽ tìm đến thăm chị. Chị nhớ đừng cho ai biết về câu chuyện này và có giúp đỡ những ai thì nói là của một vị Sư thầy nào đó, đề phòng kẻ xấu tìm cách mà trấn lột chị. Thôi, em đi đây.
Người đàn bà lại sụp xuống, cúi đầu, vái lạy:
- Cậu không phải là người của cõi trần. Trời, Phật đã cho cậu xuống thế gian tế độ chúng sanh…
Anh Tư lại lôi chị dậy:
- Chẳng có Trời Phật nào ở đây hết, chị Hai. Em chỉ là một nông dân nghèo khổ đó thôi. Có dịp giúp đỡ bà con thì gắng mà giúp, như sắp tới đây chị lại phụ trợ cho những ai đó lâm cảnh khốn nghèo. Chào chị, em phải đi ngay.
Người đàn bà đón lấy gói bạc anh trao, nước mắt chảy dài. Chị nghẹn ngào nói:
- Nhưng cậu cũng cho tôi biết tên cậu với chớ.
Anh Tư có vẻ do dự, rồi đáp:
- Em là thứ tư, tên Bạch.
Người phụ nữ vẫn nói trong nước mắt:
- Cậu Tư Bạch ôi, mẹ con chị nhớ ơn cậu không chỉ kiếp này mà cả kiếp sau…
Vụ việc loại trừ Ba Béo đồng thời giải thoát mấy trăm con nợ khỏi thứ xiềng xích tiền bạc bắt họ nô-lệ nhiều năm vào cái lòng tham không đáy của một tên cướp ác-ôn mang nhiều thú tính hơn loài hoang dã được các nhà chức trách bấy giờ ráo riết truy tìm thủ phạm, nhưng cuối cùng đành buông xuôi. Chỉ có mỗi một chi tiết, là kẻ mưu sát tên trùm nợ này đã nói với người giữ cửa rằng y là đệ tử thầy Đại Giác được sai phái đến, nhưng khi điều tra thì quả có một vị sư mang cái danh hiệu Đại Giác ở mạn Thất Sơn nhưng ông này đã viên tịch từ lâu. Rõ ràng là kẻ giết người đã mượn danh tính của vị sư này làm cái thông hành đặng vào trong nhà Ba Béo đó thôi. Như vậy, y thừa hiểu rằng những bọn trấn lột thiên hạ để làm giàu vẫn thích tìm đến đạo giáo hối lộ thần Phật đặng được cứu rỗi về sau, nếu không cũng là một cách lừa bịp thiên hạ để mà có thể trấn lột nhiều hơn.
Những con nợ của Ba Béo, thức dậy sau sáng hôm ấy, cảm thấy như mình đã được hồi sinh. Ba Béo chết đi, đã là nỗi mừng của họ, nhưng họ vẫn lo ngại rằng giấy nợ sẽ được vợ con của gã tiếp tục đòi hỏi, cho đến khi biết qua nhà chức trách là tủ bạc y vẫn được khóa chặt, một số vàng bạc vẫn còn, chỉ riêng cái tráp giấy nợ là được dọn sạch bên trong, người ta mới thực thở phào vì đã thoát nạn. Đa số con nợ là những người nghèo. Và những người này đều đã tự động thắp nén hương lên bàn thờ cầu nguyện trời Phật phù hộ cho kẻ giết người được sống an lành.
Chỉ mỗi người đàn bà nghèo được anh giao hết số tiền - gọi là bán ngọc - là biết rõ tên của kẻ sát nhân quá hào hiệp này. Mỗi tối, thắp hương lên vái ở trước bàn thờ, chị vẫn nhẩm đọc lại cái tên anh, để ghi khắc sâu vào lòng danh tính con người nghĩa hiệp hẳn đã được trời sai xuống cứu người lâm nạn. Và người phụ nữ mà anh Tư Bạch giúp đỡ, gọi là Chị Hai, anh vẫn không hề biết đến tên chị, bà Lâm Thị Vân. Nhờ anh, bà Vân thành người khá giả và được nhiều người quanh vùng ca ngợi về lòng nhân hậu, bởi bà sốt sắng giúp đỡ bất kỳ những ai phải lâm vào cảnh ngặt nghèo.
2000.
Một người khách viếng nghĩa trang
Hôm ấy, không rõ là ngày tháng nào, chỉ nhớ là một buổi sáng đầu xuân năm 1992, người giữ nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi thấy một chiếc xe du lịch màu đen đỗ trước văn phòng. Trên xe, chỉ có một người ngồi cạnh tài xế. Khi người ấy ra khỏi xe, đeo cái túi xách lên vai, người giữ nghĩa trang mới nhìn rõ hơn: một người Tây phương không rõ nước nào, trạc tuổi 50, vóc dáng trung bình, mái tóc hoe vàng với một ít râu quanh mép có lốm đốm bạc.
Ông ta nói tiếng Việt Nam bằng một giọng chưa sành sõi:
- Tôi có được phép vào thăm đây không?
- Xin mời ông cứ tự nhiên.
Người khách vừa nói "cám ơn" thì được gặng hỏi:
- Xin lỗi, ông là người ở nước nào?
Khách hơi khựng lại, nhìn người cán bộ quản lý nghĩa trang, không nói lời nào. Rồi sau vài giây im lặng, khách ấp úng nói:
- Tôi là dân Hoa Kỳ. Tôi có thể vào được không?
- Mời ông vào.
- Cám ơn. Cám ơn nhiều lắm.
Khách chậm rãi bước ra khỏi văn phòng nằm ở góc bên tay mặt phía ngoài nghĩa trang, đi về nơi cổng. Tới đây ông mới quay nhìn chiếc xe, ra dấu cho người tài xế đến đậu ở một gốc cây bạch đàn sum sê trước cổng. Rồi ông vào cổng, đã mở rộng cửa, bước vào khuôn viên của những người chết.
Người khách đi được vài bước bỗng đứng dừng lại. Ông đưa mắt nhìn bao quát khu vườn rộng rãi đầy những dãy mộ được tô xi măng và quét vôi trắng sắp ngay ngắn theo từng hàng song song, im lìm, trật tự như một đoàn quân đang đứng dưới cờ để chờ nghiêm lệnh. Những hàng bạch đàn thẳng tắp, cao vút, san sát đứng kề bên nhau làm một thành lũy thiên nhiên xanh dày bảo vệ chung quanh, khiến những nấm mồ có vẻ ấm áp, gần gũi nhau hơn. Theo với ngọn gió từ đâu thổi về miên man xao động lá cành, là tiếng rì rào bất tận như những tâm tình bốc dậy từ lòng mộ huyệt còn vang vọng đến thiên thu. Với một dáng điệu thành kính, khách chậm rãi đưa mắt nhìn bao quát khu vườn, càng lúc như bị hút sâu vào cái khối lượng của những nấm mồ lặng lẽ, và ông cúi đầu. Hẳn những người đã hy sinh còn nhiều hơn thế, ở mảnh đất này. Không nghĩa địa nào chứa hết con dân của một quê hương đã chịu hy sinh, nhất là quê hương đã có danh xưng "đất thép, thành đồng", trong một cuộc chiến ác liệt kéo dài đến mấy mươi năm chống lại kẻ thù tàn bạo được kể vào loại mạnh nhất trên địa cầu này. Đa số người nằm dưới mồ là những thanh niên, thanh nữ, ở vào giai đoạn tươi đẹp và nồng nhiệt nhất của cuộc đời mình, những người từng có quả tim đỏ thắm màu son - quả tim dào dạt tình yêu tổ quốc cùng với khát vọng lý tưởng cao vời. Mỗi người nằm đây đã ấp ủ biết bao nhiêu dự định trên cuộc đời này, và mỗi người có cha già mẹ yếu, có một người tình hoặc một người vợ, người chồng và những đứa con, những kẻ đã từng khắc khoải chờ mong họ về sống thuở thanh bình… Thế mà họ phải chấp nhận vĩnh viễn nằm xuống nơi này, chấp nhận chối từ tất cả những gì cho bản thân mình.
Khách đứng khá lâu trong sự câm lặng não nề, cảm nhận được rõ áp lực của khối người chết lớn lao nằm trước mặt mình. Cái chết ở đây quả có sức mạnh và cả sức nặng, có một kích thước và vị trí khác. Cái chết vừa có tính cách tập trung vừa mang màu sắc thuần nhất, có một giá trị thuyết phục hơn cả sự sống. Bởi vì, nó đang xác minh và đang tố cáo. Tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước này, vẫn đang tiếp tục cuộc chiến bằng sự thầm lặng của mình.
Khi người khách ra khỏi sự chìm đắm tĩnh lặng và bước sâu vào giữa những nấm mồ thì người phụ trách nghĩa trang mới xếp sổ trực và rời khỏi bàn giấy nhỏ. Từ một cửa sổ, ban nãy anh đã nhìn theo người khách, và anh bị giằng co giữa ý thức tò mò với sự tôn trọng tự do của người thiên hạ. "Mình có trách nhiệm với nghĩa trang này" - anh tự nhủ thế - "Và mình phải biết những gì liên quan đến những liệt sĩ ở đây. Miễn là mình không làm gì xâm phạm tự do kẻ khác."
Anh cũng lặng lẽ bước vào nghĩa trang và đi theo một hướng khác. Khách không quan tâm gì đến chung quanh, bước từng bước chậm và nhẹ đến trước mỗi chiếc mộ bia lẩm nhẩm đọc những dòng chữ khắc ghi trên đó, và lại nghiêng đầu. Cúi chào hay là tạ lỗi, không sao biết được. Thoạt tiên, tưởng khách tìm một người quen nào đó đã chịu hy sinh, nhưng không phải vậy. Từng bia mộ một, khách đều đến viếng, và đều nghiêng đầu với sự cẩn trọng và sự khoan thai như nhau. Đến khi mặt trời gay gắt lên đến đỉnh đầu thì khách đã viếng hết những dãy mồ có tên có tuổi, và đi sâu hẳn vào trong, đến những dãy mồ gọi là vô danh. Ở đây, khách lại đứng yên, dáng vẻ trầm ngâm và đầy thành kính. Người giữ nghĩa trang thấy không phát hiện được gì khác lạ nơi người khách viếng lặng lẽ, và giờ nghỉ ngơi đang hẹn một giấc êm đềm sau bữa ăn trưa, vội tiến lại gần, hỏi khách như để kết thúc câu chuyện:
- Ông có thấy gì cần nói hay không?
Người khách từ tốn đáp lại:
- Thưa ông, sự hiện diện của những người nằm đây đã nói nhiều rồi. Tôi thấy họ quá lớn lao trong những nấm mồ khiêm tốn thế này. Hẳn những con người Việt Nam tự hào về tổ quốc mình đều có bổn phận đến viếng nghĩa trang liệt sĩ vào ngày 30 tháng 4.
Rồi quay lại các bia mộ những người vô danh, khách nói:
- Còn những vị này…
Khách bỗng nín lặng.
- Xin ông nói tiếp.
Người giữ nghĩa trang đề nghị.
Khách nói:
- Tôi không nghĩ rằng những liệt sĩ này là người vô danh. Họ đều có tên. Có tên trong gia đình họ, ở quê hương họ, trong những câu chuyện truyền thống về sự chiến đấu của họ. Ở đây, tên họ đã bị thất lạc, và họ là những người chưa tìm rõ họ tên chứ không phải là vô danh. Xin lỗi, tôi nói hơi nhiều.
- Nhưng ông cho tôi tò mò một chút. Chắc ông xưa kia đóng ở Đông Dù?
- Chính vậy. Tôi là lính của sư đoàn 25, "Tia chớp nhiệt đới". Đại pháo của tôi đã gây nên nhiều đau thương cho các vùng này. Hẳn trong những người nằm đây đã có những người phải chết vì tôi. Rõ ràng tôi không có oán thù gì với họ, và tôi không hề biết họ là ai. Bấy nhiêu, đủ nói lên được những gì là phi lý nhất của cuộc chiến này, về phía chúng tôi.
Khách lại yên lặng, khuôn mặt đọng lại trong một nỗi buồn. Người giữ nghĩa trang nhận thấy câu chuyện đã được chấm dứt và quay về phòng. Khi anh nhìn lại, khách đang tiến đến một gốc bạch đàn và ngồi xuống đất, dựa lưng vào đấy.
Người khách đã ngồi thẫn thờ như thế trọn ngày hôm ấy, mãi khi chiều xuống thấy hai cánh cổng từ từ khép lại mới chịu đứng lên, lẳng lặng rời khỏi nghĩa trang.
VH.
Rút từ Tuyển tập Vũ Hạnh, tập 1. Triệu Xuân tuyển chọn. Bản thảo do nhà văn Triệu Xuân biên tập hoàn chỉnh từ năm 2006. Từ năm 2006 đến 2010, NXB Văn học đã ba lần cấp Giấy phép xuất bản, cả ba lần, những đối tác nhận đầu tư in ấn đến phút chót đều “chạy làng”! Năm 2015, bản thảo này đã được xuất bản bởi NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đầu tư in ấn.
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập45,692,190
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa