Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập45,889,361
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Truyện ngắn
Ở trong bệnh xá nhà lao Tân Hiệp, chúng tôi khoảng bốn mươi người gồm đủ thành phần, ở nhiều địa phương khác nhau, với đủ bệnh tật khác nhau, quanh quẩn trong khu nhà nhỏ hai bên là bệ xi măng làm chỗ nằm, ngồi. Ngoài mỗi buổi sáng các ngày làm việc trong tuần, phải lo phục vụ công việc chữa trị, chúng tôi thường tranh thủ chút thì giờ rảnh rỗi ngồi nói chuyện đời. Dĩ nhiên trong chuyện đời ấy có một đề tài đã bị nội quy cấm ngặt, đó là chính trị.
Ở đây tôi quen thân với anh An, một thợ hớt tóc quê ở một vùng cách xa dưới miệt Nam Căn. Chỗ anh hành nghề, theo anh mô tả, là một chợ nhỏ lèo tèo vài ba hàng quán đơn sơ, khách hàng chủ yếu là những nông dân quen biết trong vùng. Anh cũng là một nông dân chất phác, chưa hề đặt chân lên “xứ Sài Gòn”, học nghề của người hớt dạo lưu lạc nào đó trôi giạt đến miền quê anh từ những ngày đầu hòa bình sau cuộc chiến tranh Việt-Pháp. Ngoài quần áo tù, anh chỉ có mỗi bộ đồ mang theo cũng sờn rách rồi. Vợ anh làm thuê cho các bà con quanh vùng, cộng với số tiền thu hoạch của anh trên những đầu người, nuôi cũng tạm đủ gia đình với ba mụn con: đứa trai đầu lòng lên chín, đứa trai thứ hai lên năm và đứa gái nhỏ lên ba.
Không được như các tù nhân có gia đình đến thăm nuôi hàng tuần, anh chỉ được vợ lên thăm hằng hai ba tháng một lần, với cái giỏ xách nhỏ bé gồm ít cá mắm, đôi ổ bánh mì. Tôi vẫn khuyên anh nên bảo chị ấy ở nhà làm lụng nuôi con, đừng thăm nuôi nữa, vì nỗi đi lại đường xa tốn kém, nhiêu khê. Nhưng anh thường đáp: “Mụ ấy không nghe, muốn lên cho thấy mặt chồng”. Điều khiến anh buồn phiền nhiều là vợ anh không thể mỗi chuyến đi đẫn một đứa con lên cho anh gặp, kẻo anh nhớ con quay quắt trong lòng.
Câu chuyện giữa hai chúng tôi xoay quanh nhiều nhất vấn đề sinh sống, làm ăn, nhưng chỉ riêng tôi tò mò muốn biết về anh - hẳn do thói quen nghề nghiệp - còn anh thì chừng như xem sinh kế là lẽ thường tình, không đáng quan tâm bằng chuyện mưa nắng của trời. Ngoài ra, tôi vốn có mối cảm tình đặc biệt với nghề hớt tóc mà tôi vẫn nghĩ là nghề hết sức thiệt thòi, bởi lẽ người hành nghề ấy lại không làm được cho bản thân mình. Người thợ chụp hình cũng còn chụp được cho mình, con hớt thì chịu thua. Nghề này còn bị hạn chế nhiều mặt. Người thợ có thể ngồi không suốt buổi, thậm chí suốt ngày, nhưng nếu năm bảy người khách cùng đến một lượt thì dầu thông minh, tài giỏi cách nào vẫn không gộp số đầu ấy lại để hớt một lần. Chưa nói đến chuyện đắt khách phải đứng suốt buổi gắn chặt với các đầu khách, không thể hãm tông-đơ lại vài ba chục phút để mà giải lao, hoặc vào nhà cầu năn nỉ một cái dạ dày bón uất.
Anh An tuy ít chữ nghĩa nhưng nhờ thông minh, nên rất thạo khoa lâm lý nghề nghiệp. Theo anh, các thợ hớt tóc xưa nay gặp khách là cứ “chụp đầu mần liền”, theo cái nếp cũ có sẵn ở trên đầu khách, hoặc theo ý riêng của mình. Anh nói: “Tôi thì không dại như thế”. Anh bàn bạc qua với khách về một kiểu tóc, sau khi góp vài ý kiến nhận xét về cái bộ phận khả kính nằm trên cổ khách. Dĩ nhiên đầu khách bao giờ cũng đẹp, nên phải chọn kiểu nào cho tăng vẻ đẹp ấy lên. Cuối cùng, sau cuộc trao đổi ở trên thượng đỉnh, anh An vẫn hớt… y nguyên như cũ, nhưng khách có vẻ hài lòng hơn nhiều. Con người, nói chung, vẫn thiếu khả năng đánh giá cho chính xác được về cái đầu mình, cả phần bên trong cũng như bên ngoài.
Anh An cũng rất quan tâm đến tiếng xưng hô với các khách hàng. Tùy theo lứa tuổi, tùy loại hạng người và tùy mức độ thân sơ anh có cách gọi thân mật thích hợp để tạo với khách một thứ không khí gia đình. Anh cũng tính toán phải nói với khách những câu chuyện gì, và nói lúc nào. Khách đến thì phải chào thưa, hỏi thăm sức khỏe, tới khi trùm khăn lên cổ bắt khách cúi đầu để mà xén tóc là lúc kể cho khách nghe chuyện lạ bốn phương… ở trong xóm mình. Nào chuyện đánh ghen, mất gà, cờ gian bạc lận, nhậu xỉn đi vào lộn mùng, vân vân… nói chung là chuyện có thể làm khách quên đi các nỗi đau đớn do cái tông-đơ cũ kỹ hành hạ trên đầu. Đến khi bẻ ngửa cổ khách để cạo da mặt lại là những câu chuyện khác. Đây là giai đoạn tâm sự cuộc đời, nỗi buồn sinh hoạt, nói về giá cả tăng cao, cuộc sống khó khăn làm cho biến đổi lòng người. Giai đoạn này nhằm chuẩn bị tinh thần cho khách trước khi trả tiền.
- Làm sao mà có đủ chuyện kể hoài như vậy?
Anh cười:
- Úi chà, thiếu gì. Mình kể, khách nghe hứng chí cũng kể với mình. Người nào cũng có nhét sẵn trong bụng cả nguồn tin tức. Rồi mình đem chuyện người này kể lại cho người kia nghe, cứ kể xà quầng như vậy cả đời không hết.
Rồi anh ghé sát bên tôi, thì thầm:
- Cũng có đôi lúc mình đặt điều ra loan tin Cách mạng thắng lợi chỗ này, chỗ nọ. Cốt “huyên truyền” mà!
- Thế anh đã bị chúng bắt về tội “huyên truyền” bậy bạ?
- Đâu có. Mình hoạt động chớ. Hoạt động có tổ chức mà.
Một hôm, một học trò cũ của tôi ở trường Đạt Đức hoạt động nội thành, bị bắt đưa vào trại giam Tân Hiệp, gặp tôi ở tại bệnh xá, mừng rỡ kêu lên:
- Trời ơi! Giáo sư! Giáo sư đã lành bệnh chưa?
Dưới chế độ cũ, “giáo sư” là tiếng gọi chung những người dạy từ trung học trở lên. Sau đó, thừa lúc chỉ có chúng tôi ngồi ở hiên sau, anh An bèn hỏi một cách dè dặt:
- “Ông anh” là giáo sư à?
Tôi đáp:
- Vâng, tôi là giáo sư.
- Chèn đét! Tôi đâu có biết. Vậy “ông anh” là trí thức?
- Người ta vẫn kể giáo sư vào hàng trí thức.
Anh An có vẻ ngơ ngẩn khá lâu… Rồi anh tâm sự:
- Vậy mà xưa nay tôi tưởng chỉ có bọn nghèo như tôi mới làm cách mạng.
- Bộ anh cho rằng chúng tôi giàu sao?
- Nhưng là trí thức. Tôi nghĩ trí thức còn làm cách mạng làm chi!
“Làm cách mạng làm chi” là chuyện dài dòng, không thể diễn giải ở nơi hiên sau của một trại tù. Tôi trả lời anh cho gọn nhẹ hơn:
- Bọn tôi, nếu là trí thức, cũng chỉ là những trí thúc hạng thường. Có nhiều những đại trí thức - trí thức cỡ bự - cũng làm Cách mạng. Không phải chỉ đời bây giờ mà ngay từ những ngày đầu, trong thời kỳ đen tối nhất.
Tôi kể vội vàng - vì sợ bị lớp chỉ điểm nghe được, báo cáo lên bọn an ninh - cho anh nghe các tên tuổi những trí thức lớn đã làm Cách mạng, kể lại những ông, những bà bác sĩ, kỹ sư đã đi vào bưng từ những ngày đầu kháng chiến. Rồi tôi chỉ qua mấy dãy trại giam gần đấy để cho anh thấy các nhà trí thức lỗi lạc ở trong hàng ngũ chúng ta: có vị đang mặc quần đùi, áo… da, lom khom đánh cờ, có vị đang ngồi lặng lẽ gặm nhắm móng tay, vị thì say mê gãi rốn hoặc phì phèo điếu thuốc rê. Vào thời điểm ấy các bạn sinh viên đấu tranh cũng bị an trí hàng loạt tại nhà giam này. Đến giờ khiêng cơm các bạn xuất hiện khá đông trên đường dẫn về nhà bếp.
- Anh có thấy cậu đeo kiếng đó không? Đó… Nay mai cậu ấy sẽ là luật sư.
- Luật sư là giống gì?
- Gọi nôm na là thầy cãi. Hễ mình có tội, ra tòa, thì nhờ mấy ổng cãi hộ.
- Họ cho cãi à?
- Cho chớ.
- Thế cãi có chắc được không?
- Cũng còn tùy việc, tùy người, và tùy chế độ. Nhưng điều chắc chắn là làm chính trị như bọn mình đây thì thôi khỏi cãi. Xem kìa, cái anh gầy gầy đang đứng trên bực cấp đó, nay mai là kiến trúc sư.
- Là cái thứ chi?
- Vẽ các kiểu nhà và cách dựng nhà.
- Làm nhà mà cũng nhiều chuyện quá há?
- Ừa, cũng rắc rối lắm. Không có mấy chả thì mình xây cất dám đổ sụp lắm, đè chết lòi ruột. Còn anh đang đi lom khom sau cùng là một dược sĩ.
Anh An có vẻ không hiểu dược sĩ là nghề nghiệp gì. Tôi phải cắt nghĩa:
- Mấy ông bà đó chuyên bào chế thuốc.
- Vậy mà tôi tưởng chuyện đó là của bác sĩ.
Anh An cũng biết ở trong trí thức có các giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, ngoài ra anh chưa hề nghe tới các danh hiệu khác. Tôi giới thiệu tiếp:
- Cái anh trắng trắng chân đi cà nhắc dưới trại hướng nghiệp là trí thức đôi. Anh ấy có đến hai bằng kỹ sư. Còn anh mập mạp ở dưới nhà bếp chuyên nấu mấy chảo cơm lớn, thỉnh thoảng xếp chân ngồi thiền, là trí thức ba - ba lần trí thức: là kiến trúc sư, vừa là kỹ sư, vừa là họa sĩ.
- Giỏi hén!
Để anh thấy rõ trí thức cũng không phải cao xa gì, tôi chỉ mấy anh trong phòng, nói tiếp:
- Anh Phùng là chủ báo đó. Anh Tạo kia là bác sĩ. Anh Phương đỗ bằng cử nhân văn chương… Phòng mình tuy là đau ốm khệnh khạng cũng có ít nhất sáu cha trí thức.
Anh An như bị tràn ngập bởi các trí thức. Tôi tưởng kể ra lủ khủ đủ cỡ trí thức mà tôi biết được trong trại giam này, cộng vào chút giọng cười cợt nhẹ nhàng sẽ làm cho anh tiếp nhận chúng tôi được dễ dàng hơn. Nhưng sự thực lại khác hẳn. Anh hóa đăm chiêu, dè dặt. Không còn những buổi nói chuyện thân mật, như là mọi ngày, những tiếng “anh, tôi” thoải mái cũng không còn nữa. Tôi được nâng cấp thành ra “ông anh” còn anh thì tự giảm thiểu ở trong vai “em” khiêm nhường. Khoảng cách không chờ đợi ấy lộ hiện dần dần qua các sinh hoạt hằng ngày.
Tôi còn nhớ rõ, chỉ còn tuần nữa là Tết và hôm đó An được gọi ra nhận thăm nuôi. Đây cũng là chuyện bất thường vì anh đã được thăm nuôi cách một tháng trước. Khi anh trở vào, một giỏ xách nặng đeo trên cánh tay. Chưa bao giờ anh được sự chăm sóc đủ đầy như thế.
Vào phòng, An lặng lẽ tìm chiếc chổi quét sạch sàn nhà, trải tấm đệm lát, rồi bày biện đủ các thứ lôi từ trong giỏ xách ra thành một bữa ăn thịnh soạn: nào thịt heo luộc, gà xé phay, chả giò, bún và mắm thái. Lại còn bánh tét, bánh ít lá gai, bánh ú nhân đậu, nhân dừa. Xong, anh đến gần tôi, trân trọng:
- Hôm nay em làm bữa tiệc tất niên, xin mời ông anh cùng với các vị trí thức trong phòng. Nhờ ông anh nói giúp cho một tiếng với các vị kia…
Chưa đến hai phút, lời mời của tôi đã chuyển đến năm vị khách cùng phòng. Khi ngồi đông đủ, anh An lắp bắp nói lời khai mạc, đại khái năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, anh rất hân hạnh được gặp anh em trí thức cùng phòng trong buổi tất niên. Xin mời quí vị thật lòng chiếu cố.
Rồi sợ quí vị chưa dám chiếu cố thật lòng, anh lấy đũa gắp thức ăn bỏ vào trong chén từng người. Làm như trí thức đều không biết gắp. Để cho không khí thoải mái, tôi khuyên anh An hãy để mọi người độc lập tác chiến và xem tôi biểu diễn sáu kiểu gắp khác nhau mà không để sẩy mất một miếng nào. Bữa ăn ngon miệng lôi cuốn mọi người vào sự thân mật, chan hòa. Và chất béo bổ rõ ràng đã làm khởi sắc cho tâm hồn người, do đó anh Đạm, vốn là thi sĩ, tỏ ra xúc động vì vợ anh An ở chốn xa xôi vẫn tưởng nhớ đến ngày Tết của chồng trong cảnh lao lung, đã gởi cho chồng và đám bạn chồng những thức ăn ngon, nên bèn ứng khẩu đọc bài thơ ngắn ca ngợi tình nghĩa vợ chồng bất diệt. Rất tiếc, trí nhớ của tôi về mặt thi phú rất là cùn mòn nên không còn lưu lại được câu nào trong tâm não mình. (Và cũng có thể là thơ anh Đạm quá tồi, không đủ tư thế ngồi lâu trong tâm hồn người). Anh Tâm - cũng là giáo sư trung học - vừa nhai xương gà rau ráu vừa gật gù khen tục lệ tất niên của ông bà ta là một truyền thống… mỹ miều, cần nên bảo vệ, kế thừa, không được để cho mai một bất cứ vì lý do gì. Riêng anh Tạo là bác sĩ thì ăn lặng lẽ, mãi gần chung cuộc mới làm một bản phân tích khoa học về bữa tiệc này. Đại khái, đây là bữa ăn đạt tiêu chuẩn cao, nếu xét về mặt chất lượng dinh dưỡng cho bảy con người dự cuộc. Tóm lại, sáu nhà trí thức đều rất hoan hỉ, và người chủ nhà - tạm gọi như thế - là An, thì rất sung sướng, không ngờ các vị trí thức nhà mình dễ thương như vậy.
Bữa tiệc phần nào cũng giúp chúng tôi rút bớt lại được ít nhiều khoảng cách. Thỉnh thoảng An và tôi lại tâm sự với nhau, tuy vẫn ông anh, ông em chứ không hồn nhiên như trước. Một hôm, tôi gạn hỏi An:
- Lúc này chị nhà làm ăn có được khá không mà lại thăm nuôi đủ đầy quá vậy?
An im lặng, rồi anh nói rất nhẹ nhàng:
- Em chẳng giấu gì ông anh… Mấy chuyến nuôi đầu năm nay vợ em lên cho biết cảnh gia đình quá đỗi bần bách, em có bảo nó bán bớt đứa con gái út để có đồng tiền đắp đổi qua ngày mà cũng đỡ một miệng ăn. Chuyến thăm tháng trước, nó bảo không ai chịu mua con út, vì nó nhỏ quá chưa sai bảo đặng. Người ta chỉ đòi mua cái thằng lớn, lên chín, có thể coi trâu. Em có bảo nó rẻ mắc bán đi, chớ biết làm sao! Bán rồi, mua ít thức ăn cho em thết đãi bạn bè. Chuyến lên vừa rồi vợ em nói đã bán được thằng lớn, lấy năm ngàn đồng. Nó cất ba ngàn làm vốn sinh nhai, gửi em một ngàn dằn túi, còn mua một ngàn đồ ăn cho em làm tiệc tất niên.
Giọng của anh An bình thản như nói về chuyện người bên hàng xóm vừa bán heo gà. Không phải là anh không biết thương con. Thỉnh thoảng, trong cuộc chuyện trò tâm sự với tôi, anh vẫn nói về các con với giọng thấm đầy nước mắt. Trước đây, mỗi lần gặp vợ lên thăm, anh lại buồn phiền không gặp mặt con. Đáng lẽ người chồng và người cha đó không gào khóc lên khi kể nỗi khổ của mình thì người trí thức - nếu quả đó là trí thức - phải gào khóc lên giúp nỗi khổ đó. Nhưng không, tôi đã lặng thinh trong nỗi sượng sùng pha lẫn nghẹn ngào, không dám nhìn anh. Có thể tôi chưa phải là trí thức, đúng với nghĩa ấy.
Song điều mà tôi hiểu rõ là bọn chúng tôi, sáu nhà trí thức ở trong bệnh xá này, trong tiệc tất niên năm ấy đã ăn hết một phần năm đứa bé. Đứa bé, con của gia đình nghèo khổ đang lâm vào bước khốn cùng.
VH.
Rút từ Tuyển tập Vũ Hạnh, tập 1. Triệu Xuân tuyển chọn. Bản thảo do nhà văn Triệu Xuân biên tập hoàn chỉnh từ năm 2006. Từ năm 2006 đến 2010, NXB Văn học đã ba lần cấp Giấy phép xuất bản, cả ba lần, những đối tác nhận đầu tư in ấn đến phút chót đều “chạy làng”! Năm 2015, bản thảo này đã được xuất bản bởi NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đầu tư in ấn.
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập45,889,361
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa