Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập55,841,816

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Truyện ngắn

Đi tìm người xưa/ Người bạn quý

Vũ Hạnh

  • Thứ hai, 07:35 Ngày 16/08/2021
  • Đi tìm người xưa

    (Viết lại một câu chuyện lòng của anh Chín Giỏi - tên gọi thời trẻ của nhà văn Mai Văn Tạo)

    Đói lòng, ăn nửa trái sim

    Uống lưng bát nước đi tìm người xưa

    (Ca dao)

    Sáng dậy, tôi không thể nào bắt chước ca dao ăn nửa trái sim nhưng xơi tạm tô phở tái vào loại đặc biệt - thêm hai lòng đỏ trứng gà, bởi vì lúc ấy chưa có dịch cúm gia cầm - rồi nốc cạn ly cà phê sữa bự, lên chiếc xe hơi có gắn máy lạnh đi tìm người xưa.

    Sau ngày giải phóng tôi đã nhiều lần muốn về miền Tây thăm người yêu cũ - và cả đứa con chừng mới tượng hình độ vài ba tháng gởi trong bụng nàng trước khi ra đi, nhưng nghe nàng đã có chồng - hiện là phó Chủ tịch tỉnh - đang sống cuộc đời yên lành nên tôi cứ nấn ná mãi rồi để năm tháng trôi qua. Một anh cán bộ văn hóa vào loại trung bình như tôi, nhếch nhác đi tìm gặp người yêu cũ đã là vợ một chức sắc đầu tỉnh, coi nó thảm hại làm sao! Đó lá ý nghĩ khiến tôi đẩy lùi lại một dự định từ lâu là nỗi trăn trở giấu kín nơi lòng. Nhưng cuối năm nay, rể tôi - giám đốc một hãng bao bì - mua được chiếc xe đời mới của Nhật, có gắn máy lạnh, và tặng tôi bộ com-lê màu xám cắt may khá đẹp, một cà vạt Pháp nhiều màu và một đôi giày đen bóng nhập khẩu từ Ý nên tôi tranh thủ những ngày cuối năm về thăm Út Nhỏ.

    Tôi gặp Út Nhỏ cách đây nhiều thập niên rồi, trong dịp về quê một người dì ruột ở làng Tân Lập, bên dòng sông Hậu. Cô gái nông thôn làn da sạm nắng, cặp mắt dịu hiền và những vành môi thanh tú, bì bõm cấy lúa trên đám ruộng bùn làm tôi xúc động ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Cha mẹ cô là hàng xóm dì tôi nên tôi thường xuyên vẫn đi lầm ngõ để vào nhà nàng.

    Một hôm, ở giữa đồng vắng, tôi rủ nàng đến cùng ngồi trò chuyện dưới rặng trâm bầu. Nàng bảo:

    - Coi chừng, người ta thấy đó.

    - Thì cứ cho người ta thấy, sợ gì.

    - Nhưng kỳ thấy mồ.

    - Có gì mà kỳ cục đâu? Yêu nhau là chuyện đẹp nhất trên đời. Em cứ nghĩ coi: nếu trên quả đất con người không biết yêu nhau thì chỉ còn có cỏ dại, trâm bầu, với loài diều quạ nhởn nhơ. Cái đó mới kỳ thấy mồ.

    Nàng cười.

    - Thế anh định cưới em không?

    - Nhất định. Anh xin thề có trời đất chứng tri…

    - Khỏi thề. Nhưng em chỉ biết mỗi chuyện làm ruộng thôi nha.

    - Anh không cần em làm ruộng, mà chỉ cần em làm vợ là mãn nguyện rồi.

    Nhờ rặng trâm bầu che chở, mỗi ngày chúng tôi càng gần nhau hơn. Thế rồi cái gì phải đến đã đến. Biết mình đã thuộc về ai, nàng khóc, đòi tôi lo liệu để hỏi cưới nàng. Tôi hẹn một tháng sẽ quay trở lại. Tôi không phải là Sở Khanh để tính lừa gạt một người thiếu nữ đã đặt niềm tin vào mình, nên đã gấp rút trở về thưa với mẹ cha thì cuộc Cách mạng mùa Thu bùng dậy, khiến mọi người như choàng tỉnh sau cơn mê muội kéo dài, tự thấy lại mình, thấy lại dân tộc, lao vào mọi thứ sinh hoạt như bị cuốn hút trong cái vũ điệu hồi sinh cuồng nhiệt của thời đại mới.

    Tôi vẫn yêu thương Út Nhỏ hết lòng nhưng bây giờ những tình cảm riêng tư hãy tạm gác lại để dành tâm sức cho các dự phóng lớn lao. Hẳn là nàng vẫn chờ tôi và tôi nhất định cưới nàng. Rồi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Thanh niên rộn rịp kéo nhau lên đường nhập ngũ, xếp lại bút nghiên cầm súng lao ra chiến trường. Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến là những mệnh lệnh lịch sử, theo đó toàn dân tộc này nhất tề chấp hành không chút đắn đo.

    Phải ba tháng sau tôi mới có dịp về lại gặp nàng. Để cho nàng biết là tôi phải vào bộ đội đánh Tây. Nàng khóc, rồi nói: “Làm trai, anh phải ra đi cứu nước, em đâu có dám cản ngăn. Em sẽ chờ anh cho đến ngày về. Em sẽ ở vậy nuôi con”. Thì ra, nàng đã mang thai ba tháng.

    Bấy giờ những sự lựa chọn như thế thật là dứt khoát và thật mau lẹ. Tôi yêu Út Nhỏ nhưng tổ quốc lớn lao hơn, thiêng liêng hơn và tổ quốc đang réo gọi. Tôi đau khổ mà xa nàng. Rồi chiến trường lôi kéo tôi, nơi này nơi khác, năm nọ năm kia, mọi sự liên lạc bấy giờ với vùng địch chiếm trở thành cấm kỵ, và tôi bị thương, tưởng phải lìa đời, nhưng được cứu sống, lại lao vào cuộc chiến đấu và khi ngoảnh lại - tám chín năm trời trôi qua. Út Nhỏ còn sống hay là đã chết, ở vậy hay đã có chồng? Những băn khoăn ấy mờ nhạt dần theo thời gian, và khi ra Bắc biết rằng hiệp định Genève đã bị ngụy quyền xé bỏ, hai năm đất nước không thể hiệp thương, tôi thấy viễn ảnh gặp lại Út Nhỏ trở nên xa vời và tôi lấy vợ.

    * * *

    Nhà một phó Chủ tịch tỉnh dĩ nhiên là chẳng khó tìm. Tuy vậy tôi phải bỏ xe ngoài lộ cho tài xế giữ để luồn lách vào trong một lối xóm quanh co mới đến cái cổng vừa quét vôi trắng có cây vú sữa tàng lá sum sê, theo lời người ta mách bảo. Tôi đẩy cửa cổng đơn sơ khép hờ đã thấy một sân gạch nhỏ và một nhà ngói khiêm tốn trong khu vườn hẹp. Nơi sân, một người đàn bà đang cúi khom mình trải lúa ra phơi, quá chăm chú vào công việc đến khi tôi lại gần bên mới ngẩng nhìn lên. Tôi chợt bàng hoàng. Út nhỏ đấy sao? Vẻ dịu hiền trong đôi mắt và nét thanh tú ở đôi môi vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt nàng…

    - Xin hỏi, ông Tâm có ở nhà không?

    - Anh ấy xuống dưới ấp Trung từ sớm để coi sửa chữa công trình thủy lợi.

    - Thế đây là… bà phó Chủ tịch tỉnh?

    - Tôi là vợ của ông Tâm. Xin mời ông vào nhà nghỉ, chắc chồng tôi cũng sắp về.

    Tôi đứng im, chăm chú nhìn vào khuôn mặt thay đổi quá nhiều theo những tháng năm, rồi hỏi:

    - Bà không nhận ra tôi sao?

    Người đàn bà đứng ngẩng ra, rồi vụt kêu lên:

    - Anh Chín đó hả?

    - Phải, Chín Giỏi là tôi.

    Thúng lúa trên tay của người đàn bà bỗng thả rớt xuống sân gạch. Út Nhỏ như muốn chồm tới, song kịp dừng lại. Nước mắt trào ra, lăn dài xuống má. Tiếng nói nghẹn ngào:

    - Anh Chín… không ngờ lại gặp được anh. Mời anh vào nhà.

    - Đứng đây nói chuyện với em có lẽ thích hơn. Chúng ta hãy lại dưới bóng cây kia. Ngày xưa, mình vẫn nói chuyện với nhau dưới rặng trâm bầu.

    - Ngày xưa, xa quá rồi anh.

    - Thế… con chúng ta, là gái hay trai?

    - Trai.

    - Bây giờ chắc nó lớn bộn. Làm gì, ở đâu?

    Út Nhỏ đáp trong nước mắt:

    - Nó hy sinh rồi.

    Tôi sững người ra, cảm thấy rõ sự vô tình tàn nhẫn của mình trong bấy lâu nay. Và người đàn bà kể lại sơ lược về những năm tháng trôi qua.

    Sáu tháng sau khi tôi đi nhập ngũ thì nàng sinh hạ một đứa con trai. Để tưởng nhớ tôi - tên Giỏi - Út Nhỏ đặt cho thằng bé tên Tài. Sau một năm dài chờ đợi tin tôi, Út Nhỏ tình cờ gặp một người quen cho biết tôi bị thương nặng trong trận giặc càn và đã hy sinh. Khóc mấy ngày liền sưng vù đôi mắt, Út Nhỏ quyết tâm ở vậy nuôi con, ấp ủ hy vọng mơ hồ biết đâu tôi vẫn còn sống và sẽ trở về với mẹ con nàng. Rồi hòa bình được lập lại, sau ngày ký kết hiệp định Genève chia đôi đất nước. Thế là bộ đội Cụ Hồ sẽ ra hết ngoài miền Bắc. Ba trăm ngày - thời hạn qui định cho cả đôi bên trong việc tập kết, chuyển quân - thật quá rộng rãi để trở về thăm quê cũ, người xưa. Nhưng không có tin tức gì của anh Chín cả. Rồi chế độ Diệm bắt đầu lùng sục những người kháng chiến để mà trả thù. Khi phong trào Đồng Khởi vùng lên, Út Nhỏ tham gia chiến đấu trong hàng du kích. Phải sống đúng theo ý nguyện anh Chín ngày nào, đấu tranh để sớm thống nhất đất nước. Thấm thoát thằng Tài đã mười hai tuổi. Nó thường hỏi về cha nó và chị cho biết anh đã hy sinh. "Lớn lên, con sẽ cầm súng đánh giặc, trả thù cho ba", thằng bé đã nói với mẹ như thế. Trong những người cùng hàng ngũ với chị, Tâm là người bạn chiến đấu gan dạ vừa là chỉ huy có tài và có đức độ. Anh yêu thương chị, cưng quí bé Tài, nên khi anh ấy cầu hôn, chị đắn đo rồi nhận lời vì muốn cho con có được người cha nối tiếp chí nguyện anh Chín ngày nào. Khi lên mười sáu, thằng bé đã vào du kích để được cầm súng giữ làng, và lên mười tám, gia nhập bộ đội. Năm hai mươi tuổi, nó đã hi sinh. Sau ngày Giải phóng, Út Nhỏ mới biết anh Chín còn sống. Anh có vợ con khi ra tập kết ngoài Bắc, và hiện trở về sống trên thành phố.

    - Còn em, giờ được mấy con?

    - Một gái, một trai đang còn đi học. Con bé hôm nay về thăm bên ngoại. Thằng bé thì được nghỉ Tết, theo cha xuống dưới đập nước từ hồi sáng này.

    Một phút im lặng.

    - Giải phóng đến giờ đã mười năm qua… mới gặp được anh.

    Út Nhỏ chỉ nói nhẹ nhàng nhưng nghe như lời than trách.

    - Mộ con ở đâu?

    Út Nhỏ lắc đầu:

    - Anh em phải vội rút lui không kéo được xác thằng bé ra khỏi đồn giặc.

    Chúng tôi lại đứng lặng yên dưới tàng vú sữa, nghe gió rì rào ở trên đầu mình. Những chiếc lá khô nhẹ nhàng rơi xuống, nhẹ nhàng như những cuộc đời chấp nhận hy sinh. Trên ba mươi mấy năm dài, trong một đất nước không ngừng biến động với những xáo trộn khác thường, người đàn bà này vẫn giữ nguyên vẹn tấm lòng trung hậu và sự thủy chung. Tôi hiểu nếu trước kia biết rõ tôi còn sống, Út Nhỏ vẫn còn đợi chờ. Nàng vì đứa con, vì cái lý tưởng mà tôi dứt áo ra đi, chấp nhận làm lại cuộc đời. Tôi nhìn những vết mồ hôi loang lổ trên thân áo nàng, dấu chứng của một cuộc sống giản dị, cần cù. Vợ một phó Chủ tịch tỉnh trong ngày cận Tết vẫn còn quần quật với những nhọc nhằn cuộc sống là một hình ảnh đã thành hiếm hoi giữa xã hội này. Và cả người chồng, trong cái thời gian có thể nghỉ ngơi vẫn đi săn sóc công trình thủy lợi, chuẩn bị cho vụ mùa tới, thật là xứng đôi. Họ đã gắn bó với nhau trong cuộc chiến đấu vừa qua và cùng gắn bó với nhau trong những nỗ lực xây dựng trước mắt. Ý sống của họ chân thành, thuần nhất qua bao biến chuyển của đời, và họ hẳn đã tìm thấy hạnh phúc thật sự ở trong cuộc sống.

    Út Nhỏ ngẩng lên:

    - Anh vào thắp cho con một nén hương…

    Rồi nhẹ nhàng đi vào nhà. Tôi bước theo nàng, đến một bàn thờ đặt ở gian giữa, có hình ảnh đứa con tôi lồng kính dựng sau lư hương và những chân đèn sáng bóng màu đồng, dưới một mảnh bằng "Tổ quốc ghi công", xác nhận tính cách liệt sĩ của người quá cố. Tôi nhìn khuôn mặt ruột rà lần đầu mới đối diện ấy - một bản sao khuôn mặt tôi, nhưng thật trẻ trung, sắc sảo hơn nhiều. Tấm hình có lẽ được lấy ra từ bức ảnh nào đó chụp chung với những đồng đội, do một máy ảnh ghi nhanh giữa chốn vườn cây, không rõ nét lắm, nhưng cái cằm vuông đầy cương nghị ấy, đôi mắt khá tinh anh ấy nhìn thẳng vào người đối diện với sự hồn nhiên và sự quả cảm của một tuổi trẻ trong sáng đã bước vào đời bằng một quyết tâm cao cả khác thường.

    Út Nhỏ rút mấy cây hương, châm lửa rồi trao cho tôi. Tôi cầm lấy, kính cẩn nâng lên ngang trán trước khung hình đó rồi cúi thấp đầu tưởng niệm. Có tiếng nức nở, sụt sùi từ phía người mẹ mất con và tôi không sao ngăn được nước mắt trào ra giàn giụa trên khuôn mặt mình. Tôi cắm nén hương lên bàn thờ con, rồi lấy khăn lau nước mắt tiến lại lặng lẽ đứng bên cạnh nàng như muốn trong giây lát ấy hưởng cảnh vợ chồng đoàn tụ giữa một chia ly. Thằng bé đâu có ngờ rằng cái chết của nó đã góp một phần nào đó cho cha mẹ mình có dịp đến gần bên nhau, dầu trong giây phút. Chúng tôi cùng ngước nhìn về hình ảnh đứa con vĩnh viễn xa lìa, đứa con đã sống như một mũi tên vút thẳng về trước, lao vào kẻ thù, như một vệt sáng không bao giờ tắt. Mãi mãi dân tộc này còn tồn tại hiên ngang trong sự bất khuất, giữ vững được nền đôc lập từ những xương máu ngàn đời, mãi mãi những gương sáng ngời của các lớp người như con trai tôi vẫn là bất diệt. Con đã biết cách trường tồn qua một cuộc sống ngắn ngủi chừng nào! Cuộc đời của con chưa hề bị sự bôi lấm của những giành giật đua chen với những tham vọng hư hèn, với những mưu đồ xảo trá, với những tính toán vị kỷ nhỏ nhen. Con đã có một cuộc sống tuyệt đẹp - vì dân tộc này xả thân, con sẽ cùng quê hương này tồn tại.

    Tôi đưa bàn tay nắm lấy bờ vai Út Nhỏ, bờ vai đã từng oằn xuống qua những tháng năm thương nhớ, chờ đợi mỏi mòn, bờ vai đã phải gánh nặng bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ của những con người sớm ý thức được trách nhiệm đối với đất nước trong một giai đoạn lịch sử chứa đầy bi tráng.

    - Anh cám ơn em. Trong những hoàn cảnh gian nan như thế em đã nuôi dạy cho con nên người. Anh thật có lỗi…

    Tiếng Út Nhỏ nghe thì thào:

    - Không, anh không có lỗi gì đâu.

    Rồi nàng đứng im trong nỗi nghẹn ngào. Có lẽ muốn ra khỏi sự xúc động dễ thành bi thảm hoặc chợt nhớ mình đã thuộc về một người khác, Út Nhỏ đưa tay dịu dàng gỡ bàn tay tôi ra khỏi bờ vai và nói nhẹ như hơi thở:

    - Mình ra ngoài đi…

    Nàng nắm tay tôi đưa ra thềm ngoài, nơi dưới mái lá ngăn che ánh nắng có kê một bàn nước nhỏ làm nơi tiếp khách:

    - Để em pha trà.

    - Thôi, anh không khát đâu.

    Tôi kéo nàng lại. Nàng ngước nhìn tôi, đôi mắt không còn long lanh nhưng vẫn giữ nguyên được vẻ dịu hiền của những ngày nào. Ba mươi tám năm xa cách. Những sợi tóc bạc xen kẽ trên mái đầu nàng và những nếp nhăn ở trên vừng trán báo hiệu tuổi già. Tôi nghe nơi lòng trào dâng một niềm thương cảm đến như uất nghẹn và chưa bao giờ tôi thấy mình yêu thương nàng như thế. Út ơi, sao em vẫn mãi nhọc nhằn, lam lũ thế này? Những ngày cận Tết em vẫn có quyền trang điểm, chưng diện với người thiên hạ chờ đón xuân sang. Em thừa điều kiện ăn ngon, mặc đẹp, và cũng có đủ tư cách để dành những ngày nhàn nhã cho mình. Nhưng rõ ràng em đã không làm vậy. Em thấy được trách nhiệm mình cao hơn là những đòi hỏi hưởng thụ tầm thường của một bản thân, đó là đòi hỏi vươn lên của một xã hội chưa sạch đói nghèo. Em hiểu sức nặng của những cố gắng thường ngày trong sự duy trì cuộc sống trong sạch hiền lương, cuộc sống hỗ trợ cho chồng con mình có đủ tự tin và cả tự hào để họ chu toàn trách nhiệm của những người dân đã thoát khỏi vòng nô lệ và hiểu giờ đây cần phải chiến thắng tương lai bằng ngả lối nào. Út Nhỏ, em quả là một phụ nữ tuyệt vời. Người ta thường nói nhiều về văn hóa dân tộc, về những giá trị truyền thống, nhưng đây - người đàn bà này - đúng là hiện thân của văn hóa ấy, với những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc mình. Tôi ngắm lại cái thân áo bạc màu với những vết sẫm mồ hôi loang lổ, thấy cái nếp sống chuyên cần, giản dị của nàng và ngắm lại mình. Tôi quá sang trọng với đôi giày bóng, với bộ com-lê lằn nếp bén ngọt và chiếc cà vạt hoa hòe. Có cái gì đó thật là lạc điệu, lỗi thời từ bản thân tôi. Một sự sang trọng trơ trẽn.

    - Anh mừng cho em đã có cuộc sống yên lành. Bây giờ anh xin cáo từ.

    - Anh không nán lại được sao? Anh Tâm cũng sắp về rồi. Gặp anh, chắc ảnh vui lắm.

    - Để một dịp khác, em à. Anh cũng đang bận trăm công ngàn việc. Nói với chồng em anh gửi lời thăm.

    Thật sự, trăm công ngàn việc mà tôi bận rộn là những việc gì? Những giờ tán gẫu ở nơi nhiệm sở, những ngày hội họp kéo dài vô bổ vì không giải quyết được gì thiết thực, những buổi lê la trong các quán nước, tiệc rượu, bia hơi, phê phán đủ mọi sự việc, chỉ trích đủ mọi hạng người để che đậy sự trống rỗng ở trong tâm hồn và sự bất lực ở trong cuộc sống… và còn gì nữa? Tôi thích đi quen trong những lối mòn để khỏi ra ngoài thực trạng cũ kỹ của những sinh hoạt trì trệ, hầu được yên thân. Và có nhiều lúc tôi bắt gặp mình đỏm dáng, học đòi làm sang, để tự lừa mình là có đổi thay. Rõ ràng là tôi đã nói dối nàng rằng mình bận rộn. Đáng lẽ tôi đã có thể gạt bỏ bao nhiêu việc làm phù phiếm để dành thời gian trau dồi thêm những kiến thức hữu ích cho xã hội mình, dành những ngày giờ chăm sóc cho những con người đáng được yêu thương, vun quén những nguồn tình cảm đáng được trân trọng, hơn là phí phạm tháng năm quí hiếm của cuộc đời mình.

    Đây là lần đầu tôi nói dối nàng, và hẳn cũng là lần cuối. Phải chăng vì vậy mà tôi đã vội quày quã ra xe như kẻ chạy trốn? Chạy trốn quá khứ, chạy trốn hiện tại và chạy trốn cả chính mình.

     

     

    Người bạn quý

    Sau bốn năm dài lăn lộn trên các chiến trường của vùng rừng núi Tây-nguyên, Tết nay ba đứa chúng tôi mới được phép về thăm nhà. Trước đây, chúng tôi là một nhóm bạn năm người, cùng ở một tỉnh, cùng học một trường, lại cùng chung một lứa tuổi nên tập họp lại gọi là ngũ-hổ. Đến ngày toàn quốc kháng chiến, năm cọp lại cùng đăng ký gia nhập quân đội, được đưa lên chiến trường này. Bốn tháng sau đó, một cọp là Huỳnh Ngọc Quang bị đạn pháo địch cướp đi mạng sống. Xác anh được chôn trên một đỉnh đồi trần trụi, nơi lô cốt địch đã bị quân ta san bằng. Hai năm sau đó, cọp Nguyễn Văn Bảo gặp nạn: một đồng bào Thượng - dân công chiến trường - bị con heo rừng rượt đuổi, cọp này xông vào tiếp cứu, và bị heo rừng cắn nát ống chân phải. Sau một thời gian vào nằm bệnh xá, với chiếc chân đi khập khiễng anh được đưa về hậu phương làm công tác khác.

    Chúng tôi đã sống với nhau trong sự yêu thương đùm bọc hết sức chân tình. Riêng đối với Bảo, anh em đều rất quí trọng vì anh có tính cách riêng chưa hề tìm thấy nơi những ai khác. Gần gũi với một người nào, anh cũng không hề chấp nhận định kiến của bất cứ ai về con người ấy, song biết chịu khó kiếm tìm, khám phá ra những ưu điểm để mà phát huy một cách nhiệt tình. Anh luôn phát hiện nơi người thiên hạ những cái giá trị tích cực mà bản thân họ cũng không ngờ rằng lâu nay mình đã sở hữu của quí-hiếm ấy.

    Chuyến về phép này chỉ có bốn ngày, kể từ ba mươi đến mồng ba Tết. Từ chổ đóng quân, băng rừng lội suối đến bến đò Giàng phải mất một ngày. Đò đi trong đêm để tránh phi cơ của địch. Sau đêm ngủ đò và đón giao thừa trên sông, sáng ngày mồng một thì đến Bãi Duối, từ đấy lên bờ tìm về thăm nhà, kẻ ở gần nhất cũng mất trọn buổi. Sống với gia đình nửa ngày và đêm mồng một, cọng thêm một ngày mồng hai thì tối hôm ấy đón đò lên lại Bến Giàng, để sáng hôm sau - mồng ba - băng rừng, lội suối, trở về cơ quan.

    Chúng tôi đều quá náo nức chờ đợi chuyến thăm Tết này. Riêng Chương có vợ sớm nhất, vì anh gặp một cô gái - như lời anh nói - "duyên dáng nhất trên trần gian" nên không thể nào không yêu, và đã cưới về, sinh được đứa trai, khi anh nhập ngũ thì con lên một. Thằng bé kháu hết chỗ nói, nay đã năm tuổi, không biết có nhớ được mặt cha không? Anh thường nhắc đến vợ con những đêm đồng đội ngồi bên bếp lửa. Thỉnh thoảng, anh lại chép miệng: "Nhớ cái thằng bé, thiệt chịu hết xiết". Dĩ nhiên, ai cũng thừa hiểu, không phải anh chỉ nhớ mỗi thằng bé. Hải thì hỏi vợ được gần một tháng đã phải lên đường tòng quân. Anh thường đem ảnh cô vợ chưa cưới ra khoe, băn khoăn không biết sau bốn năm trời xa cách, mà không tin tức, chẳng rõ cô có bền lòng chờ đợi anh không. "Cô ta yêu mình nhiều lắm, chắc là thế nào cũng chờ", Hải thường tâm sự như vậy để tự trấn an. Thỉnh thoảng, trong đêm, tôi bắt gặp Hải hôn ảnh cô nàng rất lâu rồi mới bỏ vào túi áo bên trái cho gần với quả tim mình. Còn tôi thì chỉ có cha mẹ già chờ đợi ở nhà chứ chưa có được người yêu. Đúng ra, có cô láng giềng tên Hoa khá xinh tôi vẫn tìm gặp ở trong giấc ngủ chập chờn nhưng chưa có dịp bày tỏ nỗi lòng. Năm ngoái, ở trong đơn vị có người cùng xóm với tôi được về thăm nhà, nhân chuyến công tác miền xuôi, đã đem hộ thư của mẹ tôi gởi trong đó bà có nói rằng: "Con Hoa cứ qua hỏi thăm con hoài, không biết bao giờ thì con mới về. Coi bộ nó có tình ý với con!". Nhất định, chuyến này về quê, tôi sẽ tranh thủ cái "tình ý" ấy.

    Bồn chồn, náo nức, cả đêm hôm ấy chúng tôi không ai ngủ được, cứ mong trời sáng để mà lên đường. Khi nghe gà rừng gáy sáng, cả ba đã ngồi ngay dậy mặc dầu bóng đêm chưa được xua tan, sương mù với lớp khí đá lạnh lẽo giăng phủ núi rừng, chúng tôi đã xốc ba-lô lên vai, hối hả ra đi.

    Nhờ sự nôn nóng như thế nên đến Bến Giàng mới ba giờ chiều. Từ đây, rẽ về bên phải, hướng về miền xuôi độ mười cây số là xã Lộc Châu - quê nhà của Bảo - một làng quê nghèo ở sát chân núi. Chúng tôi đã vạch chương trình là sáng mồng ba, sau khi trở lại Bến Giàng, tranh thủ thăm Bảo trong một vài giờ rồi mới quay về đơn vị.

    Mỗi người lại lôi cơm vắt ra ăn, dưới một lùm tre ven sông phủ chòm lá rậm xòe trên mặt nước che hai con thuyền nằm im, đợi chờ xuất phát. Rều rác từ cơn lũ lụt nặng nề vừa qua vẫn còn vướng đầy trên các thân tre như ghi dấu ấn cho mùa nước lớn. Đây đó có một số người nằm, ngồi dưới các bụi lùm, chờ đợi lên đò. Ăn xong, Hải xem đồng hồ, rồi nói:

    - Lâu quá, không được gặp Bảo, nhớ ghê. Phải chi lúc này băng bộ đi thăm thì sáng mồng ba khỏi phải ghé nữa.

    Chương tiếp:

    - Chẳng lẽ tạt vào ít phút là vội đi ngay? Cũng phải hàn huyên đôi tiếng đồng hồ mới thỏa. Chưa nói dễ gì ra kịp chuyến đò. Ngày mai, mồng một Tết rồi, sẽ không có cả đò lên đò xuống vì mọi người phải ở nhà. Mà nếu vào được, rủi không gặp Bảo thì sao?

    Tôi bàn:

    - Vậy nên hỏi ai gần đây, nhờ nhắn với Bảo là sáng mồng ba bọn mình sẽ đến nhà thăm.

    Chương, Hải cùng nói:

    - Phải đó.

    Cả ba chúng tôi rời khỏi bến sông, băng qua mấy khu vườn hoang, đến một xóm nhỏ. Thấy một cụ già đang ngồi chẻ lạt trước một cổng tre, chúng tôi ghé lại.

    - Thưa bác, ở đây có phải xã Lộc Châu không?

    - Đây là Lộc An, giáp với Lộc Châu.

    - Hai xã vẫn có người thường qua lại, chứ bác?

    Nghe hỏi, ông cụ nhìn vào chúng tôi có vẻ nghi hoặc. Trong thời kháng chiến, vẫn luôn đề phòng kẻ địch trà trộn để mà phá hoại. Chương vội giải thích:

    - Bọn cháu đều là bộ đội được về thăm Tết. Có một người bạn ở bên Lộc Châu - là Nguyễn Văn Bảo - muốn nhắn lời thăm.

    Ông cụ lại nhìn chúng tôi chăm chăm, rồi hỏi:

    - Có phải anh Bảo bị tật ở một chân không?

    - Dạ phải.

    Ông cụ chép miệng:

    - Tội nghiệp, anh ấy mất rồi.

    Chúng tôi nhìn nhau sững sờ. Ông cụ lại tiếp:

    - Mới mất cách đây một tuần.

    Chúng tôi cùng ngồi sụp xuống bên cạnh ông cụ. Cái tin như vết chém mạnh vào trong tâm hồn.

    ... Cơn lũ vừa qua cuốn trôi nhiều nhà ven sông. Lũ ống đột ngột, tràn xuống từ miền thượng nguồn, đã khiến nhiều người không chạy tránh kịp. Có mấy đứa trẻ bị nước cuốn đi, tấp vào các ngọn cây cao, kêu thét hãi hùng, cố bám vào các lá cành trong niềm tuyệt vọng. Nhưng nước chảy xiết, lông lốc, dữ dằn, không ai có thể làm gì. Nguyễn Văn Bảo tròng vội vào mình mấy sợi dây mây, lao vào dòng nước, bơi đến cột từng em một vào các thân cành để chờ người làng đem thuyền ra cứu. Cột đến được em thứ năm, cũng là em bé cuối cùng, thì anh kiệt sức, bị nước lôi đi, đập vào một bờ đá lớn. Người ta đã tìm vớt được xác anh, đem về sau vườn nhà anh chôn cất, nhưng các gia đình có con được anh cứu thoát đều muốn đem anh về chôn tại vườn nhà mình. Cuối cùng, xã cho mai táng anh ở giữa xóm, trên một thửa đất công điền, gần gũi với các gia đình đã chịu ơn anh...

    Chúng tôi ngồi im, nước mắt giàn giụa. Gia cảnh của Bảo vốn nghèo, cha mẹ mất sớm, anh sống với đứa em trai chuyên nghiệp ruộng đồng. Như tuân theo một mệnh lệnh âm thầm có đầy quyền lực, chúng tôi cảm ơn ông cụ và đi về hướng Lộc Châu.

    Trên mười cây số đường rừng khúc khuỷu, quanh co, không ai muốn nói với ai lời nào. Cái chết của Bảo đè nặng lên mỗi chúng tôi, khiến cho lời nói trở thành khó khăn, lạc lõng. Đến được nhà Bảo thì trời xế chiều. Người em đi rẫy chưa về. Ngôi nhà vắng lặng, với những mái tranh xơ xác, tiêu điều. Trên bàn thờ Bảo, ngoài chiếc ảnh nhỏ còn lại từ các kỳ thi là cái lư hương trơ trọi và một độc-bình sứt mẻ có những cành hoa đã héo tàn rồi.

    Gần tối, thì Tấn - người em - mới về. Dẫu sau một ngày nhọc mệt, đêm đó chúng tôi không ai cảm thấy buồn ngủ và cùng ngồi lại nhắc những kỷ niệm ngày nào, kỷ niệm mà Bảo lưu lại dấu ấn sâu đậm nơi lòng mỗi người. Anh em phân công tôi viết một bài điếu văn để đọc, ngày mai trước ngôi mộ Bảo. Bên ngọn đèn dầu tù mù tôi ghi một số ý nghĩ chân thực của mình và cũng là của chúng tôi.

    Mờ sáng hôm sau, chúng tôi ra thăm mộ Bảo. Ngôi mộ được một mái tranh che phủ như một mái nhà, do những người dân trong xóm dựng nên.

    Chúng tôi vào các khu vườn, len lỏi trong những bụi lùm tìm hoa để kết cho Bảo một vòng hoa tươi. Mùa đông vừa dứt, gió mưa đã hủy hoại hết sắc màu, chỉ có những loài cây dại đang cố vươn lên chờ đón mùa xuân với những chùm hoa hoang dã. Phải mất mấy tiếng đồng hồ mới hoàn thành được vòng hoa gồm những chất liệu vốn là sự sống và niềm hy vọng của miền đất này, đồng thời đó là tấm lòng thương tiéc sâu xa của ba chúng tôi.

    Đem đặt vòng hoa trước mộ, chúng tôi thắp hương tưởng niệm. Rồi tôi đọc trước mộ phần những dòng gởi đến con người đã khuất:

    "Anh Nguyễn Văn Bảo kính yêu,

     Sự anh đột ngột ra đi khiến chúng tôi -là Chương, Hải, Hoàng- đau xót vô cùng. Từ lâu, chúng tôi vẫn xem anh là người anh, mặc dù chúng ta đều cùng lứa tuổi, cùng chung niên học. Anh hơn chúng tôi bằng một tầm nhìn nhân cách, tầm nhìn mới mẻ và cũng hết sức hợp lý đối với con người. Từ ngày quen nhau, bao giờ chúng tôi cũng thấy anh luôn trân trọng mọi người và đối với ai anh cũng cố gắng kiếm tìm nơi họ - không phải là các khuyết điểm, nhược điểm - mà là những cái giá trị đáng quí tiềm ẩn nơi con người họ. Ngay với những kẻ được xem như là tầm thường, thậm chí được kể như là xấu xa, anh vẫn kiên nhẫn chắt lọc, soi tìm nơi họ những vốn tích cực để mà trân trọng, phát huy, để giúp hiểu họ một cách vẹn toàn, vượt xa cái nhìn của thứ đạo lý cố chấp, của loại tòa án lạnh lẽo, của kiểu phán xét làm ra vô tư thường gặp nơi những đồng loài ích kỷ.

    Nhiều năm chúng tôi đã thấy sự nhẫn nại ấy của anh trong việc tìm hiểu mọi người, nhẫn nại có tính cần cù, chuyên sâu như nhà khoa học trong sự nghiên cứu một loại vật thể vô cùng phức tạp. Với ai, anh cũng phát hiện được những đặc điểm quý báu mà chính người ấy cũng không ngờ tới là mình có những bảo vật như thế, nơi mình. Y như trong lớp đá rừng lổn ngổn anh đã tìm ra chất ngọc, trong đống than đen bộn bề anh đã phát hiện kim cương. Không có những người thực sự xấu xa, đó là xác tín của anh. Nếu họ hư hỏng, tha hóa, xấu đi, là do ý tốt của họ không được lộ hiện, không được vun bồi, không được khai thông.

    Phải hiểu con người và yêu con người đến mức độ nào mới có được sự cảm thông và sức kiên trì như thế. Tất cả những sắc thái ấy, trong nhân cách anh, khiến một con người vô cùng giản dị, khiêm tốn như anh được sự cảm mến, kính phục của bất cứ ai gần gũi. Bi kịch của những cá nhân, trong một cộng đồng, có lẽ là sự hững hờ, lạnh nhạt, là những ngộ nhận và những ác-ý. Anh không nói tốt kẻ khác theo một công thức xã giao, không nói những điều tán dương lòe loẹt mà lòng lại nghĩ những gì trái ngược, anh cũng không nói điều hay về một ai đó với một chủ tâm trục lợi cho bản thân mình. Anh hiểu con người hơn là chúng tôi, anh biết khơi dậy tính người để trân trọng nó và bảo vệ nó.

    Người ta dành nhiều công phu nghiên cứu một giống thú lạ, một con vi khuẩn, một chất kim loại nhưng không chú trọng đúng mức đến từng con người, vì mỗi con người là một sinh thể vô cùng kỳ diệu. Anh đã dành trọn cuộc sống của anh không chỉ phát hiện cái phần tinh anh trong bản chất người của mỗi cá nhân mà còn đem lại sức sống, niềm tin cho mỗi con người anh gặp. Và hơn như thế, anh còn đem cả mạng sống của mình cứu trợ những kẻ khổ nghèo phải lâm vào bước khốn cùng. Vì anh hiểu rõ đó là những người cần được quan tâm trước hết. Cuộc đời của anh mãi mãi vang vọng ở trong tâm hồn chúng tôi âm thanh tuyệt vời về một thánh ca nhân loại..."

    Cả ba chúng tôi cúi đầu, đứng yên khá lâu trước mộ. Khi ngước nhìn lên, ai cũng nước mắt đầm đìa. Chương nói:

    - Tối nay, không có chuyến đò, nhưng dầu có chuyến đò xuôi chúng ta cũng ở lại đây với Bảo.

    Hải tiếp:

    - Nhân mấy ngày Tết, anh em ta nên dựng rào bảo vệ mộ phần cho Bảo, giúp sửa chữa lại ngôi nhà rệu rã và dọn bớt cỏ trong vườn nhà anh.

    Tôi phụ họa theo:

    - Các bạn nói phải. Người em của Bảo rất cần chúng ta san-sẻ nỗi buồn trong thời điểm này.

    Tôi hiểu Chương đã cố gắng không nghĩ đến đứa con trai kháu khỉnh và người vợ trẻ duyên dáng của mình. Còn Hải, anh đành chịu xa cách thêm cô vợ chưa cưới mà anh ôm ấp hàng đêm tấm ảnh ở nơi lòng ngực. Phần tôi, cha mẹ quá già yếu rồi, liệu tôi còn được gặp gỡ các người trong một ngày phép tương lai mà không biết đến bao giờ? Dầu sao, Tết này, chúng tôi đều muốn quây quần bên Bảo, và tôi hiểu rằng nếu Bảo nói được, anh sẽ mong muốn chúng tôi về thăm gia đình.

    May thay, tôi chưa có được cuộc hò hẹn nào với cô láng giềng. Nếu có hò hẹn mà cô lại không thích sự đợi chờ thì xin cầu mong cho cô gặp được một người nào đó biết yêu thương cô hết lòng và có điều kiện thường xuyên gần gũi bên cô.

    VH.

    Rút từ Tuyển tập Vũ Hạnh, tập 1. Triệu Xuân tuyển chọn. Bản thảo do nhà văn Triệu Xuân biên tập hoàn chỉnh từ năm 2006. Từ năm 2006 đến 2010, NXB Văn học đã ba lần cấp Giấy phép xuất bản, cả ba lần, những đối tác nhận đầu tư in ấn đến phút chót đều “chạy làng”! Năm 2015, bản thảo này đã được xuất bản bởi NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đầu tư in ấn.

    www.trieuxuan.info

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập55,841,816

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!