Search

Access times

  • Total visits47,993,429

PARTNER

    Green Leaf Vietnam Trading Service Co., Ltd.

    Is the leading passenger transport service company in Vietnam! In 2019, Green Leaf VN has more than 500 passenger cars from 4 seats to 50 seats, new life, reaching 150 thousand arrivals. The rate of successful and punctual pickup is 99.97%.

    * Japanese customer care staff always create peace of mind and trust for customers ...

Articles

Tình tự Hoàng Cầm

Tư liệu

  • Thursday, 16:49 Day 13/05/2010
  • Hoàng Cầm lại sắp bắt đầu một hành trình mới sau 15 giờ chiều 11-5, khi xe tang rời nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội về khu A nghĩa trang Văn Điển.

    Ông đã lưu lại 5 ngày đêm sau hơi thở cuối, với chúng ta, những người yêu thơ và yêu mến ông. Và đây, 5 khúc tháng Năm cho người - mơ - không - năm - tháng.

    1. “Một chiếc xe đen thăm thẳm phía chân trời”, câu thơ trong bài Cây tam cúc khiến tôi hơi hoảng sợ sau khi biết tin Hoàng Cầm tạ thế. Cái chết, đích cuối cùng không khác được, của sự sống, của tất cả chúng ta.

    Người ta hay nói: “Chết là hết”. Nhưng với những nghệ sĩ tài danh, những tài năng lớn, gia sản vô giá mà họ để lại, sẽ kéo dài sức sống cho họ vượt quy luật sinh - lão - bệnh - tử hạn hẹp của kiếp người.

    Về thơ tình ở Việt Nam thế kỉ XX, công chúng hay nhắc nhiều đến Xuân Diệu, thậm chí coi ông như Hoàng đế thơ tình. Tôi không thấy thế. Bởi thơ Xuân Diệu ảnh hưởng thơ lãng mạn Pháp quá nặng. Nhà thơ, dịch giả Dương Tường có nói: “Ông Verlaine ngủ với Lamartine đẻ ra Xuân Diệu”. Thơ chỉ thực sự bền giá trị và quyến rũ, khi nhà thơ sống một cách sáng tạo, thành thật như thơ của mình.

    Hoàng Cầm là ông Hoàng của thơ tình yêu, tôi tin từ năm 8 tuổi đến 88 tuổi, ông chưa bao giờ ngừng yêu. Yêu một cách ngây thơ, đắm đuối, si tình, ngây thơ quá đỗi.

    Hoàng Cầm thường viết ban đêm, viết về đêm. Sự cô độc đối diện với bản ngã. Trong bóng tối là đối thoại với âm bản. Hoàng Cầm là người mơ nguyên ủy. Ông từng viết trong “Vĩ thanh” (tập Về Kinh Bắc): “Tôi sớm có nỗi buồn cô đơn ngay từ năm lên sáu, lên bảy tuổi. Bẩm sinh chăng? Hay chính nỗi buồn của người con gái tài sắc lấy chồng từ năm 17 tuổi, mà phải sống cô đơn đến hơn 10 năm”. Người con gái tài sắc ấy là mẹ ông, cùng làng Bựu với mẹ thi hào Nguyễn Du.

    Sáu, bảy tuổi cô đơn, lên tám, ông yêu chị Vinh để Lá diêu bông ám ảnh suốt đời. Quá nhạy cảm, đa cảm, thì cô đơn càng sâu, ngấu. Hoàng Cầm không chìm vào cô đơn, mà vượt lên, chế ngự và làm sáng rực nó, bởi những giấc mơ của mình bằng lãng mạn không cùng.

    Hoàng Cầm để tất cả những giấc mơ chuyển động trên phối cảnh rất thực mà đẹp hơn hiện thực. Kinh Bắc quê hương là bối cảnh chính, là thiên đường của tình yêu, với hội hè, hẹn hò, đám cưới. Ký ức - hiện tại - tương lai được phổ quang cầu vồng lộng lẫy, của thiên nhiên của mớ bảy mớ ba, tạo nên một Kinh Bắc huyền thoại.

    Nhà văn Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, hiện là giảng viên đại học ở Pháp, sinh 4-1-1940 tại Cống Châu Giang Tây. Sau 20 năm tha hương, ông vẫn không nguôi nhớ quê mình, ông coi Vũ Di - ngọn núi của quê hương là cao nhất, là đáng chinh phục, để trở về (nhưng ngọn núi cao và khó vượt nhất, là ngọn núi trong lòng).

    Còn Mạc Ngôn, thì lúc nào cũng ngợi ca vùng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Cái gì đẹp, lạ, hấp dẫn nhất, ông cũng “đưa” về Cao Mật quê hương. Với Hoàng Cầm, Kinh Bắc đẹp nhất trên đời, nơi tượng hình và rạng rỡ văn minh sông Hồng, ngàn năm châu thổ kết tinh và toả sáng qua những phong tục truyền thống, cuộc thi tài, quan họ, tranh dân gian, trò chơi, bao cuộc yêu dở dang và vô bờ bến...

    Yêu là động mạch chủ của sự sống Hoàng Cầm. Từ lúc là chú bé, ông đã yêu và muốn bao bọc để, âu yếm cho  người mình yêu hạnh phúc. Người đàn ông đích thực che chở cho người yêu của mình, cũng là để được che chở.

    “Tình yêu cao cả có mặt ở đâu, thì phép màu xuất hiện ở đó” (Willa Cather). Hoàng Cầm nương tựa vào tình yêu và coi nó là phép màu cho mình, những người đàn bà của mình, những giấc mơ ước thành hiện thực, được chờ đợi và hứa hẹn trong thơ. Bởi thế, Hoàng Cầm đã tạo ra một hiện thực khác với hiện thực nhìn thấy, đó là hiện thực nghệ thuật, hay là hiện thực của giấc mơ.

    Bằng cảm giác mạnh và thường trực ám ảnh nhục cảm, Hoàng Cầm đã tạo không gian ân ái triền miên giữa đất trời, gắn với thiên nhiên, mãnh liệt, phóng túng. Thơ ông tràn ngập ái ân, gợi cảm, mang màu sắc tính dục, khi ẩn dụ, khi phơi mở, đầy nam tính táo bạo.

    Yêu là lẽ sống, là thiết yếu, là nhu yếu phẩm của tinh thần. Bao nhiêu là yếm, váy, rừng trái vú bay… buông đầy thơ Hoàng Cầm. Trần Dần, một nhà thơ cách tân bậc nhất, gọi thơ Hoàng Cầm là tân cổ điển.

    Thi ảnh của Hoàng Cầm rất Việt, cấu trúc thơ và ngôn ngữ không đột phá, song hơi thơ tráng niên, phong độ của nhân vật yêu trong thơ đã làm ông khác Thơ Mới. Trước hết, bởi yêu là sống, sống và viết, Hoàng Cầm rất thật, dám là mình.

    Ông tự do là chính mình, không giấu che, vờ vĩnh, đội lốt, vay mượn. Ông cho mình quyền được thoả mãn, phá tung những cấm kỵ, rào chắn, biên giới, dù vẫn len lỏi mặc cảm, ẩn ức kéo dài. Để bừng bừng lửa yêu bằng cơn sốt ham muốn.

    “Luồn tay ôm say/Giấc bay lay đỉnh núi/Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/Đùi chảy búp dài thon nhún vội/Bàng hoàng tia chớp liêng nghiêng xanh)” (Thi đánh đu), hay: “Bãi mía Sông Cầu reo đáy bát/ Ngửa mặt hứng mưa đồi cỏ ngát/ Nguôi dần cơn sốt bỏng môi hoa” (Thi ăn mía thổi cơm).  

     

     2.“Vú xuân đường phèn căng bưởi Nga Mi” cùng vạn vật sinh sôi, đòi đôi, là bùng vỡ của cảm thức chống trả, vượt thoát quyết liệt nỗi cô đơn thường trực của người mà chỉ yêu mới sống nổi, yêu là tiên dược, phép màu, bùa chú của tồn sinh.
    Vẻ đẹp nhục thể ví với thực vật, cỏ cây, muốn nổ tung qua ấn tượng phồn thực. Hệ ám tượng thơ Hoàng Cầm như khát vọng yêu của tác giả. Sau cái chết Hoàng Cầm, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp nói với tôi: “Người đi giấc mơ còn lại. Hoàng Cầm dệt thơ từ những giấc mơ”. Vạn giấc mơ siêu thực chất chứa nơi ông, chắc thơ còn chưa bộc hết.

    Tôi liên tưởng tới Paul Éluard (1895-1952), tôi đã đến mộ của Éluard ở Paris, thu 2007. Trong nghĩa trang cổ kính, đẹp lạ thường ấy, những hình ảnh thơ mang tính nhục cảm chiếm lĩnh không gian quanh mộ phần ông, lộng lẫy và trong trẻo. Chỉ có những người có tư duy - sức tưởng tượng phong phú, tâm hồn dồi dào, mới có thể triển khai mọi cảm xúc thành thi ảnh, mới có thể tư duy hình ảnh - ưu việt nhất của kỹ thuật viết hiện đại.

    Cuộc đời và ấn tượng thơ Éluard có những tương đồng với Hoàng Cầm, đặc biệt ấn tượng thị giác của các ông với thế giới hiện thực thu nạp qua “đôi mắt màu mỡ” để đưa vào/tạo ra trong nghệ thuật một thế giới khác: lung linh, tươi mới, quyến rũ.

    Đây Éluard, người du hành cõi khác trước Hoàng Cầm 58 năm đã viết: “Đôi mắt em trong đó đôi ta/Cùng ngủ/Đã tạo cho ánh sáng đàn ông của anh/Một số phận tốt đẹp hơn những đêm trần gian/Đôi mắt em trong đó anh du hành/Đã tạo cho vận động những con đường/Một hướng tách rời khỏi Trái Đất (Bài thơ, 1936)”.

    Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình, nhưng ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng khổ đau yếu đuối, cũng không gục ngã. Ông ham sống, ham yêu với đức tin nguyên khiết, nóng bỏng về ngày những ngày hợp hôn nồng nàn, ngày những điều kỳ diệu sẽ linh ứng, hiển hiện.

    Đó là vận động tinh thần tạo nên tầm cỡ Hoàng Cầm. “Tầm nhìn chính là nghệ thuật nhìn những thứ vốn dĩ chưa từng có trong hiện thực” (Jonathan Swift).

    Có một hiện thực thành định mệnh đến từ 1938, Hoàng Cầm từ Bắc Ninh ra Hà Nội học trường Thăng Long. Ông khởi đầu viết bằng kịch thơ, chọn ra con đường đến văn chương qua sân khấu, tách dòng khỏi chủ lưu Thơ Mới đang cực thịnh. Nhiều tài danh thuở ấy đều có tài viết kịch, bên cạnh văn chương: Thế Lữ , Sĩ Tiến, Hoàng Công Khanh, Lộng Chương, Lưu Quang Thuận.

    Hoàng Cầm viết Hận Nam Quan, Kiều Loan, Trương Chi. Có phải tiếng sét ái tình đã khiến ông chọn Tuyết Khanh, thiếu nữ Hải Phòng lên Hà Nội làm ăn, vào vai chính Kiều Loan... Vở kịch thơ có bối cảnh thời cuối Tây Sơn vào đầu triều Nguyễn Gia Long, giằng xé giữa tình riêng - vận nước. Hoàng Cầm thành lập đoàn kịch Đông Phương, lưu diễn nhiều nơi.

    Kiều Loan được chọn diễn dịp Đại hội Văn hoá cứu quốc lần 1, 11-1946, mới diễn được buổi tổng duyệt (có nhà văn Kim Lân đóng một vai) tại Nhà hát Lớn; nhà văn hoá, dịch giả Phan Khôi đến xem, khen ngợi, rồi phải huỷ bỏ công diễn vì toàn thành phố chuẩn bị kháng chiến.

    Hoàng Cầm lên chiến khu, lập đội tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Ông ngâm thơ kỳ tài, làm thơ kỳ khí, có năng lực sân khấu nên từng làm trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị từ 1952, trưởng đoàn kịch nói năm 1955, là điều không lạ.

    Ông có 2 Kiều Loan để đổi Kiều Loan kịch thơ và Kiều Loan con gái. Đứa con duy nhất sinh 1948 với vợ kế Tuyết Khanh, sống xa cha từ nhỏ. Bà Khanh đem Kiều Loan theo chồng mới vào Nam năm 1954, và từ 1975, họ cách nhau nửa vòng Trái Đất.

    Đời ông Hoàng gắn với chữ “Hoàng”. Người vợ đầu Hoàng Thị Hoàn, do cha mẹ Hoàng Cầm cưới cho, mất lúc chồng đi kháng chiến.

    Năm 2009, bà Tuyết Khanh qua đời tại California. Bà Lê Hoàng Yến, là vợ thứ ba của Hoàng Cầm, người vợ cuối cùng lìa đời từ 1985, để ông ở lại trống vắng những năm bĩ cực: “Em xa anh và rất gần nước mắt”. Ngôi nhà Lý Quốc Sư là nhà bà Hoàng Yến. Người đàn ông phong tình đa đoan chỉ sống một mình 25 năm đằng đẵng.

    Nhạc sỹ Phạm Duy là bạn cố tri, tri kỷ của Hoàng Cầm từ trai trẻ. Ông Phạm Duy viết 12 giờ trưa thứ năm 6-5-2010. “Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt. Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi!

    Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu, nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong, rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người.

    Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn: Con Đường Tình, tình nước, tình người”.

    9h sáng chủ nhật 9-5, Phạm Duy đáp xuống sân bay Nội Bài.  Ông ra để tiễn đưa bạn mình.

    Phạm Duy còn đa tình bằng mấy Hoàng Cầm. Cách xa nhau, hai ông vẫn đồng hành con đường tình. Mấy năm cuối đời, Hoàng Cầm bất lực không phiêu du được vì ở gác 5, nơi cao nhất của ngôi nhà con trai Hoàng Anh, con trai Hoàng Phi kế bên. Phải ngồi xe lăn và yếu quá, con cháu đi làm, khoá cửa, ông Hoàng trên thượng lầu, chỉ dùng tinh thần mà vùng vẫy.

    Ông  nghiện thuốc từ trẻ. Và mê đàn bà đẹp, mê yêu, Hoàng Cầm tài hoa, vượt thoát nhiều khổ đau bi kịch chính nhờ sự “nghiện, mê” đeo đẳng ấy.

    HS Nguyễn Thị Hiền, con gái cả nhà văn Kim Lân (bạn thân Hoàng Cầm) kể: “Lần nào ra Hà Nội, tôi cũng đến thăm và biếu bác tiền mua thuốc, thuốc bổ hay thuốc gì, tùy bác” (Cười).

    Nguyễn Thị Hiền tuổi 64 vẫn đang vẽ cật lực cho 3 triển lãm sắp tới, đúng như thuyết “Nghệ thuật và tình yêu không có tuổi”. Họa sỹ có một câu lý thú: “Tài năng đích thực, là nước sôi 100 độ. Có người loay hoay cố cả đời, dùng cả thủ đoạn và tham vọng, nhưng vẫn chỉ được 99 độ. Thiếu 1 độ tài không thể là nước sôi”.

    Kim Lân, Hoàng Cầm, Phạm Duy chắc chắn là nước sôi già. Các ông vẫn trẻ khi tuổi ngoài bát thập, vẫn tiêu thụ thơ tình 8X núi lửa của tôi và nói về ái tình như đang độ...

    Ngôi nhà phố Lý Quốc Sư này, Hoàng Cầm ở từ 1954. Từ căn gác, ông ngắm về sông Đuống, Kinh Bắc trong tâm tưởng. Qua ô cửa nhỏ, ông đếm nắng mưa: “Là mưa ái phi/ Tơ tằm óng chuốt/ Ngón tay trắng muốt/ Nâng bồng Thiên Thai” (Mưa Thuận Thành).

    Tóc mây, răng vắng, da mồi, mà mắt vẫn long lanh lẳng lơ biết mấy. Kim Lân quả xuất thần khi bật ra từ ve vé xanh, một cú chớp máy ảnh cự phách, khi thấy Hoàng Cầm ngả nghiêng giữa các liền chị:

    “Tuổi ấy mà mắt cứ ve vé xanh thế thì có chết không cơ chứ!”. Ve vé xanh, thần khí giác quan nhạy cảm trước cái đẹp, bản chất nghệ sĩ đích thực bao giờ chẳng đa tình. Không yêu làm sao sáng tạo! Tay run mơ ve vuốt yêu kiều: “Nhớ lụa mưa lùa/ Sồi non yếm tơ”.

    Eluard gặp René Char (1907-1888) và gặp Hoàng Cầm: “Bài thơ là tình yêu thực hiện từ khi ước muốn còn là ước muốn”.

    Cứ mê mải mơ suốt hành trình sống.

    Tác giả Những người khốn khổ nói về những ước mơ thật hay. Ước mơ sưởi ấm, nâng cánh chúng ta, làm chúng ta sung sướng trong niềm tin nó sẽ thành sự thực: “Chỉ có ước mơ mới giúp ta tạo dựng được tương lai. Điều không tưởng hôm nay, sẽ hóa thành hiện thực của ngày mai” (V.Hugo).

    Căn phòng sáng, sạch, thơm, với chăn gối đẹp sẽ khiến người ta yêu nhau hơn, ngủ ngon hơn. Cửa hàng chăn gối đầu ngõ nhà Hoàng Cầm, với slogan khêu gợi quyến rũ: “Đẳng cấp của những giấc mơ”. Hoàng Cầm đã bao mùa đơn lẻ một mình ngủ một mình mơ, với bất động cam phận trên căn gác, chắc chắn con người hào hoa ấy luôn náo động, bồn chồn.

    Trong Thế - Giới - Mới, Hoàng Cầm sẽ vẫn làm thơ, ngâm thơ. Kí ức bộ đội các chiến dịch, quân dân vùng tự do thời kháng Pháp, tao nhân bạn hữu văn chương không thể quên giọng ngâm thơ trác tuyệt của Hoàng Cầm. Hình vóc đẹp, mắt lẳng, giọng hay, tất yêu nhiều, làm sao khác.

    Giọng ấy, thời trẻ mà tỏ tình, thì nghiêng ngả bao nàng, chưa nói đến tài thơ. NSƯT Khánh Hợi, 89 tuổi (mẹ của danh ca Lệ Quyên, sống tại Paris), đang ở nhà 1A Mã Mây, là quả phụ của NSND Sĩ Tiến (1915-1981), tác giả, đạo diễn, cánh chim đầu đàn của cải lương miền Bắc, nghe tin Hoàng Cầm mất, cựu diễn viên cải lương chuyên thủ vai đào võ lừng lẫy một thời, hồi ức:

    “Ngày ấy, thập niên 50, chúng tôi diễn cải lương ở rạp Chuông Vàng. Một lần, tôi đến xem cuộc biểu diễn ở rạp Olympya (tức Hồng Hà, 51 Đường Thành). Anh diễn viên trạc 30 tuổi, ngâm thơ hay vô cùng. Tôi không biết anh ta. Sau chồng tôi cho biết, đó là Hoàng Cầm thi sĩ. Chưa bao giờ tôi thấy giọng nam nào ngâm thơ tuyệt thế”.

    4. Ước mơ giấc mơ luân lưu trong nỗi đau luân lưu trong lận đận, mà không dừng lại, không chết bao giờ. Năm 1970, Hoàng Cầm phải về hưu non, bán rượu, sống qua ngày. Ông chết, nhà lạnh Bệnh viện Việt – Xô trục trặc sao đó, Hội nhà văn VN lo thủ tục đưa thi hài sang Bệnh viện 108, rồi lại chạy để ông được an táng khu A nghĩa trang Văn Điển, vì lương về hưu non không đủ tiêu chuẩn!

    Năm ngày lưu lại thế gian, vẫn còn lận đận. Chỉ có những giấc mơ, chỉ có tình yêu kí ức và tương lai bù đắp không nỡ rời bỏ người - mơ - Hoàng Cầm. “Ai có về bên bến sông Tương”, lời hát cất lên thảm thiết. Hoàng Cầm về Kinh Bắc qua mỗi dòng thơ, đâu chờ đến bây giờ.

    Ông có tập Đến từ hư không (2000), tất cả đều từ tấm tình thực sự, ông cật lực sống với tình yêu cuộc sống, tình yêu lớn bao trùm chảy nóng từng mạch máu của ông, mỗi hơi thơ mỗi dòng tuôn một lần tình tự.

    Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, do dịch giả Đoàn Tử Huyến làm giám đốc, đã in Hoàng Cầm 99 tình khúc, ba tuyển tập kịch thơ, văn xuôi và thơ Hoàng Cầm. Vẫn còn chưa hết. Hoàng Cầm đời thường, không chơi nhạc cụ nào, hút thuốc lào và ưa trà mạn.

    Ông yêu quan họ, máu thịt của ông và thích chu du. Đã nhiều lần về sông Đuống, đứng ngồi cả ở bên này lẫn bên kia, tâm hồn ông là một dòng lấp lánh tuyệt đích với dòng Kinh Bắc bất tử huyền nhiệm.

    Hoa tím rộ lên những lãng mạn bằng lăng.

    Kiều Loan từ Mỹ đã về chiều 9-5. Cô không còn dịp cùng cha trở lại sông Đuống nữa. Năm 1982, tại Los Angeles, nhạc sĩ Phạm Duy tình cờ gặp mẹ con  Kiều Loan, ông nhận cô là con nuôi. Kiều Loan là con gái duy nhất còn lại của Hoàng Cầm.

    5. Doanh nhân Cao Văn Tuyến (Tuấn cá sấu), Giám đốc Công ty cá sấu Việt Nam tại Hải Phòng, là một doanh nhân văn hóa, mê hội họa (có bộ sưu tập đáng giá) và yêu thơ, biết trọng thị, biệt đãi nhân tài.

    Anh dành trọn khuôn viên nhà hàng Nam Phương Quen, số 201 km6, Quốc lộ 5, để làm Thạch Thi Viên và đền thờ thi nhân. Anh sưu tập 108 hòn đá lấy từ khắp Việt Nam: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Móng Cái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đà Nẵng, Đắc Nông, Đà Lạt để khắc lên đó những câu thơ hay của Việt Nam.

    Bạn bè thực khách đến đây, không chỉ thưởng thức nghệ thuật ẩm thực trên 55 món chế từ cá sấu, mà còn thưởng lãm không gian đẹp, nghệ thuật thi ca được tôn vinh.

    Hôm 8/5, kỷ niệm công ty 9 năm thành lập, Cao Văn Tuấn đã cho khắc những câu thơ trong bài Về với ta (tập Về Kinh Bắc): “Uống nước mắt con vành khuyên/ nhớ tổ/ Vừa rụng chiều nay/Dềnh mặt nước hương sen/ Ta soi /Chỉ còn ta đạp lùi tinh tú/Ngủ say rồi/Đôi cá đòng đong”.

    Cũng chính tại gian trưng bày cổ vật tại tầng 2 Nam Phương Quen, Cao Văn Tuấn đã treo hai câu thơ của thi sĩ Lê Đại Thanh (1907 - 1996).

    “Một người sinh ra không chết bao giờ/ Khi giữa thời gian để lại một vần thơ”. Trích từ bài Di chúc (1965), Lê Đại Thanh viết sớm 31 năm trước khi mất.

    Ở 45 năm sau câu thơ ấy, Hoàng Cầm ra đi. Những gì để lại sẽ làm ông tiếp tục sống trong ký ức chúng ta. Như lời chúc của Phạm Duy, Hoàng Cầm đang ngủ - “Ngủ lại giấc mơ dang dở” - để tiếp tục qua những đêm ngũ hành, đến “Sông dài sóng đôi/ Cánh rừng rưng say/ Hồng hoang hương ấm mấy chân trời”.

    Cuộc đời Hoàng Cầm là một cuộc yêu lớn, bất tận, phóng túng và lộng lẫy. Linh hồn phong nhiêu của ông vẫn lưu luyến trần gian và sẽ lãng du hết biên độ lãng mạn của mình. Tôi đã cầu cho ông thanh thản, dịu mát trong mưa ái phi, dập dìu giai nhân. Linh ứng, sáng 10 và 11-5, trời đã tiễn Hoàng Cầm một cơn Thuận Thành.  Con đường tình ông đi đầm đìa những giấc mơ tình tự... 

    Tối 12-5-2010

    Vi Thùy Linh

    tienphong.vn

     

    Related posts

    Search

    Access times

    • Total visits47,993,429

    PARTNER

      Green Leaf Vietnam Trading Service Co., Ltd.

      Is the leading passenger transport service company in Vietnam! In 2019, Green Leaf VN has more than 500 passenger cars from 4 seats to 50 seats, new life, reaching 150 thousand arrivals. The rate of successful and punctual pickup is 99.97%.

      * Japanese customer care staff always create peace of mind and trust for customers ...