Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập49,295,556

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Đại sự bất thành của ba đại tá VNCH dân Ông Tạ: Hai cái chết thảm ở ngoại ô, một án tử hình

Cù Mai Công

  • Thứ năm, 20:02 Ngày 12/11/2020
  • *Tôi không phải là người viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) chắc chắn sẽ phải viết lại nếu mưu sự ấy thành công.

    Trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) có một ngôi nhà khá lặng lẽ. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Lê Quang Tung. O Khôi ở với con gái là cô Lan, con gái của o với đại tá VNCH Lê Quang Tung. Chồng cô Lan là đại tá Cầu, vị sĩ quan thuộc Lực lượng Đặc biệt của đại tá Tung và đại tá Trần Khắc Kính (con rể cụ Lý Sóc trong ngõ Con Mắt).

    Sau này, cả nhà o Khôi đi định cư ở Marseille (Pháp), nhà để lại nhà nước. Phần sau nhà để lại cho một người giúp việc lâu năm của gia đình tên Thôi. Bà Thôi có tật nhẹ, chân đi hơi cà nhắc. Bà sống một mình, hàng xóm không thấy có không thấy anh em thân thích gì nên khi bà mất, hàng xóm xúm lại lo tang cho bà. Một nét sống chia sẻ chòm xóm của người Ông Tạ.

    Trước khi đi Pháp, o Khôi hay đến thăm gia đình một người bạn rất thân đồng hương là bà cựu đại tá VNCH Bùi Dzinh nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, đối diện hồ tắm Cộng Hòa; cách nhà vài trăm mét.

    Đại tá Bùi Dzinh là võ khoa (thủ khoa) khóa 3 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt tháng 7-1951. Khi tốt nghiệp, ông được đích thân hoàng đế Bảo Đại trao kiếm và được đại diện anh em trong khóa bắn cung "tang bồng hồ thủy". Ông cùng lứa tuổi và thân với đại tá Lê Quang Tung.

    (Hồi 1965 - 1967, một người hàng xóm sát vách nhà ông trước hồ tắm Cộng hòa, cùng khóa 3 – Trần Hưng Đạo trường Võ bị Đà Lạt với ông là trung tá Trần Ngọc Châu. Ông Châu nguyên cựu dân biểu thời Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; và là bạn thân của ông Thiệu. Sau này ông Châu bán nhà cho ông Hạ Bá Phúc là bố vợ bác sĩ Long. Ông Châu được coi là chuyên gia chống phiến loạn dưới chế độ VNCH. Trong số các cố vấn quân sự và quan chức tình báo Mỹ, ông này được biết đến như người đầu não của một chiến lược khá lạ nhằm giành lấy cảm tình và sự hỗ trợ ở nông thôn khi cuộc chiến Việt Nam leo thang những năm 1960. Chiến lược đó ít nhiều truyền cảm hứng cho chương trình Phoenix gây tranh cãi của CIA.  Ông Châu từng là tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa nổi tiếng phức tạp, thị trưởng Đà Nẵng và người đứng đầu chương trình huấn luyện chống nổi dậy của VNCH. Ông Châu mới qua đời tháng 6-2020 ở tuổi 96 ở Mỹ. Con gái ông, bà Tamminh Tran Kapuscinska, cho biết nguyên nhân là do biến chứng từ COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra).

    Như vậy, nhà ba ông đại tá VNCH Lê Quang Tung, Bùi Dzinh, Trần Khắc Kính cùng dân Ông Tạ và ở rất gần nhau: ông này giáo xứ An Lạc, ông kia giáo xứ Nghĩa Hòa, Chí Hòa; nhà này cách nhà kia chỉ non cây số. Tất cả đều là giáo dân Công giáo nhiệt thành.

    Hai đứa con cụ Lý Sóc, em rể ông Kính, Hùng - Cường là cặp giúp lễ đầu tiên ở nhà thờ An Lạc. Thậm chí có lúc anh Cường còn dự tính nhập tu ở Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn - Đơn Dương. Cùng thời và bạn bè với cặp giúp lễ này ở nhà thờ An Lạc là anh em Đinh Trung Nghĩa (sau này là linh mục Dòng Tên) - Đinh Tiến Luyện (nhà văn này thì có lẽ nhiều người biết)...

    ĐẠI SỰ BẤT THÀNH CỦA BA ĐẠI TÁ TRONG CUỘC ĐẢO CHÍNH 1-11-1963

    Cùng Công giáo nhiều đời như gia đình Tổng thống Diệm, thậm chí đồng hương Lệ Thủy (Quảng Bình), Huế với ông Diệm như ông Tung, Dzinh nên không khó để biết ba vị đại tá này rất ủng hộ ông Diệm. Riêng ông Tung, người tuyệt đối trung thành với ông Diệm; từng được ông Ngô Đình Nhu giao nhiệm vụ thành lập Quân ủy Trung ương đảng Cần Lao. CIA lúc đó xếp ông là người có quyền lực nhất ở Nam Việt Nam sau anh em ông Diệm và ông Nhu.

    Ông Kính và ông Dzinh sinh cùng năm 1929. Ông Tung lớn hơn vài tuổi. Cũng là cùng trang lứa.

    Cuối năm 1956, ông Tung được đích thân Tổng thống Diệm gọi vào Dinh Độc Lập phỏng vấn rất lâu, sau đó phong trung tá, đưa làm giám đốc Sở Liên Lạc. Phó giám đốc là ông Kính, lúc đó mới đại úy.

    Ngay sau đó, ông Tung đi Honolulu học khoá đặc biệt về hoạt động bí mật và xâm nhập. Ông Kính và em ông Tung là trung úy Lê Quang Triệu cũng đi Saipan (một hòn đảo thuộc đảo Guam) học về tình báo.

    Ngày 15.3.1963, Tổng thống Diệm đổi Sở Khai thác Địa hình thành Lực lượng Đặc biệt, thăng ông Tung lên đại tá, tư lệnh Lực lượng Đặc biệt, ông Kính phó tư lệnh. Đại tá Tung thật ra chỉ lo về hoạt động tình báo, gián điệp ở miền Bắc, còn việc tổ chức, huấn luyện Lực lượng Đặc biệt thuộc ông Kính, lúc đó là thiếu tá.

    Lực lượng Đặc biệt là đơn vị chỉ huy Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của VNCH; trang bị hỏa lực rất mạnh, có cả xe tăng lẫn cao xạ bắn máy bay và trung thành tuyệt đối với chế độ Ngô Đình Diệm. Lực lượng này đóng ở thành Cộng Hòa (nay là khu vực trường ĐH Dược và ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn) trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM). Cách Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) vài trăm mét.  Lực lượng này chỉ chịu buông súng đầu hàng sáng 2-11-1963, theo cú gọi điện thoại trực tiếp của Tổng thống Diệm lúc ấy đang trú ẩn ở nhà thờ Cha Tam, cuối đường Nguyễn Trãi (Chợ Lớn) khi ông quyết định đầu hàng nhóm tướng lĩnh VNCH làm đảo chính.

    Rõ ràng đây là nỗi lo sợ thất bại của nhóm tướng lĩnh VNCH đảo chính với hậu thuẫn của Mỹ - như đã từng thất bại trong cuộc đảo chính năm 1960. Ngày 19.10.1963, tướng Paul D. Harkins, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ ở VNCH thông báo cho Tổng thống Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng Đặc biệt bị cắt giảm.

    Rõ ràng phía Mỹ đã ngửi mùi một kế hoạch, âm mưu đáng sợ từ Lực lượng Đặc biệt mà hai vị tư lệnh và phó tư lệnh là Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính – đều là dân Ông Tạ: một nhóm lính thuộc Lực lượng Đặc biệt mặc đồ thường dân sẽ phóng hỏa đốt Tòa đại sứ Mỹ; ám sát đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr. và một số quan chức chủ chốt của tòa đại sứ.

    Hai ông Tung - Kính lên kế hoạch này, chắc chắn có sự chỉ đạo của hai ông Diệm - Nhu, chí ít là ông Nhu, do đã nắm được toan tính của phía Mỹ trong việc đứng sau lưng các cuộc đảo chính chế độ.

    Và nhóm tướng lĩnh làm đảo chính, với hậu thuẫn của Mỹ và đại sứ Mỹ  Henry Cabot Lodge, Jr. đã ra tay trước.

    ĐÊM 1-11-1963 ĐẪM MÁU

    Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có 3 ngày đại lễ liên tiếp, gọi là Tuần tam nhật Các thánh: 31-10 lễ Vọng các thánh (Halloween), 1-11 lễ Các thánh, 2-11 lễ Các đẳng (hay Lễ Các đẳng linh hồn, tức lễ Các linh hồn). Ba ngày lễ này dựa trên việc hiệp thông công đức (thông công), lời cầu nguyện giữa ba vùng: trần thế, thiên đàng và luyện ngục.

    Cả Tổng thống Diệm và ba vị đại tá kia đều là người Công giáo nhiệt thành chắc chắn không bỏ qua việc dự thánh lễ những ngày này. Thực tế sáng 2-11, ngay trong cơn dầu sôi lửa bỏng, thập tử nhất sinh, trước khi quyết định gọi điện thoại cho phe đảo chính báo nơi ẩn náu của mình, ông Diệm và em trai là ông Nhu vẫn bí mật dự lễ Các linh hồn ở nhà thờ Cha Tam.

    Cuộc đảo chính của nhóm các tướng lĩnh VNCH có lẽ đã tính toán cả những chuyện này khi quyết định chọn ngày D cho cuộc đảo chính: 1-11-1963.

    Trước đó, sáng 1-11-1963, ngay ngày lễ Các thánh, đại sứ Lodge vẫn gặp Tổng thống Diệm.

    Hai đại tá Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính chắc chắn cũng đã chuẩn bị cho việc dự những ngày "lễ buộc" (buộc phải dự) này.

    Tuy nhiên, ngày 1-11, trong khi đại tá Kính cùng gia đình chuẩn bị bước vào nhà thờ An Lạc dự lễ Các thánh thì đại tá Lê Quang Tung đang ở Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH cách nhà thờ An Lạc khoảng 1,5 km - theo yêu cầu của nhóm tướng lĩnh tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

    Lý do triệu tập: Nghe nói có một cuộc đảo chính Tổng thống Diệm nên trung tướng Trần Văn Đôn, quyền tổng tham mưu trưởng VNCH triệu tập tất cả các vị tư lệnh mọi quân binh chủng và giám đốc nha sở ở Sài Gòn về họp ở Bộ Tổng tham mưu. Trong đó dĩ nhiên có ông Tung và em là thiếu tá Lê Quang Triệu, tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt.

    Trước đó, nhóm tướng lĩnh đảo chính đã tạo tin giả: “Việt cộng đang tập trung quân ở Hố Bò, Củ Chi, chuẩn bị tấn công Sài Gòn”. Lực lượng Đặc biệt đã bị điều ra đây. Sư đoàn 5 Bộ binh về bảo vệ Sài Gòn. Tổng thống Diệm không ngờ Sư đoàn 5 là lính phe đảo chính.

    Trong cuộc gặp này, ông Tung đứng lên phản đối cuộc đảo chính, đã bị lôi ra ngoài giết chết. Có thông tin nói là ông bị bắn; có thông tin nói bị đại úy Nhung – cận vệ của tướng Dương Văn Minh đâm chết. Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về chuyện này.

    Nhưng có một điều chắc chắn: Thân xác của hai anh em ông Tung và ông Triệu bị vùi ở khu vực bên hông Bộ Tổng tham mưu tới giờ vẫn chưa tìm thấy vì những kẻ thảm sát ông đến nay vẫn chưa tìm ra. Hay đó là đại úy Nhung mà sau đó vài tháng cũng “thắt cổ tự tử” khi bị tướng Nguyễn Khánh ra lệnh bắt giam, điều tra để “trả thù cho ông Cụ (Ngô Đình Diệm)” nên sự thật lịch sử này sẽ mãi chìm trong bí mật?

    Một ngày sau khi hai anh em ông Tung – ông Triệu bị thảm sát, ngày 2-11-1963, hai anh em ông Diệm và ông Nhu cũng bị ám sát. Khám nghiệm tử thi cho thấy trên người hai ông đầy vết bầm dập, vết đâm và những phát đạn vào thái dương.

    Điều trùng hợp là thoạt đầu, trước khi dời về nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (nay là công viên Lê Văn Tám), hai ông Diệm – Nhu cũng được chôn cất gần nơi hai anh em ông Tung – Triệu bị giết: nghĩa trang Bắc Việt, bên hông Bộ Tổng tham mưu VNCH. (Sau khi nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi bị giải tỏa 1983 – 20 năm sau khi hai ông Diệm – Nhu bị ám sát, phần mộ hai ông dời về nghĩa trang Lái Thiêu cho tới nay).

    VỊ ĐẠI TÁ HAI LẦN PHẢN ĐẢO CHÍNH BỊ TUYÊN TỬ HÌNH VỚI TỘI DANH “CHUYÊN VIÊN ĐẢO CHÍNH”

    Ngày 1-11-1963, hay tin cuộc đảo chính nổ ra ở Sài Gòn,  đại tá Bùi Dzinh đã lập tức điều động Trung đoàn 15 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh  và một pháo đội của Tiểu đoàn 9 pháo binh về phản đảo chính.

    Nhưng đại tá Nguyễn Hữu Có phe đảo chính đã dàn lính Sư đoàn 7 bộ binh  chặn ở ngã ba Trung Lương sau khi ra lệnh cho tỉnh trưởng Định Tường - trung tá Nguyễn Khắc Bình rút hết phà tại bến bắc Rạch Miễu và Mỹ Thuận về bờ phía Mỹ Tho để ngăn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền…

    Năm ngày sau, 6-11-1963, đại tá Bùi Dzinh phải bàn giao Sư đoàn 9 cho tư lệnh phó là trung tá Đoàn Văn Quảng, về trình diện Hội đồng Quân nhân Cách mạng tại Bộ Tổng tham mưu. Tại đây, ông đã có cuộc tranh luận dữ dội với thiếu tướng Tôn Thất Đính khiến ông Đính nổi nóng, móc súng đòi bắn. Tướng Lâm Văn Phát nhảy vào can thiệp và tướng Khiêm kéo sang phòng khác, rồi mời "về nhà nghỉ ngơi".

    Mấy ngày, đại tá Bùi Dzinh sau nhận quyết định "Nghỉ dài hạn không lương" của Hội đồng Quân nhân Cách mạng (chỉ huy là trung tướng Dương Văn Minh) cùng một danh sách 31 sĩ quan cao cấp (thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, đại tá Cao Văn Viên, đại tá Bùi Đình Đạm, đại tá Nguyễn Văn Phước...).

    Đây không phải là lần đầu tiên ông Dzinh phản đảo chính cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm, người đồng hương huyện Lệ Thủy, Quảng Bình của mình.  Ba năm trước, ngày 11-11-1960, ông Dzinh, lúc ấy là trung tá, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng của Sư đoàn 21 bộ binh cũng từ miền Tây mang một pháo đội 105 cùng đại úy Lưu Yểm, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33 của SĐ 21 bộ binh kéo về Sài Gòn nhổ chốt Phú Lâm do Tiểu đoàn 8 nhảy dù trấn giữ; thẳng đường về Dinh Độc Lập dẹp tan cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu.

    Sau khi chống đảo chính thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, gia đình ông Dzinh đã từ dinh Tư lệnh Sư đoàn ở Sa Đéc dọn về cư xá Lữ Gia, Phú Thọ, ở cạnh nhà nữ tài tử Kiều Chinh.

    Tại đây, năm học 1963-1964, các con ông như Bùi Dzũng, học nội trú lớp đệ ngũ (nay là lớp 8) cùng hai em trai: Cường, lớp đệ thất (nay là lớp 6) và Bình, lớp nhì (nay là lớp 4) trường Đắc Lộ của linh mục Vũ Khánh Tường. Anh trai tôi cùng tuổi, cùng khối học, cùng nội trú với Bình, con ông Bùi Dzinh ở đây.

    Năm 1964, ông Dzinh mướn nhà thầu Vũ Thịnh xây ngôi nhà đầu tiên ở vườn cao su Phú Thọ trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt) nhìn xéo sang khu đất nay là chợ Tân Bình. Đối diện bên kia đường là nhà của đại tá Quỳnh, chỉ huy trưởng Trường Sĩ quan Chiến tranh chính trị Đà Lạt.

    Ông Dzinh không chịu ngồi yên. Ngày 19-2-1965, ông cũng ra tay: tham gia cuộc đảo chính do thiếu tướng Lâm Văn Phát chỉ huy cùng đại tá Phạm Ngọc Thảo. Cụ thể ông lên kế hoạch cùng trung tá Lê Hoàng Thao mang quân từ Long An chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu thủ đô và quản thúc trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Biệt khu Thủ đô tại trại Lê Văn Duyệt suốt 24 giờ trước khi rút lui ngày 20-2-1965.

    Cuộc đảo chính thất bại và bị toà án quân sự kết án tử hình khiếm diện với tội danh “chuyên viên đảo chính và sử dụng quân đội bất hợp pháp” (sau hạ xuống chung thân rồi tha bổng), ông Dzinh đã chạy về khu Ông Tạ, ẩn náu ở lò bánh mì nhà ông bà Dần trên đường Thánh Mẫu, sau đó sang Nhà hưu dưỡng các linh mục ở nhà thờ Chí Hòa cách đó khoảng 100m…

    Bị lùng sục ráo riết, ông chạy về nhà một ông trùm giáo xứ Lạng Sơn ở Xóm Mới (Gò Vấp) một thời gian, sau đó bị bắt, đưa về tạm giam ở Tổng nha Cảnh sát Quốc gia - Sài Gòn trước khi bị giải sang khám Chí Hòa tháng 5 - 1965.

    Chính quyền Sài Gòn tịch thu nhà của ông ở đường Nguyễn Văn Thoại. Vợ ông và chín người con tạm nương nhờ nhà người cậu ruột là trung tá Lý Trọng Lễ  (sau này là dân biểu tỉnh Bình Long rồi làm tỉnh trưởng Khánh Hòa thời Đệ nhị Cộng hòa – Nguyễn Văn Thiệu) ở dãy nhà lầu đối diện hồ tắm Cộng Hòa. Sau đó qua ông Lễ, mua căn nhà số 203 đường Lê Văn Duyệt nối dài (sau năm 67 đổi số 207 rồi cuối cùng là số  211 đường Phạm Hồng Thái,  Gia Định – nay là Cách Mạng Tháng Tám); nhờ người dì đứng tên và ở đó từ tháng 9-1965.

    Căn nhà ở góc đường Mai Khôi (nay là đường Lê Minh Xuân) và Nguyễn Văn Thoại, xéo chợ Tân Bình được chính phủ trả lại năm 1967 sau khi ông ra khỏi khám Chí Hòa - nhân dịp Tổng thống Thiệu ban hành hiến pháp nền Đệ nhị Cộng hòa ngày 1-7-1967.

    Gia đình ông ở chính tại ngôi nhà đối diện hồ tắm Cộng Hòa cho đến khi vượt biên - cuối năm 1980. Căn nhà luôn đóng kín cửa phía đường Cách Mạng Tháng Tám. Khách ra vào bằng cửa sau. Bà cựu đại tá Bùi Dzinh tướng to cao, phúc hậu…

    Cùng số phận đau buồn, trước khi định cư ở Pháp, hai bà cựu phu nhân hai đại tá VNCH dân Ông Tạ - Lê Quang Tung -  Bùi Dzinh thường qua lại thăm viếng nhau…

    Ngày 1-11-1973, nhân 10 năm cuộc đảo chính lật đổ nền Đệ nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, dân Ông Tạ tổ chức nhiều xe hoa tôn vinh và đòi phục hồi sự thật, danh dự cho ông Diệm, diễu hành, phát loa dọc các con đường ở khu Ông Tạ như Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)...

    Đoàn xe đi qua nhà đại tá Bùi Dzinh, đại tá Trần Khắc Kính... Không hiểu lúc ấy hai ông nghĩ gì về một quãng thời gian mình đã đi qua?...

    Cù Mai Công

    Facebook ngày 09-11-2020.

    Chú thích ảnh Khu ngoại ô Ông Tạ: Khu ngoại ô Ông Tạ năm 1966 - 1968. Trại Trần Hưng Đạo là Bộ Tổng tham mưu VNCH (nay là Bộ tư lệnh QK 7). Mảng xanh ở giữa là công viên Hoàng Văn Thụ. Bắc Việt nghĩa trang là nơi chôn cất ban đầu hai ông Diệm - Nhu và con đường nhỏ bên phải nghĩa trang có ý kiến cho là nơi vùi xác anh anh em ông Tung và ông Triệu.

    *Mời nhấn chuột vô đây đọc những comment có nhiều tư liệu rất thú vị!

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập49,295,557

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!