Search

Access times

  • Total visits47,999,403

PARTNER

    Green Leaf Vietnam Trading Service Co., Ltd.

    Is the leading passenger transport service company in Vietnam! In 2019, Green Leaf VN has more than 500 passenger cars from 4 seats to 50 seats, new life, reaching 150 thousand arrivals. The rate of successful and punctual pickup is 99.97%.

    * Japanese customer care staff always create peace of mind and trust for customers ...

Articles

Dân Rơm trồng Cỏ

Nguyễn Hồng Lam

  • Monday, 18:41 Day 28/10/2019
  • Trước hết, tôi xin được chia sẻ nỗi đau buồn mất mát của 39 gia đình có người thân đã thiệt mạng trong chuyến nhập cư lậu bất thành vào Anh bằng container vừa qua. Không gì có thể bù đắp với những mất mát đau khổ ấy. Họ có thể là người Việt, người Trung Quốc... Người ở đâu đi nữa, lẽ ra họ cũng xứng đáng được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Là ai, họ cũng là nạn nhân của bọn buôn người. Và là ai, có một phần họ cũng là nạn nhân của chính họ, gia đình họ, trong điều kiện và khao khát đổi đời về kinh tế.

     

    Tôi không muốn theo trend. Tôi cũng chẳng hứng thú gì việc đăng lại một loạt bài viết cách đây đã non chục năm, dù nhiều bạn đọc yêu cầu. Nhưng sau thảm kịch, đã rất nhiều người vịn tay vào đó để công kích chế độ, xã hội Việt Nam hiện tại. Nguyên nhân ra đi của những nạn nhân xấu số bị họ gán cho, biến thành tị nạn chính trị, tị nạn cộng sản..., những lý do mà người trong cuộc không nghĩ tới. Chi phí cho chuyến đi, nhiều hay ít cũng bị mổ xẻ với ngôn từ nhiều khi không hay lắm.

     

    Nếu ai có ý kiến khác đi, đám đông sẽ quay lại chửi mắng, chụp mũ không thương tiếc. Vô tình, nỗi đau mất mát càng bị khoét sâu thêm. Tôi cho rằng, đó là những việc không nên làm. Điều cần hơn, là để cho những người đang có ý định ra đi bằng con đường tương tự biết rõ thực tế đang chờ đợi họ không phải khi nào cũng đầy hứa hẹn, không phải ai cũng có thể đổi đời. Câu chuyện của 39 con người chết ngạt trong thùng container lạnh lẽo chỉ là một phần trong chuỗi bi kịch, hiểm nguy trong chuyến "buôn không gian" - đoạn di chuyển. Những bất trắc phía trước thậm chí còn nhiều hơn thế, đau đớn hơn thế.

     

    Vì thế, tôi đăng lại loạt bài viết này. Cần nói rõ các từ lóng dùng trong bài không phải là do tôi đặt ra, không hàm ý miệt thị. Đó là từ người trong cuộc và cảnh sát, báo chí Anh hay dùng, diễn tả một cách hình tượng thân phận và công việc một lớp người. Trong đó "dân rơm" (straw people) là người nhập cư bất hợp pháp; "cỏ" (cannabis) là cần sa, tài mà, đại ma...; "chuột chũi" (rats) là những người phải sống, núp trong bóng tối, để chỉ những người bị giấu trong thùng xe, những "công nhân nông nghiệp" trồng cần sa trong tầng hầm, tầng áp mái ít khi được ra ngoài (vì sợ cảnh sát bắt)...Nó cũng giống như từ Seals, Dolphins (hải cẩu, cá heo) mà hải quân ưa dùng để gọi những đơn vị đặc biệt của họ thôi, không có gì là chê bai hay thiếu tôn trọng cả. Bạn nào muốn nhân đó mà comment không đứng đắn, tôi sẽ xóa.

     

    KỲ I: ĐỜI "CHUỘT CHŨI" TRONG RỪNG ĐẠI MA

    “Rơm" là tiếng lóng của dân giang hồ để chỉ những người Việt nhập cư vào Anh quốc bất hợp pháp. "Cỏ" là từ lề phố để chỉ cần sa (tài mà, đại ma)… một loại thảo dược gây nghiện. Mỹ miều và đầy hình tượng, sự kết hợp của hai từ lóng ấy lại đang vẽ nên thảm trạng kinh hoàng về một bộ phận người Việt ở nước ngoài.

     

    Mơ đổi đời và làm giàu nhanh chóng, họ đã tự biến thân thành những tên tội phạm hoặc thành nạn nhân của bọn tội phạm, sa vào những cuộc thanh toán băng đảng nơi xứ lạ.

     

    Là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Anh, năm nào ông Hoàng Lộc cũng về nước, vừa thăm quê, vừa giải quyết một số công việc nằm trong chức phận của mình. Tháng 9/2009, đắc cử ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VII (2009-2014), những chuyến đi - về của ông Lộc lại ngày càng thường xuyên hơn...

     

    Mỗi lần gặp chúng tôi là ông lại vò đầu bứt tai: "Họ phát rồ hết rồi. Biết là lao đầu vào chỗ chết mà vẫn cứ bỏ xứ sang Anh làm "dân rơm trồng cỏ". Bên đó, loại người này phải đến hàng chục ngàn".

     

    Khoảng 5 năm trở lại đây (tính đến 2010 - tg), cụm từ "Vietnamese cannabis farms" (trang trại cần sa của người Việt Nam) trên báo chí đảo quốc sương mù cũng quen thuộc như từ trường gà, sới bạc, hay cho vay lãi nặng - những "nghề của giang hồ"- trên báo chí Việt Nam. Trong khi đó, đối với cộng đồng người Việt đang định cư hợp pháp ở xứ người, đó lại là một nỗi ô nhục, một vấn nạn.

     

    "Chỗ chết" mà ông Hoàng Lộc từng đề cập được cụ thể hóa bằng vô số vụ việc đẫm máu. Gần nhất, ngày 2/9/2010, tờ London Everning Standard tường thuật chi tiết một vụ án hãi hùng. Hai "công nhân nông nghiệp" là Khách Nguyễn và Phác Trần đã mang một lượng lớn cần sa chất lượng cao trị giá 30.000 bảng Anh đến điểm hẹn giao cho khách hàng là một nhóm băng đảng đường phố người sở tại ở phía nam London. Điểm hẹn giao hàng nằm trong bãi đậu xe của cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's ở quận Sutton. Thay vì giao tiền, nhận hàng, nhóm giang hồ sở tại đã rút súng ngắn uy hiếp Khách Nguyễn và Phác Trần đoạt lấy số hàng.

     

    Không dám báo cảnh sát, Trần và Nguyễn đã nhanh chóng quay lại đại bản doanh ở Hackney, phía đông London để báo cho ông trùm Học Kim Khoa việc lô hàng bị cướp. Học Kim Khoa không tin vụ đánh cướp là có thật, một mực khăng khăng là hai kẻ tay chân dàn cảnh, dựng chuyện để đánh cắp số hàng. Vả lại, nếu đó có là vụ cướp thật, ông trùm Học cũng không thể lần ra kẻ nào là thủ phạm để đòi hoặc cướp lại. Bởi lẽ, tất cả những phi vụ buôn bán cần sa đều là bất hợp pháp, đều tiến hành trong bóng tối giữa các băng đảng giang hồ với nhau. Không đào đâu ra khoản tiền lớn để đền, hai người làm công đã bị ông trùm Học cùng 5 tên tay chân khác bắt cóc, đưa về một trang trại hẻo lánh ở vùng Surrey phía Tây London tra khảo. Chỉ sau vài giờ, khi cảnh sát tìm ra họ thì Khách Nguyễn đã bị đánh đến chết, còn Phác Trần thì may mắn hơn, còn ngắc ngoải!

     

    Điều tra ráo riết, cảnh sát vẫn không tìm ra tung tích nhóm tội phạm cướp hàng. Ông trùm Học Kim Khoa và 5 tên đệ tử bị kết án chung thân và tống vào nhà tù Old Bailey vì tội giết người. Một loạt trang trại cần sa trong đường dây của ông trùm này bị Cảnh sát London triệt phá. Xấu số nhưng còn may mắn sống sót, Phác Trần bị lập hồ sơ, sau khi phải ngồi tù một thời gian ngắn vì tội buôn lậu chất gây nghiện sẽ bị trục xuất về Việt Nam.

     

    Hiểm nguy, bất trắc là vậy nhưng Vương quốc Anh vẫn là một đích đến hấp dẫn của những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là của giới "dân chơi" các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê, trước năm 1975, tại Vương quốc Anh chỉ có khoảng 300 người Việt, chủ yếu là du học sinh và một số doanh nhân. Sau giải phóng năm 1975 cũng chỉ có thêm 32 người Việt từ miền Nam Việt Nam chọn xứ sương mù làm nơi di tản định cư. Trong đó có gia đình cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nhập cư vào Anh khá muộn.

     

    Từ tháng 1/1979, khi Chính phủ Anh đồng ý chấp nhận cho một số thuyền nhân di tản đến Hồng Kông được nhập cư vào Anh thì con số người Việt ở đảo quốc này tăng lên nhanh chóng. Phần lớn họ quê ở Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... sang Anh định cư tại London, Manchester, Newcastle, Notingham và Birmingham. Người Việt ở Anh cũng học được phong cách phớt tỉnh Ănglê, ai sao kệ họ, hầu như không có sự va chạm, kỳ thị trong cộng đồng nhập cư giữa hai miền Nam - Bắc.

     

    Trả lời phỏng vấn đồng nghiệp của chúng tôi ở chương trình TV Vì an ninh Tổ Quốc vào tháng 9/2008, ông Allan Gibson, Tư lệnh Cảnh sát Đô thành London, Vương quốc Anh cho biết, người Việt định cư tại Anh đã lên đến khoảng 35.000 người. Số nhập cư bất hợp pháp, tức "dân rơm" cũng chỉ ít hơn một chút, khoảng 30.000 người!.

     

    Lịch sự nhất là xin visa vào Anh để đi học, đi du lịch, thăm thân nhân, sau đó ở lại chấp nhận sống trốn chui trốn nhủi. Khi Chính phủ Anh siết chặt các quy định nhập cư, những kẻ có ý đồ, ham muốn làm "dân rơm" dễ dàng rơi vào vòng cương tỏa của bọn buôn người. Ông Allan Gibson mô tả: "Họ quá cảnh một số nước châu Âu khác, sau đó họ trốn trong xe hơi, xe tải vào Anh. Đó là cách phổ biến nhất".

     

    Đi hết lời mô tả ngắn gọn của ông Tư lệnh, "dân rơm" phải đánh một lộ trình vòng vèo, có khi mất hàng nửa năm trời mới từ quê nhà đến được nước Anh. Trung bình chi phí cho một người là 12-13.000 bảng Anh (khoảng 20.000USD). "Dân rơm" Việt Nam và nhiều nước khác sẽ được những kẻ dẫn đường, bọn buôn người lo giấy tờ đưa sang Ba Lan, CHLB Đức, CH Séc... bằng đường hàng không. Sau đó, họ sẽ được đưa đi theo đường bộ vào nước Pháp và nằm chờ, xếp hàng tại bến phà Calais để đổ bộ vào Anh qua ngả cảng Dover. Cảnh sát không lạ lẫm gì những chiêu ma quái của bọn buôn người nên cảnh giác cao độ. Vì vậy, mỗi tuần bọn buôn người chỉ dám tổ chức một vài chuyến nhập cư lậu, mỗi chuyến mang theo chừng một, hai chục người, xếp trong những thùng xe được thiết kế đặc biệt nhằm tránh máy dò nhiệt.

     

    Dưới tiêu đề "Thiếu niên Việt nhập cư được phát hiện trong thùng xe ở Dover", tờ báo Anh Daily Mail ngày 4/2/2010 đã đăng tải một bức ảnh gây rúng động: một cô gái Việt Nam khai là 16 tuổi nằm cuộn tròn giữa mớ dây điện lằng ngoằng, bị những kẻ dẫn đường nhét trong khoảng trống chật chội, nóng bức trong thùng một chiếc xe hơi. Khi được cảnh sát phát hiện, cô gái mặc quần jean, áo màu hồng đã gần như kiệt sức nhưng tay vẫn ôm khư khư một chú thỏ nhồi bông màu trắng - một dấu hiệu "hiển nhiên" để người ta tin rằng cô vẫn ở tuổi thiếu niên.

     

    Gần như đồng thời, Cảnh sát Dover cũng phát hiện ra một lúc 27 người Trung Quốc khác được nhét dưới gầm ghế ngồi, trong khoang chứa hành lý của một chiếc xe bus. Thậm chí, còn có một người đàn ông được nhét tạm vào... thùng xăng. Bị cảnh sát phát hiện (thường là nhờ máy chụp X-quang), họ có thể sẽ bị kết án tù vì tội nhập cư lậu. Nhưng nếu trót lọt, qua mặt được hải quan, biên phòng, cảnh sát... rất có thể nhiều người trong số đó sẽ chết vì ngạt trước khi tới được cổng thiên đường. Dĩ nhiên, thiên đường vốn chật hẹp, chắc không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

     

    Riêng cô gái thì sẽ không hề hấn gì. Vì đang tuổi "vị thành niên", cô sẽ không bị trục xuất. Thay vào đó, cô sẽ được hưởng trợ cấp xã hội. Sẽ có một gia đình người Việt hảo tâm nào đó chấp nhận làm người bảo trợ cho cô. Oái oăm là ở chỗ, "nhà hảo tâm" đó sẽ rất có thể là người thân của chính cô, nếu không phải là cô, chú, bác họ thì cũng là... anh chị ruột! Và tất nhiên, tuổi thật của cô cũng không chắc vì có chú thỏ bông đi kèm và hình dáng Á Đông bé nhỏ mà dừng lại con số "thiếu niên 16". Không một mảnh giấy tờ, khai tên giả, tuổi giả, người Việt ở Anh quá rành mánh lới của "dân rơm" cứ đánh cuộc 10 ăn 1, cô bé đó sẽ không dưới 19 tuổi. Có khi còn hơn, cô đã từng xuất khẩu lao động làm thợ may bên Đức hay Ba Lan gì đó vài ba năm cũng không chừng.

     

    Tư lệnh Allan Gibson từng đưa ra khuyến cáo: "Phần đông trong số họ không biết được điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Nếu ai biết trước thì chắc hẳn những người này đã suy tính rất kỹ, bởi họ biết chắc rằng họ sẽ bị các nhóm tội phạm nguy hiểm sử dụng để tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Tương lai của họ có thể là ở trong các nhà tù. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp người Việt Nam bị bắt cóc, bị bắn hoặc thậm chí bị giết”.

     

    Rủi ro có thể đến một cách rất không ngờ. Có chị ruột đang định cư hợp pháp ở Southamton, nước Anh, năm 2007, chị N.T.H ở Tuyên Hóa, Quảng Bình đã đánh một nước liều mong đổi đời. Có thai gần sinh, chị đã móc nối được một đường dây đưa người, gom góp tài sản, vay mượn ngân hàng tổng cộng 20.000USD làm hộ chiếu sang Anh thăm chị ruột. Theo tính toán, sang đến Anh chị sẽ sinh con, nghiễm nhiên con chị sẽ được hưởng tất cả những quyền lợi của một đứa trẻ chào đời tại xứ sương mù. Là mẹ, dĩ nhiên chị H. cũng sẽ được hưởng quy chế người bảo hộ đi kèm. Những kẻ môi giới đưa đường đút tiền vào túi xong cũng hứa chắc như đinh là sẽ đưa chị và đứa con trong bụng bay một lèo sang Anh, có người đi kèm đến nơi đến chốn.

     

    Ngoại ngữ một chữ cắn đôi không biết, chuyến "buôn không gian" của người đàn bà quê mùa cuối cùng lỗ nặng. Chẳng biết vòng vèo thế nào, thay vì sang Anh, những kẻ đưa đường lại đưa chị bay sang Krakow, cố đô của... Ba Lan. Lại thật không may, máy bay chưa kịp đáp, đứa trẻ đã đòi ra! Vậy là Ba Lan, chứ không phải Vương quốc Anh, mới là... nơi sinh của đứa trẻ. Đến tận hôm nay, chị vẫn không thể sang Anh mà cũng chưa ôm con về Quảng Bình được. Người chị ở bên Anh, vì sợ tính mạng của em và cháu mình bị đe dọa, đã phải “cúng cô hồn” thêm cho đường dây của bọn buôn lậu đưa đường 10.000 USD nữa!

     

    Có sang được đến nơi, đó cũng chưa chắc đã là miền đất hứa. Thanh tra Steve Wastaff thuộc Ban chuyên án bắt cóc - Cảnh sát Đô thành London thuật lại một thảm án hãi hùng. Trương Đình Hà đã từ Hà Nội bỏ ra một khoản tiền lớn nhập cư vào Anh làm "dân rơm" sống chung với em trai. Ngày 9/5/2006, khi đang ngồi tại nhà hàng Việt Nam mang tên Hồ Tây ở Deptford High Street, London, Hà đã bị 4 ngưòi Việt Nam bịt mặt đột nhập gí dao bắt đi. Ngay sau đó, em trai của ông Hà đã nhận được điện thoại đòi 15.000 bảng Anh tiền chuộc. Đồng thời một người em trai khác và gia đình Hà ở Hà Nội cũng nhận được điện thoại đòi 15.000 bảng Anh. Họ đã báo Cảnh sát Anh và Việt Nam.

     

    Bọn bắt cóc đã đưa Hà đến một nhà hàng Trung Hoa cũ đã bỏ hoang xa khu dân cư để đánh đập, tra khảo và giam giữ chờ tiền chuộc. Nhờ sự hỗ trợ của Cảnh sát Việt Nam, Cảnh sát Anh biết được những kẻ bắt cóc hóa ra không quá xa lạ đối với nạn nhân, đều là những thằng đầu bò đầu bướu từ Hà Nội, Hải Phòng trốn sang Anh tiếp tục hành xử giang hồ. Từ sự hợp tác của em trai Trương Đình Hà, kho tiếng lóng thuần Việt của những tên bắt cóc đã được giải mã, từ đó giúp Ban chuyên án bắt cóc lần được dấu vết. Trương Đình Hà được giải thoát trước khi đám xã hội đen, biết đã bị lộ, định thủ tiêu nạn nhân để bịt đầu mối. Tuy nhiên, nạn nhân cũng bị chúng kẹp gần đứt lìa ngón tay và giập nát khuỷu tay, phải vào viện điều trị cả tháng trời, suýt nữa phải tháo khớp.

     

    Ở Anh, đám chăn dắt sẽ lùa những đồng bào dại dột của mình vào những "đồng cỏ" - vườn tài mà được thiết lập trong nhà kín. Thoát cảnh chuột chũi chui rúc trong những gầm xe bus, xe tải, những con chuột chũi nói tiếng người - chính xác là tiếng Việt - sẽ tiếp tục chui rúc hàng tháng, thậm chí hàng năm trời trong những căn phòng bịt kín, thắp điện suốt ngày đêm để trồng, chăm sóc tài mà thuê cho chủ. Họ tuyệt đối không được ló mặt ra đường, không được tiếp xúc với bất kỳ người dân sở tại nào, để tránh bị lộ. Thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm, chủ trang trại sẽ cung cấp tận nơi...

     

    Một đời sống người không ra người, nhưng họ không có quyền lựa chọn. Trả trước hay trả sau, khoản tiền đưa đường để họ vào được nước Anh cũng là quá lớn, đến 2019 là trên dưới 30.000€/người, đủ để biến họ thành con nợ, hoặc của ngân hàng hoặc của bọn buôn người. Ngoài trồng cần sa thuê, họ không có khả năng hội nhập để làm nghề nào khác. Mà nghề khác thì biết đến bao giờ mới đủ tiền thoát kiếp con nợ. Thế là, đặt chân lên đảo quốc sương mù, đời chuột chũi đã bị rừng đại ma vây chặt!

     

    Kỳ II: BÁN MẠNG TRONG "LÒ THIÊU XÁC"

    NHL - Đọc kỳ I, một số bạn đọc đã comment cho rằng gắn "dân rơm" với nghề "trồng cỏ" là phiến diện. Người nhập cư lậu vào Anh còn vô số việc khác để làm, không chỉ mỗi trồng cần sa - công việc gắn bó quá sâu với các băng nhóm tội phạm. Nói như thế, tác giả đã quá coi thường người nhập cư lậu. Hơn nữa, cho dù bất hợp pháp, họ cũng chỉ ra đi để mưu sinh, tuyệt đại đa số đều xuất thân thiện lương, bản thân chỉ là người lao động bình thường, không thể vơ đũa cả nắm xem họ như tội phạm.

     

    Tôi hoàn toàn tán thành cách nghĩ vị tha này, cũng rất mong muốn mình có thể đã thật sự sai lầm. Đáng tiếc, thực tế lại không như thế. Trồng cần sa là bất hợp pháp, là đã phạm tội. Ngay từ khi còn ở quê nhà, những người nhập cư bất hợp pháp đều biết rõ họ sẽ đi đâu, làm gì nơi đất khách. Nếu không phải trồng cỏ mà sang Anh nhập cư chui để tìm cơ hội việc làm khác, sức hấp dẫn sẽ không đủ để các gia đình bên Việt Nam cầm cố nhà cửa, tài sản, vay mượn một số tiền rất lớn cho con em mình đi Anh. Họ biết rất rõ và chỉ mong công việc duy nhất: trồng cần sa. Họ sang Anh bằng đường lậu là để kiếm tiền, không chờ đợi một sự chào đón hay nể trọng giành cho mình. Họ cũng biết rất rõ, lựa chọn đó không khác gì tham gia phạm tội, chịu sự khống chế của các thế lực băng nhóm, có thể gặp nhiều bất trắc. Biết, nhưng họ vẫn làm, đặt cược tương lai xanh - chín với nghề trồng cỏ.

     

    Như tựa bài đã đặt, loạt bài của tôi cũng chỉ cố gắng thu thập thông tin về những người làm nghề này, không có ý định và điều kiện khảo sát hết ngành nghề, công việc của người Việt ở Anh và một số nước khác. Vì nó quá rộng, chắc chắn nằm ngoài khả năng. Đa số "dân rơm trồng cỏ" đều là thanh niên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại sao người ta sẵn sàng đánh đu phận người như thế, câu trả lời sẽ được đề cập ở trong bài.

    *

     

    Năm 2000, Đồng Hới vẫn đang là thị xã của tỉnh Quảng Bình, chưa lên thành phố. Mỗi lô đất 5m mặt tiền đường Ngô Gia Tự mới hình thành, ở phường Nam Lý, rộng tổng cộng 75m2 có giá chừng 45 triệu đồng. Giá đất không cao nhưng người mua, có tiền để mua vẫn không nhiều. Khoảng 5 năm sau, đất khu vực này và nhiều khu khác ở Đồng Hới bỗng tăng chóng mặt. Đến thời điểm này, mỗi lô đã có giá từ 1,8-2 tỉ đồng, tăng vọt 40 lần trong vòng 10 năm, cao ngang ngửa với giá đất ở TP HCM, một trong những nơi đắt nhất nước.

     

    Kinh doanh không mấy phát triển, khả năng sinh lợi của những lô đất mặt tiền này không cao, giá vẫn được đẩy lên điên khùng. Giá nào cũng có người mua. Nguyên nhân chủ yếu, tuy không được đề cập trong bất kỳ một hồ sơ báo cáo hay tài liệu nghiên cứu nào nhưng lại được tất cả người dân sở tại thừa nhận: do những người đi Anh quay trở về... phá giá. Lớp người này được xem là... thừa tiền, thừa luôn cả sự điên rồ.

     

    Năm 2006, có người ở đường Ngô Gia Tự bán một lô đất 300 triệu đồng, bảo là lấy tiền "mua suất" xuất khẩu lao động sang Anh. Khoảng 2 năm rưỡi sau anh ta quay trở về, nằng nặc đòi mua lại chính miếng đất cũ, lúc đó chủ mới đã xây lên một căn nhà đúc 3 tấm, hết tổng cộng 1,1 tỉ. Không có ý định bán, chủ mới ra một cái giá rất tào lao, đến mức vô lý là 3,4 tỉ đồng cả đất lẫn nhà, mục đích để làm nản lòng chủ cũ khiến anh ta từ phải bỏ ý định đòi mua lại.

     

    Không ngờ, ra giá buổi chiều, buổi tối anh chàng kia đã đánh xe hơi đến, chồng tiền ngay, đút giấy tờ nhà đất vào túi áo khoác và cho chủ nhà 3 ngày để... dọn đi! Lại nghe đâu anh ta chê ngôi nhà mới xây không vừa ý, đã có ý định đập bỏ, xây lại, nhưng sợ bị dòm ngó, dị nghị nên mới tạm gác.

     

    Hỏi sang Anh làm gì mà lắm tiền thế, anh này ỡm ờ: "Làm vườn cho ông anh trai. Bên đó "công nhân nông nghiệp" lương cao lắm!". Những tay chơi “có kiến thức trong khu phố, có người cũng từng từ Anh quay về, có người đang rắp ranh tìm đường đi, nghe chuyện chỉ nhún vai cười khẩy: "Vẽ! giang hồ đòi lò đuôi tư sản! Trồng cần sa thì nói đại cho rồi".

     

    Nói vậy nhưng chính đám choai choai này lại lân la tìm anh chàng kia để dò hỏi, nhờ cậy chỉ đường để họ cũng đóng tiền mua một "vé" sang Anh. Ở nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nước Anh được xem là xứ "đầu bảng" trong mục tiêu "xuất khẩu lao động". Tiền thế chân, tiền "mua suất" đi Anh luôn cao ngất ngưởng, cao hơn nhiều so với tiền mua đường xuất cảnh lậu sang "xứ vàng" một thời là CHLB Đức (để buôn lậu thuốc lá). Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Anh, ông Hoàng Lộc khẳng định: "Việt Nam và Anh chưa có hiệp ước xuất khẩu lao động. Toàn bộ những người này đều đi chui, đều là "dân rơm". Ở Anh, sử dụng lao động bất hợp pháp, chủ sẽ bị luật pháp xử phạt rất nặng nên ít người dám thuê".

     

    Theo ông Lộc, họa hoằn lắm mới có một vài "dân rơm" may mắn xin được một chân bồi bàn, phụ việc vặt hoặc làm nail (móng tay, móng chân) chui, lương theo giờ cao nhất chừng 6-7 bảng. Tính ra có làm quần quật không nghỉ ngày nào, mỗi tuần cũng chỉ được chừng 400-500 bảng Anh. Làm 2 năm, không gặp chút bất trắc, tai nạn nào, họ thu được khoảng 40-50.000 bảng, trừ hết chi phí ăn ở, tiền đi tiền về, có tiết kiệm lắm họ cũng chỉ dành dụm chừng 15.000 bảng (xấp xỉ 500 triệu đồng tiền Việt).

     

    Nhưng bất trắc, với những người không am tường luật pháp nước Anh, không biết tiếng Anh thì cứ gọi là xảy ra như cơm bữa. Bị bắt là mất trắng. Chỉ riêng việc đậu xe không đúng chỗ, chạy xe sai làn đường hoặc không đúng tốc độ quy định cũng đã có thể bị phạt mỗi lần hàng trăm bảng. Định cư đã trên 20 năm như ông Lộc mà những lỗi này vẫn cứ vấp thường xuyên, riêng năm 2009 đã tốn trên 1.000 bảng tiền phạt. "Dân rơm" không muốn ngồi tù vì tội nhập cư bất hợp pháp thì chỉ có nước vứt xe chạy lấy người, mất đứt cả năm lương là cái chắc. Muốn có tiền tỉ mua đất, mua nhà, sang đó họ chỉ có "trồng cỏ" chứ không thể làm gì khác”.

     

    Điều tra viên Stephen Foote của Sở Cảnh sát London cho biết, "dân rơm" Việt Nam thường thuê những căn hộ lớn không người ở, những nhà, xưởng cũ bỏ hoang... nằm biệt lập ở các khu hẻo lánh bên rìa các thành phố lớn để lập "trang trại" trồng "cỏ" (cần sa, tài mà). Để tránh sự chú ý của người xung quanh, vườn trồng cần sa được thiết lập ở tầng áp mái hoặc tầng hầm. Tất cả cửa lớn, cửa nhỏ của căn phòng đều được bịt kín, cửa kính và các khe hở được bịt chặt bằng chăn hoặc vải bạt dày để bảo đảm không một tia sáng nào có thể lọt ra ngoài. Tất cả các khâu từ khi gieo hạt đến lúc đóng bánh... đều được tiến hành trong căn phòng này.

     

    Cây cần sa được trồng trong các chậu nhỏ. Đất trồng, phân bón được bí mật chở từ nơi khác đến. Ngoài tự nhiên, cây cần sa cao tối đa khoảng 4m, mỗi năm chỉ thu hoạch được 1 vụ. Trồng trong chậu, cần sa chỉ cao chừng 1-2m, cứ 3 tháng cho thu hoạch một lần. Phòng trồng cần sa được thiết kế lại toàn bộ với hệ thống thông gió, giàn phun nước riêng. Cứ cách 0,5m trên trần nhà lại được gắn một bóng đèn điện 600W, thắp sáng suốt đêm ngày.

     

    Sau khi thu hoạch, cần sa được rửa sạch rễ, treo ngược lên những giá treo lắp sẵn và sấy khô bằng quạt gió trong điều kiện đèn điện mắc dày đặc, sáng liên tục. Vì thế, phòng trồng và sấy cần sa khi nào cũng nóng hầm hập như lò bánh mỳ, độ ẩm rất cao. Thợ làm vườn ăn ngủ tại chỗ. Không rời đi đâu nửa bước, không được hít thở khí trời cho nên người họ luôn bị vắt kiệt hoặc sấy cho khô cong. Giấc ngủ cũng diễn ra dưới ánh sáng chói lóa, cộng với thái độ luôn cảnh giác nghe ngóng động tĩnh, nơm nớp lo bị cảnh sát bắt, bị băng nhóm khác đánh cướp hoặc xảy ra hỏa hoạn do chập điện... khiến thần kinh họ luôn căng thẳng và suy nhược trầm trọng.

     

    Làm "dân rơm trồng cỏ” ở Anh thu nhập rất cao. Sau khi bán và trừ chi phí, phần tiền lãi sẽ được ăn chia theo tỉ lệ đã thỏa thuận giữa người làm công với chủ. Tùy quy mô, một trang trại chi phí mỗi mùa hết từ 20.000 - 50.000 bảng để sản xuất được từ 1.000 - 3.000 chậu cần sa, giá thị trường khoảng 200.000 - 500.000 bảng.

     

    Tháng 8/2009, một thợ làm vườn tên là Thanh Phạm, 47 tuổi bị Tòa án Kingston Crown kết tội 30 tháng tù giam vì tội sản xuất cần sa tại một căn nhà ở Crutchfield Lane, Walton. Phạm khai nhận có thu nhập khoảng 6.000 bảng/tuần, trong khi cơ sở mà anh ta coi sóc thu lợi nhuận tới 200.000 bảng mỗi mùa, tức khoảng 800.000 bảng/năm!

     

    Làm thuê ăn lương khổ hơn nhiều nhưng lương cố định cũng được khoảng 500 bảng/tuần, cơm ăn nước uống, mọi sinh hoạt phí chủ lo tất, lại không bị trừ thuế thu nhập như người làm thuê hợp pháp.

     

    Dù làm thuê hay hợp tác ăn chia, đời sống của “dân rơm trồng cỏ” cũng hết sức bấp bênh. Thắp điện, dùng quạt sấy liên tục, nhiệt độ trong các ngôi nhà - trang trại thường rất cao, đến mức vào mùa đông, mái nhà có trang trại núp phía dưới không bị bám tuyết như các ngôi nhà khác. Chi tiết bất thường này đã dắt cảnh sát đưa máy dò nhiệt đến, dẫn đến nhiều vụ bắt giữ.

     

    Chiều ngày 16/3/2010, một ngôi nhà trồng cần sa ở đường Beaconview, thị trấn West Bromwich, phía tây miền Trung nước Anh bị Cảnh sát Anh khám phá, 12 người Việt, 9 nam và 3 nữ, đang trú ngụ trong căn nhà này cùng nhiều phân bón, đèn và lá phôi kim loại đã bị bắt giữ. Một nam giới trong số này bị kết án, số còn lại sau đó đều bị trục xuất.

     

    Ngày 21/7/2010, 4 người Việt, trong đó có 1 phụ nữ và 1 bé trai 12 tuổi bị bắt giữ tại một trang trại ở thành phố Portsmouth, hạt Hampshire, miền Nam nước Anh. Dẫn tin từ nguồn của Cảnh sát London, tờ Evening Standard ngày 2/9/2010 cho biết, chỉ riêng tại thủ đô xứ sương mù, năm 2007 đã có 378 trang trại trồng cần sa bị khám phá và phá hủy, năm 2009 con số này là 692. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2010 đã có tới 253 trang trại cần sa của người Việt bị Cảnh sát London triệt phá. Trong thực tế, số trang trại chưa bị phát hiện vẫn lớn hơn rất nhiều lần so với số vụ việc bắt giữ, đủ để hình dung nguồn lợi nhuận thu được nhờ trồng và bán cần sa bất hợp pháp của người Việt ở Anh khổng lồ đến mức nào.

     

    Thanh tra Ian Pegington của Cơ quan Hợp tác quốc tế, Sở Cảnh sát London khuyến cáo: "Những ai có ý định đến Anh và tham gia vào việc trồng tài mà nên suy nghĩ lại. Trong tình huống tốt nhất có thể, họ sẽ bị bắt, tống giam ở Việt Nam hoặc ở Anh. Hoặc trong tình huống xấu hơn họ sẽ bị bọn tội phạm đánh đập và gia đình tại việt Nam thì nợ nần chồng chất".

     

    Ông có sẵn một loạt dẫn chứng. Ngày 6/11/2006, vào đúng vụ thu hoạch tài mà, Trần Nguyên, "dân rơm" quê ở Hà Tĩnh, làm công cho một cơ sở trồng tài mà ở Newport cách London 300km, báo cho người quản lý biết là cơ sở trồng tài mà bị mất trộm. Chủ cơ sở không tin, nghi Trần Nguyên đã tiếp tay cho bọn trộm. Hắn yêu cầu bọn đàn em đưa Trần Nguyên về London. Trần Nguyên đã bị tra tấn hết sức dã man, đồng thời bọn chúng đã gọi điện thoại về cho vợ Trần Nguyên ở Hà Tĩnh, Việt Nam đòi phải trả cho chúng 40.000 bảng Anh. Không có tiền, Trần Nguyên bị đánh đến chết. Trước khi chết, Trần Nguyên được chúng đưa trở lại Newport và vứt bỏ. Theo thanh tra Russel Tiley thuộc Cảnh sát Newport thì chi phí để điều tra vụ này đã lên tới hơn 3 triệu bảng Anh!

     

    Trước đó, cũng vì tranh chấp quyền lợi từ tài mà, ngày 17/8/2006, một nhóm 4 tên xã hội đen người Việt đã tra khảo một đồng hương là Nguyễn Minh Thanh ngay trên phố Marestreet, Hackney, phía đông London. Nhiều người qua đường chứng kiến sự việc nhưng không ai dám can thiệp. Khi cảnh sát đến nơi, Nguyễn Minh Thanh đã bị đánh đến chết.

     

    Lượng điện, nước để "làm vườn", do phải tưới và thắp hàng trăm bóng đèn, chong quạt gió suốt ngày đêm nên tốn rất lớn. Nếu đăng ký dịch vụ, sự tiêu tốn bất thường sẽ khiến cơ quan luật pháp chú ý. Do đó, “dân rơm” thường câu trộm từ lưới điện quốc gia và đường dẫn nước chung. Những mối nối sơ sài này chính là những cái bẫy của tử thần.

     

    Điều tra viên Stephen Foote cho biết, ông đã từng chứng kiến và điều tra một tai nạn do chập điện dẫn đến cháy nhà thiêu sống người làm vườn không kịp chạy. Vụ bắt giữ 4 "dân rơm" ngày 16/3/2010 cũng bắt đầu khi cảnh sát điều tra về vụ cháy tại một khu mua sắm gần căn nhà mà 4 người Việt này tham gia trồng cần sa. Chính sự câu nối của nhóm người này đã gây ra vụ chập điện dẫn đến hỏa hoạn.

     

    Tháng 1/2005, Cảnh sát Wembley, phía bắc London phát hiện xác một người đàn ông tên Nguyễn Thọ Khang trong một ngôi nhà trồng đầy cần sa. Không tìm ra thủ phạm, cái chết bí ẩn được gán cho một trong hai giả thiết: hoặc do tai nạn ngạt khí, hoặc bị cướp đột nhập vào nhà giết chết. Cả hai đều liên quan mật thiết đến cần sa trồng ngay trên sàn nhà nơi Khang nằm chết.

     

    Cảnh sát Anh đánh giá, ở thời điểm hiện tại, 75% cần sa trên thị trường đen nước Anh do "dân rơm" người Việt cung cấp, giá trị mỗi năm lên đến hàng tỉ bảng. Nguồn lợi quá lớn nên những vườn tài mà đã thật sự trở thành mục tiêu săn tìm của đám "chim lợn", những băng đảng đường phố sở tại. Để đề phòng, ngay dưới cửa sổ của các căn phòng trồng tài mà, "dân rơm" thường đặt các bàn chông và bẫy kẹp. Khi đi ngủ, "dân rơm" luôn thủ sẵn súng ngắn, búa, gậy đánh bóng chày để sẵn sàng đánh trả nếu "chim lợn" đột nhập. Ngoài vườn, xung quanh một số "trang trại lớn", "dân rơm" còn đặt cả bẫy mìn! Vẫn không thoát. Vào năm 2004, một ông trùm tài mà tên là Nguyễn Sơn Hội vẫn bị bắn chết ngay tại trang trại. Thủ phạm bị bắt, bị kết án chung thân là J.Fyves, được xác định là thành viên nhóm giang hồ Cá Sấu khét tiếng ở nam London.

     

    Để tồn tại, dù muốn hay không, "dân rơm" ở Anh cũng phải tự biến mình thành tội phạm, liên kết nhau thành những băng đảng giang hồ. Những vườn tài mà đã đích thực trở thành những sào huyệt, còn mỗi "người làm vườn" là một kẻ phạm pháp có băng nhóm luôn mong giữ được thiên lương . Muốn làm giàu nhanh chóng mà vẫn giữ được thân lương thiện, với "dân rơm trồng cỏ”, đó là điều hoàn toàn không tưởng!

     

    KỲ III: GỠ BẢNG SỐ GIANG HỒ TRÊN ĐỒNG CỎ QUỐC TẾ

    Đau xót, cảm thương cho số phận của các nạn nhân là đồng bào của mình không có nghĩa là tìm cách biện hộ cho hành vi, sai lầm của họ. Rất nhiều bạn đọc, cả trong và ngoài nước, cả trí thức lẫn bình dân đều tỏ ra rất giận dữ, nếu ai đó tỏ ý phản đối, không đồng tình với cách ra đi và rơi vào thảm kịch của các nạn nhân. Mặc định, họ xem tất cả những người nhập cư chui là "người tị nạn", hàm ý xem họ như những nạn nhân của thể chế, của đời sống chính trị - kinh tế đã "quá tệ hại" ở trong nước. Và do đó, ra đi, bất kể bằng con đường nào, bất kể nhằm mục đích gì cũng được coi là lựa chọn duy nhất, là "tị nạn", không thể khác. Ai không cùng cách nhìn, họ sẽ ném đá không thương tiếc, gán cho đủ loại tính từ tệ hại nhất, bất chấp mọi lý lẽ.

     

    Chủ nghĩa vị tha ủy mị sặc mùi dân túy ấy lấn át lý trí, cần phải xem là một sai lầm, bởi nó đang biện minh và phần nào cổ súy cho một xu hướng sai trái, một vấn nạn. Nó sẽ dẫn nhiều người Việt đến gần hơn với các thảm họa nhân đạo. Nó làm ngơ, a tòng để một bộ phận người Việt nhập cư chui trở thành vấn nạn đe dọa sự bình an, thách thức luật pháp của nhiều quốc gia khác.

     

    Nếu không thể tin, không muốn nghe người trong nước nói, hãy nghe chia sẻ của Đại sứ Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ai Len tại Việt Nam - Ông Gareth Ward, về tình trạng mua bán người và di cư trái phép nhân vụ việc 39 người di cư bất hợp pháp bị chết trong xe container tại Anh.

    Ông viết:

    "Người Việt Nam vẫn đang bị mua bán sang Anh để làm các công việc nguy hiểm, trái pháp luật, phục vụ lợi ích của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, không có nhiều người Việt Nam biết đến thực trạng này....

    ...Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm "Nô lệ thời hiện đại" với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania.

    Khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình. Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

    Những người này tìm đến những người quen, họ hàng, bạn bè mà nghe đâu đã từng đưa trót lọt ai đó đến Anh để nhờ giúp đỡ. Họ bỏ ra một khoản tiền rất lớn có khi lên đến 600-700 triệu đồng, phần nhiều có được là do thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, tàu thuyền hay vay nặng lãi để trả cho những kẻ môi giới và những kẻ tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.

    Như vậy, ngay từ đầu cuộc hành trình của mình từ Việt Nam, họ đã chọn di cư bất hợp pháp và giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm...." (Hết trích)

    Nhưng tại sao lại là nghề trồng cỏ (cannabis) - quá gần ngưỡng tự biến mình thành tội phạm mà không phải là một nghề nghiệp khác? Câu trả lới rất đơn giản: lợi nhuận vô đối. Và tất nhiên, nếu thành công, nó sẽ giúp một nhóm nhỏ người Việt đạt đến quyền lực vô đối.

    *

    Khởi đầu nghề trồng cỏ xứ người là dân giang hồ Hải Phòng nhưng phát triển nó lên hàng quy mô, tạo nên làn sóng buôn nô lệ làm "công nhân nông nghiệp" lại chủ yếu thuộc về "dân chơi" Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tại sao, muốn trả lời đầy đủ sẽ cần một nghiên cứu về nhiều mặt. Nhưng dễ thấy nhất, đây là ba địa phương đất chật người đông, khó kiếm việc làm. Con người những xứ này có thừa máu liều, người nghèo cũng mang sẵn tập tính "súng không sợ điếc", rất cục bộ và đoàn kết nhau trong "địa phương tính".

     

    Người đi trước dẫn dắt và cưu mang người sau. Hầu hết những người đi sau, phần việc chuẩn bị chỉ là "mua đường". Sang nước ngoài, họ vứt hết giấy tờ, chỉ giữ lại trong bộ nhớ số điện thoại, địa chỉ của "người đón" - một đồng hương có quen biết hay dây mơ rễ má gì đó về mặt quan hệ...Chừng đó là đủ để cho những đường dây buôn người sang Đông Âu, Tây Âu, sang Anh, sang Canda hay Úc... tồn tại thành phong trào suốt hàng chục năm trời.

     

    Anh quốc là nơi phong trào "dân rơm trồng cỏ" của người Việt diễn ra rầm rộ nhất. Nhưng nếu vẽ một bản đồ hình gân lá về ngành công nghiệp trồng và chế biến cần sa do tội phạm gốc Việt thống lĩnh, cuống lá - điểm xuất phát - sẽ là một chấm nhỏ nằm ở miền Tây Nam trên bản đồ Canada - vùng Vancouver thuộc tỉnh British Columbia.

     

    Nửa sau thế kỷ XX, hầu hết nguồn cần sa cung cấp cho dân chơi Bắc Mỹ, gồm cả Canada hầu như đều có nguồn gốc từ Mexico. Cần sa Trung Mỹ được bán lẻ đến tay dân chơi Bắc Mỹ dưới dạng cao marijuana, chất lượng khá tốt. Khách hàng thường trực của loại chất gây nghiện này chủ yếu là thành viên của các băng đảng "Những thiên thần địa ngục" (Hell Angles), với nhãn hiệu cầu chứng là những thân hình lực lưỡng xăm trổ chằng chịt, bọc trong những bộ đồ da nặng trịch, đánh đu và rong ruổi trên những chiếc môtô phân khối lớn kéo nhau diễu thành từng đoàn gây bạt vía trên các xa lộ.

     

    Thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, ý thức phản chiến và phong trào hippi lan rộng khắp nước Mỹ. Nhiều thanh niên xứ Cờ Hoa đã trốn sang miền Nam Canada để tránh bị chính phủ bắt đi quân dịch và quẳng sang chiến trường Nam Việt Nam. Đội ngũ "Những thiên thần địa ngục" tăng vọt về số lượng. Hầu hết họ đều ngã vào vòng đê mê của khói cần sa để tiêu sầu, để chối bỏ và quên thực tại. Một bộ phận đã dạt vào các khu vực rừng núi hẻo lánh của tỉnh British Columbia để trồng cần sa, vừa tự cung tự cấp nhằm thỏa mãn nhu cầu, vừa bán lại cho đồng bọn và bán ngược về Mỹ qua ngả Seatle, bang Washington để làm sinh kế.

     

    Thật không may, cần sa quấn điếu hoặc trộn với thuốc lá hút sống (người Việt thường gọi là Bồ đà, do đọc trại chữ Budda, tức là... ông Phật!) lại nhanh chóng trở thành mốt, được lớp thanh niên đường phố của Canada và Hoa Kỳ ưa chuộng. Trong khi đó, luật pháp Canada lại chỉ xem cần sa là chất gây nghiện, người trồng và sử dụng nó chỉ bị phạt, cùng lắm bị trục xuất hoặc án treo chứ không phải ngồi tù như đối với hêrôin hoặc côcain. Gió đổi chiều, từng đoàn xe tải chở cần sa đã qua chế biến từ Vancouver bắt đầu chạy ngược về Mỹ, cạnh tranh ráo riết và chiếm ưu thế so với marijuana Trung Mỹ.

     

    Với "dân chơi" khắp nước Mỹ, những điếu cần sa nhãn hiệu "BC Bud" (bồ đà Britsh Columbia) vẫn là "số dzách", là thượng hảo hạng! Từ Vancouver giá 1.500USD/pound, về đến California, giá bán sỉ của nó đã tăng vọt đến 10.000USD/pound. Theo ước tính được công khai trên trang web của Cơ quan Bài trừ ma túy Hoa Kỳ (DEA), thập niên 90 thế kỷ trước, mỗi năm, giá trị thương mại của cần sa ở riêng tỉnh Britsh Columbia đã lên đến 6,5 tỉ USD, nguồn thu lớn thứ hai chỉ sau dầu mỏ và khí đốt! Toàn bộ số hàng "cỏ" và khoản lợi nhuận khổng lồ này đều do "Những thiên thần địa ngục" điều phối.

     

    Đang hồi cực thịnh thì dân chơi người Việt nhấp nhứ nhảy vào. Những năm 80, một bộ phận thuyền nhân Việt Nam các tỉnh phía bắc từ các trại ở Hồng Công... được tiếp nhận định cư tại Canada. Hầu hết họ đều không có trình độ, một phần không ít lại xuất thân đầu trộm đuôi cướp cho nên rất ít người trong số thuyền nhân này có cơ hội định cư ở những đô thị chuyên môn cao như Ottawa hay Montreal vùng Quebec ở miền Đông Nam Canada. Vậy là, để mưu sinh và kiếm tiền nhanh, không ít người mới đến đã sẵn sàng tham gia "trồng cỏ". Chủ yếu họ "làm vườn thuê" cho các băng nhóm "Những thiên thần địa ngục".

     

    Dân chơi người Việt "tiến bộ" rất nhanh. Họ nhanh chóng nhận ra rằng, dù có thiết lập ở những nơi thâm sơn cùng cốc, các "trang trại" cũng rất dễ bị các đội tuần tra bằng trực thăng của cảnh sát phát hiện và triệt phá. Hơn nữa, cần sa trồng trong tự nhiên, mùa vụ kéo dài cả năm, “vừa bé hạt thóc, vừa lâu đồng tiền", lại dễ bị lộ. Vậy là, các băng nhóm người Việt nhanh chóng đưa "trang trại" vào trồng thử nghiệm trong nhà kín, các tầng hầm hoặc tầng áp mái, dễ che mắt cảnh sát. Công nghệ sinh học - giống cây trồng cũng được nghiên cứu ứng dụng triệt để và cho tiến bộ vượt bậc. Bằng cách sưởi ấm và thắp sáng bằng đèn điện suốt đêm ngày, "vườn cỏ" trồng trong nhà cho thu hoạch một năm tới 4 vụ.

     

    Cây cần sa trồng trong chậu tuy có kích thước nhỏ, chỉ cao bằng 1/2 cần sa trồng ngoài trời nhưng bù lại có hàm lượng marijuana cao gấp bội, được thị trường chào đón nhiệt tình hơn. Trồng bao nhiêu, "Những thiên thần địa ngục" bao tiêu hết bấy nhiêu. Các băng nhóm "công nhân nông nghiệp" người Việt giàu lên vùn vụt, lấn át rồi dần dần đánh bật "Những thiên thần địa ngục" ra khỏi cuộc chơi "trồng cỏ".

     

    Giang hồ Bắc Mỹ cũng cay lắm nhưng vẫn đành chấp nhận bởi cạnh tranh không lại. Đã thế, chúng có bung ra "cày" được "mảnh ruộng" cần sa nào thì gần thu hoạch lại bị đám người Việt rình mò phát hiện và láu cá... mật báo cho cảnh sát đưa trực thăng đến nhổ sạch! Xem như thua. Bước sang thế kỷ XXI, "Những thiên thần địa ngục" đành ngậm ngùi giã từ nghề "trồng cỏ" để bằng lòng với vị trí khách hàng lệ thuộc, nhường sân chơi cho người Việt nhập cư "múa gậy vườn hoang".

     

    Với nghề "trồng cỏ", các tập đoàn tội phạm người Việt ở miền Nam Canada bành trướng thế lực rất nhanh. Từ miền Tây Nam heo hút, thưa thớt dân cư, tiền bẩn đã giúp chúng vươn tay sang các đô thị sầm uất, tấp nập ở Đông Nam, trở thành "chủ nhân ông" của nhiều cơ sở thương mại, tập đoàn kinh tế lớn. Quyền lực tuyệt đối, trùm của mọi trùm là một khuôn mặt phụ nữ có cái tên khả ái: Lê Thị Phương Mai. Về địa bàn, hồ sơ cảnh sát ghi nhận: Lai Thành Hữu (tức Ngô Tiến Dũng) và gia đình bà Lee (gốc Hoa) trấn giữ Toronto. Hai mảnh đất màu mỡ nhất là Ottawa và Vancouver, một mình nữ quái Lê Thị Phương Mai độc chiếm.

     

    Tuổi thật sinh năm 1966, quê gốc Hải Phòng nhưng trong hộ chiếu, Lê Thị Phương Mai lại khai sinh năm 1973 và quê ở Phú Yên. Khi mới sang, lợi dụng hình thể bé nhỏ so với chiều kích người Canada, cô đã khai gian cho nhỏ tuổi để được hưởng trợ cấp vị thành niên. Cái đầu khôn ngoan "dày" hơn nhiều so với hình hài mảnh mai, bé nhỏ. Lê Thị Phương Mai đã nhanh chóng tiếp cận nghề trồng cỏ và buôn ma túy.

     

    Khi chỗ đứng giang hồ bắt đầu vững, Mai đã kết hợp và chỉ huy một loạt đàn em gốc Bắc thuộc hàng "đầu bù răng bựa" nhất do hai hảo thủ là Hoàng Công Ty (người Quảng Ninh) và Nguyễn Văn Minh (quê Hải Phòng) chỉ huy, tổ chức chuyên môn hóa cao độ nghề trồng cỏ. Mai mua và thuê hàng loạt những ngôi nhà lớn ở những nơi hẻo lánh vùng Vancouver để lập "trang trại". Mỗi "vườn" có một đàn em tin cẩn trông coi và không tên nào được biết "vườn" của kẻ khác, phòng khi bị bắt sẽ khai báo lung tung khiến đổ bể dây chuyền. "Công nhân nông nghiệp", Mai và những tên cầm đầu cất công về Quảng Ninh, Hải Phòng tuyển lựa, làm hộ chiếu du lịch thăm thân nhân đưa sang Canada.

     

    Cứ 6 tháng (2 vụ), các "trang trại" lại thay công nhân một lần, tuyển công nhân mới. Mọi chi phí, Mai lo tất. Được xuất ngoại du lịch miễn phí, sau nửa năm quay về lại được nhận một cục tiền to, đám giang hồ phía Bắc rất khoái được "phục vụ chị Mai", bảo làm gì chúng cũng chẳng từ.

     

    Tiền kiếm được ở Vancouver, Lê Thị Phương Mai đem sang Ottawa, Toronto và Montreal mua bất động sản mở hàng loạt nhà hàng, khách sạn, siêu thị 24/7 (phục vụ liên tục mọi ngày, mọi giờ). Trước cửa ngõ thế kỷ XXI, Lê Thị Phương Mai đã được xem như nữ doanh nhân gốc Việt thành đạt nhất ở Canada, một ngôi sao thành đạt của cộng đồng người Việt ở Bắc Mỹ.

     

    Không mấy ai biết rằng, sau lớp áo doanh nhân là "bà trùm" lớn đứng đầu một tập đoàn mafia chuyên sản xuất cao cần sa, chế biến, đóng viên các loại thuốc lắc, thiết kế và điều hành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên Bắc Mỹ, đồng thời cầm đầu cả một hệ thống rửa tiền và tín dụng đen xuyên lục địa.

     

    Kết hợp với "con cá mập" người Hoa tên là Ze Wai Wong, sinh năm 1953, hoạt động của tập đoàn Lê Thị Phương Mai đã làm lệch hẳn cán cân cung cấp ma túy vào thị trường Bắc Mỹ. Trung bình mỗi tháng, tập đoàn này sản xuất và tuồn vào nước Mỹ khoảng 1 triệu viên thuốc lắc, tiền lãi đem rửa khoảng 5 triệu USD. Thuốc lắc (ectasy) đưa vào Mỹ tiêu thụ bán sỉ 4 USD/viên và bán lẻ trên các đường phố từ 15 đến 20 USD/viên. Riêng cần sa, Lê Thị Phương Mai không chỉ trồng ở Canada mà còn thiết lập được một loạt trang trại lớn ngay tại TP San Francisco của nước Mỹ. Nguồn cần sa của Lê Thị Phương Mai cung cấp đến 16 thành phố lớn thuộc 10 bang của Mỹ, trong đó có các vùng quan trọng như Atlanta, Los Angeles, New York, Iowa, Tennessee, Houston, Orlando và New Orleans...

     

    Theo đánh giá của DEA và FBI, lượng cần sa do tập đoàn Lê Thị Phương Mai - Ze Wai Wong cung cấp chiếm tới 16% toàn bộ thị phần Bắc Mỹ, chưa kể thuốc lắc tự sản xuất. Dĩ nhiên, với năng lực cung cấp hùng mạnh như thế, Lê Thị Phương Mai đã có quan hệ mật thiết với rất đông các ông trùm mafia Hoa Kỳ. Khi Năm Cam sang Mỹ vào đầu năm 2001, Mai cũng từng gặp gỡ, tính chuyện hợp tác để mở rộng địa bàn làm ăn về quê nhà. Nhưng mối quan hệ này không đi tới đâu. Năm Cam, trong nguyên tắc, không đưa ma túy - chất gây nghiện vào danh mục hoạt động xã hội đen của mình. Trong mộng bá đồ vương, Năm Cam cũng chỉ muốn thâu tóm quyền lực giang hồ Nam - Bắc, thủ lợi chủ yếu bằng bảo kê đâm chém và mở sòng bạc trong nước, chưa đủ năng lực để nghĩ tới tầm mức "hợp tác giang hồ quốc tế". Phương Mai tỏ ra coi thường Năm Cam giang hồ cò con, gà què ăn quẩn cối xay. Câu chuyện của những ông bà trùm chỉ dừng lại ở mức ra mắt xã giao qua trung gian các mối quan hệ giang hồ.

     

    Một phần lớn tiền thu được nhờ ma túy Lê Thị Phương Mai đã tìm cách gửi về Việt Nam để đầu tư vào bất động sản. Theo điều tra của FBI trong vòng chưa đầy 2 năm, từ đầu năm 2002 đến đầu năm 2004, thông qua 2 tổ chức tín dụng đen tại Atlanta (Mỹ) mà Mai dựng lên và thao túng là An Châu Service và Hoàng Nhung Express, Mai đã chuyển về một số địa chỉ (28 cá nhân và 8 doanh nghiệp) ở Hải Phòng tổng cộng 800 triệu USD.

     

    Tháng 5/2001, Cảnh sát Hoàng gia Canada phối hợp cùng FBI và DEA của Hoa Kỳ tổ chức một chiến dịch lớn mang tên "Operation Candy Box" (Chiến dịch Hộp kẹo) nhằm cắt đứt dòng chảy ma túy khổng lồ từ Canada vào nước Mỹ. Một cuộc trao đổi chỉ đạo của Lê Thị Phương Mai để gửi 222.000USD theo hai đường dây tín dụng đen từ Mỹ về Việt Nam vào tháng 7/2003 đã bị ghi âm. Từ đây, dấu "con cá mập" bắt đầu lộ ra. Mọi thông tin liên quan đều được phía Mỹ và Canada cung cấp đầy đủ cho Interpol Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ, nhằm bắt giữ Lê Thị Phương Mai và triệt phá đường dây ma túy xuyên Bắc Mỹ.

     

    Cảnh sát đã phanh phui ra thực tế, tổ hợp ma túy Wong và Phương Mai gồm thâu đủ món phạm tội, từ buôn lậu ma túy, rửa tiền, sản xuất thuốc lắc quy mô tại Toronto. Ma túy đá của họ không chỉ “trải đệm” thị trường Canada mà còn tung hoành khắp nhiều đường phố, quán Bar nước Mỹ. Chúng được tuồn qua biên giới Canada – Mỹ ngụy trang trong các ngăn, hộp bí mật, sàn kép, cánh cửa kép hoặc trong thùng xăng hai đáy của xe hơi, xe tải nặng

     

    Trong đợt "ra quân" đầu tiên của chiến dịch “Hộp kẹo", cảnh sát đã phá sập 3 cơ sở sản xuất thuốc lắc tại Toronto, thu giữ 12 súng, 5,9 triệu USD tiền mặt và 500.000 viên thuốc lắc, 531 kg cần sa thành phẩm. Hai công dân Canada gốc Việt Hà Đức Kiệt, 41 tuổi và Phạm Văn Tuấn, 45 tuổi, bị bắt tại Oakville. Kiệt bị bắt với các tội danh buôn lậu các chất cấm, tham gia và tổ chức phát triển mạng lưới tội phạm trong khi Tuấn bị cáo buộc buôn lậu ma túy. Trần Thanh, 47 tuổi; Huỳnh Đồng Đẳng, 39 tuổi, cùng với em gái là Huỳnh Thị Thảo Thi, 33 tuổi và Trần Huy, 24 tuổi, đàn em của Phương Mai bị bắt ở East Bay và San Jose (Mỹ).

     

    Trong khi đó, với danh nghĩa là đại diện của Công ty Viet - Can Resorts & Plantation Inc., (do chính Lê Thị Phương Mai lập ra) có trụ sở tại 857 Unit 1, Somerset St. West Ottawa, Ontario (Canada), đầu tháng 1/2004, Lê Thị Phương Mai và 3 cộng sự về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Một dự án đầu tư khu du lịch 5 sao và biệt thự cao cấp trị giá 25 triệu USD đã được Lê Thị Phương Mai ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý giao cho đối tượng 70ha đất tại Dốc Lết, huyện Ninh Hòa để triển khai dự án. Trong số này có 10 ha trùng lặp, nằm chồng lên một dự án đã phê duyệt cấp đất từ trước cho một công ty khác, rất oái oăm, cũng có tên là Công ty Phương Mai.

     

    Âm mưu rửa tiền gặp thuận lợi ngoài sức tưởng tượng, Lê Thị Phương Mai đã gấp rút làm hồ sơ xin lập một ngân hàng 100% vốn nước ngoài, lấy cớ để thuận lợi và nhanh chóng cho việc chuyển giao 25 triệu USD tiền vốn đầu tư. Nhưng chưa kịp thực hiện, đầu tháng 3/2004, Cảnh sát Canada, FBI và DEA của Mỹ đã đồng loạt ra tay. Thêm 3 cơ sở chế biến ma túy với hơn nửa triệu viên thuốc lắc, 14 trang trại cần sa, 28 tên đàn em cùng súng, đạn và 9,1 triệu USD đã bị bắt. Tên của Lê Thị Phương Mai xuất hiện trong nhiều sổ sách bị thu giữ với tư cách "chủ tài khoản". Từ Việt Nam, bà trùm hốt hoảng, vội lấy vé bay về Canada vào ngày 29/3/2004. Hai ngày sau, vừa bước chân vào nhà riêng, "đại cao thủ dân rơm trồng cỏ" người Việt đã phải tra tay vào còng và sau đó ra tòa lĩnh án chung thân cho những tội ác của mình.

    Từ đó, những "cánh đồng cỏ" của “dân rơm” người Việt ở Canada đã bị cày tung. "Dân rơm" lục tục kéo nhau sang Anh tìm đất mới.

    Kỳ IV: NỖ LỰC CHỐNG MỘT THẢM HỌA

    Sự "mềm mỏng" trong quy định của luật pháp Anh vô tình đã trở thành một trong số nguyên nhân khuyến khích các băng nhóm buôn "dân rơm" người Việt chọn đảo quốc sương mù làm "đất hứa" để đẩy mạnh nghề "trồng cỏ". Từ năm 1978, cần sa đã bị luật pháp Anh liệt vào nhóm B trong bảng chất gây nghiện, đụng vào nó là phải ngồi tù. Không hiểu sao, vào năm 2004, luật pháp Anh lại chuyển cần sa từ bảng B xuống bảng C.

    Cần sa không bị xem là ma túy. Người sở hữu, sử dụng hoặc trồng cần sa với số lượng không lớn, nếu bị phát hiện cũng chỉ bị phạt hành chính, cùng lắm cũng chỉ bị án treo, không bị phạt tù. Đúng giai đoạn này, các băng đảng cần sa người Việt ở Canada lại bị "lốc ổ". Vậy là chúng ùn ùn chuyển địa bàn sang Anh. Nguồn cung quá lớn, không đủ đáp ứng từ nguồn nhân lực sẵn có chuyển từ Canada sang, các băng nhóm người Việt bắt đầu đẩy mạnh việc chiêu dụ nguồn nhân lực từ Việt Nam sang làm "công nhân nông nghiệp" tham gia trồng cần sa bán cho thị trường Anh.

     

    Nhập cư lậu, lao động chui đương nhiên là bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc, nhưng thu nhập khá lớn nên nó vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với nhiều người Việt trong nước và cả một số lao động Việt bất hợp pháp đang có mặt tại các nước châu Âu khác, nhất là các nước trong khối XHCN cũ đã sụp đổ. Đằng nào thì cũng sống chui, làm việc chui, họ chọn sang Anh nơi có điều kiện kiếm tiền dễ hơn, trong khi các quy định cư trú lại không quá hà khắc.

     

    Ở Anh, nếu không vi phạm pháp luật, người nhập cư hầu như không bị cảnh sát hỏi tới. Trong trường hợp có vi phạm nào đó, việc kiểm tra hành chính xảy ra, người nhập cư chui sẽ bị tạm giữ sau đó sẽ bị trục xuất về lại quốc gia mà từ đó họ nhập vào Anh. Biết kẽ hở này, người nhập cư thường hủy hết giấy tờ, không khai báo xuất xứ. Cùng lắm, họ sẽ bị tống trở lại Pháp, Đức, Ba Lan..., những nơi cảnh sát có thể chứng minh được là nơi họ xuất phát. Để một thời gian, những cung đường buôn người lại tiếp tục đưa họ vào Anh lần nữa. Nếu chưa bị trục xuất, chỉ bị tạm giữ trên đất Anh, họ sẽ lại tìm cách trốn, sống bất hợp pháp tiếp. Và đã ở chui là ở luôn, không dám về Việt Nam. Về thì dễ, chỉ việc ra khai báo tên họ, quê quán... là sẽ được mua vé máy bay rời Anh ngay. Nhưng một khi tên tuổi trong hồ sơ đã kèm với quá khứ nhập cư lậu, họ sẽ vĩnh viễn bị cấm đặt chân sang Anh lần nữa.

     

    Trước thời điểm 2004, chỉ có 15% cần sa tiêu thụ trên đất Anh được trồng tại chỗ. Từ khi có sự thay đổi thang bậc trong quy định luật pháp, cùng với sự trỗi dậy quy mô của các băng nhóm người Việt, gió đã đổi chiều. Điều tra viên cao cấp John Lindsay của Sở Cảnh sát London khẳng định: "90% cần sa tiêu thụ tại Anh hiện đều được trồng ở Anh. 10% còn lại tuy được nhập vào Anh nhưng chỉ là quá cảnh để đến một nước khác. Từ 2010, các băng nhóm người Việt nắm 75% tổng lượng cần sa này. Ngoài ra, còn có 15% cần sa tiêu thụ tại Hà Lan được cung cấp từ nước Anh, hoàn toàn do các băng nhóm người Việt chi phối".

     

    Dẫn nguồn từ báo cáo của Cảnh sát Anh tờ Metro London ngày 18/8/2010 cho biết : "Năm 2009, cảnh sát đã bắt được 6.866 vụ trồng cần sa, tăng 30% so với 4.951 vụ của năm 2008". Chỉ trong hai năm, gần 12.000 "trang trại trồng cỏ" do người Việt điều khiển đã bị bắt giữ, trong khi số không bị phát hiện có thể còn lớn hơn nhiều! Trong cuộc hội đàm với Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang vào tháng 9/2008, Tư lệnh cảnh sát Đô thành London Allan Gibson đã khẳng định: "Giá trị thương mại của cần sa sản xuất tại Anh mỗi năm đã lên đến hàng tỉ bảng".

     

    Ở quy mô trung bình, một trang trại "trồng cỏ" trong nhà tại Anh sản xuất được từ 500-1.000 chậu cần sa, nếu trót lọt sẽ cho lợi nhuận từ 200 - 500 ngàn bảng Anh. Chi phí trồng, chăm sóc, chế biến chỉ chiếm 10% con số đó. Giả sử trồng 1 năm 4 vụ, bị cảnh sát phát hiện và tiêu hủy mất 3 vụ, chỉ trót lọt 1 vụ, "dân rơm" vẫn không lỗ. Có phát hiện, cùng lắm cảnh sát cũng chỉ bắt giữ được "người làm vườn", không mấy khi lần ra được “chủ trại” - những con cá mập thực thụ.

     

    Tuy nhiên, số phận của "dân rơm" lại chưa bao giờ là vấn đề mà các ông trùm của những băng đảng tội phạm chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán cần sa phải quan tâm. Lợi nhuận, thu nhập quá cao vẫn là món mồi nhử hấp dẫn thu hút dân nhập cư lậu ùn ùn kéo vào nước Anh, bổ sung cho đội ngũ "công nhân trang trại" đã bị bắt, bỏ tù và trục xuất. Nghề buôn người vào Anh đã phát triển và chuyên môn hóa cao độ, cùng với cần sa lậu trở thành một ngành kinh doanh béo bở.

     

    Ngày 29/6/2010, Cảnh sát Anh đã dẫn độ Nguyễn Đỗ Huân một kẻ thừa hành đắc lực trong tổ chức tội phạm buôn người cho Hungary xử lý. Tên tội phạm gốc Việt này đã đưa hơn 50 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh. "Dân rơm" người Việt được đưa sang Nga, Hungary. Huân và đồng bọn sẽ "mượn" hộ chiếu người Hung gốc Việt cho họ, sau đó hóa trang, đội tóc giả sao cho họ gần giống người trong ảnh, từ đó đàng hoàng nhập cư vào Anh bằng cổng chính theo đường du lịch và... biến mất! Đưa đi 50 người, nghiễm nhiên Huân và đường dây của y đã đút túi 1 triệu USD cái gọi là "lệ phí đưa đường". Dĩ nhiên, đích đến của những con thiêu thân này sẽ là những "trang trại trồng cỏ".

     

    Lợi nhuận quá lớn, không chỉ những người nhập cư bất hợp pháp, không nghề nghiệp mà ngay cả những người định cư đã thực sự thuộc về giới thượng lưu, có chuyên môn và thu nhập cao cũng bị lôi cuốn vào những công việc có liên quan đến cần sa. Tháng 3/2009, ông Nguyễn Chinh, một bác sĩ người Việt bị kết án 5 năm tù vì đã cùng vợ là Nguyễn Thị Tâm và em vợ Nguyễn Kính Quốc trồng cần sa và rửa tiền. Nhóm này đã chuyển gần 3,5 triệu bảng Anh về Việt Nam cho gia đình vợ bác sĩ Nguyễn Chinh. Vị bác sĩ này là một chuyên viên phẫu thuật chỉnh hình xương và cột sống, đã từng điều trị cho ngôi sao bóng đá Thierry Henry. Thu nhập từ nghề bác sĩ của ông ta không dưới 200.000 bảng một năm.

     

    Thậm chí, nhiều tay cự phú của nước Anh cũng bị lóa mắt bởi lợi nhuận từ cần sa nên đã đổi nghề. Sau khi trả xong bản án 16 năm tù, tên cướp người Anh lừng danh Thomas kẻ từng tham gia vụ án chấn động cướp đi 40 triệu bảng đồ trang sức của nhà thời trang kim hoàn Graff cũng đã chuyển đổi nhà riêng của mình thành một trang trại cần sa. Khi cảnh sát phát hiện, tầng trên cùng của nhà y đã có hàng chục chậu cần sa sắp thu hoạch đang được sưởi ấm bằng đèn điện!

     

    Từ Anh, phong trào "dân rơm trồng cỏ" của người Việt đang có xu hướng gia tăng rất mạnh ra rất nhiều quốc gia khác. Phổ biến nhất là ở các nước châu Âu có cộng đồng người Việt đông đảo như Thụy Điển, Đức, Ba Lan, CH Séc... và hai quốc gia nói tiếng Anh khác ở phía nam địa cầu là Úc và New Zealand.

     

    Tin tức về những vụ triệt phá, bắt giữ những trang trại cần sa của người Việt đã trở nên không xa lạ gì, thậm chí xuất hiện nhiều trên báo chí các nước. Ngày 18-6-2010, Cảnh sát Ba Lan tấn công cùng lúc 6 vườn cần sa do người Việt quản lý tại miền Trung và miền Bắc nước này, bắt giữ 12 người Việt, 3.000 chậu cần sa và 20 kg cần sa đã sấy khô. Ngày 11/9/2010, tại Oberwittighausen (CHLB Đức), Cơ quan điều tra ma túy bắt giữ 9 người Việt gồm 4 nhân công làm thuê, 5 chủ trại, thu giữ 1.187 cây cần sa, trị giá khoảng 300.000 euro. Hệ thống công nghệ trang thiết bị máy móc để trồng, thu hái, chế biến cần sa bị cảnh sát phá hủy.

     

    Tại CH Séc, ngày 21/10, cảnh sát đã bắt 2 người Việt ngay tại vườn cần sa mà họ thiết lập ở làng Strmilov thuộc vùng Jindichuv Hradec. Chỉ 20 ngày sau, ngày 8-11, thêm 3 đối tượng gốc Việt Nam lại bị Cảnh sát CH Séc bắt tại chỗ với một vườn cần sa khổng lồ hơn 10.000 cây.

     

    Rầm rộ nhất, ngày 23/11/2010, tại tiểu bang Victoria, Úc, một lực lượng liên ngành gồm 630 cảnh sát bang, được sự hỗ trợ của Cảnh sát Liên bang và nhiều cơ quan khác của tiểu bang và liên bang như Thuế vụ, Di trú, Hải quan đã thực hiện một cuộc bố ráp lớn chưa từng có. 64 căn nhà ở 32 địa điểm tại các vùng Dandenong, Melton - Footscray, Horsham, Geelong, Ballarat và Warrnambool trên toàn bang Victoria đã đồng loạt bị khám xét. Cảnh sát bắt giữ 43 người, thu giữ hơn 20 triệu đôla Úc, nhiều loại ma túy, thuốc lắc và gần 8.000 chậu cần sa trị giá hơn 395 triệu USD. Đây là đoạn kết thúc của "Chiến dịch thực thể" (Operation Entity) được cảnh sát hai nước Úc và New Zealand phối hợp thực hiện trong gần 2 năm.

     

    Cảnh sát nghi ngờ hơn 395 triệu USD thu từ việc bán cần sa sẽ được dùng để mua hêrôin từ nước ngoài đưa vào Úc. Tiếp đó, thêm khoảng 100 ngôi nhà ở cả Úc và New Zealand đã bị lục soát, thêm một số đối tượng bị bắt. Tất cả đều là người Việt, trong đó có cả sinh viên, du học sinh được các băng đảng tội phạm thuê mướn.

     

    "Dân rơm trồng cỏ" người Việt thật sự đã trở thành một thảm họa quốc tế. Chính phủ và luật pháp nhiều nước có đông người Việt sinh sống đã đưa cảnh báo vấn đề này lên mức báo động nghiêm trọng. Năm 2007, Chính phủ Anh đã lại nâng cần sa từ bảng C lên bảng B, làm cơ sở để tống giam những kẻ trồng và chế biến cần sa.

     

    Theo điều tra viên John Lindsay, mức án cụ thể cho các tội danh như sau: người làm vườn: 18 tháng đến 3 năm tù giam; kỹ thuật về điện hoặc sở hữu vài cơ sở trồng tài mà, hoặc làm một số việc bất hợp pháp khác: 4 - 6 năm tù giam; ông trùm từ 6 năm trở lên, cao nhất có thể bị 14 năm.

     

    Để mạnh tay giải quyết vấn đề "dân rơm", nước Anh đã thành lập một lực lượng liên ngành với sự góp mặt của Biên phòng, Bộ Ngoại giao, Cảnh sát, Cơ quan Chống tội phạm tổ chức nghiêm trọng (SOCA)... Hầu hết các vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp vào Anh trong thời gian qua đều do lực lượng này trực tiếp thực hiện. Một đơn vị đặc biệt khác cũng đã được tổ chức, đặc trách truy lùng và triệt phá các trang trại cần sa của người Việt ở vùng Lancashire. Trang bị của họ rất hiện đại với cả trực thăng, máy tầm nhiệt, thiết bị quan sát gắn hồng ngoại, máy chụp X-quang v.v....

     

    Từ năm 2006, Cảnh sát Anh đã có sự hợp tác với cảnh sát Việt Nam, bắt đầu bằng việc ký kết tại London Biên bản ghi nhớ về đấu tranh chống tội phạm nghiêm trọng. Buổi ký có sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lê Hồng Anh. Cảnh sát Anh còn hỗ trợ nâng cao năng lực cho Bộ Công an Việt Nam trong các lĩnh vực như phòng chống rửa tiền, phòng chống lạm dụng trẻ em, điều tra tài chính, tội phạm công nghệ cao, v.v...

     

    Ngoài ra, phía Anh còn tài trợ tiền cho Tổ chức UNODC phối hợp với Bộ Công an Việt Nam để thực hiện các dự án phòng chống tội phạm, buôn bán người và ma túy cùng các tài trợ khác nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa lực lượng cảnh sát và công an hai nước, tiến tới việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa chính phủ hai nước.

     

    Trong một số vụ án cụ thể, Bộ Công an Việt Nam cũng đã cử cán bộ phối hợp, hỗ trợ đắc lực, giúp các cơ quan chức năng Anh tìm ra thủ phạm. Thanh tra Steve Wagstaff, Ban chuyên án Bắt cóc Cảnh sát London cho biết: "Riêng trong năm 2008, sự phối hợp, giúp đỡ từ phía Công an Việt Nam đã giúp Cảnh sát Anh khám phá thành công ít nhất là 5 vụ bắt cóc có liên quan đến người Việt Nam". Ông cũng nhấn mạnh: "Tội phạm người Việt ở Anh - dù là người định cư hợp pháp hay nhập cư bất hợp pháp đều liên quan đến các cơ sở trồng tài mà. Từ đây, ở Anh có những băng nhóm tội phạm là người Việt Nam".

     

    Đối với nhiều nước khác, Việt Nam cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ và hữu hiệu trong vấn đề chống tội phạm quốc tế, nhất là từ thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập đội ngũ Interpol. Trong vụ bà trùm Lê Thị Phương Mai, Interpol Việt Nam đã phối hợp rất tốt để xác minh rõ tất cả những địa chỉ giúp nữ trùm tội phạm rửa tiền bẩn thu được từ cần sa.

     

    Không thể bắt giữ đối tượng khi y thị chưa có hành vi phạm tội cụ thể ở Việt Nam, Cơ quan Interpol Việt Nam đã chủ động "rung chà cá nhảy", khiến đối tượng hoảng sợ phải quay về Canada, chui thẳng vào lưới mà cơ quan luật pháp nước này đã giăng sẵn.

     

    Hàng loạt đối tượng giết người, cướp của, tội phạm ma túy nghiêm trọng, sừng sỏ khác bị Hoa Kỳ, Nga, Úc, Canada, Anh... và nhiều nước khác truy nã gắt gao nhưng chưa bắt được, cuối cùng cũng đã bị Công an Việt Nam phát hiện, bắt giữ và dẫn độ.

     

    Tuy nhiên, đối với vấn nạn "dân rơm trồng cỏ" người Việt ở nhiều nơi trên thế giới, nỗ lực đấu tranh phòng chống không thể chỉ dừng lại ở mức độ hợp tác, hỗ trợ vụ việc cụ thể. Vấn đề cần được xem xét như một thảm họa quốc tế nghiêm trọng, cần có những biện pháp mang tính quyết sách, chiến lược.

     

    Thực tế, với nguồn lợi tài chính khổng lồ thu được từ "công nghệ cần sa", tội phạm người Việt ở nước ngoài đang mạnh dần lên, nói không ngoa là đang hình thành những tập đoàn mafia mạnh, tầm cỡ quốc tế. Nếu không ngăn chặn, triệt phá tận gốc, không lâu nữa, chúng ta sẽ phải chứng kiến những cuộc chiến băng đảng đẫm máu xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Đó là đụng độ giữa băng đảng người Việt với người Việt, giữa người Việt ở Canada với các tập đoàn ma túy Trung Mỹ, là đụng độ giữa mafia Việt Nam với các tập đoàn buôn người, buôn ma túy Trung Âu hoặc với các băng nhóm mafia Anh, Úc...

     

    Thảm kịch cũng có thể xảy đến ngay khi vừa chớm bắt đầu, ngay cả khi những người nhập cư chưa kịp đặt chân đến nơi tìm đến. Vụ 39 người thiệt mạng trong container đông lạnh được phát hiện ở Exxes là một thảm họa quá đau xót. Nạn nhân đều là những thanh niên trẻ tuổi đang hừng hực nhiệt huyết và khao khát đổi đời. Họ đã vội gặp kết thúc bi thảm khi chưa kịp đặt chân vào đất hứa, chưa kịp chạm tay vào tương lai.

    Không nghi ngờ gì nữa, về mặt cạnh tranh quốc tế, "dân rơm trồng cỏ" đã trở thành lĩnh vực mà người Việt... "thành công" nhất. Có điều, đó là một "thành công" không nên có, cũng không ai mong đợi. Đó là một "thành công" chỉ mang lại thảm họa mà xã hội cần cương quyết đấu tranh để sớm ngăn chặn, loại trừ trước khi quá muộn!

    NHL

    Nguồn: Nguyễn Hồng Lam Facebook 26 đến 29-10-2019.

     

     

    Related posts

    Search

    Access times

    • Total visits47,999,403

    PARTNER

      Green Leaf Vietnam Trading Service Co., Ltd.

      Is the leading passenger transport service company in Vietnam! In 2019, Green Leaf VN has more than 500 passenger cars from 4 seats to 50 seats, new life, reaching 150 thousand arrivals. The rate of successful and punctual pickup is 99.97%.

      * Japanese customer care staff always create peace of mind and trust for customers ...