Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,990,563

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Truyện dân gian Việt Nam và thế giới

Nghìn lẻ một ngày

FRANÇOIS PÉTIS DE LA CROIX

  • Thứ hai, 06:02 Ngày 23/11/2020
  • Nghìn lẻ một ngày

    NGÀY THỨ BỐN MƯƠI LĂM

    Vừa tới cổng hoàng cung, đã thấy nhiều quan hầu chực sẵn nghênh đón, mời chàng qua cổng chính vào tận gian phòng lớn, nơi đức vua vẫn tiếp các sứ thần nước ngoài. Đến sân, đích thân đại tể tướng của nhà vua bước đến, cầm tay dẫn chàng vào trong phòng. Đức vua mặc chiếc hoàng bào đính nhiều kim cương, hồng ngọc và bích ngọc, đang ngồi trên một chiếc ngai làm bằng ngà voi. Các vị đại thần triều đình Tartari xếp hàng đứng chầu hai bên. Choáng chợp trước cảnh huy hoàng, hàng Culup không dám ngước mắt nhìn thẳng vào đức vua. Chàng cúi mặt xuống đất, tiến đến gần và quỳ mọp dưới chân ngai. Đức vua phán:

    - Chàng trai con của thương gia Maxaut à, người ta tâu cho ta biết, vừa xảy ra với anh nhiều việc khá lạ lùng. Ta muốn anh đích thân thuật lại ta nghe đầy đủ câu chuyện, không được che giấu điều gì.

    Chàng Culup nghe giọng nói quen quen, ngước mắt nhìn và nhận ra đức vua chính là người đàn ông hôm nào từng đến thăm hai vợ chồng và xưng mình là phái viên của Hãn Uzbec, và chàng đã dốc hết bầu tâm sự với ông ta. Chàng vội vàng phủ phục xuống đất và bắt đầu khóc. Tể tướng đỡ chàng dậy và nói:

    - Chớ nên quá sợ hãi, chàng trai à. Hãy tiến đến gần hơn và hôn gấu áo của đức vua.

    Chàng con trai của thương nhân Abđala làm theo, vừa run vừa tiến đến sát chân vua, hôn gấu chiếc áo hoàng bào, đi thụt lùi mấy bước rồi đứng yên như phỗng, đầu vẫn chưa dám ngước lên. Nhà vua Hãn Uzbec đã bước xuống ngai, cầm tay chàng, dẫn chàng vào phòng riêng của mình. Vua cho chàng biết:

    - Culup ạ, từ nay anh chớ có lo lắng gì thêm. Chớ nên than van số phận hẩm hiu. Từ nay, anh không phải chịu đau khổ nữa. Sẽ không có ai dám buộc anh phải xa cách nàng Đilara của anh. Hai vợ chồng anh sẽ sống ở đây, ngay trong triều đình ta. Ta sẽ giao cho anh chức vụ mà anh đã từng giữ ở Caracorom, tại triều đình vua Miagiêhan. Hôm trước, sau khi ta nghe tâu tấm lòng chung thủy của anh đối với vợ, vì hiếu kỳ ta thân hành đến gặp anh. Anh đã làm ta hài lòng. Sự tin cậy của anh đặt vào ta khiến ta đi đến quyết định cứu sống anh, và cho phép anh sống lâu dài hạnh phúc với người anh yêu quý. Chính ta đã sai làm tất cả mọi việc anh từng nhìn thấy tận mắt. Bốn mươi con lạc đà người ta dẫn vào nhà anh ấy, thuộc đàn lạc đà trong hoàng cung ta. Ta đã sai mua tất cả số vải vóc xếp lên lưng đoàn lạc đà. Viên Giohe cai quản đàn lạc đà ấy không ai khác một hoạn quan của ta ít có dịp ra ngoài hoàng cung. Ta đã sai quan hầu viết bức thư anh đã nhận được. Sợ người nhà Muzaphe phái đi Cogien quay trở về có nói ra sự thật chăng, hôm qua ta đã sai người đón nó dọc đường, truyền cho nó biết lệnh ta, là phải trình với chủ nhân nó khớp theo cách ta mong muốn. Đấy là thêm một niềm vui nữa. Tất cả những việc làm trên đều là niềm vui đối với ta.

    Nhà vua nói xong, chàng Culup quỳ lạy. Chàng cảm tạ nhà vua và hứa suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên được ơn sâu. Ngay ngày hôm ấy chàng trai đưa nàng Đilara vào ở trong hoàng thành. Hãn Uzbec cấp cho họ một ngôi nhà lộng lẫy, kèm theo cùng một khoản bổng lộc lớn. Đức vua còn nhờ nhà văn nổi tiếng nhất thành phố Samacan thời bấy giờ chép lại câu chuyện về mối tình giữa chàng Culup và nàng Đilara.

    Bà nhũ mẫu Farucna kể xong chuyện chàng Culup, ngừng lời để lắng nghe nàng công chúa sẽ nói lên cảm tưởng của nàng về câu chuyện ra sao. Vốn có định kiến sâu sắc với đàn ông, công chúa không đồng tình với ý kiến của các người hầu, ai cũng cho rằng chàng trai con thương nhân Abđala quả là một tình nhân hoàn hảo. Công chúa nói:

    - Không, không, chẳng phải thế đâu. Tại sao khi anh chàng bị đuổi khỏi triều đình vua Kêrait, anh ta rời kinh thành Caracorom ngay mà không tìm cách gặp để từ biệt Đilara? Tại sao anh ta chẳng buồn ngỏ lời với nàng? Ừ thì ta công nhận là nhà vua quả có ra lệnh cho anh rời khỏi thành phố ngay tức khắc. Nhưng đã yêu nhau thì phải tìm ra cách gặp nhau chứ. Đúng ra anh chàng phải nghĩ ra cách làm sao gặp được và từ biệt cô con gái thượng thư Boyruc mà anh chàng lúc nào cũng bảo mình rất yêu quý. Chẳng phải ta chỉ chê trách có mỗi một việc ấy thôi. Tại sao vừa đặt chân đến Samacan có mấy ngày, chàng ta đã quên luôn người yêu của mình, và sẵn sàng đóng vai hula như vậy? Hơn nữa, khi đã nhận ra đúng người yêu của mình rồi, anh chàng vẫn muốn giữ vẹn lời thề và đòi sẽ tuyên bố đuổi vợ đi, tại sao vậy? Nếu cô ấy không khóc lóc thở than, thì anh chàng chắc đã không dám chối bỏ lời thề. Một tình nhân thật sự yêu đương đâu có xử sự như vậy.

    Bà nhũ mẫu Xutlumêmê nói:

    - Thưa công chúa, chính vì muốn giữ danh dự cho nên phản ứng đầu tiên của chàng Culup là sẽ giữ vẹn lời thề, riêng tôi thấy ta không nên chê trách chàng về việc ấy. Nhưng thưa công chúa,- bà nhũ mẫu nói thêm- bởi vì công chúa là người tế nhị đến vậy, tôi xin được kể một câu chuyện khác. Rồi công chúa sẽ thấy chuyện tôi sắp kể đây còn thú vị hơn nhiều chuyện chàng Culup hay chuyện chàng Abuncaxem.

    Tất cả người hầu của nàng công chúa nghe bà nhũ mẫu nói vậy đều reo lên mừng rỡ. Bởi tất cả đều hiếu kỳ muốn được nghe câu chuyện mới.

    Vừa được công chúa Farucna cho phép, bà Xutlumêmê bắt đầu kể câu chuyện ấy như sau:

    CHUYỆN HOÀNG TỬ CALAP VÀ CÔNG CHÚA NƯỚC TRUNG HOA

    Công chúa đã nghe chuyện chàng Culup, giờ đây tôi xin kể chuyện hoàng tử Calap, con một nhà vua- xứ ấy gọi vua là Hãn- thủ lĩnh người bộ tộc Nogai thuộc xứ Tartari. Sử sách không tiếc lời ngợi ca chàng trai kiệt xuất. Sử ký thời ấy chép rằng hoàng tử vượt trội tất cả mọi chàng trai con vua cháu chúa trên đời cả về trí tuệ sắc sảo là võ nghệ cao cường. Chàng hiểu biết rộng hơn nhiều học giả uyên thâm nhất. Chàng thông suốt ý nghĩa huyền bí của mọi lời chú giải Thánh Kinh Coran. Chàng thuộc lòng tất cả các vần thơ của đức Mahômêt. Tóm lại sử gọi chàng là vị anh hùng của Châu Á, con phượng hoàng ở phương Đông.

    Quả vậy, hoàng tử ấy vừa tròn mười tám tuổi thì có thể nói đó là một chàng trai tuyệt thế vô song. Chàng là linh hồn các hội đồng bàn việc cơ mật của triều đình- danh hiệu nhà vua thời ấy là Timuatat. Mỗi khi chàng bày tỏ ý kiến, thì các đại thần giàu kinh nghiệm nhất cũng chỉ có thể tán thành. Ai ai cũng ngợi ca sự thận trọng và trí khôn ngoan của chàng. Ngoài ra, mỗi khi đất nước có chiến tranh, người ta thấy hoàng tử luôn dẫn đầu hàng quân tiến lên phía đón đánh kẻ thù, chiến đấu và chiến thắng. Chàng đã đánh thắng nhiều trận lớn, những chiến tích đạt được dưới sự chỉ huy của chàng làm cho người bộ tộc Nogai trở thành những người nổi tiếng ai ai cũng kính nể, đến nỗi các nước lân bang không nước nào dám gây nên bất cứ chuyện gì làm người Nogai phật ý.

    Tình hình đất nước và cuộc sống bộ tộc dưới sự ngự trị của vị Hãn thân sinh chàng Calap đang thanh bình tốt đẹp mọi bề, chợt một hôm có sứ thần nhà vua nước Carim đến xin triều yết. Sứ thần thông báo với Hãn Timuatat rằng quốc vương Carim đòi từ nay trở về sau người Nôgai ở Tartari hằng năm phải cống nạp cho họ. Nếu người Nogai không chấp nhận, nhà vua nước ấy sẽ thân chinh dẫn đầu một đạo quân hai mươi vạn người kéo đến phế truất vị Hãn khỏi ngai vàng, lấy đầu nhà vua cùng với cả gia đình, để trừng phạt tội không chịu nhanh chóng và vui lòng thần phục nước Carim. Được tin, Hãn Timuatat khẩn cấp triệu tập hội đồng cơ mật. Mọi người cùng bàn bạc xem, nên chăng chấp nhận cống nạp hằng năm hay là chống đối lại một kẻ thù hùng mạnh. Hoàng tử Calap cũng như phần lớn các triều thần trong hội đồng đều quả quyết người Nogai nên coi khinh mọi sự đe doạ của nước ngoài. Thế là sứ giả Carim bị đuổi về với lời từ chối.

    Ngay sau quyết định ấy, người Nôgai phái đại diện đến các bộ tộc lân bang nói cho họ rõ tình hình, và khuyên họ nên liên minh với Hãn Timuatat xứ Tartari, cùng nhau chống lại quân đội xâm lược của nhà vua nước Carim. Ông này là người có tham vọng quá đáng. Chắc chắn nếu Hãn người Nôgai chịu khuất phục thì đến lượt các bộ tộc khác sẽ bị người Carim cử sứ thần đến doạ nạt và sách nhiễu đủ điều. Các sứ giả được vua cử đi làm thuyết khách đều thành công. Các tộc lân bang trong đó có nước Xiêcca hùng mạnh, hứa hẹn sẽ liên minh với Hãn Timuatê, và người Xiêcca nhận sẽ chi viện cho Hãn năm vạn quân binh. Được những lời hứa hẹn ấy, vị Hãn thủ lĩnh người Nôgai động viên thêm nhiều quân dự bị khác của mình, ngoài đạo binh thường trực sẵn sàng chiến đấu. Trong khi người Nôgai còn lo chuẩn bị nghênh chiến, thì vua nước Carim về phần mình nhanh chóng tập hợp đủ hai trăm ngàn chiến binh. Đạo binh lớn ấy vượt qua sông Giaxat gần thành phố Côgien, rồi mượn đường băng qua các nước Ilat và Saganac, ở đấy họ thu thập và tích trữ thêm rất nhiều quân lương. Từ Cogien, quân Carim tiến đến một cánh đồng bằng thường gọi là đồng Giun. Trong thời gian này, quân của Hãn thủ lĩnh người Nôgai đặt dưới quyền chỉ huy của hoàng tử Calap vẫn phải án binh bất động, vì còn chờ người Xiêcca và quân các bộ tộc liên minh kịp kéo tới hội quân. Viện binh vừa tới, hoàng tử ngay lập tức ra lệnh xuất quân, trực chỉ về cánh đồng Giun. Quân của chàng vừa mới vượt qua sông Gienghi, thì những lính được phái đi thám thính quay trở về báo đội quân thù địch đã xuất hiện đằng trước và đang dàn quân tiến tới. Ngay lập tức chàng hoàng tử trẻ cho dừng quân, bố trí trận tuyến sẵn sàng chiến đấu.

    NGÀY THỨ BỐN MƯƠI SÁU

    Hai đạo quân lớn gần như ngang sức ngang tài. Chiến binh của hai bên đều gồm những người thiện chiến chẳng ai kém ai. Cuộc chiến diễn ra cực kỳ khốc liệt và đẫm mãu. Trận đánh bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến tận đêm. Tướng lĩnh và binh sĩ cả hai bên đều tỏ ra dũng cảm và đã qua luyện tập tinh tường. Nhà vua nước Carim thân chinh cầm quân là một tướng quân từng nhiều lần vào sinh ra tử, còn hoàng tử Calap cho dù trẻ tuổi cũng tỏ ra xứng đáng một vị tướng tài. Khi thì người Nôgai Tartari có vẻ chiếm phần ưu thế, khi thì họ buộc phải lùi bước trước sức tấn công quyết liệt của người Carim. Hai đạo quân, khi thì bên này lấn bước, khi thì bên kia tiến sang, trận tuyến bất phân thắng bại, đành cùng ra lệnh thu quân khi trời vừa sập tối. Hai bên quyết định sẽ lại đánh tiếp ngay sáng hôm sau.

    Nhưng ngay trong đêm hôm ấy, viên tướng chỉ huy người Xiêcca bí mật sang doanh trại đối phương xin gặp nhà vua xứ Carim. Viên tướng ấy hứa sẽ lui quân bỏ mặc quân đội người Nôgai, với điều kiện nhà vua xứ Carim cùng mình ký hiệp ước hoà bình, và vua Carim đồng ý long trọng thề trước Thượng đế sẽ thi hành đầy đủ hiệp ước âý; sau này bất kỳ vì lý do nào người Carim cũng sẽ chẳng bao giờ đòi người Xiêcca phải cống nạp. Nhà vua nước Carim chấp thuận. Hiệp ước được ký kết luôn. Viên tướng người Xiêcca trở lại ngay bản doanh của mình trong đêm.

    Thế là ngày hôm sau, khi bắt đầu dàn quân thành thế trận đánh nhau thì đột nhiên người ta thấy quân đội người Xiêcca tách ra khỏi đạo quân liên minh, quay gót lên đường trở về xứ sở. Sự phản trắc ấy làm hoàng tử Calap vô cùng buồn bã. Thấy quân mình lúc này bị đặt vào thế yếu hơn nhiều so với quân đối phương, hoàng tử những muốn tránh không lâm trận; nhưng lúc này chẳng còn cách nào khác. Quân Carim đột ngột mở cuộc tấn công dữ dội. Lợi dụng ưu thế về quân số và địa hình, họ dàn ra bốn phía bao vây quân Nôgai vào giữa. Các chiến binh Nôgai, mặc dù quân liên minh với mình rời bỏ, bị quân thù bao vậy mọi phía, vẫn không chút hoang mang. Noi gương vị tướng chỉ huy là chàng hoàng tử của mình, họ siết chặt hàng ngũ, ra sức chống đỡ rất lâu các cuộc tấn công hung dữ của người Carim. Cuối cùng quân Nogai vẫn bị quân Carim dựa vào ưu thế binh lực đánh tơi bời. Trận tuyến tan vỡ.

    Đến lúc này hoàng tử Calap biết không thể nào giành chiến thắng được nữa, đành tính chuyện chạy khỏi bàn tay quân thù. Chàng chọn một số đơn vị thiện chiến nhất, dẫn đầu các đơn vị ấy mở một con đường máu xuyên đạo quân Carim dày đặc, thoát được ra ngoài vòng vây. Nhà vua thống lĩnh đạo quân Carim được tin báo, vội phái ngay sáu nghìn người ngựa cấp tốc đuổi theo. Nhưng hoàng tử Calap cùng toán quân phù trợ đã kịp đi theo những con đường tắt quân thù không thể biết, mấy ngày sau về đến được triều đình người bộ tộc Nagai.

    Tin hoàng tử thua trận trở về gây nên một nỗi buồn lo và hoảng sợ khắp kinh thành, bởi mọi người biết tai hoạ sắp ập tới nơi. Hãn Timuatat hết sức buồn bã. Ông còn bàng hoàng hơn nữa, khi một sĩ quan trốn thoát được ngay sau đấy, chạy về phi báo cho vua, quân nước Carim đã hành quyết gần như tất cả những người Nôgai bị họ bắt sống. Hiện vua Carim đang xua quân tiến nhanh về kinh đô, quyết tâm bắt và giết chết vị Hãn và toàn bộ gia đình đang trị vì ở đây, rồi bắt toàn thể bộ tộc người Nôgai phải thần phục. Đến lúc này nhà vua hối tiếc sao mình đã khước từ không chịu cống nạp luôn cho người Carim cho yên chuyện. Nhưng, như một phương ngôn A rập đã nói: Hối tiếc sau khi thành phố Basra đã trở thành đổ nát điêu tàn rồi, phỏng còn có ích gì.

    Thời gian rất bức bách. Cần phải mau mau chạy trốn. Nếu không cả gia đình hoàng tộc sẽ sa vào tay nhà vua nước Carim. Hãn Timuatat, hoàng hậu Enma và hoàng tử Calap vội vàng chọn lấy một ít của cải quý báu nhất trong kho tàng, chạy ra khỏi kinh thành Astracan. Cùng theo vua có khá đông quân sĩ và người hầu trong cung, họ không muốn bỏ gia đình đức vua của mình trong cơn hoạn nạn, cùng số đơn vị đã từng theo chàng hoàng tử trẻ mở con đường máu xuyên qua quân thù chạy về được tới kinh.

    Mọi người vội vã lên đường đi về vùng đồng bằng Bungari rộng lớn, hy vọng có thể xin lưu trú tại triều đình một nhà vua nào đó trên vùng đất rộng rãi phì nhiêu này. Họ đã đi được nhiều ngày đường, đã vượt qua dãy núi Capca thì chợt một hôm gặp một đội cướp. Bọn này đông tới bốn nghìn tên từ trước tới nay vẫn hoành hành ven dãy núi Capca. Quân cướp xông vào tấn công. Mặc dù trong tay hoàng tử Calap lúc này chỉ còn chưa đến bốn trăm quân, chàng vẫn cùng họ chiến đấu hết sức dũng cảm, hạ sát được không ít tên cướp. Nhưng cuối cùng tất cả quân sĩ cũng như những người hầu chạy theo nhà vua đều bị chúng tàn sát. Bọn cướp chiếm đoạt hết tất cả của cải, lại còn dã man giết chết luôn những người bị thương còn sống sót sau trận chiến đẫm máu. Chúng chỉ để cho vua Timuatat, hoàng hậu Enma và hoàng tử Clap được sống, nhưng lột gần như hết áo họ quần mặc trên người. Ba người bị bỏ lại giữa miền núi non hoang vu hiểm trở gần như không đủ manh áo che thân.

    Làm sao diễn tả hết nổi đau của vua Timuatat khi thấy mình lâm vào cảnh khốn cùng. Vua tiếc sao mình không được chết như những người vừa xả thân và ngả xuống trước mắt mình kia. Quá tuyệt vọng, vua chẳng thiết sống nữa, mà muốn tự mình tìm cái chết. Trong khi đó hoàng hậu khóc như mưa và không ngớt lời than vãn. Chỉ có hoàng tử Calap là duy nhất còn đứng vững trước số phận quá đắng cay. Thấm nhuần những lời dạy của Thánh Kinh Coran, thuộc lòng các vần thơ đức Mahomêt về số phận tiền định, chàng trai vẫn giữ được tinh thần cứng cỏi. Nỗi đau lớn nhất của chàng lúc này là thấy cha mẹ đang hết sức đau khổ. Chàng lựa lời khuyên giải:

    - Thưa phụ vương, thưa mẫu hậu, chúng ta chớ nên gục ngã trước những điều bất hạnh. Xin hãy nghĩ, chính trời bắt ta lâm vào thảm cảnh này. Ta cần tuân phục ý trời không được kêu ca. Chúng ta đâu có phải những bậc quân vương đầu tiên bị sa cơ thất thế? Trong lịch sử từng có biết bao nhiều vua chúa bị quân thù đánh đuổi khỏi xứ sở. Biết bao nhiêu vị sau một cuộc sống lang thang, có khi sống như những con người cùng khổ trên các xứ sở xa lạ, lại trở về khôi phục ngai vàng? Nếu Thượng đế đã có ý muốn phế truất họ khỏi ngôi vua, thì Thượng đế có thể trả lại ngai vàng cho họ. Chúng ta hãy cùng nhau hy vọng, rồi sẽ đến lúc trời đoái thương tình cảnh chúng ta, trời sẽ giúp chúng ta vượt qua những ngày khốn khổ để đến ngày hạnh phúc, đúng như người xưa vẫn nói: khổ tận cam lai.

    Hoàng tử còn nói thêm nhiều điều khác an ủi mẹ cha. Nhà vua và hoàng hậu lắng nghe, cũng cảm thấy được khuây nguôi được phần nào. Cuối cùng vua Timuatat nói:

    - Con ơi, sự tình đã đế nước này, chúng ta đành tuân phục Số mệnh vậy. Nếu mọi điều hoạ, phúc đã được định trước trên thiên tào, chúng ta hãy cùng nhau cắn răng chịu cái hoạ này, chẳng nên phàn nàn.

    Nhà vua, hoàng hậu và chàng trai cảm thấy có thể lấy lại sức lực phần nào sau những lời an ủi, khích lệ lẫn nhau, tiếp tục bước đi trên đường. Ba người đi bộ, bởi bọn cướp đã đoạt hết ngựa rồi. Họ đi rất nhiều ngày, chỉ sống bằng bước suối và quả dại hái hai bên đường. Nhưng rồi họ tới một vùng sa mạc. Ở đây đất đai cằn cỗi, không kiếm được bất kỳ thức gì có thể nuối sống con người. Cả ba người đều cảm thấy không còn chút hơi sức nào. Nhà vua vốn đã cao tuổi, bắt đầu thấy kiệt sức trước tiên. Ông bước đi không vững. Hoàng tử Calap mặc dù chính mình cũng hết sức mệt mỏi, phải cõng lên vai khi thì cha khi thì mẹ. Cuối cùng ba người vừa đói vừa khát vừa mệt đến hụt hơi, tới một vùng núi có những vực sâu khủng khiếp. Đây là một dãy núi đá tai mèo, đỉnh cao chen lẫn vực sâu, đường qua đây hết sức nguy hiểm. Nhưng chẳng còn nhìn thấy lối nào khác khả dĩ theo đó để băng qua dãy núi hiểm trở và xuống được cánh đồng rộng nhìn thấy xa xa. Hai bên dãy núi tai mèo ấy tại toàn rừng rậm cây cối tum tùm, ken dày những bụi gai nhọn sắc không thể nào chui qua. Nhìn thấy vực sâu, hoàng hậu khiếp đảm thét lên một tiếng. Nhà vua cũng mất luôn kiên nhẫn. Vua nói với con trai:

    - Đến nước này là thôi, ta chịu đầu hàng số phận không may. Ta mệt mỏi quá rồi. Ta sẽ đâm đầu xuống vực thẳm kia. Chắc là trời dành cái vực ấy cho ta làm mồ. Ta muốn thoát ngay khỏi cảnh khốn cùng. Ta muốn thà chết đi còn hơn sống vất vả thế này.

    NGÀY THỨ BỐN MƯƠI BẢY

    Nhà vua trong cơn bực bội, sắp sửa lao mình xuống vực sâu. Hoàng tử Calap vội đưa hai tay ôm giữ vua cha:

    - Ôi! Hỡi phụ vương, ngài làm gì vậy. Sao ngài lại có ý định tuyệt vọng như thế. Phải chăng cha định bằng cách ấy biểu hiện sự khuất phục trước ý dịnh của trời đất? Xin hãy tỉnh trí lại, phụ vương ôi! Xin cha đừng mất hết kiên nhẫn, đừng cưỡng lại ý trời. Chúng ta phải kiên tâm chịu cơn hoạn nạn, chờ đến lúc trời đoái thương. Vâng đúng là tình cảnh chúng ta lúc này rất đáng buồn. Cô vượt qua dãy núi tai mèo này đúng là rất nguy hiểm. Nhưng biết đâu có một con đường nào khác có thể cho chúng ta xuống được cánh đồng bằng. Xin cha mẹ cho phép con đi tìm đường. Xin cha hãy tạm nguôi cơn bực bội, cha hãy ở lại đây trông nom mẹ con. Con sẽ quay trở lại ngay tức khắc.

    - Vậy thì con hãy đi đi,- nhà vua đáp- Cha mẹ chờ con trở lại. Con chớ ngại rằng cha tuyệt vọng, cha sẽ gắng sống cho đến lúc con trở về.

    Chàng hoàng tử trẻ sục sạo khắp nơi mọi chốn hồi lâu trên dãy núi đá tai mèo mà không nhìn thấy một con đường nào. Hết sức buồn rầu, chàng quỳ xuống đất khẩn cầu trời đất hãy cứu giúp gia đình mình. Sau đấy, chàng đứng lên cố gắng tìm tòi lần nữa, cuối cùng nhận ra một con đường mòn. Hoàng tử tạ ơn trời đất về sự may mắn này. Rồi men theo con đường mòn ấy, chàng đến một cây cổ thụ, từ đây mở ra lối xuống đồng bằng. Dưới bóng mát cây cổ thụ, có một ngọn suối nước trong leo lẻo. Chung quanh còn có nhiều cây có quả, cành lủng lẳng trĩu nhiều quả rất to. Bàng hoàng trước sự phát hiện, hoàng tử hớn hở quay trở lại báo tin cho nhà vua và hoàng hậu biết. Hai người mừng rỡ. và càng vui sướng thêm khi nghĩ chắc trời chỉ cho họ con đường khoát khỏi cơn khốn cùng đây. Hoàng tử Calap mời nhà vua và hoàng hậu đến bên con suối. Ba người rả mặt mũi tay chân, uống cho đã cơn khát khô họng đang dày vò. Tiếp đó nhà vua và hoàng hậu ăn những trái cây hoàng tử hái. Trong cơn đói, ai cũng thấy rằng những trái cây này tuyệt diệu hơnmọi thứ cao lương mỹ vị. Lúc này hoàng tử Calap mới thưa với cha:

    - Giờ đây hẳn phụ vương thấy than van là không đúng. Chắc hồi nãy cha ngỡ trời đất bỏ mặc chúng ta. Con đã thành tâm khẩn cầu sự cứu giúp, và quả là trời đang cứu ta. Con ti khi những người bất hạnh có tấm lòng thành, thì trời ắt ắt nghe tiếng van xin của họ.

    Ba người lưu lại dưới gốc cây, bên suối nước vài ba ngày để nghỉ ngơi và lấy lại sức. Sau đó họ hái mang theo một ít trái cây và đi về phía đồng bằng, hy vọng con đường mòn sẽ dẫn đến một nơi có người ở. Họ không nhầm. Chẳng bao lâu trước mắt hiện ra một thành phố thoạt trông có vẻ lớn san sát nhiều nhà cửa đẹp. Họ đi đến đấy. Vừa tới cổng thành ba người dừng lại chờ trời tối. Họ không muốn vào thành phố giữa ban ngày, ai nấy bụi bặm phủ từ đầu tới chân và mồ hôi ròng ròng, tren người lại gần như không có áo quần. Ba người ngồi nghỉ dưới một cây to có nhiều bóng mát, rồi ngả lưng ra đám cỏ dưới gốc cây. Được ít lâu, chợt thấy một cụ già từ thành phố đi ra, đến gốc cây ấy hóng mát. Cụ già chào họ rất lịch sự ngồi xuống bên cạnh. Ba người vội đứng lên dậy đáp lễ, và cất lời hỏi thành phố này là đâu. Cụ già đáp:

    - Thành phố này tên là Giaich. Đây chính là thủ phủ của vùng đất, nơi sông Giaich bắt nguồn. Đức Hãn Ilen hiện đóng đô nơi đây. Các vị hẳn là người từ nước ngoài moí đến, cho nên mới hỏi như vậy.

    - Vâng,- nhà vua đáp- chúng tôi đến từ một đất nước rất xa. Sinh quán chúng tôi là vương quốc Carim. Chúng tôi sống bên bờ biển Caspi. Chúng tôi làm nghề buôn bán. Vừa qua, ba chúng tôi cùng nhiều thương gia khác đang đi trong vùng Capsac thì chẳng may gặp một bọn cướp rất đông. Chúng tấn công đoàn lữ hành của chúng tôi và cướp bóc hết của cải. May chúng để cho ba chúng tôi còn sống sót, nhưng trong tình trạng cụ đang nhìn thấy đây. Chúng tôi đã vượt qua dãy núi Capca, rồi dần lê bước đến tận đây, nên chẳng rõ mình đang ở chốn nào.

    Cụ già vốn là một người có tính thương người. Cám cảnh nỗi bất hạnh của đồng loại, cụ nói cụ rất xúc động họ vừa gặp chuyện không may, và ngỏ lời mời ba người về nghỉ tạm tại nhà mình. Cụ già nói năng rất lịch sự. Trông thấy họ có vẻ ngại ngần, cụ cứ khẩn lhoản nhắc lại lời mời. Nhà vua nhận lời. Vậy là chờ đến đêm, ba người theo cụ già đi vào thành phố.

    Nơi cụ già ở là một ngôi nhà nhỏ, đồ đạc giản dị nhưng đâu đâu cũng sạch sẽ gọn gàng, trông cơ ngơi toát ra vẻ thanh lịch hơn là bần hàn.

    Vừa vào đến nhà, cụ già thầm truyền bảo gì đấy cho một người giúp việc. Lát sau người ấy quay trở lại, theo sau có hai chú trai mang hai gói hàng lớn. Mở ra, một túi đựng nhiều quần áo đàn ông, đàn bà đã may sẵn. Túi kia đựng đầy các loại mạng che mặt, khăn đội đầu và vải thắt lưng. Hoàng tử Calap và nhà vua chọn cho mình mỗi người một chiếc áo khoác dài lót dạ cùng một chiếc áo ngắn bằng gấm và một khăn đội đầu đẹp may bằng vải Ấn Độ, còn hoàng hậu thì chọn một bộ xiêm y đầy đủ. Cụ già trả tiền mua hàng, và cho hai chú trai ra về. Sau đấy gọi gia nhân dọn bữa. Hai người giúp việc đẩy ra một cái chạn trong chạn xếp nhiều chén bát bằng sứ, đĩa bằng gỗ trầm hương và gỗ lô hội, cùng nhiều ly rượu làm từ san hô. Nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử Calap cùng cụ già ngồi vào bàn dùng bữa. Thoạt tiên, dọn ra món súp suava(1), ăn kèm với hai đĩa trứng cá tầm. Tiếp đấy là thịt con linh dương xay nhỏ, một đĩa lớn cơm thập cẩm trộn nhiều loại thịt khác nhau thái nhỏ đầy có ngọn. Bốn người lại dùng tiếp món cá gibêra(1), một loài cá ngon sông Vônga. Họ uống ba chai lớn nước Camê, cùng mấy ly rượu cất từ quả chà là.

    NGÀY THỨ BỐN MƯƠI TÁM

    Cụ già sau vài chén rượu, dường như tỏ ra cởi mở hơn. Cụ cố gắng chuyện trò thoải mái cho các vị khách vui lên chút ít. Nhận thấy dù làm gì, ba người khách vẫn âu sầu, cụ liền nói với họ:

    - Tôi thấy, tôi cố làm các vị đỡ buồn sau tai hoạ vừa xảy ra với các vị mà không đạt kết quả. Dường như các vị vẫn chưa khuây nguôi về nỗi bất hạnh của mình. Tôi xin phép được thưa, xin ba vị chớ nên buồn bã làm chi, hãy quên hết cả đi mọi việc. Các vị cứ nghĩ mất của còn người, thế là quý lắm rồi. Chuyện đã xảy ra làm các vị buồn, đâu có mới lạ gì. Có ngày nào những người du hành và các thương gia không phải chịu nạn cướp bóc. Bản thân tôi thời còn trai trẻ, trên đường đi từ thành phố Muxen về Batđa, tôi từng bị bọn cướp đoạt mất vô vàn tài sản, suýt nữa tôi cũng bỏ mạng luôn. Tôi từng lâm vào tình cảnh chẳng khác các vị hôm nay, và rồi tôi cũng phải tìm cách tự khuây nguôi mà sống. Quả thật vô cùng khó coi một người thuộc địa vị tôi mà đến nỗi lâm vào cảnh ngửa bàn tay ăn mày để kiếm miếng sống. Tôi cần phải kể các vị nghe câu chuyện của tôi. Tôi muốn dốc bầu tâm sự cùng các vị, may ra sẽ có ích phần nào cho các vị chăng. Nghe câu chuyện bất hạnh của đời tôi, may ra các vị cảm thấy phần nào đỡ tĩu nặng bất hạnh của các vị.

    Nói xong, cụ già tốt bụng ấy truyền bảo những người giúp việc lui ra, rồi bắt đầu kể chuyện như sau.

    (còn tiếp)

    Nguồn: Nghìn lẻ một ngày. Truyện cổ Ba Tư. Phan Quang dịch theo bản tiếng Pháp Les Mille Et Jours của NXB Garnier Freres Paris, 1919. Nhà văn Triệu Xuân biên tập. NXB Văn học in lần thứ ba năm 2005; In lần thứ 9 năm 2011. Từ đó đến nay, sách được tái bản nhiều lần.

    www.trieuxuan.info

     

    (1) Món xúp béo ăn cùng với bánh mì.

    (1) Một giống cá dài chừng năm bộ, miệng rộng, thân có những đốm đen và trắng, có vị giống cá tầm.

    Mục lục: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33

    Bài viết liên quan

  • Nghìn lẻ một ngày
    • Nghìn lẻ một ngày

      Truyện cổ Ba Tư. Phan Quang dịch và giới thiệu. Nhà văn Triệu Xuân biên tập. NXB Văn học, in lần thứ ba năm 2005; in lần thứ chín năm 2011. Từ đó đến nay tái bản nhiều lần.

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,990,563

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!