Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập55,841,599
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Thơ
50
There is that in me—I do not know what it is—but I know it is in me.
Wrench’d and sweaty—calm and cool then my body becomes,
I sleep—I sleep long.
I do not know it—it is without name—it is a word unsaid,
It is not in any dictionary, utterance, symbol.
Something it swings on more than the earth I swing on,
To it the creation is the friend whose embracing awakes me.
Perhaps I might tell more. Outlines! I plead for my brothers and sisters.
Do you see O my brothers and sisters?
It is not chaos or death—it is form, union, plan—it is eternal life—it is Happiness.
50
Có cái đó trong tôi – tôi không biết nó là gì – nhưng tôi biết nó ở trong tôi.
Quằn quại và mướt mồ hôi – rồi thân xác tôi trở nên bình yên mát mẻ,
Tôi ngủ đi – tôi ngủ thật lâu.
Tôi không biết nó – nó chẳng có tên – nó là một từ chưa cất thành lời,
Nó không có trong bất kỳ từ điển nào, câu nói của ai, biểu tượng nào hết cả.
Nó nhún nhảy trên một cái gì còn hơn tôi nhún nhảy trên mặt đất,
Sự sáng tạo là bạn nó, người bạn ôm choàng làm thức tỉnh tôi.
Có lẽ tôi có thể nói nhiều hơn. Đây mới là phác thảo thôi mà! Tôi nói cho anh chị em tôi biết.
Có thấy không hỡi anh chị em?
Nó không phải là hỗn mang hay cái chết – nó là hình thái, sự hợp nhất, kế hoạch triển khai - nó là sự sống vĩnh hằng – nó là Hạnh phúc.
51
The past and present wilt—I have fill’d them, emptied them,
And proceed to fill my next fold of the future.
Listener up there! what have you to confide to me?
Look in my face while I snuff the sidle of evening,
(Talk honestly, no one else hears you, and I stay only a minute longer.)
Do I contradict myself?
Very well then I contradict myself,
(I am large, I contain multitudes.)
I concentrate toward them that are nigh, I wait on the door-slab.
Who has done his day’s work? who will soonest be through with his supper?
Who wishes to walk with me?
Will you speak before I am gone? will you prove already too late?
51
Quá khứ và hiện tại đã héo tàn – tôi đã đổ đầy và rót cạn,
Và bây giờ tôi sắp đổ đầy cái phần tôi kế tiếp của tương lai.
Các thính giả trên kia! Bạn có gì phó thác cho tôi?
Hãy nhìn mặt tôi trong khi tôi hít ánh chiều tà đang chuyển tối,
(hãy nói thật lòng, chẳng ai khác nghe đâu, và tôi chỉ còn ở đây một phút mà thôi).
Tôi có mâu thuẫn với chính mình?
Hay lắm, vậy thì tôi mâu thuẫn với chính mình,
(tôi rộng lớn, tôi chứa đựng nhiều đám đông khác biệt)
Tôi quan tâm nhất những ai ở gần, tôi đợi họ trên ngưỡng cửa.
Ai đã làm xong công việc trong ngày? Ai ăn xong bữa khuya sớm nhất?
Ai muốn cùng tôi sánh bước bây giờ?
Bạn có nói trước khi tôi đi mất? Hay chứng tỏ mình đã quá muộn màng?
52
The spotted hawk swoops by and accuses me, he complains of my gab and my loitering.
I too am not a bit tamed, I too am untranslatable,
I sound my barbaric yawp over the roofs of the world.
The last scud of day holds back for me,
It flings my likeness after the rest and true as any on the shadow’d wilds,
It coaxes me to the vapor and the dusk.
I depart as air, I shake my white locks at the runaway sun,
I effuse my flesh in eddies, and drift it in lacy jags.
I bequeath myself to the dirt to grow from the grass I love,
If you want me again look for me under your boot-soles.
You will hardly know who I am or what I mean,
But I shall be good health to you nevertheless,
And filter and fibre your blood.
Failing to fetch me at first keep encouraged,
Missing me one place search another,
I stop somewhere waiting for you.
52
Con chim ưng lông đốm sà xuống và buộc tội tôi, nó than phiền tôi lẻo mép và la cà.
Tôi cũng là kẻ chưa hề thuần hóa, cũng là kẻ không thể nào phiên dịch ,
Tôi rít lên hoang dã trên những nóc nhà cao của thế giới này.
Đám mây cuối chiều ngưng lại vì tôi,
Nó phóng lên những vùng hoang vu rợp bóng tấm chân dung tôi phỏng theo mọi người và chân xác như bất kỳ ai đó,
Nó rủ rê tôi vào màn hơi nước và bóng chiều hôm.
Tôi ra đi như khí trời, tôi giũ mớ tóc bạc trước vầng dương đang chạy trốn,
Tôi cho thịt tôi tuôn chảy thành cuộn khói, để nó giạt trôi như những mũi ren .
Tôi di sản chính mình cho đất để mọc lên từ đám cỏ tôi yêu,
Muốn thấy lại tôi hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn.
Bạn sẽ khó biết tôi là ai và tôi muốn nói gì,
Nhưng dẫu sao với bạn tôi cũng sẽ là sức khỏe,
Và sẽ lọc cho trong máu bạn, sẽ cho máu bạn chất tạo sinh.
Không gặp được tôi ngay xin đừng nản chí,
Hụt mất tôi nơi này hãy tìm kiếm nơi kia,
Tôi dừng chân đâu đó đợi bạn kìa.
Dịch xong lần đầu vào 30/4/2015
Sửa xong vào 4/7/2015
Lời cảm tạ của người chuyển ngữ
Xin có lời cảm tạ GS Toán Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago) là người đã “đặt hàng” bản chuyển ngữ này cho tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG mà ông chủ trì, tạo cơ hội cho tôi đọc lại và tìm hiểu kỹ lại tác phẩm quan trọng này của nền Thơ Mỹ và thế giới; cảm tạ những người bạn đã giúp tôi hiểu rõ một số câu thơ khó trong nguyên tác: Nhà thơ Paul Hoover (San Francisco), cô Trâm Ngô (Chicago); giúp tôi tra cứu và đối chiếu các bản dịch tiếng Nga (dịch giả Phạm Nguyên Trường, VN), tiếng Đức (nhà thơ Phạm Kỳ Đăng, Đức), tiếng Hoa (GS Nguyễn Huệ Chi, VN); cảm tạ các cố dịch giả bản tiếng Pháp được đăng tải trên mạng của Đại học Iowa, cố dịch giả Vũ Cận (Lá cỏ, NXB Văn học, Hà Nội 1981) cho tôi có được sự tham khảo quý báu. Đặc biệt cảm tạ dịch giả Trần Ngọc Cư, cựu giáo sư tiếng Anh trường Kiểu Mẫu - Huế trước 1975, MFA về American Studies theo học bổng Fulbright, hiện định cư ở California, một người bạn viết online mới vừa gặp mặt trong chuyến ông về thăm quê hương gần đây, đã tận tình hào hứng đem kinh nghiệm ngôn ngữ và vốn sống Mỹ phong phú, chuẩn xác của ông góp ý sửa sang nhiều chỗ trong bản thảo đầu tiên của tôi.
Không giấu giếm rằng dịch Walt Whitman không hề dễ chút nào với một người tự học tiếng Anh qua sách vở, tôi chân thành mong nhận được sự góp ý của quý bạn đọc để có thể tiếp tục hoàn chỉnh bản tiếng Việt cho phần nào xứng với giá trị của kiệt tác này.
BÀI HÁT CHÍNH TÔI – BÀI HÁT MỌI NGƯỜI
Hoàng Hưng
Cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Song of Myself (Bài hát chính tôi) đã quá quen thuộc với người đọc thơ Việt Nam, tôi chỉ xin tóm lược vài câu. Walter "Walt" Whitman (31/5/1819 – 26/3/1892) là nhà thơ, nhà luận văn và nhà báo Mỹ, song được biết đến chủ yếu là nhà thơ. Được gọi là “American bard” (bard: người sáng tác và trình diễn sử thi cổ đại), ông là người mở ra thứ thơ thực sự Mỹ, tách khỏi truyền thống thơ Anh của cựu thế giới, cũng là cha đẻ của thơ tự do không vần Mỹ, ông là người có ảnh hưởng lớn nhất đến thơ Mỹ trong suốt một thế kỷ, ảnh hưởng đó còn đậm nét đến tận Allen Ginsberg giữa thập kỷ 1950.
Whitman từng làm nhiều nghề: làm báo, dạy học, làm viên chức chính quyền…, từng làm y tá tình nguyện trong nội chiến Mỹ. Tập thơ quan trọng nhất của ông, Leaves of Grass (Lá cỏ) được xuất bản lần đầu vài trăm bản vào năm 1855 bằng tiền túi của tác giả. Tác phẩm này được ông mở rộng và sửa chữa không ngừng cho đến lúc chết. Khởi đầu là một nhà thơ không mấy ai biết, khi ông qua đời ở tuổi 72 đám tang ông đã là một sự kiện của công chúng.
Các nhà nghiên cứu văn học từ lâu đã kết luận: muốn hiểu nước Mỹ, không thể bỏ qua Leaves of Grass (Lá cỏ) của Walt Whitman.
Song of Myself (Bài hát chính tôi) được coi là bài thơ tiêu biểu của cả tập Lá cỏ, về cả tư tưởng, nội dung lẫn bút pháp.
Có tựa đề là Bài hát chính tôi, nhưng tác phẩm không phải là khúc hát trữ tình riêng tư về bản thân tác giả, mà có tham vọng trở thành thiên sử thi của người Mỹ đương thời, nên thoạt tiên nó đã được tác giả đặt tên là Poem of Walt Whitman, an American (Bài thơ về Walt Whitman, một người Mỹ).
Qua cả ngàn câu thơ vừa tả thực đến chi tiết vừa phóng tưởng đến kỳ thú, vừa kể chuyện vừa rao giảng luận bàn nhiều mặt rất đa dạng rất khác biệt thậm chí đối nghịch của đời sống và con người Mỹ ở nửa trước thế kỷ 19, thiên sử thi này muốn trả lời câu hỏi: Là người Mỹ có nghĩa là gì? (What does it mean to be American?)
Nhà nghiên cứu lịch sử văn học Betsy Erkkilä nói đến “tấn kịch về căn tính” trong bài thơ trên “bắt rễ trong tấn kịch chính trị của một quốc gia đang khủng hoảng”, hàm ý những căng thẳng về chế độ nô lệ, về nữ quyền, về sự phục sinh của tôn giáo và tự do yêu đương đang lan ra khắp nước Mỹ khi Whitman viết Song of Myself.
Ta sẽ thấy tác giả bàn về những chủ đề này trong những đoạn khác nhau của bài thơ. Nhưng trước hết, hãy coi người Mỹ được Whitman phác họa một cách thật cô đọng thế nào?
Kẻ hoang dã thân thiện và luôn biến đổi kia, anh là ai nhỉ?
Anh đang chờ đợi văn minh hay đã vượt qua và làm chủ nó rồi?
Tác giả hỏi mà đã trả lời: Do hoàn cảnh rất đặc thù, người Mỹ lúc lập quốc là sự kết hợp giữa con người “hoang dã” (thổ dân Da Đỏ và những người Âu khai phá miền Tây) với con người “văn minh” (ở những bang miền Đông như vùng New England, nơi nền văn minh cựu lục địa châu Âu được người di cư mang qua). Và con người ấy “luôn biến đổi” trong điều kiện một quốc gia đang biến động không ngừng trong quá trình hình thành.
Có lẽ đặc điểm hình thành ấy của dân tộc Mỹ tạo nên tính cách đầu tiên dễ nhận thấy ở con người Mỹ: Tự Do phóng túng.
… Cư xử phóng túng như tuyết rơi, lời lẽ đơn sơ như cỏ, tóc không chải, ngây thơ cười váng,
Hai chân bước đi chầm chậm, dung tục từ dáng vẻ, cung cách đến tinh thần không khí toát ra.
Bài hát chính tôi là một trong những tráng ca lớn nhất của Con người Tự Do trên trái đất này, được viết bằng thể thơ Tự do không vần với hơi thơ tung hoành, hùng tráng như gió ngàn, sóng biển, lại nhiều chỗ uy nghi như Thánh Kinh.
Con người Tự Do không chấp nhận bất cứ quy tắc, tín điều có sẵn nào, chỉ chịu “dung chứa tự nhiên”:
Những tín điều và lời dạy tạm thời gác lại,
Chỉ ngoái xem một lát, biết chúng là gì, nhưng cũng chẳng hề quên,
Tôi dung chứa tự nhiên mặc lòng hay dở,
Tôi cho phép tự nhiên được tự do lên tiếng,
Ngẫu nhiên và bất cứ lúc nào, với năng lượng bản nguyên
không thích hương thơm pha chế nào, chỉ yêu có khí trời:
Không khí mãi mãi dành cho miệng tôi, tôi yêu không khí
Tôi sẽ đi qua rừng ra bờ sông và cởi trần chẳng chút hoá trang
Mê mẩn khí trời ấp vào da thịt.
Thiên nhiên là quê hương, là mái nhà, là ngôi đền thiêng của Con người “hoang dã”. Với riêng người viết bài này, những dòng thơ say đắm, quyến rũ nhất trong Bài hát chính tôi là những dòng miêu tả tình yêu mãnh liệt của tác giả với thiên nhiên. Bạn đã từng đọc, nghe, xem thấy ở đâu cảnh làm tình cuồng nhiệt giữa con người với đêm hè, với đất, với biển như ở đây?
Hãy siết chặt vào hỡi đêm trần ngực – hãy siết chặt vào hỡi đêm quyến rũ và nuôi sự sống!
Đêm của những ngọn gió nam – đêm của vài ngôi sao lớn!
Đêm luôn thuận tình – đêm hè trần trụi mê điên.
Hãy mỉm cười đất ơi hơi thở mát của em cho ta khoái lạc!
Đất của cây cối dịu dàng đang ngủ thiu thiu!
Đất của tà dương đang giã từ – đất của mù sương đỉnh núi!
Đất của trăng rằm trút ánh thủy tinh vấy nhẹ màu lam!
Đất của sóng sông dâng lung linh sáng tối!
Đất của những làn mây xám trong càng sáng rõ vì ta!
Đất có vòng tay với thật xa – đất giàu có rộ mùa hoa táo!
Hãy mỉm cười, vì người tình của em đã tới.
...
Em biển! Ta cũng xin phó thác cho em – ta đoán biết điều em muốn nói,
Từ bãi biển ta ngắm nhìn những ngón tay cong mời mọc của em,
Ta tin rằng em sẽ chẳng ra về mà không cảm nhận về ta,
Chúng mình phải cùng nhau lộn một vòng, ta cởi đồ đây, hãy mau đưa ta ra xa khuất đất,
Hãy đỡ ta êm ái, hãy ru ta ngủ trên ngọn sóng cồn,
Hãy ném ta với ướt át ái tình, rồi ta đáp lại.
Biển sóng cồn từ dưới đáy dâng cao,
Biển thở bao la những hơi hổn hển,
Biển mặn mòi sự sống và những nấm mồ chưa đào nhưng luôn sẵn,
Hú gào và múc lên bão tố, biển đồng bóng và dễ thương,
Ta là một với em tất cả, ta cũng là một kỳ và mọi kỳ của em.
Con người Tự Do và gần gũi tự nhiên là con người giàu bản năng sống.
Con người ấy rất “duy thực” (realist), tin vào các “vật” (things), vào giác quan, vào xác thịt hơn là tin vào những thứ siêu hình:
Tôi tin ở xác thịt và những ham mê,
Nhìn, nghe, cảm, là những phép lạ, và mỗi phần và mỗi phân của tôi là một phép lạ.
... Mọi chân lý chờ ta trong mọi vật
... Luận lý và bài giảng kinh chẳng bao giờ thuyết phục,
Hơi ẩm của đêm thấm sâu hơn vào tận hồn ta.
... Một nhánh bìm bìm trên cửa sổ thoả mãn tôi hơn những siêu hình sách vở.
Và như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều lúc tác giả đốt nóng người đọc trong không khí phừng phừng tình dục bởi mãnh lực yêu đầy Nam tính của ông. Không nói đến những trang được/ bị coi là quá táo bạo biểu hiện tài tình những xen đê mê hư hư thực thực của cuộc tính giao (có thể là đồng giới), hãy chỉ nói đến điện năng từ con người ông truyền ra cảnh vật làm cho toàn bộ thiên nhiên được tình dục hóa. Với ông, “bản năng gốc” của thiên nhiên chính là sinh sôi, là truyền tiếp sự sống vĩnh hằng.
... Hãy đâm thúc, đâm thúc và đâm thúc,
Luôn luôn có sự đâm thúc sản sinh của thế giới này.
... Đôi thứ tôi không nhìn thấy được làm dựng lên những chiếc ngạnh dục tình,
Những biển nước dịch sáng ngời trời cao ướt đẫm,
Đất ở với trời, cái thường ngày gần sát chỗ nối nhau,
... Bên lề đường, những mầm non bắt rễ và tích tụ nhanh, đầy sức sinh sôi và sức sống,
Những phong cảnh được phóng chiếu đầy nam tính, lớn hết cỡ, huy hoàng.
Chỉ tôn thờ Sự Sống Thực từ những thứ nhỏ bé, tầm thường nhất “Con bò mộng và con bọ nhỏ không bao giờ được thờ phụng đủ tầm, Phân bò và bùn đất đáng ngưỡng mộ hơn là trong mơ tưởng”, con người Tự Do không phủ phục dưới chân một đấng thánh thần nào, mà tự thấy thần thánh trong bản thân mình:
Tôi thần thánh bên trong và bên ngoài, và tôi thiêng hóa bất cứ gì tôi chạm vào hay được ai chạm đến,
Mùi hương nách này thơm hơn kinh cầu nguyện,
Cái đầu này hơn các nhà thờ, kinh thánh, và mọi tín điều
...
Cái siêu phàm chẳng đáng gì, chính ta đang đợi thời của ta để làm một bậc siêu phàm,
Ta sắp sẵn sàng cho ngày mình làm ra kỳ tích ngang những vị cao siêu nhất và phi thường không thua họ.
Đối mặt với thiên nhiên là như thế. Còn đối với xã hội?
Con người Tự Do coi khinh các “quí ngài” trong xã hội, kêu gọi sự “nổi loạn”
Từ ngữ của tôi ít nhắc nhớ đến tài sản quí ngài,
Mà nhắc nhớ cuộc sống mở toang, đến tự do và giải thoát,
Và ít quan tâm những kẻ vô tính hay bị hoạn, mà ưu ái những đàn ông đàn bà đầy đủ quan năng,
Và nổi tiếng cồng nổi loạn, và dừng lại bên người đào tẩu và những ai ấp ủ mưu đồ.
kêu gọi sự giải phóng khỏi mọi khuôn khổ:
Tháo tung khóa ra khỏi cửa!
Tháo tung cửa ra khỏi rầm!
phá hết mọi kiêng kỵ, cấm đoán:
Qua tôi những tiếng nói bị cấm,
Tiếng nói của giới tính và hoan lạc, những tiếng nói bị che đậy và tôi cất bỏ màn che,
Những tiếng nói sỗ sàng được tôi làm thành sáng trong và đẹp đẽ.
Tôi không đặt ngón tay lên miệng,
Tôi cưng quý lòng mề ngang với đầu óc và trái tim,
Việc giao cấu tôi chẳng thấy hôi hám gì hơn cái chết.
Con người Tự Do cũng là con người tự khẳng định cái “Tôi”.
Tham vọng là sử thi của mọi người Mỹ, nhưng Bài hát chính tôi không lấy cảm hứng từ một “Nàng Thơ” cổ điển hay lãng mạn, mà lấy Chính Mình làm Nàng Thơ.
Hiên ngang xưng tụng cái “Tôi”, Bài hát chính tôi luôn luôn tận dụng cơ hội xưng danh “Tôi” và “của Tôi”, khẳng định cái của tôi là đáng yêu nhất, đáng mê nhất:
Đã xục tìm qua những vỉa tầng, phân tích đến chân tơ kẽ tóc, tham vấn các đốc tờ và tính lâu toán kỹ,
Tôi thấy ra không miếng mỡ nào ngọt hơn thứ dính vào xương của chính mình.
...
Tôi mê mẩn chính mình, có nhiều thứ của tôi và tất cả quá chừng khêu gợi
cũng như luôn lặp lại cái ý: chân lý phải được mỗi người nghiệm sinh từ chính mình và cho chính mình.
Anh sẽ không còn lượm những gì đã qua tay người khác, cũng không còn nhìn bằng mắt người đã chết, cũng không còn nuôi mình bằng những bóng ma trong sách,
Anh cũng sẽ không nhìn bằng mắt của tôi, cũng không lượm những gì từ tay tôi,
Anh sẽ nghe mọi phía và lọc chúng từ bản thân anh đó.
Song những ai quen ác cảm với cái “Tôi” (Cái Tôi là đáng ghét – Blaise Pascal), với “chủ nghĩa cá nhân”, xin chớ vội vàng lên án!
Câu đầu tiên của Bài hát chính tôi giống như một định đề:
Tôi ca tụng chính mình, và hát chính mình,
Điều tôi tin tôi nhận lãnh thì anh cũng tin và nhận lãnh,
Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về anh
Định đề này chứa đựng một biện chứng. Thoạt tiên nó khẳng định “Cái tôi”, giống như tựa đề bài thơ đã khẳng định: đây là bài hát về “chính tôi” của “chính tôi”, bài hát về “cá nhân” của “cá nhân”, thấm đẫm tinh thần “cá nhân chủ nghĩa”. Để rồi khẳng định tiếp ngay: “tôi” cũng là “anh”, “của tôi” cũng là “của anh”, “tôi” là “ta”, là “mọi người”.
Bài hát chính tôi là một hành trình liên tục đi ra ngoài Tôi - đi vào trong Tôi. Không chỉ hòa lẫn cùng đám thợ săn trên rừng, đoàn thủy thủ ngoài khơi, tham dự mọi cuộc lao động và vui chơi khắp đất nước, tác giả còn nhiều lần đồng nhất mình với người vợ khóc chồng, người lính tử trận, người nô lệ bị săn đuổi, kẻ ăn mày “ngồi xượng mặt và xin”…
Tình Bằng hữu cũng thấm đẫm từng trang của Bài hát.
Anh thợ máy trẻ tuổi gần gụi tôi nhiều nhất, anh rất hiểu tôi,
Người thợ rừng mang rìu và bình sẽ đem tôi theo suốt buổi,
Cậu bé nhà nông cày đồng thấy vui khi nghe tiếng nói tôi,
Trên các tàu thuyền ra khơi lời tôi cũng giong buồm, tôi đi với thủy thủ, ngư dân và yêu họ.
Người lính đang cắm trại hay hành quân là người lính của tôi,
Đêm trước trận đánh nhiều người đến tìm tôi, và tôi không quên họ,
Đêm uy nghi (có thể là đêm cuối cùng của họ), những ai biết tôi sẽ đến tìm tôi.
Mặt tôi áp mặt người thợ săn khi anh nằm xuống một mình trong tấm chăn,
Người lái tàu nghĩ đến tôi sẽ không để ý toa tàu đang xóc,
Nhiều khi ta không phân biệt được trong sự giao cảm bằng da thịt rung lên ở những câu thơ nồng cháy là thứ tình tình dục hay tình huynh đệ, hay đơn giản là tình người với người, đàn ông với đàn bà, đàn ông với đàn ông.
Đây là cái áp tay rụt rè, đây bồng bềnh và hương tóc,
Đây cái chạm môi tôi vào môi bạn, đây tiếng thầm thì thương mến,
Đây chiều sâu thẳm và cao vời từ xa phản chiếu gương mặt tôi,
Đây sự hợp nhất thâm trầm của chính tôi và lại là lối thoát ra của chính tôi.
Rút cuộc, bài hát chính tôi lại là bài hát về mọi người, của mọi người.
Và họ qui nhập vào tôi, và tôi hướng ra ngoài tới họ,
Họ vốn là như thế, ít nhiều tôi là họ,
Và với mỗi người và tất cả tôi dệt nên bài hát chính mình.
Trong mọi người tôi thấy chính tôi, không hơn và không kém mảy may,
Và điều hay hay dở tôi nói về chính mình là tôi nói về họ.
Whitman rất ý thức về sự hài hòa “cái một” (the one) và “cái nhiều” (the many). Ông đặt câu hỏi: “Ai cần sợ sự hòa trộn kia chứ?” Câu hỏi là một thái độ trước hiện trạng đa sắc tộc, đa văn hóa của dân tộc Mỹ đang còn là mối băn khoăn của không ít người Mỹ thời đó. Ông khẳng định tinh thần bao quát mọi khác biệt của mình, qua một câu như tranh biện với ai đó:
Tôi có mâu thuẫn với chính mình?
Hay lắm, vậy thì tôi mâu thuẫn với chính mình,
(Tôi rộng lớn, tôi chứa đựng những đám đông khác biệt).
Whitman đã được mệnh danh là “Nhà thơ của sự Hoà trộn” (The Poet of the Merge).
Cái “Tôi” của Whitman không chỉ “trương nở” ra cả xã hội Mỹ, nó còn mở rộng đến toàn bộ sinh giới. Whitman thấy mình là đồng loại với mọi loài vật mang dấu vết của quá khứ mình, ông coi mình là người anh em của chú ngựa giống.
Vô hạn và chứa trong mình mọi giống loài, tôi đồng loại giữa lòng bọn chúng,
Chẳng đặt mình quá cao hơn những kẻ tìm được về ký ức của mình,
Chọn ra một kẻ mình yêu, và bây giờ đi với nhau trong tình huynh đệ.
Không dừng ở đấy, Whitman còn truy nguyên cái “Tôi” của mình về tận thời điểm Hư Không khi vũ trụ mới sinh thành (mà giờ đây ta gọi là thời điểm Big Bang), khẳng định nó là tựu thành của cả một quá trình tiến hóa vô cùng vô tận:
Những chu trình đưa đẩy chiếc nôi tôi, chèo và chèo như người lái đò vui vẻ,
Giành chỗ cho tôi những vì sao tránh ra ngoài quỹ đạo của chính mình,
Chúng dùng ảnh hưởng của mình để chăm nom cái chứa đựng tôi.
Trước lúc mẹ sinh ra tôi đã có nhiều thế hệ thay nhau dẫn dắt,
Bào thai tôi không bao giờ ngủ lịm, không gì có thể phủ lên.
Vì bào thai tôi mà đám tinh vân kết thành thiên thể,
Những địa tầng từ lâu chầm chậm xếp cao dần đỡ nó nghỉ bên trên,
Những cây cỏ khổng lồ cho thức ăn nuôi sống,
Những con bò sát quái lạ tha nó đi trong miệng và cẩn thận đặt nó dưới chân.
Mọi lực lượng đã được sử dụng không ngừng để hoàn thiện tôi và làm tôi vui sướng,
Bây giờ tôi đứng đây với tâm hồn tráng kiện của mình.
Cho nên cái “Tôi” của ông là cái tôi bất diệt qua “vạn lần chết”và “tái sinh”. Trong lời chia tay người đọc, tác giả Bài hát chính tôi nhắn nhủ rằng:
Tôi di sản chính mình cho đất để mọc lên từ đám cỏ tôi yêu,
Muốn thấy lại tôi hãy tìm tôi dưới gót giày của bạn.
Cái “Tôi” vừa mang tính cá nhân vừa mang tính phổ quát như thế không phải sáng tạo riêng của Whitman. Nó có cơ sở tư tưởng là thuyết siêu nghiệm (transcendentalism), một học thuyết phổ biến ở vùng bắc nước Mỹ vào những thập kỷ 20 và 30 thế kỷ 19… Các nguyên lý của thuyết này không dựa trên physical experience (kinh nghiệm của khoa học tự nhiên/ của thể xác) mà bắt nguồn từ nhận thức mang tính tâm linh sâu xa về bản thể người.
Thuyết siêu nghiệm cho rằng xã hội và các thiết chế của xã hội rút cuộc đã làm băng hoại sự thuần khiết của cá nhân. Rằng con người đạt tới chỗ cao đẹp nhất khi thực sự “tự trông cậy vào chính mình” và độc lập với mọi thứ bên ngoài mình. Ralph Waldo Emerson, nhà thơ thủ lãnh của phong trào siêu nghiệm đã viết: “chúng ta sẽ bước đi trên đôi chân của chính mình; chúng ta sẽ làm việc với đôi tay của chính mình; chúng ta sẽ nói lên tâm trí của chính mình… một quốc gia của những con người sẽ lần đầu tiên hiện hữu, vì mỗi người tự mình tin rằng mình được truyền cảm hứng bởi Thần Hồn (Divine Soul) mà Thần Hồn cũng truyền cảm hứng cho mọi người” (Diễn từ 1836).
Thuyết siêu nghiệm tin rằng tất cả mọi người đều có trong mình một phần của “Đại quát hồn - Over-soul”, tức Thượng đế. “Đại quát hồn” là một, nên nó kết hợp mọi người làm một hiện hữu.
Là người Việt Nam có truyền thống Phật giáo ngàn năm, ta không hề ngỡ ngàng với triết lý ấy, bởi thực ra thuyết siêu nghiệm Mỹ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tôn giáo Ấn Độ.
Trước hết là quan hệ giữa “cái Tôi” cá nhân với “cái Ta” vũ trụ phổ quát, quan hệ “Tiểu ngã – Đại ngã” của tư tưởng Ấn giáo.
Cái “Tôi”, cái “Chủ nghĩa cá nhân” không hề đồng nghĩa với sự riêng tư ích kỷ, nhỏ hẹp, nói cách khác, không có sự phân biệt cái “tôi” và cái “không-tôi”. Một khi đã không còn phân biệt cái tôi và cái không-tôi, tất sẽ đạt đến tinh thần “không phân biệt”, một tinh thần cốt tủy của Phật giáo.
Bài hát chính tôi nói rất nhiều về sự không phân biệt. Không phân biệt Linh hồn - Thể xác, Đất – Trời, không phân biệt Tốt – Xấu, Thiện – Ác, Cao cả - Thấp hèn, không phân biệt Sống – Chết, Thắng – Thua…
Điều đó cũng có nghĩa là khẳng định quyền bình đẳng của mọi thực thể trong hoàn vũ:
Tôi tin một lá cỏ không nhỏ hơn hành trình của tinh tú,
Và cái kiến cũng hoàn hảo như hạt cát, như trứng chim di,
Và chú nhái bén là kiệt phẩm cao vời nhất,
Và cây mâm xôi bò lan làm đẹp sảnh thiên đường,
Và khớp xương nhỏ nhất của bàn tay tôi dám khinh thường mọi cỗ máy,
Và chị bò cái cúi đầu gặm cỏ vượt trên pho tượng bất kỳ,
Và con chuột là phép màu đủ làm bối rối tỷ ty người không tín ngưỡng.
Khẳng định sự không phân biệt, khẳng định quyền bình đẳng là chống lại sự phân biệt, sự bất bình đẳng đã thành truyền thống nghìn năm trong xã hội do giới thượng lưu thống trị. Whitman luôn xác định “đứng về phe” bị truyền thống rẻ rúng, coi khinh:
Cái gì tầm thường nhất, rẻ mạt nhất, gần gụi nhất, dễ dàng nhất, đó là Tôi
... Qua tôi nhiều tiếng nói từ lâu câm lặng,
Tiếng nói của bất tận những thế hệ nô lệ và người tù,
Tiếng nói của những người bệnh và những người tuyệt vọng, của kẻ trộm và người lùn,
Tiếng nói của những chu kỳ sửa soạn và lớn dậy,
Và của những đường dây nối với sao trời, của dạ con và tinh khí người cha,
Và của các quyền của những người bị kẻ khác nhảy lên lưng,
Của kẻ dị dạng, tầm thường, tẻ nhạt, khùng khùng, bị rẻ rúng,
Sương trên trời cao, bọ hung se bãi phân bò.
Bài hát chính tôi được viết trước khi xảy ra cuộc nội chiến Bắc-Nam do mâu thuẫn quan điểm về chế độ nô lệ; thái độ của tác giả về vấn đề này không thể rõ ràng hơn qua những trang viết đầy cảm thông đối với người nô lệ da đen trốn chạy lên phía Bắc, đầy trân trọng đối với anh da đen đánh xe chở đá – một người lao động tự do, tự tin, mạnh mẽ với vẻ đẹp mà ông công khai ngưỡng mộ:
Người da đen đánh xe từ xưởng đá, vững vàng cao lớn, đứng thăng bằng một chân trên thanh gỗ nằm ngang,
Chiếc sơ mi xanh phơi cần cổ bạnh bộ ngực to lỏng khuy tới rốn,
Ánh mắt chỉ huy bình thản, anh hất vành mũ cong lộ ra vầng trán,
Nắng đổ xuống tóc râu quăn tít, xuống màu đen hai cánh tay hoàn hảo bóng như gương.
Bài hát chính tôi luôn nhấn mạnh đến những con người bình thường. Nhiều đoạn thơ, trong đó có đoạn dài nhất (Đoạn 33) là sự mô tả cụ thể, chi tiết các cảnh sinh hoạt, lao động của nhiều loại người rất khác nhau từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, từ rừng ra biển, từ thành thị tới thôn quê. Có thể coi đó là những khúc ca lao động đầy sảng khoái trong hình thức bản danh mục liệt kê (catalog) dường như có thể kéo dài mãi. Và tác giả xác định mình luôn đi trong“đám rước của mọi người bình thường, đám rước dài bất tận” ấy. Ông cũng khẳng định tiếng nói của mình, tiếng nói thời đại, là tiếng nói của Đại Chúng: “Và từ của tôi từ của thời hiện đại, một từ Đại Chúng”.
Ở đây ta thấy ảnh hưởng rõ rệt của Ralph Waldo Emerson, triết gia “Siêu nghiệm” đối với định nghĩa về Căn tính Mỹ. Theo Emerson, triết học Mỹ dựa trên khái niệm “cái thông thường” (the common). “Tôi không yêu cầu cái lớn lao, cái xa xôi, cái lãng mạn; cái đang làm ở Ý hay Arabia; cái là nghệ thuật Hy Lạp, hay nghệ thuật hát rong xứ Provencia; tôi bao quát cái thông thường, tôi thăm dò và ngồi dưới chân cái thân quen, cái thấp. Hãy cho tôi nhìn sâu vào ngày hôm nay, và bạn có thể có được những thế giới cổ đại và tương lai” (The American Scholar (Học giả Mỹ). Cái thông thường, đại chúng được xây dựng đối lập với chủ nghĩa ưu tuyển (elitism) của văn hóa châu Âu.
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất gọi Whitman là “Nhà thơ của nền Dân chủ”. Tác giả cũng tự khẳng định thơ ông chứa đựng “mật khẩu”, “dấu hiệu” của Dân chủ:
Tôi nói câu mật khẩu ban sơ, tôi cho dấu hiệu nền dân chủ,
Thề có Trời, tôi sẽ không chấp nhận bất cứ gì mà mọi người không thể có cái tương đương với mọi mặt tương đồng.
Từ “Dân chủ” chỉ được tác giả nói ra có một lần duy nhất ở câu thơ trên. Và Bài hát chính tôi không trực tiếp bàn về Dân chủ, nhưng nó rao giảng cho người đọc cơ sở triết lý, tư tưởng của Dân chủ. Điều thú vị là triết lý ấy lại có nguồn gốc sâu xa từ Ấn giáo, Phật giáo. Ta thấy dường như nghịch lý, Dân chủ xuất phát từ chỗ đề cao Cái Tôi, cái Cá Nhân; nhưng một khi mọi cái Tôi, mọi Cá nhân đều là Một, đều bình đẳng, không phân biệt (chứ không phải “ta là Một, là riêng, là thứ nhất” như Xuân Diệu từng tuyên bố do ảnh hưởng một thuyết duy ngã lãng mạn chủ nghĩa của Âu Tây), ta có Dân chủ đích thực. Ngược lại, khi nhân danh cái “Ta” mơ hồ để tiêu diệt cái “Tôi” cụ thể, kết quả sẽ chỉ là sự thống trị của một hoặc một nhóm Tôi bên trên tất cả cái “Ta” mơ hồ ấy.
Câu hỏi “Là người Mỹ có nghĩa là gì?” có thể chưa được Whitman cũng như dân tộc Mỹ trả lời đầy đủ vào thời đại của ông. Nhưng chắc chắn tinh thần Tự do – Dân chủ, đề cao Cá nhân nhưng chấp nhận những Khác biệt, hòa hợp với Cộng đồng, ngay từ thuở lập quốc đã là những yếu tố chủ đạo hình thành và hoàn thiện căn tính Mỹ trong hơn 200 năm qua. Ta cũng hoàn toàn có thể nói rằng: những nét lớn của Con người Mới mà Walt Whitman khắc họa từ hiện thực nước Mỹ thuở ban đầu cộng với dự phóng đầy hoài bão của tác giả không chỉ giới hạn trong phạm vi người Mỹ mà ngày càng trở thành mẫu hình lý tưởng của cư dân cái Làng Toàn cầu hôm nay.
Thủy Tiên, mép Bãi Dâu, 4/7/2015
Hoàng Hưng
Nguồn: Lá cỏ - Bài hát chính tôi {SONG OF MYSELF}. Tác giả Walt Whitman. Hoàng Hưng dịch từ nguyên tác: Leaves of Grass (final "Death-Bed" edition, 1891-2) (David McKay, 1892). NXB Hội Nhà văn, 2015.
Cám ơn Nhà thơ, Dịch giả gửi www.trieuxuan.info
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập55,841,599
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa