Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập51,436,528
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa
Truyện ngắn
Thành có người anh vợ tên là Ba Phận quê ở chợ Ngã Tư, huyện Châu Thành, Long An. Anh Ba có quan hệ làm ăn với gia đình Tư Nai từ lâu. Tư Nai là người Hoa làm nghề ấp trứng vịt, sống cùng một số bà con người Hoa tụ lại quanh chợ huyện cổ xưa mấy trăm năm của vùng sông nước Nam Bộ.
Chuyện đồn thổi, không rõ thực hư: Vào mùa Hạ năm Nhâm Dần (1782), ông tổ của Tư Nai sang định cư ở Gia Định, làm nghề buôn bán, sống hòa thuận với người dân Đại Việt. Hồi ấy những người Hoa có một đạo quân là Hòa Nghĩa. Đội quân này đã đánh nhau với quân Tây Sơn, chém được Hộ giá Tây Sơn là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Nguyễn Nhạc bị mất Phạm Ngạn đau như mất hai tay, cho rằng đạo quân Nghĩa Hòa toàn người Thanh, bèn trả thù bằng cách hễ ai là người Thanh là bị bắt rồi đem giết sạch, bất kể là lính hay dân thường, người già hay trẻ em, rồi quăng xác xuống sông. Đến nỗi xác người chết trôi đầy sông, hơn một tháng trời không ai dám ăn tôm cá, uống nước sông. Số bị giết đến hơn một vạn người. May mà ông tổ của Tư Nai chạy thoát khỏi Gia Định, đến vùng Long An, xuôi xuống vùng rừng lá um tùm mà trốn. Sau khi Tây Sơn rút về miền Trung, những người sống sót này ra chợ Ngã Tư mở tiệm chạp phô (buôn bán nhỏ, từ quần áo, cân đường đến cây kim, sợi chỉ…) gọi là tả pí lù, những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bà con nông dân. Tuy vậy, nhiều nhỏ góp lại thành to, chẳng bao lâu, họ đã khá dần lên và không trở về Gia Định nữa. Quá khứ đau thương là thế mà không thấy anh Tư Nai nói nửa lời oán thán.
Mãi đến thời Đệ nhất cộng hòa, họ mới đổi nghề, mở lò ấp trứng vịt. Anh Ba Phận, anh cùng cha khác mẹ với vợ Thành có gần ngàn con vịt đẻ, vịt chạy đồng. Bà con vừa gặt xong là anh xua đàn vịt tràn xuống như dòng thác trắng xóa, kêu inh ỏi, sùng sục mò lúa rụng, lúa còn sót lại, nhất là mò tôm, cua, cá… Khi dòng thác ấy đã tràn qua thì những thứ kể trên đều bị cuốn sạch. Sáng ra chuồng vịt của anh Ba, gồm hai dãy bờ đìa được anh vây lưới xung quanh cho vịt ngủ, nhìn trắng xóa những trứng, chị Ba và các cháu lượm mỏi tay bỏ vào cần xé lót rơm khô êm ái. Anh Ba quê ở gần chợ Ngã Tư này có mối mua trứng là anh Tư Nai. Cứ mỗi buổi sáng, anh Tư Nai đến nhà anh Ba kiểm trứng. Anh có biệt tài cầm quả trứng lên, tay khum khum che ánh sáng, nhìn thấy cái ngòi là biết trứng có trống. Còn quả nào bên trong lòng đỏ, lòng trắng dâng đầy là trứng không có trống, dĩ nhiên trứng này dù có ấp cũng không nở thành vịt con nên bị anh loại ra. Anh Tư Nai mua loại này với giá thấp hơn. Thành đã gặp mặt anh Tư Nai nhiều lần vì mỗi khi về quê vợ, anh lại sang nhà anh Ba Phận chơi và gặp Tư Nai đang kiểm trứng vịt. Anh có dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt dài, luôn thường trực nụ cười trên môi. Thấy Thành, bao giờ anh ta cũng nở nụ cười tươi:
Anh mới về quê hả, hút điếu thuốc chơi.
Thành giơ tay bắt, bàn tay Tư Nai ấm áp thật là thân thiện:
- Dạo này anh khỏe chứ, tiệm của anh vẫn làm ăn lên?
- Hà hà, cũng bình bình vậy thôi.
Anh Tư Nai chìa bao thuốc ba số năm cho Thành, rồi bật quẹt ga cho anh mồi. Tiếng Tư Nai vẫn lơ lớ, dù anh sinh ra và lớn lên trên đất Việt. Người Hoa có đặc điểm là truyền nhau giữ được tiếng nói dân tộc mình, bất kể đã sống trên đất Việt bao đời. Hễ gặp người dân tộc mình là họ nói chuyện xì xa xì xồ, bằng tiếng Quảng Đông, hoặc là tiếng Triều Châu. Ở nhà họ cũng nói với nhau bằng tiếng dân tộc mình, họ chỉ nói tiếng Việt khi giao tiếp với người Việt. Bởi họ quen dùng tiếng dân tộc Trung Hoa nên khi tiếp xúc với người Việt, phải nói tiếng Việt thành ra hơi lơ lớ, có khi ngọng nghịu, có người còn quen với cách tư duy của ngôn ngữ Trung Hoa, vẫn dùng đại từ nị, ngộ, tỷ, muội… Thành chạnh lòng nghĩ đến mấy đứa cháu của mình sống bên Mỹ, mới có đời thứ hai đã không biết tiếng Việt, nếu có nói cũng chỉ ậm à vài ba tiếng, còn đến đời thứ ba, thứ tư thì quên luôn quê cha đất tổ, nói chi tiếng Việt. Điều đó chứng tỏ, vai trò hướng dẫn của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng.
Hôm nay Thành gặp Tư Nai khi anh vừa kiểm trứng xong. Tiếng anh lớ lớ:
Hôm nay trứng tốt nhiều, to và đều.
Rồi anh rút cọc tiền trong túi quần đếm xoe xóe, đoạn trao tận tay anh Ba. Thành ngạc nhiên vì thấy anh Tư Nai vừa kiểm trứng xong, không dùng máy tính mà đã nhẩm xong bài toán giá thành của gần ngàn quả trứng, với nhiều loại khác nhau, giá cả khác nhau. Anh Ba cười, lộ hàm răng đã rụng gần hết:
Cảm ơn em. Hôm nay trứng được giá hả, em đưa nhiều tiền như vầy.
Chỉ tại xấp tiền toàn giấy năm trăm ngàn, hơi dày mà anh Ba ước lượng vậy chứ anh cũng không đếm lại. Anh tin tưởng vào cách tính toán, cho giá của Tư Nai. Họ đã làm ăn với nhau cả mấy chục năm nay, từ thời anh chị mới sanh thằng con thứ nhất, vậy mà nay anh đã có chẵn mười đứa rồi, chúng cũng đã lớn, mấy đứa đã có vợ có chồng. Anh vẫn là mối hàng của Tư Nai. Cũng có đôi lần chị Ba, vợ anh Ba Phận bảo thằng Phương mang máy tính ra, bấm máy tính lại. Và kỳ lạ sao tất cả mọi lần đều khớp với số tiền Tư Nai đã trả, từ chỗ phục cách tính nhẩm của Tư Nai, đến hoàn toàn tin tưởng vào cách làm việc đàng hoàng của anh. Từ đó anh chị Ba không bao giờ còn tính toán lại. Mọi viêc buôn bán vì thế rất suôn sẻ và nhanh chóng.
Anh Tư Nai đưa trứng đã tuyển lựa này vào máy ấp, anh biết tính ngày nào thì mang ra kiểm tra, trứng nào biết không thể nở lại loại ra để bán hột vịt lộn. Sau khi vịt nở, trứng còn lại là trứng sát và trứng ung.
Nhờ có nghề chăn nuôi vịt đẻ, anh chị Ba nuôi được đàn con trưởng thành. Ba đứa con đầu của anh là con Bến, thằng Phương, con Trong lấy chồng, lấy vợ, ra ở riêng nối gót nghề cha, cũng nuôi vịt đẻ và cũng trở thành mối trứng vịt của anh Tư Nai. Những đứa con khác của anh Ba lại có nghề mới do anh Tư Nai chỉ bảo là nghề đi thu mua tập học sinh về dán thành những cái bịch nho nhỏ xinh xinh dùng để đựng những chú vịt mới nở mỗi khi tiệm anh bán lẻ cho khách. Tuy việc nhẹ nhàng nhưng cũng kiếm bộn tiền vì hàng ngày tiệm của anh Tư bán đến mấy ngàn vịt con, sử dụng gần ngàn cái bao giấy. Những cái bịch giấy này được đục lỗ thủng bên hông để vịt con thở. Vì vậy không thể đựng vịt con trong túi ni lông, vịt dễ bị ngạt. Loại giấy phải là tập vở tập học sinh đã qua sử dụng vì nó chắc, dù vịt con có “vệ sinh” trong bịch, nó vẫn không hư hỏng. Anh Ba càng thêm quý mến anh Tư Nai, người ta nói: “Cho bạc cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”. Đến khi anh Ba có nhiều người địa phương mua trứng, có người hỏi mua vịt con. Anh Ba nảy ra ý định sẽ tự ấp hột vịt để bán, thành công nghệ khép kín: Chăn nuôi vịt đẻ, ấp trứng, dán bao đựng vịt mới nở… Dĩ nhiên sẽ được giá hơn. Nhất là khi vịt đẻ đã già, anh loại đàn là có ngay vịt con, khỏi phải mua ở tiệm Tư Nai. Anh cũng học được kỹ thuật ấp trứng thế nào để đạt tỷ lệ nở cao nhất. Tuy vậy anh còn lưỡng lự vì nếu làm như thế, sợ anh Tư Nai buồn vì bị mất mối, nhất là từ ân nhân trở thành đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Thói đời đồng tiền liền khúc ruột, khi đã cạnh tranh nhau, người ta hay dở những trò bẩn để hại nhau nhằm ngoi lên độc quyền. Cuối cùng anh Ba quyết định không mở lò ấp trứng vì muốn giữ tình nghĩa với anh Tư Nai.
Một bữa chị Ba nói với Tư Nai:
- Nhà chị hết gạo rồi, em cho chị mượn giạ lúa nghen.
Anh Tư Nai vui vẻ:
- Chị mượn bao nhiêu, để em cho người đong lúa cho chị?
Nhưng mà chị nói thiệt, chị không có lúa thơm ngon như nhà em để trả, thì làm sao?
Không có chi, chị cứ trả lại như số lượng đã mượn là được.
Có lần anh Ba bí tiền, hỏi mượn, anh Tư Nai vui vẻ đưa anh xấp tiền có khi đến năm chục triệu đồng, dĩ nhiên là giữa họ không làm giấy tờ gì. Tình cảm của gia đình anh Ba đối với gia đình anh Tư Nai lây sang vợ Thành, khi nhắc đến những người Hoa là vợ Thành dành những lời tốt đẹp nhất.
*
Không phải chỉ vợ Thành có cảm tình với người Hoa mà tình cảm đó nó còn truyền sang Thành nữa. Số là Thành mua nhà thế nào lại trúng vào phố nhiều người Hoa ở đường Khổng Tử, Chợ Lớn, thuộc Quận 5. Người Sài Gòn thường vẫn nhớ câu “Ăn quận Năm, nằm quận Ba, hát ca quận Nhất”. Quận Năm tập trung nhiều người Hoa, nổi tiếng với các món ăn, bởi thế người ta còn có câu: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây…”. Cơm Tàu thì ngon nổi tiếng không những trong nước mà còn trên cả thế giới nữa. Chẳng thế mà Thành đi du lịch sang Indonesia, Malaysia vào nhà hàng ăn lại là của người Tàu. Món ăn người Tàu ở Chợ Lớn có : cơm gà Hải Nam, cơm chiên Dương Châu, vịt quay Bắc Kinh…Rất nhiều món ăn ngon làm nên thương hiệu người Hoa. Trước năm 1975, Sài Gòn nổi tiếng bởi các nhà hàng người Hoa như: Bát Đạt, Triều Châu, Đồng Khánh…Vuông góc với phố nhà Thành ở còn có con đường người Hoa chuyên kinh doanh thuốc Bắc. Chưa đi đến phố đã nghe mùi thơm của các vị thuốc bay ra ngào ngạt. Trước nhà nào cũng có dòng chữ Hán nổi bật bởi màu xanh đỏ, rồi màu đỏ của đèn lồng treo lủng lẳng. Bước vào nhà thấy bàn thờ ông địa, ông thần tài bụng phệ vẻ no đủ, ngồi cười hớn hở. Người Hoa có đặc điểm là con trai có thể cưới vợ người Việt, nhưng con gái thì không gả cho người Việt. Hiếm khi họ truyền nghề làm ăn cho người Việt. Chủ yếu họ làm nghề buôn bán, ít người mua đất làm ruộng. Đặc biệt họ có tình đoàn kết cộng đồng chặt chẽ, thường giúp vốn cho nhau cùng làm giàu. Người Hoa sang Việt Nam từ thời chúa Nguyễn mở nước. Họ gồm có các nhóm Hoa kiều: Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam. Người Hoa ở miền Nam đa số nói tiếng Quảng Đông như tiếng phổ thông, người gốc Quảng Đông cũng chiếm đa số.
*
Khí hậu ở Sài Gòn thật lạ, trời đang nắng nóng đổ lửa, không gian oi nồng ngột ngạt của trưa hè, nhưng chỉ cần một trận mưa là đổi khác, có thể là mùa thu mát mẻ, nếu hôm đó cơn mưa kéo dài làm người ta cảm thấy lạnh co ro, tưởng như là mùa xuân xứ Bắc. Hôm nay cơn mưa kéo dài từ sáng đến đầu giờ chiều, kèm theo giông gió làm Thành lạnh xuýt xoa mà thích. Trời đã tạnh mưa, hàng cây sao trước cổng cơ quan vẫn còn trĩu nước thi thoảng một cơn gió thổi đến lại rùng mình trút nước xuống rào rào như lại có trận mưa. Mấy chú sóc thấy trời tạnh mưa nhảy ra đú đởn trên cành cây, thậm chí chạy rất nhanh trên đường dây điện dưới tán cây, cái đuôi to hơn người thỉnh thoảng lại xòe ra bắt ánh nắng sáng lên óng ánh, làm Thành buột miệng “Đẹp quá”. Phòng làm việc của Thành có khung cửa sổ nhìn ra đường, ai cũng khen có cái view tuyệt vời, nhất là được ngắm những chú sóc nhí nhảnh, vui mắt.
Hôm nay Thành tiếp hai người khách đến văn phòng của Chi nhánh nhà xuất bản. Phải nói họ thật may mắn vì hôm nay Thành đang vui bởi trời mát mẻ, lại được nhìn mấy chú sóc chuyền cành nhí nhảnh. Bởi thế anh tiếp khách có phần cởi mở. Một người Trung Quốc, chừng năm mươi tuổi, hơi cao, da trắng, quần áo thẳng thớm, giày đen đánh xi láng cóng, đúng với vẻ trí thức và một cô gái người Việt chừng hai lăm tuổi, mặc váy kẻ ka rô, cao đến đầu gối, phô cặp chân thẳng tắp, trắng nuột nà. Cô gái nhoẻn miệng cười duyên bởi chiếc răng khểnh, giới thiệu với Thành:
- Đây là Giáo sư Chen, dạy ở Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Bắc Kinh.
Cô vốn là sinh viên đại học khoa tiếng Trung, hiện là phiên dịch cho Chen.
Giáo sư Chen bắt tay Thành, bàn tay hơi lành lạnh, mềm mềm, trao cho anh chiếc card visit in bằng hai thứ tiếng: Trung - Anh. Thành liếc nhanh chiếc card của Chen, thấy quá nhiều chức vụ, học hàm học vị. Chen chờ cho Thành đọc xong mới nói bằng tiếng Anh lơ lớ của người Trung Quốc bản địa:
- Tôi đến đây để mua bản quyền cuốn sách này - Vừa nói ông ta vừa rút trong giỏ cuốn “Từ điển Hán Việt” dày cộp trao cho Thành.
Thành bồi hồi cầm cuốn sách nặng trĩu trên tay. Sách dày gần hai ngàn trang, khổ 18 x24 cm, đóng bìa cứng, ruột in bằng loại giấy ngoại mỏng, trình bày trang nhã. Cuốn sách quá quen thuộc bởi anh đã đổ không ít mồ hôi, công sức vì nó. Bắt đầu từ ý tưởng xuất bản một cuốn Từ điển Hán Việt, mặc dù trên thị trường đã có nhiều cuốn Từ điển Hán Việt, nhưng chúng đều mỏng, các mục từ còn thiếu rất nhiều. Cuốn Từ điển Hán Việt dày dặn của Thiều Chỉu thì xuất bản từ thế kỷ trước, nhiều từ đã lạc hậu. Từ ý tưởng đó Thành đi gặp những chuyên gia về chữ Hán, đặt họ biên soạn cuốn từ điển theo ý anh. Để cho nhanh, anh đặt mỗi người biên soạn một phần, thậm chí có người chỉ biên soạn một mục từ. Cuối cùng anh giao cho một giáo sư nổi tiếng về Trung văn nhuận sắc lại. Sau hai năm trời đánh vật với nó, bản thảo cuốn Từ điển Hán Việt dày dặn được hình thành. Cẩn thận, anh làm giấy mua đứt bản quyền với các tác giả. Rồi anh đưa đi in, phát hành. Nó có mặt trên thị trường hơn một năm nay. Cuốn sách được giới học giả đánh giá cao, nhưng vì nó kén người sử dụng nên hai ngàn bản mới bán hết hơn một nửa. Tuy bán không chạy lắm nhưng Thành rất quý nó, vì sách được biên soạn công phu, cẩn trọng nên ít sai sót, lại được độc giả khen ngợi, đánh giá cao về học thuật. Có lẽ vì giá trị của cuốn sách nên đã đến tay người nước ngoài này? Sau giây phút suy nghĩ, Thành thẳng thắn trả lời:
Sách còn nhiều trên thị trường nên tôi không muốn bán bản quyền.
Giáo sư Chen kiên nhẫn: Tôi chỉ xuất bản bên Trung Quốc, trong diện hẹp cho sinh viên khoa tiếng Việt ở Bắc Kinh là chủ yếu.
Thành hiểu, họ chỉ in làm tài liệu giảng dạy, cho những người học và nghiên cứu tiếng Việt. Trung Quốc có hơn tỷ dân, nhưng phát hành trên thị trường Trung quốc thì cũng hiếm người mua thật.
Người Trung Quốc là vua làm hàng giả, hàng nhái, ông ta có cuốn sách của Thành trên tay là có thể xuất bản được rồi, cần chi bản quyền? Nhưng nghề làm sách có cái khó, muốn in cuốn sách của Thành, ông ta phải cho đánh máy lại. Để nhập liệu cuốn từ điển dày dặn, khổ lớn này sẽ tốn không biết bao nhiêu là công phu, rồi còn phải sửa chữa mo-rát, cái này càng khó hơn, chữ Hán với họ thì họ Ok rồi, nhưng còn chữ Việt, đánh máy và sửa cho đúng chính tả tiếng Việt quả là nan giải, bởi thế ông ta phải sang gặp Thành mua phần mềm đã có sẵn, bản pdf, chỉ việc cho vào máy và in ra.
Thành gọi điện về bàn với vợ, bà xã Thành nói: Họ in ở bên Trung Quốc thì không ảnh hưởng gì đến thị trường Việt Nam. Ta để phần mềm trong máy không sinh lợi.
Thành hỏi Chen:
- Tôi đồng ý bán, ông trả bao nhiêu?
- 200 USD.
Thành lắc đầu:
- Rẻ quá, tôi không bán.
Chen cười khẩy ra về. (Mãi sau này Thành mới hiểu dụng ý của cái cười đó). Vợ Thành cũng nói: “Họ trả giá bèo, anh không bán là đúng”.
Hôm sau, người phiên dịch của Chen gọi điện cho Thành nói: Ông Chen trả lên 300 đô, anh bán không?
Thành trả lời không chút đắn đo:
- Không bán.
Hôm sau nữa, họ lại mặc cả giá 400 đô. Hai ngày sau lại trả giá 500 đô. Vợ Thành tặc lưỡi: “Thôi, bán đi anh, dù sao ta cũng có hơn mười triệu đồng, mà mình không mất gì. Kể cũng bèo, nhưng thôi…”
Nghe lời vợ, Thành mời ông ta đến nhà. Lần này Thành ngạc nhiên khi ông ta đậu xịch xe Mercedes S450 màu đen trước cửa nhà Thành, hai người lịch sự bước vào nhà làm cho mấy người hàng xóm của anh cũng phải lấp ló nhìn. Vợ Thành thì tỏ ra quý khách, có lẽ từ trong tiềm thức mà anh Tư Nai gây dựng được đối với người Hoa. Chị cười rất tươi, lăng xăng chạy pha nước mời khách. Vẫn thói quen bắt tay lịch sự, ông ta đi ngay vào vấn đề chính:
- Chúng tôi in số lượng ít, để tham khảo, không có kinh doanh gì, nên chỉ mua phần công nhập liệu của anh chị mà thôi.
Thành đã đồng ý bán nên cũng chẳng quan tâm ông ta có kinh doanh sinh lợi hay không, vả lại ông ta dùng nó làm gì thì chỉ có ông ta biết mà thôi. Anh hỏi khách:
- Ông có cần làm hợp đồng sang nhượng bản quyền không?
Chen lắc đầu:
- Không cần.
Vợ chồng Thành ngạc nhiên về điều này. Rõ ràng ông ta chỉ quan tâm đến phần mềm của cuốn từ điển. Hay là dân Trung Quốc vẫn chưa đặt vấn đề bản quyền làm trọng, vì thế vẫn chưa tôn trọng quyền sử dụng trí tuệ trên thế giới? Thành hiểu vì sao họ mua máy bay Su các loại của Nga chỉ một vài chiếc, sau đó là tự sao chép, biến thành máy bay dòng J của Trung Quốc. Nga cũng biết điều đó nên sau này ra điều kiện Trung Quốc muốn mua máy bay đời mới phải mua với số lượng nhiều mới bán.
- Anh chép phần mềm vào chiếc USB này giúp tôi - Chen vừa nói vừa đưa cho Thành chiếc USB hơi là lạ.
Khi Thành cắm vào máy mới biết chiếc USB của ông ta có chức năng đặc biệt, chứa được dung lượng cực lớn.
Cầm chiếc USB mà Thành mới trao, ông ta vội cắm ngay vào máy laptop mang theo mà lúc Thành đi chép đã mở sẵn. Copy vào ổ D xong ông ta còn kiểm tra phần mềm có chuẩn chưa mới yên tâm rút ví ra trả tiền. Ông đưa cho vợ Thành 200 đô, cố ý cho vợ chồng Thành thấy trong ví chỉ còn mấy trăm đô lẻ, nói:
- Tôi xài quá lạm nên hết tiền ngoài dự kiến. Cho thiếu đi, mai tôi về Bắc Kinh. Tuần sau tôi sang Việt Nam sẽ trả đủ 300 đô còn lại.
Thành ngần ngừ. Với người ngoại quốc, ta đòi lại cái USB, để xóa phần vừa chép ư? Rồi đòi xóa phần mềm trong ổ D máy laptop của ông ta nữa chứ, như thế hơi bất lịch sự. Vợ chồng Thành vừa đi du lịch Malaysia về, đã xảy ra tình huống, nhóm của Thành vào một nhà hàng ở Kuala Lumpur, ăn uống xong, lúc tính tiền, Thành rút đô la Mỹ ra trả, nhưng người chủ nhà hàng nói:
- Chúng tôi thu tiền Ringgit của Malaysia, không nhận tiền đô la.
Oái oăm vậy chứ. Đêm đã khuya, cũng chẳng thể chạy đi đâu mà đổi được. Thấy khách hàng bí, chủ nhà hàng có vẻ thông cảm:
- Các ông là người Việt Nam phải không, mai đến trả cũng được.
Họ lịch sự cũng chẳng hỏi Thành ở khách sạn nào. Nhưng Thành với tính tự tôn dân tộc, bảo nhau sáng mai quyết đi đổi được tiền trả, không để họ coi thường người Việt Nam mình. Và sáng hôm sau Thành dậy sớm đi đổi tiền, rồi đến nhà hàng trả tiền sòng phẳng. Anh càng ngạc nhiên hơn khi nhà hàng nhận tiền, cũng chỉ cảm ơn một cách bình thường, như việc Thành thật thà đến trả lại tiền là đương nhiên. Bây giờ trước một giáo sư đại học Trung Quốc, Thành nghĩ cũng nên học người Malaysia, tin tưởng vào họ, nếu hôm sau họ đến nhà trả tiền anh cũng sẽ cảm ơn một cách bình thường, như việc họ đến trả tiền là chuyện làm đương nhiên vậy. Còn nữa, Chen là người Trung Quốc, là giáo sư đại học Bắc Kinh, đi xe hơi đời mới đắt tiền, cùng cô phiên dịch chân dài… nghĩa là rất sang trọng, thì với ông ta 300 đô la là cái đinh rỉ gì.
*
Vợ chồng Thành chờ một tuần sau, một tháng sau cũng không thấy Chen quay lại. Chờ thêm mấy tháng nữa cũng bặt tăm. Thành gọi vào số điện thoai di động của người phiên dịch của Chen thì máy ò í e, “số máy quý khách hiện không liên lạc được”. Anh gọi vào số máy bàn, số máy di động của Chen chỉ nghe tiếng tút tút kéo dài. Vợ Thành nói:
- Không ngờ họ lại lừa mình tinh vi như vậy. Biết vậy lúc ổng trả 200 đô, mình không đồng ý, trả lại tiền và xóa phần mềm đi cho rồi.
Thành nói với vợ: Tin tặc Trung Quốc giỏi nhất thế giới. Họ có kỹ thuật tinh vi lắm, khi đã chép vào USB, hay vào lap top của họ là xong, ta có xóa cũng không hết, nó còn nằm trong sọt rác, trong phần mềm đã bí mật cài sẵn, còn phải trả lại cho ông ta 200 đô. Tại mình mất cảnh giác, giá như lúc đó mình đòi ông ta đưa tiền trước mới chép vào máy thì đâu có lừa được mình. Với người Trung Quốc ta luôn phải cảnh giác, chuyện từ ngàn xưa vẫn có giá trị cho bây giờ, không những chuyện quốc gia đại sự mà cả những chuyện buôn bán vặt của người Việt mình.
Cẩn thận Thành ra tiệm sửa chữa máy tính kiểm tra lại phần cứng, phần mềm máy tính của mình. Quả nhiên kỹ thuật viên phát hiện ra loại virus lạ đã nhiễm vào máy tính của anh. Loại virus này có khả năng đánh cắp phần mềm trong máy tính của Thành gửi về máy chủ bên Trung Quốc nếu Thành nối mạng Internet. Thành toát mồ hôi, với công nghệ tin học, chơi với dân Trung Quốc thật không đơn giản. Riêng việc này Thành không dám kể cho vợ nghe vì nói cũng chẳng được việc gì, có khi còn bị vợ rầy la là “dại dột”.
Một năm sau, Thành bất ngờ gặp giáo sư Chen. Anh nhắc lại viêc ông ta còn thiếu tiền. Ông ta trắng trợn:
- Ông nhầm người rồi, tôi không buôn bán gì với ông cả.
Rồi nhanh chân ông ta bước lên xe hơi, đóng rầm cửa lại, chiếc xe phóng đi mất dạng. Thế là rõ, ông ta đã hiện nguyên hình là tên lừa đảo. Thành về kể lại với vợ, vợ thành vốn thật thà lắc đầu:
- Sao cũng người Tàu, mà anh Tư Nai lại tốt đến vậy còn ông Chen lại xấu đến không thể tin được.
Thành ngẫm nghĩ rồi nói với vợ:
- Chen sống bên Trung Quốc đại lục, chỉ biết áp đặt ý mình lên các nước nhỏ; một xã hội đầy bon chen… tất nhiên ông ta là sản phẩm của xã hội ấy. Còn anh Tư Nai, sống giữa xã hội miền Nam vốn chân chất thật thà, giúp đỡ nhau thì sẽ trở thành con người nhân hậu, như chuyện ngày xưa, cây quýt mọc trên đất Hoài Nam thì quả ngọt, nhưng mang sang trồng bên đất Hoài Bắc thì quả chua. Có lẽ tại thổ nhưỡng và khí hậu giữa hai nước khác nhau sinh ra quả chua ngọt cũng khác nhau…
Vợ Thành cắt ngang dòng lý sự loằng ngoằng của chồng:
- Nói nhiêu đó đủ rồi: Người Hoa không phải là người Trung Quốc!
NT.
Bài in báo Văn nghệ số ra ngày Thứ Bảy, 28-11-2020.
Tìm kiếm
Lượt truy cập
- Tổng truy cập51,436,528
Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam
Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.
*Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...
Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.
WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)
Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.
The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.
Enjoy life, enjoy Arita experience!
Đọc nhiều nhất
- Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng
- Người của giang hồ (5): Lâm Chín ngón
- Thuật quan sát người (4)
- Người của giang hồ (11): Hải bánh
- Người của giang hồ (8): Huỳnh Tỳ
- Thuật quan sát người (2)
- Vài nét về tục Cúng Mụ, đầy tháng, thôi nôi
- Vài tư liệu về Tục thờ Thánh Mẫu
- Chùm thơ về Tây Nguyên
- Chuyện Sọ Dừa