Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,646,966

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Xung đột biên giới Việt Nam-Trung Quốc 1979-1990

Tư liệu

  • Chủ nhật, 18:27 Ngày 19/01/2014
  • Xung đột biên giới Việt Nam - Trung Quốc 1979-1990 là một chuỗi các cuộc đụng độ quân sự nổ ra giữa hai nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, diễn ra ngay sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và kéo dài cho đến năm 1990.

     

    Khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam tháng 3 năm 1979 sau cuộc chiến tranh biên giới, Trung Quốc tuyên bố họ không tham vọng dù "chỉ một tấc đất lãnh thổ Việt Nam".[1] Trên thực tế, quân Trung Quốc chiếm đóng khoảng 60 km2 lãnh thổ[2] có tranh chấp mà Việt Nam kiểm soát trước khi chiến sự nổ ra. Tại một số nơi như khu vực quanh Hữu Nghị Quan gần Lạng Sơn, quân Trung Quốc chiếm đóng các mảnh đất không có giá trị quân sự nhưng có giá trị biểu tượng quan trọng. Tại các nơi khác, quân Trung Quốc chiếm giữ các vị trí chiến lược quân sự làm bàn đạp để từ đó có thể tiến đánh Việt Nam.[3]

     

    Việc Trung Quốc chiếm đóng các lãnh thổ biên giới làm cho Việt Nam căm giận, và giữa hai phía nổ ra một loạt trận giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực đó. Xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp diễn cho đến năm 1988, đỉnh điểm là các năm 1984-1985.[4] Tới đầu những năm 1990, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Liên Xô sụp đổ, quan hệ giữa hai nước dần trở lại bình thường. Với việc ký Hiệp định phân mốc lãnh thổ năm 2009, Trung Quốc dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước.

     

    Kể từ năm 1979, có ít nhất sáu đợt giao tranh lớn diễn ra tại một số điểm trên biên giới Việt-Trung, là các đợt tháng 6 năm 1980, tháng 5 năm 1981, tháng 4 năm 1983, tháng 4 năm 1984, tháng 6 năm 1985 và đợt từ tháng 10 năm 1986 đến tháng 1 năm 1987. Tất cả các cuộc giao tranh trên đều do Trung Quốc khiêu khích hay gây hấn trước, nhằm phục vụ cho các mục tiêu chính trị của họ.[5]

     

    Mặt trận Vị Xuyên là mặt trận diễn ra các cuộc chạm trán ác liệt nhất. Tại mặt trận này có gồm nhiều đơn vị quân của cả hai phía luân phiên tham chiến. Về phía Việt Nam có các Trung đoàn bộ binh 981, 982, 983 và các Sư đoàn 313, 314, 316, 356 thuộc Quân khu 1, và một số các đơn vị pháo binh, công binh, vận tải, đặc công, trinh sát khác. Các Sư đoàn bộ binh 312, 325, 31 cũng từng tham chiến tại mặt trận này. Về phía Trung Quốc, các lực lượng bao gồm nhiều quân đoàn thuộc 7 đại quân khu cũng được luân chuyển qua mặt trận này để "vuốt đuôi hổ", tức huấn luyện trận mạc, theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình.

     

    Bên cạnh sử dụng quân chính quy, Trung Quốc còn trang bị và huấn luyện các lực lượng vũ trang người thiểu số chống lại chính phủ Việt Nam và Lào hoạt động tại các vùng biên giới phía Bắc. Các hoạt động này kéo dài tới năm 1988 mới kết thúc khi Trung Quốc chấm dứt sự hỗ trợ của họ cho các lực lượng nổi dậy thiểu số này (đặc biệt là của người H'Mông).[6][7]

    Năm 1980: Pháo kích Cao Bằng

     

    Từ đầu năm 1980, Việt Nam tiến hành các chiến dịch tấn công mùa khô quy mô nhỏ nhằm càn quét các lực lượng Khmer Đỏ còn nằm rải rác trên biên giới Campuchia - Thái Lan. Để gây sức ép lên Việt Nam nhằm buộc Việt Nam phải rút quân từ Campuchia về, Trung Quốc tăng áp lực lên khu vực biên giới bằng cách triển khai nhiều quân đoàn đối diện với biên giới Việt Nam. Trung Quốc cũng tiến hành huấn luyện quân sự cho khoảng 5.000 quân thuộc các lực lượng người H'Mông chống đối Lào tại tỉnh Vân Nam và sử dụng lực lượng này đánh phá khu vực Muong Sing ở Tây Bắc Lào gần biên giới Trung Quốc.[8] Tuy nhiên Việt Nam cũng đã tăng cường lực lượng đồn trú tại biên giới, và Trung Quốc không còn có được ưu thế về người như khi họ tiến hành chiến dịch tháng 2 năm 1979.

     

    Tháng 6 năm 1980, Quân đội Nhân dân Việt Nam vượt biên giới Thái Lan trong khi truy kích quân Khmer Đỏ tháo chạy.[5] Dù quân Việt Nam nhanh chóng rút khỏi lãnh thổ Thái Lan sau đó, thì việc này cũng khiến Trung Quốc cảm thấy họ phải hành động để ứng cứu đồng minh Thái Lan và Khmer Đỏ. Trong các ngày từ 28 tháng 6 cho tới 6 tháng 7, bên cạnh lớn tiếng chỉ trích Việt Nam trên mặt ngoại giao, quân Trung Quốc liên tục bắn pháo vào lãnh thổ Việt Nam tại tỉnh Cao Bằng. Các cuộc bắn phá của Trung Quốc không nhằm vào một mục tiêu quân sự chiến lược nào cả, không có ảnh hưởng lớn lên Việt Nam và chỉ mang tính tượng trưng. Việt Nam cảm thấy việc tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn trên biên giới nằm ngoài khả năng của Trung Quốc, nên Việt Nam có thể rảnh tay tiến hành các hoạt động quân sự tại Campuchia. Tuy nhiên, các cuộc nã pháo của Trung Quốc cũng định hình kiểu xung đột trên biên giới với Việt Nam trong suốt 10 năm sắp tới.

    Năm 1981: Tấn công các cao điểm ở Lạng Sơn và Hà Giang

    Vị trí giao tranh tại Cao điểm 400, Lạng Sơn, tháng 5 năm 1981

     

    Ngày 2 tháng 1 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị ngưng bắn để đón năm mới. Đề nghị này bị phía Trung Quốc bác bỏ ngày 20 tháng 1.[5] Tuy vậy, hai phía vẫn tiến hành trao đổi tù binh. Tình hình mặt trận tương đối yên tĩnh trong mấy tháng tiếp theo.

     

    Tháng 5, giao tranh quyết liệt đột ngột bùng lên với việc quân Trung Quốc ở mức trung đoàn tiến công đánh chiếm trong các ngày 5 và 6 tháng 5 một dải đất hẹp ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được phía Việt Nam gọi là Cao điểm 400 (mà Trung Quốc gọi là Pháp Tạp Sơn - 法卡山 hay Fakashan). Trung Quốc cũng tấn công và đánh chiếm các điểm cao chiến lược (có số hiệu 1800a, 1800b, 1688 và 1509) tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên. Giao tranh diễn ra hết sức đẫm máu với hàng nghìn người thuộc cả hai bên thiệt mạng. Để biện minh cho các hoạt động quân sự này, Trung Quốc tuyên bố họ tấn công để trả đũa các hành vi gây gấn của Việt Nam trong thời gian quý 1 năm đó.[5]

     

    Để trả đũa, bộ binh Việt Nam đột kích vào Trung Quốc ở hướng tỉnh Quảng Tây trong các ngày 5 và 6 tháng 5. Một đại đội quân Việt Nam cũng đánh vào khu vực hợp tác xã Mengdong, huyện Malipo, tỉnh Vân Nam. Trung Quốc tuyên bố đã đánh lui năm đợt tấn công xuất phát từ Việt Nam và tiêu hao hàng trăm quân Việt Nam tấn công vào Quảng Tây. Tới ngày 22 tháng 5, họ lại tuyên bố tiêu diệt 85 quân Việt Nam đánh vào khu vực Koulin thuộc Vân Nam. Tổng cộng Trung Quốc tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 300 quân Việt Nam trong các cuộc giao chiến qua lại trên biên giới.[5]

     

    Dù chiến cuộc bùng phát dữ dội, Trung Quốc thực sự không muốn leo thang[5] và chỉ dùng các lực lượng biên phòng chứ không huy động quân chủ lực cho các trận đánh. Các quan sát viên phương Tây nhận định: "Dù tình hình căng thẳng tại biên giới gia tăng, khó có khả năng diễn ra một 'bài học' của Trung Quốc cho Việt Nam. Cái giá sẽ phải trả bằng nhân mạng, tiền của và uy tín chính trị (của Trung Quốc) là quá đắt, đặc biệt là khi Việt Nam đã tăng cường lực lượng quân chính quy tại biên giới và giành được ưu thế rõ rệt về trang thiết bị".[9] Các nhà phân tích khác chỉ ra rằng mùa mưa sắp tới, và việc Trung Quốc mới cắt giảm ngân sách quốc phòng không cho phép họ tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn.[10]

    Năm 1984: Xâm lấn biên giới ở Vị Xuyên

    Chiến sự tại Vị Xuyên, Hà Giang, 1984-1986

     

     

    Tới năm 1984, quân Trung Quốc lại mở các đợt tấn công lớn vào Lạng Sơn. Ngày 6 tháng 4, để hỗ trợ cho các lực lượng Khmer Đỏ tại Campuchia, Trung Quốc mở cuộc tấn công ở cấp tiểu đoàn vào các vị trí của Việt Nam. Cuộc tấn công lớn nhất diễn ra tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, với nhiều tiểu đoàn quân Trung Quốc đánh vào các cao điểm 820 và 636 gần đường tiến quân năm 1979 tại Hữu Nghị Quan. Dù lực lượng hùng hậu, nhưng tới ngày hôm sau, các đợt tấn công của họ đều bị đánh lui hoặc phải bỏ các vị trí đã chiếm được.[11]

     

    Tại Hà Tuyên, trong tháng 4 đến tháng 7 năm 1984, quân Trung Quốc đánh vào dải đồi thuộc huyện Vị Xuyên, mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (老山 hay Laoshan) , gần cột mốc biên giới số 13. Lão Sơn thực ra là một dãy đồi chạy từ tây sang đông, từ ngọn đồi ở bình độ 1800 ở phía tây tới đồi bình độ 1200 ở phía đông. Ngọn đồi 1200 này phía Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn (者阴山 hay Zheyinshan), và đây cũng là ngọn đồi duy nhất nơi chiến sự xảy ra ở phía đông sông Lô. Tất cả các cuộc giao tranh khác tại Vị Xuyên đều diễn ra ở phía tây của sông Lô chảy vào Việt Nam.

    Trung Quốc mở màn cuộc tấn công lúc 5 giờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1984 sau một đợt pháo kích ác liệt. Sư đoàn 40 thuộc Quân đoàn 14 của Trung Quốc vượt biên giới theo bờ tây sông Lô, còn Sư đoàn 49 (có lẽ thuộc Quân đoàn 16 từ Quân khu Nam Kinh), tấn công và đánh chiếm Cao điểm 1200.[12] Lực lượng phòng ngự Việt Nam bao gồm bộ binh từ Sư đoàn 313 và khẩu đội pháo binh từ Lữ đoàn pháo binh 168 đành rút lui khỏi các ngọn đồi này.[13]

     

    Quân Trung Quốc chiếm được ấp Na La và các cao điểm 226, 685, và 468,[14] tạo nên một vùng lồi kéo dài khoảng 2,5 km tại Cao điểm 468 hướng về phía Việt Nam. Vị trí này được bảo vệ bởi vách đá dựng đứng có rừng bao phủ và dòng suối Thanh Thủy ở phía nam, chỉ có thể tiếp cận được bằng cách băng qua khoảng đất trống thung lũng sông Lô ở phía đông, và như vậy rất thuận lợi cho phòng ngự.[15] Tuy nhiên tại các nơi khác, chiến sự diễn ra giằng co từ ngày 28 tháng 4 cho tới 15 tháng 5, và các cao điểm 1509 (tức Núi Đất, Trung Quốc gọi là Lão Sơn[16]), 772, 233, 1200 (tức Giả Âm Sơn), 1030 (tức Đông Sơn) liên tục đổi chủ. Sau ngày 15 tháng 5, chiến sự tạm dừng; đến ngày 12 tháng 7 giao tranh lại bùng lên khi quân Việt Nam tổ chức phản công tái chiếm các ngọn đồi này nhưng không thành. Sau đó chiến sự dừng hẳn, chỉ có các cuộc chạm trán hoặc đọ pháo lẻ tẻ.

     

    Để phòng ngự các khu vực chiếm được, Trung Quốc duy trì hai quân đoàn tại khu vực Vị Xuyên, bao gồm bốn sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn pháo binh và vài trung đoàn xe tăng. Sư đoàn pháo binh Trung Quốc bố trí tại khu vực này gồm pháo 130 mm và bích kích pháo (lựu pháo) 155 mm, cũng như hỏa tiễn 40 nòng. Các trung đoàn bộ binh có pháo 85 mm và cối 100 mm. Các cuộc giao tranh ở đây diễn ra chủ yếu là đấu pháo, với các đơn vị quân Việt Nam ở mức đại đội xâm nhập tìm cách đánh chiếm lại các cao điểm.[17] Trong một số trận đụng độ, Trung Quốc đưa cả xe tăng vào giao chiến.

     

    Kết quả, quân Trung Quốc chiếm được một số ngọn đồi thuộc dải đồi này, gồm 29 điểm trong lãnh thổ Việt Nam. Trong số các vị trí mà quân Trung Quốc chiếm được có các cao điểm 1509, 772 ở phía tây sông Lô và các cao điểm 1250 (Núi Bạc[16]), 1030 và đỉnh Si Cà Lá ở phía đông sông Lô.[5] Chiến sự diễn ra dọc tuyến biên giới dài khoảng 11 km, và nơi quân Trung Quốc chiếm được sâu nhất trong lãnh thổ Việt Nam là Cao điểm 685 và Cao điểm 468, nằm cách biên giới khoảng 2 km.

     

    Giao tranh kéo dài dai dẳng, nhưng không có nơi nào quân Trung Quốc tiến sâu được hơn vào lãnh thổ Việt Nam quá 5 km, dù quân đông hơn nhiều.[18] Theo tin tình báo Hoa Kỳ, Việt Nam không thành công trong nỗ lực tái chiếm 8 mỏm núi, và Trung Quốc đã cho quân đóng giữ ở các mỏm núi này.[19] Theo công bố chính thức của Việt Nam, họ đã tiêu diệt một trung đoàn và 8 tiểu đoàn quân Trung Quốc, "loại khỏi vòng chiến đấu" 5.500 quân Trung Quốc.[20] Tới tháng 8, Việt Nam tuyên bố nâng tổng số quân Trung Quốc bị loại ra khỏi vòng chiến đấu lên đến 7.500 quân trong vòng 4 tháng.[21] Trung Quốc tuyên bố loại khỏi vòng chiến khoảng 2.000-4.000 quân Việt Nam, còn về phía mình Trung Quốc có 939 lính và 64 dân công chết.[16][17] Phía Việt Nam xác nhận trong trận đánh ngày 12 tháng 7, chỉ riêng Sư đoàn 356 của họ đã có khoảng 600 binh sĩ thiệt mạng.[22]

    Tháng 10 năm 1986 - tháng 1 năm 1987: "Chiến tranh giả"

     

    Nếu như trong năm 1985, Trung Quốc bắn khoảng 800.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, trong tổng số khoảng 1 triệu phát đạn pháo trên toàn biên giới, thì số vụ bắn phá trong năm 1986 cho tới đầu năm 1987 giảm hẳn, chỉ còn chừng vài chục ngàn viên đạn pháo một tháng. Đây có lẽ là kết quả của việc Liên Xô, mà cụ thể là Tổng bí thư Gorbachev kêu gọi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bài diễn văn tại Vladivostok. Tới tháng 10 năm 1986, Trung Quốc cũng thành công trong việc thuyết phục Liên Xô tiến hành đàm phán về vấn đề Campuchia trong vòng đàm phán thứ 9 giữa Liên Xô và Trung Quốc.[23]

     

    Tuy nhiên, giữa lúc các tín hiệu ngoại giao đang có xu thế trở nên tích cực, thì tình hình biên giới đột nhiên trở lại căng thẳng. Ngày 14 tháng 10 năm 1986, Việt Nam tố cáo Trung Quốc bắn 35.000 phát đạn pháo vào Vị Xuyên, và có những hành động lấn chiếm lãnh thổ. Việt Nam cho biết đã đẩy lui ba đợt tấn công của quân Trung Quốc tại Cao điểm 1100 và cầu Thanh Thủy. Đây có thể là phản ứng của Trung Quốc trước việc Liên Xô từ chối gây sức ép đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia,[24] hoặc để đáp lại các hoạt động quân sự mùa khô mà Việt Nam đang chuẩn bị tại Campuchia. Trong các ngày 5 đến 7 tháng 1 năm 1987, Việt Nam cho biết Trung Quốc tăng cường bắn phá và đưa quân xâm lấn lãnh thổ. Quân Trung Quốc bắn hàng chục ngàn phát đạn pháo và mở các cuộc tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ tại khu vực Vị Xuyên. Quân Trung Quốc mở 15 đợt tấn công, với lực lượng tham gia cỡ sư đoàn đánh vào các vị trí quân Việt Nam tại các mỏm 233, 685, 1100 và 1509.[5] Phía Việt Nam cho biết đã gây 1.500 thương vong vào quân Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng tuyên bố đã gây 500 thương vong vào quân Việt Nam, và cho rằng tuyên bố của Việt Nam là phóng đại. Trung Quốc cho biết tổng số thương vong của họ thấp hơn 500.

     

    Theo Carlyle A. Thayer nhận định, giao tranh lần này chỉ mang tính một cuộc "chiến tranh giả".[5] Dù chiến sự diễn ra kịch liệt tại Vị Xuyên, tình hình tại các tỉnh biên giới khác của Việt Nam khá yên tĩnh, và quân Trung Quốc không huy động các đơn vị quân chủ lực trong suốt thời gian xung đột bùng nổ. Tương quan quân sự của hai nước tại vùng biên giới không thay đổi trong thời gian này.

    Năm 1988: Hải chiến Trường Sa

    Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên biển Đông năm 1988 khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa quân chiếm đóng một số đảo, đảo chìm, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa quân ra bảo vệ, đánh trả và cuộc chiến nổ ra vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Kết quả thắng lợi thuộc về Trung Quốc, phía Việt Nam mất 3 tàu vận tải hải quân, 64 thủy thủ Việt Nam đã hy sinh và quan trọng hơn cả là kể từ đó Trung Quốc đã chiếm đóng thêm một số lãnh thổ mà Việt Nam luôn cho là chủ quyền của mình. Trong các tài liệu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).

    Kết quả

     

    Kể từ tháng 4 năm 1987, quân Trung Quốc giảm quy mô các hoạt động quân sự tại Việt Nam, dù quân của họ tiếp tục tuần tra tại Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Từ tháng 4 năm 1987 tới tháng 10 năm 1989 họ chỉ tiến hành 11 cuộc tấn công, chủ yếu là pháo kích. Tới năm 1992, quân chính quy Trung Quốc rút khỏi Lão Sơn và Giả Âm Sơn.[25]

     

    Hàng ngàn người thuộc cả hai phía thiệt mạng trong cuộc chiến. Tại nghĩa trang quân đội Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang, có hơn 1.600 nấm mộ liệt sỹ Việt Nam hy sinh trong suốt các giai đoạn cuộc chiến cho tới tận năm 1990.[26]

     

    Trung Quốc dần thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng của Việt Nam trong thời gian trước. Từ năm 1989, Trung Quốc rút khỏi một số điểm ở phía bắc suối Thanh Thủy. Ngày 13 tháng 3 năm 1989, họ rút khỏi 20 vị trí và đến tháng 9 năm 1989, họ rút khỏi 9 điểm còn lại. Tại Cao điểm 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn (lưu ý có 2 cao điểm cùng tên là 1509, 1 mỏm thuộc Việt Nam và 1 thuộc Trung Quốc theo Hiệp ước Pháp - Thanh), họ cho tiến hành xây cất công sự bê tông tại các vị trí thuộc phần lãnh thổ của mình sau khi chiến sự kết thúc, chỉ để lại các công sự đất tại phần thuộc Việt Nam, được trao trả theo hiệp định biên giới năm 2009 giữa hai nước.

    ____

        ^ Nayan Chanda, "End of the Battle but Not of the War", Far Eastern Economic Review, 16 tháng 3 năm 1979, tr. 10. Chanda trích lời quan chức Trung Quốc tuyên bố rút lui ngày 5 tháng 3 năm 1979

        ^ Edward C. O’Dowd, tr. 91

        ^ Nayan Chanda, "End of the Battle but Not of the War", tr. 10. Khu vực có giá trị tượng trưng tinh thần nhất là khoảng 300m đường xe lửa giữa Hữu Nghị Quan và trạm kiểm soát biên giới Việt Nam.

        ^ François Joyaux, tr. 242

        ^ a b c d e f g h i Carlyle A. Thayer, Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War

        ^ Alex Peter Schmid, Political terrorism, 2nd edition (March 8, 2005)

        ^ "Gặp người bị phỉ treo giải chặt đầu", báo Gia đình & Xã hội, cập nhật 19 tháng 07 năm 2009

        ^ John McBeth, "Squeezing the Vietnamese", Far Eastern Economic Review, 19 tháng 12 năm 1980, tr. 9

        ^ Michael Weisskopf và Howard Simmons, "A Slow Burn on the Sino-Vietnam Border", Asiaweek (22 tháng 5 năm 1981), tr. 24.

        ^ Michael Weisskopf điện về từ Bắc Kinh, International Herald Tribune, 25 tháng 5 năm 1981.

        ^ Edward C. O’Dowd, tr. 98

        ^ Ziwei Huanji, Counterattack in Self-Defense Against Vietnam, B.P. Mahony, làm việc cho Phân cục Tình báo của Cảnh sát Liên bang Úc được tiếp cận các tài liệu mật, cho biết có ít nhất 3 sư đoàn quân Trung Quốc tham gia tấn công (B.P. Mahony, Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson Versus Stalemate, trình bày tại cuộc họp 'Asian Studies Association of Australia' tại University of Sydney, 12–16 tháng 5, 1986). Các nguồn khác xác định Sư đoàn 31 thuộc Quân đoàn 11 là đơn vị đánh Cao điểm 1200. Không ngoại trừ trường hợp cả hai đơn vị này đều tham gia tấn công. Thậm chí nếu họ chỉ dùng hai sư đoàn để tấn công, quân Trung Quốc cũng có lợi thế về số lượng, với 24.000 quân chống lại chừng 10.000 quân của Sư đoàn 313 của Việt Nam.

        ^ Ziwei Huanji. Phía Trung Quốc cho biết các trung đoàn đơn lẻ thuộc các Sư đoàn 316, 312, và 345 của Việt Nam tham gia trong trận phòng ngự này.

        ^ Lịch sử Lữ đoàn pháo binh 168, 1978–1998 trang 32–43.

        ^ B.P. Mahony, Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson Versus Stalemate, tr. 14

        ^ a b c "Trận Núi Đất" theo BBC

        ^ a b Xiaobing Li, tr. 260

        ^ Edward C. O’Dowd, trang 100

        ^ "Intelligence", Far Eastern Economic Review, 2 tháng 8 năm 1984

        ^ Paul Quinn-Judge, "Borderline Cases", Far Eastern Economic Review, 21 tháng 6 năm 1984, tr. 26

        ^ Đài phát thanh Hà Nội, trích bởi The Nation Review [Bangkok], 7 tháng 8 năm 1984

        ^ "Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, biên giới phía Bắc", báo Đất Việt, cập nhật 15 tháng 7 năm 2013.

        ^ AFP điện từ Bắc Kinh, The Canberra Times, 6 tháng 10 năm 1986.

        ^ "A Crescendo for Withdrawal", Asiaweek, 2 tháng 11 năm 1986, tr. 11.

        ^ Xiaobing Li, tr. 263

        ^ Edward C. O’Dowd, tr. 101

     

    Tài liệu tham khảo

        Nayan Chanda (1986). Brother Enemy. The War after the War.. Harcourt Brace Jovanovich. ISBN 0-15-114420-6.

        François Joyaux (1994). La Tentation impériale - Politique extérieure de la Chine depuis 1949. Paris: Imprimerie nationale. ISBN 2-11-081331-8.

        Xiaobing Li (2007). A History of Modern Chinese Army. University Press of Kentucky. ISBN 9780813124384.

        Edward C. O'dowd (2007). Chinese Military Strategy in the Third Indochina War. Routledge. ISBN 9780415414272.

        Carlyle A. Thayer, Security Issues in Southeast Asia: The Third Indochina War, Conference on Security and Arms Control in the North Pacific, Australian National University, Canberra, August 1987.

     

    wikipedia

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,646,966

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!