Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,227,162

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Lý luận phê bình văn học

Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (18)

Tư liệu

  • Thứ bảy, 21:44 Ngày 04/04/2009
  • Nội loạn ở trong cõi đã yên rồi, mới lại xoay đi chinh phục xứ ngoài, mỗi khi ra chơi cùng với mấy cánh quân bên tù nợ giao phong, cướp được sữa bò cùng chocolat vô số. Nguyên trước khi giao chiến đã có bày những sữa bò cũng sô cô la (chocolat) ra mà cam đoan rằng bên nào thắng thì được hưởng cái quyền lợi ấy, bên tù nợ thiệt đã không biết lượng sức, lấy một toán quân ô hợp đối đương với những toán quân thao luyện đã lâu, lại có những tay danh tướng cầm quân, nên sự được thua không đánh đã rỏ, quyền lợi mất hết, nước tù nợ từ đó nghèo.

    Lại ở khám bên cạnh là khám nhốt những tù trọng tội (condamné à forte peine), chỗ cửa vô có một cái khe tường thông qua khám chúng tôi, có thể đút lọt được cái chiếu, mỗi bữa ăn những đồ ăn chúng tôi ăn thừa thường hay đem cho, vì vậy mà bọn kia cám đội ân đức, mỗi khi mình buồn thì họ ca lí cho mà nghe, cũng có thể giải khuây trong cơn phiền muộn.

    Trở lên trên đã kể qua những cách ăn ở ở trong khám, bây giờ lại xin nói đến việc tòa án đối đãi cùng chúng tôi. Sau khi chúng tôi bị giam được mấy ngày rồi, thì có giấy của Bồi thẩm gọi sang để mở những gói đồ niêm phong khi xét bắt được tại nhà. Rồi cách mấy hôm nữa, có giấy kêu năm người qua hỏi là Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Đình Di, Nguyễn Văn Hòa, Cao Hữu Tạo và tôi. Chúng tôi đi đi lại lại tới 4 ngày luôn, mà chỉ ngồi chờ tại bên ngoài rồi về, chớ không biết mặt viên Bồi thẩm là thế nào cả. Trong lúc nầy thường thường có kêu Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Huỳnh Điểu qua hỏi về việc báo L'Annam mà thôi, còn về việc làm lễ truy điệu cụ Lương Văn Can thì tuyệt không ngó ngàng gì tới. Đến mãi ngày 20 Juillet mới lại có giấy Bồi thẩm kêu tôi qua, sau khi đã vào phòng (cabinet) rồi, viên Bồi thẩm bảo tôi ngồi tại cái ghế đằng trước mặt mà nói chuyện, tôi nói bằng tiếng nước nhà, có M.Lê Thành Tường thông ngôn ra tiếng Pháp.

    Thoạt tiên viên Bồi thẩm giơ cho tôi coi một bức thơ mà nói rằng: tôi có nhận được cái thơ nầy của nhà giây thép giao lại cho tôi, chẳng hay người gởi thơ nầy có phải là người bạn của ngài(1) không?

    Tôi nhìn ra thì là bức thơ của anh Hoàng Phạm Trân dit Nhượng Tống gởi cho tôi từ ngày 16 Juin, mà gởi theo lối đởm bảo (recommander), bèn trả lời rằng:

    Phải! Người ấy chính là bạn của tôi. Mà bây giờ tôi có quyền được coi bức thơ ấy chớ!

    - Vì trong đó có nói nhiều chuyện về việc ông Lương Văn Can, nên còn phải lưu lại để dịch, bao giờ dịch xong tôi sẽ giao lại cho ông.

    Từ đó trở đi, viên Bồi thẩm mới bắt đầu buộc tội.

    - Trong cái giấy truyền đơn (trac) kia ngài đã tán tụng ông Lương Văn Can một cách thái quá, là ý gì vậy?

    - Đối với người ái quốc của tôi thì tôi tán tụng, có việc gì đến ai!

    - Trong cái giấy truyền đơn nhắc có nhắc lại những lời của ông Lương Văn Can đã dặn là "bảo quốc túy tuyết quốc sỉ" nghĩa là: "để những người kháng cự với người Pháp lại, còn diết những người theo với người Pháp" phải không?

    - Đứa nào dịch cho ông nghe những tiếng ấy thật là dốt nát vô cùng! Bảo quốc túy tuyết quốc sỉ chính nghĩa là: "giữ lấy nền nếp của nước nhà, rửa sạch những đều xấu của nước nhà". Có vậy thôi, chớ nào có bảo để ai giết ai?

    Giấy truyền đơn đó ngài rủ nguyên những người Saigon nầy hay cả mọi người trong nước?

    - Vì ông Lương Văn Can khi sống làm việc cho cả mọi người trong nước, nên tới khi chết đi chúng tôi cũng muốn cho cả mọi người trong nước làm lễ để báo đáp người. Nhưng cái giấy truyền đơn đó chỉ rải nguyên ở Saigon thôi.

    Những bài viết trên Đông Pháp Thời Báo đã cổ động kịch liệt lắm.

    - Những bài ở trên tờ báo dầu có kịch liệt chăng, tôi cũng chịu trách nhiệm, vì báo quốc ngữ đã ở dưới quyền ti kiểm duyệt rồi, ngày nay ông có muốn hỏi gì về những bài ấy thì đã có ty kiểm duyệt trả lời, chớ tôi không phải trả lời nữa.

    - Cái lá cờ treo hôm 26 Juin tại chùa Tập Phước có nhiều câu xúi người ta làm loạn.

    - Hôm đó tôi bị bắt rồi tôi không biết, nhưng nghe nói là một cái câu đối, chớ nào phải cái cờ, trong câu đối đó nói những gì(1) tôi cũng không được biết, nhưng ví thử ông có muốn buộc tội tôi, thì phải để cho tôi làm lễ xong rồi sẽ buộc tội, chớ ngày làm lễ vào 26 Juin mà tôi bị bắt từ 24 Juin, bây giờ ông lại muốn đem những việc xảy ra sau cái ngày tôi bị bắt rồi mà buộc tội tôi sao?

    - Cái việc của ngài làm đó là có ý làm loạn.

    - Ô hay! Cái việc cúng lễ của tôi đó là thuộc về tôn giáo chớ nào phải thuộc về chánh trị mà buộc rằng có ý làm loạn.

    - Việc cúng lễ là một việc hay, nhà nước vẫn tôn trọng nhưng xét ra cái việc ngài làm là định mượn đó để làm cho náo động nhơn dân, chớ chẳng phải chủ ý làm lễ.

    - Ông nói thế có lấy gì làm chứng cớ không?

    Tôi nói câu đó làm cho viên Bồi thẩm nổi giận, cự lớn lên rằng:

    Ngài vô phép lắm! Ngài khi quan Tòa! Tôi tuổi lớn hơn ngài, cái sự thông minh của ngài làm là chủ ý thế khác, mà bây giờ hỏi ngài ngài lại chối...

    Tôi nghe nói cũng nghiêm sắc mặt lại mà trả lời rằng:

    Tôi hiện có hai ông quan tòa, một ông quan tòa xét đoán về tâm lí, còn một ông quan tòa xét đoán về hành vi; ông quan tòa xét đoán về tâm lí đó tức là lương tâm của tôi, ông quan tòa xét đoán về hạnh vi đó tức là ông: cái việc của tôi làm chủ ý thế nào đã có lương tâm của tôi xét đoán, còn về phần ông thì có đủ chứng cớ mới buộc tội được người, chớ ông không thể đem tâm lí xét đoán mà buộc tội cho người ta được!

    Câu chuyện đến đây là giứt, lính bèn lại dẫn tôi về khám.

    Viên Bồi thẩm kể ra cũng là một người tử tế, đối với việc bắt chúng tôi đây hình như cực chẳng đã mà phải thế, thái độ ôn hòa, nói năng nhỏ nhẹ, đối với chúng tôi có ý lễ mạo lắm, tuy rằng buộc tội nhưng cũng là buộc cho có vậy thôi, chớ lương tâm chắc cũng không muốn buộc như thế...

    Theo lệ thường những người bị cáo đều phải qua một lần Bồi thẩm xét hỏi, coi có nên đem ra tòa tiểu hình xử đoán không? Nếu viên Bồi thẩm xét rằng nên thì sẽ giao qua cho bên Biện lí để đem ra tòa xử, bằng viên Bồi thẩm xét ra không đủ lẽ buộc tội thì được thả ra. Sau khi đã hỏi tôi rồi, tưởng rằng sẽ lần lượt hỏi đến những anh em khác, ngờ đâu một ngày một mất, lần hỏi đó lại là lần cuối cùng, mỗi ngày hai buổi ra chơi, đứng ở trước song sắt nhìn xuống, cái giấy mà tên bồi geôle cầm đi lên kia có phải là giấy của Bồi thẩm gọi chúng ta đấy không? Không phải. Họ gọi tây, họ gọi chà, họ gọi tù áo xanh đấy, nào ai có gọi đến mình!... Nằm trong phòng nghe tiếng cục kịch cửa, có phải họ mở cửa để gọi chúng ta qua Bồi thẩm đấy không? Không! Họ mở có việc khác, chớ có phải mở để gọi mình đâu! Cứ như thế rày trông mai đợi, hết ngày nầy qua ngày khác, hết tuần lễ này qua tuần lễ khác, sáng đến chiều, chiều lại đến mai, nhứt là ngày chủ nhựt là ngày không còn biết mong mỏi vào cái gì thì buồn rầu vô hạn!(1)

    Nói như thế không phải là mới bị giam trong một vài tháng mà đến nóng lòng sốt ruột, mong mỏi buồn rầu đến thế đâu! Xét ra cái cách của họ đối đãi với mình là giam cho bỏ ghét, mình đã chẳng có tội gì thì đem ra tòa sớm một ngày là mình được phóng thích sớm một ngày, nên hãy giam chơi đấy, không buồn hỏi vội! Họ xử trí như vậy, còn mình đối phó làm sao? Sau khi anh em đã bàn định xong rồi, bèn nhứt định nhịn đói (grève faim) để tỏ dấu bất bình! Ôi, nhịn đói có phải là một việc dễ đâu! Vì đã nhịn đói thì phải quyết định là chết, có chết mới mong thành công, lưỡi gươm viên đạn máy chém máy điện đều là những vật giết chết người cả, song giết chết người chỉ trong giây phút, người ta chết được một cách dung dị, chí ư nhịn đói mà chết thì chết một cách đau khổ vô cùng, có nhiều người thật không sợ chết, mà không thể chết theo cách nhịn đói được. Lại còn một lẽ nữa là người nào đã hãm vào cái địa vị phải chết thì dễ có gan liều chết. Đối với cái cảnh ngộ chúng tôi ngày nay, thật chưa hãm vào cái địa vị phải chết, vậy thì dễ đã có cái gan liều chết, vả chăng nhịn đói mà chết là sự rất khó, không mấy ai chết được, chúng tôi ngày nay dễ đã chết được chăng? Ấy trước khi nhịn đói đã có đem mấy câu "chết" ra hỏi như thế, thiệt tự mình cũng chưa dám trả lời mà cũng không thể trả lời ngay được, song nói cho đúng thì cái mục đích nhịn đói của chúng tôi là tỏ dấu bất bình để cho viên Bồi thẩm phải xét hỏi đến, vậy thì chết hay không chết cũng do ở viên Bồi thẩm, chớ không phải ở chúng tôi. Nhịn đói mà chết được chăng, cái chết ấy sẽ gieo vào lòng quốc dân lấy sự tức sự giận sự đau sự thương: nhịn đói mà không chết được chăng, cũng là một bài học cho mình. Vì nghĩ như thế nên không e sợ gì không ngại ngùng gì mà cứ việc nhịn đói. Ngày bắt đầu nhịn đói đó là chiều ngày 8 Aoưt cách với ngày bị giam 26 Juin vừa đúng 44 ngày.

    Chiều hôm nay tới giờ mở cửa không thèm ra, tới bữa ăn người ngoài gởi cơm vào không thèm nhận, thế là cái chương trình nhịn đói đã bắt đầu thực hành, viên xếp khám nghe tin vội vàng tới nơi khuyên giải, chúng tôi cũng nói cho y biết rằng: cái việc nhịn đói đây là chúng tôi tỏ dấu bất bình cùng chánh phủ, chớ đối với y thì vẫn không có điều gì!... Y có lựa lời khuyên giải, song chúng tôi vẫn không nghe. Y bèn kêu giây thép nói (Téléphone) cho viên chủ ngục (Directeur de la prison), một lát chủ ngục đến, cũng đem lời khuyên giải chúng tôi, song biết rằng không thể khuyên giải được thì cũng nói mấy câu an ủi rồi về. Trước mặt chúng tôi, viên xếp khám nhơn phân chứng với viên chủ ngục rằng: cái việc xảy ra hôm nay đây là do ở chúng tôi bất bình với chánh phủ, chớ chẳng phải bất bình với y, y không phải chịu trách nhiệm ấy.

    Chiều hôm nay dẫu không nhận cơm ở ngoài nữa, song lính canh ngục vẫn không chịu trả lại mà cứ để gà men cơm ở trong phòng đó cũng là một cách gián tiếp để phá cho cuộc nhịn đói không thành, vì bụng đói mà đồ ăn lại để ngay trước mắt, cái cách bày trước, cái cách bày trận quay lưng đất liền ấy, tới khi trận quay lưng đất liền ấy, tới khi trận vở giữ sao cho khỏi quân sỉ chạy tản lạc mọi nơi, vì vậy nên khi cửa khám vừa mở ra, thì hai người trong bọn tôi là Nguyễn Văn Hòa, Trương Văn Thoại sách ga men liệng ra ngoài cửa, đồ ăn tung tóe cả ra, cùng với lính canh ngục đã gây một trận cải và giằng co rất kịch liệt, từ đó họ mới chịu thôi, không để đồ ăn trong phòng nữa.

    Sáng hôm sau dậy, ai nấy còn gội đầu rửa mặt tử tế, trong bụng dầu đã thấy cồn cào khó chịu, song tinh thần vẫn mạnh mẽ như thường. Theo lệ hàng ngày tới giờ ra chơi, lính canh ngục vẫn mở cửa và tới bữa ăn vẫn đem cơm vào, song chúng tôi đều khước từ không nhận cả. Hôm nay ở ngoài đã hay tin, nhưng vẫn cứ gởi cơm vô, ấy cũng vì cái tấm lòng trắc đát, người trong dầu quyết nhịn đói chết, người ngoài há nỡ để cho chết sao? Người trong đã đến nhịn đói chờ chết thì lòng đã yên rồi, nhưng người ngoài thì đau ruột nóng lòng quyết không thể nào yên được - Đến trưa, có thầy kiện Tricon vào thăm, nói với mấy người chúng tôi rằng: Việc nầy sở dĩ viên Bồi thẩm bỏ đó không hỏi, là vì người Biện hộ cho chúng tôi là thầy kiện Monin đi Quảng Đông chưa về, vậy hãy cố chờ trong một vài ngày nữa, nếu M.Monin về thì viên Bồi thẩm sẽ hỏi ngay. Đoạn lại đem mấy lời ngon ngọt mà dỗ dành rằng: "các ông là người thương nước muốn làm việc cho nước, vậy mà ngày nay lại liều nhịn đói chết đi, thì còn ai làm việc cho nước nữa!" Mấy người kia chỉ cười mà không trả lời. Thầy kiện Tricon hứa đến ngày mai sẽ vô thăm chúng tôi một lần nữa. Nguyên đối với việc chúng tôi bị bắt nầy, mọi người đều nhứt định là không mướn thầy kiện vì tự xét mình không có tội gì hà tất phải dùng đến ai biện hộ! Thần công lí còn giáng lâm ở xứ Thuộc địa nầy ư? Thì mình tội gì mà phải vô khám? Thần công lí đã chạy xa cái xứ Thuộc địa nầy ư? Thì biện hộ mà làm gì! Tuy vậy người ngoài vẫn không yên lòng, nên mới mướn thầy kiện Monin biện hộ, thầy kiện Tricon nầy là người thay mặt cho thầy kiện Monin khi đi vắng mặt, vì lẽ ấy nên hôm nay mới nghe tin mà vào thăm chúng tôi.

    Thầy kiện Tricon dẫu giảng giải như vậy, song cái chí nhịn đói của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chiều hôm nay đã thấy khó chịu lắm, ai nấy nằm im thin thít, không còn nghe thấy tiếng động tịnh gì, chỉ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng guốc lê đi uống nước để khỏi ráo miệng mà thôi.

    Đêm hôm nay cả đêm không ngủ được, hết trở sấp lại lật ngữa, cố nhắm mắt mà không sao nhắm mắt đặng, nhìn ra anh em thì thấy ai cũng dằn dọc như thế cả. Ngủ không được thì sanh ra nghĩ vơ nghĩ vẩn, đoạn trường lúc ấy nghỉ mà buồn tênh!...

    Sáng hôm sau (ngày thứ ba) dậy, người thấy mệt quá, cũng không buồn súc miệng rửa mặt nữa, thỉnh thoảng khát nước phải lê đi uống thì chóng mặt bàng hoàng đi không vững, miệng ợ lên những mùi thúi rất khó chịu, mồ hôi vã ra. Chư độc giả yêu quí! Ai muốn biết cái khổ về sự nhịn đói nầy thì tất phải có trải qua một lần mới biết, chớ ngọn bút không thể tỏ ra được. Trưa hôm nay thầy kiện Tricon vào thăm, câu chuyện cũng không có gì lạ chỉ có dặn riêng chúng tôi rằng viên Bồi thẩm có kêu thì cũng nên giữ thái độ ôn hòa mà thôi.

    Đêm hôm nay cũng không ngủ được như đêm hôm qua, tiếng nói đã mất hơi, cái thú "thức đêm nhịn đói" tưởng cũng là một cái thú "độc nhứt vô nhị" ở đời này!...

    Sáng hôm sau (ngày thứ tư) dậy, người lại thấy tỉnh táo như thường, suốt cả ngày không thấy gì là khó chịu. Người ta nói rằng trước khi mê người đi thì bao giờ cũng tỉnh người lại, ngày hôm nay tỉnh táo như thế là cái triệu chứng ngày mai sẽ mê mệt đi không biết gì nữa. Chúng tôi nghe nói, ai cũng mừng lòng, vì nhịn đói chỉ khổ ở cái lúc tỉnh, chớ lúc đã mê đi thì không còn biết gì là khổ nữa.

    Trong mấy ngày chúng tôi nhịn đói đây thì hôm nào viên xếp khám cũng lên thăm và kiếm lời khuyên giải, chúng tôi vẫn nằm dài không dậy, vả nói đã mất hơi rồi cũng không buồn trò chuyện gì nữa. Viên xếp khám thì coi bộ lo lắng lắm, ngày nào cũng phải hai lần qua bên Bồi thẩm mà tỏ bày công việc. Việc nhịn đói đây khắp các tù nhơn trong khám đều đã biết cả, vì thế dư luận nổi lên, càng làm cho xếp khám không yên dạ. - Sáng hôm nay viên xếp khám vào nét mặt không vui vẻ như mọi ngày, thi hành một cái chánh sách mới là chia lẻ bọn tôi ra, bao nhiêu người Nam kì đem nhốt qua bên khám tù nợ, y làm như thế là có ý ngăn cho đôi bên không được đồng mưu với nhau, chẳng biết cái ý kiến ấy do ở y hay là do ở đâu không biết? Anh em Nam kì thấy thế thì dùng dằng không chịu đi sau bức quá mới phải đi, cái thảm trạng lúc bấy giờ thiệt không bút nào mà tả cho xiết. Than ôi! anh em một nhà bị người ta chia xé, chia xé ở bên ngoài đã chán rồi, vào tới nhà tù cũng còn bị chia xé nữa. Tiên tổ nhà ta trông thấy một lũ cháu con suy đồi như thế có đau lòng không? Anh em đồng bào trông thấy cái cảnh chia rẻ như thế có lấy làm đau lòng không? Cái chữ Nam Kì (Cochinchine) Trung Kì (Annam) Bắc Kì (Tonkin) kia vì đâu đặt ra? Cái tiếng người Nam Kì (Cochinchinois) người Trung Kì (Annamite) người Bắc Kì (Tonkinois) kia từ đâu mà có? Kẻ vô tâm không biết giới ý, mà người thức giả thiệt lấy làm đau lòng!...

    Sau khi chúng tôi bị chia xé rồi, nhưng cái mục đích nhịn đói tới cùng cũng vẫn tấn hành không giứt. Đến buổi chiều hôm ấy thì quả nhiên có giấy của Bồi thẩm kêu một người trong bọn chúng tôi là ông Ng. Khánh Toàn qua hỏi, sau khi ông Toàn đã đi Bồi thẩm về rồi thì chúng tôi mới chịu ăn cơm, thế là việc nhịn đói tới đây kết cục.

    Việc nhịn đói tới đây kết cục, là một sự thành công của chúng tôi chăng, hay là một sự thất bại của chúng tôi thật không dám trả lời câu hỏi ấy; viên Bồi thẩm kêu qua hỏi là một dịp may mắn cho chúng tôi chăng, hay một dịp rủi ro cho chúng tôi chăng, tôi thật cũng không dám trả lời câu hỏi ấy. Duy có một điều làm cho tôi phải cảm động phải kính phục là trông thấy anh em đã đem hết can đởm nhẫn nại mà đối phó với việc nầy, như trong lúc đương nhịn đói chợt lục thấy trong hộp có mấy miếng sô cô la còn xót lại, mấy miếng sô cô la lúc nầy nó đối với cái vị giác thần kinh cảm xúc là dường nào, nếu không có đủ can đảm thì sao thoát li ra được. Vậy mà anh em đã không coi nó là người bạn cứu cấp, lại coi nó như một người thù địch muốn đến phá hại công cuộc của mình; trợn mắt mắm môi, đập nát ra như cám, rồi bỏ vô cầu tiêu cho tuyệt tích. Mạnh mẽ thay! Can đởm thay! Đập chỏ dìm thuyền(1), thành công chính ở chỗ ấy. Sau khi cuộc nhịn đói đã kết liễu rồi, chúng tôi không dám ăn cơm ngay, phải uống sữa cùng ăn cháo rồi sau mới lần lần ăn cơm. Tính lại nhịn đói vừa đúng ba ngày, sau đó có hai người mang bịnh phải đi nhà thương, còn những người kia cũng đến một tháng mới bình phục hẳn.

    Từ đó trở đi, hàng ngày lại cứ ăn uống vào ra như thường không có chi là đáng thuật. M. Nguyễn Huỳnh Điểu và Nguyễn Văn Long thì đã được tại ngoại hậu tra (liberté provioire), M.Phan Văn Trường thì chối không nhận làm chủ (Directeur) báo L'Annam, thế là công việc báo L'Annam về một mình ông Nguyễn Khánh Toàn gánh chịu, còn 12 người về việc làm lễ truy điệu, 2 người về việc làm báo làm sách, chánh phủ cũng "lờ" đi không hỏi gì đến nữa.

    Nằm mãi sốt ruột, thì lại viết thơ nói cho hả hơi. Khi đó ông Vũ Đình Di có gởi cho viên Phó Soái Nam kì một bức thơ phản kháng về việt trục xuất ngoại (expulsion) và cậu Trương Văn Thoại gởi cho Biện lí một bức thơ phản kháng về việc giam lâu; trong bức thơ ông Vũ Đình Di đại khái có những câu rằng: "cái đạo nghị định mà ông đã ra cho chúng tôi đó, chúng tôi thế nào cũng phản kháng cho đến cùng, dầu biết rằng sự phản kháng đó chúng vẫn ở vào bên thất bại v.v...", trong thơ cậu Trương Văn Thoại có những câu rằng: "Chánh phủ sợ ta chăng, thì đem ra mà xử tội đi; chánh phủ không sợ ta chăng, thì thả ta ra, chớ sao lại cứ giam hoài mà không đòi hỏi gì đến v.v...", nói chi thì nói cũng mặc kệ, không trả lời!...

    Cách ít ngày sau, thì có giấy Bồi thẩm kêu ông Nguyễn Khánh Toàn qua hứa rằng nay mai xét hỏi xong rồi sẽ cho nội bọn được tại ngoại hậu tra. Nghe tin được tại ngoại hậu tra, thiệt cũng không lấy gì làm vui mừng làm mong mỏi, song vẫn tưởng rằng lời nói của nhà pháp luật thì có thể tin được, ngờ đâu cũng một ngày một mất, ăn chực nằm chờ gần 2 tháng trời nữa, tới ngày 28 Septembre mới nhận được giấy đem tòa Tiểu hình Saigon để xử.

    Theo lệ thường bao giờ cũng vậy, phải qua Bồi thẩm xét hỏi rồi mới giao sang Biện lí mà đem ra tòa xử, vậy mà đối với việc chúng tôi nầy, trừ ra ông Nguyễn Khánh Toàn và tôi có qua Bồi thẩm một đôi lần, còn những người kia thì không đòi hỏi một lần nào cả, mà cứ việc đem qua tòa tiểu hình buộc tội. Lại còn những giấy tờ sách vở của chúng tôi khi xét bắt tại nhà, trừ ra những món gì quan hệ phải lưu lại không kể, còn thì đáng lẽ phải trả lại cho chúng tôi, chúng tôi đã có viết giấy đòi mà cũng không thấy tin tức gì cả.

    Trong giấy tòa đòi chúng tôi đến ngày 10 Octobre thì đem ra xử, khép vào điều thứ 91 luật hình đã sửa đổi lại về tội làm cách mạng, quấy rối trị an trong nước. Ủa! Mình đã là một nhà cách mạng rồi ư! Vậy thì muốn được cái danh cách mạng ở nước Nam lúc nầy cũng dễ nhỉ? Công việc cách mạng chỉ là đi cúng lễ mà thôi ư? Vậy thì muốn làm cách mạng ở nước Nam lúc nầy cũng không khó! Mình chỉ là một người học trò, mà ngày nay chánh phủ đã nhắc lên là một nhà cách mạng, người ta tôn mình há mình lại không biết tự tôn hay sao? Vô luận rằng sức mình còn kém, học mình chưa đủ, nhưng người ta đã tặng cho mình cái huy hiệu ấy thì mình cũng cứ việc nhận, tưởng chẳng hại gì! Sau khi chúng tôi đã nhận được trát đòi rồi, thì ai nấy trong lòng thơ thái, chỉ mong chóng tới ngày xử để coi công lí với cường quyền bên nào thắng bại? Ông Trần Hữu Độ và Lê Thành Lư thì đã đem ra tòa xử ngày 26 Septembre, tòa hoãn lại đến ngày 3 Octobre mới tuyên án, thì ông Độ bị 1 năm tù án treo, ông Lư bị 8 tháng tù treo, thế là trong tù đã vắng 2 người, còn lại 11 người là những người đã can vào việc làm lễ truy điệu cụ Lương Văn Can mà thôi.

    Sáng ngày 10 Octobre, ai nấy dậy sớm hơn mọi ngày, mặc quần áo xong rồi, thì đã có giấy bên tòa gọi qua. Xuống dưới hàng hiên đứng chờ một lúc, để họ sắp đặt đội ngũ xong rồi, mới dẫn chúng mình ra cửa khám. Vừa mới ra khỏi cửa khám thì đã trông thấy lính tây lính nam đứng sắp hàng một lượt, vây bọc xung quanh chúng tôi mà đi đề phòng rất là cẩn mật, mình cũng không ngờ cái sức "trói không nổi con gà" kia mà khiến cho người ta phải kinh khiếp đến như thế! Qua tới tòa rồi, chúng tôi ngồi tại hàng ghế đầu, có lính đứng luôn bên mình để canh giữ. Cảnh tượng tòa án thế nào chẳng phải kể ra đây chư độc giả hẳn cũng dư rõ, những màu sơn bên vách cùng những màu bóng đèn nhìn kĩ ra đều có dụng ý cả, 7 giờ 20 phút tòa bắt đầu xử, số người đi coi cũng khá đông, các viên phóng sự các nhà báo Tây Nam thì đều đủ cả. Chánh tòa (Président) là M.Sadoul, Biện lí (Procureur) là M.Lafrique, Thông ngôn là M.Lê Thành Tường, ngoài việc xử 14 người chúng tôi ra, thì lại có mấy người ở An Trường (Travinh) cũng dự vào trong số đó. Nguyên những người ở An Trường nầy cũng chỉ vì xin phép làm lễ truy điệu cụ Lương Văn Can mà bị chánh phủ buộc tội, đã do tòa Bồi thẩm Trà Vinh xét hỏi, nay đòi lên Saigon cùng xử chung với chúng tôi. Than ôi ở vào thời đại nước nhà ngày nay, trừ những kẻ lòng đen óc tối không kể, còn những người nào còn có chút tâm huyết, biết có cái tư tưởng quốc gia, biết đau đớn cho những người hiến thân cho nước, thì đều bị buộc vào tội, hãm vào lưới tròng cả. Ôi, xin phép làm lễ mà bị buộc vào tội làm loạn, làm loạn mà có xin phép, tưởng cũng là một câu chuyện lạ đáng đem công bố cho những người trong thế giới nầy ai nấy đều nghe!...

    Chuông rung, các người đứng lên làm lễ chào. Tòa bắt đầu hỏi những người ở Trà Vinh trước, kêu tên cả thảy 9 người là: Nguyễn Văn Chúc, Đoàn Văn Quí, Lê Quang Lộc, Nguyễn Văn Lễ, Lâm Kim Lợi, Lê Quang Trứ, Lê Quang Thơ, Lê Ngọc Hui, Nguyễn Phát Đạt. Khi quan tòa hỏi thì 9 người đều trả lời tiếng Annam, thái độ tự nhiên, không có lộ ra vẻ chi là vẻ run sợ. Đại khái nói rằng: chúng tôi đọc báo thấy nói cụ Lương Văn Can là một nhà đại ái quốc, đã từng cúc cung tận tụy vì nước vì dân, vậy nên chúng tôi tỏ lòng kính mến là làm lễ truy điệu. Song trước khi làm lễ, chúng tôi đã sợ chánh phủ không cho, nên mới gởi đơn xin phép, xin phép không được thì thôi, chớ có làm gì mà bảo rằng rối loạn trị an. - Viên chánh tòa hỏi ai đặt và viết ra cái đơn xin phép ấy, thì ông Nguyễn Phát Đạt nhận rằng mình viết, còn ông Lê Quang Trứ nhận rằng cháu là Lê Quang Thơ đặt. - Viên chánh tòa hỏi có mướn thầy kiện không, thì mỗi người đều trả lời rằng không có tội gì thì chẳng cần phải dùng đến thầy kiện biện hộ.

    Tòa hỏi xong mấy người An Trường rồi, kế kêu đến bọn chúng tôi, mà kêu ngược từ dưới trở lên(1).

    Thoạt đầu kêu ông Võ Khắc Thiệu: quán tại tỉnh Quảng Bình, (Trung kì) hiện trú tại Saigon.

    Viên chánh tòa hỏi: anh vô Saigon tự bao giờ?

    Ông Võ Khắc Thiệu trả lời: tôi vô để đi thi Tú tài, đã một tuần lễ nay.

    V.C.T. - Vậy chớ ngày tháng Juin anh vô đây làm gì?

    V.K.T. - Cũng để đi thi Tú tài.

    C.T. - Anh kí cái đơn xin làm lễ ở đâu?

    V.K.T. - Ở nhà ông Trần Huy Liệu.

    Đoạn kêu đến ông Hà Huy Giáp: 20 tuổi, làm việc tại Xả tây Saigon, quán tại Hà Tĩnh.

    C.T. - Anh vô Saigon khi nào?

    H.H.G. - Từ tháng Décembre 1926.

    C.T. - sao anh lại kí giấy làm lễ để nhơn đó xúi dân làm loạn?

    H.H.G. - Tôi vẫn quen biết cụ cử Can từ khi tôi còn ở Hà Nội. Khi đó tôi thường tới lui để thọ giáo cùng cụ. Tôi nhận biết cụ là một nhà đạo đức và lại là một nhà ái quốc nên tôi vẫn đem lòng hâm mộ. Gần đây tôi ở trong Nam nghe tin cụ mất, lại nhơn dịp có anh em rủ làm lễ truy điệu, nên tôi vui lòng mà nhận lời ngay.

    C.T. - Ai thảo cái đơn để xin phép?

    H.H.G. - Tôi không biết rõ, song lúc kí tên thì tôi kí ở nhà ông Trần Huy Liệu.

    C.T. - Anh có biết ông Lương Văn Can đã phạm tội liệng trái bom tại Hanoi Hôtel năm trước không?

    H.H.G. - Tôi có biết, song chúng tôi làm lễ truy điệu là cốt để kỉ niệm cái lòng nhiệt thành ái quốc của cụ Lương chớ có phải để kỉ niệm cái công cụ liệng trái bom ấy đâu!

    Kế đến cậu Trương Văn Thoại, 17 tuổi, làm loong toong ở báo Đông Pháp, người Gò Công.

    C.T. - Anh bị tội xúi dân làm loạn?

    T.V.T. - Nào tôi có tầu to súng lớn gì đâu mà bảo rằng làm loạn. Nguyên tôi thấy các báo cổ động làm lễ truy điệu cụ Lương Văn Can tại chùa Tập Phước Gia Định, nên tôi vui lòng tới đó làm lễ. Nếu chánh phủ không cho thì sao không cấm từ trước, lại để cho người ta cổ động xong rồi mới cấm, mà cấm một cách ngấm ngầm không ai biết. Ví biết như thế thì tôi có cần chi phải đến đó làm gì, tôi cứ việc làm lễ truy điệu ngay tại nhà tôi không được sao? Tôi không biết rằng cấm nên tôi mới đến, khi tôi đến gặp mấy người cũng tới đó hành lễ, họ mượn tôi treo cái câu đối lên gốc cây, thì tôi vui lòng ngay, không quản gì quần áo lấm láp, kế đó thì tôi bị lính kín bắt giam, giam tại bót hai ngày không cho ăn cơm. Ngày nay tôi làm lễ nhà chí sĩ mà cấm, ngày khác tôi cúng ông cúng cha cũng cấm tôi hay sao?...

    Trong khi cậu nói thì tay múa lên, viên chánh tòa thấy thế bèn bảo rằng:

    - Anh không được ra bộ như thế.

    T.V.T. - Đó là cái tự nhiên của tôi, không ai ngăn cấm được, muốn làm gì thì làm.

    C.T. - Anh có cần thầy kiện cải cho không?

    T.V.T - Còn có công lí gì nữa mà thầy kiện với thầy cò.

    Viên chánh tòa mũm mỉm cười mà nói rằng: không ai chặt đầu anh đâu!... kế kêu đến ông Châu Văn Muôn, 25 tuổi, quán Gò Công, làm việc tại Đông Pháp Thời Báo, ông Lê Tự Hựu , Tú tài, quán Quảng Nam, hiện trú tại Saigon làm nghề thợ may; ông Trần Văn Vân 33 tuổi, quán Mĩ Tho, hiện trú tại Saigon làm nghề thợ may, ông Trương Văn Thập, 29 tuổi, quán Bắc kì, hiện trú tại Saigon làm nghề thợ giầy. Mấy ông nầy lời khai phần nhiều giống nhau, đại để kháng nghị cái lời buộc tội kìa là vô lí, xin phép làm lễ không được thì thôi, chớ có chi mà gọi rằng rối loạn. - Viên chánh tòa hỏi ai thảo ra cái đơn xin phép ấy và kí đơn tại đâu? Thì mọi người đều khai rằng ai thảo đơn thì không biết, còn kí đơn thì tại nhà ông Trần Huy Liệu.

    Đoạn kêu đến ông Trần Văn Chức, người Trung kì, hiện tòng sự ti hỏa xa Saigon.

    C.T. - Anh có biết ông Lương Văn Can đã phạm vào tội liệng trái bom tại Hanoi Hôtel năm 1913 không?

    T.V.C. - Năm 1925 tôi ở Hanoi, có thường thường đến thọ giáo cùng cụ Lương, vậy tôi chỉ biết cụ Lương năm 1925 mà thôi, còn cụ Lương năm 1913 thì tôi không biết.

    Kế kêu đến ông Đinh Mai, 29 tuổi, người Hanoi, hiện làm việc nhà buôn tại Saigon.

    C.T. - Anh đã phạm vào tội làm rối loạn sự trị an trong nước.

    Đ.M. - Quan tòa buộc như thế là lầm! Nước tôi đã mất rồi, tôi có còn nước nữa đâu mà bảo rằng làm rối loạn sự trị an trong nước? Vậy Quan tòa cứ nói thẳng ngay rằng tôi đã làm rối loạn cái sự áp chế của chánh phủ nầy thì hơn.

    Viên Chánh tòa thấy nói bướng như thế thì không hỏi gì nữa.

    Kế kêu đến ông Cao Hữu Tạo, quán tại Bắc kì, hiện biên tập Đông Pháp Thời Báo.

    C.T. - Anh vô Saigon tự bao giờ?

    C.H.T. - Tự tháng Décembre 1926.

    C.T. - Mục đích để làm gì?

    C.H.T. - Để viết báo quốc ngữ.

    C.T. - Vậy chớ ở Bắc không có báo quốc ngữ sao mà anh phải vô Nam?

    C.H.T. - Ở Bắc vẫn có nhiều báo quốc ngữ, song vô Nam tiện cho tôi hơn, vì tôi có quen với nhiều anh em làng báo trong Nam kì.

    C.T. - Sao anh lại bày ra cuộc truy điệu ông Lương Văn Can để làm hại đến sự trị an trong xứ.

    C.H.T. - Chúng tôi chỉ muốn làm lễ cúng mà thôi, chớ có muốn xúi dân làm loạn làm gì, chánh phủ qua đây đã cướp hết quyền tự do của chúng tôi, còn một cái quyền tự do tín ngưỡng nữa mà cũng cướp nốt.

    Kế kêu đến ông Nguyễn Văn Hòa, quán Hải Phòng, làm việc tại nhà buôn Saigon.

    C.T. - Anh phạm tội trọng làm rối loạn cuộc trị an trong xứ.

    N.V.H. - Tôi có làm gì mà bảo rằng rối loạn cuộc trị an. Nguyên cụ cử Lương Văn Can là thầy dạy tôi chữ Nho, tới khi nghe tin cụ mất, tôi cùng mấy ông bạn học rủ nhau làm lễ truy điệu. Theo như phong tục nước tôi thì dân gian ai muốn cúng lễ việc gì không cần phải xin phép. Tuy vậy mà chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi ngày nay đương bị ở dưới quyền cai trị của người Pháp, nên trước khi làm lễ, chúng tôi đã có gởi đơn xin cẩn thận, nếu chánh phủ không cho phép thì chúng tôi thôi, chớ ai đã làm gì mà buộc rằng rối loạn? Chánh phủ bắt chúng tôi giam lại, chánh phủ đã phạm vào cái tội cướp quyền tự do tín ngưỡng của người. Ngay đến như thằng Tàu ngày trước cai trị nước tôi, nó cũng còn nén được cái tấm lòng dã man của nó lại, là cho chúng tôi được cúng lễ tự do thay, huống chi là đối với chánh phủ Pháp nầy! Tôi vẫn biết rằng hồi sanh tiền cụ Lương Văn Can đó là kẻ thù của một đám quan lại Pháp vô đạo ở xứ nầy, nhưng nói cho thiệt ra thì cụ quyết không khi nào phạm tội sát nhơn mà chánh phủ đã buộc đó. Vậy thì chúng tôi làm lễ cụ há phải là tán dương một kẻ đã có mang tội ác hay sao?

    Kế kêu đến ông Vũ Đình Di, quán Nam Định, hiện trú tại Saigon, làm nghề dạy học và viết báo.

    C.T. - Anh đã phạm tội làm rối loạn sự trị an trong xứ.

    V.Đ.D. - Nếu có đủ bằng cớ thì chúng tôi chịu ngay, bằng không đủ bằng cớ thì chúng tôi quyết không khi nào chịu nhận. Viên chánh tòa cũng không buồn hỏi nữa. Kế kêu đến Trần Huy Liệu tức là tôi 22 tuổi, quán Nam Định, làm nghề viết báo tại Saigon. Nguyên theo thứ tự kí tên trong lời khai thì đầu hết là ông Nguyễn Khánh Toàn, ông Vũ Đình Di rồi đến tôi. Hôm nay tòa cứ kêu hỏi tự dưới trở lên, vậy thì đáng lẽ kêu tôi hỏi xong rồi mới kêu đến ông Vũ Đình Di là phải, song viên chánh tòa đã kêu tôi rồi lại hoãn lại kêu ông Vũ Đình Di hỏi trước.

    Viên chánh tòa cũng vẫn có một câu sáo cũ: anh(1) đã làm hại đến sự trị an.

    Tôi trả lời: trước hết quan Tòa hãy cho tôi biết rằng tôi đã làm việc gì mà bảo rằng có hại đến sự trị an.

    C.T. - Thì như việc phát truyền đơn (trac) rủ người làm lễ truy điệu ông Lương Văn Can đó.

    T.H.L. - Chánh phủ Pháp cho cụ Lương Văn Can là người thế nào thì chúng tôi không biết; còn riêng về phần chúng tôi thì nhận cụ Lương Văn Can là một nhà đại ái quốc, vậy nên tới khi cụ mất đi, chúng tôi vì tấm lòng thương nước thương người chí sĩ mà làm lễ truy điệu. Cái việc làm lễ truy điệu đây là thuộc về tôn giáo, chớ chẳng phải thuộc về chánh trị. Chúng tôi thường nghe rằng một chánh phủ nào dầu áp chế đến đâu chăng nữa, cũng chỉ áp chế nhơn dân về đường chánh trị đã là quá lắm rồi chớ không khi nào nỡ áp chế nhơn dân cả về đường tôn giáo. Ngay chính như chánh phủ Tàu ngày trước cai trị nước tôi là một chánh phủ dã man cực điểm, vậy mà cũng không nỡ cướp quyền tôn giáo của chúng tôi, coi ngay như ông Trần Hưng Đạo và còn nhiều ông nữa chính là đại thù nghịch của quân Tàu, khi sống đã giết chết bao nhiêu người Tàu, vậy mà tới khi chết rồi, người nước tôi lập đền thờ phụng, mở hội cúng tế, người Tàu cũng cứ để cho được tự nhiên. Như chánh phủ Pháp ngày nay, đã tự nhận là một chánh phủ văn minh, tự do (liberté) bình đẳng (égalité) bác ái (fraternité), vậy mà đối với chúng tôi đã cướp hết quyền tự do về chánh trị rồi, lại cướp đến cả quyền tự do về tôn giáo nữa hay sao? Huống chi trước khi làm lễ, chúng tôi đã gởi lời khai rồi, nếu chánh phủ cho là có hại đến việc trị an, thì sao không cấm trước ngay đi, hay là đợi để đến khi làm lễ xong rồi, quả nhiên có hại đến sự trị an thiệt rồi sẽ bắt. Cái nầy không thế, lời khai của chúng tôi gởi đã đến 3, 4 ngày, không thấy nói sao, rồi bỗng theo phép lịch sự, trả lời ngay cho chúng tôi bằng một đạo nghị định đuổi 8 người về xứ; kế trả lời luôn cho một cái trát bắt 14 người tống vô khám; giam đến 4 tháng nay mới đem ra xử, cái cách ăn ở như thế, vậy thì chánh phủ phải hay là chúng tôi phải?

    C.T. - Ông Lương Văn Can đã phạm vào tội liệng trái bom chết hai viên quan tư tại Hà Nội, vậy mà ngày nay anh cúng tế ông ấy tức là cúng tế cái tội lỗi của ông ấy.

    T.H.L. - Cụ Lương Văn Can có phạm vào cái tội ấy hay không, hiện bây giờ tôi không phải là người thầy kiện cho cụ Lương mà cải lẽ rằng không. Nhưng tôi chỉ buồn cười cho đường đường một cái chánh phủ, mà đến căm thù với một người đã chết, rồi lại căm thù đến cả những người làm lễ người chết ấy nữa thì hèn lắm.

    C.T. - Anh chủ trương làm lễ nầy phải không?

    T.H.L. - Không cần phải ai chủ trương cả, nghe nói làm lễ truy điệu một nhà ái quốc thì tự nhiên ai cũng sẵn lòng, hoặc đến báo quán Đông Pháp, hoặc đến nhà tôi mà kí giấy xin làm lễ, chớ tôi không phải đi đến nhà ai mà mời mọc rủ ren gì?

    C.T. - Cớ sao trong đám người kí tên làm lễ đây, chỉ có 2 người Nam kì thôi, còn thì toàn là người Trung Bắc cả.

    T.H.L. - Người Nam hay là người Bắc đều là người Annam cả.

    C.T. - Anh cổ động trên tờ báo đã chán rồi, cần chi phải phát truyền đơn (trac) nữa.

    T.H.L. - Giấy truyền đơn (trac) đó cũng như giấy cáo phó của một đám táng, không lấy gì làm lạ.

    Viên chánh tòa lại có đem ra hỏi cả cái bức thơ của anh Hoàng Phạm Trân gởi cho tôi mà đã dịch ra chữ Pháp rồi. Tôi hỏi quan tòa hỏi cho biết vậy thôi, hay là muốn đem bức thơ ấy ra buộc tội tôi, thì viên chánh tòa đáp rằng hỏi cho biết mà thôi, vậy thì tôi cũng bất tất phải biện bạch gì nữa.

    Kế kêu đến ông Nguyễn Khánh Toàn, người Nghệ An, làm nghề viết báo tại Saigon.

    Viên chánh tòa hỏi về việc đã đánh mấy cái giấy thép (Télégramme) ra mấy tỉnh Trung kì để cổ động làm lễ cụ Lương thì ông Toàn đều nhận rằng có. Kế lại hỏi về việc báo L'Annam thì ông Toàn cũng nhận gánh vác trách nhiệm cả.

    Từ nãy tới giờ, chúng tôi không một ai phải dùng tới thầy kiện, dẫu người ngoài đã đem tiền mướn thầy kiện Monin rồi, song hôm nay chúng tôi cũng không bằng lòng để cho thầy kiện Monin cãi hộ. Tới khi tòa hỏi xong rồi, thầy kiện Monin chạy lại bắt tay ông Nguyễn Khánh Toàn mà nói rằng: các anh cải lẽ hùng hồn lắm, không cần phải mượn đến tôi cũng phải.

    Tòa nghỉ 15 phút mới lại bắt đầu xử, khi đó viên Biện lí Lafrique mới đứng lên mà buộc tội chúng tôi rằng:

    Cụ Lương Văn Can là người sáng lập nên hội Đông Kinh nghĩa thục, và gởi tiền cho các tay cách mạng xuất dương. Năm 1913 rồi đây, lại phạm vào tội liệng trái bom chết hai viên quan tư, đã có đem ra tòa Đại hình Hanoi nghị xử. Con cụ Lương Văn Can là ông Lương Ngọc Quyến gây nên trận Thái Nguyên năm trước, giết hại người Pháp không biết chừng nào. Vậy mà ngày nay mấy người nầy họ làm lễ truy điệu tức là họ công nhận cái việc làm đã nói trên kia, và xúi dục nhơn dân nhớ đến chuyện xưa để hòng bắt chước, cứ coi cái thái độ của họ vừa rồi, thì rõ ràng là họ nghịch hẳn với người Pháp, không còn kiêng nể gì nữa. Trong bọn nầy chỉ có 2 người Nam kì, còn đều là người Trung Bắc kì cả. Tôi ở Nam kì đã lâu, tôi biết rõ tánh tình người Nam, người Nam vốn thẳng thắn trung hậu, song phải cái thiệt thà quá, nên trong mấy năm nay, bị một bọn phiến loạn ở Bắc kì vào đây, múa men ngòi bút để làm cho mê hoặc người Nam kì, đã từng gây nên nhiều cơn sóng gió, làm cho trong xứ không được yên. Như việc cổ động làm lễ nầy, do hai tờ báo là Đông Pháp Thời Báo và L'Annam làm cơ quan, người Nam kì lầm tin nên bắt chước làm bậy, cứ coi như Trương Văn Thoại loong toong báo Đông Pháp kia, mới còn là một đứa trẻ con, mà ngày nay ra tòa dám nói những câu như vậy, ấy chỉ là đọc báo Đông Pháp lắm, bị cái ngòi bút của một bọn người Bắc kì kia nó cám dỗ sâu xa đến như vậy. Xét ra nước nào cũng có một hạng người chỉ hay phiến loạn như thế, vậy tòa án phải vì sự ích lợi của nhà nước Pháp và dân thuộc địa, mà trừng trị bọn ấy cho thật nghiêm ngặt. Xét ra những người Nam kì đây có lẽ cũng chỉ vì quá tin mà nghe theo bọn kia thôi, chớ không phải chủ ý, vậy xin cho được thả bổng, còn những tên ở Trung Bắc kì thì phải đem mà trị tội, nhứt là hai tên Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu là hai tên rất nguy hiểm, thì phải trị tội một cách rất nặng nề mới xứng đáng. Ngỏ tự sau ở xứ Nam kì nầy dừng lại xảy ra những việc như thế nữa, trong xứ có yên ổn, thì mới mong thực hành khai hóa được.

    Viên Biện lí Lafrique cáo tội xong, tôi vừa đứng lên muốn xin phép viên Chánh tòa để trả lời lại, thì tòa đã bải rồi, theo lệ mỗi khi Biện lí buộc tội xong, viên chánh tòa hỏi còn ai muốn nói gì nữa không thì đứng ra nói, hôm nay ngoài ông Nguyễn Khánh Toàn đứng ra nói được đôi câu, còn thì không ai được biện bạch một tiếng nào trong lúc cuối cùng cả.

    Nghe xong, tòa hoãn lại 8 ngày mới tuyên án.

    Sau khi xử án chúng tôi rồi, thì dư luận các báo nổi lên, trừ những báo quốc ngữ là báo chưa được ngôn luận tự do không kể, còn những báo chữ Pháp như La Tribune Indochinoise l'Écho Annamite là báo của người mình đã đành rồi, đến cả các báo của người Pháp như L'Ôpinion, Saigon Républicain nhứt là tờ báo vốn nghịch với người Annam tự thuở nào, vậy mà đối với việc xử án chúng tôi đây cũng phải phát ra câu nói rằng: "chánh phủ làm việc nầy thật là thất sách, chẳng qua là để cho một bọn ra tòa thống mạ chánh phủ mà thôi, chớ không được việc gì cả"

    Trong tám ngày nằm chờ trong khám cũng không có gì lạ đáng thuật, đến ngày 17 Octobre tuyên án thì ai nấy được tha, duy có ông Nguyễn Khánh Toàn bị 1 năm tù án treo. Thế là không có tội gì mà nằm 4 tháng tù, 4 tháng tù ấy cho chánh phủ vay không biết đến bao giờ trả? Cái ân đức của chánh phủ biết đến bao giờ quên!...

    Tuy vậy mà Biện lí kia còn chửa bằng lòng, nên còn chống lên tòa trên (Cour d'appel) nữa.(1) Chúng tôi đã được lịnh ra khỏi khám rồi, ai nấy có đồ gì gởi trước thì lấy lại, viên Xếp khám phát cho mỗi người một cái giấy chứng nhận rằng đã được thả ra, khi ra cửa khám trao trả đính bài (Numéro d'écrou) lại, trong lúc nầy muốn có một bài thơ lưu giản, nhưng cũng không còn gan ruột nào mà nghĩ nữa.

    Lúc chúng tôi đương sửa soạn ra khám, thì trước cửa khám có xe hơi của sở lính kín chực sẵn, người lính mật thám chạy vào nói rằng chúng tôi phải trục xuất cảnh ngoại ngay tự chiều hôm nay thì đáp tầu về Bắc. Chúng tôi nghe nói cũng không lấy gì làm lạ, song khi tới sở lính kín biên lấy chỗ ở rồi thì lại bảo chúng tôi về. Vậy còn có hai câu hỏi nữa rằng: lên tới tòa trên (Cour d'appel) chúng tôi có bị buộc tội nữa không? Và ít lâu nữa cái nghị định trục xuất ngoại cảnh có thi hành không? Thủng thẳng trả lời...

    Câu chuyện ở tù đến đây tạm ngừng. Nay xin trích đăng một bức thơ tôi đã gởi cho một người bạn sau khi ra khám được mấy bữa, gọi là kết thúc cuốn sách nhỏ nầy.

    "Anh Quốc Sỉ,

    "Em xin báo tin cho anh biết rằng: em đã ra khỏi nhà tù rồi, trước kia còn ở trong khám em có gởi cho anh một bức thơ, trong bức thơ ấy có câu rằng: "Ở tù cũng không lấy gì làm buồn", vậy thì ngày nay ra tù có lẽ "cũng không lấy gì làm vui", anh là người biết em, nên em không phải nói nhiều. Câu chuyện ở tù thế nào? Em đương viết cuốn "ngục trung kí sự", nay mai xong thì đem xuất bản, anh sẽ thấy được tỏ tường, chớ một bức thơ nầy không sao thuật hết.

    "Anh ơi! Quốc sự phạm không phải là một cái tên xấu, song em thiết tưởng như em mà đã mang tiếng quốc sự phạm thì thật trong nước cũng không có người! Hay có người mà không ra mặt chăng? Ôi! Cái tuổi thanh niên nầy đáng lẽ còn là cái tuổi đọc sách, tấm lòng thương nước thì lọt lòng ra đã phải có, song gánh vác việc nước thì phải đợi ở sau cái lúc đã tài toàn đức bị rồi, thiệt em chưa muốn thể mà ngày nay đã ra như thể, vì cảnh ngộ xui khiến chăng, vì bổn phận bắt buộc chăng, đều là việc đã qua rồi, em chỉ còn trông ở tương lai mà thôi.

    "Hiện nay số người quốc sự phạm ở nước ta cũng không phải là ít, nhưng sau khi đã được cái tiếng quốc sự phạm rồi thì thái độ cũng nhiều khi thấy khác nhau, trừ những người nhiệt thành ái quốc, trước sau theo đuổi một chủ nghĩa, hoạn nạn không đủ sờn lòng, phú quí không đủ bợn dạ, không vì cái hư danh mà thay đổi cả nhơn cách thì không kể; còn thì sau khi quốc sự phạm mà xoay làm lính kín, sau khi quốc sự phạm mà rủng chí ngả lòng; hay coi quốc sự phạm như một cái bằng cấp riêng, sau khi đã lãnh được cái bằng cấp ấy rồi, thì lên mặt lên râu, nói dóc nói láo, dối dân gạt chúng mà chẳng làm nên công việc gì, vậy thì nhiều cái hạng quốc sự phạm như thế là một đều hạnh phúc cho quốc dân hay đại họa cho quốc dân? Danh dự cho quốc dân hay điếm nhục cho quốc dân?

     

    "Em nay nhờ ơn chánh phủ Pháp cũng là một người quốc sự phạm rồi, đối với tương lai vừa mừng mà lại vừa sợ. Mừng mừng sợ sợ, anh thử đoán xem."

    TRẦN HUY LIÊU

    Ai mua sỉ cùng mua lẻ xin gởi cho

    Ông ĐÀO NINH

    143Bd. Albert 1er Saigon.

     

    Anh em, chị em yêu quí!

    Sau khi chúng tôi ra khám rồi, nghe được nhiều câu chuyện rất buồn, số là nghe nói có một bọn vô lại kia đã nhơn việc chúng tôi bị bắt mà đi quyên tiền tại lục tỉnh và Saigon, kẻ thì nói lấy tiền mướn thầy kiện; kẻ thì nói để cứu giúp cho gia quyến, kẻ thì nói để bôn tẩu việc nọ việc kia, nói rút lại thì đều là quân lừa đảo ăn cắp cả. Vậy chúng tôi xin tuyên bố với anh em chị em yêu quí rằng: chúng tôi không can thiệp đến ai và cũng không nhận ai cứu giúp cả, duy có cơm ăn ở ngoài gởi vào là do một người bạn bỏ tiền túi ra cung cấp mà thôi. Riêng về phần tôi (Trần Huy Liệu) và M.Cao Hữu Tạo lại tuyệt không dám dính dáng đến ai cả, số tiền cơm mỗi tháng 15$00 và số tiền người ngoài mướn thầy kiện 50$00, do bà Nguyễn Kim Đinh xuất ra, thì chúng tôi bằng lòng trừ vào tiền lương cả. Cũng là sự bất đắc dỉ nên phải nói rõ ràng ra đây, người nào đã nhận làm việc bổn phận của mình thì không dám trông nhờ đến ai, còn ai đã vì lòng nghĩa hiệp mà giúp đỡ, cũng nên xét coi kẻ giả người chân thế nào, thì mới không bị những quân vô lại kia lừa dối được. - Đôi lời bày tỏ, anh em chị em yêu quí biết cho.

    TRẦN HUY LIÊU

    143 Boulevard Albert 1er

    SAIGON

    Cường Học Thư Xã

    Vì đâu mà nước ta chưa giải thoát? Vì trình độ dân ta còn thấp. Trình độ dân ta còn thấy vì đâu? Vì học thức dân ta còn kém cõi tinh thần dân ta còn ủy mị, gia dĩ cái nền đạo đức của dân ta lại thấy càng ngày càng suy đồi. Phàm là thức giả ai cũng công nhận lẽ đó. Vậy ngày nay muốn giải thoát cho nước ta phải thế nào? Trước hết phải nâng cao cái trình độ dân ta lên. Muốn nâng cao cái trình độ dân ta lên phải thế nào? Trước hết phải làm cho dân ta khai thông tri thức, làm cho dân ta phấn khởi tinh thần, nhứt là về đường đạo đức lại càng cần phải duy trì, cần phải tăng tiến.

    Muốn đạt được cái mục đích ấy để cầu cho nước nhà giải thoát thì phải thế nào? Trước hết phải có những sách về đạo đức, về tri thức, về tinh thần cho quốc dân ta đọc. Một nhà đại hiền triết phương Đông về đời này có nói "độc thư di cứu quốc", nghĩa là đọc sách để cứu nước. Vậy thì cái đội quân tiên phong cứu quốc chẳng phải ở các nhà trước thuật có tâm huyết thì là ai.

    Chúng tôi nghĩ như vậy, nên lập cái thư xã nhỏ mọn nầy, đặt tên là Cường học thư xã. Người trong thư xã, đều là các bạn đồng chí, cùng nhau theo đuổi một mục đích là giữ đạo đức, mở tri thức, chấn tinh thần để nâng cao cái trình độ quốc dân ta lên. Vậy những sách của "Cường học thư xã" chúng tôi chỉ chuyên theo có một tôn chỉ đó mà thôi.

    Thư xã chúng tôi định mỗi tháng đều có xuất bản sách, vậy ai mua đồng niên sẽ được giá hạ hơn, là 5% khi sách xuất bản chúng tôi sẽ gởi đến tận nơi theo lối imprimé recommandé, ai mua xin gởi theo trước một số tiền tùy theo nhiều ít chúng tôi sẽ gởi sách mà trừ lần, còn ai mua sỉ(1) từ 100 cuốn trở lên thì sẽ được hoa hồng là 25%, từ cuốn 100 trở xuống thì trừ tiền hoa hồng là 20%, tiền cước gởi đi bổn xã chịu. Số tiền hoa hồng định theo đây so với thường lệ bán sách ở xứ Nam kì thì rất là ít ỏi, song xin biết cho rằng những sách của bổn xã xuất bản chẳng phải như những sách khác, lại để giá hạ để cho nhiều người có thể mua được mà đọc. Và những nơi lãnh sách bán sỉ cho bổn xã tức là bạn đồng chí với bổn xã; cốt muốn đem cái tư tưởng cần ích mà truyền bá cho quốc dân thì tưởng nên lấy nghĩa làm lợi; kẻ viết đã vì công ích mà viết, người bán tưởng cũng nên vì công ích mà bán giùm cho.

    Bổn xã đã định cái chương trình như thế, vậy những anh em chị em trong nước ai biểu đồng tình xin hiệp tác với bổn xã mà đi cho đạt mục đích. Những sách trước thuật dịch thuật hiệp với tôn chỉ trên đây mà không tiện xuất bản thì xin cứ gởi lại bổn xã; bổn xã đã in một thể lệ riêng về việc xuất bản sách.

    (còn tiếp)

    Nguồn: Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, tập 2. Nguyễn Q. Thắng sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. Trọn bộ 4 tập, hơn 5000 trang khổ lớn 16 x 24 cm. NXB Văn học, 2007-2008.

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,227,162

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!