Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,875,932

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Viết Lãm: Cánh chim hồng bay đi/ Dấu còn in trên tuyết

Tư liệu

  • Thứ năm, 18:50 Ngày 28/02/2013
  • Tôi vẫn nhớ, trong không gian mờ tối của căn gác sàn lát gỗ cũ kỹ ở ngôi trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng một ngày vào năm 1979, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm mắt sáng lên với xúc động chân thực của một nghệ sĩ, thông báo đến các tác giả thành phố về cuộc chiến tranh khốc liệt đang diễn ra ở biên giới Tây Nam. Ông nói rằng việc bộ đội Việt Nam đang làm ở Campuchia là hành động trượng nghĩa của những hiệp sĩ. Tôi chú ý đến từ “Hiệp sĩ”. Đó là một từ đặc biệt khi đó không ai dùng, thậm chí còn e ngại vì tính cổ điển khiến có thể bị suy diễn theo nghĩa xấu. Nhưng tôi thấy trong trường hợp này, đó là một từ rất xác đáng, có màu sắc lãng mạn, với ý nghĩa thật đẹp đẽ. Sau đấy ít lâu, tôi tham gia đoàn chuyên gia Việt Nam sang Campuchia trong một chương trình trợ giúp tổng hợp. Suốt những chặng đường loang lổ hố bom đạn còn bốc khói luôn rình rập những mũi súng bắn tỉa và những bẫy mìn của đám phiến quân Pol Pot, tôi mang theo trong đầu ý nghĩa của từ “Hiệp sĩ” để tự trấn an. Khi thiết kế đài tưởng niệm những liệt sĩ Việt Nam và Campuchia trên một đỉnh đồi cao ở Compongsom, tôi đã dùng hình tượng hai thanh kiếm chống xuống đất cạnh nhau, như cách người ta để lại vũ khí trên nấm mồ của những hiệp sĩ thời xưa. Sau này tôi nói lại với Nguyễn Viết Lãm điều đó, ông cười tỏ ra rất thú vị vì thấy được công dụng mạnh mẽ của ngôn từ.

     

    Nguyễn Viết Lãm ở trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Hôm đưa đoàn chuyên viên Bảo tàng Văn học của Hội đến gặp Nguyễn Viết Lãm, tôi được thấy bức ảnh ông đang đọc bản kiểm tra tư cách các đại biểu với cương vị trong Ban Tổ chức đại hội Nhà văn Việt Nam ngày 23 tháng 4 năm 1957. Nhà văn Nguyễn Đình Thi là Tổng thư ký và nhà thơ Nguyễn Viết Lãm là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn khoá đầu tiên ấy. Năm 1954, trước khi thành lập Hội Nhà văn, tuần báo Văn nghệ được xuất bản thay thế tạp chí Văn nghệ trong kháng chiến, có sự tham gia của ông cùng các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Thanh Châu, Lê Đại Thanh.

     

    Năm 1962 nhà thơ Nguyễn Viết Lãm cùng nhà văn Nguyên Hồng được Hội Nhà văn cử về Hải Phòng tổ chức thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Ông ở lại thành phố Cảng từ đó cho đến khi mất ở tuổi 95.

     

    Nguyễn Viết Lãm là bạn tâm giao của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử và nhiều văn nhân danh tiếng khi ông sinh hoạt trong nhóm thơ Quy Nhơn từ năm 1936. Thời ấy, mới non 20 tuổi, ông đã có thơ, truyện ngắn, tiểu luận đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, Tiểu thuyết Thứ Năm, Sông Hương, Tao Đàn... ký tên Việt Chi, Nguyễn Hạnh Đàn, Tường Khanh... Ông còn là dịch giả chuyển sang Việt ngữ các tác phẩm của Aragon, Eluard, Nazim Hickmet, Jébéléanu, Andersen, những nhà thơ Pháp hiện đại, và ông còn dịch cả Rabindranath Tagore nữa. Tôi thực sự thán phục những ai dịch thơ Tagore cho dù dịch từ Anh ngữ hay Pháp ngữ. Vì không dễ dàng gì khi truyền cho người đọc Việt Nam những vần thơ trữ tình linh diệu, sự lãng mạn vô biên độ hàm chứa tinh túy triết học phương Đông của nhà thơ châu Á đầu tiên được giải Nobel văn chương này. Tác phẩm của Nguyễn Viết Lãm đã được dịch giới thiệu ở Pháp, Canada, Hungari, Anbani, Ba Lan... Có lẽ vì Nguyễn Viết Lãm dùng nhiều bút danh cho các tác phẩm văn học nên người ta không biết nhiều đến tên chính của ông chăng?

     

    Phong trào Thơ Mới được coi là cuộc vượt thoát ngoạn mục khi các nhà thơ rũ bỏ những niêm luật khô cứng của cổ thi Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước để đến với thơ phương Tây. Bây giờ, lùi xa hơn để nhìn nhận một cách công bằng thì sự thay đổi ấy vẫn chỉ là “dùng chiếc bình sứ đời Đường để đựng rượu Tây”. Tuy thế nhiều nhà Thơ Mới vẫn không dứt khỏi những mây Tần, gió Sở, tuyết sương ải Nhạn,...vẫn Cô Tô thành, bến Tầm Dương, lầu Hoàng Hạc,... với những Hạng Vũ, Ngu Cơ, Đường Minh Hoàng, Dương Quý phi,... Còn Nguyễn Viết Lãm khi ấy tuy viết những bài thơ hình thức Đường thi nhưng đã không viện đến điển cố hay địa danh của Trung Hoa. Ông có bài thơ đề “tặng Ân Ngũ Tuyên”, một tên khác của nhà văn Nguyễn Tuân theo lối hoán tự. Bài thơ viết về người bạn văn nổi danh giang hồ với cái “thú xê dịch”, người luôn “thiếu quê hương” có câu đặc sắc rất riêng biệt so với các tác giả khác thời đó: Chân say dặm mới, chân mây lạ/ Mộng hướng đời theo vết lạc đà... (Sông hồ - 1940). Cho dù câu thơ có gợi đến vùng sa mạc Taklamakan Trung Quốc đi chăng nữa thì ta vẫn có thể hình dung ra một lãng tử người Việt trong đoàn thương gia trên con đường tơ lụa sang xứ Tây Á.

     

    Năm 1942, Đoàn Phú Tứ - cây bút nòng cốt của nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm tác giả có tinh thần tiên phong trong lý luận văn học và thơ, viết bài thơ “Màu thời gian” được đánh giá cao về sự đổi mới, nhưng vẫn còn những câu: ...Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng quân vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng... Trong khi ấy Nguyễn Viết Lãm viết bài thơ “Màu đi” với những câu thơ mà bây giờ, sau hơn 70 năm, đọc lại vẫn có thể khiến chúng ta ngạc nhiên:

     

    ........

     

    Anh lắng giữa đêm dài

     

    Khe khẽ tiếng màu đi

     

    Qua những kẽ bàn tay không cầm hương được nữa

     

    Qua những kẽ thời gian rạn vỡ

     

    Sáng sáng anh tìm

     

    Một chút màu xưa nhạt mất trong đêm...

     

    Nguyễn Viết Lãm ở trong số ít tác giả Thơ Mới có những câu thơ mà ông vận dụng kỹ thuật tạm gọi là “thuật đồng từ” với sự cố ý dùng lẫn từ loại. Ví dụ, trong bài Trăng vào cửa tháp (1937) có câu “Vành nôi xưa bặt tiếng ru Hời”. Ông đã cố ý ghép từ “ru” với từ “Hời” một cách tài tình để biểu đạt ý: tiếng “ru hời” cũng là tiếng “ru dân tộc Hời” hãy yên nghỉ. Và “hời” còn là tiếng khóc than nữa. Tôi nhớ, và cảm thấy một chút tiếc khi cả tập thơ “Điêu tàn” Chế Lan Viên khóc thương dân tộc Hời đã không thấy có sự vận dụng đắt giá về cái từ “Hời” ấy.  

     

    Sau này, Quang Dũng viết bài thơ “Chiêu Quân” dùng thuật này với điệp khúc “Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang” đã đem các từ hồ, xừ, xang, xư, líu, ú, liu, cống... là tên các notes của cổ nhạc lẫn với những từ sang cống Hồ (kể sự việc) làm thành nền âm thanh réo rắt cho tình sử bi thảm của nàng Chiêu Quân. 

     

    Tôi hân hạnh ở trong số người được Nguyễn Viết Lãm đối xử với “lòng yêu mến và tình anh em của người bạn văn vong niên” như lời đề tặng tôi trong cuốn sách của ông (Tuyển tập Nguyễn Viết Lãm - NXB Văn học – 1997). Nhà văn Cao Năm đã có những bài viết về thơ ông. Nhà văn Đình Kính đã làm bộ phim tư liệu về Nguyễn Viết Lãm cho đài truyền hình VTV3. Còn tôi, lúc này ân hận vì đã mấy lần toan viết về ông, về những tác phẩm của hai ông bà tặng tôi, nhưng rồi cứ nấn ná chưa viết; nghĩ rằng, nói về một người như ông phải nghiền ngẫm thật kỹ lưỡng; để rồi bây giờ ông không thể đọc được bài viết này.

     

    Nguyễn Viết Lãm là người đa tài trong văn chương. Ngoài thơ, truyện, ký và dịch thuật, ông viết cả nghiên cứu lý luận. Những luận điểm của ông trong các vấn đề văn học, chính trị, xã hội đã biểu thị học vấn của một trí thức hoàn hảo. Trong một hội thảo về truyện ngắn, ông đã có những ý kiến rất xác đáng và hữu ích về một truyện ngắn của tôi, dù ý kiến đó không hẳn là những lời khen ngợi.

     

    Có lần tôi đến thăm, thấy ông nằm trên chiếc ghế dài đọc sách. Ông nhặt tập truyện ngắn của tôi tặng ông đã lâu trong mấy cuốn sách đặt bên đầu, cười đùa: “Mình gối đầu sách của Bão Vũ đấy”. Ông có nụ cười và ánh mắt hóm hỉnh thông thái, trong sáng với giọng nói Quảng Ngãi giàu biến âm rất vui tai khi ông nói những chuyện bông đùa với chúng tôi. Nguyễn Viết Lãm thuộc thế hệ những nhà văn nhiệt huyết, giàu tri thức và đa tài ngày nay rất hiếm hoi, mà chỉ đến khi họ mất đi rồi ta mới thấy hết giá trị lớn lao của họ. Và ta cũng thấy một điều đáng buồn là không thể lấp đầy khoảng trống vắng khi không còn họ.

     

    Tôi nghĩ, hình như đã có một sự thiếu sót khi văn học sử Việt Nam chưa đặt nhà thơ Nguyễn Viết Lãm ở một vị trí xứng đáng hơn với tài năng, nhân cách và công lao của ông. Chúng ta đều biết có những tác giả được tôn vinh chỉ với một bài thơ, thậm chí chỉ với một câu thơ.

     

    Chúng tôi đã từng tìm cách giúp ông xuất bản một tập sách gồm những bài viết về tư liệu lịch sử văn học thời tiền chiến, nhưng không có kết quả vì vấp phải đặc thù về thương mại của ngành kinh doanh sách. Hy vọng rồi đây, như một sự tưởng thưởng những cống hiến của ông cho Văn học nước nhà, tập sách đó sẽ được xuất bản.

     

    Nhà văn Nguyễn Viết Lãm cùng các nhà văn và lãnh đạo TP Hải Phòng (ảnh: Báo Hải Phòng)

     

    Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng Nguyễn Viết Lãm ở khá xa trung tâm thành phố. Ngoài sân nhà có giàn dây leo rủ xuống những dải hoa mà ông bà gọi tên là “Rèm Hoàng hậu”. Bà Đoan Trang, vợ ông, một người đàn bà nhỏ nhắn, yêu chiều chăm sóc ông chu đáo với nhiệt tình và đôi tay khéo kéo của một bác sĩ. Bà có một thời thiếu nữ nhan sắc và từng là một nghệ sĩ vĩ cầm. Có lẽ vì biết chơi loại nhạc cụ tinh tế ấy mà bà yêu ông, trở thành vợ nhà thơ khi ông đã ở tuổi 80. Bà cũng làm thơ, đã xuất bản 2 tập thơ với những câu thơ đẹp rất giàu nữ tính. Hôm Nguyễn Viết Lãm mất, tôi đến đưa tang; bà ôm lấy tôi khóc và bảo rằng bà đã sắp sẵn một chỗ yên nghỉ cho cả hai ông bà trong một ngôi chùa. Tôi cảm động nghĩ đến những chuyện tình cổ điển. Hai người Thơ sẽ ở bên nhau mãi mãi trong cõi vô cùng.

     

    Mấy năm trước, hai ông bà tặng tôi giống cây hoa dây buông có tên “rèm hoàng hậu” khi thấy tôi thích. Bây giờ loài hoa ấy vẫn còn trong bồn cây nhà tôi. Đã sắp vào mùa hoa, những dải dây dài rũ xuống đính những bông hoa mỏng phớt hồng sẽ nhắc tôi nhớ đến nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, nhớ câu thơ của ông: Cánh chim hồng bay đi/ Dấu còn in trên tuyết. 

     

    Bão Vũ

    vanvn.net

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,875,932

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!