Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,710,759

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Tư liệu sáng tác

Trao đổi về bài viết "Một số ý kiến về xác định nội dung môn học Tư pháp quốc tế tại Việt Nam"

Tư liệu

  • Thứ tư, 17:56 Ngày 16/10/2013
  • Dẫn nhập. Tư pháp quốc tế là một phạm trù pháp luật và là một bộ môn khoa học pháp lý trong nhà trường. Trước năm 1975, ở nước ta nhiều tác giả đã sử dụng thuật ngữ "Quốc tế tư pháp"làm tiêu đề cho lĩnh vực này. Ví dụ, trước năm 1975, giáo sư Nguyễn Huy Chiểu đã cho công bố cuốn Quốc tế Tư pháp. Ngày nay, học giả Việt Nam dường như thống nhất sử dụng thuật ngữ “Tư pháp quốc tế”.

    Việc chúng ta không thống nhất sử dụng thuật ngữ như trên cho thấy Tư pháp quốc tế ở nước ta chưa có bề dày lịch sử. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cụm từ “Hệ thống tư pháp quốc tế Việt Nam” đã được sử dụng. Nhưng theo giáo sư Nguyễn Huy Chiểu, “quả quyết như vậy” dường như “là quá sớm”[1]. Ngày nay, hệ thống Tư pháp quốc tế của Việt Nam thực sự tồn tại nhưng chưa có một công trình khoa học nào được thực hiện một cách công phu và được công bố cho biết tiến trình phát triển, hình thành của hệ thống này. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng một số quy phạm của Tư pháp quốc tế đã tồn tại ở Việt Nam từ khi có Bộ luật Gia Long (1812). Bởi theo Điều 33 của Bộ luật, “hết thảy người ngoại quốc [đến phải chịu dưới lịnh] phạm tội thì cũng y luật xử trị. Người ngoại quốc khi đến [nước nào] là lệ thuộc vào dân bản xứ, như vua, dân nước này có tội, cũng theo luật mà xử, chỉ cho họ biết rằng mọi hành vi không nằm ngoài luật pháp”[2]. Quy phạm này có bản chất hình sự vì vậy có thể nói đây không phải là quy phạm của Tư pháp quốc tế. Nhưng trong thực tế, quy phạm này đã được Tòa án “dân sự hóa” và do đó có thể được coi như một quy phạm của Tư pháp quốc tế. Xin dẫn một bản án ngày 7/12/1893 của Tòa thượng thẩm Sài Gòn làm ví dụ. Đây là vụ tranh chấp về thừa kế có yếu tố nước ngoài, tài sản ở Việt Nam, người để lại thừa kế chết ở Trung Quốc, một số người thừa kế là người Trung Quốc. Theo Tòa án, vấn đề thừa kế không được Bộ dân luật giản yếu điều chỉnh nên cần phải áp dụng pháp luật An Nam. Theo lý giải của Tòa án, “điều kiện pháp lý về tài sản mà một người Trung Quốc có được ở An Nam là một vấn đề tài sản được điều chỉnh bởi Điều 33 của Bộ luật An Nam”[3].

    Trong Tạp chí Khoa học pháp lý số 6/2006 có cho công bố một bài viết của tác giả Lê Thị Nam Giang với tựa đề “Một số ý kiến về xác định nội dung môn học Tư pháp quốc tế tại Việt Nam”. Khi kết thúc bài viết, tác giả có nêu: “Trên đây là một số ý kiến cá nhân được đưa ra với mong muốn được sự trao đổi, chia sẻ của những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy”. Chúng tôi cho rằng việc xác định lại nội dung môn học này là cần thiết, do đó xin có đôi điều trao đổi sau.

    Hệ thống riêng. Theo tác giả Lê Thị Nam Giang, “cần nhìn nhận rằng không có Tư pháp quốc tế chung cho các nước mà mỗi nước đều có Tư pháp quốc tế của riêng mình”. Thiết nghĩ, đây không phải là vấn đề mang tính chất quan điểm mà là có dám thừa nhận một thực tế hay không và, khi đã thừa nhận thực tế đó rồi, có dám đầu tư đưa thực tế đó ra ánh sáng để phục vụ thế hệ trẻ của chúng ta hay không.Trong tư tưởng của không ít học giả Việt Nam, hiện nay không có “Tư pháp quốc tế Việt Nam”. Trong quá trình soạn thảo cuốn “Tư pháp quốc tế Việt Nam”[4], chúng tôi đã gặp phải “phản ứng” tương đối gay gắt về tiêu đề này. Bởi khác với tất cả các giáo trình của Việt Nam hiện nay[5] và khác với ngay cuốn sách mà tác giả Lê Thị Nam Giang cho công bố[6], cuốn sách của chúng tôi có thêm cụm từ “Việt Nam”. Cuối cùng, chúng tôi vẫn quyết định giữ lại cụm từ trên vì cuốn sách đó viết chủ yếu nếu không muốn nói tuyệt đại đa số thông tin được đề cập đến là những quy định trong pháp luật Việt Nam. Ở Pháp, các tài liệu liên quan đến lĩnh vực này chỉ nêu là “Tư pháp quốc tế” nhưng khi đọc chúng ta thấy họ chủ yếu phân tích pháp luật thực định của Pháp. Do đó, mặc dù không có từ “Pháp” kèm theo chúng ta cũng hiểu ngay đó là “Tư pháp quốc tế (của) Pháp”. Chúng tôi đã nghiên cứu ba cuốn Giáo trình Tư pháp quốc tế ở nước ta hiện nay thì rất khó có thể nói rằng đây là tài liệu về Tư pháp quốc tế “của Việt Nam”. Bởi lẽ, có rất nhiều thông tin của pháp luật nước ngoài được đề cập đến trong khi đó đối với nhiều vấn đề chúng ta lại không có thông tin về chính bản thân pháp luật nước ta. Nói một cách khác, nhiều khi chúng ta biết về chúng ta ít hơn về những thứ không phải của chúng ta.

    Có nhiều người cho rằng vấn đề Tư pháp quốc tế giải quyết là giống nhau nên sẽ không có Tư pháp quốc tế của Việt Nam nói riêng. Cách nhìn nhận này là không thuyết phục. Chúng tôi đã từng giảng dạy môn Tư pháp quốc tế của Pháp cho sinh viên Pháp và Tư pháp quốc tế của Việt Nam (do chúng tôi tự soạn thảo) cho sinh viên Việt Nam thì thấy rõ ràng mỗi nước có một hệ thống Tư pháp quốc tế của mình. Để minh họa, xin dẫn một ví dụ đơn giản về xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh thừa kế theo pháp luật đối với động sản. Theo khoản 1 và 2 Điều 767, BLDS Việt Nam, “thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”. Như vậy, ở Việt Nam, pháp luật điều chỉnh thừa kế theo pháp luật đối với động sản là pháp luật của nước mà người để lại di sản có quốc tịch trước khi chết. Nhưng theo pháp luật của Pháp thì, pháp luật điều chỉnh thừa kế theo pháp luật đối với động sản là pháp luật của nước mà người để lại di sản có nơi cư trú cuối cùng trước khi chết. Ở đây vấn đề mà Tư pháp quốc tế điều chỉnh là tương đối giống nhau, đó là xác định pháp luật điều chỉnh di sản là động sản. Tuy nhiên, sự điều chỉnh vấn đề này lại khác nhau giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp. Do đó Tư pháp quốc tế của Pháp khác với Tư pháp quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, về mặt nội dung, chúng ta thấy trong ví dụ trên, pháp luật điều chỉnh di sản theo người Pháp là pháp luật của nước nơi người để lại di sản có nơi cư trú cuối cùng còn theo chúng ta thì là pháp luật của nước người đó có quốc tịch. Một điểm khác nữa là quy phạm xung đột của Việt Nam trên do các nhà lập pháp Việt Nam thông qua trong BLDS còn ở Pháp đó chỉ là kết quả của thực tế án lệ. Như vậy, có thể nói Việt Nam có hệ thống Tư pháp quốc tế riêng của mình.

    Quy định Việt Nam. Theo tác giả Lê Thị Nam Giang, không có Tư pháp quốc tế chung cho các nước mà mỗi nước đều có Tư pháp quốc tế của riêng mình. “Do đó, quan điểm cá nhân tôi cho rằng nên tập trung giảng dạy sâu vào các quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng như thực tiễn áp dụng”. Thực ra, vấn đề xác định nội dung giảng dạy đã từng được quan tâm đến từ khá sớm do có sự “lạm dụng” trong việc giảng dạy kiến thức nước ngoài ở Việt Nam. Trong một thời gian dài, chúng ta có dạy luật nhưng lại dạy rất nhiều luật của nước ngoài cho sinh viên. Sự nghèo nàn của kiến thức về chính hệ thống pháp luật nước nhà đã khiến một học giả có nhiều uy tín ở Sài Gòn phải viết năm 1956 rằng “nhiều sinh viên am hiểu luật La Mã hay Pháp chế sử của Pháp hơn là các bộ luật cũ của nước nhà, thuộc tỷ mỷ các cớ ly hôn trong pháp luật của Pháp mà không biết rõ vấn đề ấy trong pháp luật Việt Nam. Nhưng các sinh viên ấy chỉ là nạn nhân của thời đại, và của một tổ chức giáo dục hoàn toàn thiếu hẳn ý thức quốc gia”[7]. Đoạn văn vừa rồi cho thấy sự “du nhập” đến mức “báo động” của pháp luật nước ngoài. Ngày nay, sự du nhập của pháp luật nước ngoài vẫn còn. Trong một số tài liệu, chúng tôi có thấy tác giả đưa ra những nguyên tắc, quy phạm mà chúng tôi cho rằng đó không phải là những thứ tồn tại trong pháp luật thực định nước ta.

    Về Tư pháp quốc tế, có thể nói đây là một trong những môn học hiện nay có quá ít thông tin về pháp luật Việt Nam. Trong lĩnh vực này, chúng ta có thói quen “dịch” một số thông tin trong tài liệu nước ngoài. Đôi khi đọc thông tin đó chúng tôi không biết tác giả đưa ra để làm gì ngoài việc nói rằng pháp luật nước ngoài là vậy. Chính vì thế mà đôi khi khó phân biệt đâu là “luật gia” và đâu là “thông ngôn”. Khi đi dạy môn Tư pháp quốc tế của Pháp cho sinh viên Pháp chúng tôi chỉ cần hai tháng là có thể có tài liệu giảng dạy về pháp luật của Pháp vì các tài liệu của Pháp chủ yếu đi vào phân tích văn bản và thực tiễn của Pháp. Nhưng khi soạn cuốn Tư pháp quốc tế Việt Nam, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu văn bản cũng như thực tiễn pháp lý của Việt Nam vì, trong các giáo trình hiện nay (tương đối giống nhau) hay tài liệu được công bố, rất ít những thông tin này. Chẳng hạn, khi đi tìm những kiến thức lịch sử của Tư pháp quốc tế, chúng ta thấy trong các tài liệu được công bố ở Việt Nam cả “các trường phái cổ điển” và thấy được “những dấu hiệu đầu tiên của Tư pháp quốc tế đã xuất hiện từ thế kỷ thứ III sau Công nguyên, khi đế quốc La Mã tan vỡ và trên lãnh thổ rộng lớn của nó, các bộ tộc Giéc manh bắt đầu thành lập nhiều vương quốc với những luật lệ riêng của mình”[8]. Tuy nhiên, khi muốn biết quy phạm cũ về Tư pháp quốc tế nước ta hay thông tin lịch sử về lĩnh vực này thì lại không thấy.

    Do đó, chúng tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến là nên tập trung nghiên cứu những quy định của chính chúng ta. Bởi chúng ta chủ yếu dạy luật để đào tạo luật gia cho nước ta. Theo tác giả, chúng ta cũng nên tập trung đi sâu vào “thực tiễn áp dụng” của Việt Nam. Thiết nghĩ, việc làm này là cần thiết. Khi giảng dạy Tư pháp quốc tế của Pháp cho sinh viên Pháp, hàng tuần chúng tôi cho sinh viên nghiên cứu nhiều bản án quan trọng của Tòa án Pháp. Với cách giảng dạy như vậy, sinh viên biết tốt về pháp luật thực định nước mình. Tuy nhiên, việc này là rất khó ở Việt Nam hiện nay vì tuyệt đại đa số nhưng vụ việc được tòa án xét xử không được công bố. Sau hơn ba năm tìm kiếm (từ Bắc đến Nam), chúng tôi mới chỉ có thể thu lượm được khoảng 150 bản án liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (phần lớn đã được giới thiệu trong cuốn Tư pháp quốc tế Việt Nam mà chúng tôi đã cho công bố). Hy vọng rằng những người quan tâm khác cũng sưu tầm và cho công bố kiến thức thực tế quý hiếm đó. Các tạp chí, nhà xuất bản cũng nên khuyến khích cho công bố những bản án hay quyết định của tòa án, trọng tài Việt Nam[9]. Ở các nước phát triển, việc này đã trở thành một thói quen. Song cũng phải nói rằng, việc cho đăng công bố bản án đã tồn tại ở Việt Nam mặc dù chưa được phổ biến. Tạp chí Tòa án đã cho công bố một số bản án của Tòa án tối cao. Xin nói thêm là trong quá khứ việc này đã thường xuyên được thực hiện. Chẳng hạn, Tạp chí Luật học-Kinh tế trước đây đã từng cho công bố những loại quyết định này. Ví dụ, trong số 3 và 4 năm 1959, chúng ta thấy có một bản án của Tòa sơ thẩm Sài Gòn, một bản án của Tòa thượng thẩm Sài Gòn và hai Quyết định của Tham chính viện[10].

    Phạm vi giảng dạy. Phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế không thống nhất. Phạm vi này phụ thuộc vào từng nước và từng tác giả.

    Ở Pháp, Tư pháp quốc tế có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng. Tư pháp quốc tế Pháp giải quyết bốn vấn đề. Thứ nhất là quốc tịch: ở đây, Tư pháp quốc tế đưa ra các quy định xác định quy chế công dân như các điều kiện để có quốc tịch Pháp. Thứ hai, quy chế pháp lý của người nước ngoài tại Pháp như xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ. Thứ ba, xung đột pháp luật như xác định pháp luật áp dụng đối với các tình huống pháp lý có liên quan đến nhiều quốc gia. Thứ tư, xung đột thẩm quyền xét xử như xác định tòa án quốc gia có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có liên quan đến nhiều quốc gia; công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án và trọng tài nước ngoài.

    Ngược lại, ở hầu hết các nước thuộc hệ thống Ănglô-saxon, Tư pháp quốc tế chỉ giải quyết hai vấn đề: Xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền xét xử. Vấn đề quốc tịch và quy chế pháp lý của người nước ngoài được giải quyết riêng, trong khuôn khổ của luật công. Và theo quan điểm của một số nước, Tư pháp quốc tế có phạm vi điều chỉnh rất hẹp, chỉ giải quyết vấn đề xung đột pháp luật. Vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử được giải quyết trong khuôn khổ luật tố tụng[11].

    Phạm vi giảng dạy. Ở nước ta, nội dung giảng dạy môn Tư pháp quốc tế thay đổi theo từng thời kỳ và tùy vào từng tác giả. Trong cuốn Một số lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế[12], tác giả Đoàn Năng có đề cập đến vấn đề xung đột pháp luật, xác định thẩm quyền xét xử, quy chế pháp lý của người nước ngoài, công nhận và thi hành bản án, quyết định nước ngoài. Ở đây chúng ta không thấy tác giả đi sâu vào các vấn đề về quốc tịch. Tương tự đối với Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học luật Hà Nội và của Trường Đại học mở Hà Nội. Ngược lại, một số tài liệu được công bố tại Sài Gòn trước năm 1975 lại coi quốc tịch là một vấn đề quan trọng của Tư pháp quốc tế. Chẳng hạn, trong cuốn Quốc tế tư pháp, Giáo sư Nguyễn Huy Chiểu đã dành khoảng 120 trang cho vấn đề quốc tịch trong khi đó cuốn sách chỉ có khoảng 250 trang[13].

    Theo tác giả Lê Thị Nam Giang, “cá nhân tôi ủng hộ quan điểm của một số nước cho rằng Tư pháp quốc tế chỉ nên tập trung vào ba vấn đề cơ bản là xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, vấn đề lựa chọn pháp luật áp dụng cho các tranh chấp trên (choice of Law), sau đó là vấn đề về công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài”. Và khi trích dẫn cuốn sách của chúng tôi, tác giả có viết rằng “hiện nay mới chỉ có rất ít tài liệu về Tư pháp quốc tế tại Việt Nam là tiếp cận theo hướng này”. Quả thực đây là một sự tình cờ. Khi soạn thảo cuốn Tư pháp quốc tế Việt Nam, chúng tôi chỉ tham khảo Tư pháp quốc tế của Pháp, của Nga và của Việt Nam nhưng chúng tôi không theo những trình bày của họ. Cụ thể, “trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi có đề cập đến quốc tịch hay quy chế pháp lý của người nước ngoài nhưng phần lớn thời gian sẽ tập trung đi vào phân tích ba vấn đề sau của pháp luật Việt Nam: Vấn đề thứ nhất là xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài của tòa án Việt Nam. Vấn đề thứ hai là xác định pháp luật để giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài trước cơ quan xét xử Việt Nam. Và cuối cùng là vấn đề công nhận, thi hành quyết định của tòa án hay trọng tài nước ngoài ở Việt Nam”[14].

    Tuy nhiên, khác với tác giả Lê Thị Nam Giang, chúng tôi quyết định đi vào phân tích ba vấn đề trên không phải chúng tôi “ủng hộ quan điểm của một số nước” mà chúng tôi cho rằng làm như vậy là hợp lý hơn. Chúng tôi “tự” cho là như vậy chứ không phải “theo” bất cứ một hệ thống nào cả. Bởi một lý do đơn giản, chúng tôi viết và giảng dạy về pháp luật Việt Nam chứ không phải nói về pháp luật nước ngoài.

    ĐỖ VĂN ĐẠI

    TS. luật học, Giảng viên Trường đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp

    Tạp chí Khoa học Pháp lý. Số 2 (39)/2007

    _____

    [1] Xem Nguyễn Huy Chiểu, Quốc tế tư pháp – Cử nhân năm thứ ba, Đại học Luật khoa Sài Gòn, tr. 43.

    [2] Xem Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), Tập II, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1994, tr. 195.

    [3] Xem Journal judiciaire de l’Indochine năm 1894, tr. 182.

    [4] Xem Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh 2006.

    [5] Xem Viện Đại học mở Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Tư pháp 2004; Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Tư pháp 2004; Khoa Luật Trường đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia, 1997.

    [6] Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh 2006.

    [7] Xem "Lời tựa" của Vũ Văn Mẫu trong cuốn Quốc triều hình luật, Trường Luật khoa đại học.

    [8] Nguyễn Bá Diến, “Về các trường phái cổ điển của Tư pháp quốc tế”, Tạp chí Luật học, số 11-12/1995.

    [9] Từ khoảng hai năm nay, chúng tôi có bình luận nhiều bản án của tòa án Việt Nam và cho công bố trên tạp chí về luật. Trong thực tế, tạp chí rất tiết kiệm giấy và thường gạt bỏ những thông tin liên quan đến bản án mà họ cho là không quan trọng.

    [10] Xem tr. 33 và tiếp theo.

    [11] Xem J. Derruppé, Tư pháp quốc tế (dịch từ tiếng Pháp), Nxb Chính trị quốc gia 2005, tr. 12.

    [12] Nxb Chính trị quốc gia 2001.

    [13] Xem Nguyễn Huy Chiểu, Quốc tế tư pháp – Cử nhân năm thứ ba, Đại học Luật khoa Sài Gòn.

    [14] Đỗ văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh 2006, phần số 9.

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,710,759

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!