Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập51,438,439

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Thảo Phương (28-10-1949 – 19-10-2008) một cây cầu đã gãy

Trầm Hương

  • Thứ sáu, 10:29 Ngày 23/10/2009
  •  

     

     

    Nhà thơ Thảo Phương. Ảnh do nhà văn Triệu Xuân chụp tại Trại sáng tác Nha Trang, ngày 16-10-2006.

     

    *

     

    Hồi mới về TP. HCM công tác, tôi thực sự ấn tượng về một người phụ nữ khi được cánh mày râu vây quanh ngưỡng mộ, khi cô đơn một mình bên tách cà phê, cũng có khi là một chai bia dang dở. Lúc ấy, gương mặt chị chìm trong nỗi u trầm, mắt rưng rưng muốn khóc. Chính những phút cô đơn ấy đã xuôi chị bật lên những câu thơ xuất thần. Chính những khao khát hạnh phúc, tổn thương đã khiến chị trở nên chân thành, táo bạo để gỡ tấm khăn choàng, của người đàn bà với bản năng dâng hiến, khát khao hạnh phúc và đau đớn yêu thương. Chính vì sự chân thật ấy, sống hết mình với cảm xúc ấy, yêu thương đến vắt kiệt sức mình mà thơ đã không rời bỏ chị, ngay cả khi chị rời bỏ thế gian này...

    Có lần chị nói với tôi: “Tao tuổi sửu, con trâu cày bừa cả đời”. Hai chữ “nhà thơ” mà chị được tôn vinh trĩu nặng sự trả giá. Chị ly dị chồng, một mình nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vậy mà chị thấy vui, thanh thản. Chị khuấy ly cà phê, cười nói: “Dẫu sao, mình đã lời một cuộc đời”. Chị kiêu hãnh phát hiện ra mình: “Là cử nhân sinh học, là cô giáo trong nhiều năm, và làm qua nhiều nghề... Nhưng một sớm, tôi biết mình đã là nhà thơ”. Chị đến với thơ bằng cả khát vọng sống, vừa bản năng, vừa lý trí, cũng không che giấu cao vọng: “Thơ là “muốn” cũng không được - mà không “muốn” cũng không được. Là nhà thơ, tôi muốn luôn là mình, luôn đổi mới mà không lẫn được”.

    Nhưng thơ không nuôi nổi chị, nói gì đến đàn con. Những năm đầu của đổi mới, cánh nhà văn, nhà thơ phần lớn đều nghèo. Chưa ai sống được bằng nhuận bút. Lương ở cơ quan tôi công tác không đủ trả tiền nhà trọ. May mà lúc ấy Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ mở dịch vụ tiệc cưới. Tôi gia nhập tổ giặt khăn. Công việc ấy khá mệt, tay chân thường xuyên bị ghẻ lở vì tác hại của xà phòng quyện với dầu mỡ, nước chấm. Bù lại, thu nhập một tuần giặt khăn hơn cả tiền lương. Lần đầu tiên mua được chỉ vàng, tôi vui mừng khôn tả. Trưa hôm ấy, tôi rủ chị Thảo Phương đi “nhậu”. Nhận ra vẻ buồn bã khác thường của chị, tôi gặng hỏi. Chị ngập ngừng nói: “Sáng nay, chị đã đi khắp nơi. Chỗ có tiền mình không dám ngỏ lời. Chỗ sẵn lòng giúp thì... Chị cần mấy trăm đóng học phí cho con”. Tôi chợt nhớ ra mình đang đeo trên tay chỉ vàng, vội cởi nó ra, đưa cho chị. Chị lặng đi. Tôi trấn an chị: “Chỉ cần chịu khó giặt khăn, em cũng kiếm cái khác được!”. Từ sự chia sẻ những khó khăn trong đời sống thường nhật, bất chấp khoảng cách tuổi tác, tự bao giờ, tôi và chị trở thành đôi bạn vong niên.

    Khi có con, bận rộn với mưu sinh đời thường, với những trăn trở, vất vả của bà mẹ đơn thân, tôi cũng ít có dịp bù khú với chị bên quán cóc hay những bữa “nhậu” đọc thơ rôm rả. Trong đáy lòng, tôi thấu hiểu chị cũng không dễ dàng bước đi với gánh nặng trên vai. Nhưng gặp tôi, chị không hề hé môi nói ra nỗi khổ của mình. Tôi trách, chị nói: “Thấy em khổ chị chẳng nỡ...”. Tôi đã từng chứng kiến những mùa xuân ướt đẫm nước mắt của chị vì đứa con tuột khỏi vòng tay. Nước mắt chị rơi vào ly rượu mừng xuân. Bên người bạn gái đã từng khóc với mình để vơi đi nỗi khổ đau, chị cũng không cần che giấu những giọt nước mắt yếu mềm, bất lực.

    Tuy nhiên, tình bạn giữa tôi và chị không ít lần sóng gió. Tôi giận chị vì đôi lúc chị quá dấn thân. Chị không có tiền trong túi nhưng sẵn sàng lo cho người khác vì họ hoạn nạn. Chị cũng yêu sống, yêu chết một người đàn ông nào đó mà tôi biết chắc họ rất hời hợt, phũ phàng với chị. Tôi cũng không nỡ nói rõ sự thật trần trụi. Đó là một nghịch lý của người đàn bà làm thơ. Chị sẵn sàng gỡ đi tấm khăn choàng che dung nhan đức hạnh, che tì vết lỡ lầm nhưng không dám nhìn thẳng trái tim người khác. Chị dựng người ấy lên cao, thần tượng người ấy hơn cái họ có để yêu tình yêu của mình. Và vì vậy chị không ít lần đau khổ. Tuy nhiên, tình mẫu tử và trách nhiệm người mẹ đã vực chị đứng dậy. Con người sẵn sàng chấp nửa cuộc đời còn lại cho thơ lại là một người mẹ với trái tim rất đỗi mềm yếu. Lật lại một quyển thơ in chung, tôi lặng người trước lời tự bạch của chị: “Là phụ nữ, tôi mong muốn bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn giữ được nữ tính và tình yêu cuộc sống”. Nữ tính?! Đằng sau tiếng cười đùa, những chuyến đi những cuộc vui, chị nữ tính đến tận cùng. Chị là một bà mẹ yêu con đến mù quáng nhưng cũng hết sức kiên trì, can đảm giành giật con ra khỏi cám dỗ, cạm bẫy. Chị đau đớn, xót xa khi những ông thầy, bà thầy hành hạ con mình mà không biết đó là một đứa trẻ rất nhạy cảm, khao khát tình thương. Vì yêu con, mong muốn con có điều kiện ăn học, chị đã chấp thuận lời đề nghị phía bên chồng, gửi con út ra Bắc. Tôi biết rõ điều đó, bởi nhân chuyến công tác ra Hà Nội, chị đã gửi cháu nhờ tôi hộ tống. Nhưng chị cũng không ngờ tình thương của người mẹ mới là điều bao trùm tất cả. Đón con về, chị uất ức rơi nước mắt vì chuyện học của cháu bị dang dở. Có lẽ chính vì sự đổ vỡ này mà chị mang mặc cảm không tròn bổn phận với con. Cho đến lúc đó, chị bị thôi thúc mãnh liệt, ý chí phải sống bằng đôi chân của chính mình. Chị vẫn yêu thơ nhưng phải kiêm một việc khác để sống, “để được là mình, không lẫn với người khác trong thơ”. Tôi rủ chị học lớp biên kịch do một nhà điện ảnh người Pháp dạy. Chị nhập vô phim ảnh, bắt đầu viết kịch bản và gặt hái được ít nhiều thành tựu. Ngày cuối cùng, chị còn trao cho tôi giáo trình dạy biên kịch phim tài liệu với mong muốn được ký thác niềm đam mê khi chị không còn nữa trong đời...

    Trước lúc ngã bệnh vài năm, chị gọi điện cho tôi, giọng tràn ngập hạnh phúc. Chị báo tin mình đang yêu. Người ấy là một luật sư, cũng rất yêu chị. Anh ấy đã chia sẻ cuộc sống và khát vọng nghề nghiệp của chị. Chị nói về mơ ước sẽ xây ngôi nhà nhỏ ở Củ Chi. Nơi ấy, chị sẽ sống với đam mê của mình, sẽ vẽ tranh, viết truyện, làm thơ, viết kịch bản phim... Tôi rất mừng khi chị có được một bờ vai để chia sẻ. Càng mừng hơn khi chị đang sống hạnh phúc. Yêu và được yêu, chị trở thành một người phụ nữ cổ điển kiểu mẫu lạ lùng. Chị trổ tài nấu ăn rất ngon. Tôi thực sự ấn tượng trước món cải tầm sậy xào tôm khô của chị. Chị dành thời gian sửa sang chăm chút nhà cửa. Ngoài ban công, một vườn hoa nho nhỏ được dựng nên. Chỉ những người đang yêu mới có quyền năng thổi hồn, tạo sinh khí cho không gian sống của mình như vậy. Có được một góc nhỏ bình yên, chị thấy mình đã quá đủ. Đó cũng là thời gian chị có được thu nhập ổn định, được yêu mến và tôn trọng vì khả năng biên kịch của mình. Tôi rất vui vì sự bận rộn đáng trân trọng ấy của chị...

    Nhưng hạnh phúc được yêu không ở lâu với chị. Chị đau khổ vì quá yêu thương. Chị yêu người đàn ông của mình đến bao dung. Chị yêu con đến quên mình. Nhưng trái tim chị quá sức chịu đựng. Phải chăng sự quá tải ấy đã âm thầm hủy hoại sức khỏe của chị. Chị âm thầm chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo, cho đến khi không còn chịu đựng được nữa... Đến thăm chị, tôi ngỡ ngàng trước một Thảo Phương gầy yếu, xanh xao. Cho đến lúc ấy, tôi mới hiểu từ bấy lâu nay, chị đã choàng lên chiếc khăn kiêu hãnh để sống và làm thơ. Chị giàu lòng tự trọng nên luôn gắng gượng để bạn bè đừng mủi lòng. Tôi kịp thời báo tin cho nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hôm ấy, sau chuyến công tác miền Tây, tôi khệ nệ ôm bao gạo lên nhà chị. Ngồi chơi với chị ít lâu thì cửa mở. Anh Hữu Thỉnh thở hổn hển vì leo mấy tầng lầu, xuất hiện trước nhà chị. Tôi bắt gặp đôi mắt đa cảm của Thảo Phương rưng rưng ngấn nước vì xúc động. Món quà anh mang đến cho chị nhân lên gấp nhiều lần giá trị thật của nó bởi sự chia sẻ, yêu thương đồng nghiệp rất chân thành. Chị dường như quên hết bệnh, trở về với một Thảo Phương rất có duyên khi đùa tếu. Nhắc đến nhà văn Sơn Nam vừa mới ra đi, chị trầm giọng nói: “Tôi rất quý ông ấy. Hồi đó, thấy tôi khổ, ông nói: “Cô Phương à, nếu là tỷ phú, tôi sẽ cưới cô”. Đó là cách nói để bày tỏ sự chia sẻ của nhà văn Sơn Nam nhưng tôi không bao giờ quên!”. Anh Hữu Thỉnh hôm ấy đã nắm chặt tay chị, bảo chị hãy can đảm vượt qua bệnh tật, không được bi quan, bởi “Thảo Phương đang sung sức”. Phải, chị đang sung sức để làm thơ, viết kịch bản phim. Chị đang sung sức bởi những khao khát còn đầy ắp trong lòng. Nhưng ông Trời dường như muốn chị được ngơi nghỉ nên chấp thuận cho chị rời khỏi thế gian này...

    Những ngày cuối cùng, khu vườn bé nhỏ của chị ngoài ban công vẫn rực rỡ những đóa phong lan. Chị nói “Mình nằm nhà, cũng phải có gì ngắm cho đời còn tươi mát”. Những ngày ấy, tôi có cảm giác nữ tính của chị được bộc lộ một cách đầy đủ nhất, tình yêu cuộc sống vẫn cháy bỏng trong đôi mắt buồn của chị. Tôi ngỏ ý làm một buổi giới thiệu thơ Thảo Phương, có bạn bè đến thăm, đọc những bài thơ chị yêu thích. Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi số tiền ủng hộ nhờ chị Trần Thị Thắng gửi đến Thảo Phương. Chị rất hào hứng nhưng rồi lặng đi, nước mắt lặng lẽ rơi trên đôi gò má xanh xao. Chị không muốn mọi người nhìn thấy chị lúc tiều tụy, héo úa. Tuy vậy, căn nhà lúc nào cũng sạch như lau như li. Hoa tươi luôn hiện hữu trong phòng như chờ ai đến. Có rất nhiều bạn bè đến thăm chị. Nhưng trong đáy lòng, chị luôn mong đợi một người. Mong mãnh liệt nhưng chị không cho ai gọi. Chị muốn người ấy đến với chị bằng chính sự thôi thúc của trái tim. Nhưng người ấy vẫn không đến, cũng không có mặt trong tang lễ của chị. Cho đến phút cuối, chị vẫn không yên lòng về đứa con trai út. Kỳ lạ thay, người mẹ hiện đại như chị lại yêu con theo cách của những bà mẹ rất thường tình. Trước khi chị đi xa, tôi là người bạn duy nhất biết chị có bao nhiêu tiền. Đơn giản là chị nhờ tôi cầm thẻ ATM, rút giùm chị hai mươi triệu đồng. Chị nói với cậu con trai út đó là số tiền mẹ mượn của bạn bè cho con hùn vốn làm ăn. Chị nói nhỏ với tôi: “Chị phải làm vậy để con không ỷ lại”. Một năm chị đi xa, tôi nghĩ đó là gia tài lớn nhất của người mẹ để lại cho con. Và gia tài lớn nhất chị để lại cho cuộc đời này là sự nồng nhiệt, chân thành. Nếu không, làm sao chị có được những câu thơ rất riêng, rất tài hoa. Thật hơn nữa, là tình cảm của bạn bè, độc giả dành cho chị, ngay cả khi chị bỏ chúng ta mà ra đi...

    Ngày chị mất, tôi đi công tác về miền Tây. Qua phà Cần Thơ, có con bướm trắng đuổi theo, vừa lúc ấy, con trai chị báo tin buồn. Bây giờ trời đã sang đông, tôi chợt nhớ đến bài thơ được phổ nhạc đầy dự báo của chị, về những con cá không muốn quẫy, về cây cầu đã gãy... Một năm sau ngày chị ra đi nhiều người yêu mến chị, cả những người trước kia hay khích bác, dèm pha chị; cả những người chị không thèm chơi bởi khó chơi đã quây quần, làm một đêm thơ cho chị. Còn tôi đêm ấy tìm một góc khuất nhớ về chị, với nỗi đồng cảm mãnh liệt, về những người phụ nữ tràn ngập nữ tính, khao khát sáng tạo nhưng không bao giờ đi đến tận chân trời mơ ước bởi những trói buộc, yêu thương.

     

    TP. HCM, ngày 17-10-2009.

    Trầm Hương

    Nguồn: hoinhavanvietnam.vn

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập51,438,439

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!