Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,682,337

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Sài Gòn sâu thẳm là im lặng

Tư liệu

  • Thứ ba, 17:42 Ngày 19/02/2013
  • Một Sài Gòn đã chuyển động, hiển nhiên rồi, từ bấy lâu, Sài Gòn vốn là một đô thị chưa bao giờ nghỉ ngơi. Nếu nhớ lại, có thể thấy chỉ khoảng vài chục năm gần đây, cứ lấy một thế hệ làm chuẩn, những người sinh ra từ những năm 70, sẽ thấy các khoảng trống của Sài Gòn, về mặt đô thị, đã được lấp đầy như thế nào. Nhưng còn những khoảng trống khác, trong tâm hồn của một thế hệ đã được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 20, thì lại là miên man những câu chuyện, về một Sài Gòn vẫn đang tự mình xây dựng và phát triển trong ký ức của một thế hệ mới.

     

     

    Nhạc sĩ Tuấn Khanh (sinh năm 1969)

    Sài Gòn ngày thức đã đành, đêm có thấy ngủ đâu. Thành phố lên đèn, 7 giờ tối, dọc cầu Kiệu, chỉ cần vài tấm bạt nhựa, đã có ngay một dọc phố chạy dài những giày, vớ, giỏ, quần áo giá rẻ phủ đầy. 9 giờ tối mới có mấy xe bán bánh ở các góc chợ đêm xuất hiện, rồi gỏi cuốn, bò bía. 12 giờ đêm mới là giờ của ông bà Tám chở vài cái ghế nhựa và một thúng đầy hột vịt lộn, rau răm mới rửa còn dậy mùi ra góc phố, tinh thần phục vụ của hai mái đầu bạc cho đám trẻ đi chơi đêm là… hết mình.

    Đó cũng là sức sống khủng khiếp của Sài Gòn, chưa bao giờ ngủ.

    Sự nhộn nhịp quá mức khiến cho những nhà kỷ trị khó chịu nhưng ngược lại, nó chứng tỏ sự năng động và mạnh mẽ vô cùng mà không thành phố nào ở Việt Nam có được.

    Với một đời sống giải trí phong phú, chỉ sau 1975, mới hình thành khuynh hướng cà phê vỉa hè đêm, mục tiêu là giải trí, giải trí và giải trí. Xem bóng đá, xem phim kiếm hiệp… Chỉ có mục tiêu giải trí thôi mà đã có hẳn những khu phố cà phê nhộn nhịp suốt đêm như cư xá Bắc Hải, khu An Dương Vương (quận 5), Phan Xích Long (Phú Nhuận)…

    Nhưng lưu lại trong những cảm nhận về Sài Gòn, chính là những nét văn hoá mới. Nhưng cũng khó chọn vì nó… quá nhiều. Nếu cần chọn một cái tiêu biểu cho Sài Gòn, thì chính "thương hiệu Sài Gòn" đã ẩn chứa trong tâm cảm mỗi người, sâu đến vô thức.

    Tâm tính Sài Gòn là mở cực đại nhưng thật ra lại rất đóng. Như với âm nhạc và ngôn ngữ, người Sài Gòn hào sảng đón nhận hết, sẵn sàng chơi tới bến, chấp nhận cả cái lõi. Nhưng cuối cùng đọng lại, vẫn là một thứ ngôn ngữ rất riêng, và tự gô mình lại trong cái riêng ấy. Điều này, cũng rất tự nhiên và bản năng, không phải cố gắng gì. Tỷ như cho dù các loại nhạc pop, rock có hiện đại tràn ngập cỡ nào thì tại các quán xá hay trong từng ngôi nhà, đầu bạc lẫn đầu xanh vẫn gảy guitar thùng hát bolero, cái thứ nhạc tưởng rằng của thời quá vãng. Nhưng không có cái thứ nhạc nào lại cuốn hút và nao lòng bằng nó. Cho nên Sài Gòn, mãi vẫn không từ bỏ được bolero, và vì vậy, các thế hệ nối tiếp vẫn hát bolero bằng giọng của chính mình.

    Chuyển động rõ nhất của Sài Gòn, luôn là hai điều: chuyển động đi lên để thay đổi chút tập tính của Sài Gòn, ví như ngày xưa là xích lô thì bây giờ là xe ôm cho nhanh hơn, xa hơn.

    Chuyển động để đối phó như hàng rong, ngày xưa ngồi một chỗ, ai ngồi chỗ nấy, phận nào cũng có. Giờ thì trở thành hàng rong di động. Đường phố Sài Gòn cũng chộn rộn hơn, tiện lợi hơn, tính mua ít trái cây, bịch chè đậu hay ly cà phê mang đi thì chỉ cần liếc ngang liếc dọc đã có người phục vụ nhanh, gọn, rẻ. Chính sự đối phó này thể hiện được cái khôn lanh và thậm chí có những đối phó hết sức thông minh được nảy nòi sau những biến cố, đặc biệt nhìn vào thị trường của Sài Gòn: từ giải trí đến dịch vụ.

     

     

     

     

    Nhà thiết kế thời trang Lê Minh Khoa (sinh năm 1971)

    Sài Gòn ngày còn bé của tôi, những năm 1970, yên lặng. Và chính sự tĩnh lặng này khiến tôi trở thành "ông cụ non" từ bé, chỉ thích ngồi đâu đó và… suy nghĩ mọi điều.

    Nhưng đến khi lớn lên, đi học, đi làm, bươn bả thì lại thấy nhịp sống ở đây sao mà nhanh đến không kịp nghĩ, nhộn nhịp quá khiến mình cũng… căng thẳng.

    Tất cả những cư dân khắp nơi đổ về Sài Gòn, tưởng là sẽ làm cho Sài Gòn biến dạng. Nhưng không, chính Sài Gòn chi phối toàn bộ cuộc đời của họ, từ văn hoá, kinh tế đến nghệ thuật. Vẻ đẹp của Sài Gòn là sự ôm ấp, bao dung, rộng lượng của một thành phố lớn với những cư dân tha hương cô đơn, khiến cho họ cũng ấm lòng.

    Nhưng với tôi ấn tượng nhất là Sài Gòn đêm với những nét văn hoá rất riêng. Từ những người buôn bán về đêm đến những sinh hoạt giải trí. Tôi thích đi bộ để nhìn ngắm Sài Gòn. Hồi nhỏ, Sài Gòn của tôi đi ngủ sớm. Đến giờ thì Sài Gòn thức 24/24. Lúc nào cũng có cảnh cho tôi xem và chiêm nghiệm.

    Sài Gòn có ồn ào, có thời điểm bất an không? Có chứ, thậm chí ngày càng nhiều. Đó cũng chính là những bài học sống cho tôi và gia đình tôi. Ba đứa con tôi còn nhỏ, nhưng để chúng có thể tồn tại trong một xã hội có những điều còn bất ổn, cách tốt nhất là dạy cho nó học nếp nhà, rồi cho chúng biết những bất an để cảnh giác.

    Khu tôi ở, ngay trung tâm quận 1, nên tôi còn thấy một Sài Gòn mang vẻ đẹp rất đài các. Những vỉa hè đá granite lộng lẫy, những trung tâm thương mại, cao ốc ngày càng mọc lên, cao hơn, lấp lánh nhiều sắc màu hơn… Tất nhiên cũng có người đặt câu hỏi, liệu sự phát triển của đô thị có làm cho di sản của Sài Gòn mất đi. Trả lời câu ấy là trách nhiệm của những nhà làm văn hoá. Còn ý kiến riêng của tôi, di sản không chỉ là con đường mà ở đó phải có cả cư dân mang những nét đặc thù trong lối sống của họ.

    Sài Gòn là một đô thị, là trung tâm kinh tế, vì vậy nó phải phát triển mà không thể dừng lại. Nhưng bên trong sự chuyển động ấy, bạn vẫn có thể cảm nhận được một Sài Gòn tĩnh tại bằng một đêm bất chợt thức giấc, mở cánh cửa sổ phòng ngủ để đón gió thoảng êm ái và để cảm xúc trôi đi trong một khoảng không yên ắng, lúc đó bạn có thể nghe được cả hơi thở của mình. Những lúc như vậy, tôi không nghĩ mình sẽ đi đâu sống được. Sống đâu cũng quen đó rồi, và đương nhiên, tôi yêu Sài Gòn chứ. Có ai nói ghét Sài Gòn mà họ được ưu đãi không!

     

     

     

     

    Nhà văn Phan An (sinh năm 1986)

    Sài Gòn là bụi bặm, ồn ào. Là mưa rát mặt bên tay trái và nắng cháy da bên tay phải. Là trường đại học cùng với lũ bạn sinh viên uống rượu chuối hột và đàn hát tào lao xịt bụp bên bờ kênh Thị Nghè từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Là rộn ràng giọng hát Khánh Ly và tình ca sầu Phạm Duy. Là thằng bạn về quê lập nghiệp, nửa đêm gọi điện từ Buôn Mê Thuột xuống nói "Tao nhớ anh em, đang nghe Nguyên Khang ca Đêm nhớ về Sài Gòn".

    Cha anh tôi không kể về Sài Gòn. Cha tôi sinh ra và sống gần cả đời ở miền Trung. Anh tôi sinh ra ở miền Trung và đi học ngoài Hà Nội. Tôi đọc được những câu chuyện về Sài Gòn trên sách báo, qua thơ Du Tử Lê, Tô Thuỳ Yên, hoặc nghe từ miệng bác xe ôm khi đi từ ga tàu lửa ra sân bay. Ví dụ người ta kể Sài Gòn ngày xưa giàu lắm, Sài Gòn ngày xưa đẹp lắm, Sài Gòn lúc ấy toàn xài dầu gội đầu thơm phức, Sài Gòn lúc ấy nhiều ôtô, Sài Gòn lúc ấy giờ giới nghiêm, thành phố chợt bừng lên rồi tắt nghỉ sớm... Đối với tôi những câu chuyện đó đều có vẻ xa xăm, tôi chỉ biết là Sài Gòn chưa bao giờ ngừng chuyển động.

    Còn lý do lúc nào cũng chạy loăng quăng mà vẫn nghèo xơ nghèo xác như vầy thì tôi không biết.

    Và chuyện một người tìm đến một vùng đất khác thật ra không có gì quan trọng. Rất nhiều người đã đi đến cả một đất nước khác, một châu lục khác, mang theo Sài Gòn. Như nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã viết, mang theo cả một quê hương thu nhỏ. Rồi cuối cùng thì họ cũng quay về thôi. Không bằng đôi chân mình thì cũng bằng nỗi nhớ của mình, bằng linh hồn mình.

     

     

     

     

    Bùi Bảo Anh, 32 tuổi, đang sống tại Mỹ

    "Tôi nhớ âm thanh và mùi vị từ những con hẻm Sài Gòn"

    Sài Gòn của tôi ngày ấy thường bắt đầu mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng với tiếng rao kéo dài của chị bán cháo sườn trong một con hẻm sâu hun hút ở quận Phú Nhuận. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu bằng cách nào chị bán cháo sườn với chiếc xe đạp chở lỉnh kỉnh đủ thứ, từ cái bếp lò, nồi cháo to đùng, nóng hổi đến chồng bát, thùng nước rửa, có thể đi lọt suôn sẻ trong con hẻm mờ mờ sáng không đủ rộng cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Tôi chẳng biết chị bao nhiêu tuổi vì chưa bao giờ thấy rõ mặt chị, giọng chị đặc sệt âm Quảng Ngãi, và chị nấu cháo sườn ngon nhất trái đất. Chỉ cần nghe tiếng chị rao đầu hẻm, tôi cầm sẵn cái tô và 5.000 đồng đứng đợi trước cửa nhà, một vài hàng xóm cũng lục đục cầm tô đứng đợi.

    Hôm nào tôi không ăn cháo sườn thì tôi đợi thêm khoảng 15 phút là nghe tiếng của ông cụ bán bánh giò, nán thêm chút xíu sẽ có thêm gánh bún của chị Hoa người Nam Định. Gánh bún nhỏ của chị Hoa có đủ các loại bún từ ba miền Bắc, Trung, Nam. Chị Hoa hay cười, hay chuyện nên chỉ cần ăn xong tô bún của chị là tôi được cập nhật khá đầy đủ thông tin của khu phố và con hẻm nhỏ này. Con hẻm nhỏ lúc nào cũng tất bật, rộn ràng với đầy đủ những âm thanh và mùi vị của cuộc sống suốt từ sáng sớm tới tận đêm khuya. Trong mấy năm ở trọ trong con hẻm nhỏ này, tôi học cách phân biệt tính cách của những người hàng xóm qua mỗi âm thanh họ tạo ra. Chỉ cần nghe tiếng dựng xe của anh hàng xóm là tôi biết anh ấy và chị vợ sắp cãi nhau, họ khuấy động con hẻm nhỏ một lúc, sau đó lại thấy cười toe toét chở nhau đi đâu đó.

    Con hẻm nhỏ chỉ thực sự yên tĩnh nhất vào khoảng 12 giờ trưa tới khoảng 1 giờ chiều. Lạ nghe. Người Sài Gòn bận rộn, tất bật là vậy nhưng mỗi ngày họ đều tự thưởng cho mình một giấc ngủ trưa. Bác xe ôm chọn một góc nhỏ trong hẻm, chống xe lên, yên tâm vắt vẻo làm một giấc. Chị bán hàng tạp hoá khép hờ cánh cửa một lúc vào giấc trưa. Mọi thứ thật yên ắng. Tôi nhớ hồi mới đặt chân tới Sài Gòn, một người bạn nói "Ở Sài Gòn, bạn có thể thành đạt hoặc không, nhưng bạn không bao giờ sợ chết đói".

    Sau này tôi dọn đến sống vài nơi khác nhau của Sài Gòn như khu trung tâm hoa lệ lúc nào cũng lấp lánh đèn hoa hay khu đô thị hiện đại bên quận 7, và bây giờ sống xa nửa vòng trái đất, mỗi lần nhắm mắt lại nhớ về Sài Gòn, tôi nhớ rõ nhất và sống động nhất từng âm thanh và mùi vị trong con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận.

    Nơi đó, tôi bắt đầu những ước mơ của mình.

     

     

     

     

    Trần Giang Lê Vũ, 33 tuổi, du học sinh Mỹ vừa trở về Việt Nam làm việc trong ngành du lịch, tiếp thị

    "Nhớ món ngon vỉa hè, trái cây, càphê và những nụ cười"

    Tôi đã lang thang qua 115 thành phố nổi tiếng của hơn 20 nước trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hy Lạp, Áo, Mỹ, Hungary, Nhật… nhưng mỗi khi nhớ về Sài Gòn, điều đầu tiên làm tôi nhớ đến đó là ẩm thực, đặc biệt là hàng quán và món ăn về đêm. Hàng quán khắp nơi với nhiều phố ăn đêm lúc nào cũng tấp nập, đủ các loại món ăn địa phương vô cùng phong phú: hủ tíu, bún, phở, cơm tấm, bánh xèo, cháo, gỏi, hải sản… Đây là điều khó có thể tìm thấy ở các thành phố khác trên thế giới. Tôi thích đi du lịch balô, ở hostel và ăn mì gói, vừa tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm thời gian. Ở các nước phát triển, tìm được một nơi để ăn các món địa phương vừa ngon vừa rẻ như ở Sài Gòn là rất khó, hầu như chỉ có hai lựa chọn: hoặc là fast food hoặc vào nhà hàng với giá rất cao.

    Nhớ tới Sài Gòn còn là nhớ tới trái cây. Đối với tôi, trái cây của miền Nam đổ về Sài Gòn ngon nhất thế giới. Không nơi nào có được xoài ngon ngọt như xoài cát Hoà Lộc và cũng không nơi nào có được vú sữa như vú sữa Vĩnh Kim. Sài Gòn hội tụ tất cả những loại trái cây ngon ngọt nhất từ miền Tây chở lên và từ miền Đông chở vào. Trái cây thay đổi theo mùa, mỗi mùa lại có những loại trái cây khác nhau nên đôi khi thèm ăn một trái vú sữa cũng phải ráng chờ cho đến năm sau.

    Nhớ tới Sài Gòn còn là nỗi nhớ càphê. Uống càphê không chỉ là giải khát mà còn là một nét văn hoá. Nhiều quán càphê ở Sài Gòn với không gian rộng rãi, thiết kế sân vườn, cảnh quan rất đẹp là điểm hẹn của bạn bè, gia đình, là nơi thư giãn hoặc tán gẫu bên ly càphê nhỏ từng giọt tí tách.

    Khác những thành phố đông đúc nhất thế giới như New York hay Tokyo với hàng ngàn người cứ lũ lượt ùa ra từ các nhà ga trung tâm cùng những khuôn mặt lạnh lùng và những bước đi hối hả, Sài Gòn cho dù vẫn đông đúc, vẫn kẹt xe khắp nơi nhưng ta dễ dàng bắt được những nụ cười thật tươi và những ánh mắt thân thiện trên phố. Người Sài Gòn là thế, luôn chân thành, cởi mở và lạc quan yêu đời. Chính vì vậy, có lẽ trên hết mọi sự, người Sài Gòn đã tạo nên một vùng đất rất riêng mà mỗi khi nhớ về, tôi chỉ mong được nhìn thấy một ai đó mỉm cười với mình dù đó là người mà tôi chưa từng quen biết.

     

     

     

     

    Nguyễn Hữu Xuân, 20 tuổi, sinh viên ngành quan hệ quốc tế, ĐH Đà Nẵng

     "Vùng đất của những rạp chiếu phim"

    Vài năm nay, cứ mỗi dịp hè là tôi vào Sài Gòn, vừa đi du lịch vừa học hỏi những điều mới mẻ. Ấn tượng nhất là không khí náo nhiệt của đời sống giải trí nơi đây. Một bộ phim bom tấn Hollywood vừa trình chiếu ở Mỹ là dân tình Sài Gòn cũng lũ lượt kéo nhau đi xem. Để có chỗ ngồi tốt, đương nhiên phải book vé trước 1, 2 ngày. Không khí ở rạp chiếu phim thật náo nhiệt và có nhiều những rạp hiện đại. Mảnh đất này đã hình thành nên cái văn hoá xem phim với bắp rang, nước ngọt và sự hợp thời. Tôi có thể gặp những người trẻ như mình thật tươi vui, sống động ở rạp chiếu phim. Điều mà nhiều thành phố khác trên cả nước dù đã có rạp chiếu hiện đại vẫn chưa có được một văn hoá xem phim thú vị đến vậy. Có lẽ điều này cũng bắt nguồn từ quá khứ, Sài Gòn luôn là nơi sống động với các rạp phim, vũ trường từ những năm trước 1975.

    Sài Gòn còn thu hút tôi bởi những quán càphê tự phục vụ du nhập từ nước ngoài. Ở đó, sự trẻ trung của Sài Gòn hiện ra rất rõ với những bạn trẻ sành điệu, nói tiếng Anh tự tin như tiếng mẹ đẻ.

    Dù không chọn Sài Gòn làm mảnh đất lập nghiệp của mình, nhưng tôi tin, vùng đất này sẽ dạy mình nhiều bài học, cho mình nhiều câu chuyện thú vị để làm hành trang cuộc sống và nghề nghiệp sau này.

     

     

    Bùi Khương Thanh Hà, 27 tuổi, viết báo, làm thơ

    Những người lớn, hay còn gọi là thế hệ đi trước chúng tôi, thường nhắc về thành phố này với những ký ức, địa danh xưa cũ. Họ đã trải qua tuổi trẻ của họ ở đó. Điều hiển nhiên, dù vui hay buồn, quãng thời gian của tuổi trẻ luôn là điều mà ai cũng trân trọng, tiếc nuối và hoài nhớ. Bỏ qua một bên những bộ cánh huy hoàng mà thời gian khoác lên cho tuổi trẻ, thì khi nhắc về Sài Gòn, hầu hết những anh chị, cô chú đều nói đến những địa danh văn hóa, hoặc gắn với nền văn hóa, hoạt động văn hóa nào đó. Những Givral, Brodard, La Pagode, nhà chú Hỏa… theo lời kể của lớp người đi trước hiện ra trong tâm trí người trẻ chúng tôi như trái tim của người Sài Gòn cũ. Tôi nhìn thấy ở đó tâm hồn của họ, sự yêu quý, trân trọng văn hóa của họ.

    Bây giờ, chúng tôi, mỗi khi có dịp hẹn hò nhau, sẽ là "kế bên tòa nhà Sun Wah", "ngay chân Bitexco", "trước cửa Diamond Plaza"… Bằng chương trình Foursquare (định vị tự động), chúng tôi tự hào đưa lên Facebook của mình rằng "đang ở Vincom", "đang ở karaoke Nice", "đang ở Highlands Coffee"… Dễ dàng nhận thấy, một cách vô thức, chúng tôi dựng một bản đồ thành phố bằng những địa danh gắn liền với sự phát triển kinh tế của đất nước.

    Những địa danh văn hoá đã mất đi, hay vẫn còn đâu đó nhưng bị nhịp sống ngày càng hối hả đẩy vào quên lãng? Có mấy người trẻ học hành và lập nghiệp ở thành phố này từng đến Bảo tàng Mỹ thuật? Cuối tuần, thay vì giải trí bằng cách đi nhà sách, đi thăm các bảo tàng, dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, văn hoá vùng đất mình đang sống…, chúng tôi đi siêu thị, trung tâm mua sắm, karaoke…

    Điều gì đã thay đổi, thành phố, hay chính con người?

    Có lẽ vì được nghe nhiều câu chuyện, được tiếp xúc với nhiều thông tin từ sách vở, internet, mà những người như tôi, nhìn Sài Gòn bây giờ, nhìn Sài Gòn năm xưa, vẫn có một chút tiếc nuối. Tôi chưa từng trải qua những gì cha chú mình đã trải qua, nhưng họ đã truyền được tình yêu Sài Gòn của họ vào trong tôi. Tôi yêu những ký ức của họ, nên tôi đau khi thấy công viên Tao Đàn, công viên Hoàng Văn Thụ bị cắt làm mấy phần. Những khoảng xanh trong thành phố đã khiêm tốn, ngày càng thu nhỏ một cách tội nghiệp, như những lá phổi đau ốm bệnh tật, thở ngày càng yếu ớt.

    Nhưng tôi vẫn yêu thành phố này. Tôi yêu đời sống trẻ trung sôi động của thế hệ mình. Tôi yêu những địa danh kinh tế đã trở nên quá thân thuộc với chúng tôi. Thành phố cũng như một sinh mạng, nó phải lớn lên. Trong quá trình lớn lên đó, chắc chắn nó không thể tránh được những lúc đau ốm, những lúc béo phì, những lúc khô khan… Biết đâu, đến đời con, cháu tôi, chúng sẽ được hưởng một đời sống đô thị xanh, không khí trong lành, kinh tế và văn hoá phát triển cân đối. Chúng tôi không bi quan về đời sống này vì chính chúng tôi là những người đang bắt đầu được chung tay xây dựng nó. Người trẻ luôn đầy tự tin và hy vọng, nên điều tốt đẹp sẽ tới.

     

     

    Ngân Hà – trâm anh (ghi)
    ảnh: MINH@K

    sgtt.vn

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,682,337

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!