Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,748,554

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Lý luận phê bình văn học

Nhớ Tú Xương, thơ là đặc sản của thời cuộc

Tư liệu

  • Thứ sáu, 17:20 Ngày 25/09/2009
  • Thơ Tú Xương những hiện vật thời cuộc vô giá

    Thơ Tú Xương là một đặc sản của thời cuộc. Thời cuộc buổi Tây sang, đánh cướp được nước ta rồi, họ hạ trại tính chuyện ăn ở lâu dài và khai thác các nguồn lợi. Họ du nhập áp đặt lối sống của họ. Họ tạo ra một thứ người Việt tôi tớ. Làm tôi tớ mà lại dị hợm. Dị hợm vì cơm thừa canh cặn, cũng dị hợm với lối sống học mót ngoại bang, từ nói năng xì xồ nói ít tiếng Tây, đến ăn uống sáng rượu sâm banh tối sữa bò.

    Đấy là bọn quan lại tay sai phủ, huyện, tổng đốc, nhưng đông hơn, gặp chan chát ngoài đời và tạo nên nét đổi thay cả xã hội, lại là lớp công chức ăn lương Pháp, ấy là các thứ thông, ký, phán, tham… cho đến các thầy cẩm, thầy cò. Lớp người này sống ở các thành thị, làm nên nét đặc trưng của phố phường thời ấy.

    Cái bối cảnh xã hội nhố nhăng tủi nhục ấy đã lọt vào tầm cảm hứng của Tú Xương, một người sinh và sống ở phố phường Nam Định. Xã hội Nam Định cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi hiện lên, cụ thể, chi tiết là hiện từ thơ Tú Xương. Và chỉ trong thơ Tú Xương nó mới phong phú, sinh động đủ cho hôm nay ta đọc mà còn như được chung khóc cười với tác giả.

    Thơ Tú Xương thành một bảo tàng nhan nhản những hiện vật thời cuộc của riêng Nam Định và cũng là của chung điển hình cho cả nước trong cái thời bi phẫn đó. Đạo lý băng ngoại, đồng tiền lên ngôi, chất người xuống giá. Tú Xương ngửa mặt kêu trời cho cái mảnh đất Phố phường tiếp giáp với bờ sông:

    Có đất nào như đất ấy không?
    (…) Nhà kia lỗi phép con khinh bố
    Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
    Keo cú người đâu như cứt sắt
    Tham lam miệng thở những hơi đồng
    Tú Xương bi phẫn trong bài thơ Đau mắt:
    Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ
    Giương mắt trông chi buổi bạc tình

    Từ bệnh đau mắt đã thành nỗi đau con mắt lúc trông đời. Ông còn đau trong trái tim. Đau khi đêm vắng trong tâm trí nghe vọng tiếng gọi đò trên con sông đã lấp.

    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

    Sông Lấp ấy là của Nam Định, nhưng tiếng gọi đò thì đã thành tiếng gọi hồn sông núi của con dân cả nước. Cái giật mình Tú Xương là cái giật mình thân phận của cả một dân tộc.

    Tú Xương là nhà thơ đặc sắc của toàn dân, của mọi địa phương. Các thế hệ học trò đều học và nhớ thơ ông.

    Trong các nhà thơ viết bằng thứ chữ vuông tượng hình, ông là người đầu tiên và cũng là cuối cùng, đã đưa được không khí thị dân tiền tư bản vào thơ. Ông đã mang được chất liệu, lẫn cảm xúc hiện đại của thế kỷ XX vào các câu thơ được gọi là cổ điển.

    Nguyễn Khuyến, nhà thơ lớn cùng thời với ông, sinh trước ông 35 năm và mất sau ông hai năm, tài thơ cũng cao, nhưng không giàu chất sống hiện thực bằng ông, không đủ gay gắt việc đời như ông. Nguyễn Khuyến là ông đại khoa không có được cái cay đắng Trần Tế Xương, hay chữ mà lều chõng đến tám khoa, từ 1885 đến 1906, chỉ được cái tú tài.

    Nỗi từng trải ấy đẻ ra cái nhìn hiện thực trào lộng vỗ mặt vào thứ khoa cử cuối mùa, đào tạo tôi tớ cho thực dân xâm lược:

    Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
    Nó đỗ khoa này có sướng không
    Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
    Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng

    Đầu đối với đít là nhục thì lấy động từ ngỏng mà trả thù. Hiện thực ấy là hiện thực của thành Nam, nó nhỡn tiền đối với Tú Xương, nơi có trường thi lôi thôi sĩ tử.

    Một tỷ lệ lớn thơ Tú Xương là thơ nói việc đi thi, hỏng thi, gắn nhiều tên đất, tên người của Nam Định. Tú Xương khi trữ tình thì còn tiêu tao ước lệ Tam Đảo Ngũ Hồ, chớp bể mưa nguồn chứ Tú Xương khi đã hiện thực thì nhân chứng vật chứng cụ thể lắm, chi tiết đủ độ tin cậy làm hồ sơ cho lịch sử:

    Ở phố hàng Song thật lắm quan
    Thành thì đen kịt, Đốc thì lang

    Rồi những ông lang Xán, chú ích Sinh, kẹo Thiều Châu, bánh Hanh Tụ…

    Nguyên liệu tạo nên thơ Tú Xương là Nam Định. Từ Nam Định hồn thơ ông đã ôm và đất nước, bao quát một giai đoạn lịch sử. Tú Xương hộ khẩu thường trú ở phố hàng Nâu, ở phố hàng Nâu có phỗng sành.

    Phố hàng Nâu bây giờ là phố Minh Khai, căn nhà số 280. Gia đình ông Trần Ngọc Thành đã ở đây từ năm 1952, căn nhà sửa chữa nhiều lần, giờ đây lại xây một căn mới phía trước. Nhưng vẫn còn giữ được căn nhà gác hai tầng của Tú Xương nằm khuất phía sau. Khách thăm xin phép vẫn được gia chủ rộng lòng cho vào thăm. Nhưng phải là người biết, chứ khách vãng lai đi qua ngoài phố không ai biết đây là nơi ăn ở của Tú Xương. Căn gác đã ọp ẹp lắm. Phải chăng người chủ thổ cư này chưa phá đi xây lại là vì trong lòng một cư dân Nam Định cũng còn lưu luyến chút hơi hướng Tú Xương.

    Thơ Tú Xương đã tạo nên phần đặc sắc cho một giai đoạn thơ ca dân tộc và độc đáo hơn, nó đã thành tâm hồn của phố phường Nam Định. Những dấu tích còn lại của cuộc đời ông đã thành phần tài sản quý báu của thành phố, thành sức thu hút, thành nơi chiêm ngưỡng của đồng bào cả nước khi về Nam Định. Thời gian càng lùi xa, đời sống văn hóa của dân ta càng được nâng cao, những dấu tích ấy càng trở nên vô giá.

    Nghĩ vậy nên mong muốn ủy ban tỉnh, ngành văn hóa nên mua lại căn nhà 280 Minh Khai, chỉ có 102 mét vuông đất, để rồi tôn tạo, phục hồi giữ lại nguyên dạng căn nhà cũ, gắn biển kỷ niệm, gìn giữ cho đồng bào cả nước di tích của nhà thơ và cũng là dấu vết kiến trúc một Nam Định cái thời Trời đất xoay ra phố cả làng.

    Đối diện với căn nhà ở của ông Tú, bên kia đường, còn gian nhà ông ngồi dạy học. Gian nhà giột nát, người ta đã phải trùm tấm tôn lên một nửa mái ngói, nhưng vẫn còn tường vách rui mè cũ và phía trước, cuối cái sân con, còn một bức phù điêu vôi vữa hình cuộn thư, có chữ triện. Mưa nắng phôi pha nhưng vẫn đủ gợi bâng khuâng thương nhớ người xưa.

    Phục chế lại nhà cửa, phục hiện và sưu tầm lại nghiên bút, lều chõng, thi cử thuở xưa, biến đây thành bảo tàng Tú Xương, bảo tàng thơ và bảo tàng việc học. Đấy không chỉ là tấm lòng chúng ta ghi ơn nhà thơ mà còn dấy nên niềm tự hào của con dân Nam Định về truyền thống hiếu học tự bao đời.

    Tiếng gọi đò trong bài thơ Sông Lấp của Tú Xương làm xao xuyến mọi lòng dân Việt bởi cái âm hưởng như gọi hồn đất nước. Theo tôi đấy là bài thơ hay nhất của Tú Xương, và cũng là bài thơ của một giai đoạn lịch sử, của hồn vía Việt Nam sâu nặng.

    Hai câu thơ trích từ bài này đã được các nhà quản lý văn hóa khắc trên bia mộ Tú Xương, nơi vườn hoa Vị Xuyên. Ngôi mộ được di dời từ những năm đất nước còn gian khổ. Ngày ấy có người kêu, trách ngành văn hóa: ép cụ Tú rời xa đồng ruộng, vào nằm nơi bụi bậm thị thành, vườn hoa bóng liễu, trai gái trăng hoa. Bây giờ nhìn cả quần thể kiến trúc nơi đây, một vùng trang trọng nhất của thành phố, nơi mọi du khách đều đến thăm viếng, mới thấy việc chuyển mộ Tú Xương năm ấy là có lý. Chỉ tiếc trong hai câu thơ trích, khắc quốc ngữ trên bia, có một chữ sai, nên sửa.

    Trở lại bài thơ Sông Lấp, bài thơ mang hồn ông Tú. Nam Định ta nên cố định dáng vẻ tâm hồn gọi đò đêm này bằng một bức tượng Tú Xương, y phục dân tộc, chới với gọi đò. Bức tượng nhìn ra sóng nước sông Đào, bên chỗ Cầu Đò Quan thoáng đãng. Tú Xương gọi hồn nước. Chúng ta gọi hồn ông. Chúng ta tự hào truy lĩnh tài sản tâm hồn ông để lại và qua bức tượng chúng ta cũng bàn giao lòng biết ơn Tú Xương với mai sau.

    Vũ Quần Phương

    Nguồn: tienphong.com.vn

     

    Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bài “Thơ Tú Xương” in trên tạp chí Văn nghệ tháng 1 năm 1963, đã suy tôn nhà thơ non Côi Sông Vị là bậc “Thần thơ thánh chữ”.

    Xưa nay, trên văn đàn, sự trọng thị, liên tài là cách ứng xử của những người có nhân cách lớn, có biệt nhỡn và cả tài năng trác việt. Tú Xương “trong con mắt xanh thời gian”, việc nhìn nhận đánh giá những cống hiến của ông cho Văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn cộng hưởng thêm từ các tuyển tập, các công trình nghiên cứu của các soạn giả trong Nam, ngoài Bắc nhiều thập kỷ qua.

    Đặc biệt, lời biểu dương Tú Xương của Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài “Thời và thơ Tú Xương” ngay từ những năm sáu mươi thế kỷ trước đã được nhiều người tán thưởng: “Tú Xương, một người thơ, một nhà thơ vốn có nhiều công đức trong trường kỳ xây dựng lâu đài ngôn ngữ Việt Nam” (Tạp chí Văn nghệ, tháng 5/1961).

    Còn Giáo sư người Anh Albert Smith đã đánh giá: “Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới”. (1)

    Sinh thời, ông Tú Vị Xuyên trong việc “tự phê bình” chuyện học hành thi cử đã viết rằng mình “Rõ thực Nôm hay mà chữ dốt”, “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”...

    Điều gì đã khiến Tú Xương, một người thông minh, mẫn tiệp thành người “lạc đệ” trong buổi Nho học suy tàn, “nhà nước bảo hộ” bắt đầu áp đặt cách thức “tuyển trạch nhân tài” phục vụ cho bộ máy thống trị hà khắc kiểu “thực dân - nửa phong kiến” trên toàn cõi Việt Nam kể từ sau Hiệp ước Patenôtre 1884, ký với triều Nguyễn?

    Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong tiểu luận “Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc” cho rằng: “Tú Xương hỏng thi… chính là do sự vênh nhau giữa con người nghệ sĩ phóng khoáng, hồn nhiên với cái chế độ thi cử vốn có phép, có tắc của nó, dĩ nhiên là thứ phép tắc gò bó, thủ tiêu cá tính tài năng con người trong xã hội cũ.

    Việc hỏng thi đã thành vấn đề đối với cuộc đời Tú Xương”. (Tú Xương - tác phẩm Giai thoại, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1986).

    …“Một việc văn chương thôi cũng nhảm/Trăm năm thân thế có ra gì…”. (Buồn hỏng thi - Tú Xương)

    Có người lại cho rằng việc “hỏng thi” của ông Tú lại là cái “được” của văn học. Mất một “ông Cử” đội mũ cánh chuồn cung phụng Nam triều những được một nhà thơ lớn:

    “Ông Nghè, ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú tài”.
    (Đọc thơ Tú Xương –Xuân Diệu)

    “Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự”, ai cũng biết câu phương ngôn của người Nam Định yêu quý những đặc sản vật chất, tinh thần vùng đất đã sinh ra cùng với giai thoại từ thuở cậu bé Trần Duy Uyên ngồi trước thềm hoa năm sắc “Đình tiền ngũ sắc hoa” nhập tâm chữ nghĩa thánh hiền…

    Năm 1962, tại phòng đọc Thư viện Nam Định, tôi đã chép bản dịch thơ Đỗ Phủ của nhà thơ Trần Tế Xương trong cuốn “Tú Xương, con người và nhà thơ” (NXB Văn hóa, 1961) của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ. Sách không in bản phiên âm nguyên tác chữ Hán “Xuân dạ hỉ vũ” của Đỗ Phủ. Chỉ có bản dịch của Tú Xương:

    Mừng mưa đêm xuân

    Khen thay con tạo khéo chia mùa
    Hoa sớm mưa xuân những hẹn hò
    Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm
    Rơi ra từng sợi thấm cành khô
    Đồng không lối tắt mây nghi ngút
    Sông vắng thuyền ai lửa thập thò
    Phơi phới thành xuân ban sáng tạo
    Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa.

    Thử hình dung ông Tú trong màn mưa bụi Thành Nam đêm xuân, quay về phía dãy hàng hiên có bóng đèn lồng và đôi câu đối đỏ:

    “Môn ngoại vãng lai xa mã khách/ Đình tiền xuất nhập quế khôi nhi” (2)

    Ngôi nhà mái ngói số 247 Hàng Nâu, khu Định Hữu, Vị Xuyên hãy còn hé cửa. Bên tràng kỷ, trên án thư người nhà đã bày sẵn nghiên sứ, thỏi mực đen ánh và cây bút Tảo Thiên Quân cùng “ánh đèn xanh” với “những quyển vàng”.

    Ông dịch thơ Đỗ Phủ, thần hứng lâng lâng, tấm áo bông treo mắc áo hãy còn đính những hạt mưa xuân bé tí lấp lánh. Một đêm xuân bao nhiêu tình tứ:

    “Ai ơi còn nhớ ai không
    Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
    Nào ai có tiếc ai đâu
    Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô
    Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
    Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình”…

    (Áo bông che đầu – Tú Xương)

    Bài thơ “Xuân dạ hỉ vũ” của thi hào Đỗ Phủ tả một đêm mưa xuân có thể là ở đất Kinh Triệu, gần Kinh đô Tràng An nhà Đường, nơi ông được làm một chức quan nhỏ coi kho vũ khí trước ngày xảy ra loạn An Lộc Sơn.

    Đỗ Phủ (712-770) sao có thể biết sau hơn một nghìn năm ở phương Nam xa xôi này có một nhà thơ trẻ yêu quý ông, có thể gọi dậy sức sống tinh khôi ở một bài thơ cổ.

    Ở đây, đồng đất ngoại thành Nam Định cũng vừa bừng thức sau làn mưa xuân dìu dịu mùi hương cỏ nõn. Sông Vị Hoàng êm lắng, đầu mom cối bãi lơ mơ sương khói, thuyền ai thắp lên ánh lửa sáng vào trang thơ:

    Đồng không lối tắt mây nghi ngút/ Sông vắng thuyền ai lửa thập thò…

    Không biết đây là thành xuân phương Bắc xa lắc xa lơ hay là Thành Nam với những xóm Phù Hoa, Vị Khê… lối cửa Đông, cửa Nam sớm mai như vẽ:

    Phơi phới thành xuân ban sáng dạo/ Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa…

    Đưa bản dịch “Xuân dạ hỉ vũ” của Tú Xương vào tiểu luận “Đọc thơ Tú Xương” trong “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” tập II (NXB Văn học 1987, trang 184), nhà thơ Xuân Diệu viết: “Trước hết là khâm phục Đỗ Phủ, tiếp liền sau là khen Tú Xương, ngôn từ nhanh nhẹn, lời văn rất mới; mới đây không phải ngông nghênh, tân thời “mô đéc” thì gọi là mới; mới đây nghĩa là trẻ, trẻ thì nhất định luôn luôn mới, trẻ là tồn tại muôn đời, mở ra lúc nào mới lúc ấy!

    Chao ôi, không biết khen ai, khen cả hai tác giả! Mưa xuân ban đêm hẹn với nhau nảy sớm mùa; cái mưa xuân ấy đưa nhẹ một cơn, thì hoa bừng giấc thắm, tỉnh dậy và nở thắm; cái mưa xuân ấy rơi ra từng sợi thấm cành khô, cha chả là hay! Hai câu đối nhau, đọc liền một lúc mới thấy lộ hết cái hay”.

    Tú Xương còn bao nhiêu bài dịch nữa? Khó có thể liệt kê đầy đủ bởi vì ngay những sáng tác của ông lúc sinh thời còn được bạn đọc hôm nay tìm đến chủ yếu do những người quý trọng tài năng thi ca xuất chúng nơi ông mà nhập tâm, ghi chép lại. Thơ ông ở trong trí nhớ, trong tâm thức người Nam Định, trong các bản chép tay tủ sách của các gia đình.

    Nhà thơ Trần Lê Văn trong “Tú Xương, khi cười, khi khóc, khi than thở” (NXB Lao động, 2002, tr84) cho biết “Năm 1930, Trần Duy Lãng, một trong những người con của ông Tú, bị Tây bắt vì bị tình nghi hoạt động cách mạng, gia đình sợ đem đốt hết cả tập thơ. Đốt tại số nhà 280 phố Hàng Nâu, Nam Định”.

    Giáo sư Nguyễn Lộc trong “Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987, trang 323) cho biết: “Ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) có một cuốn sách ký hiệu AB 194 ghi là của Trần Tế Xương, nội dung có phần Nam giao cổ kim lý hạng ca dao chú giải chép ca dao nước ta có chú thích bằng chữ Hán, ngoài ra có phụ một số câu đố.

    Cũng trong cuốn sách này có một phần tên là Đường thi ngũ ngôn giải âm dịch 83 bài thơ trong bộ Đường thi hợp tuyển cũng ghi là của Trần Tế Xương”.

    Mặc dù không khẳng định tư liệu thành văn này của Tú Xương, Giáo sư Nguyễn Lộc vẫn quả quyết: “Nhưng một điều dứt khoát có thể khẳng định được là Tú Xương rất am hiểu ca dao” (Sđd).

    Chúng tôi chưa được tiếp cận tư liệu quí giá này. Nếu quả thật đây đúng là di cảo của nhà thơ Tú Xương thì “thật là hay”! Chúng ta đều biết, Tú Xương là nhà thơ sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… vào các sáng tác văn học đến mức thần tình.

    Ông xứng là bậc thầy trong lao động sáng tạo ngôn ngữ thi ca tiếng Việt, một “bút lực đại gia” trong việc sử dụng và biên dịch tác phẩm chữ Hán qua các văn bản hiện hữu.

    Trong “Thơ Đường tập 1” (NXB Văn học 1987, tr.137) có in bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ, bản dịch thơ của Tú Xương.

    Nguyên tác của Đỗ Phủ:

    THẬP THẤT DẠ ĐỐI NGUYỆT

    Thu nguyệt nhưng viên dạ
    Giang thôn độc lão thân
    Quyển liêm hoàn chiếu khách
    Ỷ trượng cách tùy nhân
    Quang xạ tiềm cầu động
    Minh phiên túc điểu tần
    Mao trai y quất dữu
    Thanh thiết lộ hoa tân

    Dịch nghĩa:

    NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY

    Trăng thu đêm nay vẫn tròn
    Thân già côi quạnh ở xóm bên sông
    Cuốn rèm, trăng còn ngó khách
    Chống gậy, trăng vẫn theo mình
    Ánh rọi xuống, làm con cầu long đã lặn phải cựa quậy
    Bóng sáng soi vào, khiến con chim ngủ xoay mình luôn
    Lều tranh dựa bên cây quýt, cây bưởi
    Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa.

    Dịch thơ:

    NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY

    Vành vạnh trăng thu chút chửa sai
    Xóm sông lụ khụ một mình ai
    Cuốn rèm trông thấy như chào lão
    Chống gậy ra chơi lại đón người
    Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy
    Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi
    Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quýt
    Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời.

    Trần Tế Xương

    Bài thơ thể ngũ ngôn được “dịch” sang thể thơ thất ngôn thêm “đất dụng võ” cho dịch giả. Đỗ Phủ “Ngắm trăng đêm mười bảy” một mình từ túp lều tranh quạnh quẽ bên dòng sông trăng thu đầy ắp.

    Hình như Đỗ Phủ khi ấy đang ở rất gần con sông thơ “Khúc Giang” nổi tiếng “Triều hồi nhật nhật điểm xuân y” (Khỏi bệ vua ra cố áo hoài – Tản Đà dịch), trong cảnh ngộ “thân già cô quạnh ở xóm bên sông” xa lánh hẳn cái thuở làm chức gián quan tháp tùng vua Đường chạy loạn An Lộc Sơn.

    Những năm cuối đời, nhà thơ lâm vào cảnh khốn khó, gia đình ly tán. Đỗ Phủ phải vất vả mưu sinh, nếm đủ cơ cực, thiếu đói, bệnh tật hành hạ, nhưng phẩm cách của bậc “Thi Thánh”, tư tưởng nhân văn lại càng tỏa sáng. Thơ ông vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật thơ Đường.

    Tú Xương dịch bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ có thể cũng vào một đêm thật trăng sau những đêm “Nhạt nhèo quang cảnh ánh trăng suông”. “Trời không chớp bể với mưa nguồn”... là cái đêm bình yên trở lại sau “Đêm rằm tháng tám chúng vây ai?” rậm rịch bước chân đám lính “khố đỏ, khố xanh” lùng sục các phố xá Thành Nam, vây ráp như “Đèn kéo quân” tìm bắt cả những người bị tình nghi có hành vi chống đối Nhà nước bảo hộ.

    Cái đêm chừng như vầng trăng trong thơ Đường về tròn gương bên bến nước sau nhà, trăng dạt dào tiếng sóng vỗ mom sông. Bản dịch của Tú Xương sáng đẹp lạ thường trong lời thơ Việt có cả những làn sóng ánh sáng:

    Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy/ Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi

    Và ở câu kết “Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa” Tú Xương dịch thành “Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời” khiến cho sự sáng trong lòng ta ngời lên như những hạt ngọc!

    Tài năng xuất chúng của Trần Tế Xương không chỉ ở những thơ, phú, câu đối… mà còn ở những bài dịch thơ chữ Hán trác tuyệt của ông.

    Thành phố Nam Định, tháng 10 năm 2007

    Phạm Trọng Thanh

    Nguồn: tienphong.com.vn

    -----

    (1) Dẫn theo Nguyễn Thị Hòa Bình (trong luận văn “Con đường từ Nguyễn Khuyến đến Trần Tế Xương của văn học trào phúng” - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội 1999).

    (2) Câu đối trong bức tranh “Đối Pháo” của họa sĩ Nguyệt Hồ (1905 - 1992).

     

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,748,554

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!