Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,715,150

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Nhà Tây Tấn (1)

Tư liệu

  • Thứ năm, 19:20 Ngày 27/08/2009
  • Tây Tấn (265-316) Thống nhất Trung Hoa

    Nhà Tây Tấn (西晉) bắt đầu hình thành quyền lực từ Tư Mã Ý, đại thần nhà Ngụy thời Tam Quốc. Sau khi Ngụy Minh đế Tào Tuấn qua đời năm 329, vua nhỏ Tào Phương không có thực quyền, cha con Tư Mã Ý trở thành quyền thần.

    Năm 251, Tư Mã Ý chết, hai con Tư Mã SưTư Mã Chiêu thay nhau nắm quyền. Ngay năm sau, Tư Mã Sư phế Vua Ngụy Tào Phương, lập Tào Mao. Sư qua đời, Tư Mã Chiêu một mình nắm quyền. Năm 260, Tào Mao muốn trừ khử Chiêu, bị Chiêu ra tay giết và lập Tào Hoán lên thay, tức Ngụy Nguyên đế.

    Sẵn có tiềm lực cả về kinh tế, dân số, về mặt quân sự, họ Tư Mã nắm quyền nước Ngụy là mạnh nhất trong số ba nước. Nước ThụcNgô có dân cư thưa thớt hơn và ít của cải hơn, do đó dần dần bị nước Ngụy lấn át.

    Sau nhiều năm vừa trấn áp sự chống đối của những người trung thành với nhà Ngụy để củng cố quyền lực, vừa chống trả thành công những cuộc xâm lấn của Ngô và Thục, họ Tư Mã quyết định đánh Thục khi nước này đã suy yếu và nội bộ mất đoàn kết.

    Năm 263, Ngụy đánh Thục và nhanh chóng tiêu diệt chiếm Thục (đầu năm 264), Vua Thục là Lưu Thiện đầu hàng.

    Năm 264, Tư Mã Chiêu qua đời. Con cả Chiêu là Tư Mã Viêm lên thay. Tư Mã Viêm phế truất Tào Hoán xưng đế, lập ra nhà Tấn, tức là Tấn Vũ đế (265-290). Tư Mã Ý được truy tôn làm Tuyên đế, Tư Mã Sư làm Cảnh đế, Tư Mã Chiêu làm Văn đế.

    Năm 280, Tấn Vũ đế chinh phục nốt nước Ngô, bắt Vua Ngô là Tôn Hạo. Trung Quốc lại được thống nhất, và Tấn Vũ đế mở rộng quyền lực của mình về phía bắc đến trung tâm Triều Tiên và phía nam đến hết An Nam (Việt Nam).

    Cai trị quốc gia

    Dân số

    Trước sự hùng mạnh của Tây Tấn, những sự cướp phá chống Trung Quốc của Hung Nô và những bộ tộc khác tạm dừng trong một thời gian. Và chính sách định cư các bộ tộc bên trong Trung Quốc đã có kết quả. Triển vọng về một nền hòa bình, thống nhất và thịnh vượng bắt đầu.

    Để khắc phục tình trạng hao hụt dân số do chiến tranh thời Tam Quốc, ngay từ khi lên ngôi, Tấn Vũ Đế đề ra chính sách khuyến khích phát triển dân số:

    Con gái đến 17 tuổi chưa gả chồng thì quan sẽ thay cha mẹ gả cho

    Nhà có 5 con gái được miễn dịch để khuyến khích việc nuôi con gái và trừ bỏ thói xấu từ thời Chiến Quốc là sinh con gái thường ít nuôi[1].

    Năm 280, tính cả những dân lưu vong trở về, trên toàn lãnh thổ do nhà Tấn cai trị có 2.450.000 hộ, 16.163.863 nhân khẩu[2].

    Phân phong chư hầu

    Để nhanh chóng dẹp các cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số, nhà Tấn chia nhỏ các châu, quận vùng biên cương, giao cho các hoàng thân đi trấn giữ. Từ tổng số 12 châu thời nhà Hán tăng lên thành 19 châu trong toàn quốc[3]:

    U Châu chia làm 2: U Châu và Bình Châu

    Ung Châu chia làm 2: Ung Châu và Tần Châu

    Ích Châu chia làm 3: Lương châu, Ích Châu và Ninh Châu.

    Tấn Vũ Đế không thay đổi nhiều chính sách của nhà Ngụy, nhưng với chế độ phân phong thì thi hành chính sách mới. Nhà Tấn cho rằng sở dĩ Tào Ngụy mất vì trung ương lẻ loi không có vây cánh, vì thế Vũ Đế chủ trương mở rộng các phiên vương trong hoàng tộc:

    Nước phong có 2 vạn hộ là nước lớn, quân sĩ 5000 người;

    Có 1 vạn hộ là nước vừa, quân sĩ 3000 người

    Nước có 5000 hộ là nước nhỏ, quân sĩ có 500 người.

    Do việc tăng binh lực cho các chư hầu nên người được phong dễ gây ra nội chiến và đây chính là một sai lầm cực đoan[4].

    Vũ Đế tìm cách quay lại thời kỳ vĩ đại của triều Hán, khi hoà bình và thịnh vượng có ở khắp đất nước và nhà Hán có được quyền lực trung ương mạnh. Tấn Vũ Đế đặt ra các cải cách nhằm mục đích kiềm chế quyền lực địa phương - quyền lực của các gia đình lớn. Nhưng những cải cách đó không thành công. Ông chết năm 290 khi thế lực của các chư hầu, lãnh chúa lớn ở Trung Quốc càng thêm lớn mạnh trong khi người kế vị không đủ năng lực nên nhà Tấn nhanh chóng bị suy yếu.

    Vấn đề người ngoại tộc

    Từ thời nhà Hán sang thời Tam Quốc, những người thiểu số như người Hung Nô, người Khương, người Tiên Ty v.v... đã xâm nhập vào trung nguyên và ở lẫn với người Hán. Trong thời Tào Ngụy, ý tưởng đề phòng sự nổi dậy của những tộc người này đã được Đặng Ngải nêu ra và Tư Mã Sư tán đồng, nhưng chưa thực hiện. [5].

    Tấn Vũ Đế đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống người Tiên Ty và người Khương ở Tần Châu, Lương Châu (Cam Túc), trước khi tiêu diệt Đông Ngô. Kế hoạch quân sự này được các tướng Dương Hộ, Vương Tuấn và Tể tướng Trương Hoa ủng hộ.

    Năm 271, thế lực của tộc Tiên Ty ở Lũng Hữu nhanh chóng lớn mạnh, tháng 6, Thụ Cơ Năng, thủ lĩnh bộ Thốc Phát giết chết Thứ sử Tần Châu Hồ Liệt. Tấn Vũ Đế phái Tư Khang Hiệu úy Thạch Giám làm An Tây Tướng quân, Đô đốc Lũng Hữu, Đỗ Dự làm An Tây quân sự đem quân đàn áp người Tiên Ty, đến năm sau tình hình Lũng Hữu mới yên ổn. Tuy nhiên ở phía bắc, Hữu hiền vương Nam Hung Nô là Lưu Mãnh lại dấy binh chống lại nhà Tấn ở Tinh Châu (Sơn Tây), sau cũng bị trấn áp.

    Khi Tấn Vũ Đế diệt Ngô, Quách Khâm cũng đề cập nguy cơ này và khuyên Vũ Đế điều lưu dân ngoại tộc trở về bản quán để tách họ với người Hán; đồng thời điều quân vừa thắng Ngô lên biên cương đề phòng, từng bước đẩy người thiểu số ra khỏi biên cương. Tuy nhiên, Tấn Vũ Đế đã không tiếp thu ý kiến này. Các nhà nghiên cứu hiện nay xem quyết định của Vũ Đế ít nhiều mang tính đạo lý để tránh xáo trộn xã hội.[6].

    Nhưng sau khi Vũ Đế qua đời, trào lưu bài trừ lưu dân trong triều Tây Tấn tiếp tục dấy lên, tiêu biểu là bài "Đồ Nhung luận" (Thuyết đuổi người Nhung) của Thái tử Tẩy mã Giang Thống, cho rằng các tộc người không phải cùng tộc với người Hán thì lòng dạ họ tất khác nhằm di dời người thiểu số ra khỏi lãnh thổ đề nghị cho dời khỏi Quan Trung nhưng Triều đình không chấp nhận. Tuy nhiên những năm sau đó, việc Triều đình Tây Tấn theo đuổi chính sách này ngay trong "Loạn bát vương" đã dẫn đến các cuộc nổi dậy của lưu dân, trong đó hậu quả tai hại nhất là của Lý Đặc và Vương Nhung, góp phần càng làm suy yếu nhà Tấn. Triều đình Tây Tấn sau thời Vũ Đế đã không biết áp dụng hòa hợp dân tộc, dùng chính sách thù địch với người thiểu số nên mới dẫn đến loạn lạc[7].

    Bát vương chi loạn

    Bài chi tiết: Loạn bát vương

    Cùng với cái chết của Vũ Đế, Triều đình Tây Tấn lập tức xuống dốc. Một số đại thần từng khuyên Vũ Đế bỏ Thái tử Tư Mã Trung lập người khác nhưng Vũ Đế không nghe vì nể thông gia nhà đại thần Giả Sung. Tư Mã Trung lấy con Giả Sung là Giả Nam Phong, được lên kế vị, tức Tấn Huệ Đế, một hoàng đế đần độn. Sử chép lại một số câu chuyện về hoàng đế ngây ngô này. Khi nghe ếch kêu, Huệ Đế hỏi thị thần:

    Ếch nó kêu vì việc công hay vì việc tư đấy?

    Lúc nghe tin dân bị đói, đến gạo cũng không còn để ăn, Huệ Đế lại buột miệng hỏi:

    Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?[8]

    Quyền hành rơi vào tay Hoàng hậu Giả Nam Phong. Bà vốn đa nghi và bắt đầu bắt giữ và hành quyết bất kỳ ai mà bà cho là một mối đe dọa cho vị trí của mình, kể cả những kẻ đối lập trong Hoàng gia. Trong vòng xoáy quyền lực đó, Giả Hậu muốn tận dụng các thân vương trừ khử lẫn nhau để loại bớt người không ăn cánh nhưng rồi chính bà bị các hoàng thần trừ khử. Cuộc xung đột nổ ra giữa các hoàng thân nhà Tấn, sử gọi là Loạn bát vương (Bát vương chi loạn)

    Những cuộc thanh trừng, bắt bớ tại Kinh đô xảy ra liên tục. Bên ngoài, các thân vương thi nhau dựng cờ “cần vương” nhưng thực chất để khuếch trương thế lực. Nhiều vương công và hàng vạn người bị giết. Hoàng hậu họ Giả không thể giết tất cả những kẻ đối nghịch với mình. Năm 300, một hoàng thân là Triệu Vương Tư Mã Luân đã làm đảo chính, giết Giả Hậu và nhiều người khác, đồng thời ép vị vua nhu nhược phải nhường ngôi. Đến lượt các vương hầu khác khởi binh chống lại Tư Mã Luân và giết ông chỉ sau 3 tháng. Vị vua nhu nhược Tư Mã Trung lại được lập làm Hoàng đế lần thứ hai. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các vương hầu không hề kết thúc. Số lượng người chết vì cuộc chiến rất lớn. Thêm vào đó, hạn hán và nạn đói liên tiếp xảy ra. Chính phủ trung ương suy yếu và hoàn toàn bất lực trước sức mạnh của các lãnh chúa địa phương. Chu kỳ bước qua giai đoạn thống nhất giờ lại bước vào giai đoạn tan rã.

    Tám vị vương là tôn thất nhà Tấn gây ra bạo loạn gồm có:

    Sở Vương Tư Mã Vĩ (con thứ 5 của Tấn Vũ Đế).

    Nhữ Nam Vương Tư Mã Lượng (con thứ 4 của Tư Mã Ý, vào hàng chú của Tấn Vũ Đế, ông Tấn Huệ Đế).

    Triệu Vương Tư Mã Luân (con thứ 9 của Tư Mã Ý, em Tư Mã Lượng): là người tham vọng nhất, từng phế Huệ Đế Tư Mã Trung để làm vua, nhưng bị các vương khác xúm lại đánh, buộc phải tự vẫn năm 301.

    Tề Vương Tư Mã Quýnh (con Tư Mã Du - em Tấn Vũ Đế. Du từng được Tư Mã Chiêu cho làm con nuôi Tư Mã Sư).

    Thường Sơn Vương (sau là Trường Sa Vương) Tư Mã Nghệ (cháu thứ 6 của Tấn Vũ Đế).

    Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (con thứ 16 của Tấn Vũ Đế).

    Hà Gian Vương Tư Mã Ngung (cháu Tư Mã Phu - em Tư Mã Ý).

    Đông Hải Vương Tư Mã Việt (cháu Tư Mã Ý).

    Diệt vong

    Bài chi tiết: Hán TriệuThành Hán

    Người Tung, người Hung Nô nổi dậy

    Loạn tám vương làm nhà Tây Tấn suy yếu trầm trọng. Khoảng 20 - 30 vạn người bị chết[9]. Hàng loạt tôn thất có thế lực và tài năng bị giết, khiến Hoàng tộc khủng hoảng nhân sự không có người phò trợ. Chiến tranh xảy ra khiến nhiều vùng bị tàn phá. Các bộ tộc ngoại vi thừa cơ xâm nhập và làm loạn Trung Hoa.

    Tại vùng Quan Trung có lưu dân tộc người Tung, vì mất mùa mấy năm, kéo hàng chục vạn người vào quận Thục kiếm ăn. Nhà Tấn sai La Thượng vào Thục, ép lưu dân người Tung rời khỏi Ích Châu vào tháng 7 năm 302. Thủ lĩnh người Tung là Lý Đặc xin được gặt mùa xong, tới mùa đông sẽ đi. La Thượng không bằng lòng, mang quân đến đánh đuổi Lý Đặc. Người Tung bèn theo Lý Đặc và cháu là Lý Hùng nổi dậy làm phản, cát cứ Tây Xuyên mà nhà Tấn không còn khả năng quản lý. Sau khi Lý Đặc tử trận, Lý Hùng lập ra nước Thành Hán (303). Từ đó nhà Tây Tấn mất hẳn đất Thục.

    Trong Loạn bát vương, do khủng hoảng nhân sự, các vương nhà Tấn phải dùng tới các tướng sĩ người “Hồ” và họ nhân đó phát triển thế lực. Một bộ tướng của Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh (tham chiến bát vương) là Lưu Uyên[10] đã lớn mạnh trong lúc các sứ quân họ Tư Mã giết hại lẫn nhau. Khi Loạn bát vương chấm dứt, Tư Mã Dĩnh đã bị giết; trong 8 vương chỉ còn lại Đông Hải Vương Tư Mã Việt nắm quyền trong triều.

    Lưu Uyên phát triển thành cánh quân độc lập. Năm 304, Uyên xưng làm vua, lập ra nhà Hán, sử gọi là Hán Triệu. Uyên mang quân đánh chiếm đất nhà Tấn.

    Tháng 11 năm 306, Huệ Đế Tư Mã Trung bị giết, Hoài Đế Tư Mã Xí được lập lên thay. Nhà Tấn phải đối phó với nguy cơ làm loạn của các ngoại tộc người Hồ tràn lan khắp Trung Nguyên.

    Giằng co với quân Hán Triệu

    Bộ tướng cũ của Tư Mã Dĩnh là Công Sư Phiên khởi binh báo thù cho chủ. Thứ sử Duyện Châu Tuân Hi đánh bại và giết chết Phiên. Bộ tướng của Phiên là Cấp Tân và Thạch Lặc vẫn không chịu bãi binh. Năm 307, Tân và Lặc mang quân đánh chiếm Nghiệp Thành, giết Tân Thái Vương Tư Mã Đằng. Tư Mã Việt sai Tuân Hi mang quân đánh chiếm lại được Nghiệp Thành. Tân bỏ chạy rồi bị giết, còn Thạch Lặc chạy về hàng Lưu Uyên.

    Trong lúc đó, một cuộc nổi dậy do Lưu Bá Căn đứng đầu cũng bị dẹp yên. Căn bị giết, bộ tướng Vương Di đóng quân ở Hà Bắc cũng quy phục Lưu Uyên.

    Năm 308, Lưu Uyên sai con là Lưu Thông Nam tiến đánh Thái Nguyên, sai Thạch Lặc đánh đất Triệu, Ngụy, lại lệnh cho Vương Di đánh phá các châu. Vương Di lại liên tiếp khiến các châu Dự, Duyện, Từ, Thanh bị uy hiếp, Thứ sử Thanh Châu Tuân Hi (Tư Mã Việt điều Hi từ Duyện Châu về Thanh Châu) đối phó rất vất vả. Tháng 5 năm đó, Di tấn công Kinh thành Lạc Dương nhưng bị viện binh nhà Tấn đánh bại, phải chạy về nhập vào quân Lưu Uyên.

    Tháng 7 năm 308, quân Hán Triệu hạ được Bình Dương (Sơn Tây, Trung Quốc). Lưu Uyên dời đô về đây, xưng làm Hoàng đế.

    Tháng 9 năm đó, Vương Di và Thạch Lặc hợp binh tấn công Nghiệp Thành, tướng Hòa Úc bỏ thành chạy. Sau khi chiếm Nghiệp Thành, Thạch Lặc lại cùng tướng Hán Triệu khác là Lưu Linh đánh Ngụy Quận, Cấp Quận, Đốn Khâu, liên tiếp hạ 50 đồn. Các châu quận vùng Ký Nam, Hà Bắc bị tàn phá thời Loạn bát vương, binh lực yếu ớt, nên quân Hán Triệu tiến rất dễ dàng.

    Năm 309, Lưu Uyên sai Lưu Thông, Vương Di đánh Thượng Đảng. Thứ sử Tinh Châu Lưu Côn mang quân cứu. Tư Mã Việt ở Lạc Dương cũng sai Vương Khoáng đi cứu. Thông và Di hợp binh đánh bại hai cánh viện binh, sau đó lại chiếm lấy Đồn Lưu, Trưởng Tử khiến tướng giữ Thượng Đảng là Bàng Thuần cùng kế phải đầu hàng. Quận Thượng Đảng chỉ còn thành Tương Viên giữ được, Lưu Côn sai bộ tướng Trương Ỷ đến trấn thủ.

    Tháng 8 năm 309, Lưu Uyên tấn công Lạc Dương. Quân Tấn nhân lúc Uyên vừa thắng trận, chủ quan khinh địch, bất ngờ đánh úp khiến Uyên bị thua to, phải rút chạy.

    Tháng 10 năm đó, Uyên cùng các tướng Lưu Thông, Vương Di, Lưu Cảnh tấn công Lạc Dương lần thứ hai. Quân Tấn chống trả quyết liệt, giết chết 3 tướng Hô Diên Yến, Hô Diên Hạo, Hô Diên Lãng, lại chặn đường tiếp lương từ huyện Thiểm khiến quân Hán Triệu thiếu lương. Uyên phải rút quân về Bình Dương.

    Lạc Dương thất thủ

    Năm 310, Lưu Uyên chết, con thứ Lưu Thông giết anh là Lưu Hòa lên ngôi, tức Vũ Đế.

    Đầu năm 310, tướng Hán Triệu là Vương Di sai bộ tướng Tào Nghi đánh chiếm Đông Bình[11] và tấn công Lang Nha; Thạch Lặc mang quân hợp với Di đánh 3 châu Từ, Duyện, Dự, chiếm được Yên Thành[12], giết Thứ sử Duyện Châu nhà Tấn là Viên Phu, sau đó đánh chiếm các quận thuộc Ký Châu. Khi đó phần lớn đất đai phía đông Lạc Dương đã bị mất, Thứ sử Thanh Châu Tuân Hi và Thứ sử Dự Châu Phùng Tổng có thực lực nhưng vì bất hòa với Tư Mã Việt nên không phát binh cứu.

    Trong lúc đó, Tư Mã Việt lại phạm sai lầm khác. Lưu dân Ung Châu đang ở Nam Dương, Việt hạ lệnh cho dân phải về quê. Lưu dân vì Quan Trung đã bị tàn phá không muốn về, Việt sai quân áp giải ép phải đi. Do đó lưu dân theo Vương Như làm loạn, đánh phá các huyện quanh Lạc Dương khiến nhà Tấn càng nguy khốn, bốn mặt phải thụ địch[13].

    Tháng 10 năm 310, các tướng Hán Triệu là Lưu Diệu, Lưu Xán (con Lưu Thông), Vương Di, Thạch Lặc chia đường cùng nhau tấn công Lạc Dương lần thứ ba. Trong thành lại thiếu lương, tình hình rất nguy cấp. Nhưng nội bộ nhà Tấn vẫn bị chia rẽ. Tư Mã Việt chuyên quyền, giết các tâm phúc của Tấn Hoài Đế khiến vua tôi càng mâu thuẫn. Lưu Côn ở Tinh Châu muốn mượn quân Tiên Ty của Thác Bạt Y Lư vào đánh Hung Nô nhưng Tư Mã Việt không nghe, vì sợ các địch thủ Tuân Hi, Phùng Tổng cũng đang trấn thủ phía bắc sẽ thừa cơ cùng tràn vào. Hoài Đế sai người đi cầu cứu, chỉ có Sơn Giản[14] ở Tương Dương và Vương Trừng ở Kinh Châu muốn phát binh, nhưng hai cánh quân này lại bị quân của Vương Như (lưu dân Ung Châu) chặn đánh nên phải rút về cố thủ.

    Tháng 11 năm 310, Tư Mã Việt thấy Lạc Dương nguy cấp không thể giữ nổi, bèn mang 4 vạn quân sang Hứa Xương, bỏ lại Hoài Đế. Vương Diễn ở lại Lạc Dương không khống chế được tình hình hỗn loạn. Tháng 3 năm 311, Hoài Đế tức giận viết thư lên Thanh Châu sai Tuân Hi đánh Việt. Việt ở Hứa Xương đang thấy Thạch Lặc đến gần, lại bắt được thư của Hoài Đế gửi cho Tuân Hi, căm giận thành bệnh mà chết. Tư đồ Vương Diễn mang xác Việt ra ngoài chôn cất, bị Thạch Lặc chặn đánh, giết chết mấy vạn quân Tấn. Thạch Lặc bắt được Vương Diễn và quan tài của Tư Mã Việt. Lặc giết Diễn rồi băm xác Việt.

    Tuân Hi nhân lúc quân Hán Triệu đi đánh Việt, nới lỏng vòng vây bèn sai người mang xe đến Lạc Dương đón Hoài Đế. Nhưng các đại thần tiếc gia tài nên lần lữa không đi. Sứ của Tuân Hi phải trở về. Mãi sau, liệu tình hình không thể ở được, Hoài Đế đành tự đi bộ với vài chục quan viên, ra ngoài thành Lạc Dương bị lưu dân chặn đường trấn lột hết đồ mang theo, buộc phải quay trở lại[15].

    Thạch Lặc cùng Vương Di, Hô Diên Yến biết Lạc Dương đã rất rệu rã, mang quân quay trở lại, ồ ạt tấn công lần thứ tư. Ngày 11 tháng 6, quân Hán Triệu phá được cửa Nam, kéo vào thành, giết 3 vạn quân dân nhà Tấn, bắt sống Hoài Đế và Dương Hoàng hậu thứ hai của Tấn Huệ Đế. Kinh thành Lạc Dương bị cướp bóc và tàn phá.

    Trường An thất thủ

    Vua Tấn bị bắt nhưng vẫn không ai lập vua thay để có chính lệnh điều khiển thiên hạ cứu vãn tình thế. Tuân Hi nắm được Dự Chương Vương Tư Mã Đoan (cháu Hoài Đế), đang định đưa lên ngôi. Tháng 8 năm 311, tướng Hán là Lưu Xán và Lưu Diệu (con nuôi Lưu Uyên) đánh chiếm Trường An, bắt giết Nam Dương Vương Tư Mã Mô. Sang tháng sau, Thạch Lặc đánh chiếm Mông Thành[16], bắt sống Tuân Hi và Tư Mã Đoan.

    Khi Lạc Dương thất thủ, một người cháu Hoài Đế là Tần Vương Tư Mã Nghiệp chạy về huyện Mật[17], gặp cậu là Tư không Tuân Phiên. Vừa lúc đó Thứ sử Dự Châu Diêm Đỉnh mộ được vài ngàn quân ở đó, bèn cùng hợp binh cố thủ.

    Các tướng Quan Trung là Sách Lâm, Giả Thất dấy binh khôi phục nhà Tấn, được dân Quan Trung hưởng ứng, mang quân bao vây Trường An. Lưu Diệu và Lưu Xán thua trận, phải cố thủ. Tới tháng 4 năm 312, Giả Thất chiếm được Trường An, hai tướng Hán phải bỏ chạy về Bình Dương.

    Giả Thất sai người đi đón Tư Mã Nghiệp về Ung Thành rồi rước về Trường An. Tháng 9 năm 312, Nghiệp được tôn làm Thái tử. Nhưng khi quân địch rút lui, các tướng Tấn là Giả Thất, Sách Lâm và Diêm Đỉnh lại tranh giành quyền bính. Tháng 12 năm đó, Giả Thất giao chiến với tướng Hán là Bành Thiên Hộ tử trận. Quân Hán rút đi, Diêm Đỉnh giết Lương Tổng; Sách Lâm và Cúc Doãn lại mang quân đánh và giết chết Diêm Đỉnh.

    Năm 313, Tấn Hoài Đế bị Lưu Thông giết ở Bình Dương. Sách Lâm tôn Tư Mã Nghiệp lên ngôi, tức Tấn Mẫn Đế (313-316). Mẫn Đế viết chiếu, triệu các trấn cần vương đánh Hung Nô: Vương Tuấn ở U Châu, Lưu Côn ở Tinh Châu, Tư Mã Bảo (con Tư Mã Mô) ở Thượng Khuê[18], Tư Mã Tuấn ở Giang Nam. Tuy nhiên Vương Tuấn chỉ lo cát cứ phát triển thế lực riêng, Lưu Côn không đủ thực lực vốn phải dựa vào các bộ lạc người Tiên Ty mới đứng được ở Tinh Châu, Tư Mã Tuấn muốn yên ổn ở Giang Nam, lấy cớ đánh dẹp quân phiến loạn Đỗ Thao nên không phát binh; còn Tư Mã Bảo rất yếu không có khả năng đương đầu với quân Hán.

    Sách Lâm và Cúc Doãn ở Trường An phải đơn độc chiến đấu với quân Hung Nô. Dù quân Tấn vài lần đánh lui được địch nhưng ngày càng hao mòn, lại không được tiếp viện nên không thể giữ lâu.

    Tháng 8 năm 316, Lưu Diệu tấn công Trường An lần nữa. Thành ngoài bị mất nước, Sách Lâm phải lui vào thành nhỏ. Trong thành giá 1 đấu gạo lên tới 2 lượng vàng[19], người trong thành giết nhau để ăn. Mẫn Đế cùng đường, bèn bàn với Cúc Doãn "nhẫn nhục ra hàng, để cứu sĩ dân"[20]. Sách Lâm mưu tính việc riêng, sai người ra nói với Lưu Diệu rằng trong thành đủ lương, nhưng nếu Lâm được phong chức lớn thì Lâm sẽ hàng. Lưu Diệu cự tuyệt.

    Ngày 11 tháng 11 năm đó, Mẫn Đế mang ngọc tỉ truyền quốc ra hàng, bị giải về Bình Dương, phong làm Hoài An Hầu. Cúc Doãn tự vẫn trong ngục, Sách Lâm bất trung nên bị Lưu Thông giết chết.

    Nhà Tây Tấn diệt vong, tồn tại được 52 năm, có tất cả 4 vua. Hơn 1 năm sau, Mẫn Đế bị Lưu Thông giết ở Bình Dương khi mới 18 tuổi.

    Đông Tấn (317-420)

    Xem thêm: Ngũ Hồ Thập lục quốc

     

    Tấn Nguyên Đế cố thủ ở Giang Nam

    Trong lúc Ngũ Hồ tràn vào Trung Nguyên, thân thuộc nhà Tấn bỏ chạy từ phía bắc về phía nam và tái lập nhà Tấn ở thành Kiến Khang, nằm ở phía đông nam Lạc Dương và Trường An, gần Nam Kinh ngày nay, dưới quyền Lang Nha Vương (琅邪王) Tư Mã Tuấn.

    Từ năm 307, khi Loạn bát vương sắp kết thúc, Tư Mã Tuấn được Tư Mã Việt cử đi Dương Châu, cai quản vùng Giang Nam. Đi cùng Tư Mã Tuấn có văn thần Vương Đạo. Khi đến Giang Nam, Tư Mã Tuấn hoàn toàn dựa vào Vương Đạo về chính sách và anh họ Đạo là Vương Đôn về quân sự. Khi đó Giang Nam cũng vừa trải qua vụ biến loạn của Trần Mẫn, sau đó lại nổ ra cuộc nổi dậy của Đỗ Thao (311). Vương Đôn đánh dẹp cuộc nổi dậy của các tướng sĩ vùng trung du Trường Giang, trở thành lực lượng quân sự mạnh.

    Vì phương bắc bị Ngũ Hồ đánh chiếm, nhiều thế tộc, nhân sĩ phương Bắc chạy xuống miền Nam theo Tư Mã Tuấn. Theo chủ trương của Vương Đạo, Tư Mã Tuấn ra sức lấy lòng nhân sĩ Giang Nam để củng cố hậu phương, không có ý định Bắc tiến đánh Ngũ Hồ. Tuy nhiên bề ngoài, ông vẫn tỏ ra hưởng ứng Bắc phạt để khôi phục Trung Nguyên[21]. Triều đình Tây Tấn bị quân Hán Triệu uy hiếp mạnh mẽ. Năm 313, Tấn Mẫn Đế ở Trường An phát hịch kêu gọi các trấn cần vương, sai sứ đến Kiến Khang cầu viện. Tư Mã Tuấn theo lời Vương Đạo, lấy lý do phải lo đánh dẹp Đỗ Thao mà từ chối cần vương[22].

    Năm 316, tin Tấn Mẫn Đế bị quân Hán Triệu bắt truyền tới, các tướng gốc phương Bắc, đứng đầu là Tổ Địch kiên quyết đề xướng Bắc tiến, nhưng Tư Mã Tuấn chỉ ủng hộ bề ngoài. Ông mặc áo giáp ra trước hàng quân, như chuẩn bị làm lễ ra quân, nhưng sau đó lấy lý do thiếu lương, mang một viên quan nhỏ phụ trách việc lương ra chém, rồi trì hoàn luôn việc Bắc phạt. Tổ Địch tự mình phải xoay sở việc quân lương đi đánh Ngũ Hồ, cũng chỉ được cấp phát ít lương.

    Không lâu sau, tin Tấn Mẫn Đế bị Lưu Thông giết hại truyền tới, các tướng đứng đầu là anh em Vương Đôn và Vương Đạo cùng tôn Tư Mã Tuấn lên ngôi để kế tục nhà Tấn. Các họ lớn ở đó gồm có Chu (), Cam, Lữ, Cổ, Chu () ủng hộ Lang Nha Vương tự phong làm vua, tức là Nguyên Đế của triều Đông Tấn (東晉, 317-420). Bởi vì các vị vua triều Đông Tấn thuộc dòng dõi Lang Nha Vương, vốn là chi dưới trong họ Tư Mã, các nước Ngũ Hồ đối nghịch không công nhận tính chính thống của nó và lúc ấy họ gọi Tấn là "Lang Nha".

    Đường lối chính trị của Vương Đạo

    Bài chi tiết: Vương Đạo

     

    Hình Phật thời Tấn trên mặt bình

    Tể tướng Vương Đạo (276 -339) chấp chính trong 33 năm suốt 3 triều vua Nguyên Đế, Minh Đế, Thành Đế chủ trương đường lối bảo vệ quyền lực Hoàng đế, cân bằng các sĩ tộc hai vùng Giang Bắc và Giang Nam, nhượng bộ và buông lỏng với thế gia đại tộc[23]. Những chính sách có hại cho giai tầng sĩ tộc đều được Vương Đạo né tránh không áp dụng. Mặt khác, Vương Đạo tác động các vua Tấn chủ trương giữ vững Giang Nam, không dốc sức Bắc phạt, vì thực lực nhà Đông Tấn mới tụ ở Giang Nam không đủ mạnh để làm chiến tranh toàn diện và chưa hoàn toàn dàn xếp được mâu thuẫn giữa các tầng lớp sĩ tộc nam, bắc.

    Quan điểm của Vương Đạo là “cứ bình tĩnh, cầu sao cho hòa hoãn tạm thời rồi mọi việc đâu lại vào đấy”[24]. Chính sách này được các tể tướng Đông Tấn kế thừa và áp dụng mãi cho đến khi một người dòng họ Tư Mã lên nắm quyền là Tư Mã Đạo Tử mới thay đổi.

    Do Tấn Nguyên Đế hoàn toàn dựa vào anh em Vương Đôn, Vương Đạo khi cai trị, đương thời có câu "Vương và Mã chung thiên hạ"[25]. Dù có người anh họ Vương Đôn mưu việc phản nghịch chống Triều đình nhưng Vương Đạo vẫn trước sau trung thành với nhà Đông Tấn. Vương Đạo được mệnh danh là hiền tướng đương thời. Nhờ vậy chính quyền Đông Tấn vẫn tồn tại qua hai cuộc nổi loạn của Vương Đôn và Tô Tuấn.

    Hai vụ biến loạn

    Vương Đôn

    Bài chi tiết: Vương Đôn

    Vương Đôn là anh họ Vương Đạo, lấy công chúa con Tấn Vũ Đế, sau làm Thứ sử Thanh Châu, đang nắm lực lượng quân sự mạnh ở trung du sông Trường Giang, được phong là Trấn Đông Tướng quân, Đô đốc quân sự lục châu Giang, Hoài, Kinh, Tương, Giao, Quảng. Năm 320, mâu thuẫn giữa Tấn Nguyên Đế và Vương Đôn lên đến đỉnh điểm, Vương Đôn ngày càng có nhiều tham vọng kiểm soát các tỉnh phía tây. Sang năm sau, Nguyên Đế lệnh cho các tướng Đới Uyên, Lưu Quỹ đem quân chống cự Hậu Triệu phương Bắc nhưng thực tế để ngăn ngừa Vương Đôn[26].

    Mùa xuân năm 322, Vương Đôn bắt đầu chống lại Nguyên Đế, tuyên bố Nguyên Đế bị Lưu Quỹ và Diêu Hiệp lừa dối, lấy danh nghĩa nhằm làm trong sạch chính quyền. Vương Đôn thuyết phục Thứ sử Lương Châu Cam Trác[27] và Thứ sử Tương Châu Biện Cổn ủng hộ. Hai người không ai hưởng ứng nhưng cũng không ngăn chặn hành động của Vương Đôn. Vương Đôn chuyển lực lượng từ Vũ Xương (Kinh Châu) đến Cô Thục (Dự Châu, nay là Mã An Sơn, An Huy) để gần Kinh thành Kiến Khang hơn.

    Nguyên Đế phái Vương Đạo làm Tiên phong Đại đô đốc chỉ huy chống lại Vương Đôn, Ôn Kiều làm Trung lũy Tướng quân, Đô đốc Đông An, thống lĩnh quân đội phía bắc. Vương Đôn tiến quân về Kiến Khang, đánh bại lực lượng của Nguyên Đế. Lưu Quỹ và Điêu Hiệp thất bại. Lưu Quỹ chạy sang Hậu Triệu, trong khi Điêu Hiệp, Đới Uyển, Bộc xạ Chu Kỷ và một số khác bị giết. Nguyên Đế buộc phải nhượng bộ và gia tăng quyền lực cho Vương Đôn. Vương Đôn thỏa mãn với điều đó và không tính chuyện lật đổ Nguyên Đế, rút về Vũ Xương (Hồ Bắc), đánh bại Tư Mã Thành, đồng thời ám hại Cam Trác.

    Năm 323, Tấn Nguyên Đế lâm bệnh và mất. Vương Đôn sau khi diệt gia tộc họ Chu người Giang Nam gây bất bình cho nhiều người, lại định ngăn cản Thái tử Tư Mã Thiệu kế vị. Tuy nhiên do nhiều người phản đối nên Đôn phải chấp thuận để Thái tử Thiệu lên nối ngôi, tức Tấn Minh Đế. Minh Đế quyết tâm diệt trừ Vương Đôn, triệu kiến Hy Giám là thủ lĩnh các nhóm vũ trang của lưu dân, bổ nhiệm làm Thượng thư lệnh, bổ nhiệm Ôn Kiều làm Thị trung. Minh Đế lại cử một thủ lĩnh lưu dân khác là Hoàn Di làm Tán kỵ Thường thị, thuyên chuyển Đào Khản (259 -334), từng là tướng dưới trường Vương Đôn, đang làm Thứ sử Quảng Châu đến Giang Châu làm Thứ sử, chuẩn bị đối phó với Vương Đôn. Tuy nhiên khi Minh Đế bổ nhiệm Hy Giám đến nắm quyền quân chính ở Hợp Phì, ngay sát cạnh Cô Thục thì Vương Đôn phản đối quyết liệt, buộc Minh Đế phải rút lại quyết định.[28].

    Năm 324, nội chiến lại bùng nổ. Quân Vương Đôn ồ ạt tiến xuống vùng hạ du Trường Giang, liền bị các lực lượng vũ trang của lưu dân đóng ở nam sông Hoài chặn đứng. Lúc đó Vương Đôn lâm bệnh. Minh Đế điều Vương Đạo làm Đại đô đốc, cùng các tướng Biện Đôn, Tô Tuấn, Hy Giám, Dữu Lượng, Ôn Kiều, Tổ Ước mang quân về bảo vệ Kinh thành Kiến Khang. Vương Đôn có điều binh đánh Kiến Khang, bị các tướng cần vương đánh lui. Thủ hạ Đôn là Tiền Phụng, Thẩm Sung bị giết. Giữa lúc đó, Đôn ốm chết, thế lực tan rã nhanh chóng, nhưng phía Triều đình Đông Tấn cũng bị tổn thương lớn[29].

    Tô Tuấn

    Dẹp được Vương Đôn nhưng Minh Đế lại mất sớm. Năm 326, Minh Đế qua đời, các quan phụ chính là Tây Dương Vương Tư Mã Dạng, Vương Đạo, Biện Đôn, Lữ Nghiệp, Hy Giám, Dữu Lượng, Ôn Kiều được Minh Đế tin cậy giao phó việc nước giúp Thái tử Tư Mã Diễn mới có 4 tuổi. Tư Mã Diễn lên ngôi, tức Thành Đế.

    Trong thời gian trị vì của Thành Đế, anh em Dữu Lượng và Dữu Băng gia tăng quyền lực, bên cạnh Vương Đạo và Tư không Hà Xung (292-346). Dữu Lượng phải đối đầu với Tô Tuấn, một thủ lĩnh khác của lưu dân vùng Sơn Đông. Cha Tô Tuấn từng làm Thừa tướng cho Hậu Chủ Lưu Thiện nước Thục đời Tam Quốc. Tô Tuấn trong khi bình định vụ nổi loạn của Vương Đôn đã mở rộng thế lực, được Triều đình bổ nhiệm làm Thái thú Lịch Dương[30], đóng quân đồn trú, mộ thêm quân, thu nạp những kẻ tù tội bị truy nã, uy hiếp Kiến khang, khống chế Triều đình từ xa. Tô Tuấn liên minh với Tổ Ước, Thứ sử Dự Châu - là em Tổ Địch (vừa mất năm 321) đóng quân ở Thọ Xuân. Năm 326, Tô Tuấn tố cáo Nam Đốn Vương Tư Mã Tông, em Tư Mã Dạng phản nghịch và giết chết, đồng thời lật đổ Tư Mã Dạng.

    Năm 327, Dữu Lượng (289 – 340) bổ nhiệm Tô Tuấn làm Đại tư nông, chức quan phụ trách các công việc nông nghiệp không liên quan gì đến việc quân sự nhằm ngăn chặn thế lực của Tô Tuấn[31]. Tô Tuấn liền tìm kiếm liên minh với các viên quan có thế lực khác như Tổ Ước để chống lại anh em họ Dữu. Trong khi họ Dữu chủ trương đối đầu với Tô Tuấn thì Vương Đạo lại ôn hòa hơn. Dữu Lượng tự tin với lực lượng hiện có đủ mạnh để chế ngự Tô Tuấn nên không cần đến đề nghị hỗ trợ của Ôn Kiều, lệnh cho Ôn Kiều không được đem quân từ Giang Châu về bảo vệ Kiến Khang[32].

    Tháng 12 năm 327, Tô Tuấn cùng Tổ Ước hợp binh nổi loạn. Bộ tướng của Tuấn là Hàn Hoảng đánh vào Cô Thục[33], đoạt hết lương thực trong thành. Dữu Lượng vội ra lệnh giới nghiêm ở Kiến Khang, sai Biện Hồ giữ thế thủ. Đầu năm 328, Ôn Kiều vội mang quân về đóng ở Tầm Dương ứng cứu Kinh thành. Đầu tháng 2, Tô Tuấn mang 2 vạn quân đánh tan quân Triều đình ở Ngưu Chử rồi tiến đánh Kiến Khang. Cha con Biện Hồ chống cự bị thua, đều tử trận. Dữu Lượng chạy đến Giang Châu thuộc quyền cai trị của Ôn Kiều. Tuấn đánh vào Kinh thành Kiến Khang với danh nghĩa trị kẻ có tội là Trung thư lệnh Dũu Lượng, giết chết Hoàn Di, khống chế Thành Đế (lên 8 tuổi) và Dữu Thái hậu. Tuy nhiên vì không có mâu thuẫn với Vương Đạo nên Tuấn vẫn để ông làm Thừa tướng.

    Tháng 5 năm 328, Ôn Kiều hợp lực với Đào Khản được 4 vạn quân, cùng đánh Tô Tuấn. Tuấn mang Thành Đế chạy vào cố thủ trong thành Thạch Đầu. Vương Đạo cũng bí mật sai người ra liên lạc với các tướng ở Ngô Quận, Ngô Hưng và Cối Kê cần vương. Hai mặt cùng đánh Thạch Đầu.

    Tháng 5 nhuận, Hy Giám cũng hội binh với Đào Khản, Khổng Khản cũng trốn trong thành Thạch Đầu ra, điều quân mấy mặt vây đánh. Quân Tô Tuấn tuy mạnh nhưng bắt đầu bị mất ưu thế.

    Giữa lúc đó, Vua Hậu Triệu là Thạch Lặc nhân Đông Tấn có lọan lại Nam tiến. Tháng 7 năm 328, quân Hậu Triệu tấn công. Thuộc hạ của Tổ Uớc lại tư thông với địch, dẫn quân Hậu Triệu qua sông Hoàng Hà. Tổ Ước vội bỏ Tô Tuấn chạy về Lịch Dương. Tô Tuấn cô thế. Vương Đạo thừa cơ cùng con trốn thoát ra ngoài. Quân Hậu Triệu bắt 2 vạn dân Thọ Xuân rồi rút lui.

    Tháng 9 năm 328, Tô Tuấn ra giao chiến với quân Đào Khản và Ôn Kiều, ngã ngựa bị giết. Trong thành Thạch Đầu tôn em Tuấn là Tô Miễn làm thống soái.

    Tháng 1 năm 329, Đào Khản tiến đánh Tổ Ước ở Lịch Dương. Tổ Ước chạy sang hàng Hậu Triệu. Tháng 2 năm 329, Ôn Kiều và Đào Khản hạ thành Thạch Đầu, giết chết Tô Miễn. Bộ tướng họ Tô là Hàn Hoảng, Trương Kiện chạy đến Bình Lăng[34] thì bị quân của Hy Giám đuổi kịp giết chết.

    Triều đình Đông Tấn phải mất 1 năm mới dẹp xong loạn Tô Tuấn. Khi trừng trị Tô Tuấn và đồng bọn, Vương Đạo lại có thái độ khoan dung. Thứ sử Tương Châu Biện Đôn giữ thái độ trung lập trong cuộc nổi loạn chỉ phải bị đổi làm Thứ sử Quảng Châu. Hậu tướng quân Quách Mặc xuất thân là trộm cướp dám giả chiếu chỉ để tấn công giết chết Bình Nam Tướng quân Lưu Dẫn, Vương Đạo vì sợ thực lực của Quách Mặc nên đã ân xá, cử Quách Mặc đi làm Thứ sử Dự Châu. Tuy nhiên Đào Khản được Dữu Lượng ủng hộ đã đem quân đánh bại và giết chết Quách Mặc, Vương Đạo cũng làm thinh thừa nhận sự thật đó. Đào Khản được phong Trường Sa Quận Công, sau đó được cử làm Đô đốc quân sự 8 châu Kinh, Giang, Ung, Lương, Giao, Quảng, Ninh, Ích; kiêm thứ sử 2 châu Kinh, Giang. Ôn Kiều được phong làm Thủy An Công, nhường chức vụ nhiếp chính cho Vương Đạo. Vương Đạo tiếp tục cầm quyền.

    Đối phó với Ngũ Hồ

    Tổ Địch Bắc phạt

    Bài chi tiết: Tổ Địch

    Tổ Địch là người phương Bắc di cư xuống miền Nam khi Trung Nguyên bị Ngũ Hồ đánh chiếm. Ông là người hăng hái Bắc tiến nhất, nhưng vì Tấn Nguyên Đế và Vương Đạo chủ trương cố thủ ở Giang Nam nên không ủng hộ mạnh mẽ cho đề nghị của ông.

    Tổ Địch phải tự mình mộ quân, tích lương, độc lập tác chiến với quân Ngũ Hồ. Tuy đánh thắng quân Hậu Triệu nhiều trận, khôi phục được nhiều châu quận phương Bắc nhưng lúc đó nhiều thành trì và tướng lĩnh còn lại của nhà Tấn ở Trung Nguyên như Lưu Côn, Vương Tuấn, Lý Củ... đã bị Ngũ Hồ chia cắt và đánh bại nên cả hai mặt nam, bắc Tổ Địch đều không được phối hợp.

    Việc tranh chấp quyền lực ở Giang Nam giữa Triều đình với Vương Đôn khiến Triều đình hoàn toàn không quan tâm chi viện cho Tổ Địch. Ông phẫn chí sinh bệnh và qua đời năm 321. Em ông Tổ Ước yếu thế trước quân Hậu Triệu phải rút về Nam. Đất đai giành được ở phía bắc bị quân Hậu Triệu chiếm lại.

    Thụ động phòng ngự

    Sau cuộc biến loạn của Tô Tuấn và Tổ Ước, các lực lượng quân sự địa phương của Đông Tấn đã để mất nhiều vùng đất đai vào tay nhà Hậu Triệu. Các thành quan trọng bị mất là Lạc Dương, Thọ Xuân, Tương Dương. Năm 333, Ninh Châu (Quý Châu, Vân Nam) cũng bị Thành Hán chiếm, mãi đến năm 339 mới thu hồi được.

    Thị trung Thái úy Đào Khản giữ trọng trách đóng quân ở Vũ Xương nắm quyền Đô đốc 8 châu Kinh, Giang, Ung, Lương, Giao, Quảng, Ninh, Ích kiêm Thứ sử các châu Giao, Ninh, Kinh, hùng cứ tại Trường Giang, nhưng chỉ những lúc quân Hậu Triệu xâm phạm mới phản kích[35]. Năm 332, Đào Khản phản công giành lại được Tương Dương, được phong tước Trường Sa Công.

    Vương Đạo cùng Dữu Lượng chấp chính vẫn có thái độ lạnh nhạt với Bắc phạt, luôn luôn lo sợ sẽ xuất hiện một Vương Đôn lần thứ hai, mãi đến khi Đào Khản chết bệnh năm 334, họ mới hết lo lắng[36]. Nhà Tấn bị mất một tướng tài.

    Họ Dữu bắc phạt

    Năm 337, thủ lĩnh người Tiên Ty là Liêu Đông Công Mộ Dung Hoảng, từng là chư hầu của Đông Tấn, tuyên bố tước vị Yên Vương, thành lập nước Tiền Yên. Năm 339, Vương Đạo chết, được Triều đình phong tước Thủy Hưng Công; họ Dữu trở lại nắm quyền. Trong số các thế gia đại tộc Giang Nam, họ Dữu là 1 họ lớn cùng với các gia tộc Vương, Hy, Tạ. Họ Dữu khởi đầu quyền lực từ Dữu Trân, Thái thú Cối kê, sau đó Dữu Văn Quân làm Hoàng hậu của Tấn Minh Đế. Dữu Lượng và Dữu Ký cùng chủ trì chấp chính có đường lối chính trị tích cực hơn, đối với các sĩ tộc vi phạm pháp luật họ mạnh dạn trừng trị và tích cực chuẩn bị bắc phạt.

    Họ Dữu muốn mở cuộc tấn công lớn về phía Hậu Triệu, nhằm giành lại Trung Nguyên.

    Dữu Lượng (289 – 340) và Dữu Ký lần lượt ra làm Thứ sử Kinh Châu, Dự Châu, Giang Châu, trấn giữ Vũ Xương, phòng thủ vùng trung du Trường Giang. Dữu Ký còn chuyển đến đóng ở Tương Dương, trưng dụng các loại xe bò, xe ngựa, điều động nô lệ tư gia làm lính vận chuyển lương thực. Việc chinh chiến gặp phải sự phản đối của các thế gia đại tộc Hy Giám và Thái Mô. Với đường lối chính trị trong sách của họ Dữu đã phá vỡ sự cân bằng quyền lực giữa Nhà vua và các thế gia đại tộc. Thành Đế cũng yêu cầu Dữu Lượng không được gây chiến nữa. Thành Đế tham dự một phần giải quyết việc triều chính. Hà Xung và Dữu Băng tìm cách thay đổi chính sách của Vương Đạo nhưng không được hiệu quả cao như trước.

    Tuy nhiên Dữu Lượng tiếp tục kế hoạch quân sự nhằm chống lại nhà Hậu Triệu. Tuy nhiên họ Dữu không có tài cầm quân, bị quân Hậu Triệu đánh bại, gây thiệt hại nặng cho các thành Đông Tấn ở Bắc Trường Giang và chiếm Thục Thành (Hoàng Cương, Hồ Bắc). Bị thất bại, Dữu Lượng chán nản lâm bệnh chết vào đầu năm 340, được Triều đình phong tước Đô Định Hầu.

    Dữu Ký và Dữu Băng đưa Phò mã của Tấn Minh Đế là Thứ sử Từ Châu Vạn Ninh Bá Hoàn Ôn (312 – 373, con Hoàn Di) ra nắm binh quyền, làm Đô đốc Ninh Châu, Kinh Châu, Tương Châu. Sau khi Dữu Ký chết, họ Dữu muốn đưa người con ông ta là Dữu Viên tiếp tục giữ chức Đô đốc nắm quyền quân sự, càng làm Hoàng gia và thế gia đại tộc hoài nghi. Đồng thời để kiềm chế Hoàn Ôn, họ lại đưa ra người phản đối đường lối chính trị trong sạch là Cố Hòa, người nổi tiếng về thanh đàm (bình luận suông - xem phần Văn hóa khoa học bên dưới) là Ân Hạo và một nhân vật khác phản đối quyết liệt việc Bắc phạt là Thái Mô để chủ trì triều chính, trở về với phương chân chính trị cũ của Vương Đạo.[37].

    Năm 343, Dữu Dực (cậu Khang Đế) đề nghị tiến hành kế hoạch quân sự chống Hậu Triệu, liên minh với Tiền YênTiền Lương. Kế hoạch được sự đồng tình của nhiều quan lại có thế lực như Dữu Băng, Hoàn Ôn. Tuy nhiên Dữu Dực chỉ tiến hành một số hoạt động quân sự nhỏ, mục đích chính là gây dựng thế lực cho họ Dữu mà không lập được công lớn trong việc chống Ngũ Hồ. Trong 2 năm 344 - 345, Dữu Băng và Dữu Dực lần lượt qua đời, Hà Xung nắm quyền trọng dụng Hoàn Ôn giao cho trọng trách chỉ huy quân đội tại Kinh Châu, Ninh Châu. Năm 346, Hà Xung mất, Thái Mô lên thay. Đồng thời Hoàng gia cũng cử Tư Mã Dục (con Tấn Nguyên Đế, em Tấn Minh Đế) làm Trung thư lệnh (tức Tể tướng) trong suốt các triều Tấn Mục Đế, Tấn Ai Đế, Tấn Phế Đế và về sau được Hoàn Ôn lập làm vua, tức Giản Văn Đế (371 - 372).

    (còn tiếp)

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,715,150

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!