Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,735,176

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Nguyễn Khải - Nhận thức mãnh liệt về Nhân dân và Đất nước

Tư liệu

  • Thứ sáu, 12:03 Ngày 23/12/2011
  • Bài: Hà Công Tài

    Sau hơn một nửa thế kỷ lao động sáng tạo, Nguyễn Khải đã để lại một khối lượng khá lớn tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký, tạp văn. Dù thuộc thể loại nào thì ngay từ khi mới ra đời tác phẩm của ông cũng thường tạo được dư luận và được giới lý luận phê bình chú ý. Bạn đọc chờ đợi ở ông một thái độ mạnh dạn, nhìn thẳng vào những vấn đề quan trọng và phức tạp của thực tiễn. Giới nghiên cứu phê bình nhận thấy ở nhà văn một cách tiếp cận hiện thực độc đáo, cái nhìn sắc sảo và tinh tế nhiều khía cạnh của đời sống, đặc biệt những thân phận, những trạng thái tâm lý của con người. Tác phẩm của ông là đề tài cuốn hút sự suy nghĩ, tìm hiểu của nhiều cây bút thuộc thế hệ nghiên cứu phê bình trẻ tuổi xuất hiện vào những năm đất nước mở ra thời kỳ đổi mới; là đề tài nghiên cứu của nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ ở các viện nghiên cứu và trường đại học.

     

    Nguyễn Khải là nhà văn quân đội. Tuy cụ thân sinh thuộc hàng quan lại thời thực dân phong kiến, nhưng nhà văn của chúng ta từ nhỏ đã sớm phải đối mặt với cuộc mưu sinh và sớm có ý thức về tư cách làm người. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm thay đổi cuộc đời ông. Trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười, ông viết “không có cách mạng thì đến làm người tầm thường cũng khó, nói gì làm một nhà văn”. Cho nên, khi tiếp xúc với những cái mới mẻ của cách mạng, con người trẻ tuổi đó đã tự nguyện đứng trong đội ngũ với tất cả tấm lòng nhiệt thành, sôi nổi đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến. Khi đến với nghề văn, Nguyễn Khải là nhà văn sớm có ý thức dùng văn học để phục vụ sự nghiệp cách mạng, để góp phần làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Ông có một thân phận, - như lời nhà văn Nguyễn Chí Trung, - nên cảm ai được thân phận của con người; và một niềm tin mãnh liệt lấy văn học làm vũ khí chiến đấu, góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống.

     

    Năm 1957, sau một số sáng tác đầu tay ít nhiều gây được ấn tượng như: Ra ngoài (1951), Xây dựng (1951), Nằm vạ (1956), Nguyễn Khải cho ra đời tác phẩm Xung đột, thể hiện sự quan tâm của nhà văn đến một vấn đề nóng bỏng của đời sống - vấn đề của cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt đang diễn ra ở nông thôn ngay trong điều kiện hoà bình, vấn đề mâu thuẫn giữa đức tin tôn giáo và niềm tin mới ở lý tưởng cách mạng trong lòng người có đạo. Tác phẩm ra đời là một sự kiện đáng chú ý, được dư luận sôi nổi đón nhận và bước đầu khẳng định tài năng của tác giả văn xuôi Nguyễn Khải.

     

    Xung đột là kết quả chuyến đi thâm nhập thực tế của nhà văn ở vùng đạo gốc thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khoảng cuối năm 1956, khi Đảng ta tiến hành sửa sai trong cải cách ruộng đất và bắt đầu cuộc vận động phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Với nhãn quan chính trị nhạy bén và một cảm nhận đầy tiên cảm, nhà văn “ghi” lại cuộc đấu tranh quyết liệt của cán bộ, bộ đội và nhân dân ta với bọn phản động đội lốt tôn giáo nổi lên chống phá cách mạng ở một xóm đạo. Cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt và phức tạp không chỉ trong từng thôn xóm mà trong từng gia đình, từng con người. Và như vậy tác giả đặt cho mình nhiệm vụ khám phá một hiện thực xã hội vốn rất căng thẳng và đầy mâu thuẫn ở một vùng nông thôn công giáo, nơi “mũi nhọn” của cuộc đấu tranh giai cấp trong thời kỳ đầu xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc. Xung đột còn là bức tranh sinh động về đời sống vùng nông thôn công giáo trong đó con người bị bọn phản động đội lốt thầy tu làm cho mê muội, sống trong tâm lý chịu đựng, nhẫn nhục, trong sự lạc hậu và cằn cỗi về tâm hồn. Thông qua Xung đột, tác giả đặt vấn đề sâu xa hơn và bức xúc hơn - vấn đề giải phóng tinh thần con người, làm thế nào để con người nhận ra ánh sáng của chân lý và vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Vấn đề của Xung đột, vấn đề tôn giáo và chủ nghĩa xã hội sau này còn được tác giả tiếp tục trong Một chặng đường (1962) cũng như trong một số sáng tác của ông sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

     

    Xung đột đã thể hiện một lối văn phân tích nhạy bén và mạnh bạo của ngòi bút Nguyễn Khải. Đặc biệt là khả năng của tác giả đối với việc nhìn nhận và phân tích sự phát triển tính cách nhân vật theo đúng bản chất của người nông dân có đạo, sự phức tạp của tâm lý con người, chứ không phải theo sự sắp xếp chủ quan nhà văn. Vũ Tú Nam nhận xét: Xung đột là một tác phẩm có nhiều sáng tạo và tác giả thật sự có phong thái của một người viết tiểu thuyết. Với những trang viết còn nóng hổi hơi thở của cuộc sống bộn bề và sôi động; với những nhận xét sắc sảo, tinh thế, Xung đột đã đem đến cho nền văn học cách mạng nước ta một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ, độc đáo về nông thôn, một “phong cách văn xuôi hiện thực tỉnh táo”. Ngay nay đọc lại Xung đột, chúng ta vẫn thấy đó là một đỉnh cao trong sáng tác của Nguyễn Khải.

     

    Năm 1960, trong phong trào xây dựng quê hương mới và hàn gắn vết thương chiến tranh, Nguyễn Khải có mặt ở nông trường Điện Biên, một nơi tiêu biểu thuộc miền rừng núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Và chính ở nơi trước đây từng là bãi chiến trường đẫm máu, ngòi bút nhạy cảm với cái mới của nhà văn đã viết những tác phẩm Mùa lạc, Đứa con nuôi, Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Hãy đi xa hơn nữa, … Đó là những trang viết xúc động, sôi nổi mà ấm áp về một cuộc sống mới đang được dựng xây, về tình yêu và sự đổi thay của số phận con người, về những quan hệ đạo đức mới xã hội chủ nghĩa đầy tình thương và trách nhiệm giữa con người với con người.

     

    Ngòi bút Nguyễn Khải tập trung trước hết vào việc xây dựng nhân vật có cuộc đời bất hạnh như chị Đào (Mùa lạc), như Thi (Một cặp vợ chồng), như bé Tấm (Đứa con nuôi). Trong văn học trước Cách mạng, loại nhân vật này thường được nhiều tác giả như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Thạch Lam chú ý miêu tả nhưng nhìn chung họ đều có cuộc đời buồn, hiu hắt. Trong sáng tác của Nguyễn Khải, chị Đào, Thi, bé Tấm đã tìm thấy cuộc đời mới trong một tập thể tràn đầy tình yêu thương tin tưởng giữa con người với con người. Chính qua những nhân vật đó, ta thấu hiểu chân lý “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” (Mùa lạc).

     

    Tiếp tục mạch phân tích sắc sảo vốn có từ Xung đột, ngòi bút Nguyễn Khải cũng phanh phui tất cả những cái phức tạp, khó khăn của quá trình xây dựng cuộc sống mới ở Điện Biên. Ông nhìn ra những phẩm chất mới đang sinh thành và cũng nhìn thấu cả những cái cũ, lạc hậu. Vì thế cùng với việc chăm lo cho cái tốt, tác phẩm của Nguyễn Khải cũng đặt vấn đề cần thiết phải hiểu tất cả những sự rắc rối ở con người, những ảnh hưởng rơi rớt của tư tưởng lạc hậu, những thói xấu cản trở sự tiến bộ, trái với đạo đức xã hội chủ nghĩa. Ông phê phán những nhân vật tiêu cực, ít nhiều còn bị ảnh hưởng tư tưởng cũ lạc hậu như Khôi trong Chuyện người tổ trưởng máy kéo, tuy tháo vát, thông minh, có thành tích nhưng lại thiếu hẳn lòng tin yêu con người, không tin ai ngoài bản thân mình; như y tá Giao trong Một cặp vợ chồng với lối sống vị kỷ, cá nhân tàn nhẫn; Khôi trong Anh đội phó và người thợ mộc với thói kiêu ngạo, hám hư danh, ích kỷ, v.v… Ngay cả lối sống để cho lợi ích cá nhân lấn át những khát vọng đẹp đẽ, thiêng liêng của cả đời người cũng được nhà văn đề cập với những trang viết hấp dẫn và những lý giải đầy thuyết phục (Hãy đi xa hơn nữa).

     

    Những trang viết về Điện Biên có thể nói là những trang viết đầy cảm hứng về cuộc sống lao động, chan chứa tình người thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc và phẩm chất lãng mạn của cây bút Nguyễn Khải. Ông đã “đến với nhân vật bằng tình cảm yêu thương và thái độ trân trọng”, vừa ca ngợi con người nhưng cũng lại khám phá cái thế giới tinh thần vốn đa dạng và phức tạp để cải hóa con người. Những trang viết về lao động đầy cảm hứng trong sáng tác của Nguyễn Khải giai đoạn này đã để lại hình ảnh đẹp đẽ của những con người đang hăng say lao động cùng những nét đẹp diệu kỳ của cuộc sống mới. Đó là điều mà văn học trước Cách mạng không thể có.

     

    Trở lại với phong trào hợp tác hóa nhằm đưa nông thôn miền Bắc tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Khải viết Tầm nhìn xa và Người trở về. Cũng vẫn cách gắn bó với thực tế vốn có ở Nguyễn Khải, Tầm nhìn xa là kết quả chuyến đi của nhà văn về hợp tác xã Đồng Tiến, một hợp tác xã tiên tiến số một của tỉnh Phú Thọ. Trong cái ưu việt của hợp tác xã, nhà văn lại nhìn ra vấn đề thời sự mang tầm chiến lược - vấn đề mối quan hệ giữa quyền lợi tập thể, nhà nước và quyền lợi cá nhân.

     

    Tầm nhìn xa đã khắc họa được những nhân vật hết sức độc đáo. Nếu như chủ nhiệm Biền là một điển hình mẫu mực về người đảng viên luôn có tầm nhìn xa, không để mối lợi vặt vãnh ràng buộc mình và luôn nhìn ra sự thống nhất quyền lợi nhà nước và tập thể trong lãnh đạo xây dựng hợp tác xã, thì phó chủ nhiệm Tuy Kiền lại là một điển hình về người cán bộ mang nặng đầu óc tư hữu của người nông dân cá thể. Đó là một gương mặt tiêu biểu ở nông thôn nước ta trong giai đoạn xây dựng kinh tế từ một nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Một nhân vật không đơn giản, mang tính chất tiểu thuyết, được nhà văn xây dựng không phải với thái độ phê phán một chiều, mà trình bày, khắc họa sắc nét, độc đáo trong cảm hứng “nghiên cứu phân tích”, trong một nhiệm vụ nghệ thuật là “tìm hiểu và nghiên cứu”. Vũ Cao cho rằng đó là một nhân vật “vừa đáng bực mình lại vừa đáng mến”, tính cách hợp lý, gần gũi với tính cách của người nông dân Việt Nam và đọc xong người đọc vẫn giữ được niềm tin ở ông ta”(1). Ngày nay, Tuy Kiền vẫn là nhân vật mang ý nghĩa thời sự, vẫn làm cho chúng ta suy ngẫm, chiêm nghiệm, một nhân vật độc đáo không thể nào quên.

     

    Người trở về lại thêm một khía cạnh của phong cách Nguyễn Khải: biểu dương cái mới và xây dựng những nhân vật tích cực bằng tất cả tình cảm thiết tha trìu mến. Ở đó là một đời sống mới đang lên với những con người mới đang hình thành, có bước phát triển mới không chỉ về ý thức, tình cảm mà cả về hiểu biết, sáng tạo. Họ là chủ nhân của cuộc sống mới với tình cảm chân thành, trong sáng, nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Song để hiểu được điều đó không phải đơn giản mà phải có một cách nhìn, một thái độ đúng.

     

    Tầm nhìn xa và Người trở về  đánh dấu một bước phát triển mới của tài năng Nguyễn Khải. Cách khai thác hình tượng, đề tài nông thôn và đặt ra những vấn đề lớn mang tính chất thời đại như trên ta còn gặp trong một số tác phẩm khác của Nguyễn Khải như Gia đình lớn và Chủ tịch huyện. Nếu như Gia đình lớn nêu vấn đề về về tình thương yêu đùm bọc trong một tập thể xã hội chủ nghĩa đang hình thành giữa các xã viên coi hợp tác xã như một gia đình lớn, thì Chủ tịch huyện lại đáp ứng một câu hỏi rất cấp thiết khi Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế cấp huyện: yêu cầu cấp bách đối với người cán bộ quản lý kinh tế ở nông thôn. Tác phẩm đặt vấn đề về những phẩm chất cần thiết của người cán bộ trong giai đoạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vấn đề tài và đức.

     

    Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, Nguyễn Khải đã có mặt ở những nơi nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Đến với các chiến sĩ ở đảo Cồn Cỏ - vị trí đầu sóng ngọn gió canh giữ biển trời của Tổ quốc, Nguyễn Khải cho ra đời thiên ký sự Họ sống và chiến đấu, một trong những cuốn sách tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta. Đến với những chiến sĩ công binh đang trấn giữ một địa điểm cực kỳ ác liệt ở Trường Sơn, ông viết Đường trong mây; vào đất lửa Vĩnh Linh, đến với những con người xông pha vượt mọi nguy hiểm để đưa hàng tiếp tế ra Cồn Cỏ, viết Ra đảo; đi chiến dịch đường Chín - Nam Lào, viết Chiến sĩ; tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, viết Tháng Ba ở Tây Nguyên.

     

    Trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta, ngòi bút Nguyễn Khải hào hứng viết về những con người anh hùng không tiếc sức mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Và ở đây, ông đặc biệt đi sâu vào vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ. Đó là những người lính trẻ, những Thái Văn A, Đinh Kinh, bác sĩ Lê, … Những con người với tất cả tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, vô tư, thanh thản. “Nó là đôi cánh của cuộc sống, có nó cái sự nghiệp nặng nề mà chúng ta đang gánh vác sẽ nhẹ nhõm hơn, nên thơ hơn và vui vẻ hơn rất nhiều” (Họ sống và chiến đấu).

     

    Mặt khác, chính từ hoàn cảnh cuộc sống chiến đấu gian khổ, ngòi bút Nguyễn Khải lại sắc sảo đi vào phân tích mọi vấn đề và lý giải sức mạnh của con người trong chiến đấu. Với Chiến sĩ, ông phát hiện những nét tưởng như đơn giản mà ẩn chứa cả sức mạnh của con người - “Tình cảm con người ta ghê gớm thật, nó nghiêng về phía nào, toàn bộ sức mạnh trút về phía ấy” (lời Thịnh trong Chiến sĩ).

     

    Tháng Ba ở Tây Nguyên lại giàu tính chính luận, mang tính thời sự nóng hổi, nhiều sự kiện mang tính thông tấn nhưng đầy sức hấp dẫn. Tác phẩm hướng tới lý giải nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa ở tầm chiến lược đúng đắn về đường lối quân sự, ở sức mạnh của con người tự nguyện hiến dâng cuộc sống của mình cho cuộc chiến đấu và chiến thắng.

     

    Bằng những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh cách mạng, Nguyễn Khải đã thể hiện một cách đặc sắc hiện thực sôi động của cuộc sống chiến đấu của quân dân ta. Cái hiện thực theo ông “tự nó đã là một thiên anh hùng ca cảm động nhất, giàu màu sắc lãng mạn nhất. Và chính cái chất lãng mạn ấy là khía cạnh tích cực của bản thân hiện thực, là đôi cánh hiện thực”. Đời văn ông gắn liền với những yêu cầu lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Ông luôn khao khát có mặt trong cuộc sống, tranh biện với người đương thời, đưa ra những vấn đề thiết cốt và đóng góp cho những quá trình đấu tranh xã hội.

     

    Từ sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Nguyễn Khải đến với một hiện thực hoàn toàn mới mẻ - hiện thực cuộc sống ở miền Nam sau giải phóng. Đối với các tầng lớp nhân dân và các giai cấp ở miền Nam, đây sẽ là một cuộc thay đổi lớn trong suy nghĩ và tình cảm của mỗi người. Đặc biệt đối với những người từng gắn bó sâu sắc với chế độ cũ tất sẽ không tránh khỏi một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt và quyết liệt. Trước hiện thực đa dạng và phức tạp đó, nhà văn của chúng ta vốn đã trải qua những năm tháng xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc, qua cuộc kháng chiến cứu nước gian khổ, giờ đây lại phát hiện thêm một khía cạnh mới của hiện thực: thắng lợi của cuộc cách mạng trong nhận thức của những con người vốn gắn bó sâu sắc với chế độ Sài Gòn cũ; ý nghĩa thâm trầm của nó. Các tác phẩm Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, … đã ra đời trong khung cảnh đó.

     

    Có thể nói Cách mạng và Gặp gỡ cuối năm đều có chung một chủ đề về thái độ đối với cách mạng của những con người vốn có sự gắn bó với cuộc sống của chế độ Sài Gòn cũ. Làm sao cho những con người đó nhận ra được ý nghĩa nhân đạo của cách mạng và tự nguyện góp phần xây dựng cuộc sống mới, đó mới là điều quan trọng. Và đây chính là điều làm nên tầm vóc của cây bút Nguyễn Khải.

     

    Trong Cách mạng, thái độ của những con người vốn gắn bó với xã hội Sài Gòn cũ, nay phải đối mặt với cuộc sống mới thực khó khăn, phức tạp. Song nhân vật Phượng, cô gái xuất thân từ một gia đình thượng lưu của chế độ Sài Gòn đã dám lên án mạnh mẽ xã hội cũ và chọn cho mình cuộc sống lao động lành mạnh, trong sạch, một cuộc sống biết tự trọng và đầy trách nhiệm. Nguyễn Khải đã nhìn ra sự chuyển biến tất yếu của những con người trẻ tuổi, có bản lĩnh như Phượng. Điều đó làm cho tác phẩm của nhà văn vừa mang tính thời sự, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

     

    Gặp gỡ cuối năm tiếp tục chủ đề đặt ra trong Cách mạng. Bên cạnh bà Hoàng cố chấp và bảo thủ, là Bình, một kỹ sư hóa học trẻ tuổi, có bản lĩnh, nhận thức sâu sắc và vững tin vào cuộc sống mà mình góp sức xây dựng. Bình là nhân vật được nhà văn gửi gắm nhiều niềm tin và lý tưởng của mình trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới tốt đẹp như ông từng mong ước.

     

    Với Thời gian của người, Nguyễn Khải lại có dịp suy ngẫm lại mọi vấn đề và đào sâu vào ý nghĩa còn nhiều điều sâu xa, lấp lánh của cuộc chiến đấu đã qua. Ngòi bút của nhà văn đã theo sát, tìm hiểu, rút ra ý nghĩa của thời gian. Đó là Thời gian Đời người. Bởi “mỗi đời người đều có một khoảng thời gian mãi mãi đứng nguyên đó, không trôi đi, không biến mất, chốc chốc lại chớp lên chiếu sáng tất cả” (Thời gian của người). Ngay cả bà Hoàng (Gặp gỡ cuối năm), một phụ nữ quý tộc gắn bó sâu sắc với chế độ Sài Gòn cũ và có thái độ không chấp nhận thực tại mới, cũng không thể không đối mặt với một thực tiễn đời sống sôi nổi và chân thực. Bà Hoàng tự vấn chính bản thân mình để rồi tự nhận ra con đường mới hôm nay là điều không thể khác. Và như vậy, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tất cả ý nghĩa của nó đã tới lúc chính phía đối lập cũng phải cắt nghĩa, tranh luận, bàn cãi, tự phủ nhận mình và thừa nhận nó một cách khách quan. Với Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Nguyễn Khải càng có dịp phát huy thế mạnh của một cây bút thời sự - chính luận, muốn sống mạnh mẽ, đối thoại, đưa đến cho mọi người những vấn đề của hôm nay để cùng trao đổi, suy nghĩ và hành động. Hồi tưởng của bốn nhân vật - chị Ba Huệ - cán bộ huyện; Quân, sĩ quan quân báo, bác Hai Riềng, công nhân cao su và cha Vĩnh, có thể coi là một trong những vấn đề như thế, - “chúng ta có những năm tháng sống rất đẹp. Quãng đời tốt đẹp ấy mãi mãi ánh lên vẻ rực rỡ của nó và còn soi sáng cho nhiều năm tháng về sau. Trong chúng ta người nào tiếp thu được đầy đủ nhất tinh thần của những năm tháng ấy sẽ đủ sức vượt qua được mọi khó khăn của cuộc sống hôm nay để mãi mãi trở thành một nhân cách đáng kiêu hãnh” (Thời gian của người). Đó là ý nghĩa của thời đã qua, để cho mỗi người hôm nay dù trong cuộc sống còn gian nan, bất trắc, vẫn phải vươn lên. Bởi “lên cao là bắt buộc, vừa là trách nhiệm vừa là nhân cách của những người đang sống hôm nay”.

     

    Với Thời gian của người, Cha và Con và …, Điều tra về một cái chết, Nguyễn Khải còn tiếp tục đề tài mà ông đã thể hiện qua Xung đột. Lúc này thực tiễn đất nước giúp ông có điều kiện suy nghĩ, chiêm nghiệm, tìm hiểu cả phương diện lạc hậu và bất lực của tôn giáo trong quá trình phát triển của xã hội lẫn hướng hòa hợp cùng dân tộc. Một mặt ngòi bút ông căm giận lên án và vạch trần bộ mặt những kẻ đội lốt tôn giáo đã hủy hoại cuộc sống của con người. Trong Điều tra về một cái chết, Tư Tốn - con người mới 40 tuổi đã phải chết một cách thê thảm, bởi niềm tin tôn giáo đã bị phản bội. Bi kịch của Tư Tốn là bi kịch “trốn chạy cái mộng tưởng đã một thời là niềm tin của mình” (Điều tra về một cái chết). Mặt khác ngòi bút Nguyễn Khải lại tỉnh táo nhận thức cái tôn giáo phục vụ cho cuộc sống con người, đề cao tôn giáo vì con người. Nếu như trước đây trong Xung đột, cha Lân, cha Thuyết, cha Vinh với những hoạt động chống phá cách mạng thì nay cha Vĩnh (Thời gian của người) tuy đã từng tuyên bố “nguyện hiến dâng tất cả những gì thuộc về tôi cho Hội Thánh” nhưng rồi lại đến với dân tộc và Cách mạng. Cha già, cha Thư (Cha và con và…) cũng vói xu thế mở đường cho sự hòa hợp Thiên Chúa giáo và Cách mạng, con đường “đi với giáo hữu, tuân theo ý muốn của giáo hữu sẽ hòa hợp được tất cả, vì giáo hữu là nền tảng, là cội nguồn. Cách mạng cũng từ đấy mà có, Hội Thánh cũng từ đấy mà có, bổn phận của linh mục cũng từ đấy mà có”.

     

    Thời kỳ đất nước tiến hành đổi mới từ năm 1986, đặc biệt là sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường kéo theo nhiều sự thay đổi về các quan hệ xã hội và ngay cả trong quan niệm về cuộc sống của con người, Nguyễn Khải có dịp đến với nhiều miền đất lạ, trở lại những nơi ông đã từng qua, đã lấy tài liệu để viết suốt một thời tuổi trẻ. Thời thế đem đến cho ông những cách nhìn mới, khác lạ, như là sự tự phát hiện lại mình - “vẫn đất nước mình mà thêm một bước đi là một bước lạ. Vẫn là con người Việt Nam mình mà gặp thêm một người lại tưởng như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con người”. Thế giới nhân vật của Nguyễn Khải lúc này thực phong phú: từ già đến trẻ; từ thông minh, tháo vát, đến vụng về, lạc thời, bế tắc. Ở đó có những người trẻ tuổi đầy nhiệt tình với lý tưởng mà mình tin yêu, phấn đấu như Bình (Gặp gỡ cuối năm), Duy, Giang (Vòng sóng đến vô cùng), … ; những con người trẻ tuổi giỏi tính toán cho việc làm ăn của mình như Định (Cái thời lãng mạn), Lộc (Chúng tôi và bọn hắn), Hải, Châu (Một cõi nhân gian bé tý), …; Những người có tuổi như anh Hợp (Người kể chuyện thuê), ông Ba (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười), … Chính trong bối cảnh đó, ông viết về những con người mà lẽ sống duy nhất là suốt đời đóng góp cho cách mạng, cho đất nước, dù trên đường đời gặp nhiều gian nan và có cả những trắc trở lẽ ra không đáng có. Những con người vượt lên hết thảy, kiên trinh, tin tưởng, vì một lẽ sống quý giá nhất của cuộc đời. Như ông Ba Quốc Hội có “một niềm vui, một niềm tin mà chỉ lúc đứng tuổi mới nhận ra ý nghĩa thâm trầm của nó” (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười). Như thầy Minh với đạo lý “cái khó nhất của mọi cái khó là tập giữ trọn được lời hứa. Thuở nhỏ là hứa với cha mẹ, với thầy cô, với bạn bè. Lớn lên là hứa với lý tưởng, với đất nước, với non sông. Trước khi hứa phải nghĩ cho chín, còn đã hứa dù sau này gươm có kề cổ cũng không thay đổi, thân phận có tan nát cũng không thay đổi” (Thầy Minh). Như ông trưởng họ với một niềm tin truyền dạy trong dòng họ một cách sống: biết sống dũng cảm, sống vị tha và dám hy sinh cho niềm tin thấy là đúng (Ông trưởng họ). Hay là một niềm tin hạnh phúc của sự cho (Chút phấn của đời), … Ngòi bút Nguyễn Khải thực da diết, ân tình, đau xót khi viết về những cảnh đời với những số phận trắc trở, trớ trêu như chị Vách, người phụ nữ suốt đời “chỉ làm thôi, làm không biết đến mệt nhọc, đến ốm đau, đến nguy hiểm” (Đời khổ); như hai ông cháu (Ông cháu); như chị Linh (Đã từng có những ngày vui), chị Phúc (Chúng tôi và bọn hắn), Trác (Lạc thời), …

     

    Nếu như trước đây, hình ảnh những con người sống tốt đẹp, vì lý tưởng dựng xây đất nước như Nam, Hoè (Hãy đi xa hơn nữa) có lúc làm cho tác giả không ngăn nổi niềm xúc động thiêng liêng đến trào nước mắt thì nay trước những cảnh đời bất trắc, tác giả không ít lần phải ứa nước mắt. Văn ông như có nước mắt, lời văn da diết đánh động và giục giã thái độ sống cần có trách nhiệm và quan tâm hơn đến những cảnh ngộ của con người. Chính trong những bối cảnh trên Nguyễn Khải lại phát hiện nhiều vấn đề nhân sinh ẩn giấu sau những cuộc đời, những quan điểm về đạo đức truyền thống, danh dự và khổ đau, lợi ích kinh tế, giá trị đồng tiền (Cái thời lãng mạn, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức, Anh hùng bĩ vận, Người kể chuyện thuê, Người của nghề, Chúng tôi và bọn hắn, Danh dự…

     

    Nguyễn Khải còn có những sáng tác về Hà Nội, nơi ông sinh ra và mang bao kỷ niệm thời tuổi trẻ. Đó là những trang viết ấm áp đầy thương cảm. Ông viết về người cô họ, cô Hiền, một người bình thường như bao người bình thường khác nhưng trong suy nghĩ và tình cảm của bà lại ẩn giấu nhiều giá trị nhân văn làm nên một phong thái Hà Nội. Đó là nếp ứng xử hợp tình hợp lý trong gia đình và ngoài xã hội, sang trọng, bản lĩnh, tự tin. Có được cái nhìn vê “một hạt bụi vàng” như thế của Hà Nội thực không dễ dàng. Và ao ước “những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó, ở mỗi góc phố Hà Nội, hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng” (Một người Hà Nội).

     

    Nhân vật trong những sáng tác về Hà Nội của Nguyễn Khải thường là những con người bình thường, những người trong gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Một bà cô suốt đời chăm lo gìn giữ gia phong của một dòng họ (Nếp nhà). Cô em họ biết tính toán hợp thời nhưng bao giờ cũng trọng cái danh hơn cả (Tiền). Bà cụ tầm thường mà cách ứng xử lại danh giá (Người của ngày xưa). Một nhà văn, một người vợ biết sống cho phải trước những biến thiên của cuộc đời,… Nguyễn Khải còn viết cả về lớp trẻ “những nhân vật chính của một vận hội mới” thời mở cửa. Ông đánh giá đúng tiềm năng to lớn ở họ. Nhưng ông cũng tỉnh táo nhìn nhận những khiếm khuyết của tuổi trẻ và đặt vấn đề làm sao cho lớp trẻ phấn đấu tạo ra những giá trị có ý nghĩa đối với sự chấn hưng của dân tộc (Chúng tôi và bọn hắn). So với những sáng tác thời tuổi trẻ, cái nhìn của Nguyễn Khải thực đằm thắm và bao dung. Ngòi bút nhà văn tìm hiểu, khám phá nhiều giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa sau những nhân vật rất đỗi bình thường trong cuộc sống. Trong những câu chuyện cảm động về những con người bình thường của Hà Nội, thường lấp lánh những suy tư khiến người đọc phải chiêm nghiệm, thấm thía: “Chỉ có cái tâm tốt của con người mới nảy nở được những cái mầm yêu thương” (Nắng chiều); “Cái nghĩa tình thầm lặng, nhỏ nhoi của mỗi gia đình, của mỗi vùng đất luôn luôn bị quên đi trong cái ồ ạt, xáo động, ngầu đục của dòng đời vẫn cứ là mạch nước ngầm trong suốt, vô nhiễm để nuôi sống những tinh hoa của dân tộc” (Đất kinh kỳ); “Ở đời chỉ có cái đức là trường tồn, càng có nhiều càng tốt không sợ thừa. Kỳ dư những thứ khác đều phù du cả, có đấy mất đấy, phúc đấy, hoạ đấy, không tính trước được đâu” (Người của ngày xưa)…

     

    Nguyễn Khải là nhà văn luôn luôn có ý thức, có trách nhiệm với thời đại, với xã hội, với con người. Ông luôn nhìn cuộc sống trong sự vận động và biến đổi và bao giờ cũng muốn khám phá, lôi tuột ra những vấn đề của hiện thực. Ông có ý thức sâu sắc về sự gắn bó với những vấn đề thời sự và những nhiệm vụ chính trị của thời đại. Dĩ nhiên ở vào thế hệ những nhà văn trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, một thế hệ mà tên tuổi đang rạng rỡ trên văn đàn như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, … thì sự gắn bó này là lẽ đương nhiên. Nhưng với Nguyễn Khải, ngoài lẽ đương nhiên đó còn là một cái gì của rất riêng ông. Ông say mê viết về những kiếp người cùng khổ xiết bao cao cả, tha thiết về một lối sống để được trung thực với chính mình, để nhận ra những mảng sáng còn lấp lánh mãi trong cái bề bộn của cuộc đời. Ông khao khát viết được cuốn sách mà tầm nghĩ, tầm nhìn khiến bạn đọc hôm nay và mai sau phải sững sờ, không chỉ vắt kiệt một đời văn mà còn phải vắt kiệt tinh hoa của một thời nữa. Những cuốn sách mang bóng dáng của chính cuộc đời và xiết bao khát vọng nơi ông. Ông cho rằng “tác phẩm văn học là một mảnh của đời sống chung, phải tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp chung”.

     

    Chính quan niệm đó của nhà văn đã bắt gặp yêu cầu của thời đại cách mạng giải phóng dân tộc trong đó mỗi người dân là một chiến sĩ và văn học cũng là một vũ khí tiến công. Nguyễn Khải với tất cả sự mẫn cảm của một người từng làm công tác chính trị trong quân đội và trái tim nhạy cảm của một nghệ sĩ, đã luôn cảm nhận được những yêu cầu đặt ra đối với cuộc sống cũng như những vấn đề thiết cốt của mỗi một giai đoạn cách mạng. Từ Xung đột viết vào năm 1957 đến Mùa lạc, Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa… viết vào những năm sáu mươi cho đến tác phẩm viết vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, có thể thấy Nguyễn Khải thường chọn cho mình những mảng đề tài mang tính chất thời sự nóng bỏng. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm luôn luôn là những vấn đề của hôm nay. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khải còn thể hiện trong tác phẩm nhiều loại người với cách nghĩ, cách sống và nói chung là thái độ của họ trước những vấn đề mới đặt ra trong thời cuộc vốn rất đa dạng và đầy phức tạp. Ở đây tác giả đặc biệt quan tâm tới phương diện đạo đức của con người trước sự biến thiên của các giá trị trong thời buổi kinh tế thị trường.

     

    Phải nói rằng trong suốt chặng đường sáng tạo gắn liền với những bước đi của đất nước, sáng tác của Nguyễn Khải bao giờ cũng nhằm thẳng vào đời sống hiện tại. Ông muốn hướng vào những vấn đề hiện tại để thức tỉnh người đọc cùng nghĩ. Ông luôn khao khát thể hiện được những vấn đề của hôm nay. Trong tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, ông viết: “Tôi thích cái hôm nay, cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, bóng tối và ánh sáng, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ, mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ”.

     

    Dù gắn bó với cái hôm nay, với vấn đề thời sự - chính trị của đất nước, song Nguyễn Khải không bao giờ thể hiện cuộc sống theo lối minh hoạ hay đơn giản một chiều. Ông nghiên cứu và trình bày cuộc sống, con người, rút từ cuộc sống những vấn đề có ý nghĩa đối với thế giới tinh thần con người. Ông tự chia quá trình sáng tác của mình ra hai thời kỳ, “từ 1955 đến 1977 tôi sáng tác một cách. Từ 1978 đến nay sáng tác theo cách khác”. Ông vượt qua mọi trắc trở để tìm đến một cách tư duy riêng, một cách viết riêng, để được là chính mình trên trang viết.

     

    Văn Nguyễn Khải giàu tính triết luận và đặc biệt mang tính đối thoại của tiểu thuyết hiện đại. Giọng văn ông linh hoạt và biến hoá theo các tính cách, theo dòng suy nghĩ của các nhân vật. Một lối văn vừa cô đọng, khúc chiết, vừa dân dã gắn khẩu ngữ, giàu hình ảnh đời thường. Lối văn chứng tỏ tác giả là người viết kỹ lưỡng và cẩn trọng, muốn miêu tả được nhiều nhất trong tác phẩm cái ngổn ngang bề bộn, sinh động và nhiều màu vẻ của cuộc sống hôm nay. Đọc ông nhưphải đối thoại với nhân vật trong đó để cùng suy nghĩ, trăn trở. Tác phẩm của ông có tính kích thích kỳ lạ.

     

    Nhà văn Nguyễn Khải xứng đáng là tiêu biểu, - nói như nhà văn Nguyên Ngọc, - cho cả một thế hệ những người cầm bút của đất nước này. Và cho cả cuộc sống nhọc nhằn, trằn trọc, trầm luân, nhẫn nại mà dũng cảm và đẹp đến kỳ lạ của đất nước này, của nhân dân đất nước này.

     

    HCT.

    _____

    (1) Vũ Cao, Những bước đi khỏe khoắn, tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 3-1964.

     

    Nguồn: vanhoanghean

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,735,177

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!