Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,227,144

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Ngô Tự Lập đạo văn?

Tư liệu

  • Thứ hai, 04:34 Ngày 19/07/2010
  • Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập  [đối thoại giữa Nguyễn Tôn Hiệt và Ngô Tự Lập]

    Nạn đạo văn không ngừng lan tràn ở Việt Nam, từ giới văn nghệ sĩ, đến giới học sinh, sinh viên, rồi đến giới thầy giáo, và bây giờ đến cả Bộ Giáo dục và Đào tạo! Mấy ngày gần đây, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có đăng trên website của ông hai bài viết: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đạo văn?”“Tại sao bộ GDĐT đạo văn?”

    Ông kết luận: “Bộ Giáo dục và Đào tạo của một quốc gia 86 triệu dân với một nền văn hiến lâu đời mà phạm lỗi đạo văn thì thật là một xì-căng-đan, một vết nhơ cho nền giáo dục nước nhà.” Và: “Lấy đề thi từ chỗ khác mà không đề nguồn thì rõ ràng là đạo văn, thậm chí vi phạm bản quyền. Khó tưởng tượng nổi một Bộ GDĐT mà phạm phải những lỗi nặng tính khoa bảng như thế!”

    Một bạn đọc đã giải thích trên website của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Việt Nam đã đạo văn vì “có 2 nguyên nhân, đó là nhận thức và năng lực” của hội đồng ra đề thi. Nếu lời giải thích này hợp lý, thì rõ ràng hội đồng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Việt Nam gồm toàn những kẻ vừa thiếu “nhận thức” vừa thiếu “năng lực”.

    Thế nhưng, trong trường hợp khác, chúng ta phải hiểu thế nào khi kẻ đạo văn lại là kẻ vừa có “nhận thức”, vừa có “năng lực”? Chẳng hạn, đó là một nhà giáo đã du học ở nước ngoài, đỗ Thạc Sĩ ở Pháp và Tiến Sĩ ở Hoa Kỳ (chứng tỏ có năng lực) và đã chính mình công khai phê phán nạn đạo văn (chứng tỏ có nhận thức)!

    Tôi muốn nói đến trường hợp của Ngô Tự Lập.

     

    I. NGÔ TỰ LẬP NÓI VỀ ĐẠO VĂN

     

    Trong bài phỏng vấn dưới nhan đề “Lợi ích của đạo văn”, Ngô Tự Lập nói:

    Tôi cho rằng đạo văn hiện đang rất phổ biến và đó là điều đáng xấu hổ. Với tư cách một nhà giáo, thú thật là tôi rất xấu hổ về tình trạng đạo văn ở nhà trường Việt Nam. Nhưng không chỉ có sinh viên đạo văn. Rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả nhà văn, nhà giáo cũng có đạo văn dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài những hình thức đạo văn thông thường, còn có những hình thức “kín đáo” hơn, chẳng hạn lấy ý kiến của người khác rồi viết lại y như mình nghĩ ra...

    Và:

    Về mặt đạo đức, đạo văn chính là sự ăn cắp, nhưng là thứ ăn cắp tồi tệ hơn ăn cắp thông thường. Bởi ăn cắp thông thường chỉ là chiếm đoạt một cách vụng trộm tài sản của người khác. Còn đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả. Những người đạo văn nói chung đều là trí thức, ít nhất là trong con mắt xã hội. Lý do của việc đạo văn chắc chắn là lòng tham, nhưng sâu xa mà nói, đạo văn phản ánh sự tự ti. Vì không dám tin là mình có thể làm một điều gì đó có giá trị, không dám dấn thân, trong khi lại muốn nổi tiếng, muốn thăng quan tiến chức. Vậy là làm liều.

    Khi phóng viên hỏi: “Phải chăng những người càng giỏi thì lại ‘đạo’ nhiều, hay nhờ đạo nhiều mà ‘giỏi’?” Ngô Tự Lập trả lời:

    Tôi không đồng ý. Không hề có chuyện người càng giỏi càng “đạo” nhiều. Theo tôi đạo tác phẩm nhiều nhất là là những người “chân đến đất cật không đến giời”, những kẻ “dở ông dở thằng về mặt tri thức”. Nghĩa là, anh ta không phải hạng dốt nát, cũng có đôi chút kiến thức và thường là có bằng cấp hoặc ít nhiều danh tiếng. Nhưng anh không phải người có tài lớn, ít nhất là ở mức anh ta mong muốn. Dưới áp lực của việc phải có “tác phẩm” xứng với cái danh (và nhiều khi kèm theo là chức vụ), anh ta không chống chọi lại được cám dỗ và tặc lưỡi làm liều.

     

    Dĩ nhiên, một số người rất khéo trong việc che đậy, hay nói cách khác là khéo “đạo”, chẳng hạn vay mượn ý tưởng, làm thao tác “copy and paste” biến của người khác là của mình, mà không dễ gì phát hiện? Nhưng làm sao có thể gọi một người phải đi vay mượn ý tưởng của người khác là người giỏi được?

    Phải khen là Ngô Tự Lập là một lý thuyết gia sành sõi về tâm lý cũng như thao tác đạo văn ở những kẻ khác. Thế còn chính anh ta thì sao?

     

    II. NGÔ TỰ LẬP THỰC HÀNH ĐẠO VĂN

     

    Ngày 24/05/2010, đọc Talawas, tôi thấy mẩu tin “Truyện khoa học viễn tưởng”, trong đó có đoạn:

    Theo nhà văn Ngô Tự Lập, “cha đẻ của văn học viễn tưởng ở Việt Nam” là Hồ Chí Minh. Theo ông,

     

    “Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam. Nhưng điều còn kỳ lạ hơn cả tính viễn tưởng là tính tiên tri của nó. Nếu lưu ý rằng trong truyện lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hoà liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 1940.”

    Theo đường link của bản tin Talawas, tôi đọc bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” của Ngô Tự Lập đăng trên website Viet-Studies của Trần Hữu Dũng. Tìm thêm trên internet, tôi thấy bài này đã được đăng trên báo Công An Nhân Dân ngày 17/05/2010.

    Trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, ngay ở câu nhập đề, Ngô Tự Lập viết:

    Trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, tôi viết rằng Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam sớm nhất và thành công nhất, mà còn là cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam.

    Tìm trên internet, tôi thấy bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” được đăng trên Tiền Phong Online ngày 14/05/2005 và đã được rất nhiều websites khác đăng lại. Trong bài ấy, Ngô Tự Lập viết:

    Con người biết mùi hun khói của Nguyễn ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng ở Việt Nam.

    Ngày 31/05/2010, trong bài “Thì ra, ‘văn học tự sướng’ là... ‘văn học viễn tưởng Việt Nam’!” , tôi cho rằng bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” của Ngô Tự Lập đã nhai lại những ý tưởng của một số người khác. Lập tức, ngày 01/06/2010, để đáp lại ý kiến của tôi, Ngô Tự Lập viết bài “Trả lời Nguyễn Tôn Hiệt”, trong đó anh ta nhấn mạnh:

    Sự thật là tất cả các bài ông dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005, trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, đăng trên Tiền Phong. Bài báo cũng được rất nhiều báo mạng đăng lại. Điều này tôi đã viết ở đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” [...] Tôi khẳng định Hồ Chí Minh là cha đẻ của văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam (Ngô Tự Lập nhấn mạnh). Đề nghị ông Nguyễn Tôn Hiệt nghiên cứu đầy đủ hơn và đoc văn bản cẩn thận hơn trước khi có ý kiến.

    Rồi một lần nữa, ngày 02/06/2010, trong bài “Thêm một lần với Nguyễn Tôn Hiệt”, Ngô Tự Lập tiếp tục lặp lại ý tưởng này:

    Tôi nhận định rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” in năm 1922 của Hồ Chí Minh có lẽ (tôi nhấn mạnh) là truyện viễn tưởng hiện đại đầu tiên của Việt Nam... Bài viết của tôi là về tác giả đầu tiên của văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam.

    Thế nhưng, ý tưởng này có phải là của Ngô Tự Lập không?

    Không.

    Ý tưởng này là của Hayes Edwards trong bài “The Shadow of Shadows”, đăng trên tập san Positions: East Asia Cultures Critique, Volume 11, Number 1, Spring 2003, trang 11-49.

    Ở trang 36 và 37, khi bàn về truyện “L’enhumé” (“Con người biết mùi hun khói”) của Nguyễn Ái Quốc, Hayes Edwards viết:

    The story is Nguyen Ai Quoc’s first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction.

    Ở trang 39, Hayes Edwards viết:

    “L’Enfumé” is exceptional, a singular effort to practice intercolonialism. A story about a futuristic Africa, written by a Vietnamese, and dedicated to an Algerian victim of the French colonial authorities, it mixes speculative fiction and futurism...

    Ở đây, tôi xin trình bày ngay một loạt những sự thật để độc giả thưởng thức cái tài đạo văn của Ngô Tự Lập:

    1. Hayes Edwards đưa ra ý tưởng này trong bài viết năm 2003. Đến năm 2005 thì Ngô Tự Lập mới viết bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, và mãi đến tháng 5 năm 2010 mới có bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, và trong hai bài ấy, ý tưởng của Hayes Edwards đã biến thành ý tưởng của Ngô Tự Lập.

    2. Trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, Ngô Tự Lập chỉ nhắc đến Hayes Edwards ở năm chỗ như sau: [tôi trích nguyên văn của Ngô Tự Lập]

    Chỗ thứ nhất:

    - Giáo sư Hayes Edwards (Rutgers University), trong bài The Shadow of Shadows, khi so sánh sự tương đồng giữa Nguyễn ái Quốc và nhà hoạt động cách mạng Senegal Lamine Senghor, có viết: “Trong bài này, tôi sẽ tập trung vào tác phẩm của Nguyễn ái Quốc, ông là cây bút quan trọng và kỳ lạ nhất trong các nhóm cách mạng ở Paris trong nửa đầu thập kỷ 1920, người ta đã cho đăng cả một cơn lũ bài viết thuộc nhiều thể loại không chỉ trên tờ Le Paria, mà cả trên L’Humanité, Le Journal du Peuple, La Voix ouvrière, Le Libétaire, Clarté, và L’action Colonialé”.

    Chỗ thứ hai:

    - Giáo sư Hayes Edwards gọi nhiều bài viết của Nguyễn ái Quốc là những “Kiệt tác nhỏ về thể văn nhại và tiểu luận (“There are a number of little masterpieces of parody, essays”) và đánh giá cao những cách tân văn chương của Nguyễn ái Quốc mà ông coi là đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển tư duy chính trị của các chiến sĩ cách mạng thuộc địa.

     

    {Xin lưu ý: Ở đây, Ngô Tự Lập cố tình thổi phồng, vì Hayes Edwards không hề “đánh giá cao” những cách tân văn chương của Nguyễn Ái Quốc. Ông chỉ muốn biện luận rằng sự cách tân văn chương của những cây bút tranh đấu (chứ KHÔNG CHỈ RIÊNG của Nguyễn Ái Quốc) là đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển ý thức chính trị chống thực dân. Ông viết: “It is on the other hand a perhaps even more surprising argument that literary innovation—and efforts in fiction in particular—play an indispensable role in the development of a number of anticolonial militants’ sense of politics.” (trang 33) Ở một đoạn khác, ông còn nêu lên cả sự kiện rằng có những sử gia và những nhà viết tiểu sử đã chê bai văn chương của Nguyễn Ái Quốc: “Although I have seen no other reading of this series of publications in L’humanité, Nguyen’s similar efforts at experimentation in fiction (as well as his political cartoons and illustrations in Le paria) have attracted only disdain from historians and biographers. Just as William Duiker criticizes the literary qualities of Nguyen’s writing, Claude Liauzu calls Nguyen’s drawings “as ferocious as they are maladroit” [aussi féroces que maladroites]. (trang 39-40)}

    Chỗ thứ ba:

    - Con người biết mùi hun khói, đúng như Hayes Edwards nhận định, là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt.

     

    {Xin lưu ý: Ngô Tự Lập lại cố tình bịa thêm, vì Hayes Edwards không hề nói “Con người biết mùi hun khói” là “một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt”.}

    Chỗ thứ tư:

    - Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. ảnh hưởng của Nguyễn ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor (Sénégal).

    Chỗ thứ năm:

    - Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d’un pays (ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

    3. Để cung cấp xuất xứ nguyên tác bài viết của Hayes Edwards, Ngô Tự Lập cho một cái link đến <http://muse.jhu.edu/journals/positions/v011/11.1edwards.html> nhưng tuyệt đại đa số độc giả sẽ không thể đọc được bài của Hayes Edwards, vì link này chỉ dành riêng cho những trường đại học và cơ quan nghiên cứu nào là thành viên của Project MUSE. Ngô Tự Lập viết bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” vào năm 2005, khi anh ta còn nghiên cứu luận án tiến sĩ tại Đại học Illinois State University (Hoa Kỳ).

    Vừa làm ra vẻ công nhiên cung cấp cái link (bất khả truy cập) này, lại vừa khéo léo nhắc đến Hayes Edwards năm lần trong bài viết, Ngô Tự Lập làm cho độc giả khó có thể nghĩ rằng anh ta lại đạo văn của chính Hayes Edwards. Tuyệt đại đa số độc giả sẽ không bỏ thì giờ và công sức đi tìm cho được nguyên tác của Hayes Edwards để xem. Với cái mưu chước tài tình này, Ngô Tự Lập vừa giả vờ công khai ghi nhận một số ý tưởng phụ của Hayes Edwards, vừa mặc sức chiếm hữu những ý tưởng chính của Hayes Edwards, mà độc giả sẽ không thể ngờ.

    4. Ngoài năm đoạn có nhắc đến Hayes Edwards như đã nêu trên, Ngô Tự Lập HOÀN TOÀN TRÁNH NÉ SỰ THẬT RẰNG HAYES EDWARDS CHÍNH LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN PHÁT HIỆN TRUYỆN “CON NGƯỜI BIẾT MÙI HUN KHÓI” LÀ MỘT TRUYỆN VIỄN TƯỞNG (mà Hayes Edwards gọi là FUTURISTIC SPECULATIVE FICTION) VÀ ĐÓ CŨNG LÀ TRUYỆN VIỄN TƯỞNG ĐẦU TIÊN VIẾT BẰNG TIẾNG PHÁP CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC.

    5. Tránh né sự thật ấy, ngay trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, Ngô Tự Lập ngang nhiên ăn cắp ý tưởng của Hayes Edwards và tuyên bố như chính mình là người phát hiện. Thế rồi, sau khi tung ra bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, từ năm 2005 đến nay, không thấy có ai lên tiếng tố cáo, Ngô Tự Lập càng ngày càng khẳng định hùng hồn và lặp đi lặp lại nhiều lần rằng chính anh ta là người phát hiện ý tưởng đó!

    6. Không chỉ ăn cắp ý tưởng của Hayes Edwards, Ngô Tự Lập còn ăn cắp liên tục những luận điểm và dẫn chứng khác của Hayes Edwards, thậm chí gần như dịch lại hoặc tóm lược lại nhiều đoạn trong bài của Hayes Edwards, lấy cả những đoạn truyện mà Hayes Edwards đã dịch sang tiếng Anh và đưa ra làm ví dụ. Ở những đoạn đó, Ngô Tự Lập viết như thể chính mình là người phát hiện, và tuyệt đối không hề nhắc đến tên Hayes Edwards. Ta thử so sánh:

    Hayes Edwards (trang 37):

    With a “particularly perceptive intelligence,” the old man had not only “done everything to awaken his brothers of color from the deep sleep of the slave” [tout fait pour réveiller ses frères de couleur du profond sommeil de l’esclave]...

    (trang 26):

    This impulse to translate in the broadest sense also influences the work of Lamine Senghor a few years later. As I mentioned earlier, in February 1927 Senghor attended the inaugural meeting of the League against Imperialism in Brussels.

    Ngô Tự Lập:

    Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, “cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles.

    --------

    Hayes Edwards (trang 35-36):

    In June 1922, Nguyen Ai Quoc published another text under the “Contes et Récits” rubric, a kind of dream story or fable titled “Les lamentations de Trung-Trac” that was written, according to a note, on the occasion of a visit to France by Khai Dinh, the emperor of Annam. It recounts a strange nightmare that bedevils the sovereign: he is visited by a ghost named Trung-Trac, an ancient patriot and soldier, who berates the emperor for his cowardice and his acquiescence to foreign domination of Annam. The ghost runs through a whirlwind nationalist history lesson...

    Ngô Tự Lập:

    Những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn ái Quốc như Lời than vãn của bà Trưng Trắc (Les lamentations de Trung - Trac), Paris (Trích Những bức thư gửi cô em họ – extrait de Letters à ma cousine), Con người biết mùi hun khói (“enfumé”) đều in trên tờ L’Humanité trong năm 1922... Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922) lại đầy chất mộng mị, ma quái mà ta có thể nhận thấy rất rõ...

    --------

    Hayes Edwards (trang 36):

    This opening can only be described as stunning: Nguyen Ai Quoc’s tale imagines the future victory (in 1948!) of a communist revolution, but the setting is neither Europe, where Nguyen is writing, nor Indochina, his own place of birth. Instead, the revolution is situated in Africa, in what appears to be a Pan-African vision of an “African Federative Republic.”

    Ngô Tự Lập:

    Con người biết mùi hun khói của Nguyễn ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, nếu lưu ý rằng lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy Nguyễn ái Quốc đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 1940.

    --------

    Hayes Edwards (trang 39):

    “L’Enfumé” is exceptional, a singular effort to practice intercolonialism. A story about a futuristic Africa, written by a Vietnamese, and dedicated to an Algerian victim of the French colonial authorities, it mixes speculative fiction and futurism...

    (trang 36-37):

    The tale starts with a dedication (“A Nahon, assasiné par le militarisme colonial, je dédie ce récit”) to an Algerian “native” brutally murderedby a French colonial military officer named Vidart. Nguyen had written an anecdotal article about the incident the month before. So the turn to fiction starts off from the ground of the historical, from one of the daily atrocities of colonialism. There is also an epigraph, credited to his old nemesis, Albert Sarraut: “Most of our great military leaders have learned combat in the conquest of the colonial empire; they have led us to victory, and French opinion celebrates their glory when they carry our flags under the skies of Africa and Asia.” Then, unusually, a setting and date, indicated before the first line of text: “Haoussas, janvier 1998.”

     

    The story is Nguyen Ai Quoc’s first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction. “L’enfumé” is set nearly seventy-five years into the future, just before the dawn of the millennium.

     

    The story proper opens with a paragraph describing Haoussas:

     

    “The city of Haoussas was triumphantly decorated with banners. One would have said that a spring fairy had touched the dry wood paneling of the balconies and windows with her magic wand, causing innumerable red leaves, now flapping gracefully in the wind, to grow there. It was the fiftieth anniversary of the African Federative Republic. Never before had the people participated to such a degree in similar ceremonies. Since the morning, the streets and squares had been like a human river. Processions of school children, waving flags before them, moved through the city singing the Internationale to the applause of the population. On the Place des Soviets, an old man was holding forth before the crowd. It was Papa Kimengo, nicknamed l’Enfumé.”

    Ngô Tự Lập:

    Trước hết là tính quốc tế – tác phẩm của một người Việt Nam được bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria bị một sĩ quan pháp tên là Vidart giết hại: “Xin tặng Nahông, người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài viết này”. Lời đề tặng này lại được đặt trong sự tương phản với đoạn trích lời Albert Sarrault [sic], bộ trưởng bộ thuộc địa: “Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á”.

     

    Nhưng độc đáo nhất là tính viễn tưởng, Sáng tác năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Hãy đọc đoạn mở đầu:

     

    “Thành phố Haoussas cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió. Đây là lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Cộng Hòa Liên Hiệp Phi. Chưa bao giờ dân chúng lại tham gia với mức độ ấy những hội hè loại này. Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh. Trên quảng trường Xô viết, một cụ già hô hào đám đông. Đó là cố Kimengo, mệnh danh là Con người biết mùi hun khói”.

    --------

    Hayes Edwards (trang 37):

    Kimengo is described as a nonagenarian with a “magnificent crown” of white hair, a “former fighter in the revolutionary army, one of the founders of la République noire.”With a “particularly perceptive intelligence,” the old man had not only “done everything to awaken his brothers of color from the deep sleep of the slave” [tout fait pour réveiller ses frères de couleur du profond sommeil de l’esclave], but also “worked hard to destroy all prejudices of nationality and of race, and to unite the exploited of all colors in the common struggle.”

    Ngô Tự Lập, trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”:

    Riêng cố Kimengo may mắn ở gần một kẽ nứt, đào một cái ngách, thoát ra được và trở thành “chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen”. Cụ Kimengo “không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung”.

    Ngô Tự Lập, trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”:

    ... Kimengô, “tuổi đã chín mươi, là một cựu chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hoà da đen”, kể lại câu chuyện xưa: những người dân thuộc địa Pháp nghèo khổ không có tiền nộp thuế, phải bỏ trốn vào hang. Bọn thực dân hun khói làm những người trong hang chết ngạt. Riêng cố Kimengo may mắn ở gần một kẽ nứt, đào một cái ngách, thoát ra được và trở thành “chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen”. Cố Kimengo “không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung”.

    --------

    Có lẽ bấy nhiêu ví dụ để đối chiếu như thế cũng đã quá ngoạn mục.

     

    III. KẾT LUẬN:

     

    Ngô Tự Lập đã thực hành các thao tác đạo văn một cách nhuần nhuyễn, đúng y như những gì anh ta đã nói trong bài phỏng vấn “Lợi ích của đạo văn”:

    Ngoài những hình thức đạo văn thông thường, còn có những hình thức “kín đáo” hơn, chẳng hạn lấy ý kiến của người khác rồi viết lại y như mình nghĩ ra...

     

    Dĩ nhiên, một số người rất khéo trong việc che đậy, hay nói cách khác là khéo “đạo”, chẳng hạn vay mượn ý tưởng, làm thao tác “copy and paste” biến của người khác là của mình, mà không dễ gì phát hiện...

    Và cái nguyên nhân đã khiến anh ta đạo văn thì có lẽ cũng đúng như anh ta đã phân tích:

    Lý do của việc đạo văn chắc chắn là lòng tham, nhưng sâu xa mà nói, đạo văn phản ánh sự tự ti. Vì không dám tin là mình có thể làm một điều gì đó có giá trị, không dám dấn thân, trong khi lại muốn nổi tiếng, muốn thăng quan tiến chức. Vậy là làm liều.

     

    Theo tôi đạo tác phẩm nhiều nhất là những người “chân đến đất cật không đến giời”, những kẻ “dở ông dở thằng về mặt tri thức”. Nghĩa là, anh ta không phải hạng dốt nát, cũng có đôi chút kiến thức và thường là có bằng cấp hoặc ít nhiều danh tiếng. Nhưng anh không phải người có tài lớn, ít nhất là ở mức anh ta mong muốn. Dưới áp lực của việc phải có “tác phẩm” xứng với cái danh (và nhiều khi kèm theo là chức vụ), anh ta không chống chọi lại được cám dỗ và tặc lưỡi làm liều.

    Có một câu hỏi cần phải nêu ra là: Khi Ngô Tự Lập đạo văn, liệu anh ta có suy nghĩ giống như những gì anh ta đã phê phán về phương diện đạo đức của hành động đạo văn? Anh ta đã nói:

    Tôi cho rằng đạo văn hiện đang rất phổ biến và đó là điều đáng xấu hổ. Với tư cách một nhà giáo, thú thật là tôi rất xấu hổ về tình trạng đạo văn ở nhà trường Việt Nam... Về mặt đạo đức, đạo văn chính là sự ăn cắp, nhưng là thứ ăn cắp tồi tệ hơn ăn cắp thông thường. Bởi ăn cắp thông thường chỉ là chiếm đoạt một cách vụng trộm tài sản của người khác. Còn đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả.

    Chỉ mong Ngô Tự Lập đọc lại thật kỹ và tự suy gẫm về những gì anh ta đã nói về nạn đạo văn. Và tự biết xấu hổ.

     

    14/07/2010

     

     

    Lần thứ ba và lần cuối với ông Nguyễn Tôn Hiệt  [đối thoại]

     

    Chắc chắn Nguyễn Tôn Hiệt vẫn không, hoặc cố tình không, đọc cẩn thận 2 bài viết của tôi, “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” (2005) và “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” (2010). Vì thế, bài viết “Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập” của ông vô tình hoặc hữu ý đã xuyên tạc sự thật.

    Trong bài thứ nhất, sau khi đọc nhiều công trình nghiên cứu về văn học Pháp ngữ Việt Nam, tôi thấy Nguyễn Ái Quốc luôn luôn bị bỏ sót. Tôi đưa ra luận điểm chính là: “Nguyễn Ái Quốc cũng phải được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất ” (NTL nhấn mạnh), chứ không phải là tính viễn tưởng hay tính tiên tri. Việc Nguyễn Ái Quốc viết văn bằng tiếng Pháp không có gì mới lạ. Truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng cũng chẳng có gì mới là để phát kiến. Ở Việt Nam, ít nhất là ở miền Bắc, chúng tôi cũng đã được học truyện này trong trường phổ thông từ nhiều thập kỷ trước.

    Vấn đề là phải chứng minh rằng Nguyễn Ái Quốc viết văn (chứ không phải báo) bằng tiếng Pháp từ rất sớm, viết nhiều, khá hay.

    Trong bài tôi trích dẫn nhiều lần bài viết “The Shadow of Shadows” của giáo sư Hayes Edwards, không phải vì những lời ngợi khen của ông với Nguyễn Ái Quốc quá mới lạ, mà vì tôi muốn nói rằng đó là nhận xét không phải của riêng tôi.

    Khi trích dẫn bài viết của Hayes Edwards, dù trích dẫn trực tiếp hay trích dẫn gián tiếp (tức là nhắc tên tác giả rồi diễn đạt lại ý tác giả bằng lời của mình) tôi đều chú dẫn rất cẩn thận. Tuy nhiên, việc này đã bị ông Nguyễn Tôn Hiệt cố tình lờ đi. Chẳng hạn đoạn mà ông trích để phê phán tôi đạo văn, thật ra trong nguyên bản như sau:

    Con người biết mùi hun khói, đúng như Hayes Edwards nhận định, là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trước hết là tính quốc tế - tác phẩm của một người Việt Nam được bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria bị một sĩ quan Pháp tên là Vidart giết hại: “Xin tặng Nahông1), người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài viết này”. Lời đề tặng này lại được đặt trong sự tương phản với đoạn trích lời Albert Sarrault, bộ trưởng bộ thuộc địa: “Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á.”[1]

     

    Nhưng độc đáo nhất là tính viễn tưởng. Sáng tác năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Hãy đọc đoạn mở đầu... (NTL nhấn mạnh).

     

    _______

    [1]Đã dẫn.

     

    Và đây là đoạn khác, cũng được Nguyễn Tôn Hiệt trích dẫn:

    Xin trở lại với những tác phẩm Pháp ngữ của Nguyễn Ái Quốc. Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. Ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor. Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, “cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles. Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d'un pays (Ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

    Viết như vậy thì đạo văn ở chỗ nào?

    Về bài viết thứ hai, “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, tôi đã một lần có ý kiến với ông Hiệt. Như ở trên tôi đã nói, truyện “Con người biết mùi hun khói” được dạy trong trường phổ thông từ nhiều thập kỷ trước, vì thế ai cũng biết đó là một truyện viễn tưởng. Truyện “Giấc ngủ mười năm” ít người biết hơn, nhưng ai đã đọc thì cũng đều biết đó là truyện viễn tưởng.

    Luận điểm, hay có thể nói là phát hiện của tôi, là: “Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam ” (NTL nhấn mạnh). Và nếu đúng như vậy thì Hồ Chí Minh chính là “cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam”.

    Để triển khai luận điểm này, tôi nhận xét rằng Hồ Chí Minh viết truyện viễn tưởng từ rất sớm (1922), ông không chỉ viết một mà (ít nhất là) 2 tác phẩm viễn tưởng. Và tôi nhận xét rằng có một điều kỳ lạ là cả hai đều có tính tiên tri. Tính viễn tưởng của truyện “Con người biết mùi hun khói” những ai từng đọc đều biết. Nhưng tôi tin rằng tính tiên tri của nó là phát hiện của riêng tôi (Hồ Chí Minh phán đoán chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối những năm 1940). Và tôi tin rằng tôi cũng là người đầu tiên gắn kết nó với truyện “Giấc ngủ mười năm” để cho thấy diện mạo một tác giả độc đáo của thể loại còn hiếm này ở Việt Nam.

    Tóm lại, không có bất cứ một bằng chứng nào để vu cáo tôi đạo văn được, dù là về ý tưởng hay văn bản. Tất cả những ai nghiêm túc chắc chắn đều đồng ý với tôi.

    Để bạn đọc có thể tự phán xét, tôi xin gửi bài viết của giáo sư Hayes Edwards [bấm vào link này]. Hai bài viết của tôi bạn đọc có thể tìm thấy dễ dàng trên internet. Xin cáo lỗi với tất cả những ai cảm thấy bị làm phiền.

     

    Ngô Tự Lập

     

     

    Vừa đọc bài phản hồi của Ngô Tự Lập, “Lần thứ ba và lần cuối với ông Nguyễn Tôn Hiệt”, tôi viết bài này để trả lời ngay.

    Bài phản hồi của Ngô Tự Lập là một bài tự bào chữa bằng những lập luận không trung thực về việc anh ta đã đạo văn của Hayes Edwards.

     

    1/ Ngô Tự Lập viết:

    Trong bài thứ nhất, sau khi đọc nhiều công trình nghiên cứu về văn học Pháp ngữ Việt Nam, tôi thấy Nguyễn Ái Quốc luôn luôn bị bỏ sót. Tôi đưa ra luận điểm chính là: “Nguyễn Ái Quốc cũng phải được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất” (NTL nhất mạnh), chứ không phải là tính viễn tưởng hay tính tiên tri. Việc Nguyễn Ái Quốc viết văn bằng tiếng Pháp không có gì mới lạ. Truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng cũng chẳng có gì mới lạ để phát kiến. Ở Việt Nam, ít nhất là ở miền Bắc, chúng tôi cũng đã được học truyện này trong trường phổ thông từ nhiều thập kỷ trước.

    [...]

    Về bài viết thứ hai, “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, tôi đã một lần có ý kiến với ông Hiệt. Như ở trên tôi đã nói, truyện “Con người biết mùi hun khói” được dạy trong trường phổ thông từ nhiều thập kỷ trước, vì thế ai cũng biết đó là một truyện viễn tưởng. Truyện “Giấc ngủ mười năm” ít người biết hơn, nhưng ai đã đọc thì cũng đều biết đó là truyện viễn tưởng.

    Biện luận như vậy là không thành thật. Nếu Ngô Tự Lập xem “tính viễn tưởng hay tính tiên tri” của trong các truyện ấy là điều không quan trọng, và “cũng chẳng có gì mới lạ để phát kiến” vì ở miền Bắc ai cũng biết rồi, thế thì tại sao trong bài “Trả lời Nguyễn Tôn Hiệt”, Ngô Tự Lập lại cho rằng tất cả các bài viết về “tính tiên tri” của truyện “Giấc ngủ mười năm” trong năm 2008 và 2009 đều lặp lại ý kiến của Ngô Tự Lập? Trong bài ấy, Ngô Tự Lập viết:

    Các ý kiến của ông Nguyễn Tôn Hiệt, mặc dù dài dòng, chỉ có hai ý chính. Tôi xin trả lời.

     

    Thứ nhất, ông cho rằng tôi lặp lại phát hiện của Quỳnh Nga (đăng ngày 07-05-2008, trên báo Hậu Giang, trong bài “Bác Hồ tiên đoán trận chiến Điện Biên Phủ”), của Nguyễn Cao Sinh (đăng ngày 22-10-2008, trên báo Văn Nghệ Quân Đội, trong bài “Giấc ngủ mười năm”), của Hà Đăng (đăng ngày 22-01-2009, trên báo Nhân Dân, trong bài “'Giấc ngủ mười năm' nhân sáu”), của Báo điện tử ĐCSVN (ngày 26-03-2009, trong mục “Tư liệu về Đảng”), và của Trường An (đăng ngày 29-05-2009, trong bài “Lửa tháng năm” trên tạp chí Sông Hương).

     

    Sự thật là tất cả các bài ông dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005, trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, đăng trên Tiền Phong. Bài báo cũng được rất nhiều báo mạng đăng lại. Điều này tôi đã viết ở đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”.

    Thú vị thật! Hơn nữa, nếu “ai cũng biết đó là một truyện viễn tưởng”, “chẳng có gì mới lạ để phát kiến”, thì tại sao trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” Ngô Tự Lập lại nhiều lần nhấn mạnh đến sự “độc đáo nhất” của “tính viễn tưởng”, và sự “đặc biệt hơn” nữa của “tính tiên tri” trong truyện “Con người biết mùi hun khói”? Ngô Tự Lập viết:

    Nhưng độc đáo nhất là tính viễn tưởng, sáng tác năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Hãy đọc đoạn mở đầu...

     

    Con người biết mùi hun khói của Nguyễn ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, nếu lưu ý rằng lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy Nguyễn ái Quốc đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 1940...

    Rồi sau đó, Ngô Tự Lập đã bỏ công viết hẳn một bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” và nói về truyện “Con người biết mùi hun khói” với những lời như sau:

    Trong đó, độc đáo hơn cả là tính viễn tưởng...

     

    “Con người biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam...

     

    Nhưng điều còn kỳ lạ hơn cả tính viễn tưởng là tính tiên tri của nó...

     

    “Giấc ngủ mười năm”, cũng giống “Con người biết mùi hun khói”, có một ý nghĩa tiên tri mà tác phẩm của Washington Irving không có...

    Thật buồn cười! Ngô Tự Lập nói “ai cũng biết đó là một truyện viễn tưởng”. Thế nhưng, trước năm 2005, chưa từng có cuốn sách Việt ngữ nào nói rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng. Đến năm 2003, Hayes Edwards mới phát hiện rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc [The story is Nguyen Ai Quoc’s first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction.] Đến năm 2005, sau khi đọc bài của Hayes Edwards, Ngô Tự Lập mới viết ra rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc!

     

    2/ Ngô Tự Lập viết:

    Trong bài tôi trích dẫn nhiều lần bài viết “The Shadow of Shadows” của giáo sư Hayes Edwards, không phải vì những lời ngợi khen của ông với Nguyễn Ái Quốc quá mới lạ, mà vì tôi muốn nói rằng đó là nhận xét không phải của riêng tôi.

    Nói vậy là nói ngược đời và không trung thực, vì những nhận xét của Hayes Edwards đã có từ năm 2003 trong bài “The Shadow of Shadows”, cho đến năm 2005 thì Ngô Tự Lập mới dựa vào bài ấy của Hayes Edwards để viết bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”. Nếu trong bài của Ngô Tự Lập có những nhận xét giống như của Hayes Edwards, thì những nhận xét đó là của Hayes Edwards mà Ngô Tự Lập vay mượn, chứ không thể nói rằng Hayes Edwards đã có những nhận xét giống như Ngô Tự Lập. Lại càng không thể nói theo kiểu: “Đó là nhận xét không phải của riêng tôi, mà ông Hayes Edwards cũng có những nhận xét giống như tôi vậy”!!!

     

    3/ Ngô Tự Lập viết:

    Khi trích dẫn bài viết của Hayes Edwards, dù trích dẫn trực tiếp hay trích dẫn gián tiếp (tức là nhắc tên tác giả rồi diễn đạt lại ý tác giả bằng lời của mình) tôi đều chú dẫn rất cẩn thận. Tuy nhiên, việc này đã bị ông Nguyễn Tôn Hiệt cố tình lờ đi.

    Không, tôi không hề lờ đi bất cứ chỗ nào. Độc giả hãy đọc hai bài của Ngô Tự Lập [XEM BẢN CHỤP LẠI NGUYÊN VẸN Ở CUỐI TRANG NÀY] thì thấy rõ. Trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, Ngô Tự Lập chỉ nhắc đến Hayes Edwards ở 5 chỗ (như tôi đã trình bày trong bài trước) và CHỈ CÓ MỘT CHÚ THÍCH DUY NHẤT (tức là chú thích số 5) ở câu này:

    Giáo sư Hayes Edwards (Rutgers University), trong bài The Shadow of Shadows5

    Trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, Ngô Tự Lập chỉ nhắc đến Edwards MỘT LẦN, và TUYỆT ĐỐI KHÔNG CÓ BẤT CỨ MỘT CHÚ THÍCH NÀO CẢ, mặc dù RẤT NHIỀU ĐOẠN TRONG BÀI ẤY LÀ Ý TƯỞNG CỦA EDWARDS.

     

    4/ Ngô Tự Lập viết:

    Khi trích dẫn bài viết của Hayes Edwards, dù trích dẫn trực tiếp hay trích dẫn gián tiếp (tức là nhắc tên tác giả rồi diễn đạt lại ý tác giả bằng lời của mình) tôi đều chú dẫn rất cẩn thận. Tuy nhiên, việc này đã bị ông Nguyễn Tôn Hiệt cố tình lờ đi. Chẳng hạn đoạn mà ông trích để phê phán tôi đạo văn, thật ra trong nguyên bản như sau:

     

    Con người biết mùi hun khói, đúng như Hayes Edwards nhận định, là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trước hết là tính quốc tế - tác phẩm của một người Việt Nam được bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria bị một sĩ quan Pháp tên là Vidart giết hại: “Xin tặng Nahông1), người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài viết này”. Lời đề tặng này lại được đặt trong sự tương phản với đoạn trích lời Albert Sarrault, bộ trưởng bộ thuộc địa: “Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á.”[1]

     

    Nhưng độc đáo nhất là tính viễn tưởng. Sáng tác năm 1922, nhưng bối cảnh câu chuyện lại diễn ra vào năm 1998, nghĩa là sau đó 75 năm. Hãy đọc đoạn mở đầu... (NTL nhấn mạnh).

     

    _______

    [1]Đã dẫn.

     

    Ở đây Ngô Tự Lập lại tiếp tục không thành thật. Trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” đăng trên Tiền Phong Online, những đoạn văn trên đã được chia paragraph theo lối khác, và KHÔNG CÓ CÁI CHÚ THÍCH “[1] Đã dẫn” Ở SAU CÂU “... dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á”. CÁI CHÚ THÍCH “[1] Đã dẫn” NÀY LÀ DO NGÔ TỰ LẬP VỪA THÊM VÀO TRONG BÀI PHẢN HỒI ngày 16/07/2010. Ngoài ra, trong bản gốc trên Tiền Phong Online, ngay ở chỗ mà Ngô Tự Lập trích lại trên đây, có nhiều paragraph liên tục không hề nhắc đến Hayes Edwards (đúng như tôi đã phân tích trong bài trước). Xin xem bản chụp dưới đây:

     

     

    Với lối chấm câu, ngắt đoạn, xuống hàng như thế, rõ ràng những ý tưởng của Hayes Edwards đã biến thành ý tưởng của Ngô Tự Lập.

     

    5/ Ngô Tự Lập viết:

    Và đây là đoạn khác, cũng được Nguyễn Tôn Hiệt trích dẫn:

     

    Xin trở lại với những tác phẩm Pháp ngữ của Nguyễn Ái Quốc. Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. Ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor. Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, “cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles. Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d'un pays (Ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

     

    Viết như vậy thì đạo văn ở chỗ nào?

    Tôi không nói Ngô Tự Lập đạo văn ở đoạn này nếu nó được trình bày đúng như thế.

    Trong bài “Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập”, tôi đã viết rõ rằng: “Trong bài ‘Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ’, Ngô Tự Lập chỉ nhắc đến Hayes Edwards ở năm chỗ ”, và đoạn trích trên đây chứa đựng chỗ thứ tư và chỗ thứ năm mả Ngô Tự Lập đã nhắc đến Hayes Edwards. Tôi đã viết:

    Chỗ thứ tư:

    - Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. ảnh hưởng của Nguyễn ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor (Sénégal).

    Chỗ thứ năm:

    - Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d’un pays (ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

    Do đó, Ngô Tự Lập đem những chỗ này ra để chứng mình là mình không đạo văn của Hayes Edwards thì cũng bằng thừa.

    TUY NHIÊN, TRONG BẢN GỐC TRÊN BÁO TIỀN PHONG ONLINE, ĐOẠN VĂN TRÊN ĐÂY ĐÃ ĐƯỢC NGÔ TỰ LẬP TRÌNH BÀY THEO CÁCH KHÁC. Nó không chỉ là một đoạn liền lạc như thế. Ngô Tự Lập đã ngắt nó ra làm hai paragraphs, và như thế thì có một ý tưởng của Hayes Edwards bị biến thành ý tưởng của Ngô Tự Lập. Tôi xin tô đậm ý tưởng bị chiếm đoạt ấy dưới đây cho độc giả dễ nhận ra:

    Xin trở lại với những tác phẩm Pháp ngữ của Nguyễn Ái Quốc. Theo Hayes Edwards, sáng tác của nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam còn âm vang nhiều năm sau khi anh rời Paris đi Moskva năm 1923. Ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc có thể thấy rất rõ trong sáng tác của Lamine Senghor.

     

    Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, “cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles. Cũng theo Hayes Edwards, giọng văn châm biếm, cũng như việc sử dụng hình minh họa trong La violation d'un pays (Ức hiếp một dân tộc) có lẽ cũng được Lamine Senghor học theo gương Nguyễn.

    Như đã thấy trên đây, câu văn “Chẳng hạn, một câu trong tác phẩm Con người biết mùi hun khói, ‘cụ Kimengo đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ”, dường như vọng lại trong đoạn kết bài diễn văn Lamine Senghor đọc tại Đại Hội Phản Đế tại Bruxelles’” xuất hiện như một ví dụ do chính Ngô Tự Lập đề xuất để giải thích cho ý tưởng của Hayes Edwards về ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc đối với Lamine Senghor.

    Kỳ thực, câu văn này không phải là đề xuất của Ngô Tự Lập, mà vẫn chính là ý tưởng của Hayes Edwards nhưng không được Ngô Tự Lập thừa nhận.

    Và như độc giả có thể thấy trong bài “Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập”, tôi đã đem ra rất nhiều đoạn văn chứa đựng các ý tưởng của Hayes Edwards bị chiếm đoạt. Thế nhưng bài phản hồi của Ngô Tự Lập đã tránh né, không thể biện giải về những đoạn ấy.

     

    6/ Ngô Tự Lập viết:

    Luận điểm, hay có thể nói là phát hiện của tôi, là: “Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam” (NTL nhấn mạnh). Và nếu đúng như vậy thì Hồ Chí Minh chính là “cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam”.

    Ngô Tự Lập lại không thành thật. Như tôi đã nói ở trên, trước năm 2003, ở Việt Nam chưa từng có sách vở Việt ngữ nào nói truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng. Năm 2003, Hayes Edwards mới phát hiện rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc [The story is Nguyen Ai Quoc’s first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction.] Đến năm 2005, sau khi đọc bài của Hayes Edwards, Ngô Tự Lập mới ăn cắp phát hiện này của Hayes Edwards, phóng đại lên thành “Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng trong văn chương hiện đại Việt Nam”, rồi đến năm 2010, anh ta lại phóng đại lên thêm rằng Hồ Chí Minh chính là “cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam”. Ngô Tự Lập có quyền khai triển hay phóng đại đến đâu cũng được, NHƯNG TRƯỚC HẾT, ANH TA PHẢI GHI NHẬN SỰ PHÁT HIỆN VÀ Ý TƯỞNG CỦA HAYES EDWARDS.

     

    7/ Ngô Tự Lập viết:

    Để triển khai luận điểm này, tôi nhận xét rằng Hồ Chí Minh viết truyện viễn tưởng từ rất sớm (1922), ông không chỉ viết một mà (ít nhất là) 2 tác phẩm viễn tưởng. Và tôi nhận xét rằng có một điều kỳ lạ là cả hai đều có tính tiên tri. Tính viễn tưởng của truyện “Con người biết mùi hun khói” những ai từng đọc đều biết. Nhưng tôi tin rằng tính tiên tri của nó là phát hiện của riêng tôi (Hồ Chí Minh phán đoán chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối những năm 1940). Và tôi tin rằng tôi cũng là người đầu tiên gắn kết nó với truyện “Giấc ngủ mười năm” để cho thấy diện mạo một tác giả độc đáo của thể loại còn hiếm này ở Việt Nam.

    Xin nói ngay, việc Ngô Tự Lập đạo văn của Hayes Edwards không hề dính líu gì đến truyện “Giấc ngủ mười năm”, nên tôi miễn bàn.

    Ở đây, riêng về vấn đề truyện “L’enhumé”, Ngô Tự Lập lại không thành thật. Năm 2003, trong bài viết “The Shadow of Shadows”, Hayes Edwards ghi nhận rằng truyện “L’enhumé” (“Con người biết mùi hun khói”) của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L'Humanité số tháng Tám năm 1922, và phát hiện đó là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Hayes Edwards viết:

    In the same L'humanité column in August, Nguyen Ai Quoc published the most striking of his efforts, another récit titled “L'Enfumé” [The one who was smoked out] ... The story is Nguyen Ai Quoc's first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction. (trang 35)

    Trước năm 2003, chưa từng có bất cứ bài viết nào của Ngô Tự Lập nói về sự kiện này. Vì thế, khi Ngô Tự Lập nói “tôi nhận xét rằng Hồ Chí Minh viết truyện viễn tưởng từ rất sớm (1922)”, anh ta đã hoàn toàn ăn cắp phát hiện của Hayes Edwards, SAU KHI ĐỌC BÀI VIẾT CỦA HAYES EDWARDS.

    Khi Ngô Tự Lập nói: “Tôi nhận xét rằng có một điều kỳ lạ là cả hai đều có tính tiên tri. Tính viễn tưởng của truyện “Con người biết mùi hun khói” những ai từng đọc đều biết. Nhưng tôi tin rằng tính tiên tri của nó là phát hiện của riêng tôi (Hồ Chí Minh phán đoán chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối những năm 1940)” thì anh ta lại ăn cắp ý tưởng của Hayes Edwards:

    This opening can only be described as stunning: Nguyen Ai Quoc's tale imagines the future victory (in 1948!) of a communist revolution... (trang 36)

     

    8/ Ngô Tự Lập viết:

    Tóm lại, không có bất cứ một bằng chứng nào để vu cáo tôi đạo văn được, dù là về ý tưởng hay văn bản. Tất cả những ai nghiêm túc chắc chắn đều đồng ý với tôi.

    Phải nói ngược lại thì mới trung thực. Tất cả những ai nghiêm túc thì chắc chắn đều đồng ý rằng: Ngô Tự Lập đã đạo văn của Hayes Howards. Rằng: Ngô Tự Lập đã tự biện hộ bằng những lập luận không hợp lý, và tránh né hầu hết những bằng chứng về sự đạo văn mà tôi đã nêu ra trong bài “Đạo văn: lý thuyết và thực hành của Ngô Tự Lập”. Ngô Tự Lập chỉ không đạo văn nếu anh ta đi ngược thời gian để viết những điều này trước năm 2003. Và nếu thế thì thật thú vị, vì nếu Hayes Edwards đọc cái bài tưởng tượng ấy của Ngô Tự Lập trước khi viết bài “The Shadow of Shadows”, thì chính Hayes Edwards lại là kẻ... đạo văn của Ngô Tự Lập!

     

     

    NTH.

    tienve.org

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,227,144

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!