Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,716,034

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Giải phóng Trường Sa (tiếp và hết)

Tư liệu

  • Thứ sáu, 13:22 Ngày 30/04/2010
  • Giải phóng Trường Sa (2): Ký ức ngày giải phóng

    Có những tên đảo mà khi đọc lên bất cứ người Việt nào cũng cảm nhận được sự xúc động thiêng liêng. Tháng 4-1975, khi bộ đội đặc công bước vào mặt trận biển Đông, tên gọi thân thuộc của các đảo trong quần đảo Trường Sa như bây giờ được ký hiệu thành các mục tiêu giải phóng như sau: H1 (Song Tử Tây), H2 (Nam Yết), H3 (Sơn Ca), H4 (Sinh Tồn), H5 (Trường Sa), H6 (An Bang).

    Bảo tàng Lịch sử quân sự VN (số 3 Điện Biên Phủ, Hà Nội) trưng bày nhiều kỷ vật của những người lính đặc công đoàn 126 anh hùng. Đó là chiếc bình thở cũ kỹ, chiếc mặt nạ chống nước thô sơ, một vài chiếc la bàn nhỏ... Đoàn 126 trong bảy năm liên tục chiến đấu ở Cửa Việt, Đông Hà đã đánh trên 700 trận, đánh chìm và đánh hỏng nặng 336 tàu chiến, tàu vận tải quân sự các loại...

    Trong các trận chiến ở Trường Sa, đối phương không thể ngờ rằng đoàn quân “xuất quỷ nhập thần” đặc công giải phóng lại chỉ được trang bị như vậy. Như sau này thiếu tướng Mai Năng hồi tưởng: “Với số vũ khí ít ỏi, chúng tôi chỉ có thể đánh bằng quyết tâm và niềm tin sắt đá”.

    Cờ giải phóng tung bay

    Trong hai ngày 18 và 19-4, sở chỉ huy tiền phương của quân chủng hải quân ở Đà Nẵng tổ chức rút kinh nghiệm việc giải phóng Song Tử Tây.

    Đại tá Quế nói cách đánh đảo Song Tử Tây sau này được các nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đúc kết lại là: lợi dụng thế hợp pháp làm ăn của ngư dân, bộ đội ta giả dạng thành tàu cá, ban ngày tiếp cận mục tiêu quan sát nắm đối phương, thăm dò phản ứng, lợi dụng đêm tối, bất ngờ, nhanh chóng dùng xuồng đổ bộ lên đảo, chia thành nhiều mũi đồng loạt tiến công.

    Trong cách đánh này, người lính đặc công một mặt dựa vào yếu tố thủy triều để tiếp cận mục tiêu, mặt khác dựa vào ánh trăng để quan sát đảo. Đây cũng là cách đánh được áp dụng cho việc giải phóng một số mục tiêu khác trong quần đảo Trường Sa.

    Theo thiếu tướng Mai Năng, ngày 20-4-1975 chủ trương tiếp quản các đảo còn lại trong quần đảo Trường Sa đã được truyền từ trên xuống. Ngay đêm hôm đó, lực lượng đi giải phóng các đảo đã được phân công cụ thể.

    Rạng sáng hôm sau, chiếc tàu có số hiệu 641 do ông Đỗ Việt Cường (đội phó đội 1 của đoàn 126, nay là chuẩn đô đốc, phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân) chỉ huy nhằm hướng mục tiêu đảo Sơn Ca thẳng tiến. Cũng như các con tàu trong biên đội đi đánh đảo Song Tử Tây, tàu 641 được cải trang thành tàu đánh cá và liên tục thay đổi biển số tàu.

    Kế hoạch dự kiến tàu 641 sẽ đánh vào đêm 23-4, nhưng trên đường gặp nhiều tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay Mỹ nên cấp trên đồng ý cho tàu 641 lùi thời điểm tấn công... Đúng 2g sáng 25-4, quân ta đổ bộ lên đảo Sơn Ca. Đến 2g30, toàn bộ các mũi tiến công đồng loạt chỉ sau nửa giờ. Cờ giải phóng tung bay trên đảo Sơn Ca.

    Kỷ niệm của người lính già

    Đêm 26-4, chỉ huy trưởng Mai Năng nhận được bức điện từ cấp trên với nội dung: “Đối phương đã có lệnh rút khỏi đảo Nam Yết đêm nay, các anh quan sát, nếu địch không phát hiện thì tổ chức đánh từ phía sau, nếu không thực hiện được thì ngụy trang ở khu vực lân cận chờ địch rút ra, cho lực lượng lên chiếm đảo”.

    Ngày 27-4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Cấp trên giao cho chỉ huy trưởng Mai Năng ở lại đảo Nam Yết. Ngày 28-4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất... Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc.

    Chúng tôi hỏi ông Mai Năng về cảm giác những ngày đầu sống giữa biển Đông, vị tướng đặc công già ánh mắt xa xăm nhớ lại: đó là những ngày trời nước mênh mông, niềm vui giải phóng đảo quá to lớn, choán hết mọi suy nghĩ. Làm bạn với lính đặc công trên đảo lúc bấy giờ là bạt ngàn chim biển và những đàn vích nhiều không đếm nổi.

    Sáng 30-4-1975, Phó tư lệnh Hoàng Hữu Thái lệnh cho tàu 673 trở về đảo Nam Yết để đón chỉ huy trưởng Mai Năng về đất liền nhận nhiệm vụ mới.

    Có một câu chuyện mà đến tận 35 năm sau thiếu tướng Mai Năng mới kể lại cho chúng tôi nghe bên giường bệnh. Một lần, sau khi giải phóng một mục tiêu trong quần đảo Trường Sa, chỉ huy trưởng Mai Năng đã gặp và hỏi những binh sĩ Sài Gòn về lý do họ quyết định đầu hàng dù trước đó đã có sự chống trả.

    Câu trả lời thật sự khiến ông bất ngờ: “Sau khi đã nhận biết đối phương qua giọng nói thì chúng tôi bình tĩnh hơn, vì lực lượng giải phóng đảo là quân đội miền Bắc, đều là đất nước VN cả!”. Câu nói đó dù 35 năm đã trôi qua, vị tướng già vẫn không bao giờ quên được.

     VÕ THÀNH - HÀ HƯƠNG

     

    “Tập trung chụp những gì nêu bật chủ quyền”

    Tháng 5-1975. Những ngày đầu tiên hòa bình, không dừng lại ở Sài Gòn, tôi và người cộng sự ở báo Quân Đội Nhân Dân được lệnh của Bộ Tổng tham mưu di chuyển ngược ra một quân cảng ở miền Trung để lên tàu thẳng hướng Trường Sa.

    Đó là chuyến tàu nằm trong biên đội gồm ba chiếc tàu chờ đầy vũ khí, khí tài quân sự được ngụy trang thành tàu đánh cá, ra tiếp vận gấp cho lực lượng tiên phong đi giải phóng Trường Sa nhằm củng cố hệ thống phòng thủ, bảo vệ đảo. Trên tàu lúc bấy giờ có Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái.

    Khi tàu rời bến, anh Hoàng Hữu Thái nhắc nhở chúng tôi chỉ nên tập trung vào những gì nêu bật chủ quyền của VN (cột mốc chủ quyền, cờ VN, bộ đội luyện tập). Giờ đây, nhìn những tấm hình chụp ở Trường Sa ngày đầu giải phóng đã nhuốm màu thời gian, nhưng nụ cười của người lính giải phóng vẫn rạng ngời. Phía xa xa, đàn chim biển vỗ cánh đầy trời. Đó là Trường Sa những ngày đầu giải phóng... Tôi thấy thật tự hào về những ngày tháng Trường Sa hào hùng.

    Nguyễn Khắc Xuể (nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân Dân)

     

    Kỳ cuối: Tháng 4 sau 35 năm

    Đoàn công tác của TP.HCM đi Trường Sa đúng dịp tháng 4 sau 35 năm đất nước hòa bình, giang sơn về một mối. Nơi đây bây giờ đã trở thành điểm đến của những chuyến đi nối đất mẹ với dải đất tiền tiêu của Tổ quốc giữa biển Đông.

    Biển tháng 4 lặng gió. Sóng nước chỉ vỗ lăn tăn theo mạn thuyền. Con tàu HQ-960 cứu hộ hiện đại của hải quân thẳng tiến hướng mặt trời mọc.

    Đảo Cô Lin tiền tiêu

    “Nếu Trường Sa là tiền tiêu của cả nước thì Cô Lin là tiền tiêu của Trường Sa” - chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, phó tư lệnh hải quân, nói khi tàu đến đảo Cô Lin (nằm ở khu vực giữa quần đảo Trường Sa). Các chiến sĩ hải quân vẫn ngày ngày “luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hi sinh trong mọi tình huống” mặc dù ai nấy đều thấm nhuần tinh thần giữ hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế.

    Khi tàu HQ-960 rời Cô Lin cũng là lúc cả đoàn tập trung lên boong tàu làm lễ tưởng niệm những cán bộ chiến sĩ hải quân VN đã hi sinh tại đây. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo đọc diễn văn: “Các đồng chí đã anh dũng chiến đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ, thương tiếc các đồng chí đã nằm lại với biển khơi”.

    Tất cả đứng nghiêm mặc niệm các anh. Nhiều khóe mắt đỏ hoe, nhiều cánh tay đưa lên lau nước mắt.

    Vị tướng, chuẩn đô đốc cũng nghèn nghẹn, rưng rưng: “Trong niềm xúc động sâu sắc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí, thắp nén nhang, thả vòng hoa tưởng niệm tưởng nhớ tới hương hồn các đồng chí. Mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

    Ở Trường Sa, các anh lính đảo dù bất kỳ tình huống nào đều hiểu rõ nhiệm vụ số một ở nơi đầu sóng là giữ đảo, giữ bình yên cho cả biển Đông.

    Đảo Trường Sa Lớn bây giờ đang như một công trường. Hàng loạt công trình đường sá, nhà khách, đền chùa đang tiếp tục thi công. Các chuyến tàu vào ra ngày càng tấp nập, hối hả. Có người đến người đi và cũng có người đã nằm lại mãi mãi nơi này.

    Mộ chàng trai Hoàng Văn Nghĩa, 24 tuổi, nằm trên bãi cát trắng bên hàng cây phong ba. Nghĩa là nhân viên Trạm khí tượng hải văn Trường Sa, đã ra đảo 15 tháng. Công việc hằng ngày của Nghĩa là đo đạc số liệu hải văn để báo về Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ. Số liệu sẽ được chuyển đến Tổ chức Khí tượng thế giới vì đây là trạm phát báo quốc tế.

    Trưởng trạm Đào Bá Cao kể lại: sáng 21-3-2010 cũng như những ngày bình thường khác, Nghĩa ra cầu cảng Trường Sa đo đạc mức nước nhưng đến hết ca trực mọi người không thấy Nghĩa về. Cả đảo đi tìm. Cầu cảng là khu vực nước sâu. Xác Nghĩa đã trôi cách cầu cảng 200m.

    Bàn thờ Nghĩa đặt ngay ở Trạm khí tượng hải văn Trường Sa. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo vừa ra Trường Sa đã viếng mộ Nghĩa như viếng mộ một người lính.

    Đảo là nhà, biển cả là quê hương

    Nhìn từ xa, đảo nổi Sinh Tồn, Trường Sa Lớn như những cù lao nhô lên giữa biển trời bao la. Cả chuỗi đảo chạy dài ngoài biển Đông như một lá chắn lớn che cả biển và bờ đất nước. Nhưng nơi ấy vì cách quá xa đất liền nên vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ.

    Nếu chưa ra đảo khó hình dung được từng cọng rau, từng giọt nước ngọt quý giá đến cỡ nào. Suốt mấy tháng nay trời nắng như thiêu đốt, không có lấy một giọt mưa. Những thùng chứa, bể trữ nước ngọt trên các đảo cạn dần. Rau xanh chỉ được tưới bằng những ca nước tận dụng sau khi rửa mặt, tắm giặt... Chuyện tiết kiệm nước ở đây trở thành một thói quen từ các cháu bé.

    Nhưng thiếu thốn vật chất dù nhiều dù ít đều có đất liền chi viện. Cái thiếu thốn khó bù đắp nhất có lẽ là hơi ấm gia đình. Cứ như phản xạ, hễ gặp các anh lính đảo hay bà con trên đảo, lời hỏi thăm đầu tiên của chúng tôi đều giông giống nhau rằng các anh các chị có nhớ nhà không dù ai cũng đoán được câu trả lời.

    Để động viên nhau, để truyền cho nhau hơi ấm giữa biển khơi, mọi người đều xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Câu khẩu hiệu ấy xuất hiện khắp mọi nơi.

    Trung úy hải quân Thái Đàm Hồng, 36 tuổi, phụ trách hệ thống điện trên đảo Sinh Tồn, kể anh may mắn hơn nhiều anh lính khác nhờ xuất hiện trên tivi hai lần nên người thân ở nhà đỡ nhớ. Đó là hai lần anh giao lưu trong chương trình cầu truyền hình nối Trường Sa với đất liền.

    Anh Hồng có thâm niên đi Trường Sa năm “tăng” (từ dùng của hải quân). Mỗi tăng đi hơn một năm, chuyển từ đảo Phan Vinh sang Nam Yết rồi Sinh Tồn, riêng Trường Sa Lớn đi hai tăng. Năm ngoái, đúng ngày sinh nhật con gái 3 tuổi, anh Hồng lại vác balô ra Trường Sa làm nhiệm vụ cho đến nay.

    Dẫn đầu đoàn công tác thăm Trường Sa, bà Huỳnh Thị Nhân, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nói đại ý: các anh có mặt ở đây đã là sự hi sinh lớn lắm rồi. Quả thật sự hi sinh tình cảm gia đình làm sao cân đong đo đếm được dù các anh rất ít khi nhắc đến. Ra đảo hơn một năm nay, thiếu úy Nguyễn Đức Trường luôn đặt tấm ảnh cưới bên chiếc gối ở đầu giường - tấm ảnh duy nhất anh kịp mang ra Trường Sa sau khi cưới vợ tháng 2 năm ngoái. Trường tâm sự: “Tháng 7 này về phép mình phấn đấu có con”.

    Mỗi anh lính là một hoàn cảnh. Có người chỉ kịp cưới vợ, chưa kịp có con, có người có con nhưng chưa nhìn thấy mặt con vì ra đảo lúc vợ đang mang thai. Có người đi lâu quá, người yêu ở nhà đã lấy chồng. Các anh lính đảo bảo rằng ra đảo riết rồi quen, về đất liền thấy xô bồ, chật chội...

    Trường Sa bây giờ không còn xa khi nước nhà đã thống nhất nhưng đó vẫn là dải đất luôn phải đương đầu với bao hiểm nguy, nắng gió, bão tố khắc nghiệt. Xưa kia cha ông ta xác lập chủ quyền bằng những chiếc thuyền gỗ, nay ta đã có tàu sắt hiện đại thì không có lý do gì ngại gian khó.

    Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước giữ từng mét đất, từng sải nước Trường Sa.

    Cả nước đang đầu tư cho Trường Sa để biến địa bàn có vị trí chiến lược và đầy tiềm năng này thành một đô thị lung linh ánh đèn giữa biển Đông.

    XUÂN TRUNG

    Trường Sa không còn xa khi nước nhà đã thống nhất nhưng đó vẫn là dải đất luôn phải đương đầu với bao hiểm nguy, nắng gió và bão tố khắc nghiệt... Nơi đây giờ đã là điểm đến thường xuyên của những chuyến đi nối liền đất mẹ...

    Nguồn: tuoitre.vn

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,716,034

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!