Tìm kiếm

Lượt truy cập

  • Tổng truy cập47,710,292

Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

     

    Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

    *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

    WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

    Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

    The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

    Enjoy life, enjoy Arita experience!

Những bài báo

Cứ tiếp tục tình tự trong sáng

Tư liệu

  • Thứ ba, 16:34 Ngày 06/07/2010
  • Vanvn.net không hoàn toàn nhất trí với lối hành văn đáo để, đã tính xếp lại, nhưng có lẽ mọi sự đổi mới cần đôi chút cực đoan quyết liệt và nhất là xả thân vì văn chương? Đằng khác, sự đáo để ấy lại có lý, chẳng hạn: “Thậm chí trích dẫn số 3, chưa hả hê với những gán ghép sai lệch, ông còn ác ý viết sai từ của nhà văn. “Sáng ngời những hiền thục”, bị ông chế thành “sáng ngời những hiện thực”. “Vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào, hương trầm oản mời, đôi mắt sâu ánh ướt” đẹp hiển lộ phơi mở thế, mà ông cũng không thấy nổi, thì ông đâu có “kiên trì cẩn trọng” khi phê bình văn học”. Cho nên, sau khi đã lược bỏ những đoạn gay gắt không cần thiết (phần trong dấu ngoặc đơn), chúng tôi cho hiển thị bài viết này.

    Với tôi, sau Nguyễn Tuân, Thạch Lam, ở thể tuỳ bút, Nguyễn Tham Thiện Kế là nhà văn hiếm hoi đủ sức chinh phục độc giả, xứng đáng tìm đọc. Tôi như quên đang ở tháng Sáu mùa Hè khi đọc lại Với hoa đào năm cũ. Xung động dẫn dắt tôi đến miền đẹp mà ông đã tạo ra bằng những bộ phim trên giấy của mình.

    Cám dỗ khởi từ 2008, khi đọc các tuỳ bút ông viết cho mục Thư Thăng Long của báo điện tử Việt Nam Net do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phụ trách. Ngay từ tuỳ bút đầu tiên Lời nguyện cầu cho hồ Tây, ông gửi cho mục này, đã khiến tôi bàng hoàng về một hồ Tây khác. Hồ Tây mà tôi muốn tìm lại, níu giữ kia, đang vỗ sóng trong văn Nguyễn Tham Thiện Kế. Bàng hoàng bởi hoà cảm của thương nhớ hồ Tây trong nhớ thương Hà Nội: “Mỗi khi nhắc, nghĩ về một Hà Nội, thì tôi, và có lẽ cũng như nhiều ai khác dù chưa kịp hình dung thì đã lấp loang trong trí miền không gian sáng bừng đủ rộng để hoang mang, đủ dài để thương nhớ: Hồ Tây ... Bờ bê tông thì đã thay mép cỏ. Sen cũng gày và bớt thắm, sâm cầm thưa bay lại. Sương mùa mau tan, gà không muốn gáy cữ định ngày. Bóng ai đó xanh đang đi lên phía Dinh Đào.Tôi đang đứng ở bên hồ mà vẫn thương nhớ hồ Tây”. Chỉ với 8 tuỳ bút ấy, đã thấy tình yêu thiết tha ông dành cho Hà Nội. Tuỳ bút của Nguyễn Tham Thiện Kế đặc sắc nhất mục Thư Thăng Long.

    Từ câu mở “Tôi bước vào thung lũng hoa đào”, nhà văn đã gọi độc giả vào không gian của ông. Của ông, vì đất kinh kỳ không còn Dinh Đào nào nữa. Tôi đau Nhật Tân trong Tình tự Hà Nội trước 1.8.2008, đêm trước khi Hà Tây nhập vào Hà Nội. Còn Nguyễn Tham Thiện Kế đã tình tự Dinh Đào, không gian hồ Tây, sông Hồng, tình tự Hà Nội, tình tự trong tất cả câu chữ bằng si tình mê đắm. Mê đắm nghề văn, mê đắm điều mình viết, mới tạo nên những giai phẩm độc đáo không cưỡng nổi.

    Tôi “đi cùng” ông tới Dinh Đào. Một câu hay vài câu, tác giả lại xuống dòng. Như từng phân cảnh phim. Hình ảnh quyến luyến nhau không ngừng với những cỡ cảnh, góc quay điệu nghệ và sáng tạo. Mắt nhìn, giác quan người xem được đổi liên tục, hệt xem nghệ thuật thứ bảy, mà nhà quay phim tài ba, qua viseur (ống ngắm), những động tác máy quay phức tạp, chuyển tải tối đa mọi xúc cảm bằng ngôn ngữ hình ảnh chứa đựng ý tưởng mà ông ta muốn đưa đến khán giả. Nhà văn kiệm lời như đạo diễn dùng ít thoại, để nhân vật sự vật nói bằng ngôn ngữ hình ảnh. Phim như thế, không thể có từ đạo diễn lười lao động. Lười, kém tài, thì sẽ gây nhàm chán vì lười đổi cỡ cảnh, động tác máy, chỉ nói nhiều, biến hình thành minh hoạ, giống đa số phim truyền hình VN và Hàn Quốc. Tôi ấn tượng bởi các bộ phim giàu chất thơ: Bao giờ cho đến tháng Mười (quay phim Nguyễn Hữu Tuấn), Mùa ổi (quay phim Vũ Đức Tùng) của ĐD Đặng Nhật Minh, Mùi đu đủ xanh (giải Camera Vàng LHP Cannes), Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng và ám ảnh bởi các tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, một ĐD kiệt xuất xuất thân từ quay phim bậc thầy.

    Các ĐD này và nhiều tên tuổi lớn khác, nhắc đến phim của họ, hầu hết đều là phim tác giả. Tức là khi xây dựng nó, họ không lệ thuộc đồng nghiệp khác đang làm gì, công chúng sẽ đón nhận thế nào. Họ tự tin làm điều họ muốn, theo đúng phong cách của mình, kể cả phải trả giá. Họ chủ động dấn thân với khả năng khai mở, dẫn dắt, thậm chí áp đặt công chúng vào xu hướng của họ, bằng sáng tạo khác biệt của ĐD.

    Nguyễn Tham Thiện Kế đã làm phim tác giả, bằng văn chương.

    Tôi đã “đi cùng” ông, miên man trong Dinh Đào thế của cậu Bích về 30 năm trước. Hay sẽ “đi cùng” 30 năm sau?. Tôi không biết nữa. Đã mất số học rạch ròi. Vì “Phù sa lắng trên mặt cát, giàu khoáng chất dẻo mềm như lớp chocolate mới nấu, nứt nẻ, mép vỡ uốn cong sau mỗi lần sông ứ nước”. Vì thiếu nữ “Eo violin, giọng mềm ngọt như toả hương thơm”. Vì “Chồi đầm nõn ngời, vẫn còn nụ còn hoa. Màu hoa thắm, cánh dày, cân đối, đài hoa trắng phấn lông tơ phủ mờ màu xanh ngọc, ống nhụy đều, phấn hoa vàng mịn bám dính ríu cả cánh ong”.

    Những miêu tả tinh tế bằng ngôn ngữ chiết xuất cho người đọc khám phá hoa đào, thứ hoa đã quen dịp Tết đến Xuân về, trong xốn xang của phát hiện. Công phu, tình cảm của cậu Bích dành cho mỗi gốc đào được tôn vinh qua những dòng tưởng chừng là câu kể, về kỹ thuật chăm sóc và tạo tác dáng đào, cung cấp kiến thức, hiểu biết cho người đọc. Từ nay, mỗi lần mua đào, thưởng hoa, chúng ta biết trân trọng kỳ công của người trồng nó. Để qua đấy, qua kỹ càng miêu tả, nhà văn cho chúng ta thưởng lãm, chiêm ngắm vẻ đẹp mới của những gì tưởng chừng đã cũ. Ông giấu mình trong chuyển động của dolly (máy quay trên ray trượt) qua các góc nhìn trên mặt đất, mở rộng tầm mắt và thăng hoa người xem bằng những cú toàn cảnh trên cao bằng grue (cần cẩu) và zoom đánh thức sự nâng niu của mỗi người chai sạn khi cuộc sống ào ạt tốc độ thực dụng bủa vây, bằng các đặc tả, cận cảnh. Chúng ta vội vã quay cuồng mưu sinh đến mức lướt vội, băng nhanh, lãng đi, qua loa đại khái nhiều điều. Nhiều người đánh mất khả năng tưởng tượng và giới tính, sống không đúng mình, tâm hồn cằn cỗi.

    Sự tỉ mỉ dụng công của Nguyễn Tham Thiện Kế, cho thấy ông lao động nghiêm túc và yêu tiếng Việt nhường nào. Yêu thì mới làm phong phú nó bằng cách diễn đạt khác, tạo nét nghĩa mới cho những từ vốn đã quen, tạo từ mới, đổi sắc thái bằng tu từ điêu luyện.

    Không phải “tôi” trong tuỳ bút đã bị dáng đẹp giọng đẹp thôi miên phải “theo chân người ta vượt đê, cắt lộ nhựa về tận nơi những gốc đào cũ”, mà tôi, một phụ nữ, đã bị hấp dẫn trước vẻ đẹp của Nàng “gái làng đào lảnh lót, quần lụa xoà kín gót, áo nâu thắt eo, nón ánh trắng loà loà, tung tẩy đôi sảo tre ra bãi sông kĩu kịt vớt váng phù sa” và “sáng ngời những hiền thục, má nàng bừng sắc đào, nhíu mày liễu”. Tôi ngầm thúc giục tác giả yêu Nàng, mặc kệ bà mợ nhìn “sự bơ vơ trong ánh mắt nửa thương xót cho tôi, nửa ái ngại cho cháu bà”. Tôi thấy thương tác giả khi bị đầu nhọn sợi dây đồng tạo khuôn dáng cho đào đâm vào tay nhỏ máu, chắc mới cảm mến, Nàng chỉ “kê cánh tay lên gối, xé khăn tay băng buộc vết thương”. Chứ không phải cầm lấy ngón tay “tôi” mà ngậm chặt cho cầm máu. Chắc là thế nên người đa tình ấy nhận ra “bàn tay bỗng dưng không đau nữa, mà chỉ thấy lồng ngực tôi nhói lên ấm ức”.

    Nhà văn không phải tay mơ, amateur (không chuyên), ông sành sỏi khi tả về đào, nâng kỹ thuật trồng, chăm đào lên thành nghệ thuật, ông trân trọng nhân vật của mình, nhất là cậu Bích. “ở xa, mỗi khi nhớ về miền hoa đào, tôi những chỉ nhớ đến cậu Bích trước”. Nhớ cậu Bích, để nhớ Nàng, đã “yên bình chồng con nơi xa lắm”. Niềm tương tư triền miên trong tiếc nuối tình cảm chớm nở thời thanh xuân đẹp nhất, đeo đẳng nhà văn, để ông ngưng bằng thổn thức “Ngửa lòng tay tôi nhìn. ở nơi xa lắm, Nàng có nhớ Dinh Đào nữa không”, tay không còn vết thương, cũng không còn sẹo, các nhánh chỉ tay chằng chịt đường đời. Tôi sa vào mê lộ đào, không muốn rời miền đẹp ấy, dù đọc nó thật chậm trong thụ hưởng, điều mà tôi luôn được nhận mỗi khi đọc tác phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế. Từ cảnh sắc, món ăn, thú uống rượu Tây, những chuyển động, nụ hôn và tình ái. Tất cả đều được quay kỹ, hầu hết đạt tầm nghệ thuật. Ông không chỉ thoả mãn ông, mà cho người xem được trải nghiệm cùng, qua hiểu biết, vốn sống, tri thức, bằng sự trọng thị, cầu kỳ.

    Tuỳ bút của ông là những bài thơ văn xuôi dập dìu nhạc điệu đan hình ảnh. Ngay khi dùng từ cũ, ông cũng kỹ lưỡng đổi nét nghĩa, sắp xếp từ bằng nhạc cảm thiên phú, như hoà âm phối khí lại cho những bản nhạc quen, để chúng có sức sống mới vang lên thật lạ khi trình tấu trước công chúng. Đọc Nguyễn Tham Thiện Kế, tôi lại nhớ đến nhà thơ Pháp Stéphane Mallarmé (1887 - 1985): “Kể từ khi ta chăm chút điều ta viết, chúng ta đã sáng tác thơ rồi”.

    Tôi đã đọc tuỳ bút này nhiều lần và ở lần 5, tôi xem đồng hồ: 20 phút, 20 phút đọc bằng thời gian chiếu 2 cuốn phim nhựa. Nguyễn Tham Thiện Kế quay tốc độ 48 hình/giây, để chiếu 24 hình/giây thành phim chậm 20 phút Với hoa đào năm cũ.

    Cách đây một tuần, tôi đọc Nhà văn số 5, tạp chí là một trong 4 ấn phẩm của Hội nhà văn gửi các hội viên, mục “Trao đổi” trang 137, in bài của Song Nguyễn “Về một truyện ngắn trong nước phải “dịch” ra tiếng Việt”, chê bai “Với hoa đào năm cũ” bằng luận điệu chụp mũ, xuyên tạc. Rồi 9 trích dẫn đánh số, với bình luận: “dùng từ sai nghĩa, câu văn què cụt, trật tự từ ngữ và cách diễn đạt rất trái khoáy kỳ quặc, không sao hiểu nổi, như đánh đố người đọc”. Mỗi trích dẫn, Song Nguyễn lại bồi một lời bình, sự đối nghịch nực cười ở chỗ, các trích dẫn đều là những sáng tạo riêng có, thuộc hạng những câu hay nhất của tuỳ bút (mà khi in Văn nghệ, biên tập viên đã ghi thành truyện ngắn) lại bị bình phẩm bởi người không biết sáng tạo đặc thù của nghệ thuật.

    Chính từ phê phán ở tầm đáy của sơ đẳng của Song Nguyễn, tôi đoán là một quý ông, không, có thể là một quý ông hợp sức cùng một vài quý ông khác, để “song tấu”, thậm chí “tam tứ tấu” bài viết bằng thái độ hằn học, mạt sát, đố kỵ.

    Nếu thực sự trân trọng văn chương là “sản phẩm tinh thần cao quý”, các ông phải biết nhận thấy đâu là văn chương. Tôi tin quý ông không phải người có “trình độ thẩm mỹ tốt và ham chuộng văn chương”, bởi nếu được thế, ở đẳng cấp độc giả cao cấp ấy, ông đã không hấp tấp phủ nhận tác phẩm một cách thiếu thiện chí, không hề có tính xây dựng.

    Thậm chí trích dẫn số 3, chưa hả hê với những gán ghép sai lệch, ông còn ác ý viết sai từ của nhà văn. “Sáng ngời những hiền thục”, bị ông chế thành “sáng ngời những hiện thực”. “Vẻ phong nhiêu ngoại ô hoa đào, hương trầm oản mời, đôi mắt sâu ánh ướt” đẹp hiển lộ phơi mở thế, mà ông cũng không thấy nổi, thì ông đâu có “kiên trì cẩn trọng” khi phê bình văn học. Đây không phải bài phê bình, vì không có lý luận văn học.

    Tôi cần hỏi ông về sự hổ thẹn, khi ông dám gửi bài viết non kém này tới tuần báo Văn nghệ, bị từ chối, ông lại gửi tới tạp chí Nhà văn. Hội nhà văn Việt Nam là Hội nghề nghiệp lớn nhất trong các Hội nghệ thuật nước ta. Báo, tạp chí của Hội để đăng tải những bài có tính chuyên môn, chất lượng nghệ thuật ít nhất ở mức “sạch nước cản” chấp nhận được, sao Nhà văn lại cho in bài viết trình độ yếu của Song Nguyễn?

    Tôi đã hỏi TBT Nguyễn Trác, rồi thấy cần cảm ơn ông, chính vì ông cho in bài ấy, những người cầm bút tận tụy với nghề, lao động đích thực, mới càng thấy rõ, độc giả cũng có dăm bảy loại. Bài gần 2000 chữ mà lặp câu, lặp ý, không đưa một chính kiến nào có giá trị, của riêng. Ông không “tự đánh mất mình” vì ông chưa và có lẽ không bao giờ khẳng định được mình. Ông không hề trân trọng chúng tôi – những nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp, chứ chưa nói tới những tài danh lừng lẫy trong và ngoài nước mà ông nhắc hay đưa vào cho “oai”. Sự cẩu thả vô lối, làm ông tự lạc giữa rối rắm u mê, từ kiến thức nhập môn, đã khiến độc giả bực mình. Một cụm từ hay, một câu văn đẹp, ông không biết, không cảm thụ thì sao lại dám bêu riếu một áng văn hay, lại đòi những “sản phẩm tinh thần cao quý, đặc sản, kim cương”?! Thưa ông Song Nguyễn, ông còn ngạo mạn khuyên, thêm chủ ngữ, sửa mệnh đề cho nhà văn, để chúng “trở thành câu hoàn chỉnh” khi bài của mình luận điểm, kiến thức lỗ mỗ, viết cái tâm không trong sáng, ông khiến tôi thương hại. Thành ngữ “điếc không sợ súng” lập tức hợp với cảnh huống này. Tôi “phục” nhất ông sự liều. Ông liều thật, liều quá khi gửi in bài này ở một tạp chí chuyên môn của Hội nhà văn VN. Các luận điểm cóp nhặt và chắp vá của ông, là cách tự khai trình độ tầm “học sinh phổ thông và người làm nghề không phải thường xuyên sử dụng ngòi bút”. Bởi chúng quá, lạc hậu, và phản cảm. Hơn cả, chúng tôi thấy bực mình và không được tôn trọng khi ông dám dạy và khuyên một đồng nghiệp của chúng tôi bằng quan điểm lạc lõng, lẩm cẩm, đến mức lệch pha. Những cảm giác mà ông có và loay hoay đặt vào tác phẩm phản ánh sự bịa đặt cố ý và mức độ hiểu biết quá hạn hẹp.

    (...)

    Không ai, không đâu quy định câu văn, câu thơ phải đủ chủ ngữ, phải đúng câu ngữ pháp. Phá cách này, Trần Dần, Lê Đạt, đã làm từ 60 năm trước. Không ai máy móc đến dốt nát để căn vặn tại sao chủ ngữ không ở đầu câu văn hay câu thơ. Văn hay thơ hoàn toàn có quyền cho chủ ngữ về cuối câu hoặc có những đoạn không cần chủ ngữ. Khái niệm “câu đặc biệt” chỉ có một từ, đã ở sách giáo khoa cấp 2 (THCS). Việc phá, đổi cấu trúc câu, xáo trộn nghĩa của từ, ngắt câu, ngắt dòng đột ngột, với những dấu chấm “giật cả mình”, từng được coi là đột phá, được các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, nghiên cứu riêng, đã là hiện tượng gần 20 năm trước. Giờ đây, cách viết ấy chỉ là một kỹ thuật của hình thức biểu hiện.Tôi sẽ không bàn về văn chương đương đại với một “người Việt” mơ hồ vắng mặt, bởi thấy rõ quý ông quẩn quanh bế tắc dài dòng từ nhập đề đến kết luận, không nắm bắt văn chương hiện đại thế nào mà lại “dũng cảm” sửa văn, bắt bẻ nhà văn đầy chất hiện đại. Ông kiên trì lặp đi lặp lại ý mình, như cố cải tiến xe hơi Ferrari sang trọng thành công nông hoặc một ô tô Hàn Quốc chắp vá mà sử dụng nó sẽ gây tai nạn.

    Chỉ có những nhà văn nhà thơ có trí tưởng tượng phong nhiêu, kiến văn rộng, tâm hồn và lượng từ vựng giàu có mới có thể tư duy hình ảnh triền miên.

    Đây cũng chính là một tiêu chí để đánh giá tính đương đại, hiện đại của mỗi tác giả. Nguyễn Tham Thiện Kế có phẩm chất ấy.

    (…)

    Khi Song Nguyễn bài bác tuỳ bút này phải “dịch” ra tiếng Việt, vô hình chung ông khẳng định nó “Tây”. Đấy lại là lời khen mà ông không biết. Hồn Việt, chữ Việt mà viết hiện đại như Tây, đâu phải ai cũng làm được. VN không có Hàn lâm viện. Nếu không đến Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học để tìm hiểu, Song Nguyễn nên đọc thêm sách và tra lại lịch sử.

    Tôi muốn ngợi ca Marguerite Duras, nhà văn nổi tiếng của Pháp, sinh 4/4/1914 tại Gia Định, Sài Gòn. ấu thơ đến thời thiếu nữ, mối tình đầu, đều ở Nam Kỳ. Cuộc tình sét đánh trên chuyến phà nối Vĩnh Long với Sa Đéc, bà và một người đàn ông Trung Hoa yêu nhau. Dấu ấn VN không chỉ trong các bối cảnh bà đưa vào tiểu thuyết tự truyện Người tình, bà còn đưa nhịp điệu tiếng Việt, âm hưởng Việt vào văn, với cách sử dụng tiếng Pháp hoàn toàn khác biệt. Tác phẩm nhận Goncourt 1984, giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Năm 1992, ĐD Jean Jacques Annaud làm phim từ tiểu thuyết này, phim thành công vang dội. Dấu ấn ngữ pháp pha trộn Việt ấy còn xuất hiện tiếp ở Người tình Hoa Bắc, Đập ngăn Thái Bình Dương. M.Duras cũng là biên kịch phim Hiroshima tình yêu của tôi (1959, ĐD Alain Resnais) gây chấn động.

    Với hoa đào năm cũ và những tác phẩm khác, qua thủ pháp cường thực của nhà văn, đã làm tôi phải kìm giữ để duy trì được sự cân bằng tuyệt diệu qua đại ngàn hình ảnh được viết bằng cảm xúc đằm mãnh liệt. Ông quan niệm: “Viết văn là sáng tạo, đưa ra cái đẹp của hình ảnh thông qua hệ ngôn ngữ truyền tới người xem những cảm giác mới lạ”. Mỗi lần đọc một tác phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế, độc giả lại được nhà văn nâng niu trao một hạt ngọc. Đọc nhà văn này một cách hệ thống, tôi và các độc giả nhận thêm một chuỗi ngọc cho tâm hồn mình. Trữ lượng từ vựng nhiều Megabytes cho phép ông phóng tay tuôn đẫm mỹ từ. Mỗi dòng văn của ông là một lời tình, mỗi tác phẩm là cuộc tình tự đắm mê với văn chương, những gì ông viết và người ông hướng tới.

    6.6.2010

    Vi Thùy Linh

    Hoinhavanvietnam.vn

     

     

     

    Tìm kiếm

    Lượt truy cập

    • Tổng truy cập47,710,292

    Công ty TNHH TM DV Green Leaf Việt Nam

       

      Là Công ty Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng đầu Việt Nam! Năm 2019, Green Leaf VN có hơn 500 xe du lịch từ 4 chỗ đến 50 chỗ, đời mới, đạt 150 ngàn lượt xuất bãi. Tỷ lệ đón khách thành công, đúng giờ đạt 99.97%.

      *Nhân viên chăm sóc khách hàng người Nhật luôn tạo sự yên tâm và tin tưởng cho khách hàng...

    Arita Rivera Hotel: Sông Hàn một bên, bãi biển Mỹ Khê một bên! Khung cảnh lãng mạn, tiện nghi hoàn hảo.

      WELCOME TO EX LUXURY DA NANG (PREVIOUSLY NAME ARITA RIVERA)

      Located by the romantic Han River with an unique architectural, Arita Rivera is truly the classy boutique hotel in this beautiful coastal city. With unique architecture, using the balcony as a highlight for airy space, all rooms are modern, comfortable. This is a paradise for couples who want to experience romantic vacations.

      The Arita Restaurant & Bar on the 11th floor is open 24/7. This is where you can enjoy fine Asian and European cuisine from professional chefs, enjoy unique cocktails and view the city from the brightly-colored banks of the Han River or relax at the rooftop infinitive swimming pool.

      Enjoy life, enjoy Arita experience!